Trong những tuần gần đây, các tàu khu trục và tàu ngầm của Trung Quốc đã xuất hiện với số lượng lớn trong các vùng biển gần Nhật Bản, máy bay lên thẳng của Trung Quốc hai lần áp sát các tàu của Nhật Bản với khoảng cách rất gần. Bằng những hành động khiêu khích như vậy, Trung Quốc đang lảng tránh những lời kêu gọi hợp tác trên biển, phát đi quyết tâm tự đi một mình theo cách thức mà Bắc Kinh sử dụng năng lực hải quân đang phát triển nhanh chóng của mình. 


Câu hỏi được đặt ra sau đó là liệu có ai làm được điều gì trước việc này? Nhật Bản dường như là một đối trọng hợp lôgíc đối với sức mạnh hải quân đang tăng lên của Trung Quốc. Thế nhưng, Thủ tướng Yukio Hatoyama không sẵn sàng tận dụng triệt để sức mạnh trên biển của Nhật Bản. Tôkyô đã duy trì sự hiện diện chống cướp biển trên Vịnh Aden, nhưng lại từ bỏ sứ mạng tiếp nhiên liệu trên biển hỗ trợ các chiến dịch của liên quân ở Ápganixtan. Những lời kêu gọi mở rộng hoạt động của Hải quân có khả năng cao của Nhật Bản sẽ vấp phải sự ỳ trệ và kháng cự. Và công bằng với Thủ tướng Hatoyama, vấn đề này không phải là của mình ông. Nhật Bản dường như đang ngày càng có một bầu không khí chính trị quốc gia, trong đó sự u sầu thay thế cho chiến lược. 


May thay, trong khi Nhật Bản do dự, một cường quốc châu Á khác đang xây dựng khả năng nhằm ngăn cản những cuộc đột nhập quân sự của Trung Quốc, quốc gia đó là Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ đang lớn mạnh về uy lực, tầm với và tham vọng. Học thuyết năm 2007 đã tuyên bố một mục tiêu quan trọng hơn cả là bảo vệ những nguồn nhập khẩu năng lượng mang tính sống còn cho sự phát triển của Ấn Độ. Điều này chí ít cũng mang hàm ý đóng một vai trò lớn hơn trên Ấn Độ Dương. Hơn nữa, trong việc theo đuổi sự tư lợi như vậy, Ấn Độ nói rằng nước này mời chào một dịch vụ cho tất cả các quốc gia thương mại bằng việc bảo vệ các tuyến đường biển từ Eo biển Hormuz tới Eo biển Malắcca. 


Các nhà chiến lược Ấn Độ lâu nay đã coi Ấn Độ Dương là phạm vi ảnh hưởng và trách nhiệm cảnh sát được thừa kế một cách tự nhiên từ Anh quốc. Nhưng, chỉ lúc này Ấn Độ mới đang xây dựng sức mạnh và những quan hệ hữu nghị cần thiết. Niu Đêli đang phát triển một hạm đội được hiện đại hóa gồm khoảng 150 tàu, với trung tâm là ít nhất hai tàu sân bay. Phần của Hải quân trong ngân sách quốc phòng đang dần dần tăng lên, mặc dù ở mức 15%, nhưng vẫn là quá thấp. Việc Ấn Độ mua tàu đổ bộ USS Trenton (được đổi tên là INS Jalashwa) đã làm tăng khả năng di chuyển binh lính trên biển. Những tàu khu trục, khinh hạm và tàu ngầm thế hệ mới đang được đưa vào sử dụng. Các máy bay cảnh giới và săn tàu ngầm P8 Poseidon mua của Mỹ sẽ dẫn tới một bức tranh về giao thông đại dương mà trong đó Ấn Độ có thể chia sẻ một cách thực sự với Oasinhtơn và các đồng minh của Mỹ. Cũng có những tiến bộ (mặc dù không đều) hướng tới khả năng răn đe hạt nhân từ tàu ngầm mà Ấn Độ tìm kiếm để đối phó với Trung Quốc. 


Ấn Độ đã chứng minh cam kết của Niu Đêli bảo đảm an ninh trong vùng biển lân cận. Ấn Độ đã sử dụng Hải quân để giúp Xri Lanca và những nước láng giềng khác sau thảm họa sóng thần cuối năm 2004, phối hợp bên cạnh các đối tác dân chủ là Ôxtrâylia, Nhật Bản và Mỹ. Các tàu chiến của Ấn Độ cũng đã bảo vệ tàu bè của Mỹ trên Eo biển Malắcca, bảo vệ các hội nghị thượng đỉnh đa phương ở Môdămbích, giúp Môritani giám sát các vùng biển, ngăn chặn một tàu hàng khả nghi của Bắc Triều Tiên, và giải cứu người Ấn Độ và những người Nam Á khác khỏi đất nước Libăng bị chiến tranh tàn phá. Tàu chiến Ấn Độ đã đương đầu với cướp biển (họ đã đánh chìm một tàu cá của Thái Lan đang được cướp biển sử dụng) và phối hợp tuần tra với Inđônêxia. Hải quân Ấn Độ đang can dự với nhiều quốc gia khác nhau như Xinhgapo, Nam Phi, Nhật Bản, Pháp, Nga và Ôman. 


Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là Trung Quốc. Cùng với sự phụ thuộc sâu sắc vào các nguồn cung cấp năng lượng và thương mại được chuyên chở bằng tàu biển, và đội tàu buôn lớn thứ tư thế giới, không thể tưởng tượng được rằng Trung Quốc sẽ vĩnh viễn dựa vào bên ngoài để bảo vệ tất cả an ninh các tuyến đường biển của họ. Tất nhiên, vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ làm các nhà hoạch định quốc phòng ở Niu Đêli lo ngại. Gần đây, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Ấn Độ đã chứng kiến Trung Quốc nuôi dưỡng Pakixtan, Xri Lanca, Mianma và Bănglađét bằng các hợp đồng bán vũ khí, những thỏa thuận năng lượng cũng như những dự án cảng mà có thể không dừng lại ở mức dân sự. Một số học giả Trung Quốc giờ đây công khai gợi ý Trung Quốc cần những căn cứ quân sự ở nước ngoài. 


Càng làm phức tạp thêm các vấn đề là việc cướp biển Xômali tạo ra cho Trung Quốc một lý do hoàn hảo để có sự hiện diện hải quân vô thời hạn ở phía Tây của Ấn Độ. Sự bất ngờ của việc triển khai đó, vào tháng 12/2008, đã khiến cho Niu Đêli ở vào tư thế tự vệ. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã giành thêm một ưu thế nữa bằng cách xung phong đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các cuộc đàm phán về chia sẻ tuần tra với các hải quân của phương Tây. Điều này đòi hỏi phải có một sự đáp lại từ Ấn Độ, mặc dù chính xác đó là một vấn đề tranh luận. Một lựa chọn khéo léo sẽ là đưa ra những đề nghị thận trọng về những quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc nhằm ngăn chặn bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào. Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng Pallam Raju đã đề nghị sự bảo vệ của Ấn Độ đối với những tàu chở dầu của Trung Quốc, cộng thêm việc mở rộng sự can dự hải quân ở mức tối thiểu giữa hai cường quốc này. Niu Đêli sẽ đúng đắn khi duy trì đà này. Với tư cách là cường quốc chính trong khu vực, Ấn Độ sẽ dại dột khi lãng phí cơ hội đặt ra những điều khoản hợp tác trên Ấn Độ Dương trong khi các khả năng của Trung Quốc ở khu vực đó vẫn còn lâu mới theo kịp những tham vọng đáng ngờ của Bắc Kinh. 


Nói chung, Ấn Độ sẽ có lợi từ việc củng cố nhiều mắt xích hơn trong mạng lưới hải quân của nước này. Hợp tác thực tế có thể được xây dựng với Ôxtrâylia, một cường quốc hải quân tiên tiến cùng chia sẻ đại dương với Ấn Độ về mặt địa lý và những giá trị chính trị. Các cuộc tuần tra tay ba với Ôxtrâylia và Inđônêxia sẽ có ý nghĩa chiến lược mang tính thuyết phục. Hàn Quốc, quốc gia muốn một vai trò toàn cầu lớn hơn và có sứ mạng chống cướp biển của riêng mình, cùng với một nước Việt Nam cảnh giác trước Trung Quốc, đã chín muồi cho quan hệ đối tác với Ấn Độ. Niu Đêli có thể chứng tỏ sự lãnh đạo nhiều hơn trong việc cố gắng hợp tác với Pakixtan, với một sự khởi đầu bằng cách thuyết phục Ixlamabát tham gia một hội nghị do Ấn Độ khởi xướng của những đô đốc trong khu vực dự kiến diễn ra trong tháng 5 ở Abu Dhabi. 


Sẽ có ý nghĩa hoàn hảo khi một nước lớn đang nổi lên nằm tại trung tâm của một đại dương lớn khao khát trở thành một cường quốc hải quân chủ chốt. Thách thức của Ấn Độ giờ đây là vượt qua những thất vọng cũ trên đất liền để có thể thực hiện tầm nhìn đại dương mang tính sống còn của nước này./.