160608bcschumansouthchinasea-crop-editorial_schuman_SouthChinaSea_crop.jpg

Mìn hải quân (thủy lôi) là vũ khí cực kỳ hiệu quả. Các quả mìn do không quân Mỹ thả xuống biển Nhật Bản hồi năm 1945 trong chiến dịch “Starvation” đã đánh chìm nhiều tàu hơn các tàu ngầm Mỹ thực hiện trong các tháng cuối cùng của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong khi đó, các bẫy mìn dưới nước của ông Saddam Hussein đã đe dọa đến sự vượt trội của Hải quân Mỹ trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc”.

Tuy nhiên, khi máy bay ném bom B52-H thả thủy lôi Quickstrike vào ngày 23/9/2014, một điều khác biệt đã xảy ra: thay vì rơi xuống biển, thủy lôi đã trượt trên mặt nước thêm 40 hải lý (74 km) nữa, bởi đây là thủy lôi có cánh. Đây là loại vũ khí kết hợp giữa thủy lôi Quickstrike và Đầu đạn Tấn công Trực tiếp Liên quân (JDAM), đi kèm một ý tưởng thông minh đó là gắn thêm cánh và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào các quả bom truyền thống, do đó biến chúng thành các bom được dẫn đường với giá thành thấp. Thủy lôi Quickstrike được lắp thêm bộ cánh JDAM-ER, cho phép chúng trượt đi với khoảng cách khá dài. Vũ khí này, được gọi là GBU-62B(V-1)/B Quickstrike-ER, có tầm xa 40 hải lý (74 km) khi được phóng từ khoảng cách 35.000 feet (hơn 10 km).

Trong bài báo trên Tạp chí Sức mạnh Không quân và Vũ trụ, Đại tá Không quân Mỹ Michael Pietrucha viết: “Nỗ lực này đánh dấu bước tiến đầu tiên trong công nghệ vận chuyển mìn trên không kể từ năm 1943 và cho thấy khả năng mà về căn bản có thể thay đổi tiềm năng của mìn trên không trong môi trường có đe dọa”. Vấn đề đối với mìn không quân đó là nó rất nguy hiểm và cần sự khéo léo, đòi hỏi máy bay phải hạ xuống tầm thấp bất chấp hàng phòng không của kẻ thù. Mối đe dọa xung đột trên Biển Đông đã tập trung sự chú ý vào các vũ khí công nghệ cao như máy bay F-35 và tên lửa đạn đạo diệt hạm của Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của đầu đạn JDAM đó là nó sử dụng công nghệ tương đối cũ. Mìn Quickstrike- quả bom nặng 907 kg được định hình là một loại vũ khí dưới nước - có từ năm 1983 trong khi đầu đạn JDAM có giá khoảng 20.000 USD.

Ông Pietrucha vạch ra một số kịch bản mà ở đó các mìn “có cánh” của Mỹ có thể phát huy hiệu quả. "Trụ sở hạm đội Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Trạm Giang, Ninh Ba (Châu Sơn) và Thanh Đảo đều dễ bị cắt đứt nguồn viện trợ. Bến đậu của hạm đội tàu ngầm ở đảo Hải Nam có đường tiếp cận hạn chế và có thể bị cô lập. Một tàu bị đánh chìm trong kênh vận chuyển có thể cho thấy ‘hiệu quả’ của sức công phá này”. Ông Pietrucha nói thêm rằng cảng Bandar Abbas của Iran cũng có thể là mục tiêu chính. Sau đó là các con sông trọng yếu như Yangtze cũng như các khu vực nước cạn như eo biển Dardanelles, Vịnh Phần Lan và eo biển Hormuz.

Ông Pietrucha nêu ra khả năng sử dụng JDAM ER/Quickstrike để thả mìn phòng thủ trước cuộc tấn công đổ bộ của kẻ thù. Đây là lời đe dọa có thể khiến Trung Quốc ngừng bước. Nếu Bắc Kinh tìm cách chiếm đóng Đài Loan hay các đảo tranh chấp ở Thái Bình Dương, các bãi mìn này có thể dễ dàng phá hủy các hải cảng. Ông Pietrucha cũng đề xuất bước đi logic tiếp theo đó là thêm động cơ vào Quickstrike ER/JDAM và do đó tạo thành “tên lửa mìn” với tầm bắn hàng trăm dặm. Như vậy, hạn chế của các mìn không quân là gì? Không may rằng chúng không có hạn chế nào. Thông thường, giá thành của mìn khá rẻ, khó bị phát hiện và rà soát, cũng như tạo ra sức tàn phá lớn.

Tuy nhiên, quốc gia không mấy vui vẻ nhất lại là Mỹ. Nếu Mỹ có thể gắn cánh vào các thủy lôi thì Trung Quốc, Nga và thậm chí Iran và Triều Tiên cũng có thể làm vậy. Liệu chúng có mang tính chất tối tân như vũ khí của Mỹ hay không là điều không quan trọng. Mìn không cần thiết mang tính chất quá tinh vi để gây ra tàn phá hay ngăn chặn tiếp cận tới các tàu và lực lượng của Mỹ, và năng lực dò mìn của Mỹ - với 11 tàu quét thủy lôi lớp Avenger cũ kỹ, 32 tàu chiến duyên hải với máy quét cùng trực thăng Sea Dragon - không thực sự truyền cảm hứng “tự tin”. Mặt khác, trong khi Trung Quốc đang xây dựng các máy bay không người lái dò mìn thì các quả mìn phát nổ có thể làm tê liệt tuyến đường xuất khẩu của họ. Có thể không một bên nào chiến thắng trong kịch bản này. Dù sao đi nữa, khái niệm dùng mìn tấn công đã vượt qua giới hạn của nó. Chiến tranh hải quân sẽ không bao giờ giống như trước.

Theo “Nationa linterest

Vũ Hiền (gt)