Miller_IndiasFeebleFP_411.jpg

Trong tháng qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm Ấn Độ trong 2 ngày 4-5/10 với những thỏa thuận về quốc phòng, thương mại và công nghệ không gian trong chương trình nghị sự, cùng với đó là các cuộc thảo luận về chuyển giao quân sự ở Afghanistan. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ấn là khả năng Ấn Độ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Năm 2016, hai quốc gia này đã ký một thỏa thuận cho phép Ấn Độ mua 5 hệ thống tên lửa S-400 trị giá 5,8 tỷ USD. Thỏa thuận này đã thu hút sự chú ý của Mỹ, nước yêu cầu Ấn Độ không thực hiện hợp đồng.

Mỹ cho rằng hệ thống S-400 có thể sử dụng công nghệ quân sự nhạy cảm. Tháng 7/2017, Quốc hội Mỹ đã ban hành Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA), cho phép tổng thống áp đặt trừng phạt đối với những nước mua bán thiết bị quốc phòng từ các công ty nhất định ở Nga, Iran và Triều Tiên. Trong số những công ty này có Tập đoàn Phòng không và Không gian Almaz-Antey – nhà sản xuất S-400 của Nga.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh sau đó đối với đạo luật trên cho phép tổng thống miễn trừ trừng phạt trên cơ sở xem xét từng trường hợp cụ thể. Theo một bản tin trên báo The Hindu, Ấn Độ đã kêu gọi Mỹ miễn trừ trong tháng 7/2018 và một lần nữa trong tháng 9/2018 với 3 lý do: nước này sẽ không sử dụng các loại vũ khí chống lại Mỹ, không có hệ thống S-400 sẽ gây bất lợi cho các khả năng quân sự của Ấn Độ, và quan trọng là nước này đang giảm đáng kể sự phụ thuộc vào vũ khí quân sự hạng nặng của Nga. Suhasini Haidar - biên tập viên trang tin đối ngoại của báo The Hindu - nhận xét: “Thỏa thuận tên lửa S-400 là một thông điệp mà Ấn Độ gửi cho Mỹ rằng Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA) và các hiệp định quân sự khác không có nghĩa là Ấn Độ sẽ từ bỏ Nga - một trong những đồng minh lâu đời nhất của nước này”,  ám chỉ tới việc Mỹ và Ấn Độ ký COMCASA vào tháng trước, cho phép trao đổi công nghệ quốc phòng mã hóa nhạy cảm giữa hai nước.

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Putin không những được Washington mà cả Bắc Kinh theo dõi sát sao. Chuyến thăm này diễn ra đúng thời điểm Nga và Trung Quốc đang tăng cường các mối quan hệ song phương. Tháng 9 vừa qua, Nga đã tiến hành Vostok- 2018, cuộc tập trận quân sự lớn nhất của nước này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nga cũng đã mời Trung Quốc và Mông Cổ tham gia cuộc tập trận này. Trong quý 1/2018, khối lượng thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng 30%. Mối quan hệ giữa hai nước dựa trên một chương trình nghị sự chung - làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Washington nhận ra điều này và để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế, Mỹ đành thúc đẩy các mối quan hệ với Ấn Độ. “Ấn Độ có thể sẽ chịu thiệt hại đôi chút bởi vì quan hệ Ấn-Nga là điều khiến Trung Quốc nghi ngờ”, ông Nandan Unnikrishnan thuộc Quỹ Giám sát Nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi nói. “Quan hệ Ấn-Nga sẽ bị ảnh hưởng không chỉ vì sự gần gũi ngày càng gia tăng giữa Nga và Trung Quốc, mà còn bởi mối quan hệ Ấn-Mỹ”.

Tháng 3 /2018, Mỹ đã chính thức đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng điều này là nhằm duy trì sự tập trung chiến lược của nước này vào cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - “từ Hollywood cho tới Bollywood”. Ông Ashok Sajjanhar - Chủ tịch Viện nghiên cứu toàn cầu và là cựu nhân viên ngoại giao Ấn Độ - nói: “Trung Quốc thực sự không hào hứng với sự thay đổi tên gọi này bởi vì nó sẽ giúp Ấn Độ thêm nổi bật”. Nga ủng hộ việc sử dụng cụm từ "châu Á-Thái Bình Dương" hơn là một tên lóng mà Unnikrishnan gọi là một “khái niệm non trẻ” và “một nỗ lực để kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc ở các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” ở cấp độ địa chính trị.

Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dường như cho rằng Ấn Độ sẽ không muốn được xem là liên kết chiến lược với một nước và một nhóm cụ thể. “10 nước Đông Nam Á kết nối với hai đại dương lớn cả về địa lý và mật độ dân số”, ông phát biểu tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La hồi tháng 6 vừa qua, “Vì thế, sự rộng mở, sự đoàn kết và trung tâm ASEAN là trọng tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới”. Sự kết nối này không giới hạn đối với Trung Quốc và Nga. “Ở Tây Á, chúng ta có các mối quan hệ tốt với Israel, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Iran”, ông Sajjanhar nói thêm, “vì thế, trong một thế giới đa cực, chúng ta phải ủng hộ một chính sách liên kết đa phương, chứ không phải một chính sách phi liên kết”. Các cuộc gặp của ông Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Vũ Hán, Tổng thống Nga Putin ở Sochi, cuộc đối thoại 2+2 Ấn-Mỹ và thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 với Nga chứng minh cho tính đa cực này.

Tuy nhiên, Ấn Độ  đang phụ thuộc vào chiều sâu mối quan hệ với Nga để tạo không gian chiến lược đàm phán với các cường quốc thế giới khác. Các mối quan hệ quân sự giữa hai quốc gia này có từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, khi Liên Xô cung cấp các máy bay MiG 21 cho Ấn Độ, ngay sau cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Ông Unnikrishnan nói: “Ấn Độ ủng hộ một thế giới đa cực và không muốn làm bá chủ. Nga cũng có quan điểm tương tự. Vì thế, nếu cả hai nước giữ cam kết thì có thể hỗ trợ nhau tốt hơn”.

Theo “SCMP

Hương Trà (gt)