Tình hình nổi bật

Marc Knapper (Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Hàn Quốc và Nhật Bản) ngày 24/10 phát biểu tại Diễn đàn Núi Phú Sĩ, nói rằng nhóm Quad hiện chưa có ý định mời thêm thành viên mới, nhưng khi nhóm đã xác định được định hướng chính sách của mình thì có thể “sẽ mở rộng” vì Quad không phải “tổ chức khép kín”. Ông nói các hành động gây hấn của Trung Quốc đã khiến khu vực phải đứng trước sự lựa chọn giữa một bên là trật tự dựa theo các quy tắc, luật pháp quốc tế, minh bạch, và một bên là sự độc tài. Những gì nhóm Quad đang làm là để thực hiện sự lựa chọn của mình.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien ngày 23/10 nói Lực lượng Tuần duyên bờ biển của Mỹ sẽ đặt các tàu tuần tra phản ứng nhanh (Enhanced Response Cutters) ở Tây Thái Bình Dương cho các nhiệm vụ an ninh hàng hải, với lý do Trung Quốc đánh bắt trái phép và quấy rối tàu thuyền nước khác. Ông cho biết Lực lượng Tuần duyên bờ biển của Mỹ cũng có kế hoạch đánh giá khả năng triển khai loại tàu này ở Samoa thuộc Mỹ ở Nam Thái Bình Dương vào năm tài khóa sau.

Góc nhìn Quốc tế

+ Trung Quốc:

Học giả Ngô Sĩ Tồn (Viện Nghiên cứu Nam Hải) ngày 26/10 cảnh cáo tình hình quản trị biển đang “đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa”. Từ cuối thế kỷ 20, yêu cầu tìm kiếm tài nguyên biển của con người đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển. Chủ nghĩa "chống toàn cầu hóa" và chủ nghĩa đơn phương ngày càng phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây khác đang khiến hệ thống quản trị đại dương toàn cầu được thiết lập sau Thế chiến thứ hai đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có làm cho hợp tác quản trị biển giữa các quốc gia và khu vực trở nên khó khăn hơn và đầy biến động. Những thách thức chính là: (i) Trào lưu tư tưởng chống toàn cầu hóa đang lan rộng từ Mỹ sang Châu Âu và thậm chí nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới, xu thế chống toàn cầu hóa trong lĩnh vực biển đã hạn chế thiện chí và động lực hợp tác biển toàn cầu; (ii) Tranh chấp hàng hải và cạnh tranh địa chính trị đã khiến cho sự hợp tác giữa các nước ngày càng trở nên khó khăn. 

Học giả Chen Xiangmiao (Viện Nghiên cứu Nam Hải) ngày 24/10 cho biết nếu Philippines thực hiện kế hoạch triển khai dân quân biển tại Biển Đông sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa lực lượng phi quân sự của các nước tại đây. Cho rằng động thái của Philippines có thể là nhằm phản ứng trước tình hình căng thẳng trên biển thời gian qua cũng như xuất phát từ áp lực nội bộ ở trong nước trong việc bảo vệ ngư dân. Xung đột giữa các lực lượng dân quân hoặc phi quân sự khác giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể sẽ gia tăng. Với di sản “chiến tranh nhân dân” và chiến tranh du kích, Bắc Kinh và Hà Nội đều có lịch sử lâu đời về lực lượng dân quân biển và giỏi huy động ngư dân và tàu thuyền của mình tham gia các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách ở Biển Đông.

+ Các nước khác:

SD Pradhan (Chủ tịch Ủy ban tình báo chung - Ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ) ngày 22/10 cho rằng, Trung Quốc tích cực sử dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế để tăng cường yêu sách của mình ở Biển Đông. Các công cụ này đều chứa đựng cả “cây gậy và củ cà rốt”.  Khi Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc, nước này hạn chế nhập khẩu hàng hóa Mỹ như đã nhất trí trong thỏa thuận ban đầu. Khi Úc đệ công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đại sứ Trung Quốc và Úc tại Ấn Độ đã có lời qua tiếng lại. Trung Quốc cũng áp đặt các loại thuế lên hàng hóa Úc. Trong sự vụ Shcarborough với Philippines năm 2012, Trung Quốc đã thắt chặt nhập nông sản từ Philippines, đặc biệt là chuối. Nhưng khi Philippines dưới thời Duterte gạt phán quyết sang một bên, Trung Quốc liền cam kết đưa ra các thỏa thuận trị giá 13,5 tỉ USD. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã gây áp lực lên các tập đoàn dầu khí hợp tác với Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động thăm dò và thậm chí là cắt cáp các tàu khảo sát.

Pratnashree Basu (ORF) ngày 21/10 cho rằng với vị trí chiến lược quan trọng, kiên quyết trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia bộ Tứ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hai Thủ tướng Nhật Bản là Abe và Suga đều chọn Việt Nam là quốc gia đầu tuyên trong chuyến công du nước ngoài. Chuyến thăm của thủ tướng Suga đã nhất trí về mặt nguyên tắc cung cấp cho Việt Nam công nghệ và thiết bị quân sự. Chuyến thăm của Tổng thống Obama 2016 đã gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí và quân dụng sát thương cho Việt Nam. Lệnh gỡ bỏ này kéo theo các thỏa thuận được tăng cường giữa Việt Nam và Ấn Độ về hợp tác chung sản xuất phần cứng vũ khí và hợp tác an ninh và quốc phòng song phương. Mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Úc cũng được tăng cường với loạt chuyến thăm, đối thoại cấp cao, hợp tác về chấp pháp.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn