Khi Trung Quốc tiến tới vị thế siêu cường và tiếp tục công cuộc phát triển quân sự nhanh chóng của mình, Bắc Kinh vẫn luôn bảo đảm với thế giới đang lo lắng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là sự trỗi dậy hòa bình. Thế nhưng, giáo sư chuyên ngành chính trị học thuộc Đại học Chicago (Mỹ) John Mearsheimer, người vừa có loạt bài trên báo chí Ôxtrâylia về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tác động đối với Ôxtrâylia, lại không đồng tình với quan điểm như vậy. Chuyên gia nổi tiếng thế giới về chính sách đối ngoại John Mearsheimer là người đề xướng hàng trường phái đối ngoại "hiện thực tấn công". Trường phái này cho rằng những quốc gia hùng mạnh nhất sẽ tìm cách thiết lập sự thống trị trong khu vực của họ, trong khi vẫn bảo đảm rằng không có cường quốc kình địch nào có thể thống trị khu vực khác.


Trong bài phân tích đăng trên tờ "Người đưa tin Xítni buổi sáng" ngày 3/8, giáo sư John Mearsheimer cho rằng cán cân quyền lực ở châu Á có thể sẽ thay đổi đáng kể trong những thập niên tới do Bắc Kinh tăng cường các khả năng quân sự của mình. Sách Trắng Quốc phòng của Ôxtrâylia công bố năm 2009 đã nói rõ rằng Canbơrơ lo ngại Trung Quốc và Mỹ có thể đi tới một "cuộc cạnh tranh chiến lược leo thang" chứa đầy tiềm năng "tính toán sai lầm". Những lo ngại đó rất có cơ sở vì sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc cạnh tranh an ninh gay gắt với Mỹ, quốc gia có những ảnh hưởng sâu sắc đối với vị thế an ninh của chính Ôxtrâylia.


Khi Trung Quốc phát triển, Bắc Kinh sẽ tìm cách thống trị châu Á giống như Mỹ thống trị Tây bán cầu. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ cố gắng tối đa hóa khoảng cách sức mạnh giữa họ với các nước láng giềng, nhất là Ấn Độ, Nhật Bản và Nga để những nước này không thể đe dọa Bắc Kinh. Giống như việc Mỹ đẩy các cường quốc lớn của châu Âu ra khỏi Tây bán cầu trong thế kỷ 19, Trung Quốc sẽ cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi châu Á.


Trung Quốc sẽ sáng tạo ra phiên bản của Bắc Kinh về Học thuyết Monroe ; trên thực tế, những sự khởi đầu của một chính sách như vậy đã rõ ràng. Bắc Kinh gần đây thông báo với Chính quyền của Tổng thống Barack Obama rằng Hải quân Mỹ không nên can thiệp vào biển Nam Trung Hoa (biển Đông), nơi mà Trung Quốc giờ đây coi là một "lợi ích cốt lõi" giống như Đài Loan và Tây Tạng.

 

Mỹ đương nhiên sẽ cố gắng đương đầu với sự nổi lên của Trung Quốc. Lịch sử cho thấy Mỹ sẽ làm mọi việc để ngăn chặn một cường quốc lớn khác thống trị châu Á hoặc châu Âu. Hãy nhớ rằng Mỹ đã giúp ngăn cản đế quốc Nhật, Phát xít Đức và Liên Xô giành được quyền bá chủ khu vực. Hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Xinhgapo, Hàn Quốc, Nga, Việt Nam và Ôxtrâylia, cũng sẽ lo ngại sự nổi lên của Trung Quốc và sẽ cùng Mỹ khống chế sức mạnh của Trung Quốc.


Căn cứ vào sự kháng cự mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt, người ta có thể tự hỏi liệu Bắc Kinh có tỏ ra thông minh hay không khi cố gắng thống trị châu Á, và nhất là tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi khu vực này. Trên thực tế, việc Trung Quốc hăm họa Mỹ và phấn đấu đạt được quyền bá chủ khu vực sẽ mang một ý nghĩa chiến lược tốt. Tại sao Bắc Kinh không muốn trở nên mạnh hơn đáng kể so với các nước láng giềng, và cuối cùng loại bỏ sức mạnh Mỹ khỏi sân sau của mình?


Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đánh tín hiệu báo động mỗi khi khi các cường quốc lớn phương xa cử lực lượng quân sự tới Tây bán cầu, và lôgíc tương tự nên được áp dụng cho Trung Quốc. Làm sao Trung Quốc có thể cảm thấy an toàn khi các lực lượng Mỹ được triển khai ngay trước ngưỡng cửa của nước này? Liệu an ninh của Trung Quốc có được đáp ứng tốt hơn bằng cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi châu Á?


Hầu hết người Mỹ, và chắc chắn là rất nhiều người Ôxtrâylia, tin rằng Mỹ có những ý định hòa bình và Trung Quốc có ít lý do để lo ngại về Mỹ trong những thập niên tới. Nhưng điều này hầu như chắc chắn không phải là cách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận tình hình. Vậy họ có thể rút ra những kết luận gì về cách ứng xử của Mỹ trong tương lai bằng cách nhìn vào những ý định, khả năng và cách ứng xử hiện nay của Oasinhtơn?


Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể biết ai sẽ chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm tới, cũng như những ý định của họ đối với Trung Quốc sẽ là thế nào. Nhưng họ biết rằng tất cả các tổng thống thời hậu Chiến tranh Lạnh của Mỹ, kể cả Barack Obama, đều đã cam kết duy trì sự địa vị đứng đầu của Mỹ. Điều này có nghĩa là Oasinhtơn có thể làm những điều lớn lao để ngăn chặn không cho Trung Quốc trở nên quá hùng mạnh.


Mỹ chi tiêu nhiều tiền vào quốc phòng hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại. Hơn nữa, do quân đội Mỹ được hoạch định để chiến đấu trên toàn cầu, Mỹ có thừa trang thiết bị để sử dụng. Hầu hết các phương tiện đó hoặc là có sẵn ở châu Á hoặc có thể được nhanh chóng đưa đến đó. Trung Quốc không thể ngăn cản, mà chỉ có thể nhìn Mỹ xây dựng các lực lượng quân sự hùng hậu trong khu vực lân cận được hoạch định cho các chiến dịch tấn công.

 
Hầu hết người Mỹ tin rằng quân đội của họ có bản chất phòng thủ; nhưng đó không phải là cách nhìn nhận về quân đội Mỹ từ phía bên kia. Giống như tất cả các chiến lược gia thận trọng khác, lãnh đạo Trung Quốc có thể phán đoán cách ứng xử của Mỹ không phải bằng cách đánh giá những gì các chính trị gia Mỹ nói, mà là bằng cách nhìn vào những khả năng quân sự của Mỹ được thiết kế để làm gì.


Cách ứng xử hiện nay của Mỹ có thể nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc những gì về những hành động trong tương lai của Mỹ? Họ hầu như chắc chắn sẽ kết luận rằng Mỹ là một quốc gia nguy hiểm và thích chiến tranh. Xét cho cùng, Mỹ đã có 14 năm chiến tranh trong 21 năm qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tức là cứ 3 năm thì có 2 năm chiến tranh. Chính quyền Obama rõ ràng là đang suy tính một cuộc chiến tranh mới chống lại Iran .


Người ta có thể lập luận rằng điều đó hoàn toàn đúng, nhưng Mỹ đã không đe dọa Trung Quốc. Vấn đề là các nhà lãnh đạo Mỹ từ cả hai chính đảng đều tin rằng Mỹ có quyền và trách nhiệm giữ trật tự toàn bộ thế giới. Hơn nữa, hầu hết người Trung Quốc đều nhận thức rõ việc Mỹ đã giành lợi thế trước một Trung Quốc yếu hơn bằng cách thúc đẩy chính sách "Mở cửa" đáng hổ thẹn vào năm 1899 như thế nào. Các quan chức Trung Quốc cũng biết Mỹ và Trung Quốc đã giao tranh trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở Triều Tiên năm 1950-1953. Không hề ngạc nhiên khi tạp chí "Nhà kinh tế" gần đây đưa tin: "Một đô đốc đã nghỉ hưu của Trung Quốc ví Hải quân Mỹ như một người có tiền án tiền sự 'lượn lờ ngay bên ngoài cổng của một gia đình'."


Bất kỳ nhà lãnh đạo thận trọng nào của Trung Quốc cũng sẽ là khôn ngoan khi tìm kiếm các cách thức đẩy quân đội Mỹ ra xa khỏi Trung Quốc Đại lục, trong khi bảo đảm rằng không có nước châu Á nào khác có khả năng thách thức Trung Quốc. Không có nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng nào của Mỹ hoặc Ôxtrâylia sẽ cho phép Trung Quốc thống trị châu Á mà không có một cuộc giao tranh. Điểm mấu chốt là sắp có rắc rối lớn xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và Ôxtrâylia buộc phải can dự vào một cách sâu sắc.


Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC) cùng ngày, giáo sư John Mearsheimer dự đoán sẽ có một cuộc cạnh tranh an ninh căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc với khả năng có thực về xung đột quân sự, nhưng chiến tranh không phải là điều không thể tránh được. Theo ông John Mearsheimer, đã có một cuộc cạnh tranh an ninh căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô (cũ) trong Chiến tranh Lạnh, nhưng trong 45 năm hai cường quốc này không hề đi đến giao tranh. Ông tỏ ý hy vọng rằng điều đó sẽ là trường hợp của Trung Quốc khi nổi lên, nhưng cũng không đặt nhiều tin tưởng vào điều đó vì có một số kịch bản xung đột cho thấy Mỹ và Trung Quốc trên thực tế đi đến kết cục chĩa súng vào nhau.


Về việc Mỹ nên đáp lại sự nổi lên của Trung Quốc trong giai đoạn này như thế nào, giáo sư John Mearsheimer cho rằng Mỹ không có nhiều lựa chọn ngoài việc giao thương với Trung Quốc và can dự với Bắc Kinh về mặt kinh tế. Điều này giống như tình hình với nước Đức trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, khi gần như mọi quốc gia châu Âu đều lo ngại về sự nổi lên của nước Đức vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhưng do tình hình kinh tế, những nước này có ít lựa chọn ngoài việc giao thương với Đức. Điều tương tự cũng đúng với Trung Quốc, do đó sẽ không có sự cắt giảm đáng kể nào về thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Kịch bản sẽ xảy ra là trong lĩnh vực quân sự, một liên minh hoặc khối đồng minh đối trọng sẽ hình thành dần dần, nhưng vững chắc cùng với thời gian ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Xinhgapo và Ôxtrâylia. Và đó sẽ là một liên minh đối trọng do Mỹ lãnh đạo nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc./.