Quan điểm quyết đoán của Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã gây căng thẳng đáng kể với các quốc gia láng giềng và các cường quốc hải quân khu vực. Triển vọng gia tăng về hợp tác hải quân tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khẳng định ấn tượng rằng ảnh hưởng của Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc hải quân đang trỗi dậy ở châu Á, đã trở nên nguy hiểm cho khu vực. Mối quan tâm chính hiện nay là việc các lực lượng hải quân Trung Quốc - bao gồm Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) và Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) - phát triển nhanh chóng và ảnh hưởng của nó đối với tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế cũng như sự thịnh vượng về kinh tế, hòa bình, ổn định và trật tự pháp lý. Ngày càng có nhiều quan ngại về hành động của Trung Quốc hạn chế quyền hàng hải và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chung. Những yếu tố này đặt tham vọng biển của Trung Quốc vào trung tâm các cuộc tranh luận kéo dài về an ninh của châu Á về cả lý luận lẫn thực tiễn. Trong khi các nhà lý luận về thế tiến thoái lưỡng nan an ninh cổ điển ám chỉ rằng sự tăng cường hoạt động của hải quân là do sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực, động lực thực sự đằng sau sự gia tăng hoạt động hải quân của Trung Quốc có thể là do chủ nghĩa dân tộc của nước này.

Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc

Kể từ giữa những năm 1860, các luận bàn chính trị và chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trải qua một loạt biến đổi. Một quốc gia Trung Quốc từng được coi là lãnh đạo của phương Đông bị suy yếu nặng nề bởi những sự gián đoạn liên tục như Chiến tranh nha phiến, khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn và chiến tranh Trung-Nhật. Hậu quả là các sự kiện này đã gây ra một vết nứt đối với niềm tự hào dân tộc và người dân Trung Quốc phải chịu đựng những hành động tàn ác khác trong giai đoạn này. Sự hồi sinh của nền kinh tế Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua đã giúp Trung Quốc lấy lại được uy tín đã mất của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lợi dụng tình cảm dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng này để đoàn kết một xã hội Trung Quốc bị chia rẽ. Điều này tạo cho nhà nước một thẩm quyền cần thiết để theo đuổi tiếng tăm và tính hợp pháp trên trường quốc tế. Một thành phần quan trọng của tiếng tăm này, được nuôi dưỡng bởi các tham vọng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, là một lực lượng hải quân quan trọng. Sức mạnh hải quân nằm ở trung tâm của các khát vọng của Trung Quốc và là sự hợp nhất của an ninh năng lượng, chiến lược hàng hải, sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ nghĩa dân tộc hải quân, chính sách đối ngoại, triển khai sức mạnh và sự lãnh đạo khu vực.

Tham vọng hải quân

Năng lực hải quân của Trung Quốc có thể đã đem lại kết quả trong hiện tại, và sự tăng tốc có thể đã xảy ra trong vài năm gần đây, nhưng tham vọng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc nhằm có được "hải quân biển khơi" (Hải quân có tầm hoạt động trên toàn cầu) và lấy lại 'lãnh thổ đã mất' đã trở thành mục tiêu chính sách cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một thời gian dài. Hành trình của Trung Quốc đi tới sức mạnh hải quân đã được xây dựng bởi các chính quyền kế tiếp, những người đã liên tục lặp đi lặp lại về “quyền lực bị tổn thương” để biện minh cho hành động của họ. Các nhân vật dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc yêu cầu phát triển một "hải quân biển khơi" được dẫn đầu bởi các tàu sân bay vì điều này sẽ phục vụ mục tiêu kép là thống nhất Đài Loan với Trung Quốc Đại lục và bảo vệ chủ quyền Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ. Các hành động của Trung Quốc như tuyên bố chủ quyền với các đảo, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, sử dụng lực lượng dân quân biển để quấy nhiễu ngư dân các nước khác, sử dụng các tàu bảo vệ bờ biển để ép buộc trong khu vực tranh chấp, đã tạo nên một nguyên tắc mang tính dân tộc chủ nghĩa để bảo vệ các lãnh thổ mà họ tự tuyên bố là của riêng mình.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được nêu ra bởi “đường 9 đoạn” đã thể hiện niềm tin lịch sử này. “Đường 9 đoạn” được đưa ra cách đây không lâu bao gồm phần lớn Biển Đông và nó vi phạm chủ quyền và biên giới biển của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc đưa ra các yêu sách này bất chấp luật pháp quốc tế nhằm tìm kiếm lợi ích kinh tế từ việc khai thác tài nguyên trong khu vực. Biển Hoa Đông là một ví dụ khác. Sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku đã tăng lên trong vài năm gần đây. Việc thâm nhập biển Hoa Đông là nhằm tìm cách thiết lập quyền kiểm soát đối với các mỏ khí đốt tự nhiên trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku và người ta không ngạc nhiên khi các hành động trên đi cùng với tình cảm chống Nhật tại Trung Quốc Đại lục.

Chủ nghĩa dân tộc hải quân

Trung Quốc phù hợp với định nghĩa của Robert Ross về chủ nghĩa dân tộc hải quân như là biểu hiện của "chiến lược tự hào dân tộc" mà các chính phủ đang tìm kiếm tính hợp pháp ở trong nước theo đuổi. Theo ông Ross, những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc tìm kiếm uy tín và quyền lực của các cường quốc trong lịch sử, bao gồm cả Trung Quốc phong kiến. Việc Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh chi tiêu cho hải quân không phải là điều xảy ra bất ngờ. Chi tiêu gia tăng cho các năng lực hải quân là sự kết hợp của tình cảm dân tộc, chiến lược an ninh phòng thủ và ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng. Một khái niệm cốt lõi về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc - "phục hồi" lãnh thổ đã mất - đã giải thích rõ thêm về chương trình phát triển hải quân của nước này. Sức mạnh hải quân đã trở thành điểm mấu chốt cho tính hợp pháp trong nước và được phản ánh rõ trong ý đồ của các chiến lược gia hải quân ở Bắc Kinh để xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh vào năm 2020 với 3 tàu sân bay. Khi đám đông cư dân mạng Trung Quốc thường xuyên gắn tình cảm dân tộc chủ nghĩa với hải quân Trung Quốc, việc khuếch trương các hoạt động xây dựng trên quần đảo Trường Sa sẽ nhấn mạnh "áp lực từ xã hội Trung Quốc". Trung Quốc che giấu cảm xúc dân tộc của mình dưới lớp mặt nạ là miêu tả họ ở trong thế khó xử về an ninh điển hình. Nước này ám chỉ việc phát triển lực lượng hải quân và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo là do các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở Biển Đông. Các cơ quan nhà nước, truyền thông và mạng xã hội do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc sẽ lặp đi lặp lại điều này mỗi khi Hải quân Mỹ thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng thêm 8,1% trong năm nay chứng tỏ rằng việc mở rộng lực lượng hải quân của Trung Quốc đang thực hiện với tốc độ ổn định. Phần lớn khoản tiền này sẽ dành để ngăn chặn bất cứ hành động táo bạo nào của Mỹ vượt ra ngoài hoạt động tự do hàng hải thông thường. Trung Quốc đã dành đáng kể các nguồn lực trong thập kỷ qua để bắt kịp với các năng lực của Mỹ. Các động thái của Hải quân Mỹ sẽ là mối quan tâm lớn nhất trong chiến lược hải quân của Trung Quốc và việc xây dựng cấu trúc hải quân của nước này sẽ luôn chú ý đến việc Mỹ triển khai các lực lượng tại Tây Thái Bình Dương. Việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) và xây dựng các đường băng trên những hòn đảo nhân tạo là nhằm biến chúng thành các căn cứ thực sự để Trung Quốc triển khai quân đội. Việc Mỹ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao phủ khu vực tranh chấp củng cố hơn nữa lập trường này. Tất cả những điều này liên quan đến chiến lược của Trung Quốc kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất tại Tây Thái Bình Dương nhằm mở rộng sức mạnh quốc gia của nước này. Khoảng cách thu hẹp giữa các lực lượng hải quân thông thường của Trung Quốc và Mỹ đã khẳng định chủ nghĩa dân tộc hải quân của Trung Quốc. Hơn nữa, việc tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương đã cho thấy sự xuất hiện của một chiến lược bá quyền lớn hơn của Trung Quốc. Việc Trung Quốc triển khai lực lượng chống cướp biển tại Vịnh Aden, các tàu tuần tra ngầm ở Ấn Độ Dương và các căn cứ hải quân xa bờ ở Đông Phi đã góp phần gia tăng thêm sức mạnh của hải quân Trung Quốc cũng như mở rộng tầm hoạt động của nước này ra vùng biển quốc tế.

Kết luận

Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã từ bỏ hình ảnh "Thương hiệu Trung Quốc" và thể hiện những tham vọng thực sự của nước này đối với thế giới. Mỗi cường quốc trên thế giới đều đảm bảo vị thế của họ trên sân khấu địa chính trị bằng cách sử dụng một lực lượng hải quân hùng mạnh và Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Khi các tham vọng của dân tộc thường xuyên được kích động bởi chính quyền nhà nước để thu hút sự ủng hộ của người dân, kết quả sẽ là một xã hội dân sự chìm trong chủ nghĩa dân tộc sôi sục. Điều này đến lượt nó ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của nhà nước. Điểm khác biệt quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc là cảm giác về đặc quyền của nước này trong khu vực và giọng điệu “lá mặt lá trái” nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, đôi khi là mang tính cưỡng ép đối với các sáng kiến như “Vành đai và Con đường” và một "Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông" mang tính ràng buộc, thậm chí ngay cả khi Bắc Kinh vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác. Trong công cuộc phục hưng vị thế nước lớn của mình, Trung Quốc đã đem lại cho các lực lượng biển - Hải quân, Cảnh sát biển và dân quân biển - quyền tự trị đáng kể mà không ai kiểm soát, thậm chí cả luật pháp quốc tế. Khi những lực lượng này quấy rối ngư dân từ các quốc gia khác và hạn chế quyền tiếp cận của họ tới các ngư trường truyền thống, Trung Quốc đồng thời cũng khiến người dân các quốc gia này tức giận và nuôi dưỡng các quan điểm dân tộc chủ nghĩa của họ. Những hành động này thách thức chủ quyền của các quốc gia láng giềng, năng lực và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên, đe dọa các chuẩn mực vốn chi phối luận bàn chính trị ở châu Á kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sức mạnh hải quân Trung Quốc và uy tín nhà nước đi đôi với nhau, tạo ra một động lực an ninh mới ở Đông Á và hơn thế nữa. Các quốc gia đã sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến hơn và vẫn đang vật lộn với ý tưởng về một hệ thống thứ bậc do Trung Quốc áp đặt trong khu vực. Trung Quốc đã tạo ra uy tín quốc gia của mình bằng cách thiết lập chương trình nghị sự ở Đông Á, nhưng nước này cần phải thận trọng để việc tăng cường sức mạnh hải quân không tạo ra liên minh chống lại họ.

Tuneer Mukherjee là nhà nghiên cứu của Sáng kiến Chính sách biển, Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát, Ấn Độ (ORF). Lĩnh vực nghiên cứu của ông chủ yếu về chiến lược biển Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là về mô hình an ninh và kinh tế đại dương xanh Khu vực Ấn Độ Dương. Bài viết được đăng trên ORF.

Trần Quang (gt)