Cuộc tập trận bắn đạn thật trên khu vực Biển Đông của Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng về tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” của nước này. Nó đã vi phạm cam kết mà Trung Quốc đã ký với các nước láng giềng cách đây 8 năm. Ngày càng thấy rõ là Trung Quốc dùng DOC để gạt vấn đề tranh chấp ra khỏi chương trình nghị sự của khu vực, đồng thời tăng cường các tuyên bố về chủ quyền với hầu hết vùng biển khu vực này.

 

Về cơ bản, DOC là một văn bản chính trị nhưng lại có rất nhiều lỗ hổng. Mục đích chính là nhằm gửi đi một tín hiệu đến cộng đồng quốc tế, rằng khu vực Biển Đông không còn là một điểm nóng nữa, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc với ASEAN. Các cường quốc lớn có lợi ích trong việc tự do hàng hải phải đi qua vùng biển này sẽ ngồi im lặng bên lề trong khi thương mại & đầu tư ASEAN- Trung Quốc tăng vọt.

 

Tuy nhiên, lời hứa kiềm chế đã bị lờ đi. Trong khi một số nước củng cố các vị trí của mình trên quần đảo Trường Sa thì chính Trung Quốc đã có lập trường cứng rắn, đồng thời bắt đầu thể hiện điều đó với xung quanh. Căng thẳng leo thang trong 3 năm qua khi Bắc Kinh đe dọa một số công ty dầu lửa quốc tế hoạt động trong khu vực Biển Đông, hải quân Trung Quốc quấy rối tàu Mỹ và một số nước khác, đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá và bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam. Cùng lúc đó, hoạt động của nhóm công tác hỗn hợp ASEAN - Trung Quốc được thành lập với mục đích tìm kiếm biện pháp xây dựng lòng tin nhằm mục tiêu xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đã bị đình trệ do phía Trung Quốc bày tỏ sự thiếu nhiệt thành.

 

Sự biểu dương sức mạnh của Trung Quốc vừa qua khiến phần lớn các nước ĐNA, vốn đã quan ngại với sự mạnh bạo ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, sẽ coi đây như là một ví dụ thêm nữa về sự cứng rắn của nước này. Ít hy vọng tuyên bố của NT Clinton có thể tạo thuận lợi cho đối thoại đa phương, nhưng lời hứa về một vai trò an ninh chủ động hơn của Mỹ được đón nhận, nhất là các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền.

 

Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt việc Mỹ “quốc tế hóa” tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời cảnh báo chiến thuật của các nước lớn nhằm duy trì vị trí thống lĩnh trong khu vực có tranh chấp. Nhưng Trung Quốc cần hiểu rằng, khi NT Clinton đưa vấn đề Biển Đông ra ARF, hàng loạt các nước khác cũng xếp hàng sau để bày tỏ quan ngại gồm có Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunei, Indonesia, Australia, EU và Nhật.

 

Trung Quốc đã phạm một sai lầm chiến thuật khi coi Biển Đông như “lợi ích cốt lõi” của mình và gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cường quốc khu vực châu Á –Thái Bình Dương. Do đi quá xa, nước này đã buộc Mỹ phải vào cuộc. Một khi sự ồn ào qua đi, Bắc Kinh cần xem lại cách can dự với ASEAN nếu không muốn đẩy các nước hàng xóm của mình thành đồng minh của Mỹ.