Trung Quốc đã giải quyết được phần lớn vấn đề biên giới lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đây là việc cần thiết, có thể tập trung được tinh lực để phát triển kinh tế và thể hiện với thế giới Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm. Nhưng sự phức tạp trong chính sách quốc phòng xung quanh Trung Quốc khiến khó có thể đánh giá được Trung Quốc sẽ bảo vệ “chủ quyền không thể tranh cãi” trong trường hợp nào. Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên có khả năng phá vỡ “chuỗi đảo thứ nhất”, điều này sẽ có ảnh hưởng chiến lược lớn đối với cán cân tương quan lực lượng ở khu vực trong nhiều năm tới.

 

Chuyên gia về vấn đề khu vực Michael Auslin cho rằng đây là bước đầu tiên trong chiến lược “phòng ngự biển xa” mới nhất của Trung Quốc (khác với phòng ngự biển gần truyền thống), cho thấy Trung Quốc có ý định đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Đối với việc hải quân Trung Quốc ngày càng tự tin hơn, các nước Đông Nam Á rất khó hoan nghênh một cách tích cực. Mức độ phụ thuộc ngày càng lớn trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã xóa đi sự bất an của các nước trong khu vực đối với Trung Quốc. Nhưng vấn đề “Nam Hải” sẽ là hòn đá thử vàng cuối cùng để xem quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã chín muồi chưa.

 

Việc Trung Quốc đẩy nhanh hiện đại hóa hải quân sẽ khiến Trung Quốc khó xóa bỏ được sự lo ngại của các nước trong khu vực. Ngoài ra, bên trong các nước ASEAN tồn tại khoảng cách về chính trị và kinh tế, các nước này quan hệ với Trung Quốc đều theo đuổi lợi ích chiến lược riêng. Do đó, các nước ASEAN khó có thể đạt được sự đồng thuận nhằm ủng hộ một số nước thành viên giải quyết tranh chấp ở “Nam Hải” (Biển Đông).

 

Nhưng điều quan trọng hơn là các nước ASEAN cần phải hiểu Trung Quốc lo ngại việc thỏa hiệp trong vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) sẽ phát tín hiệu sai cho Đài Loan. Hơn nữa, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng tăng và sự lệ thuộc cao vào eo biển Malacca khiến Trung Quốc phải tính đến việc sử dụng biện pháp quân sự để bảo đảm nguồn cung. Đồng thời, Trung Quốc cũng cần phải hiểu cho dù Trung Quốc sử dụng vũ lực ở bất kỳ hình thức nào thì các nước ASEAN cũng không thể tha thứ, “sức hấp dẫn” của ngoại giao và kinh tế không đủ để giữ lòng tin chiến lược lâu dài.