Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc khoan dầu khí ở phía Đông Biển Đông. Có độ sâu 4.660 mét, độ sâu thẳng đứng là 2.529m, đây là giếng khoan nước sâu đầu tiên do một giàn khoan nội địa vận hành. Theo trang MarineTraffic.com, tính đến ngày 7/4, giàn khoan HD-981 hạ đặt ở vị trí 20.22187° Bắc và 115.6864° Đông, nằm cách Hong Kong về hướng Đông Nam và về phía Tây Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines khoảng 266 km. Khí thiên nhiên hóa lỏng từ mỏ dầu này sẽ được đưa đến cảng Cao Lan, Chu Hải, sau đó thông qua đường ống trực tiếp chuyển đến Khu vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Công - Ma Cao, giảm nhiều chi phí vận tải và có thể cung cấp năng lượng cho Khu vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Công - Ma Cao.

Trung Quốc khẳng định tình hình Biển Đông cơ bản ổn định. Về bình luận của quan chức Philippines gần đây rằng “Trung Quốc đã chiếm Biển Đông, Philippines phải giành lại”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 11/4 cho biết: “Trung Quốc luôn chủ trương cùng với các nước liên quan trực tiếp, trong đó có Philippines thông qua đàm phán giải quyết các tranh chấp Biển Đông đồng thời nỗ lực cùng các nước khu vực duy trì hòa bình ổn định. Trung Quốc và Philippines đã trở lại quỹ đạo đúng đắn thông qua hiệp thương đàm phán xử lý và giải quyết thỏa đáng tranh chấp. Hiện nay, tình hình Biển Đông cơ bản ổn định, tham vấn COC không ngừng đạt tiến triển tích cực. Cục diện tốt đẹp như vậy đáng trân trọng. Hy vọng phía Philippines cùng với Trung Quốc xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông duy trì hòa bình và an ninh ở trên biển, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.”

+ Việt Nam:

Việt Nam xác minh hoạt động của giàn khoan Trung Quốc Đông Phương. Về việc giàn khoan Đông Phương 13-2 đang hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ hay không, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, “Các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin trên. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Theo đó, hai nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm quy định của Hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.”

+ Philippines:

Ngoại trưởng Philippines chỉ trích Trung Quốc hành động quyết đoán trên biển. Trả lời câu hỏi của một người dùng Twitter về quan điểm của Bộ Ngoại giao đối với hành động được cho là xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Teodoro Locsin hôm 10/4 cho hay, “Biển Đông là của chúng ta và Trung Quốc đã xâm chiếm. Tòa án cấp cao nhất của thế giới đã phán quyết về vấn đề này. Vấn đề bây giờ là làm sao để lấy lại. Cá nhân tôi không sợ chiến tranh. Một cuộc tấn công vào một tàu công vụ của Philippines sẽ kích hoạt chiến tranh thế giới thứ III với Mỹ.” Trước đó viết trên Twitter ngày 7/4, Ngoại trưởng Locsin khẳng định Mỹ sẽ là đồng minh quân sự duy nhất, “Mỹ, siêu cường duy nhất trên thế giới, có nền tảng chung về dân chủ và nhân quyền, đang và sẽ là đồng minh quân sự duy nhất của Philippines. Philippines không cần thêm bất kỳ nước nào khác”.

Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Về thông tin tàu Trung Quốc hiện diện ở gần đảo Loại Ta và Bãi Scarborough ngày 28/3, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo ngày 10/4 tuyên bố: “Trong khi chúng ta vẫn duy trì quan hệ hợp tác thương mại, Philippines sẽ khẳng định chủ quyền khi bị xâm phạm. Nếu họ tiếp tục hiện diện trong vùng lãnh thổ của Philippines, đó là hành động xâm phạm chủ quyền. Tàu Trung Quốc không có việc gì ở đó cả”. Hôm 11/4, ông Panelo tuyên bố, “Philippines tái khẳng định quan điểm không thay đổi, phán quyết của Tòa là không thể đảo ngược. Chúng tôi thúc giục chính phủ Trung Quốc tôn trọng Phán quyết; và hy vọng cơ chế đàm phàn song phương giữa hai bên thúc đẩy một giải pháp thỏa đáng dựa trên các nguyên tắc công bằng, đôi bên cùng có lợi được quốc tế chấp nhận rộng rãi.”

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố Trung Quốc là bên gây rối trên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hôm 13/4 khẳng định chính Trung Quốc gây căng thẳng Biển Đông bằng hành động cải tạo đảo quy mô lớn và quân sự hóa các thực thể này. Theo Bộ trưởng Lorenzana, ông ủng hộ tuyên bố của Malacañang rằng chính phủ sẽ không lùi bước trong việc khẳng định quyền ở Biển Đông và nhắc Trung Quốc rằng Philippines thắng trong vụ kiện năm 2016. Tuyên bố của Bộ trưởng Lorenzana đưa ra sau cảnh báo của Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng Mỹ và quốc gia khác không nên gây rối Biển Đông.

Philippines dự kiến cử tàu chiến đến Trung Quốc tham gia lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân. Tư lệnh Hải quân Philippines Phó Đô Đốc Robert Empedrad cho hay Philippines sẽ cử tàu chiến Tarlac đến tham dự hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc tổ chức tại Thanh Đảo. Tàu sẽ khởi hành từ ngày 16/4 và đến Thanh Hải ngày 21/4. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, trên tàu dự kiến có 118 thuyền viên và 493 hành khách đến từ Đội nhiệm vụ hải quân, Trung tâm đào tạo huấn luyện Hải quân và Học viện Quân sự Philippines. Tàu chiến Tarlac có thể chứa được 500 quân nhân kèm theo xe vận tải và các thiết bị khác.

+ Indonesia:

Indonesia bắt giữ 6 tàu cá Việt Nam. Ngày 9/4, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (KKP) bắt giữ 4 tàu cá Việt Nam (BV 4939 TS; BV 5156 TS; BV 93817 TS và BV 93816 TS) và hai tàu cá Malaysia (PKFA 8888 và PKF 7878) với cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển Natuna. Quyền Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Giám sát Tài nguyên Biển và Thủy sản thuộc KKP ông Agus Suherman cho biết tàu bị bắt do không có giấy phép hợp pháp và sử dụng lưới rà bị cấm. 4 tàu Việt Nam hiện được đưa về cảng Pontianak (tỉnh Tây Kalimantan). Những ngư dân này có nguy cơ bị phạt 6 năm tù và tối đa 20 tỷ Rp (1,4 triệu USD).

Indonesia tăng cường sức mạnh hải quân trên biển. Indonesia hôm 12/4 đã ký hợp đồng đóng mới hai tàu đổ bộ trị giá 25.5 triệu USD với nhà máy đóng tàu trong nước PT Bandar Abadi. Đây sẽ là mẫu tàu lớp Teluk Bintuni thứ 8, 9 biên chế cho lực lượng hải quân. Nhiệm vụ chính của tàu đổ bộ này là chuyên chở các xe bọc thép. Indonesia đang hướng tới xây dựng một hạm đội gồm 300 tàu chiến và ít nhất 12 tàu ngầm.

+ Mỹ:

Mỹ triển khai khí tài hiện đại tới Philippines tập trận. Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp, chở khoảng 10 chiến đấu cơ tàng hình F-35B, tới Philippines tham gia cuộc cuộc tập trận quan trọng Balikatan (Vai kề vai) ngày 11/4. Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn của quân đội Mỹ, Thiếu úy Tori Sharpe cho biết: "Chúng tôi không thể tiết lộ các hoạt động chính thức của USS Wasp vì lý do an ninh, nhưng con tàu đã hoạt động ở khu vực Biển Đông...như một phần của cuộc tập trận Balikatan." Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần bắt đầu từ ngày 1/4, với sự tham gia khoảng 4.000 binh sỹ Phiippines, 3.500 lính Mỹ và 50 lính Úc. Tờ ABS-CBN dẫn tin ngư dân Philippines cho hay họ thấy “một con tàu sân bay có máy bay cất hạ cánh” cách họ khoảng 3 dặm, gần Bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, Thiếu úy Tori Sharpe không xác nhận thông tin này. Trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan, quân đội hai nước hôm 10/4 diễn tập kịch bản bị chiếm đảo ở Biển Đông. Thiếu tá Philippines Christopher Bolz cho hay, “Đây là cuộc diễn tập có thể được áp dụng trong tương lai, nếu quân đội nước ngoài chiếm đảo nào đó của Philippines.”

Hoạt động song phương, đa phương

Biên đội tàu chiến Nga thăm Philippines. Hai tàu khu trục Admiral Tributs và Vinogradov, thuộc lớp tàu chống ngầm cỡ lớn, cùng với tàu chở nhiên liệu Admiral Irkut cập cảng Manila trong chuyến thăm thiện chí vào sáng 8/4. Đây là lần thứ hai trong năm nay các tàu của Nga đến thăm Philippines. Đầu tháng 1, ba tàu của hải quân Nga đã thăm Philippines nhằm “thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trên biển”. Chiến thăm này diễn ra trước khi Nga và Philippines dự kiến ký một thỏa thuận hợp tác hải quân, có thể vào tháng 7 năm nay, mở đường cho các hoạt động huấn luyện chung và các chuyến thăm cảng qua lại.

Việt Nam – Hà Lan khẳng định cần tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp. Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 9/4 nhấn mạnh, “Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, theo như UNCLOS năm 1982, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và những nỗ lực hiện nay của các nước ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm thông qua COC có hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế. Tất cả các bên cần phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, và tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc làm phức tạp các tranh chấp.”

Malaysia nối lại dự án đường sắt với Trung Quốc. Malaysia và Trung Quốc hôm 12/4 nhất trí tiếp tục thi công dự án Tuyến Đường sắt Bờ Đông (ECRL), nhưng cắt giảm chi phí từ 16 tỷ USD trong kế hoạch ban đầu xuống còn 10,7 tỷ USD sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa hai bên. Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, "Việc cắt giảm chi phí chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Malaysia và giảm nhẹ gánh nặng lên tình hình tài chính của đất nước". Dự án ECRL được khởi động vào năm 2017, dự kiến dài 688 km, nhằm kết nối bờ biển phía đông Malaysia với tuyến đường thủy nhộn nhịp qua eo biển Malacca ở phía tây./.