01/02/2018
Mặc dù chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Chính quyền Obama đã chính thức kết thúc, ảnh hưởng của chiến lược này trong những năm gần đây vẫn rất sâu sắc. Chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục thúc đẩy can dự khu vực, trong đó Biển Đông là khu vực then chốt để quay trở châu Á-Thái Bình Dương, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cùng với việc Donald Trump lên cầm quyền, chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Chính quyền Obama đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chính thức kết thúc. Trong buổi họp báo được tổ chức ngày 13/3/2017, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton cho biết chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Chính quyền Obama đã chính thức kết thúc, chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Chính quyền Donald Trump có thể sẽ có phương thức mới. Chính quyền Donald Trump hiển nhiên nhận thức được khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứa đựng tiềm lực phát triển kinh tế rất lớn, Mỹ vẫn sẽ tăng cường mức độ can dự của nước này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng cụm từ “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” đã lỗi thời. Đến nay, chính sách “tái cân bằng” của Chính phủ Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được thực hiện từ năm 2009 đến nay đã kết thúc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” được coi là chính sách châu Á-Thái Bình Dương quan trọng nhất của Mỹ trong những năm gần đây vẫn rất sâu sắc.
Từ khi bước vào thế kỷ 21 đến nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương không những ngày càng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, mà còn trở thành tiêu điểm cạnh tranh địa chiến lược của các nước lớn. Để giành được ưu thế từ sự thay đổi của địa chính trị toàn cầu, tiếp tục bảo vệ địa vị bá quyền toàn cầu của mình, Mỹ phải duy trì sức mạnh quân sự hùng mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ năm 2009 đề xuất “phải quay trở lại châu Á”, “tăng cường sự hiện diện chiến lược ở châu Á”, năm 2011 tuyên bố “xoay trục sang châu Á”, năm 2012 đề xuất thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, lấy chiến lược này để cân bằng và kiềm chế sự trỗi dậy về chiến lược của Trung Quốc, tăng cường sự kiểm soát đối với khu vực trung tâm về chính trị, kinh tế và thương mại của thế giới.
Xét thấy địa vị chiến lược quan trọng của khu vực Biển Đông trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ coi Biển Đông là khu vực then chốt để quay trở châu Á-Thái Bình Dương, là khu vực then chốt để kiềm chế sự phát triển, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, bảo vệ địa vị lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Ngày 28/5/2015, Tổng thống Mỹ Obama đã có bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp của Học viện quân sự West Point, nêu rõ ý đồ Mỹ can dự vào các vấn đề an ninh của châu Á như vấn đề Biển Đông…, tuyên bố “quân đội Mỹ phải chuẩn bị tốt cho các nguy cơ, ‘sự xâm lược mang tính chiến lược’ đối với các khu vực như Biển Đông… sẽ ảnh hưởng đến đồng minh của Mỹ, có thể làm cho quân đội Mỹ bị cuốn vào trong đó”. Khi đến thăm Philippines, Obama cho biết “Cam kết bảo vệ Philippines của Mỹ kiên định như sắt”. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thì cho rằng “Biển Đông gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Mỹ sẽ không chấp nhận lập trường Trung Quốc có chủ quyền trên những đảo, đá nhân tạo này, đồng thời liên tục cử máy bay và tàu chiến đến vùng biển này dựa trên luật pháp quốc tế thực hiện quyền tự do hàng hải. Chính phủ Mỹ coi Biển Đông là biện pháp để thúc đẩy chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, kiềm chế và cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc, khuấy động Biển Đông trở thành điểm nóng khu vực và không ngừng nóng lên, từng bước tiến ra sân khấu sử dụng biện pháp quân sự để đối đầu với Trung Quốc. Cùng với việc Donald Trump lên cầm quyền, tuy chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” đã kết thúc, nhưng sự quan tâm và can dự của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông không những không kết thúc, mà còn ngày càng tăng lên. Từ khi thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” đến nay, bố cục quân sự ở xung quanh Biển Đông vẫn là điểm quan trọng nhất để Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông, nảy sinh ảnh hưởng sâu sắc đối với vấn đề này, đã nhận được sự quan tâm của mọi người. Bài viết này tập trung phân tích từ phương diện bố cục quân sự, bố cục quân sự của Mỹ ở xung quanh Biển Đông từ khi thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” đến nay.
I. Tăng cường quan hệ đồng minh quân sự, thúc đẩy hợp tác quân sự song phương và đa phương
Đến nay, Mỹ đã ký hiệp ước hợp tác quốc phòng với 32 nước trên thế giới, trong đó có 5 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Úc. Mỹ cho rằng quan hệ đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương là ưu thế đặc biệt của Mỹ trong khu vực này, cũng là cơ sở để Mỹ bảo vệ an ninh và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phải xây dựng mạng lưới quan hệ đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường bố trí quân sự của Mỹ ở khu vực này, tổ chức tập trận chung nhiều hơn, tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này, nâng cao mức độ răn đe tiền duyên mà Mỹ có thể cung cấp cho các đồng minh. Trong bối cảnh này, Mỹ áp dụng nhiều biện pháp, bên cạnh việc tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với các đồng minh truyền thống như Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Úc…, còn tăng cường quan hệ quân sự với các nước đối tác hợp tác chiến lược mới nổi như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia…
1. Tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh truyền thống như Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Úc…
Vai trò quan trọng nhất của cơ chế hợp tác quân sự Mỹ-Philippines là nâng cao sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông, dựa vào căn cứ không quân và hải quân có ưu thế và điều kiện tốt về địa lý gần Biển Đông của Philippines, bao đảm ưu thế chiến lược của Mỹ ở khu vực Biển Đông, Mỹ coi Philippines là cầu nối để can dự vào khu vực Biển Đông, kiềm chế Trung Quốc, tiến vào châu Á-Thái Bình Dương. Dưới chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Obama, cơ chế hợp tác chiến lược và an ninh giữa Mỹ và Philippines được tăng cường liên tục, việc hai nước liên tục tiến hành bàn bạc về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines trên thực tế là để cùng đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2010, hai nước ký Hiệp ước hợp tác an ninh Mỹ-Philippines với thời hạn 10 năm. Ngày 12/1/2016, Mỹ và Philippines xác nhận Tòa án tối cao Philippines đã thông qua Thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh, đồng thời đạt được sự nhất trí về việc tăng cường hợp tác an ninh trên biển. Philippines cung cấp cho quân đội Mỹ 8 căn cứ, quân đội Mỹ có thể xây dựng các công trình ở những căn cứ này, cất giữ và cung ứng trang thiết bị vũ khí. Tám căn cứ quân sự mà Philippines cung cấp cho quân đội Mỹ bao gồm 5 sân bay quân dụng, 2 căn cứ hải quân và 1 trại huấn luyện trong rừng sâu. Tám căn cứ này lần lượt là căn cứ không quân Basa và Clark ở tỉnh Pampanga, căn cứ Fort Magsaysay nằm ở tỉnh Nueva Ecija, căn cứ không quân Antonio Bautista và 1 cảng biển ở tỉnh Palawan; căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen và 1 cảng biển ở tỉnh Cebu; sân bay Laguindingan ở thành phố Cagayan de Oro; trong đó có 4 căn cứ nằm ở đảo Luzon phía Đông Biển Đông, 2 căn cứ nằm ở đảo Palawan, gần quần đảo Trường Sa, mưu đồ lôi kéo Mỹ can dự vào Biển Đông, đối đầu với Trung Quốc của Philippines là rất rõ ràng.
Nhật Bản là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ-Nhật luôn là cơ sở trong chính sách an ninh châu Á của Mỹ. Nhật Bản đóng vai trò không thể thiếu trong hệ thống đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự bá quyền của Mỹ, kiềm chế Trung Quốc. Tuyên bố chung bảo đảm an ninh và Phương châm hợp tác quốc phòng mà Mỹ và Nhật Bản ký từ năm 1996 đến năm 1997, trở thành khung cơ bản mới của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Hai hiệp ước này đã làm thay đổi tính chất của đồng minh Mỹ-Nhật, thay đổi từ đồng minh mang tính phòng ngự ban đầu sang đồng minh có tính chất tấn công. Trong thời kỳ Chính quyền Obama, sự phân công và hợp tác của liên minh Mỹ-Nhật về quân sự ngày càng đi sâu. Mỹ hoan nghênh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiến hành giải thích cho việc dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể và sửa đổi hiến pháp, đồng thời đã tăng thêm nội dung của quản lý toàn cầu trong đề tài hợp tác đồng minh. Do Nhật Bản cách Biển Đông tương đối gần, có quan hệ đồng minh ổn định lâu dài với Mỹ, nên Mỹ coi Nhật Bản là quốc gia then chốt để can dự vào Biển Đông, phát huy ảnh hưởng. Mỹ liên tục tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, để Nhật Bản chịu trách nhiệm phòng ngự giúp đỡ Mỹ trong các sự kiện bất ngờ xảy ra trong khu vực, trở thành cơ sở và trọng tâm để Mỹ kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, thậm chí là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Úc tiếp giáp Biển Đông, Đông Nam Á, đồng thời có vị trí địa lý đặc biệt gần Ấn Độ Dương, làm cho Mỹ coi nước này là cứ điểm quan trọng của mình trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương để có thể kiểm soát đồng thời cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Từ khi Mỹ thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” đến nay, Úc là lực lượng ủng hộ quan trọng của Mỹ trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Sau sự kiện “11/9/2001”, hai nước đã tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự song phương, mở rộng hoạt động quân sự, tiến hành tập trận và diễn tập chung, đóng quân tại căn cứ quân sự Darwin. Darwin là cửa ngõ để Úc tiến vào Biển Đông, có thể làm giảm khoảng cách và nâng cao thời gian phản ứng để lực lượng quân sự Mỹ tiến vào Biển Đông. Obama nêu rõ Darwin ở gần Biển Đông, Mỹ sẽ có thể phản ứng kịp thời đối với các sự kiện bất ngờ xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bảo đảm và bảo vệ lợi ích các nước đồng minh trong khu vực này. Ngoài ra, Mỹ còn bán cho Úc hệ thống chiến đấu Aegis và máy bay chiến đấu F-35 để nước này tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Thái Lan luôn là đồng minh kiên định của Mỹ ở Đông Nam Á, cung cấp căn cứ quân sự, thông tin tình báo và các điều kiện thuận lợi khác từ lâu nay cho Mỹ, những điều này đã tăng cường năng lực hành động quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Thái Lan cung cấp cảng biển, sân bay cho Mỹ, Mỹ cung cấp trang thiết bị vũ khí và viện trợ vốn mua trang thiết bị cho Thái Lan. Sau sự kiện “11/9/2001”, cảng biển, sân bay của Thái Lan đóng vai trò then chốt trong tác chiến chống khủng bố của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hàng năm đều có hàng chục nghìn binh sĩ của quân đội Thái Lan được cử đến Mỹ để tham gia “kế hoạch giáo dục và bồi dưỡng quân sự quốc tế” và phát triển chuyên nghiệp dân sự, đồng thời hàng năm đều tiến hành hơn 40 lần tập trận chung để kiểm chứng thành quả.
2. Tăng cường phát triển quan hệ quân sự với các nước đối tác hợp tác chiến lược mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam…
Trong chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, Chính quyền Obama phát triển một cách tích cực hơn quan hệ đối tác mới, nhất là quan hệ quân sự với các nước như Ấn Độ, Indonesia, Myanmar và Việt Nam, đồng thời liên tục triển khai tập trận chung trên biển, bán trang thiết bị quân sự tiên tiến cho những nước này.
Mỹ xác định quan hệ Mỹ-Ấn là quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu thế kỷ 21. Mỹ nhận thức được sự phát triển của kinh tế Ấn Độ trong nhiều năm qua đã được coi là nước lớn chi phối khu vực Nam Á, đồng thời có tiềm lực của cường quốc thế giới. Mỹ tích cực tìm cách duy trì, làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược thực chất quan trọng với Ấn Độ, cũng như quan hệ kinh tế thương mại song phương. Từ năm 2000 Mỹ và Ấn Độ bắt đầu kế hoạch cùng triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình và tổ chức tập trận chung đa phương, đồng thời bắt đầu khôi phục hoạt động bán vũ khí quân sự cho Ấn Độ. Về số lượng, Ấn Độ là quốc gia có số lần tập trận nhiều nhất với Mỹ, trong tổng số lần tập trận chung do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tổ chức có hơn 1/3 là triển khai hợp tác với Ấn Độ. Từ năm 2005 đến 2006, hai nước ký Hiệp định khung về quốc phòng và khuôn khổ hợp tác an ninh trên biển, mở rộng hợp tác an ninh song phương Mỹ-Ấn.
Singapore nằm ở phía Nam bán đảo Mã Lai, gần cửa ngõ phía Nam của eo biển Malacca, trấn giữ yết hầu của eo biển này, là con đường chiến lược nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có địa vị chiến lược quan trọng, vì vậy cũng trở thành đối tượng để Mỹ tập trung tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Những năm 90 của thế kỷ 20, Singapore đã cung cấp căn cứ quân sự chuyên dụng cho quân đội Mỹ, bảo đảm sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ ở khu vực này. Năm 2005, hai nước ký Hiệp định khung chiến lược Mỹ-Singapore, Singapore trở thành cứ điểm chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Tháng 6/2012, Mỹ hoàn thành quá trình xây dựng căn cứ hải quân ở Changi, có thể cho các biên đội tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay, tàu viễn dương… cập bến, đồng thời lắp đặt hệ thống nhà kho cất giữ và giám sát tự động tiên tiến, Singapore đồng ý để tàu chiến đấu ven biển mới nhất của quân đội Mỹ đồn trú. Căn cứ hải quân Changi cung cấp dịch vụ tiếp tế hậu cần và sửa chữa các tàu cỡ lớn như tàu sân bay… cho quân đội Mỹ. Changi cũng trở thành căn cứ cập bến tàu sân bay đầu tiên của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á từ khi rút khỏi vịnh Subic đến nay, căn cứ này đã trở thành căn cứ thường được sử dụng nhất để Mỹ can dự vào Biển Đông. Dựa vào căn cứ này, đội tàu của Mỹ có thể trực tiếp tiến vào Biển Đông theo hướng Đông, có thể xuyên qua eo biển Malacca bất kỳ lúc nào theo hướng Tây, tiến vào Ấn Độ Dương, biển Arập, đến khu vực vùng Vịnh.
Việc Mỹ dốc sức tăng cường quan hệ quân sự song phương với Malaysia, trước tiên là muốn đạt được thỏa thuận mở không phận, cho phép máy bay Mỹ được bay trên không phận Malaysia, sau đó hai nước bắt đầu triển khai hợp tác về thông tin tình báo quân sự. Từ khi Mohd Najib bin Abdul Razak được bầu làm thủ tướng Malayssia tháng 4/2009 đến nay, quan hệ Mỹ-Malaysia phát triển nhanh chóng. Tháng 4/2014, Obama lần đầu tiên đến thăm Malaysia, hai nước tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác toàn diện. Các cuộc tập trận chung giữa hai nước ngày càng tăng, Mỹ liên tục bán trang thiết bị vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu F18, tên lửa không đối không tầm xa AIM-120…
Được coi là quốc gia có dân số đông nhất, diện tích lớn nhất của Đông Nam Á, Indonesia có giá trị chiến lược rất quan trọng đối với Mỹ. Từ khi thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” đến nay, Mỹ và Indonesia đã tăng cường quan hệ song phương trên các phương diện như chuyến thăm cấp cao, hợp tác an ninh, viện trợ quân sự…, thể hiện đặc điểm chuyến thăm cấp cao tương đối nhiều, hợp tác an ninh ngày càng tăng lên, viện trợ quân sự liên tục. Sau khi ký Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện năm 2009, hai nước cũng bắt đầu tổ chức tập trận chung thường niên, bao gồm tập trận chuẩn bị chiến đấu và huấn luyện trên biển chung, cuộc tập trận chung “Lá chắn Garuda” do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và lục quân Indonesia tổ chức định kỳ… Viện trợ quân sự của Mỹ cho Indonesia cũng liên tục tăng lên, Indonesia đã trở thành một trong những quốc gia nhận viện trợ quân sự lớn thứ 3 của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là quốc gia trọng điểm của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Mỹ nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với Việt Nam, hợp tác an ninh quân sự Mỹ-Việt được thúc đẩy nhanh chóng. Tháng 9/2011, hai nước ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác an ninh song phương, thống nhất trước tiên tập trung vào 5 lĩnh vực (thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa), đây cũng là lần chính thức Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác quân sự sau chiến tranh. Về mối quan hệ qua lại với Việt Nam, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đặc biệt cho rằng “Mỹ và Việt Nam đang thiết lập sự hợp tác khó có thể tưởng tượng ở 10 năm trước, quan hệ về kinh tế và ngoại giao hiệu quả hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây”. Căn cứ không quân, hải quân ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam có điều kiện ưu việt, là căn cứ quân sự nổi tiếng thế giới, luôn là cứ điểm quân sự mà quân đội Mỹ rất muốn sử dụng ở Biển Đông.
II. Tổ chức tập trận chung bằng nhiều hình thức, thể hiện sự hiện diện quân sự
Để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông, kiềm chế ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, Mỹ liên tục mở rộng hoạt động tập trận với các nước xung quanh Biển Đông, tổ chức tập trận chung, tăng cường ảnh hưởng quân sự đối với khu vực Biển Đông. Các cuộc tập trận chung định kỳ hiện nay chủ yếu có “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT), “Hổ mang vàng” (Cobra Gold) và “Vai kề vai” (Balikatan), hình thành cuộc tập trận bao hàm cả hải, lục và không quân. Quy mô tập trận liên tục mở rộng, nội dung tập trận cũng từng bước được diễn biến từ diễn tập chống khủng bố đến hạng mục mang tính tấn công quân sự mạnh mẽ như đổ bộ lưỡng cư và đánh úp bất ngờ, chiếm đảo…, khu vực tập trận ngày càng áp sát vùng biển tranh chấp ở Trường Sa. Ngoài tập trận thường niên, Mỹ còn tiến hành tập trận chung không thường niên với các nước khác.
1. Cuộc tập trận “CARAT”
Cuộc tập trận “CARAT” là cuộc tập trận chung do Mỹ lần lượt tiến hành với nhiều nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Timor Leste… Mục đích chủ yếu của cuộc tập trận này là nâng cao mức độ chia sẻ thông tin và hiệp đồng tác chiến của Mỹ với các nước tham gia tập trận, xây dựng quan hệ quân sự bền vững, tăng cường năng lực cùng đối phó với khủng hoảng quân sự khu vực ở Biển Đông. Kể từ năm 1995, các cuộc tập trận hàng năm đều do Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ lên kế hoạch. Các hạng mục tập trận bao gồm tác chiến lưỡng cư, tuần tra trên biển, đánh chặn trên biển, tìm kiếm cứu nạn, chống tàu ngầm… Tháng 5/2008, tàu chỉ huy USS Blue Ridge (LCC-19) của Hạm đội 7 tổ chức tập trận chung trên biển CARAT ở đảo Palawan và vùng biển của Philippines gần quần đảo Trường Sa. Giai đoạn cuối cùng của tập trận năm 2012 do hải quân Mỹ và Philippines triển khai ở vùng biển đảo Mindanao phía Nam Philippines, các hạng mục tập trận bao gồm tập chỉ huy chiến trường, đánh chặn trên biển, lặn, bắn đạn thật trên biển và tìm kiếm cứu nạn. Do thời điểm này xảy ra vụ đảo Hoàng Nham/Scarborough lần thứ 2 giữa Trung Quốc và Philippines, nên địa điểm, hạng mục và mục tiêu thực sự của tập trận Mỹ-Philippines nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
2. Cuộc tập trận chung “Hổ mang vàng”
Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” là cuộc tập trận đa phương có tính cơ chế hàng năm do Thái Lan và Mỹ cùng tổ chức, là một trong những cuộc diễn tập chung có ảnh hưởng nhất ở khu vực Đông Nam Á, từ năm 1982 đến nay mỗi năm đều tổ chức một lần. Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” được coi là cuộc tập trận mang lại lợi ích rất lớn cho các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực, được cho là cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ đối với các nước đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng là hành động quan trọng để Mỹ thể hiện ảnh hưởng quân sự của nước này ở khu vực Biển Đông. Các hạng mục tập trận bao gồm tác chiến trên đất liền, trên biển và trên không, tác chiến lưỡng cư, tác chiến đặc nhiệm, tác chiến rừng sâu và vận chuyển nhân viên… Mục đích của cuộc tập trận này là nâng cao năng lực chống lại các mối đe dọa và xâm lược, kiểm tra năng lực chỉ huy, chia sẻ thông tin tình báo, đối phó khủng hoảng của quân đội các nước tham gia tập trận như Mỹ, Thái Lan… Những năm gần đây, quy mô tập trận liên tục mở rộng, số lượng các nước tham gia tập trận cũng không ngừng tăng lên, các nước như Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ… đều lần lượt tham gia. Năm 2000 mới chỉ có Singapore tham gia, đến năm 2001 Mỹ, Thái Lan, Singapore tham gia tập trận, đồng thời mời 9 nước như Úc, Hàn Quốc, Pháp, Malaysia, Indonesia, Mông Cổ, Nhật Bản, Philippines, Sri Lanka… tham gia với tư cách là quan sát viên. Năm 2002, lần đầu tiên mời Việt Nam quan sát. Năm 2010 quy mô được mở rộng hơn, Hàn Quốc lần đầu tiên cử quân đội tham gia, gồm có 6 nước tham gia là Mỹ, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc. Cuộc tập trận năm 2011, số nước tham gia tập trận được mở rộng lên đến 24 nước. Cuộc tập trận năm 2012 có các nước như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia…, hơn nữa quan sát viên đến từ 20 quốc gia khác cũng tham gia. Năm 2016, 27 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã cử hơn 8000 nhân viên hải lục không quân tham gia tập trận. Năm 2017, có 9 nước tham gia tập trận và 10 nước quan sát viên như Anh, Pháp, Canada…
3. Cuộc tập trận chung “Vai kề vai”
Cuộc tập trận chung “Vai kề vai” là hoạt động tập trận chung quy mô lớn được triển khai từ năm 1991 giữa Mỹ và Philippines. Những năm gần đây, quy mô của cuộc tập trận “Vai kề vai” không ngừng mở rộng, nội dung cũng diễn biến từ diễn tập chống khủng bố đến đổ bộ lưỡng cư và đánh úp bất ngờ, địa điểm ngày càng gần khu vực nhạy cảm. Mục đích của cuộc tập trận này là nâng cao năng lực hiệp đồng tác chiến của quân đội hai nước, cũng như năng lực phản ứng nhanh để Mỹ chi viện tác chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cho thấy quyết tâm của Mỹ ủng hộ Philippines phản đối xâm lược đến từ bên ngoài. Tháng 4/2000, Mỹ và Philippines khôi phục tập trận bị gián đoạn sau năm 1995, địa điểm tập trận được lựa chọn là ở vùng biển gần đảo Luzon và đảo Palawan. Tháng 4/2001, Mỹ đưa “Hổ mang vàng” của Thái Lan và tập trận chung giữa Mỹ và Úc vào khuôn khổ tập trận chung “thách thức đồng đội” (Team challenge), tập trận vẫn được tiến hành ở vùng biển gần đảo Luzon. Địa điểm cuộc tập trận tháng 1/2004 được chọn ở vùng biển gần Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Cuộc tập trận diễn ra tháng 5/2008 một lần nữa di chuyển đến vùng biển Palawan của Philippines gần quần đảo Trường Sa nhất, quy mô tập trận lập kỷ lục mới; hạng mục tập trận cũng được nâng cấp từ chiến thuật tổng hợp truyền thống, bắn đạn thật thành giữ đảo, cướp đảo, tấn công bất ngờ bằng lực lượng đặc nhiệm… Cuộc tập trận năm 2012, địa điểm được chọn là giếng dầu trên biển lớn nhất của Philippines trong Biển Đông nằm ở phía Tây đảo Palawan, triển khai các hạng mục tập trận như bảo vệ và cướp giàn khoan trên biển, tấn công khủng bố, cướp biển, buôn lậu… Cuộc tập trận năm 2013 được tổ chức ở vịnh Subic phía Bắc Philippines, Mỹ lần đầu tiên đưa 20 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet và 1 tàu chiến tham gia tập trận, Úc, Brunei, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cử đại diện tham gia thảo luận bàn tròn về an ninh trên biển. Năm 2014, Úc lần đầu tiên tham gia tập trận. Năm 2015, các nước như Brunei, Việt Nam, Singapore cử quan sát viên. Ngày 4/4/2016, cuộc tập trận chung “Vai kề vai” kéo dài 11 ngày giữa Mỹ và Philippines kết thúc, tổng số binh sĩ tham gia là gần 10.000 người, trong đó quân đội Mỹ có 4.900 binh sĩ, ngoài ra Úc cử hơn 80 binh sĩ, Nhật Bản lần đầu tiên làm quan sát viên cũng cử hơn 80 binh sĩ tham gia. Trong thời gian tập trận, Mỹ lần đầu tiên bố trí hệ thống tên lửa cơ động cao ở khu vực Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đặc biệt đến thăm tỉnh Palawan gần khu vực Biển Đông và tham gia lễ bế mạc tập trận, mục đích của chuyến thăm này là tái khẳng định quan hệ Mỹ-Philippines rất chắc chắn, vai kề vai ủng hộ lẫn nhau.
4. Các cuộc tập trận chung khác
Ngoài tập trận chung hàng năm được tổ chức ở hướng Biển Đông, Mỹ còn tổ chức tập trận chung ở hướng Đông Bắc Á, Mỹ và Hàn Quốc thông qua nhiều lần tập trận chung để duy trì xu thế có thể tác chiến bất kỳ lúc nào. Mỹ và Hàn Quốc liên tục tổ chức tập trận chung Đại bàng non (Foal Eagle) và Giải pháp then chốt (Key Resolve) quy mô lớn nhất trong lịch sử nhằm vào các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, trong các cuộc tập trận năm 2016, Mỹ cử tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76), USS John C. Stennis (CVN-74), tàu ngầm hạt nhân USS Virginia (SSN-774), máy bay F-22, B-52, trọng điểm tập trận “kế hoạch tác chiến 5015” mà Mỹ và Hàn Quốc mới vạch ra, chuẩn bị chiến tranh đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên. Trong các cuộc tập trận được tiến hành năm 2017, toàn bộ các loại vũ khí chiến lược của Mỹ như tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70), máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 và máy bay tấn công F-35B… đều tham gia tập trận, và lần đầu tiên trong diễn tập đã đề cập đến khái niệm tác chiến Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ở hướng Đông Hải (biển Hoa Đông), Mỹ và Nhật Bản tổ chức tập trận định kỳ hàng năm, quân đội Mỹ cử lực lượng viễn chinh hải quân và đội chiến đấu cấp lữ đoàn “Stryker” hợp tác với các lực lượng như nhóm tác chiến đặc nhiệm của Lực lượng phòng vệ trên đất liền của Nhật Bản, diễn tập về các nội dung như chiếm lại đảo bị lực lượng nước ngoài xâm chiếm và cứu cư dân trên đảo, để tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ-Nhật. Cho dù những cuộc tập trận này không hoàn toàn lấy Trung Quốc làm kẻ thù giả tưởng, nhưng về khách quan lại xây dựng khuôn khổ địa chiến lược cùng nhằm vào Trung Quốc.
III. Tăng cường bố trí quân sự tiền duyên ở Biển Đông
1. Trong bối cảnh chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, Mỹ điều chỉnh lực lượng hải quân và không quân sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Mỹ là cường quốc quân sự đứng đầu thế giới hiện nay, phạm vi hoạt động rộng khắp trên toàn cầu, sức mạnh quân sự hùng mạnh trở thành công cụ để Mỹ phát huy ảnh hưởng thực chất khi can dự vào vấn đề Biển Đông. Khi nhậm chức vào tháng 6/2012, tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 11 được tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho biết nguồn lực quốc phòng của Mỹ sẽ tiếp tục chuyển sang châu Á, đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ bố trí 60% tàu chiến ở châu Á, trong đó tăng thêm 1 tàu sân bay, đạt đến 6 chiếc (hiện nay hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay), phần lớn tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến đấu ven biển và tàu ngầm. Tháng 5/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một lần nữa tuyên bố tăng cường bố trí lực lượng mặt đất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng sẽ bố trí 60% lực lượng không quân đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm thực hiện chiến lược “quay trở lại châu Á”. Đồng thời, ông còn nhấn mạnh Biển Đông vừa là trái tim của châu Á, vừa là ngã tư đường của kinh tế thương mại toàn cầu, tuyên bố kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào khiêu khích, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực đe dọa, phản đối bất kỳ quốc gia nào hạn chế tự do hàng hải và hàng không. Tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore và có bài phát biểu lên án hành động xây lấp biển ở Biển Đông của Trung Quốc, cho biết Mỹ phản đối bất kỳ hành động nào quân sự hóa các đảo, đá có tranh chấp; đồng thời kêu gọi ASEAN phải trở thành trung tâm của cơ chế khu vực và duy trì sự ổn định của khu vực. Ngoài ra, ông tuyên bố Mỹ sẽ khởi động “Sáng kiến an ninh biển Đông Nam Á” mới dự tính có trị giá 425 triệu USD, tăng cường xây dựng năng lực hải quân của các nước khu vực Đông Nam Á.
2. Nhanh chóng xây dựng bố cục căn cứ quân sự xung quanh Biển Đông như căn cứ quân sự Darwin của Úc, xây dựng lấy đảo Guam làm trụ cột, Nhật Bản, cảng Darwin của Úc… làm hai cánh
Xuất phát từ nhu cầu duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, từ lâu nay Mỹ vẫn duy trì đồn trú lượng lớn quân ở xung quanh Biển Đông, trong đó căn cứ Yokosuka ở Nhật Bản và căn cứ Guam trực tiếp ảnh hưởng đến Biển Đông, có nhiệm vụ kiểm soát yếu điểm chiến lược, trấn giữ các tuyến đường giao thông quan trọng, đồng thời ủng hộ và làm chỗ dựa cho sự bố trí và hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực xung quanh Biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đồn trú ở căn cứ Yokosuka của Nhật Bản, có nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 do tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) đứng đầu, có khoảng 60 tàu chiến và 350 máy bay chiến đấu các loại, tổng binh lực khoảng 60.000 người. Khu vực phụ trách của hạm đội này từ Tây Thái Bình Dương kéo dài đến Ấn Độ Dương, bao gồm cả Biển Đông.
Đảo Guam là căn cứ quân sự tiền duyên quan trọng nhất của khu vực Tây Thái Bình Dương, được gọi là “tàu sân bay không bao giờ chìm” trên Thái Bình Dương. Căn cứ này cách các khu vực nhạy cảm như Biển Đông, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên… khoảng 3.000 km, nếu máy bay ném bom tầm xa mang theo tên lửa đạn đạo có tầm bắn gần 1.000 km cất cánh từ đảo Guam, thì chỉ cần khoảng hai giờ đồng hồ là có thể phóng tên lửa nhằm vào kẻ thù có khoảng cách xa để tấn công sau đó trở về điểm xuất phát. Do khu vực Biển Đông cũng nằm trong hành trình của máy bay vận tải C-130 được cất cánh từ căn cứ đảo Guam, nên lực lượng quân sự và vật tư chiến lược được bố trí ở đảo Guam có thể nhanh chóng vận chuyển đến căn cứ tác chiến tiền duyên xung quanh Biển Đông. Vì vậy, đảo Guam trở thành cứ điểm chiến lược quan trọng trong hệ thống tác chiến Tây Thái Bình Dương và đầu mối quan trọng gắn kết Mỹ và Đông Á. Căn cứ quân sự chủ yếu có căn cứ hải quân Apra Harbor, căn cứ không quân Andersen… Từ khi thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương đến nay, quân đội Mỹ bắt đầu chú trọng xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Guam, đầu tư số tiền rất lớn khoảng 15 tỷ USD, mở rộng xây dựng cơ sở căn cứ hải quân và không quân trên đảo Guam, xây dựng thành trạm chuyển tiếp ở nước ngoài ở gần châu Á nhất cho máy bay ném bom tầm xa B-52; mở rộng xây dựng cảng hải quân, dùng để bố trí tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như xây dựng căn cứ diễn tập thực chiến, dùng để tăng cường cuộc tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương. Hiện nay, căn cứ hải quân Apra Harbor có thể cho phép 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công cập bến, là căn cứ tàu ngầm hạt nhân duy nhất của quân đội Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Căn cứ không quân Andersen bố trí máy bay chiến đấu F-22, máy bay ném bom B-52 và máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk tiên tiến nhất, đồng thời có kho dự trữ nhiên liệu hàng không lớn thứ 2 của không quân Mỹ có tổng lượng chứa là 216 triệu lít.
Xuất phát từ nhu cầu can dự vào vấn đề Biển Đông, từ khi thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” đến nay, Mỹ tập trung tăng cường bố trí quân sự ở Úc, tiến hành xây dựng căn cứ quân sự và đóng quân ở Úc. Bố trí lực lượng gồm 2.500 lính thủy đánh bộ ở cảng Darwin gần Biển Đông phía Tây Bắc Úc, đồng thời kể từ năm 2017, trang bị cả máy bay chiến đấu tiên tiến bao gồm cả F-22 Raptor, để duy trì năng lực chiến đấu đáng tin cậy ở khu vực này.
3. Lấy các căn cứ quân sự của các nước như Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan… làm trọng điểm, xây dựng một cách cơ động, linh hoạt nhóm căn cứ quân sự tiền duyên ở Biển Đông
Philippines là một trong những đồng minh của Mỹ, căn cứ theo Hiệp ước bảo vệ lẫn nhau ký năm 1951 và Hiệp định thăm viếng quân đội ký năm 1998, với phương thức trao đổi định kỳ, Mỹ đã đồn trú quân đội ở Philippines. Tháng 4/2012, sau khi vì tranh chấp đảo Hoàng Nham nên quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng, Chính phủ Philippines quyết định phát triển quan hệ an ninh mật thiết hơn với Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. Tháng 4/2014, Mỹ và Philippines ký Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đây là thỏa thuận quan trọng tăng cường quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ. Thỏa thuận mới sẽ cho phép Mỹ bố trí trang thiết bị chiến đấu trước ở căn cứ quân sự Philipines, khi xảy ra khủng hoảng không những tiết kiệm thời gian và nhiên liệu, mà còn có thể bố trí quân đội ở khoảng cách gần. Theo bản dự thảo thỏa thuận, Philippines sẽ cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự như Manila, Clark, Palawan, Cebu, Nueva Ecija và La Union, điều này đã tạo ra không gian khu vực rộng rãi cho Mỹ điều chỉnh bố trí quân sự ở Đông Nam Á.
Thái Lan là nước đồng minh khác của Mỹ ở Đông Nam Á, kể từ năm 1982 hai nước đã tổ chức tập trận chung, hàng năm Mỹ đều cử lực lượng quân sự đồn trú ở Thái Lan, trang thiết bị quân sự được bố trí liên tục tăng lên. Sau khi xảy ra sự kiện “11/9/2001”, Chính phủ Mỹ xác định Thái Lan là nước đồng minh không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Để báo đáp, Thái Lan ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động ở khu vực Trung Đông, cho phép lực lượng và trang thiết bị vũ khí tham chiến của Mỹ được trung chuyển qua căn cứ không quân U-Tapao, Thái Lan còn mở cửa căn cứ hải quân Sattahip cách U-Tapao không xa, trong thời gian Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố, 2 căn cứ này đã tập trung lượng lớn trang thiết bị vũ khí. Ngoài việc thông qua tận dụng căn cứ quân sự của Thái Lan để duy trì sự hiện diện quân sự, Mỹ còn thành lập đoàn cố vấn quân sự của Mỹ ở Thái Lan. Đoàn cố vấn này là cơ quan viện trợ quân sự, với trách nhiệm chủ yếu là chỉ đạo và điều phối các cuộc tập trận song phương và đa phương mà Mỹ tổ chức và tham gia ở Thái Lan.
Singapore là đối tác mới mà Mỹ đồn trú quân đội ở khu vực Biển Đông. Hai nước đạt được thỏa thuận năm 1991, Mỹ chuyển Bộ Tư lệnh hậu cần Tây Thái Bình Dương đến Singapore. Đầu thế kỷ 21 hai nước lại ký thỏa thuận, Singapore lấy danh nghĩa cung cấp hậu cần, đã mở cửa căn cứ hải quân Changi cho Mỹ, cho phép hải quân Mỹ đồn trú. Sau khi Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, Singapore trở thành đối tác chiến lược quan trọng của nước này, tháng 6/2011, Mỹ và Singapore đạt được thỏa thuận đồng ý Mỹ xây dựng căn cứ quân sự mới ở Singapore, để cập bến tàu chiến ven biển mới nhất của Mỹ. Tháng 4/2013, tàu chiến ven bờ USS Freedom (LCS-1) đầu tiên đến căn cứ hải quân Changqi của Singapore, chính thức bắt đầu sứ mệnh của mình ở Tây Thái Bình Dương.
4. Giương cao lá cờ tự do hàng hải, dùng lực lượng hải quân và không quân như tàu chiến, tàu sân bay… công khai can dự vào vùng biển Biển Đông
Mỹ lấy lý do an ninh Biển Đông gây nguy hiểm cho tự do hàng hải của Mỹ ở vùng biển quốc tế, quan ngại về mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở khu vực này, chỉ trích hoạt động xây dựng đảo, đá của Trung Quốc ở Trường Sa, khuyến khích Philippines đơn phương kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông, kết hợp với các nước như Philippines, Nhật Bản, Úc… tập trận chung và tiến hành tuần tra bình thường, đẩy mạnh đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết chỉ trong năm 2015, tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã thực hiện khoảng 700 nhiệm vụ ở Biển Đông. Ngày 28/6/2015, trong thời gian tham dự Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ 4, ủy viên Ủy ban đối ngoại của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trung tướng Trần Tiểu Công tiết lộ hoạt động trinh sát của máy bay quân sự Mỹ đối với các đảo, đá và tàu thuyền ở Biển Đông tăng từ hơn 260 lần năm 2009 lên hơn 1.200 lần năm 2014, con số này vượt qua mức độ trinh sát của Mỹ đối với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Từ tháng 5/2016 đến nay, Mỹ luôn lên kế hoạch cử tàu chiến đến vùng biển gần của một số đáo, đá nhân tạo ở Biển Đông, lấy danh nghĩa bảo vệ quyền tự do hàng hải để tiến vào phạm vi 12 hải lý một phần đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 20/5/2015, một nhóm phóng viên của Mỹ ngồi trên máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon quan sát 3 đảo, đá. Trong hành trình lần này của máy bay tuần tra Mỹ, hải quân Trung Quốc tổng cộng đưa ra 8 lần cảnh báo. Ngày 27/10, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG-82) tiến vào phạm vi 12 hải lý của bãi đá Xubi và bãi đá Vành Khăn ở Biển Đông tuần tra. Ngày 5/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đang di chuyển trên Biển Đông, một lần nữa chỉ trích “Trung Quốc phá hoại sự ổn định khu vực và cân bằng lực lượng”. Ngày 10/12, khi thực hiện nhiệm vụ, máy bay ném bom chiến lược B-52 của không quân Mỹ vô tình bay vào phạm vi 12 hải lý trên không bãi đá Châu Viên. Ngày 30/1/2016, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG-54) chưa thông báo trước đã tiến vào khu vực 12 hải lý thuộc đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, còn tuyên bố đây là hành động vô hại, lực lượng canh giữ đảo và máy bay tàu chiến hải quân Trung Quốc lập tức có hành động đối phó, tiến hành điều tra nhận biết đối với tàu chiến Mỹ, đồng thời đưa ra cảnh báo. Tháng 3/2016, nhóm tác chiến tàu sân bay gồm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C. Stennis (CVN-74), hai tàu tuần dương USS Antietam (CG-54) và USS Mobile Bay (CG-53), hai tàu khu trục USS Stockdale (DDG 106) và USS Chung-hoon (DDG 93), cũng như tàu chỉ huy USS Blue Ridge (LCC-19) soái hạm của Hạm đội 7, tiến vào vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Tạp chí “Nghiên cứu an ninh và biển châu Á-Thái Bình Dương”, Trung Quốc.
Hoàng Lan (gt)
Tiến trình xây dựng tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia được xúc tiến trong các tháng gần đây, đặc biệt là ở cuối phía Bắc căn cứ - khu vực Trung Quốc được cho là sẽ sử dụng. Một loạt tòa nhà mới đã mọc lên, đất đại được giải tỏa mặt bằng trên diện rộng và gần đây nhất, các bến tàu mới đã được khởi...
Văn bản Bổ sung về Thực tiễn các quốc gia (đi kèm với Báo cáo Các giới hạn trên Biển số 150) nhằm mục đích đánh giá lập trường pháp lý quốc tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đối với các đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải và các quần đảo xa bờ.
Giống như màu sắc chủ đạo trong các bài viết trước đây, Ngô Sĩ Tồn tiếp tục tập trung vào việc chỉ trích, lên án sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông và không khó để nhận thấy sự can dự này của Mỹ đang kiềm chế phần nào sự bành trướng, bá quyền và tham vọng kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông của Trung...
Trong tiến trình thúc đẩy ngành du lịch tàu biển ở Biển Đông sẽ cần cân nhắc tới một số vấn đề như tác động tới môi trường sinh thái, vấn đề cướp biển, an ninh an toàn hàng hải…. và đặc biệt là tác động của đại dịch covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến sẽ mang lại những nhân tố bất ổn cho phát triển...
Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo “Giới hạn trên Biển” số 150, dài 44 trang. Báo cáo xem xét các diễn giải mới về yêu sách Biển Đông của Trung Quốc sau Phán quyết năm 2016 và kết luận yêu sách chủ quyền đối với các thực thể, đường cơ sở bao quanh Quần đảo Hoàng Sa, yêu sách vùng biển “dựa trên...
Ngày 8/9/2021, Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc có bài đăng tựa đề “Cảnh giác trước những hành động biến ổn định thành bất ổn của Mỹ ở Biển Đông” hướng sự chỉ trích vào Mỹ và các nước phương Tây. Lập luận chung của Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay tổng thể ổn...