south-china-sea.jpg

 

Theo các nguồn thạo tin, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngầm chấp thuận yêu cầu của Đài Bắc về việc muốn mua hơn 60 chiếc tiêm kích F-16 do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Nếu được thực hiện, đây sẽ là thỏa thuận mua máy bay chiến đấu đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan kể từ năm 1992.

Mấy chục chiếc tiêm kích mới vẫn khó có thể làm thay đổi cán cân quân sự trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng lên, nhưng động thái này sẽ phát đi tín hiệu thể hiện Mỹ sẵn sàng ủng hộ Đài Loan. Wu Shang-su, một nhà nghiên cứu làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói: "Đối với Bắc Kinh, đây sẽ là một cú sốc lớn. Tuy nhiên, đó sẽ là một cú sốc chính trị hơn là cú sốc về mặt quân sự. Giống như là: 'Ồ, Mỹ không quan tâm Trung Quốc nghĩ gì'".

Khả năng thỏa thuận mua bán máy bay chiến đấu giữa Mỹ và Đài Loan sẽ được thực hiện chỉ là một trong số rất nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo này trong những tháng gần đây, ngay trong bối cảnh Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp đi tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại tốn kém hiện nay.

Mỹ cũng đã điều một tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan và tiếp đón lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn - khi bà quá cảnh tại Hawaii hồi tuần trước. Những điều này đã làm dấy lên sự phản đối từ phía Trung Quốc - quốc gia tuyên bố rằng những động thái như vậy là "cực kỳ nguy hiểm".

Mỹ một lần nữa trở nên quan tâm hơn tới Đài Loan sau khi xuất hiện những lời kêu gọi ở Washington rằng "toàn bộ chính phủ" cần nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc vượt qua Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp và quân sự.

Không nơi nào có thể cảm nhận được sự chuyển dịch sức mạnh rõ ràng như ở Đài Loan - hòn đảo 23,6 triệu dân mà Trung Quốc luôn muốn giành quyền kiểm soát cho dù đã 70 năm chia tách. Trong hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã dùng sức mạnh công nghiệp của mình để đầu tư lớn vào vũ khí quân dụng hạng nặng, xây dựng một lực lượng hải quân xếp hạng thế giới và triển khai dọc theo đường bờ biển các tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu ở Đài Loan.

Trong năm 2017, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm 1997 và gấp 23 lần Đài Loan.

Scott Harold, giám đốc của Trung tâm Chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn RAND, cho rằng những chiếc tiêm kích F-16 mới sẽ "không làm thay đổi căn bản khả năng quân sự của hai bờ Eo biển, cũng như cũng không thể loại bỏ mối đe dọa mà Trung Quốc đang tạo ra đối với Đài Loan". Tuy nhiên, ông nói: "Đài Loan sẽ tiếp tục cần đầu tư vào tên lửa, chiến tranh điện tử, mìn, những vũ khí truyền thống tiên tiến và những khả năng để tham gia chiến tranh phi đối xứng nhằm răn đe, và nếu cần thiết là đánh bại, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm ép buộc Đài Loan phải thống nhất với Trung Quốc".

Trong một báo cáo năm 2016, các nhà phân tích của RAND đã từng đánh giá rằng những tên lửa đạn đạo tầm ngắn tinh vi của Trung Quốc có thể "vươn tới nhiều căn cứ máy bay chiến đấu chính của Đài Loan và về cơ bản phá hủy tất cả" máy bay chiến đấu đang đậu ở trong đó, nếu xảy ra một cuộc xung đột. Còn những máy bay đang bay trên bầu trời sẽ phải đối mặt với các phi công Trung Quốc đang lái những máy bay như J-20 - máy bay tàng hình "thế hệ thứ năm" vốn được coi là đối thủ của những tiêm kích hiện đại F-22 và F-35 của hãng Lockheed.

Mặc dù vậy, thỏa thuận bán máy bay F-16 cho Đài Loan sẽ thể hiện một bước chuyển của Mỹ, quốc gia có nghĩa vụ bán "vũ khí có tính chất phòng ngự" cho Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979.

Các đời tổng thống Mỹ kể từ Bill Clinton đã nhiều lần từ chối yêu cầu của Đài Loan về việc mua thêm máy bay chiến đấu mới và những hệ thống vũ khí tiên tiến khác - động thái có thể chọc giận Bắc Kinh. Năm 2011, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama chỉ đồng ý nâng cấp những chiếc F-16 đã cũ của Đài Loan.

Trong chuyến thăm Hawaii hôm 27/3, Bà Thái Anh Văn đã nói rằng một thỏa thuận mua máy bay chiến đấu mới sẽ "củng cố đáng kể khả năng trên không và trên bộ của Đài Loan, làm tăng nhuệ khí chiến đấu và thể hiện với thế giới cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Đài Loan".

Những chiếc F-16 mà Đài Loan yêu cầu mua được quảng cáo là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến nhất trên thế giới, được trang bị radar và hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất, mặc dù mẫu F-16 nguyên bản đã có từ hơn 40 năm nay.

Những máy bay chiến đấu mới này sẽ giúp Đài Loan đáp trả các sự cố diễn ra hàng ngày như các cuộc xâm nhập vào không phận nhưng chưa đến mức dẫn tới chiến tranh, và giúp thu thập các dữ liệu trong các cuộc tuần tra thường kỳ.

Trung Quốc đã phản đối động thái Mỹ sẽ bán F-16 cho Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc đã gửi công hàm "phản đối mạnh mẽ" tới phía Mỹ, trong khi đó, Bộ Quốc phòng cảnh báo rằng động thái này sẽ làm trầm trọng thêm tranh cãi về việc Đại Lục và Đài Loan đều là một phần của "một Trung Quốc".

Trong một buổi họp báo ngày 28/3 tại Bắc Kinh, Đại tá Wu Qian nói: "Bất kể lời nói hay hành động nào phá hoại chính sách Một Trung Quốc đều đồng nghĩa với việc làm lung lay nền tảng mối quan hệ Trung-Mỹ, không phù hợp với những lợi ích cơ bản của Trung Quốc và Mỹ, và cũng cực kỳ nguy hiểm".

Thỏa thuận bán F-16 mới cho Đài Loan có thể là nhằm kiểm tra giới hạn cuối cùng của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình sẽ phải quyết định liệu ông có dám mạo hiểm thỏa thuận thương mại của ông với Trump hay thậm chí châm ngòi một cuộc xung đột giữa hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới nhằm ngăn chặn việc Mỹ bán vài chục chiếc máy bay chiến đấu cho Đài Loan hay không.

Trong một diễn biến khác, Mỹ từ chối yêu cầu của Đài Loan về việc mua tiêm kích F-35. Không chỉ bởi loại máy bay đắt đỏ này sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc phòng của Đài Loan, mà một thỏa thuận mua loại công nghệ quân sự hiện đại nhất của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc nổi giận.

Feng Shih-kuan, người đứng đầu cơ quan quốc phòng trong chính phủ của bà Thái Anh Văn tới tận tháng 2/3018 và hiện làm việc tại Viện nghiên cứu An ninh và Quốc phòng ở Đài Bắc, nói: "Việc có được F-16 vẫn là điều tốt hơn đối với Đài Loan. Đài Loan sẽ không buồn phiền chút nào nếu không có F-35".

Theo “Bloomberg”

Hùng Sơn (gt)