Bức tranh quân sự châu Á có sự biến đổi với việc Mỹ - Việt lần đầu tiên tổ chức đối thoại quốc phòng. Cuộc đối thoại đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ song phương. Dưới sự chủ trì của hai BNG, từ năm 2008, hai nước đã tiến hành đối thoại hàng năm về chính trị, an ninh và quốc phòng và nay phát triển lên một mức với cuộc đối thoại trực tiếp về quân sự giữa hai BQP. Sự kiện trên đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới ý nghĩa của cuộc đối thoại, sự thay đổi chính sách của Việt Nam , sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hoặc tương lai hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Không có câu trả lời đơn giản cho việc này. Rõ ràng là sự mạnh bạo gần đây của Trung Quốc tại khu vực Tây Thái Bình Dương  và Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) đã thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ. Hai nước có chung lợi ích trong việc ngăn chặn Trung Quốc hoặc bất cứ nước nào thống trị tuyến đường biển quan trọng này và sử dụng vũ lực nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền. Việt Nam  coi sự có mặt của Mỹ như một đối trọng với sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc.

 

Bắt đầu từ năm 2009, Việt Nam đã tham dự vào một trò chơi tế nhị khi có dấu hiệu coi sự có mặt quân sự của Mỹ tại khu vực là chính đáng. Quan chức quốc phòng Việt Nam đã thăm tàu US John C.Stennis để quan sát các chuyến bay của Mỹ tại khu vực “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông) Sau đó, BTQP Phùng Quang Thanh cũng đã có chặng dừng chân tại Bộ chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương  trên đường tới Washington. Hoạt động hợp tác được tăng cường trong năm nay với việc Việt Nam  tiến hành sửa chữa 2 tàu chiến Mỹ, Phó Đại sứ Việt Nam  tại Mỹ thăm tàu sân bay George Bush tại Norfolk, sau đó là chuyến thăm tàu USS George Washington của chính quyền thành phố Đà nẵng, quan sát hoạt động của tàu này trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam  tại “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông ). Cùng lúc đó, hải quân Việt - Mỹ lần đầu tiên tiến hành một số hoạt động chung.

 

Các hoạt động trao đổi này có ý nghĩa trong việc xây dựng lòng tin. Quân đội hai nước đã bước qua giai đoạn xây dựng lòng tin và nay bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động thực tiễn nhằm tằng cường tính chuyên nghiệp của quân đội Việt Nam. Trên diện rộng hơn, hai nước sẽ hợp tác nhằm tăng cường khả năng trong một số lĩnh vực chuyên môn như gìn giữ hòa bình, an ninh môi trường, điều phối các hoạt động cứu trợ, cứu nạn. Các bước tiếp theo có thể sẽ là việc Việt Nam cho phép sĩ quan theo học các khóa đào tạo quân nhân chuyên nghiệp tại Mỹ. Mong muốn chủ yếu của Việt Nam trong việc can dự với Mỹ là nhằm nâng cao khả năng và tính chuyên nghiệp của lực lượng quân đội Việt Nam để có thể đóng một vai trò lớn hơn đối với an ninh khu vực. Về phía Mỹ, binh lính sĩ quan Mỹ cũng có cơ hội phát triển các mối quan hệ cá nhân với đồng nghiệp Việt Nam, tăng cường hiểu biết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác trong tương lai.

 

Quan hệ quốc phòng chặt chẽ Việt - Mỹ cũng phù hợp với chiến lược quốc phòng rộng lớn hơn của Việt Nam với các nước khác. Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng lâu đời với Nga và Ấn Độ. Nước này cũng có chương trình hợp tác với Australia từ năm 1999. Hiện Việt Nam đang trong quá trình tăng cường hợp tác quốc phòng với Pháp. Quan hệ quân sự Việt Nam – Trung Quốc cũng hết sức có ý nghĩa. Hai nước đã tiến hành ít nhất 9 phiên tuần tra chung trên biển tại khu vực Vịnh Bắc Bộ từ 2006. Đầu năm 2010, hai nước cũng đã tổ chức đội tìm kiếm cứu nạn hỗn hợp. Tàu chiến hai nước cũng đã có một số lần cập cảng của bên kia.

 

Sự tái can dự của Mỹ đối với Việt Nam và các nước khác ở châu Á không nên bị hiểu sai là chỉ nhắm vào việc kiềm chế Trung Quốc . Chính quyền TTh Obama muốn khẳng định Mỹ là một đối tác có trách nhiệm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương  và mong muốn hợp tác với các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc nối lại hợp tác quân sự. Cuộc đối thoại Việt - Mỹ vừa qua là minh chứng rõ ràng cho thấy quan hệ quân sự Việt - Mỹ đang đi vào chiều sâu. Trung Quốc  cần phải quyết định xem mình có sẵn sàng làm việc với cả hai nước để đưa ra các biện pháp thực tiễn nhằm giải quyết các thách thức an ninh đang nổi lên hay không. Nếu không, Trung Quốc  sẽ có nguy cơ bị bỏ rơi trong hình thái hợp tác an ninh hàng hải mới.

 

 

(The Wall Street Journal  19/8) Carlyle A. Thayer: Vietnam's Defensive Diplomacy‎.