Tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông

Ngày 23/3, tàu USS Mustin (DDG-89) được cho là đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải (FONOP), được cho là đã đi qua khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý tính từ Đá Vành Khăn - 1 trong 7 cấu trúc địa hình bị chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã biến thành một tiền đồn quân sự lớn với nỗ lực nhằm thống trị vùng biển tranh chấp xung quanh. Nếu vậy, đây có thể là FONOP thứ hai của Mỹ trong năm nay và là hoạt động hải quân thứ 6 của Mỹ trong 10 tháng qua nhằm thách thức các tuyên bố yêu sách biển quá mức của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản hồi với phần lớn vẫn là những luận điểm được “xào lại” từ các FONOP trước đây của Mỹ, nhưng với một số điểm bổ sung đáng lưu ý và với giọng điệu mang tính quyết đoán và gay gắt hơn đáng kể:

“Mỹ đã vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế liên quan, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, làm suy yếu hòa bình, an ninh và trật tự của vùng biển liên quan, và gây nguy hiểm cho các cơ sở và nhân lực trên các đảo của Trung Quốc, và do đó cấu thành một hành động khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển gần kề. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông mà tất cả các quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia hay cá nhân nào làm suy yếu chủ quyền và an ninh của các quốc gia duyên hải trên danh nghĩa quyền tự do hàng hải và hàng không. Hiện tại, tình hình ở Biển Đông đã được cải thiện nhờ các nỗ lực phối hợp của Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong hoàn cảnh như vậy, Mỹ, vốn cố ý khơi mào rắc rối và gây căng thẳng ở Biển Đông nhằm phá vỡ hòa bình và sự ổn định ở đây, đang đi ngược lại ý chí của các quốc gia trong khu vực, vốn khao khát sự ổn định, hợp tác và phát triển, và do đó hoàn toàn không hợp lòng dân. Phía Trung Quốc hối thúc mạnh mẽ phía Mỹ dừng ngay các hoạt động mang tính khiêu khích xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa an ninh của Trung Quốc và chân thành tôn trọng các nỗ lực phối hợp của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của mình và bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Những phần bổ sung đáng chú ý là những lời nhận xét mô tả Mỹ như một “kẻ không mời mà đến”, gây bất ổn và xâm phạm quyền lợi của khu vực và ASEAN; và các tuyên bố cảnh báo Washington rằng các FONOP và sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân ở Biển Đông sẽ không còn tiếp tục được dung thứ, như được chứng minh bởi ngôn từ quyết đoán mạnh mẽ hơn so với trước đây - “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của mình” thay cho ngôn từ mềm mỏng hơn trước đây là “thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình”. Ngôn từ và giọng điệu mới phù hợp với những bình luận chính sách gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình về chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIII: “Người dân và đất nước Trung Quốc có chung một niềm tin chắc chắn: không một tấc đất nào của chúng tôi sẽ bị hoặc có thể bị tách khỏi Trung Quốc”.

Phần bổ sung đầu tiên (“Hiện tại... Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”) nhằm vào các nước thành viên ASEAN khác, định hình và tác động tới các cuộc đàm phán đang tiếp diễn về Bộ quy tắc ứng xử (COC) cho việc quản lý các tuyên bố chủ quyền bị tranh chấp trên vùng biển chiến lược này. Bắc Kinh chắc chắn sẽ cố gắng đưa cách diễn đạt có lợi vào COC, chẳng hạn như loại trừ các nước không thuộc ASEAN khỏi Biển Đông và quy định về các hoạt động quân sự ở Biển Đông. Điều thứ hai này nhất quán với những bình luận của Trung Quốc tại Hội nghị an ninh Munich lần thứ 54 - “giờ đây vấn đề là một số quốc gia đã đơn phương diễn giải một cách sai lầm quyền tự do hàng hải trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) thành quyền tự do về các hoạt động quân sự, vốn không phải là nguyên tắc mà UNCLOS đặt ra”. Phần bổ sung thứ hai (“đang đi ngược lại... không hợp lòng dân”) nhằm vào Washington, phát đi tín hiệu về ý định của Bắc Kinh ngày càng thách thức sự hiện diện lớn hơn và các hoạt động của hải quân Mỹ trên vùng biển mà họ coi là lãnh hải của mình.

Truyền thông Trung Quốc phần lớn lặp lại giọng điệu của Bộ Ngoại giao nước này, và khẳng định thêm rằng Washington đã cố ý lựa chọn thời điểm tiến hành FONOP để thách thức Bắc Kinh vào đúng ngày Trung Quốc quyết định đáp trả các mức thuế quan mang tính trừng phạt của Mỹ. FONOP gây bất ổn là một cử chỉ có tính toán và là một phần của chiến dịch gây sức ép kết hợp về kinh tế và chính trị của Mỹ chống lại Trung Quốc.

Điều kỳ lạ là trong một cuộc họp báo 5 ngày sau cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không sử dụng giọng điệu quyết đoán hơn của Bộ Ngoại giao mà thay vào đó duy trì các luận điểm trước đây về các FONOP của Mỹ. Câu chuyện và giọng điệu tương đối dịu bớt cho thấy có thể có một sự thay đổi về đường lối so với cách tiếp cận ngoại giao công khai ban đầu của Bắc Kinh, nhưng những tháng tới sẽ cho thấy liệu thực tế có đúng như vậy hay không:

“Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc gần đây đã đưa ra một tuyên bố nhằm nhấn mạnh các nguyên tắc và lập trường của Trung Quốc để phản ứng trước việc các tàu của Hải quân Mỹ đi vào vùng biển lân cận của các đảo và đá có liên quan thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo có liên quan và các vùng biển gần kề ở Biển Đông. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông mà tất cả các quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ hành động phô trương sức mạnh nào làm trầm trọng thêm các căng thẳng khu vực, đe dọa và làm suy yếu chủ quyền và các lợi ích an ninh của các quốc gia khác. Quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng quốc phòng của mình theo mức độ của mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của nước này, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền cũng như lợi ích trên biển, và kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”. (Họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 29/3).

Sau FONOP này, Trung Quốc đã thông báo và tiến hành các cuộc tập trận tấn công trên vùng biển bị tranh chấp, trong đó có một cuộc thao diễn nhằm phô trương sức mạnh trên quy mô lớn, và sau đó tuyên bố rằng nước này có thể tiến hành các cuộc diễn tập tấn công tương tự mỗi tháng một lần trong tương lai. Bắc Kinh mô tả các cuộc diễn tập tấn công này là theo thông lệ, là một phần của kế hoạch huấn luyện hàng năm của Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLAN) nhằm cải thiện khả năng tấn công, và không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào (điều thú vị là họ bắt chước các luận điểm của Mỹ):

“Cuộc diễn tập hải quân bắn đạn thật do PLAN tiến hành ở Biển Đông là biện pháp thực thi chỉ đạo quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khai mạc phiên huấn luyện đầu năm của Quân giải phóng nhân dân (PLA) và khuyến khích hoạt động huấn luyện có định hướng tấn công của binh lính hải quân PLA. Đó là kế hoạch theo thông lệ phù hợp với chương trình huấn luyện hàng năm của PLAN. Mục đích của hoạt động huấn luyện này là kiểm tra và tăng cường mức độ huấn luyện của PLAN, và thúc đẩy các khả năng của binh lính nhằm giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Nó không nhằm vào bất kỳ mục tiêu hay quốc gia cụ thể nào”. (Họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 29/3).

Ngày 2/4, tờ Thời báo Hoàn cầu (phụ san của tờ Nhân dân nhật báo) đã đăng một bài viết giải thích những lý do khác nhau cho các hoạt động hải quân này. Các lý do được nêu ra bao quát hơn và phần nào không nhất quán với những lý do được đưa ra tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó 3 ngày:

“Thứ nhất, Trung Quốc cần bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình trong khu vực và các cuộc tập trận theo thông lệ là phù hợp với chính sách phòng thủ quân sự của Trung Quốc. Thứ hai, chúng có liên quan tới tình hình quốc tế đang thay đổi khi một số quốc gia đã có những động thái chiến lược nhằm vào Trung Quốc. Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Mustin gần đây đã đi vào vùng biển xung quanh các đảo và đá của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác thông qua Đối thoại an ninh 4 bên; và Anh được cho là đang cân nhắc việc cử một tàu chiến tới Biển Đông để tiến hành các FONOP vào năm 2018. Và một phần lý do cũng là bởi tình hình Đài Loan đang thay đổi khi Tổng thống Mỹ Trump gần đây đã ký thông qua Đạo luật đi lại Đài Loan, cho phép có các cuộc trao đổi quan chức cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan. Điều này đi ngược lại chính sách “một Trung Quốc”. Những thay đổi này mang tính sống còn và có liên quan tới an ninh của Trung Quốc. Bắc Kinh cần có một số sự chuẩn bị thiết thực để đối mặt với những thay đổi trong tình hình quốc tế. Thứ ba, với việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng, chúng ta cần nhiều cuộc diễn tập quy mô lớn hơn để kiểm tra và cải thiện khả năng tấn công quân sự. Đây là hành động bình thường của bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển sức mạnh quân sự của mình”.

Ngày 12/4, đích thân Tập Cận Bình đã tham dự một cuộc duyệt binh của hải quân trên Biển Đông, một trong những cuộc duyệt binh lớn nhất thuộc loại này ở Trung Quốc kể từ khi quốc gia này thành lập vào năm 1949. Ông đã chứng kiến cuộc duyệt binh của 48 tàu, 76 máy bay và hơn 10.000 quân nhân, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh. Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu sau cuộc duyệt binh này, tái khẳng định khát vọng của Bắc Kinh sở hữu một lực lượng hải quân vững mạnh và cam kết đẩy nhanh việc hiện đại hóa PLAN... “Một lực lượng hải quân hùng mạnh là một trụ cột quan trọng trong sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Ngày 17/4, Báo Quân giải phóng đã trình bày chi tiết các tuyên bố của Tập Cận Bình trước đó 5 ngày. Tập Cận Bình đã kiên quyết đưa Bắc Kinh vào một tiến trình kiên định để đạt được Giấc mộng Trung Hoa, do đó việc Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh và hiện đại là một đòi hỏi cấp thiết. Đó là vì việc sở hữu một lực lượng hải quân có khả năng không đơn giản chỉ để bảo vệ bờ biển một nước, mà còn để bảo vệ các lợi ích của nước này vượt ra ngoài bờ biển đó. 90% thương mại thế giới vẫn được tiến hành bằng đường biển, và đó là cách ít tốn kém nhất, vượt xa những cách khác, để vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu thô trên toàn cầu. Đó là lý do giải thích tại sao PLAN tổ chức duyệt binh trước sự chứng kiến của Tập Cận Bình trên Biển Đông vào ngày 12/4.

Sẽ là thú vị khi chờ xem Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản ứng như thế nào trong vài tháng tới, khoảng thời gian có điều kiện thời tiết thuận lợi nhất cho hoạt động cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Biển Đông. Ngoài các hoạt động hải quân, Trung Quốc tuyên bố đã triển khai binh lính bổ sung và lắp đặt các trang thiết bị phòng thủ lãnh thổ; và biện hộ cho sự triển khai mang tính cơ hội này là Bắc Kinh có đầy đủ quyền triển khai trang thiết bị quân sự cần thiết trên các tiền đồn quân sự của họ ở quần đảo Trường Sa:

“Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc. Việc Trung Quốc bố trí binh lính và triển khai các cơ sở hạ tầng phòng thủ lãnh thổ cần thiết trên các đảo và đá có liên quan của quần đảo Trường Sa là quyền đương nhiên của một nước có chủ quyền. Việc này cho phép bảo vệ chủ quyền và an ninh của nhà nước, bảo đảm tự do và an ninh của các tuyến đường biển ở Biển Đông và duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Nó không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, theo đuổi chính sách quốc phòng mang bản chất phòng thủ và chiến lược quân sự phòng thủ chủ động”.

Việc chờ xem Bắc Kinh phản ứng trước các diễn biến khác có liên quan trong khu vực như thế nào cũng sẽ nói lên nhiều điều - khinh hạm Vendémiaire của Hải quân Pháp “được cho là” đã tiến hành FONOP ở Biển Đông (một số người cho rằng đó không phải là FONOP mà chỉ là một chuyến quá cảnh); Hà Nội đón một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ tới thăm cảng; Jakarta vận động hành lang các quốc gia Đông Nam Á tiến hành tuần tra hàng hải ở các vùng biển bị tranh chấp; Canberra gia tăng sự hiện diện quân sự của mình và xem xét tiến hành các FONOP trên tuyến đường biển chiến lược; Manila có kế hoạch một lần nữa mời thêm Nhật Bản và Úc tham gia cuộc tập trận song phương hàng năm của mình với Mỹ (Balikatan); các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục mua thêm vũ khí hải quân (Kuala Lumpur sẽ trang bị cho các tàu chiến duyên hải mới của mình các tên lửa tấn công hải quân tiên tiến từ Na Uy và Jakarta sẽ mua của Hàn Quốc 3 tàu ngầm hiện đại); và Tokyo tìm cách liên kết khu vực Mekong và ASEAN với một chiến lược châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, liên minh với Ấn Độ, Mỹ và Úc. Khi Trung Quốc quyết định phản ứng, nước này sẽ làm vậy theo cách song phương và thầm lặng như với Philippines (khuyến khích Manila cùng thăm dò dầu khí ở vùng biển bị tranh chấp) và Brunei (làm trung gian cho một dàn xếp ngầm mà trong đó Bandar Seri Begawan giữ im lặng về vấn đề Biển Đông nhằm bảo đảm hoạt động đầu tư của Trung Quốc); và theo cách bí mật như khi những kẻ tấn công mạng Trung Quốc được cho là đã tấn công các doanh nghiệp có liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Lá bài tẩy sẽ là Singapore, nước đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN vào tháng 1/2018. Cách tiếp cận công bằng và cân bằng của Singapore và khuynh hướng của nước này thiên về các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu có thể tiết chế (thậm chí có thể kiểm soát) Bắc Kinh trong nội bộ ASEAN trong năm 2018. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã dự đoán về triển vọng không mong muốn này và đang có các bước đi tích cực để giảm nhẹ chúng. Ngày 8/3, trong chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói rằng Trung Quốc sẽ làm việc với ASEAN: “Trung Quốc sẵn sàng mang lại lợi ích cho các quốc gia xung quanh thông qua sự phát triển của chính mình và xây dựng một cộng đồng với lợi ích chung và vận mệnh chung với các quốc gia trong khối ASEAN”. Ngày 12/4, Bắc Kinh đã phát động một chương trình phòng thí nghiệm chung với ASEAN nhằm thúc đẩy và tăng cường đổi mới công nghệ, như một phần của các nỗ lực lớn hơn trong khuôn khổ BRI nhằm xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho Trung Quốc và ASEAN. Chương trình chung này được Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Singapore và Ban thư ký ASEAN tổ chức.

Đợt tấn công sắp tới của “quyền lực sắc bén”

Trung Quốc gần đây đã tái cơ cấu giới truyền thông nhà nước nhằm kiểm soát tốt hơn các nội dung trong nước và tạo ra bộ máy ngoại giao công chúng (tuyên truyền) lớn hơn để truyền đạt tốt hơn thông điệp chiến lược của Bắc Kinh và định hình công luận ngoài nước. Cả hai mục đích đều liên kết với các mục tiêu của Tập Cận Bình là bảo đảm rằng các khán giả trong nước và quốc tế nghe thấy những thông điệp mà ông muốn họ nghe, nhìn thấy những hình ảnh mà ông muốn họ nhìn, và tin vào những câu chuyện mà ông muốn họ tin.

Vào giữa tháng 3, Bắc Kinh đã tuyên bố về việc sáp nhập 3 đài phát thanh truyền hình quốc gia - Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc và Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc - để thành lập một thực thể duy nhất là Đài Tiếng nói Trung Quốc (VoC) nhằm “chỉ đạo các vấn đề xã hội nóng bỏng, tăng cường và cải thiện công luận, thúc đẩy sự hội nhập đa phương tiện, tăng cường thông tin liên lạc quốc tế và kể những câu chuyện hay về Trung Quốc”. VoC sẽ tuyển dụng 15.000 nhân viên trên hàng chục cơ quan trên toàn cầu, sản xuất các chương trình truyền thông bằng hơn 60 thứ tiếng để thể hiện hình ảnh mang tính trấn an về một Trung Quốc rộng lượng, làm giảm nhẹ bất kỳ mối quan ngại nào về sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên thế giới.

VoC sẽ bổ sung các hoạt động “quyền lực sắc bén” tương tự như các Viện Khổng Tử và Mặt trận thống nhất. Viện Khổng Tử là một mạng lưới gồm hơn 1.500 trung tâm dạy học được thành lập tại hơn 140 quốc gia, cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho hơn 1,5 triệu người học đến từ khắp nơi trên thế giới. Mặt trận thống nhất là một tổ chức của ĐCSTQ được tạo ra để xây dựng các liên minh chính trị trong nước và quốc tế với nền tảng rộng lớn nhằm đạt được các mục tiêu của đảng, thúc đẩy nghị trình chính trị của đảng và giúp hiện thực hóa các tham vọng địa kinh tế rộng lớn hơn như BRI. Mặt trận thống nhất được cho là sẽ tiếp quản các chức năng của Văn phòng kiều vụ Quốc vụ viện, Ủy ban quốc gia về các vấn đề dân tộc và Cục các vấn đề tôn giáo để thực hiện kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề về tôn giáo và sắc tộc và tiếp tục thực hiện các nỗ lực của mình trong việc sử dụng sức ảnh hưởng ở nước ngoài. Cùng với nhau, các cơ quan có tầm ảnh hưởng này có mục tiêu là thúc đẩy nghị trình chính trị của Trung Quốc và giải thích các ý tưởng và giá trị của Trung Quốc, theo cách giành được sự ủng hộ cho nước này ở nước ngoài.

Ngày 17/2, Tập Cận Bình đã ban hành một chỉ thị nhằm nuôi dưỡng sự ủng hộ lớn hơn trong cộng đồng Hoa kiều đông đảo gồm khoảng 60 triệu người. Ông kêu gọi “đoàn kết chặt chẽ” với người Trung Quốc ở nước ngoài để ủng hộ Giấc mộng Trung Hoa, và nhấn mạnh rằng “để hiện thực hóa sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc, chúng ta cần cùng làm việc với những người con của đất nước ở trong nước cũng như nước ngoài... nhiệm vụ quan trọng đối với đảng và nhà nước là đoàn kết số lượng lớn người Trung Quốc ở nước ngoài cũng như đã về nước cùng với gia đình của họ ở trong nước, và phát huy vai trò tích cực của họ trong sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.

Chiến dịch gây ảnh hưởng mới rõ ràng đã bắt đầu một cách nghiêm túc với một bài viết của Tân Hoa Xã vào ngày 22/3 có tiêu đề “Người Trung Quốc ở nước ngoài tin tưởng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự phục hưng của dân tộc”. Sau đây là một số ví dụ về sự tán thành đối với việc Tập Cận Bình tái đắc cử mới đây (Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương) của cộng đồng Hoa kiều trên toàn thế giới:

•“Ban lãnh đạo mới sẽ đưa Trung Quốc tới sự thịnh vượng lớn hơn và kêu gọi người Trung Quốc ở Canada đóng vai trò cầu nối trong các trao đổi phi chính phủ song phương”. (Wang Dianqi, người đứng đầu Ủy ban hỗn hợp các hiệp hội người Hoa ở Canada).

•“Người Trung Quốc ở Pháp sẽ giúp tăng cường các trao đổi Trung-Pháp, góp phần vào việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường do Tập Cận Bình đề xuất và khái niệm xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại”. (Wu Wuhua, Chủ tịch danh dự Hội quán Triều Châu ở Pháp).

•“Thôi thúc người Trung Quốc ở Peru thúc đẩy những trao đổi và sự tin cậy lẫn nhau giữa quốc gia nơi họ sinh sống với Trung Quốc”. (Liang Shun, người đứng đầu Hiệp hội người Trung Quốc ở Peru).

•“Tập Cận Bình sẽ có thể dẫn dắt Trung Quốc tới sự phục hưng dân tộc, và đem lại cho người Trung Quốc ở nước ngoài nhiều lợi ích và niềm tự hào to lớn hơn”. (Zhou Ying, người đứng đầu Liên hiệp các hiệp hội người Trung Quốc ở Cyprus).

•“Đối với người Trung Quốc ở nước ngoài, sự phát triển của Trung Quốc quan trọng nhất là khiến họ được tôn trọng hơn, và thứ hai là đem lại cho họ các cơ hội kinh doanh mới”. (Fang Tianxing, người đứng đầu Liên hiệp các hiệp hội người Trung Quốc ở Malaysia).

Kết luận

Năm 2017, Mỹ đã đạt được sự tiến bộ khi lên tiếng về hành vi ngang ngược và không phù hợp của Trung Quốc, chống lại chủ nghĩa đơn phương và sự hung hăng của Trung Quốc, tăng cường các liên minh và các quan hệ đối tác khu vực, gia tăng sự hiện diện khu vực, tái khẳng định sức ảnh hưởng ở khu vực, và quan trọng nhất là từng bước đảo ngược sự thỏa hiệp nhẹ dạ đã diễn ra trong nhiều năm. Nhưng vẫn còn rất nhiều điều mà Washington có thể và cần làm. Nếu không, sự thụ động và mặc nhận sẽ làm suy yếu Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, củng cố niềm tin ngày càng gia tăng của Bắc Kinh rằng Washington là một cường quốc đang suy yếu, và có thể khiến Trung Quốc - một nước tự coi mình là cường quốc đang trỗi dậy - trở nên táo bạo hơn nữa trong việc thực hiện lộ trình chiến lược (đại chiến lược) của nước này đối với sự phục hưng dân tộc (Giấc mộng Trung Hoa) mà không gặp phải bất kỳ thách thức hay trở ngại nào. Do đó, chiến lược mới, trong đó kêu gọi Mỹ nắm lấy thời cơ của cuộc cạnh tranh nước lớn mang tính chiến lược với Trung Quốc và lên kế hoạch và hành động theo đó, là một bước đi đúng hướng, vì sự suy yếu là một lựa chọn có chủ ý, chứ không phải một thực tế bị áp đặt.

Nguyễn Phạm Tuấn là ủy viên ban chấp hành Hội đồng Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương Yokosuka. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và được đăng trên Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế (CIMSEC).

Trần Quang (gt)