Hiện nay, khi dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành ở mọi ngõ ngách của thế giới, nhiều nhà lãnh đạo đang phải vật lộn để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh có thể đang hướng đến thành công của Trung Quốc trong kiểm soát dịch bệnh với sự thèm muốn.

Ngày 4/4, khi Trung Quốc tưởng niệm hơn 3.300 nạn nhân của họ trong đại dịch, 30 ca nhiễm mới đã được bổ sung vào con số chính thức hơn 81.000 người mắc bệnh trên khắp đất nước kể từ tháng 1/2020. Cho dù dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt, nhưng số ca nhiễm mới đã giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh dịch tại nước này.

Đồng thời, một số nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi liệu virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình hay Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền ở nước này hay không. Tuy nhiên, đến ngày 10/3, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm thành phố tâm dịch Vũ Hán, mọi việc đã trở nên rõ ràng: Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng y tế và đang trên đà hồi phục.

Để phá vỡ sự bủa vây của virus SARS-CoV-2 đối với nước này, ban lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng cái gọi là cách tiếp cận toàn quốc và tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa cộng đồng và dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ riêng ở tỉnh Hồ Bắc, hơn 50 triệu người trên thực tế đã bị cách ly nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc kiểm soát thành công dịch bệnh không có nghĩa là hệ thống quản lý của nước này hoạt động hiệu quả.

Những mâu thuẫn trong hệ thống

Quả thực, trong bài phát biểu tại thành phố Vũ Hán, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện hệ thống quản lý của mình thông qua những bài học được rút ra từ cuộc chiến chống COVID-19. Vậy những bài học đó là gì?

Có nhiều bài học, nhưng các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào các bài học liên quan đến 3 mối quan hệ then chốt – giữa ban lãnh đạo trung ương và chính quyền địa phương, giữa các tỉnh với nhau và giữa đảng/chính phủ với người dân. Cả ba mối quan hệ này đều phản ánh rõ nét những mâu thuẫn sâu sắc trong các thể chế chính trị của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Những quan hệ này cần phải được cải thiện vì chúng đều có ý nghĩa sống còn đối với Chính quyền Trung Quốc. Nếu không, Trung Quốc sẽ gặp rắc rối trong tương lai, sau khi dịch bệnh qua đi.

Thứ nhất là mối quan hệ giữa ban lãnh đạo trung ương và chính quyền địa phương. Những việc làm của chính quyền trung ương là đáng hoan nghênh. Họ đã nhanh chóng phát động một đợt tổng động viên toàn quốc và phái 344 đội ngũ gồm hơn 42.000 bác sỹ và nhân viên y tế đến tỉnh Hồ Bắc. Nếu không có những nỗ lực ở cấp quốc gia như vậy thì Trung Quốc sẽ không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế này cũng đã bộc lộ những điểm yếu của chính quyền địa phương và bộ máy quan liêu cấp thấp hơn. Khi bị chỉ trích vì không cảnh báo về số ca nhiễm mới tăng mạnh, Thị trưởng thành phố Vũ Hán Chu Tiên Vượng đã lập luận rằng đối với những vấn đề như vậy ông cần được cấp trên ủy quyền.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, một cơ quan nhà nước, cũng đã bị chỉ trích vì để dịch bệnh lây lan vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, như nhà dịch tễ học nổi tiếng Chung Nam Sơn đã lưu ý trong bài trả lời phỏng vấn ngày 27/2, CDC không làm được gì nhiều bởi họ ở vị trí thấp trong hệ thống quản lý nhà nước. Ông cho rằng ngoài việc báo cáo lên các cấp có thẩm quyền cao hơn, CDC không có quyền đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Cả Thị trưởng Chu Tiên Vượng và nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn đều đúng. Về nguyên tắc, Trung Quốc theo chế độ trung ương tập quyền và điều đó khiến các quan chức trong bộ máy của đảng và chính quyền địa phương khó có thể nhanh chóng hành động để đối phó với tình hình. Nó cũng khuyến khích hành vi đổ trách nhiệm cho nhau khi có sai phạm.

Tranh cãi ở khu vực giáp ranh

Thứ hai là mối quan hệ giữa các tỉnh với nhau. Bất cứ khi nào xảy ra khủng hoảng, chủ nghĩa địa phương lại có xu hướng trỗi dậy, các quan chức và người dân địa phương sẽ làm mọi việc có thể để bảo vệ lợi ích của riêng mình mà phớt lờ lợi ích của các địa phương khác, ngay cả khi những việc làm này đi ngược lại mệnh lệnh từ Bắc Kinh.

Những khuynh hướng theo bản năng này bùng nổ một cách mạnh mẽ trong thời gian gần đây, gây ra mâu thuẫn giữa chính quyền hai tỉnh Giang Tây và Hồ Bắc xung quanh việc duy trì trật tự ở một trạm kiểm soát. Mặc dù chính quyền trung ương cho rằng tình hình ở Vũ Hán đã nằm trong tầm kiểm soát và cho phép người dân Hồ Bắc di chuyển sang các tỉnh và thành phố khác, nhưng các quan chức ở tỉnh Giang Tây lại nghĩ khác. Khi cảnh sát Giang Tây tìm cách ngăn chặn người dân Hồ Bắc đi vào tỉnh của họ, một cuộc cãi lộn đã xảy ra giữa cảnh sát hai bên. Như đã thấy trong các video clip, cuộc cãi lộn này nhanh chóng leo thang đến mức người dân Hồ Bắc giận dữ đập phá phương tiện của cảnh sát Giang Tây.

Cuộc cãi lộn xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh khiến nhiều người ngạc nhiên, đặc biệt là những người vẫn nhìn nhận Trung Quốc là một khối thống nhất dưới sự điều hành xuyên suốt của chính quyền trung ương. Quan điểm đó có phần không còn đúng nữa. Người dân Hồ Bắc, nhất là những người từ thành phố Vũ Hán, đã phải hứng chịu sự phân biệt đối xử từ chính đồng bào của mình ở những vùng khác của đất nước, kể cả ở thủ đô Bắc Kinh. Ngoài ra, do lo sợ thiếu hụt, chính quyền thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, đã tịch thu khẩu trang lẽ ra phải được chuyển cho thành phố Trùng Khánh.

Điều dường như đã rõ ràng là càng ở cấp thấp, các quan chức càng có xu hướng đề cao vấn đề tự bảo vệ mình. Quả thực, trong những ngày đầu hỗn loạn của cuộc khủng hoảng COVID-19, nhiều ngôi làng và thành phố nhỏ đã lập các rào chắn và trạm kiểm soát để ngăn chặn người ngoài.

Tìm kiếm sự thật từ những thực tế

Thứ ba là mối quan hệ giữa đảng/chính quyền với người dân. Điều mỉa mai là dưới thể chế trung ương tập quyền như hiện nay, chính quyền trung ương lại không biết những gì đang diễn ra trên thực địa. Việc có được thông tin chính xác là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, bởi những tin tức không hay đã bị các quan chức địa phương chặn lại, không để lọt lên cấp trên.

Bởi vậy, khi bác sỹ Vũ Hán Lý Văn Lượng cảnh báo cho đồng nghiệp trên các phương tiện truyền thông xã hội về sự bùng phát của một virus mới hồi tháng 12/2019, ông đã bị cảnh sát địa phương triệu tập và khiển trách. Những lời chỉ trích của người dân trong chuyến thị sát của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đến một khu vực bị phong tỏa của tỉnh Hồ Bắc hôm 5/3 đã phơi bày những nỗ lực che giấu của các quan chức địa phương cũng như sự thất vọng của người dân.

Cả hai ví dụ trên đều minh họa cho những rủi ro mà chính quyền trung ương sẽ phải đối mặt khi không thể thu thập được thông tin đáng tin cậy từ địa phương. Những quyết định dựa trên những thông tin sai lệch hoặc giả mạo có thể gây ra thảm họa. Việc thực thi những quyết định như vậy có khả năng khiến người dân xa lánh và phản đối chính quyền.

Những vấn đề về di sản

Những mâu thuẫn mang tính thể chế này không phải do Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo ra gần đây mà chúng đã ăn sâu bén rẽ từ lâu trong lịch sử Trung Quốc. Trong hơn 2.000 năm lịch sử của mình, Trung Quốc chịu sự điều hành của một nhà nước chuyên chế thông qua bộ máy quan liêu cồng kềnh. Theo cách mô tả của nhà sử học người Mỹ gốc Đức Karl A. Wittfogel, trong một nhà nước chuyên quyền như vậy, các đại diện của chính quyền thường có xu hướng tiến tới thâu tóm quyền lực chính trị và chi phối nền kinh tế.

Đất nước này cũng thường xuyên bị chia rẽ và điều đó đã đặt ra thách thức cho các nhà cầm quyền hiện nay. Trung Quốc hiện đại đã thừa hưởng toàn bộ lãnh thổ của vương triều nhà Thanh. Tuy nhiên, làm thế nào để thống nhất về mặt thể chế một đất nước rộng lớn như vậy là một câu hỏi hóc búa.

Sau khi vương triều nhà Thanh sụp đổ, nước cộng hòa mới thành lập đã không xây dựng được một loạt thể chế hiện đại có thể đứng vững và điều này dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa quân phiệt với tình trạng các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng. Trong giai đoạn này, chính quyền ở Bắc Kinh đã mất đi ảnh hưởng đối với các tỉnh, dẫn tới việc các tỉnh tuyên bố độc lập hoặc chống lại nhau.

Mao Trạch Đông từng mô tả Trung Quốc là nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Khi ông công bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949, Trung Quốc trở thành một nhà nước độc lập. Tuy nhiên, nước này vẫn còn trong tình trạng nửa phong kiến. Quả thực, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mao Trạch Đông đã khiến cho nước này chìm sâu vào chế độ phong kiến khi khuyến khích các tỉnh phát huy khả năng độc lập, tự cung tự cấp để có thể tồn tại trong cuộc chiến tranh với Mỹ hay Liên Xô.

Sự gia tăng xu hướng phi tập trung hóa trong kỷ nguyên hậu Mao Trạch Đông, đặc biệt trong những năm 1980, trên thực tế đã dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa liên bang ở Trung Quốc. Các chính quyền địa phương được trao quyền để nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế và theo đuổi sự thịnh vượng của địa phương mình. Sự cạnh tranh giữa Quảng Đông và Trùng Khánh trong kỷ nguyên Hồ Cẩm Đào đã khiến nhiều nhà quan sát quốc tế ngạc nhiên khi cả hai tỉnh cho thấy rõ những đường hướng cải cách và phát triển trái ngược nhau. Trong giai đoạn này, mặc dù Trung Quốc chịu sự lãnh đạo của một đảng, nhưng các tỉnh của nước này trên thực tế lại có quyền lực lớn hơn so với các bang ở Mỹ trong mối quan hệ với chính quyền liên bang.

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã chấm dứt tình trạng này và đưa quyền lực trở lại Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính chế độ trung ương tập quyền này đã giúp ông thành công trong việc huy động sức người sức của trên phạm vi cả nước và áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Không thể phủ nhận thắng lợi của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng thành tích này được đánh đổi bằng những tổn hại rất lớn mà người dân Hồ Bắc, đặc biệt là những người ở thành phố Vũ Hán, phải gánh chịu. Việc phong tỏa cũng đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Cần phải làm gì?

Cho đến nay, nhiều khía cạnh trong hệ thống chính trị của Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn tiền hiện đại và cần phải được điều chỉnh vì những mục tiêu tốt đẹp hơn. Trong nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế và quản lý xã hội, cần đẩy mạnh phân quyền cho các chính quyền địa phương. Trong khi đó, ở những lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và phúc lợi, chính quyền trung ương cần phải có trách nhiệm lớn hơn.

Khi Chu Dung Cơ trở thành thủ tướng, ông đã tiến hành tập trung hóa quyền tài chính ở nước này. Tuy nhiên, chính quyền trung ương lại yêu cầu các chính quyền địa phương phải chịu mọi trách nhiệm kinh tế-xã hội, khiến họ vấp phải nhiều vấn đề rắc rối.

Khi Tập Cận Bình tập trung hóa cao độ quyền ra quyết định, các quan chức địa phương có trách nhiệm thi hành quyết định nhưng lại không có quyền đưa ra các quyết định độc lập. Điều có thể thấy ở đây là sự không song hành giữa quyền lực và trách nhiệm ở các cấp địa phương. Quyền lực lớn phải đi đôi với trách nhiệm lớn, nhưng trách nhiệm lớn cũng cần có quyền lực lớn.

Nếu Trung Quốc không điều chỉnh sự mất cân bằng này, thì việc ra quyết định hiệu quả ở cấp địa phương sẽ bị cản trở, dẫn đến các cuộc khủng hoảng như đại dịch hiện nay.

Đối với mối quan hệ giữa các tỉnh, khi không có pháp trị, chủ nghĩa địa phương chính trị sẽ vẫn tồn tại. Đó là bởi xét cho cùng, khi các chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về đời sống của chính người dân địa phương mình, họ có xu hướng chống lại mệnh lệnh cấp trên khi tình hình diễn biến xấu đi.

Zheng Yongnian, giáo sư nghiên cứu tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết được đăng trên The Straits Times.

Minh Anh (gt)