Ảnh: Một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản, sau một nhiệm vụ vào năm ngoái trên Biển Đông. (Nguồn: Adam Dean chụp cho The New York Times)

Các nước thuộc khu vực Đông Nam Á thường có khuynh hướng tránh chọc giận Trung Quốc, nước có một quân đội ngày càng hùng mạnh và nền kinh tế ngày càng phát triển. Thế nhưng, trong tuần này, họ dường như đi ngược lại khuynh hướng đó khi tổ chức các cuộc tập trận chung đầu tiên với Hải quân Mỹ. Các cuộc tập trận này - diễn ra một phần tại Biển Đông, nơi đang rất căng thẳng về địa chính trị - đã bắt đầu ngày 1/9 và kéo dài đến ngày 7/9. Tuy nhiên, theo dự kiến, các cuộc tập trận không có khoa mục diễn tập mang tính sát thương và cũng không diễn ra tại những vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc có các căn cứ quân sự. Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị Thái Lan, cho rằng các cuộc tập trận hiện nay càng nêu bật một thực tế là "căng thẳng địa chính trị đang chuyển từ đất liền sang biển".

Đây là lần đầu tiên toàn bộ 10 quốc gia thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kể cả quân đội Myanmar vốn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ. Đặc biệt, hoạt động quân sự này diễn ra sau các cuộc tập trận tương tự được tổ chức hồi năm ngoái giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông, cộng thêm cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, các cuộc tập trận Mỹ-ASEAN sẽ được coi là động thái mới nhất trong ván cờ địa chính trị đầy rủi ro giữa các siêu cường và các đồng minh, đối tác của họ trong khu vực. Một số nhà phân tích coi cuộc tập trận này là một phần của chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump, một chiến lược thiếu sự gia tăng các hoạt động ngoại giao cũng như những khuyến khích mà Mỹ dành cho các đối tác. Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, bình luận: "Mỹ đang liều lĩnh và gây rủi ro. Các đối tác của Washington sẽ không có khuynh hướng hợp tác với Mỹ bởi họ lo ngại về việc phát đi những tín hiệu hợp tác an ninh ở những nơi chẳng đem lại lợi ích gì cho họ, trong khi Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh vị thế của nước này tại những nơi mà Mỹ vắng mặt trên các mặt trận ngoại giao và kinh tế. Vì vậy, trên cơ sở tầm nhìn cân bằng sức mạnh cơ bản, chúng ta không nên phiêu lưu".

Trong khi đó, Yan Yan - chuyên gia về luật hàng hải tại Viện Quốc gia Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) - cho rằng các cuộc tập trận Mỹ-ASEAN trong tuần này phản ánh "mối quan ngại và lo lắng" của Washington về ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Mỹ tại khu vực. Bà cho rằng các cuộc tập trận này không phải là điều khiến Bắc Kinh lo ngại. Theo bà Yan, Bắc Kinh đã lên kế hoạch mở rộng các "khoa mục và phạm vi" của các cuộc tập trận hải quân của riêng họ với ASEAN. Bà nhấn mạnh: "Nếu chúng ta nhìn xa hơn về quan hệ giữa những nước này với Mỹ, chúng ta sẽ thấy họ thực sự rất đề phòng Mỹ".

Ông Gregory B. Poling, chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, thì cho rằng các nước ASEAN sẽ lo lắng về phản ứng của Trung Quốc đối với các cuộc tập trận này hơn là lo lắng về phản ứng của Mỹ đối với các cuộc tập trận ASEAN-Trung Quốc hồi năm ngoái. Theo ông, điều đó là thực tế hiển nhiên đối với những nước như Thái Lan bởi Thái Lan không có tranh chấp biển  với Trung Quốc. Ông nhận xét: "Họ không muốn làm điều đó theo cách có thể thọc gậy bánh xe" thương mại với Trung Quốc. Hải quân Thái Lan đã từ chối đưa ra bình luận. Trong khi đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Kasit Piromya - cựu ngoại trưởng Thái Lan - đã tỏ ra coi nhẹ những rủi ro bắt nguồn từ việc ASEAN tập trận chung với Mỹ. Ông nói: "Theo quan điểm của Thái Lan, đây vẫn là một vùng biển mở", đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ cuộc tập trận nào như vậy (của ASEAN) với đối tác bên ngoài cũng đều không nên bị coi là mang tính hiếu chiến hay phòng thủ. Trong khi đó, ông nói thêm rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý, đồng thời ông dẫn chứng phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông cách đây 3 năm. Ông cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là liệu các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có quyết tâm đối đầu với việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự ở Biển Đông hay không khi mà một số nước trong ASEAN "quỳ gối trước áp lực và sự viện trợ tài chính từ Trung Quốc". Ông nêu rõ: "Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN cùng hợp lực và lên tiếng một cách thống nhất phản đối giới lãnh đạo Trung Quốc, không nên để bị Trung Quốc đe dọa hoặc để các nguồn viện trợ tài chính của Trung Quốc mua chuộc".

Trong khi đó, trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, chuyên gia Collin Koh - thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore - bình luận rằng việc diễn giải cuộc tập trận này như một động thái ngả theo Mỹ của ASEAN để cản đường Trung Quốc sẽ là một sai lầm. Theo ông, ASEAN tiến hành diễn tập hải quân chung với cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, và chiến lược này đã có từ lâu, không nghiêng về bên nào trong việc kiến tạo an ninh khu vực. Đối với ASEAN, về lâu dài, chiến lược này còn nhắm tới việc mở rộng quan hệ hơn nữa với nhiều cường quốc khác. Ông Collin Koh cho rằng quy mô cuộc tập trận Mỹ-ASEAN không khiến cho các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc lo ngại. Trên thực tế, Bắc Kinh đã quá quen với các cuộc tập trận đa phương giữa Mỹ với các nước thành viên khối ASEAN. Hơn nữa, xét tới sự chênh lệch về năng lực quân sự và nhất là hải quân cũng như những nhạy cảm chính trị có liên quan, một số nước trong khối ASEAN không muốn để Bắc Kinh hiểu lầm rằng những nước này tham gia kế hoạch kiềm chế Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, chính cách hành xử của Trung Quốc trong việc xử lý các tranh chấp tại Biển Đông, nhất là trong việc thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã khiến những nước này lo ngại. Do vậy, theo quan điểm của ông Collin Koh, hoạt động quân sự này nên được hiểu đó là một tín hiệu chính trị nhắm tới Trung Quốc. Chính việc Trung Quốc muốn đưa một điều khoản - mà theo đó quy định rằng các bên liên quan không nên tham gia các hoạt động quân sự chung với các nước bên ngoài khu vực, trừ phi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối - vào văn bản dự thảo COC đã khiến nhiều nước bất bình bởi điều khoản này có tác động đến vấn đề chủ quyền, liên quan đến quyền được chọn đối tác và thời điểm tiến hành tập trận chung. Những chiến dịch này có một tầm quan trọng đối với các nước ASEAN trong việc xây dựng các năng lực chung để đối phó với các thách thức an ninh ngày càng lớn.

Mike Ives là nhà báo làm việc tại Hồng Kông, từng viết bài cho tờ The New York Times, The Economist và The Associated Press. Bài viết được đăng trên The New York Times.

Ngọc Tú (gt)