Theo chia sẻ thông tin của Dự án Đại sự ký Biển Đông, công trình nghiên cứu này có tựa đề “Bản đồ đường biên giới quốc gia và bản đồ đường phân khu hành chính thể hiện đường chữ U là đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc” do nhóm 6 nhà nghiên cứu Trung Quốc thực hiện và được đăng trên Tạp chí Khoa học Trung Quốc ngày 15/3/2018. 

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến Quý vị độc giả bản dịch của toàn bộ nghiên cứu này để thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về chủ đề liên quan: 

 

 

 

-----------

Nhóm tác giả: Danling Tang1,2*, Yupeng Liu1,2, Xiaoguang Hao3 , Changxia Wu1,4, Sufen Wang1,2 & Yuwei Yin1,2

1Viện Nghiên cứu Hải Dương Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc; Phòng Thí nghiệm trọng điểm về Viễn thám Đại dương tỉnh Quảng Đông (LORS); Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Hải dương học Nhiệt đới (LTO); Quảng Châu 510301;

2Đại học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Bắc Kinh, 100049;

3Viện Nghiên cứu Đo lường và Địa Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Vũ Hán, 430077;

4Quản lý Hàng Hải, Đại học Dalhousie, Halifax B3H 4R2, Canada

*Trưởng nhóm, phụ trách liên lạc, E-mail: lingzistdl@126.com

Dẫn đề: Tập “Bản đồ mới của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa” xuất bản tháng 4/1951 trong đó có vẽ biên giới trên biển của Trung Quốc là một đường nét liền hình chữ U trên Biển Đông được coi là bằng chứng lịch sử quan trọng về đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Nghiên cứu phát hiện rằng, bản đồ đó dùng ký hiệu (·>——<·) khi đó là ký hiệu biên giới quốc gia để vẽ đường biên giới chữ U trên Biển Đông; đồng thời dùng đường màu đỏ khi đó là đường phân khu hành chính để vẽ đường chữ U này. Trên bản đồ đó, Biển Đông được đặt trong phạm vi quản lý của khu hành chính Trung Nam; đường biên giới chữ U trên Biển Đông bao gồm quần đảo Đông Sa; quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa); quần đảo Trung Sa; đảo Đài Loan; Vịnh Bắc Bộ; bãi cạn James Shoal (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) và một số đảo khác. Tấm bản đồ này do Quang Hoa và Hội Khoa học Địa chất (Guanghua & Geological Society) biên tập; được xuất bản bởi Hiệu sách Tam Liên thuộc Công ty Phát hành Bản đồ và Sách Trung Quốc. Nghiên cứu chỉ ra rằng, đường chữ U là đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc; chủ quyền thuộc về Trung Quốc; cả hai cách vẽ “đường chữ U nét đứt” hay “đường chữ U nét liền” đều là phương pháp vẽ đường biên giới trên biển của Trung Quốc được quốc tế công nhận; nhóm nghiên cứu kiến nghị rằng, sử dụng cụm từ “đường biên giới chữ U trên Biển Đông” là cách dùng từ mang tính hình tượng, chính xác, hoàn chỉnh và khoa học để biểu thị đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc.

Từ khóa: Biển Đông; đường biên giới nét liền; năm 1951; đường phân khu hành chính; đường biên giới chữ U trên Biển Đông.

____________________________________________________

Bản đồ được coi là một loại căn cứ được quốc tế công nhận về lãnh thổ của một quốc gia và bản đồ cũng có vai trò quan trọng trong việc phản ánh quá trình hình thành và phát triển của các đường biên giới[1] . Cùng với xu hướng phát triển của công nghệ, chức năng và vai trò của bản đồ ngày càng được Tòa án quốc tế đề cao[2]. Bản đồ đường chữ U (đường biên giới chữ U) mà Trung Quốc vẽ trong lịch sử có giá trị chứng minh rất cao khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông[3] . Do đó, việc phát hiện và nghiên cứu đường chữ U và những bản đổ lịch sử liên quan là một cách quan trọng để chứng minh đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc.

Từ cổ chí kim, việc dùng bản đồ do Trung Quốc xuất bản chính thức hoặc phi chính thức luôn là một biện pháp thể hiện chủ quyền biên giới quốc gia của Trung Quốc, trước khi công bố bản đồ đường nét đứt trên Biển Đông, trong số những bản đồ chính thức được chính phủ Trung Quốc xuất bản đã có đánh dấu các đường biên giới trên đất liền và trên biển[4] . Do thiếu tiêu chuẩn quốc tế thống nhất về việc vẽ bản đồ, nên vấn đề biên giới trên Biển Đông được nhiều học giả tranh luận[5] , ví dụ như sự khác biệt trong cách vẽ “đường chữ U nét liền” hay “đường chữ U nét đứt” trên Biển Đông[5,6] ; sự khác biệt trong các ký hiệu biểu thị đường biên giới trên biển[7,8] hay chủ quyền và quyền quản lý tương ứng với đường chữ U trong các bản đồ của Trung Quốc[9] . Chúng ta cần các tấm bản đồ cổ để chứng minh[10]  và để nghiên cứu sự phát triển của đường chữ U trong lịch sử[11].

Những tấm bản đồ Biển Đông của Trung Quốc năm 1912[12] , năm 1927[11] và năm 1936[13] đều có sự xuất hiện của “đường chữ U nét liền”; còn những bản đồ từ năm 1948 trở về sau hầu hết đều vẽ “đường chữ U nét đứt” thể hiện biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc. Về sự thay đổi trong cách vẽ “đường chữ U nét liền” và “đường chữ U nét đứt”, các nghiên cứu trước đây cho rằng đường biên giới trên Biển Đông được thể hiện qua các nét đứt đoạn trên bản đồ (hay còn gọi là đường đứt khúc); nước biển mang tính chất “ba động” (chú thích của người dịch: do khái niệm này mới xuất hiện nên người dịch dùng từ Hán Việt để giải thích nghĩa đen, “ba” ở đây nghĩa là “sóng biển”; còn “động” là “chuyển động”, “nước biển mang tính chất ba động” tạm dịch là nước biển luôn chuyển động) nên khi dùng đường nét đứt biểu thị biên giới trên biển là hoàn toàn phù hợp với thực tế này, hơn nữa đường nét đứt còn thể hiện tàu thuyền có thể qua lại vô hại (in nghiêng của người dịch) trong khu vực này[14] . Hiện nay, việc tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống về sự phát triển của đường chữ U sẽ làm rõ ý nghĩa lịch sử và vai trò thực tiễn của “đường nét liền” và “đường nét đứt”.

Các bản đồ Biển Đông của Trung Quốc năm 1912[12] , năm 1927[11] và năm 1936[13]  đều có vẽ đường chữ U là một đường nét liền. Trong “Bản đồ vị trí các đảo trên Biển Đông” năm 1948 [14] , đường chữ U được vẽ bằng ký hiệu giống như ký hiệu đường biên giới quốc gia (·>—<·>—<·); hiện nay ký hiệu đường biên giới chữ U trên Biển Đông đã có một chút thay đổi (·|—|·|—|). Có một số học giả về luật biển bày tỏ thắc mắc về tính khoa học của ký hiệu đường biên giới trên các bản đồ đường chữ U trong lịch sử. Do đó, cần tìm kiếm những tư liệu bản đồ cũ có ký hiệu đường biên giới rõ ràng hơn và phân tích sự thay đổi trong các cách vẽ của những đường này.

Về quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường chữ U, các học giả Trung Quốc đã nghiên cứu và thảo luận rất nhiều từ góc độ lịch sử [4,15,16]; phát hiện ra những căn cứ xác đáng từ những tấm bản đồ cổ và tiến hành nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển đường chữ U dựa trên những bản đồ này [11,14] .

Do đó, việc phát hiện ra những tư liệu bản đồ quan trọng về lịch sử đường chữ U, làm rõ hiệu lực và tính chất của những bản đồ này, phân tích sự thay đổi trong lịch sử có ý nghĩa quan trọng nhằm giải đáp những thắc mắc của cộng đồng quốc tế và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.

Nghiên cứu này sẽ giới thiệu “Bản đồ mới của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” xuất bản năm 1951 trong đó có vẽ cả đường biên giới quốc gia và đường phân khu hành chính bằng ký hiệu như vẽ đường chữ U, cho thấy đường chữ U là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Nghiên cứu này sẽ trình bày về đặc điểm của tấm bản đồ đường chữ U mới phát hiện đồng thời thông qua việc so sánh với các tấm bản đồ trong lịch sử để phân tích quá trình thay đổi của đường chữ U và trình bày về các cách vẽ khác nhau của đường chữ U nét đứt và đường chữ U nét liền trong các thời kỳ khác nhau.

Hình 1: Bìa tập “Bản đồ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới” năm 1951

Do tồn tại nhiều cách gọi khác nhau về đường biên giới trên Biển Đông nên nghiên cứu này thống nhất gọi là “Đường biên giới chữ U trên Biển Đông”, điều này cũng thể hiện đề xuất của nhóm nghiên cứu: cần thống nhất cách gọi này cho đường biên giới trên Biển Đông của Trung Quốc, đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng.

1.    Nguồn tư liệu

Tư liệu mà Trung Quốc mới phát hiện có tên là “Bản đồ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới” xuất bản năm 1951 do ông Dương Lang (Yang Lang) thu thập được. Ông Dương Lang là người sưu tầm rất nhiều bản đồ và sau đó để lại cho ông Hào Tiêu Quang (Hao Xiaoguang) (Chú thích của người dịch: Hao Xiaoguang là một thành viên trong nhóm nghiên cứu). Bà Đường Đan Linh (Tang Danling) (chú thích của người dịch: bà Đường là trưởng nhóm nghiên cứu trên) trong quá trình điều tra nghiên cứu đã phát hiện ra tập bản đồ này (Hình 1), nghiên cứu chi tiết thì phát hiện ra trong tập bản đồ này có “Bản đồ các đảo trên Biển Đông” nằm ở trang 3-4 trong “Bản đồ khu vực hành chính toàn quốc” (Hình 2b), trong bản đồ đó có vẽ đường biên giới chữ U là đường nét liền và vẽ bằng ký hiệu của đường biên giới quốc gia và đường phân khu hành chính.

Tập “Bản đồ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới” là tập bản đồ xuất bản lần thứ hai năm 1951, được biên tập bởi Guanghua & Geological Society; được xuất bản bởi Hiệu sách Tam Liên thuộc Công ty Phát hành Bản đồ và Sách Trung Quốc; và được in ấn bởi Nhà máy In ấn Tân Tân; tổng cộng in thành 80,000 bản. Tập bản đồ này xuất bản lần thứ nhất tháng 1/1950, cũng được biên tập bởi Guanghua & Geological Society và xuất bản cũng bởi Hiệu sách Tam Liên thuộc Công ty Phát hành Bản đồ và Sách Trung Quốc. Tập bản đồ xuất bản năm 1951 là dựa trên bản sửa của xuất bản năm 1950; là tấm bản đồ toàn diện nhất của Trung Quốc sau khi thành lập. Tập bản đồ này có vẽ bản đồ các khu vực hành chính trên toàn quốc, bản đồ phân bố và bản đồ địa hình của các khu vực/ thành thị trọng điểm. Bản đồ địa lý toàn quốc dùng phép chiếu Albers với tỷ lệ 1:18000000; bản đồ phân bố các khu vực dùng phép chiếu hình nón với tỷ lệ 1:3000000; và các tỉnh khu lớn được vẽ với tỷ lệ 1:5000000 hoặc 1:7500000; bản đồ Biển Đông được vẽ với tỷ lệ 1:30000000[17] . Tập bản đồ này là tập bản đồ xuất bản trên cơ sở sửa đổi các khu vực so với xuất bản đầu tiên, xuất bản lần thứ hai này đã được bổ sung ranh giới của 5 đại khu hành chính và các tỉnh khu hành chính, phương pháp chiếu và tỷ lệ vẫn giống như trong xuất bản đầu tiên.

Trang 3-4 của tập “Bản đồ mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” là “Bản đồ Khu vực Hành chính toàn quốc” dùng phép chiếu Albers với tỷ lệ 1:18000000 (Hình 2a), được bổ sung thêm 5 đại khu hành chính, 1 khu hành chính Trung ương, khu tự trị và khu vực Tây Tạng, tổng cộng có ranh giới của 8 khu vực; đồng thời dùng phương pháp màu sắc khác nhau để phân biệt các tỉnh lớn nhỏ, dùng đường màu đỏ để thể hiện đường ranh giới các khu vực hành chính; ký hiệu biên giới của Trung Quốc đặc biệt là biên giới trên biển các đường biên giới khác hoàn toàn nhất quán. Tám đại khu từ bắc xuống nam là: khu hành chính Đông Bắc; khu tự trị Nội Mông Cổ; khu Hoa Bắc trực thuộc trung ương; khu hành chính Tây Bắc; Tây Tạng; khu hành chính Hoa Đông; khu hành chính Trung Nam và khu hành chính Tây Nam. Trên bản đồ cũng thể hiện hệ thống sông chính và tên của các thành phố lớn; bản đồ Biển Đông được vẽ riêng biệt ở góc dưới bên phải của bản đồ.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Hoàng Lan, Đăng Dương Hải Yến (Biên dịch)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.