Hoạt động khai thác dầu mỏ của Malaysia tại vùng Biển Đông tranh chấp đã làm bùng phát cuộc đối đầu giữa 5 nước hồi tháng 4/2020 khi các lực lượng trên biển của Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và Úc hoạt động trong phạm vi tương đối gần nhau. Khi nhóm tấn công viễn chinh của Hải quân Mỹ rời đi sau khi lưu lại một vài ngày trong khu vực tranh chấp trên, một số nhà quan sát cho rằng hành động đáp trả của Mỹ mang tính tự phát (không có nước nào lên tiếng nhờ Washington giúp đỡ), không đủ mạnh và còn khiến Bắc Kinh bạo trợn hơn. Trong thời gian vài tuần đầu, những cáo buộc như vậy bị cho là quá vội vàng, song cũng bộc lộ sự yếu kém cố hữu trong cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề an ninh biển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù nhóm tàu tấn công của Mỹ có thể đã rời đi, song các lực lượng của Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện tại Biển Đông trên nhiều phương diện từ những tàu chiến nổi hạng nhỏ đến các máy bay ném bom chiến lược. Nhìn chung, Mỹ đã có bước tiến triển trong cách tiếp cận của mình ở Biển Đông song vẫn bỏ qua cơ hội để vươn tới các đối tác Đông Nam Á của mình.

Mỹ và "Sứ mệnh West Capella"

Khi tập đoàn dầu khí quốc gia của Malaysia, Petronas, ký hợp đồng với tàu khoan dầu West Capella để khai thác dầu ở khu vực có tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách điều tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng đội tàu hải cảnh và tàu bán vũ trang đến khu vực tàu West Capella đang hoạt động, vốn cũng nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đáp lại, Mỹ cũng điều động tàu chiến của mình đến khu vực tàu West Capella đang hoạt động và điều máy bay ném bom chiến lược đến Biển Đông.

Ngoài việc nhấn mạnh sự vắng bóng của một cường quốc ngự trị trong khu vực như một số nhà phân tích nhận định, các lực lượng liên quân của Mỹ đã huy động năng lực chiến đấu ở quy mô lớn trên khắp Biển Hoa Đông và Biển Đông bằng cách nâng cao khả năng phối hợp của các lực lượng được triển khai từ những căn cứ tiền tiêu cùng với việc triển khai nhanh các lực lượng từ lục địa Mỹ.

Hành động một mình?

Mặc dù phản ứng của Mỹ có thể gây ấn tượng, song sự xuất hiện chủ yếu là đơn độc của Washington đang làm dấy lên một câu hỏi quan trọng: Vì sao Mỹ không phối hợp với các đối tác khu vực, nhất là Malaysia, trong các hành động đáp trả của mình? Trong nhiều năm qua, Malaysia thường "im hơi lặng tiếng" trước những hành động quấy nhiễu của Bắc Kinh ở vùng lãnh hải của mình do quan điểm của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng vấn đề Biển Đông "cần là nơi không liên quan đến những tàu chiến hạng nặng". Malaysia đã do dự khi công khai thách thức Trung Quốc, do nước này vừa phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc vừa không có đủ sức mạnh biển.

Khi Mỹ không phát đi lời kêu gọi các nước khu vực tham gia hoạt động của mình, thậm chí chỉ là cảnh báo trước, thì những hoạt động của Washington tại vùng biển tranh chấp này đã gây ra những xáo trộn gây hiểu lầm không cần thiết. Giới hoạch định chính sách của Malaysia và các cơ quan quốc phòng nước này có thể không biết chắc liệu tàu hải quân của Mỹ hoạt động để hỗ trợ họ hay để thách thức những tuyên bố chủ quyền biển của Malaysia. Sự băn khoăn khó hiểu này hoàn toàn có thể tránh được. Mỹ đã cung cấp các mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo cho Malaysia theo Sáng kiến An ninh biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nên thiết lập những mạng lưới tương tự trên những tàu chiến. Việc chia sẻ thông tin hoạt động và những hình ảnh hoạt động đáng nhẽ phải là một yếu tố được lên kế hoạch từ trước trong hoạt động hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Chính việc không chia sẻ thông tin từ trước đã làm giảm giá trị của khí tài Mỹ trong mắt các đối tác của Mỹ ở khu vực.

Một giải thích khác cho sự thiếu vắng sự phối hợp từ trước có thể do Mỹ kỳ vọng Malaysia sẽ thể hiện hưởng ứng ở mức độ nào đó và bị kích động phản ứng cho dù Malaysia suy nghĩ như thế nào, nên đã hành động mà không có sự phản đối nào từ phía Malaysia. Trong khi chính phủ Malaysia vẫn chủ yếu không muốn lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, quan điểm các đối tác của Mỹ lại ngày càng cứng rắn hơn. Khi đó, có thể việc Mỹ phô diễn sự ủng hộ của mình là nhằm hướng đến đông đảo các nước khác trong khu vực, chứ không riêng gì Malaysia. Khi Việt Nam và Indonesia đều cho thấy họ không hề run sợ trước việc đẩy lùi những hoạt động biển nguy hiểm, mang tính chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc ở Biển Đông, thì đây chính là thời điểm hợp lý để Mỹ nói rõ sự ủng hộ của mình đối với các nước trong khu vực. Không một quốc gia có tranh chấp chủ quyền nào ở Biển Đông quên được việc Mỹ làm rối tung sự can dự của họ khi Trung Quốc xâm chiếm Bãi cạn Scarborough. Vì vậy, điều quan trọng là Mỹ cần tránh gợi lại ký ức tồi tệ này vào thời điểm nước này háo hức muốn thể hiện vai trò là một nhà đảm bảo an ninh được kiểm nghiệm về mặt thời gian trong khu vực.

Mỹ hoàn thành sứ mệnh?

Không có bằng chứng nào ngoài cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc cho thấy việc kéo dài sứ mệnh của nhóm tàu tấn công viễn chinh của Mỹ đã làm Trung Quốc bạo trợn hơn hay làm leo thang căng thẳng ở khu vực gần tàu khoan dầu West Capella. Nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Mỹ là khá lắng dịu, dù tin tức cho hay tàu khu trục Vũ Hán của Trung Quốc đã đi qua khu vực gần tàu khoan dầu nói trên cùng thời điểm tàu đổ bộ tối tân USS America đi qua khu vực này. Phản ứng của Bắc Kinh trước các hoạt động tự do hàng hải tiến hành cùng thời điểm này mang tính chất đối đầu hơn nhiều. Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không có bất kỳ cuộc đối đầu nào gần khu vực tàu West Capella và tình hình ở Biển Đông "về cơ bản ổn định".

Bài học từ "sứ mệnh West Capella"

Cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng Mỹ đối với cách hành xử mang tính chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những chỉ trích trong vòng 10 năm qua. Việc quản lý cách đối phó hiệu quả trước các lực lượng biển  của Trung Quốc đã thách thức lực lượng liên quân của Mỹ vốn chưa từng được huy động trong cuộc cạnh tranh với một đối thủ ngang tầm. Khi tàu West Capella kết thúc phần việc theo hợp đồng và rời khỏi khu vực tranh chấp, thì sự việc liên quan tàu khoan dầu này có thể được coi là một bước tiến trong cách tiếp cận của Mỹ khi đối đầu với Bắc Kinh và trấn an các đồng minh của Washington ở khu vực.

Tuy nhiên, xét về những bài học đúc rút được thì sự việc này cho thấy sự thất bại của Mỹ trong việc thông tin liên lạc những ý định của mình trên phạm rộng lớn hơn ở khu vực. Khi hành động một cách toàn diện hơn, Mỹ có thể đã xoa dịu được những quan ngại của các đối tác về những hành động của mình, đồng thời tạo cơ hội để thúc đẩy hợp tác.

Khi đánh giá phản ứng của Mỹ trước vụ đối đầu quanh tàu khoan dầu West Capella, một số vấn đề đã bộc lộ rõ nét. Mỹ đã thể hiện đáng kể năng lực tác chiến chung khi phản ứng trước hành động chèn ép trên biển của Trung Quốc. Sứ mệnh chung kéo dài hàng tuần liền đã làm lu mờ những chỉ trích cho rằng các lực lượng biển của Trung Quốc đã trở nên bạo trợn vì nhóm tấn công viễn chinh của Mỹ chỉ duy trì sứ mệnh của mình trong ngắn hạn ở khu vực. Mỹ có thể đã hành động mà không có lời đề nghị chính thức nào từ phía Malaysia, song rõ ràng điều này cho thấy ý định của Washington muốn đối đầu với hành xử mang tính chủ nghĩa xét lại của Bắc Kinh ở Biển Đông vào thời điểm cam go này. Cho dù gặt hái được những điều tích cực, song sứ mệnh của Mỹ liên quan cuộc đối đầu gần tàu West Capella vẫn vấp phải chỉ trích khi nước này đã thất bại trong việc lôi kéo các đối tác Đông Nam Á cùng tham gia sứ mệnh này ngay từ đầu với thông điệp liên quan đến những lợi ích của các quốc gia này.

Khẩu hiệu thường dùng lâu nay là "ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không" đã trở nên tẻ nhạt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và khẩu hiệu này được sử dụng thường xuyên đến mức trở thành gần như vô nghĩa. Phó Đô đốc Bill Merz, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, đã đưa ra thông điệp đúng đắn: "Mỹ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác của mình trong quá trình theo đuổi những lợi ích kinh tế hợp pháp của họ". Nếu như khẩu hiệu về tự do hàng hải và tự do hàng không mang tính xa xôi và lý thuyết, thì phát biểu của vị tướng hải quân này lại nói rõ rằng những nguyên tắc về tự do hàng hải và tự do bay này đóng vai trò trung tâm đối với sự thịnh vượng về kinh tế của các đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù hàng loạt các hoạt động tự do hàng hải và tự do hàng không có thể được coi là một bước tiến trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, song không thể đạt được thành công thực sự nếu không can dự và ủng hộ các nước tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này trong cuộc đấu tranh của họ nhằm bảo vệ nền kinh tế biển và bảo đảm chủ quyền của họ một cách ý nghĩa.

Blake Herzinger, một chuyên gia chính sách quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sĩ quan Hải quân Trù bị Mỹ. Bài viết được đăng trên  War on the Rocks.

Minh Anh (gt)