Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản bác bình luận của Philippines về lễ duyệt binh của nước này. Về bình luận của Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines gần đây rằng Trung Quốc cam kết đối với hòa bình thế giới nhưng lại phô trương nhiều loại vũ khí tấn công trong lễ duyệt binh hôm 3/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 7/9 tuyên bố: “Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự hy sinh của Trung Quốc trong cuộc chiến chống phát xít của ở mặt trận phía đông, cũng như quyết tâm vững chắc của Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Phía Philippines đã có những bình luận không tôn trọng quyết tâm và cam kết của Trung Quốc, lẫn lộn trắng đen đánh lừa dư luận. Đó là những lời nói không đáng để bình luận.

Trung Quốc đề nghị Mỹ đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc ông Dương Khiết Trì tuyên bố: “Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Mỹ không phải bên tranh chấp và chúng tôi hy vọng Mỹ không can dự vào tranh chấp như đã cam kết. Điều quan trọng là Mỹ - Trung cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ bất kể chúng ta có quan điểm và lập trường khác nhau. Trung Quốc đã làm rõ về vấn đề này, đó là quản lý tình hình và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc phủ sóng 4G ở Hoàng Sa. Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 10/9, về việc Trung Quốc phủ sóng 4G ở quần đảo Hoàng Sa,Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc các nước có các hoạt động tại đây mà không có sự cho phép và sự đồng ý của Việt Nam là sai trái và hoàn toàn vô giá trị.

+ Philippines:

Philippines sẽ không đề cập vấn đề tranh chấp Biển Đông tại APEC. Trả lời phỏng vấn tờ Inquirer ngày 8/9, Tổng thống Philippines Aquino Benigno tuyên bố sẽ không nêu vấn đề tranh chấp biển với Trung Quốc tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), được tổ chức vào trung tuần tháng 11 tại Manila, “Sẽ là thận trọng hơn khi đợi phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện thay vì tiếp tục nêu tranh chấp biển tại hội nghị này. Lập trường của các bên đã được làm rõ nhiều diễn đàn khác và đây là một diễn đàn về kinh tế, các vấn đề kinh tế cần phải được ưu tiên hàng đầu.”

+ Indonesia:

Indonesia nâng cấp hệ thống phòng thủ trên Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 7/9, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho hay: Chúng tôi dự kiến xây thêm một cảng và mở rộng đường băng quân sự tại căn cứ không quân ở Natuna. Đường băng này đủ cho 4 chiến đấu cơ hoạt động.” Ông Ryamizard cho biết thêm rằng sẽ có thêm nhiều máy bay chiến đấu được điều tới căn cứ quân sự Ranai ở quần đảo này, “Động thái của Indonesia không nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Nhưng Biển Đông là khu vực rất gần với Indonesia, chúng tôi cần chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Indonesia có các loại vũ khí đủ mạnh và việc tăng cường hệ thống phòng thủ sẽ khiến chúng tôi yên tâm hơn.” Natuna nằm ở phía Nam của Biển Đông, cách đảo Batam 550 km về phía Đông.

Quan hệ các nước

Tàu chiến Nhật Bản và Mỹ thăm Philippines. Ba tàu chiến thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản gồm tàu JS Bungo (MST 464), JS Aishima (MSC 688) và JS Shishijima (MSC 691) đã cập cảng ở Manila hôm 7/9, một ngày sau chuyến thăm Philippines của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Paul Hamilton (DDG 60) của Mỹ. Phát ngôn viên Hải quân Philippines, Thiếu tá Lued Lincuna cho biết ba tàu chiến của Nhật Bản sẽ lưu lại Manila ba ngày trước khi đi thăm các nước Đông Nam Á khác. Động thái trên diễn ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trong cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến thứ hai.

Mỹ, Nhật vận hành hệ thống theo dõi tàu ngầm Trung Quốc. Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản ngày 9/9 cho biết Hệ thống giám sát tiếng động tàu ngầm dưới đáy biển (SOSUS) vừa được triển khai tại thềm Thái Bình Dương thuộc Quần đảo Nansei, bao gồm cả đảo Okinawa. Phiên bản mới nhất của SOSUS cho phép Tokyo và Washington phát hiện tàu ngầm Trung Quốc di chuyển từ biển Hoa Đông và Hoàng Hải ra Thái Bình Dương. Theo các nguồn tin, SOSUS mới nhất bao gồm hai cáp với mạng lưới rộng các bộ cảm biến âm thanh dưới nước. Một cáp trải dài từ đảo Okinawa tới đảo Kyushu ở phía Nam và cáp kia trải dài từ Okinawa tới ngoài khơi Đài Loan.

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt - Ấn. Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9-11/9, Đại tướng Arup Raha, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Không quân Ấn Độ đã có cuộc gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chiều 10/9. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Đại tướng Arup Raha góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội hai nước; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Về phần mình, Đại tướng Arup Raha khẳng định Ấn Độ luôn đánh giá cao mối quan hệ hợp tác đối với Việt Nam.

Phân tích và đánh giá

Giải thích năm ‘cam kết’ mới của Trung Quốc ở Biển Đông” của Xue Li Liu Mingyi

Ngay trước các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN từ 4-6 tháng 8, ngày 3/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gây ấn tượng mạnh khi tuyên bố trong buổi họp báo rằng, Trung Quốc sẽ tuân thủ năm nguyên tắc về vấn đề Biển Đông: (i) duy trì hòa bình và ổn định Biển Đông; (ii) giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn; (iii) kiểm soát những bất đồng bằng luật lệ và quy tắc; (iv) đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; và (v) tăng cường li ích chung thông qua hợp tác.

Ý nghĩa của năm nguyên tắc:

Thứ nhất, năm nguyên tắc được bắt nguồn và phát triển từ cách tiếp cận “hai kênh” của Trung Quốc được đưa ra vào tháng 8/2014, đó là: tranh chấp sẽ được giải quyết bởi các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua hợp tác hữu ngh; các quốc gia ASEAN và Trung Quốc sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Cốt lõi cách tiếp cận này là đàm phán sẽ được thực hiện theo khuôn khổ đa phương và ASEAN có thể tham gia vào tiến trình này. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề nảy sinh kể từ khi cách tiếp cận “hai kênh” được tuyên bố: Trung Quốc khẳng định tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán bởi các quốc gia có liên quan trực tiếp, phản đối thổi phồng tranh chấp thông qua các hoạt động đa phương, không chấp nhận tòa trọng tài hay toà quốc tế. Trong khi đó, năm nguyên tắc lại kêu gọi sự ủng hộ mang tính xây dựng của các quốc gia bên ngoài đối với các quốc gia tranh chấp. Rõ ràng Trung Quốc cần phải làm rõ quan điểm này.

Thứ hai, năm cam kết cho thấy giữa Trung Quốc và Mỹ có những lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông: duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Như vậy, Mỹ sẽ có rất ít cơ hội để tuyên bố Trung Quốc không cùng Mỹ đảm bảo những li ích chung.

Sự khác biệt chính về quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc là về cách giải thích quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Tuy nhiên, với sự phát triển về năng lực biển, Trung Quốc đã dần thay đổi quan điểm. Điều này có thể nhận thấy trong cuộc tập trận chung Trung - Nga tại Địa Trung Hải (khu vực có nhiều vùng EEZ) vào tháng 5, hay hoạt động qua lại gần đây của tàu Trung Quốc gần quần đảo Aleutian (hiện do Mỹ và Nga phân chia kiểm soát). Như vậy, Trung Quốc và Mỹ đang dần có điểm chung.

Cuối cùng, năm nguyên tắc bảo vệ quan điểm của cả Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, đó là giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua hai kênh: (i) mở rộng hợp tác và tăng cường lợi ích chung; (ii) giải quyết tranh chấp và kiểm soát sự bất đồng. Trung Quốc từ lâu vốn ủng hộ cách tiếp cận thông qua kênh thứ nhất, trong khi các quốc gia yêu sách ASEAN nhấn mạnh vào cách thứ hai.

Năm nguyên tắc này thể hiện rất rõ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Chúng cũng cho thấy rằng Trung Quốc không hề mong muốn tranh chấp leo thang. Trên hết, dự án “Một Vành đai, Một Con đường” là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, trong khi ASEAN lại đóng vai trò quan trọng cho cho sự thành công của sáng kến Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21.

Tiểu tổ Chỉ đạo về Bảo vệ quyn lợi biển - Cơ quan Bí ẩn của Trung Quốc” của Bonnie Glaser

Trong những năm qua, việc hoạch định chính sách của Trung Quốc đều mang tính bốc đồng và thiếu thận trọng, đặc biệt là về các vấn đề trên biển, chẳng hạn như tuyên bố về Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông vào năm 2013, hạ đặt giàn khoan trong vùng EEZ của Việt Nam vào năm 2014 hay hoạt động gấp rút nạo vét, cải tạo đảo từ đầu năm 2014.

Tiểu tổ Chỉ đạo về Bảo vệ Quyền lợi Biển Trung Quốc sẽ thảo luận các vấn đề về chính sách biển, đứng đầu là Tập Cận Bình. Nhóm này được lập vào giữa năm 2012 với ba nhiệm vụ chính: (i) xây dựng chiến lược thúc đẩy quyền và lợi ích biển; (ii) điều phối chính sách giữa các cơ quan liên quan; (iii) quản lý xung đột với các quốc gia và tranh chấp lãnh thổ trên biển. Các thành viên của Tiểu tổ đều là các quan chức cấp cao của 17 bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Cục Hải dương Quốc gia, Bộ Công An, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và lực lượng Hải quân.

Văn phòng Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (FAO) đảm nhiệm chức năng hành chính cho Tiểu tổ và thuộc sự chỉ đạo của Tập Cận Bình. Đứng đầu FAO là Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì. Theo các nguồn tin thì Tập Cận Bình thường xuyên giao nhiệm vụ cho FAO nghiên cứu và tổ chức các cuộc họp. Các cơ quan nghiên cứu và khuyến nghị chính sách là Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia Trung Quốc thuộc Bộ An ninh Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hải quân thuộc quân đội và Viện Nghiên cứu Biển.

Có rất ít thông tin về Tiểu tổ này. Theo một vài thông tin thì Tiểu tổ được cho là trực tiếp chỉ đạo các hoạt động chiến thuật đối với tàu hải giám Trung Quốc và tàu hải quân thông qua “điện đài hoặc điện thoại”. Kể từ khi thành lp, hoạt động điều phối gữa hải quân, lực lượng cảnh sát biển, Cục Hải dương Quốc gia và dân quân biển đã được cải thiện đáng kể, chẳng hạn như vụ việc tàu chấp pháp Trung Quốc tiến vào vùng 12 hải lý đảo Senkaku/Điếu Ngư đồng thời kết hợp với tàu hải quân tiến gần vào đường ranh giới 24 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải.

Khả năng và thời điểm thiết lập ADIZ ở Biển Đông cũng có thể do Tiểu tổ này đưa ra thảo luận. Tuy nhiên quyết định thiết lập ADIZ ở Hoa Đông dường như không được thảo luận bởi bất kỳ Tiểu tổ nào. Thay vào đó được thảo luận tại một cuộc họp của Quân ủy Trung ương, do Tập Cận Bình đứng đầu, sau đó được Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc thông qua. Bộ Ngoại giao đã không được tham vấn trước khi thiết lp vùng ADIZ ở Hoa Đông, khu vực chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc ngay trong bối cảnh Trung Quốc muốn cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc. Các học giả Trung Quốc cho rằng, qua vụ việc này, ông Tp đã học được bài học rằng, việc ra quyết sách vội vàng sẽ có những tác động tiêu cực đối với lợi ích của Trung Quốc.

Có rất nhiều điều cần biết về Tiểu tổ này cũng như việc hoạch định chính sách của Trung Quốc: Ai quyết định thời điểm triệu tập Tiểu tổ? Nếu như không có sự đồng thuận chung, Tập Cận Bình có phải là người đưa ra quyết định cuối cùng hay lại phải đưa ra Ban Thường vụ Bộ Chính trị? Tiểu tổ này có liên quan đến quyết định cải tạo đảo và quân sự hóa ở Biển Đông?

Chính sách tiếp cận của Nga ở Biển Đông” của Alex Calvo

Nhìn vào chính sách của Nga ở Biển Đông có thể thấy trong khi các quốc gia trong và ngoài khu vực dường như đang ngày càng chịu đựng căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc, Nga lại tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh đang bị cô lập về kinh tế. Tuy nhiên, trước khi vội vã kết luận, cần thiết phải đánh giá lợi ích quốc gia và các quyết định thực tế của Nga.

Hướng Đông

Nhằm đa dạng hoá các mối quan hệ ngoài châu Âu, tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc và phát huy tối đa sức mạnh quốc gia, có lẽ cần phải bàn về sự “Xoay Trục” hay “Tái cân bằng” về Thái Bình Dương của Nga. Nga đã sử dụng dầu mỏ và buôn bán vũ khí với khu vực để thực hiện chiến lược phòng ngừa với Trung Quốc.

Thực tế, trước khi có những căng thẳng tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, Nga đã gia tăng xuất khẩu năng lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo đuổi một số dự án như đường ống dẫn khí tới Hàn Quốc thông qua Bắc Triều Tiên, hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam…

Sự mập mờ về chiến lược

Khía cạnh nổi bật nhất về sự hiện diện của Nga ở Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông là việc Nga tiếp tục duy trì hỗ trợ và chuyển giao cho Hà Nội các loại vũ khí tối tân. Về khía cạnh này, Nga không chỉ hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện chiến lược chiến tranh bất đối xứng mà còn tránh công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này không chỉ giới hạn ở Biển Đông mà cả trong vấn đề tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Lý do giải thích cho sự mập mờ này là: (i) Nga - Trung không phải là đồng minh, do đó Nga không buộc phải ủng hộ về mặt chính trị hay lợi ích của Trung Quốc; (ii) Nga có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khu vực Biển Đông và không cần phải làm tổn thương họ vì lợi ích của Trung Quốc; (iii) Nga đang vướng vào khủng hoảng Ukraina và không hề mong muốn cũng như không đủ khả năng thách thức Mỹ ở Biển Đông; (iv) Sự phát triển của Trung Quốc đã gây ra mối lo cho Nga, cụ thể là viễn cảnh Trung Quốc bành trướng sang vùng Viễn Đông.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Nga - Trung đối đầu nhau. Sự trung lập của Nga trong vấn đề Biển Đông không có nghĩa là Nga không ủng hộ Trung Quốc. Nhìn chung, quan hệ Nga - Trung đều để “khoảng trống mập mờ” về chính sách, cho phép hai bên tối đa hoá lợi ích quốc gia của mình.

Mối quan hệ Nga - Việt

Ngoài việc bán vũ khí, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, hai bên đã ký kết thỏa thuận tạo thuận lợi cho tàu chiến Nga sử dụng (dịch vụ) của vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, hai nước đang đàm phán thiết lập trung tâm hậu cần ở Cam Ranh cho hải quân Nga. Nga cũng là một bên đối tác năng lượng hạt nhân và hợp tác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, bất chấp phản đối từ Trung Quốc.

Rõ ràng Nga quyết tâm tránh bị phụ thuộc vào Trung Quốc và mong muốn trở thành một cường quốc Thái Bình Dương. Điều này sẽ mang li cơ hội cho Mỹ trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang ngày càng căng thng cũng như hợp tác cùng Nga đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trung Quốc đã đẩy Đông Nam Á về phía Mỹ của Hiroyuki Akita

Trong vấn đề Biển Đông, các thành viên khối ASEAN có thể chia thành ba nhóm dựa trên thái độ của họ với Trung Quốc. Nhóm đầu tiên, có thái độ cứng rắn với Trung Quốc bao gồm Việt Nam và Philippines. Nhóm thứ hai thân Trung Quốc gồm có Lào, Campuchia. Còn Malaysia, Indonesia và Thái Lan thuộc nhóm trung gian thứ ba. Nhóm thứ ba nắm sự chi phối đặc biệt trong nội bộ ASEAN và hiện nay thái độ của họ đang ngả về phía Mỹ.

Malaysia

Đầu tiên là sự thay đổi thái độ của Malaysia, và điều này có thể biến chuyển đáng kể mối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc.

Malaysia vốn giữ khoảng cách với Mỹ nhưng một vài năm trở lại đây chứng kiến sự gia tăng hợp tác quân sự giữa hai nước. Máy bay Mỹ hạ cánh và tiếp nhiên liệu ở căn cứ quân sự của Malaysia dọc Biển Đông, hải quân Mỹ được phép tiếp cận nhiều hơn các cảng của Malaysia. Ngoài việc hỗ trợ gián tiếp cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực, Malaysia cũng quyết định thiết lập căn cứ hải quân ven Biển Đông và đào tạo lực lượng đổ bộ.

Theo các quan chức chính phủ Malaysia thì chính sự đẩy mạnh các động thái trên biển của Trung Quốc đã dấy lên hồi chuông cảnh bảo Malaysia.

Indonesia

Ngoài Malaysia, Indonesia cũng thu hút sự chú ý đáng kể. Indonesia (quốc gia không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa) vẫn duy trì thái đô trung lập với Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây Indonesia bắt đầu tăng cường khả năng phòng thủ kể từ khi tàu Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Natuna. Trong bối cảnh này, quân đội Indonesia đã triển khai diễn tập trinh sát và đổ bộ cùng với lực lượng Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn diễn tập chung với quân đội Mỹ thường xuyên hơn. Ngoài ra, Indonesia cũng lên kế hoạch củng cố một trong các căn cứ quân sự gần quần đảo Natuna.

Thái Lan

Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang xích lại gần Trung Quốc do phải chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và một số quốc gia khác do cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Hiện nước này đang triển khai mua tàu ngầm của Trung Quốc.

Những biến chuyển trong nội bộ ASEAN sẽ là nhân tố quyết định quốc gia nào sẽ nắm quyền chi phối ở châu Á.

Trung Quốc và Môi trường Đại dương” của James Borton & Nguyen Chu Hoi

Kể từ tháng 9/2013, Trung Quốc đã mở rộng diện tích cải tạo đảo chiếm đóng ở Biển Đông lên tới hơn 2.000 hecta. Những tác động về địa chính trị của công cuộc cải tạo đảo này được dư luận rất quan tâm, tuy nhiên tác động về môi trường của nó lại ít được bàn tới.

Các hoạt động của Trung Quốc gây ra mối đe dọa cho các quần thể cá, đa dạng sinh học biển và ảnh hưởng lâu dài tới môi trường biển phong phú bc nhất thế giới này. Hàng ngàn rạn san hô, thảm thực vật rong biển và hệ sinh thái nước nông khác đang bị phá huỷ, ảnh hưởng đến sự kết nối sinh thái giữa quần đảo Trường Sa và Biển Đông, làm gián đoạn nguồn cung cấp chất dinh dưỡng của các hệ sinh thái biển.

Bên cạnh đó, thái độ hiếu chiến của Trung Quốc, yêu sách về chủ quyền và nguồn tài nguyên cá chưa được phân định rõ ràng dẫn đến hoạt động đánh bắt cá quá mức, làm suy thoái hệ sinh thái biển và đe dọa sự sống của các loại sinh vật. Từ năm 2010, trữ lượng cá ở Trường Sa và phần phía Tây Biển Đông đã giảm 16%. Khoảng 300 triệu người sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Do đó, nếu như Trung Quốc tiếp tục thực thi chính sách như hiện nay, đời sống kinh tế của họ sẽ ngày càng bị đe dọa.

Hành vi cải tạo đảo của Trung Quốc đã vi phạm một số Công ước về môi trường quốc tế: Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) và Công ước Quốc tế về Hoạt động Buôn bán các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES). Ngoài ra, các hoạt động của Trung Quốc còn vi phạm Công ước UNCLOS về tự do hàng hải, vi phạm DOC khi không thực hiện “kiềm chế các hoạt động gây phức tạp, leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định khu vực”.

Tất cả quốc gia trong khu vực đều phải có trách nhiệm quản lý, bảo tồn môi trường và tài nguyên thiên nhiên biển. Tuy nhiên, trách nhiệm thực sự nằm ở Trung Quốc. Về mặt luật pháp quốc tế, các quốc gia quyền lực nhất thế giới phải tuân thủ luật pháp quốc tế để làm gương. Vì vậy Trung Quốc phải có trách nhiệm, mà cụ thể cần phải bắt đầu từ Biển Đông./.