Vừa kết thúc cuộc diễn tập quân sự với Hàn Quốc, hàng không mẫu hạm USS George Washington và những chiến hạm khác của Mỹ chuyển ngay sang thăm Việt Nam và đã có cuộc huấn luyện hạm đội “không mang tính chiến đấu”, tất cả những hành động này đều nhằm vào Trung Quốc. Mỹ - Việt 2 tử thù thời kỳ chiến tranh ngày càng xích lại gần nhau hơn, điều đó không chỉ cho thấy bước chuyển ngoặt lớn về chính sách Châu Á –Thái Bình Dương của Mỹ và cũng cho thấy bố cục chiến lược khu vực Châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện sự thay đổi triệt để. Thời kỳ TTh Bush lấy trọng tâm là chống khủng bố toàn cầu, liên tiếp gây ra 2 cuộc chiến tranh tại hải ngoại với quy mô lớn là Afghanistan và Iraq, đã làm cho nhiều nước Đông Á, nhất là các nước Đông Nam Á có một cảm giác chung là Mỹ không coi trọng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ví dụ điển hình nhất là Mỹ vắng mặt tại diễn đàn khu vực ASEAN, tuy lãnh tụ các nước trong khu vực và các chuyên gia chiến lược an ninh không ngừng kêu gọi Mỹ cần phải coi trọng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi có địa vị ngày càng cao trên trường quốc tế. Nhưng trong suốt nhiệm kỳ, CP Bush vẫn chưa hề tăng cường được quan hệ với các nước trong khu vực này, mãi đến khi Obama lên nắm quyền thì tình hình này mới có thay đổi. Sự khác biệt lớn nhất trong chính sách ngoại giao của chính quyền Obama là gạt bỏ chủ nghĩa đơn phương của thời kỳ chính quyền Bush, thay thế áp dụng tư duy hợp tác đa phương. Không chỉ có việc NT Hillary đích thân tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN, Mỹ còn tham gia ký kết “Điều ước hợp tác hữu nghị Đông Á” mà Mỹ đã từng từ chối trước kia. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN năm 2009, Hillary đã từng lớn tiếng tuyên bố “Mỹ sẽ trở lại châu Á”, làm nổi bật việc châu Á được coi trọng trở lại, nhất là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trở thành nguồn động lực duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, điều đó càng khiến nó có vị trí quan trọng trong quyết sách của Mỹ. Tuy nhiên, không được phép né tránh một điều là chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama lấy Trung Quốc làm hạt nhân, do vậy, chính sách Trung Quốc của Mỹ cũng đã quyết định những ý tưởng chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khi mới lên nắm quyền, chính quyền Obama đã tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, điều này xuất phát từ những suy nghĩ khách quan, bao gồm vấn đề Iran, Bắc Triều Tiên và các vấn đề toàn cầu như ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, thay đổi khí hậu… đều cần sự hợp tác của Trung Quốc, bản thân Mỹ cũng cần sự giúp đỡ của Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc làm thay đổi chiến lược địa chính trị của Châu Á - Thái Bình Dương, đó mới là nhân tố mang tính kết cấu trong việc Mỹ tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc. Mỹ coi trọng hợp tác, xem nhẹ bao vây không chỉ biểu hiện bằng hành động trên thực tế, ví như việc nâng cấp tiêu điểm vốn tập trung vào “Đối thoại kinh tế chiến lược” lên thành “Đối thoại về chiến lược và kinh tế” với ý nghĩa toàn diện; và cũng thể hiện trong các quan niệm, ví dụ như thúc đẩy “tái bảo đảm chiến lược” với Trung Quốc, nhưng thực tế đã chứng minh, Trung Quốc coi sự thỏa hiệp của Mỹ là yếu đuối. Bắt đầu từ sự kiện Obama bị Bắc Kinh đối xử lạnh nhạt trong chuyến thăm Trung Hoa đại lục năm 2009 đến Hội nghị thay đổi khí hậu tại Copenhagen, sự kiện Google, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, sự kiện tàu “Thiên An” của Hàn Quốc cho đến những tranh chấp gần đây nhất tại “Nam Hải” (Biển Đông), những hành động tự ý đơn lẻ của Trung Quốc đã làm vết rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung ngày càng lớn. Nhưng sự ảnh hưởng sâu xa hơn đối với địa chính trị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chính là sự thay đổi rõ rệt về động thái của cả hai bên Mỹ - Trung. Trung Quốc trước kia luôn đi theo lời dạy của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu”, nhưng gần đây những hành động trên thế mạnh, thêm vào đó là sự nổi dậy của phái diều hâu trong quân đội của Trung Quốc, cho thấy lời giáo huấn của Đặng đã bị vứt bỏ. Sự thay đổi rõ rệt hơn nữa là, trước kia Trung Quốc thực hiện chính sách láng giềng hữu nghị, giữ kiềm chế về vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông), nhưng gần đây liên tục phô trương sức mạnh quân sự tại “Nam Hải” (Biển Đông) đã làm cho căng thẳng khu vực này leo thang. Đứng trước sự dồn ép của Trung Quốc, Mỹ buộc phải đưa ra sự quyết định, nhất là vào lúc Thuyết quốc lực Mỹ suy thoái đang bị lưu truyền khắp thế giới, Mỹ gần đây đã thể hiện rằng bản thân họ đã quay trở lại với quan điểm chủ nghĩa chiến lược, có thể “nói nhỏ nói nhẹ” nhưng phải “tay cầm gậy lớn”. Trước khi Mỹ - Hàn diễn tập quân sự, 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Mỹ đã vô cùng bất ngờ xuất hiện cùng lúc trong vùng biển phụ cận của Đại lục; tháng 7, NT Hillary đã tuyên bố công khai tại diễn đàn ASEAN vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) là “lợi ích quốc gia” của Mỹ, hàng không mẫu hạm USS George Washington tập trận với Hàn Quốc tại Hoàng Hải, thăm VN… đều muốn gửi thông điệp công khai cho Trung Quốc rằng: Mỹ quyết không để Trung Quốc làm chúa tể khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khi Mỹ tích cực can dự vào Châu Á - Thái Bình Dương, một xu thế khác đáng phải coi trọng là các nước trong khu vực bắt đầu tăng cường quan hệ với Mỹ; ngoài quan hệ Mỹ - Việt, Hàn Quốc đẩy lùi việc rút lại quyền chỉ huy quân sự thời chiến, Nhật Bản xích lại gần Mỹ, BTQP Indonesia công khai bày tỏ Mỹ cần phải giữ một vai trò nhất định trong vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông), bộ đội đặc chủng khôi phục hợp tác quân sự với Mỹ, cựu TTg Singapore Lý Quang Diệu cũng công khai kêu gọi Mỹ cần phải duy trì địa vị siêu cường quyền tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài những điều này, các nước cũng đua nhau tăng cường tiềm lực quân sự, Việt Nam mua của Nga 6 tàu ngầm Kilo và 12 máy bay chiến đầu SU-30, Australia quyết định mua 9 tàu ngầm và 100 máy bay chiến đấu F35 của Mỹ, Malaysia mua của Pháp 2 tàu ngầm động cơ Diesel, Indonesia gần đây cũng tuyên bố sắp có được tàu ngầm loại mới. Những diễn biến nêu trên cho thấy một xu thế hết sức rõ ràng, đó chính là địa chính trị của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã có những thay đổi căn bản. Mỹ tuy chưa có phát ngôn chính thức nhưng đã áp dụng chiến lược bao vây Trung Quốc một cách thực chất, các nước trong khu vực tuy không muốn công khai những xung đột với Trung Quốc nhưng lại đón chào sự can dự của Mỹ để làm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc, đồng thời phối hợp hành động với Mỹ. Trong một quá trình như vậy, Trung Quốc chắc chắn trở thành kẻ thua cuộc. Điều nực cười là mới 1 năm trước đây, cộng đồng quốc tế còn đang bàn bạc về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó tới Đông Nam Á. Trung Quốc thực sự phải tự cảnh tỉnh, vì một Bắc Triều Tiên mà đắc tội với tất cả các nước có đáng hay không, sao lại chỉ vì sự trỗi dậy kinh tế chỉ sau có một nước (Mỹ) mà để bị cô lập về ngoại giao? Hôm trước, Mã Anh Cửu có viện dẫn một câu nói của Mạnh Tử “duy nhân giả vi năng dĩ đại sự tiểu” (chỉ có những việc làm của người nhân đức thì mới có thể biến việc lớn thành việc nhỏ, không để bị các việc nhỏ vặt ảnh hưởng đến đại sự), có thể sẽ tìm ra lời giải đáp cho vấn đề này./.

 

 Bài đăng trên Thanh niên nhật báo - Đài Loan ngày 13/8