Bản PDF tại đây
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc hối thúc Philippines quay trở lại bàn đàm phán. Phát biểu trước các phóng viên tại thủ đô Manila hôm 6/7, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa tuyên bố, “Chúng ta cần nối lại đàm phán song phương mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để chúng ta có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.” Động thái trên diễn ra một ngày trước khi Tòa Trọng tài tại La-Hay bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines.
Trung Quốc phản ứng về vụ kiện của Philippines. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/7, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc phản đối mọi hành động thúc đẩy vụ kiện của Philippines. Quan điểm của Trung Quốc được nêu rõ trong Tuyên bố Lập trường về Thẩm quyền của Tòa trong Vụ kiện của Philippines vào tháng 12 năm 2014.” Trong cuộc họp báo tiếp theo hôm 8/7, về phát biểu của người đứng đầu Đài Loan hôm 7/7 về vấn đề Biển Đông, bà Hoa cho hay, “Trong bối cảnh hiện nay, nhân dân Trung Quốc ở hai bờ Eo biển Đài Loan có nghĩa vụ và trách nhiệm chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi biển của đất nước ở Biển Đông.” Về thông tin Trung Quốc thả mốc đánh dấu và phao tiêu ở Bãi Cỏ Rong, bà Hoa cho biết không có thông tin về vấn đề này đồng thời nhấn mạnh chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề.
Trung Quốc lén thả mốc đánh dấu và phao tiêu ở Bãi Cỏ Rong. Hải quân Philippines gần đây đã phát hiện một mốc đánh dấu bằng thép với dòng chữ Trung Quốc và hàng trăm phao tiêu màu vàng gần Bãi Cỏ Rong. Theo một thủy thủ, mốc đánh dấu và các phao tiêu này được phát hiện vào cuối tháng 5, “Chúng tôi cố gắng cắt và di dời những chiếc phao đó nhưng một tàu tuần tra của Trung Quốc xuất hiện ở đằng xa và chúng tôi phải rời đi.” Theo một sĩ quan hải quân Philippines khác thì những chiếc phao tiêu vẫn còn ở đó khi hải quân Philippines kiểm tra hồi tháng 6. Trong khi đó, Phát ngôn viên hải quân Philippines Đại tá Edgard Arevalo cho biết ông chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về phát hiện trên. Bãi Cỏ Rong nằm cách Philippines 80 - 90 hải lý về phía tây.
Đài Loan ra Tuyên bố về Biển Đông. Ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Đài Loan ra Tuyên bố lập trường về vấn đề Biển Đông bao gồm 8 điểm. Trong đó khẳng định, “Đài Loan là một thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc. Mặc dù mất tư cách thành viên vào năm 1971, nhưng tên đầy đủ Đài Loan vẫn còn trong Điều 23 và Điều 110 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Từ trước đến nay, Đài Loan luôn tuân thủ nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc và các quy định luật pháp quốc tế đó là giải quyết hòa bình các tranh chấp và tự do hàng hải, hàng không. Đài Loan kêu gọi các nước xung quanh Biển Đông tôn trọng tinh thần và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS, tự kiềm chế, duy trì hòa bình ổn định hiện trạng khu vực Biển Đông, tránh sử dụng bất cứ hành động đơn phương nào làm tình hình căng thẳng leo thang. Bất kỳ sự sắp xếp hay thỏa thuận liên quan đến Ba Bình hoặc các đảo khác ở Biển Đông và vùng nước xung quanh mà không có sự tham gia và đồng ý của Đài Loan sẽ không có hiệu lực pháp lý đối với Đài Loan và không được công nhận.”
Đài Loan kiên quyết bảo vệ trái phép đảo Ba Bình. Phát biểu ngày 7/7 tại Hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 70 năm kháng chiến chống Nhật, Người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu khẳng định chủ quyền của Đài Loan với các đảo ở Biển Đông sau khi kết thúc Thế Chiến thứ hai, với việc trích dẫn các tài liệu quốc tế như Tuyên cáo Cairo, Tuyên bố Postdam cũng như Văn kiện Đầu hàng của Nhật Bản, “Trong tương lai, chính quyền Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển đảo Ba Bình với mục tiêu hòa bình, biến nơi đây trở thành một trung tâm cứu trợ nhân đạo, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học ở Quần đảo Trường Sa.” Ông Mã cũng nhấn mạnh, đảo Ba Bình hoàn toàn đáp ứng các điều kiện về quy chế đảo theo Điều 121 của UNCLOS 1982.
+ Việt Nam:
Việt Nam cử đoàn tham dự phiên tranh tụng về vấn đề Biển Đông. Từ ngày 7/7, tại Trụ sở Tòa Trọng tài thường trực ở La-Hay, Hà Lan, sẽ diễn ra phiên tranh tụng đầu tiên về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Ngày 9/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã cử đoàn đến dự và theo dõi phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện này với tư cách quan sát viên.”
+ Philippines:
Philippines tăng cường chi tiêu quốc phòng. Ngày 7/7, Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách các kế hoạch của quân đội Philippines Thiếu tướng Raul del Rosario cho biết nước này sẽ tăng cường chi tiêu quân sự trong 13 năm tới, với ngân sách 20 tỷ USD để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Theo ông Rosario, bản kế hoạch trên được phê chuẩn hôm 3/7 sẽ gồm việc lắp đặt các rađa và thiết bị cảm biến, mua sắm các khí tài như tàu ngầm, tàu khu trục, chiến đấu cơ, máy bay do thám và hệ thống tên lửa, “Khi hoàn thành kế hoạch này, chúng tôi sẽ biết rõ những gì đang xảy ra ở vùng biển tranh chấp và có thể đưa ra phản ứng nhanh hơn trước bất kỳ sự vụ nào diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.”
Philippines khẳng định bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước Tòa Trọng tài ở La-Hay hôm 8/7, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định: “Philippines không yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Chúng tôi đang có mặt ở đây vì chúng tôi muốn làm rõ các quyền lợi biển của mình ở khu vực Biển Đông - một vấn đề thuộc về thẩm quyền của quý tòa. Đây là vấn đề quan trọng nhất không chỉ đối với Philippines mà còn đối với cả các quốc gia ven Biển Đông và thậm chí là tất cả các quốc gia tham gia UNCLOS. Philippines hiểu rằng thẩm quyền của tòa án được thành lập theo UNCLOS được giới hạn trong các khiếu kiện liên quan đến luật biển. Vì vậy, chúng tôi đã có chuẩn bị kỹ để đưa ra những vấn đề liên quan trực tiếp theo Công ước. Chúng tôi sẽ trình bày năm luận điểm chính: (i) Trung Quốc không có quyền thực hiện những gì họ coi là “quyền lịch sử” ở các vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vượt quá giới hạn các quyền theo quy định của UNCLOS; (ii) Cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc dựa vào để xác định giới hạn yêu sách với “quyền lịch sử” không có cơ sở theo luật quốc tế; (iii) Các thực thể mà Trung Quốc dựa vào để khẳng định yêu sách ở Biển Đông không phải là đảo để có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; (iv) Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi can thiệp vào việc Philippines thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình; (v) Trung Quốc đã phá hoại môi trường biển trong khu vực đến mức không thể phục hồi được, vi phạm UNCLOS với việc phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông.”
Philippines bổ nhiệm tân Tham mưu trưởng quân đội. Ngày 10/7, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III đã bổ nhiệm Tư lệnh Lục quân Trung tướng Hernando Delfin Carmelo Iriberri làm tân Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Ông Iriberri là Tham mưu trưởng thứ 46 của AFP. Cựu Tham mưu trưởng AFP, Tướng Gregorio Pio Catapang sẽ nghỉ hưu ở tuổi 56 theo độ tuổi quy định trong quân đội Philippines.
Philippines tìm cách ngăn Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông. Sau khi tham dự phiên điều trần thứ nhất của Philippines tại Tòa trọng tài thường trực (PCA), Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima ngày 11/7 cho hay nếu PCA tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines, chính phủ nước này sẽ xem xét khả năng đề nghị Tòa cho áp dụng các biện pháp tạm thời ngăn chặn Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp, “Hiện đội ngũ chuyên gia pháp lý của Philippines đang nghiên cứu khả năng này. Và nếu tòa phán quyết có thẩm quyền trong vụ việc này, đó chính là bước đi tiếp theo của chúng tôi.” Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonia Carpio trước đó từng lập luận rằng Điều 290 trong UNCLOS cho phép thực hiện các biện pháp như vậy.
+ Indonesia:
Indonesia chuẩn bị xây dựng căn cứ quân sự gần Biển Đông. Ngày 10/7, Bộ Quốc phòng và Ban Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về địa điểm xây dựng căn cứ quân sự này. Danh sách lựa chọn gồm huyện Sambas phía Tây đảo Kalimantan, các quần đảo Natuna, Riau và Taralan ở phía Bắc Kalimantan. Lãnh đạo Ban kế hoạch ông Andrinof Chaniago cho hay cuộc họp trên nhằm “đồng bộ những mục tiêu chung về bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền lãnh thổ.” Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia ông Ryamizard Ryacudu khẳng định, “Việc xây dựng căn cứ quân sự gần Biển Đông là một quyết định sáng suốt. Chúng ta có nhiều tài nguyên thiên nhiên cần phải được bảo vệ.”
Quan hệ các nước
Phiên tòa xử vụ kiện của Philippines chính thức bắt đầu. Phát biểu tại phiên tòa kín ngày 7/7, Philippines khẳng định Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La-Hay cần xem xét tranh chấp biển giữa Manila và Bắc Kinh. Theo Luật sư đại diện của Manila ông Paul Reichler, “Philippines tin rằng PCA có thẩm quyền xét xử tất cả những tuyên bố mà nước này đưa ra.” Ông Reichler không tiết lộ thêm về phần lập luận của Philippines song tin tưởng rằng tòa cuối cùng sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines. Trong tuần này, một ủy ban gồm năm thẩm phán sẽ nghe các lập luận của Philippines và quyết định liệu tòa có thẩm quyền thụ lý vụ kiện hay không. Ngày 10/7, Tòa Trọng tài tuyên bố Manila sẽ tiếp tục phiên điều trần thứ hai vào ngày 13/7. Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines bà Abigail Valte cho hay: “Phía Philippines đã chuẩn bị đầy đủ để có thể đưa ra câu trả lời tốt nhất trước những câu hỏi của Tòa trong phiên điều trần thứ hai.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ. Đúng 8 giờ theo giờ địa phương ngày 6/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Andrews, ở thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Sáng 7/7 theo giờ địa phương tại Nhà Trắng đã diễn cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam và vai trò của Việt Nam ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Về phần mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, coi trọng phát triển quan hệ với Mỹ là chủ trương nhất quán, lâu dài của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng khu vực và quốc tế, ủng hộ nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Sau cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Mỹ. Trong Tuyên bố chung, hai nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định. Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không; hoạt động thương mại hợp pháp không hạn chế; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; phản đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chiều 8/7 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington. Trong chuyến thăm trụ sở Liên Hợp quốc và hội kiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sáng 10/7 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm và chia sẻ quan ngại của Liên Hợp quốc và cá nhân Tổng Thư ký Ban Ki-moon về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông; bày tỏ mong muốn Liên Hợp Quốc và Tổng Thư ký tiếp tục quan tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Kết quả cuộc họp Nhóm công tác chung Trung Quốc - ASEAN về thực thi DOC. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 6/7 cho hay Cuộc họp Nhóm công tác chung về thực thi DOC lần thứ 14 của Trung Quốc - ASEAN đã diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 1-3/7. Với tôn chỉ thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, hội nghị đã thu được tiến triển tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác thiết thực trên biển, tham vấn về COC cũng như thực hiện chương trình thu hoạch sớm. Hội nghị đã xây dựng văn kiện nhận thức chung lần thứ hai về tham vấn COC, Phạm vi Thẩm quyền của nhóm chuyên gia và các nhân sĩ, cũng như các cơ sở về đường dây nóng của quan chức ngoại giao cấp cao nhằm giải quyết những vụ việc khẩn cấp trên biển.
Phân tích và đánh giá
“Luật Quốc tế có giải quyết được tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Philippines?” của Richard Javad Heydarian
Mong muốn giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông của Philippines đã bước vào giai đoạn quan trọng. Sau hơn hai năm chuẩn bị, giờ đây Manila có cơ hội để chứng minh cho Tòa Trọng tài tại La-Hay rằng, vụ việc này cần phải được phân xử. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là liệu tòa trọng tài có thẩm quyền để phân xử vụ kiện này hay không.
Philippines kiện Trung Quốc theo Điều 287 và Phụ lục VII của UNCLOS và Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện. Tuy nhiên, theo Điều 9, Phụ lục VII của UNCLOS, quá trình này vẫn sẽ diễn ra cho dù Trung Quốc có tham gia hay không. Vì biết sẽ rất khó bảo vệ được yêu sách đường lưỡi bò, thay vì tham gia vụ kiện với Philippines, Trung Quốc tập trung vào ba luận điểm để bác bỏ thẩm quyền của tòa: (i) UNCLOS không có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền; (ii) trong công hàm năm 2006, Trung Quốc bảo lưu và không chấp thuận các cơ chế giải quyết bắt buộc liên quan đến các yêu sách của nước này; (iii) Trung Quốc cho rằng, lúc này chưa phải là thời điểm sử dụng biện pháp bắt buộc bởi vẫn còn các cơ chế thay thế khác.
Để đối phó, Philippines đã tập trung vào việc diễn giải theo Điều 121 UNCLOS về bản chất các thực thể tranh chấp: các đảo, thực thể lúc nổi lúc chìm bởi điều này quyết định các thực thể đó có thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý hay không. Điều quan trọng nhất mà Philippines muốn là tòa trọng tài xem xét (và bác bỏ) yêu sách đường lưỡi bò, quyền/vùng biển lịch sử của Trung Quốc. Manila cũng có thể lựa chọn Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để trực tiếp giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, hoặc tìm kiếm sự ủng hộ của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (thông qua một nghị quyết chỉ trích hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông).
Tuy nhiên điều khó khăn mà Philippines phải đối diện là Trung Quốc lại là thành viên của Hội đồng Bảo an, bên cạnh đó nước này sẽ không công nhận phương thức giải quyết bắt buộc của ICJ do đã bảo lưu. Trong trường hợp tòa trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, rủi ro rất lớn là Trung Quốc sẽ “phớt lờ” và không công nhận phán quyết đó của tòa. Trung Quốc hiện đang có nhiều hoạt động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Philippines nên tập trung bảo vệ, củng cố quyền kiểm soát các thực thể đang chiếm đóng, thiết lập các cơ chế đàm phán cần thiết (ví dụ như đường dây nóng) nhằm ngăn chặn các xung đột ngoài ý muốn trên các vùng biển quốc tế. Để bảo vệ lợi ích của mình, có lẽ Philippines không thể chỉ dựa vào UNCLOS, mà cần phải có sự giúp đỡ từ các đồng minh, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản cũng như các bạn bè và đối tác.
“Đối phó với chiến thuật ‘Tạo sự đã rồi’ của Trung Quốc trên Biển Đông” của Hiroshi Waguri
Những căng thằng ngày càng gia tăng liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống luật pháp quốc tế. Hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo của nước này thực sự là vấn đề bởi không quy định nào của luật quốc tế ngăn cản một quốc gia thực hiện hành vi như vậy. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “cắt lát salami,” gây khó khăn cho cộng động quốc tế cũng như Mỹ trong việc tìm kiếm biện pháp đối phó. Dựa trên tình hình hiện nay, các quốc gia liên quan có thể xem xét đến phương thức “Liên minh Tuần tra trên không đa chức năng của Châu Á” (Asian Multi-role Patrol Aircraft Coalition - AMPAC), bao gồm các nhân tố chính như sau:
Thứ nhất, Philippines, Việt Nam cùng với các quốc gia liên quan thành lập một thể chế dân sự chung (phi quân sự) với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tuần tra trên biển và các hoạt động khác, giới hạn trên các lĩnh vực dân sự như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, chống cướp biển. Mỹ và Nhật Bản có thể hỗ trợ về mặt nhân sự.
Thứ hai là về nền tảng cơ bản. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) hiện sở hữu hơn 70 máy bay tuần tra biển P-3C và đang có kế hoạch ngưng sử dụng. Sau khi loại bỏ các tính năng quân sự, các quốc gia liên quan có thể tận dụng loại máy bay trinh sát này.
Thứ ba là về nâng cao năng lực kỹ thuật và khả năng hoạt động. Bộ Quốc phòng Nhật Bản và MSDF có thể thực hiện các dự án tăng cường năng lực cho AMPAC bằng việc sử dụng các quan chức, nhân sự đã về hưu của MSDF. Hải quân Mỹ và MSDF cần phối hợp với các nhà công nghiệp quốc phòng tư nhân như Lockheed Martin hay Kawasaki Heavy trong các hoạt động tận dụng máy bay tuần tra, đặc biệt là máy tính tác nghiệp và hoạt động bảo trì.
Thứ tư là về tài chính. Vì AMPAC là một thể chế dân sự nên đủ điều kiện nhận nguồn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật Bản. Nếu như Nhật Bản, Mỹ, Úc cùng các đối tác khác có thể hỗ trợ về vốn, việc thành lập AMPAC sẽ khả thi hơn nhiều.
Cuối cùng là về việc mở rộng vai trò nhiệm vụ của AMPAC. Nhiệm vụ của AMPAC không nên chỉ giới hạn trong việc tuần tra trên biển bởi máy bay P-3C dù đã gỡ bỏ thành phần quân sự nhưng cảm biến quang học SAR vẫn được sử dụng, do đó AMPAC nên mở rộng cho các hoạt động khác trong khu vực Biển Đông, chẳng hạn như chia sẻ thông tin với Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn và Hỗ trợ Nhân đạo của ASEAN hay phối hợp trong các hoạt động chống cướp biển. Bản chất của AMPAC là đa quốc gia, nên đây sẽ là một sáng kiến hoàn hảo về phương diện “liên kết quốc phòng” và tạo điều kiện thúc đẩy “liên kết cộng đồng an ninh ASEAN.”
“Vì sao Hàn Quốc im lặng trước những động thái trên biển của Trung Quốc” của Rober E Kelly
Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng hoạt động cải tạo đảo và mở rộng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây bất ổn cho khu vực. Là một đồng minh của Mỹ với nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tự do và an toàn hàng hải nhưng Hàn Quốc lại khá kín tiếng trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí còn tiên phong gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB). Vậy lý do nằm ở đâu?
Nguyên nhân được cho là để tách Trung Quốc khỏi Triều Tiên. Việc Hàn Quốc im lặng nhằm mục đích từng bước thuyết phục Bắc Kinh tin rằng, nước này có thể an toàn khi từ bỏ “vùng đệm” Triều Tiên. Trung Quốc thực sự có vai trò rất lớn đối với Bắc Triều Tiên. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Trung Quốc cạnh tranh trong việc trợ cấp kinh tế cho Triều Tiên. Hiện nay Liên Xô đã tan ra, trong khi Nga hiện lại quá yếu. Rốt cục, chỉ còn lại Trung Quốc - huyết mạch cuối cùng cua Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp những nhu yếu phẩm cho Bắc Triều Tiên từ nhiên liệu, lương thực, quần áo và hàng tiêu dùng, thậm chí cả địa điểm cho những hoạt động tài chính của Triều Tiên.
Trong những năm qua, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nỗ lực dần tách Trung Quốc khỏi Triều Tiên. Hiện tại, mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên đang ở trạng thái “lạnh giá” nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đây là thành công rất lớn của Hàn Quốc. Việc can dự vào vấn đề Biển Đông sẽ phá vỡ thành quả mong manh này của Hàn Quốc. Cần phải khiến cho Trung Quốc tin rằng, ít nhất Hàn Quốc sẽ giữ trung lập trước khi nước này từ bỏ Bình Nhưỡng. Ngoài ra, việc Mỹ có các căn cứ quân sự tại Hàn Quốc cũng buộc chính quyền của tổng thống Park nỗ lực làm yên lòng Trung Quốc. Do đó, Hàn Quốc sẽ không lên giọng với Trung Quốc trong các vấn đề như ở Biển Đông.
“ Vai trò trung tâm của ASEAN có giúp giảm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn?” của Kavi Chongkittavorn
Theo Chiến lược An ninh Quốc gia 2015 mới được công bố, Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực “tái cân bằng” tới Châu Á - Thái Bình Dương thông qua các biện pháp ngoại giao, củng cố quan hệ đồng minh và đối tác, mở rộng đầu tư, thương mại và đa dạng hoá các cơ chế an ninh. Rõ ràng nỗ lực của Mỹ là nhằm đối phó với chính sách kinh tế và an ninh quyết đoán của Trung Quốc, đang lay chuyển trật tự khu vực và quốc tế. Trong cuộc chơi này, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ diễn ra gay gắt nhất. Điều này đem lại cả cơ hội cũng như thách thức cho ASEAN. ASEAN đang đứng trước cơ hội khẳng định vai trò trung tâm, bảo đảm những cạnh tranh giữa các cường quốc không bùng phát thành xung đột hay ảnh hưởng tới tiến trình xây dựng Cộng đồng chung.
Sự thiếu hụt lòng tin trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới sẽ ngày càng tăng, đan xen giữa hợp tác và cạnh tranh, nhưng hai bên sẽ không để xảy ra xung đột. Hợp tác hai nước trên bình diện khu vực và toàn cầu phần nhiều sẽ chỉ dừng ở lời nói, thiếu hành động cụ thể vì cách tiếp cận và những giá trị khác nhau. Tuy nhiên, với ASEAN, bất kỳ sự đổ vỡ nào trong quan hệ Mỹ - Trung cũng sẽ tác động xấu tới tiến trình xây dựng Cộng đồng và liên kết kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ASEAN đang nhanh chóng củng cố tiến trình và khuôn khổ tham vấn ở cấp cao nhất, cũng như xây dựng chương trình nghị sự chung về an ninh. Các quan chức cấp cao của khối đã nhất trí đến lúc phải hướng đến vai trò và trọng tâm của Thượng đỉnh Đông Á (EAS), tập trung hơn vào các vấn đề chiến lược. Trong các hội nghị trước, các lãnh đạo ASEAN thường tuỳ ý phát biểu về những mối quan tâm riêng. Sự thiếu phối hợp và tham vấn trong ASEAN về những vấn đề chủ chốt ở khu vực đã làm suy yếu vai trò trung tâm của khối.
Đến nay đã có một số khuyến nghị nhằm tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong EAS, trong đó có việc thiết lập hệ thống hội nghị trực tuyến giữa các Lãnh đạo ASEAN và Đối tác nhằm phối hợp quan điểm và xây dựng chương trình nghị sự phù hợp với ưu tiên chung. ASEAN cũng đang xem xét tăng thời gian cho phiên họp trao đổi tình hình giữa các Lãnh đạo. Nước Chủ tịch EAS có thể được trao quyền lớn hơn để thay mặt ASEAN phát biểu quan điểm chung của cả khối. Các nỗ lực đánh giá EAS và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN cho thấy tổ chức đang dần chủ động và sáng tạo hơn. Đây sẽ là cơ hội để Malaysia thể hiện vai trò Chủ tịch nhân Hội nghị cấp cao cuối năm nay.
Một ASEAN đóng vai trò trung tâm và trung lập sẽ giảm thiểu những ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Con đường cho ASEAN khá rõ ràng, hoặc là “đi trước” mọi biến chuyển của khu vực, hoặc có nguy cơ trở thành một “con tốt” trong cuộc chơi quyền lực ở khu vực.
“Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á có đem lại lợi ích cho Ấn Độ?” của Rupa Subramanya
Ngày 31/3/2015 là hạn chót mà Trung Quốc đưa ra cho các quốc gia muốn trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB). Ngoài việc được xem như một sự soán ngôi hay ít nhất là thách thức vị thế thống trị của các thiết chế Bretton Woods, cụ thể là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), AIIB còn mang tính biểu tượng thách thức và lật đổ vị thế bá quyền của Mỹ.
Một vài đồng minh của Mỹ đã ký kết hoặc thể hiện muốn gia nhập AIIB, đặc biệt là Ấn Độ. AIIB có khả năng tác động đáng kể vào chọn lựa đầu tư năng lượng đối với Ấn Độ bởi nó gỡ bỏ những hạn chế mà phương Tây áp dụng đối với các khoản vay nhằm phát triển và sử dụng năng lượng than đá. Chưa rõ với các thiết chế mới này, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ sẽ mất hay được, nhưng về trung hạn, AIIB và NDB (Ngân hàng Phát triển Mới, một ngân hàng cũng do Trung Quốc dẫn đầu) có thể đem lại lợi ích cho Ấn Độ, cụ thể là về lĩnh vực phát triển năng lượng than đá.
Nguyên nhân chính là chính sách thắt chặt cho vay tài chính của Tổng thống Obama đối với đầu tư năng lượng than trong bối cảnh quan ngại về biến đối khí hậu. Điều đó rõ ràng là một thách thức đối với Ấn Độ, đất nước có trữ lượng than lớn thứ 5 thế giới và nhu cầu sử dụng loại năng lượng này là rất lớn. Ấn Độ sẽ tiếp cận được các khoản vay để đầu tư cho lĩnh vực này nếu như gia nhập AIIB.
Tuy vậy, sẽ thiếu khôn ngoan nếu như Ấn Độ từ bỏ các thiết chế Bretton Woods. Hiện các quốc gia đều có chung nhận thức về nhu cầu cấp thiết cải tổ hệ thống này. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là cơ hội lớn cho Ấn Độ đóng vai trò then chốt trong bước “khởi động” giai đoạn cải tổ IMF bằng cách xóa bỏ các quy luật bất thành văn rằng, đi đầu việc này phải là một nước châu Âu.
Trong một vài báo cáo gần đây của Ấn Độ cho thấy, Giám đốc Ngân hàng Trung Ương Ấn Độ ông Raghuram Rajan có thể đang chay đua chức vụ giám đốc điều hành IMF, thay thế ông Christine Lagarde, người sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2016. Ông Modi nếu muốn thực hiện tham vọng đưa Ấn Độ lên vũ đài thế giới thì nên nắm lấy cơ hội này, vận động và ứng cử đại diện cho Rajan.
Đối với chính quyền ông Obama, nếu muốn chính sách đối ngoại của mình thành công trong năm cuối nhiệm kỳ thì tốt nhất nên ủng hộ Ấn Độ và thuyết phục các quốc gia châu Âu từ bỏ sự kiểm soát đối với chiếc ghế cao nhất của IMF. Cuối cùng, việc cải tổ IMF dưới sự dẫn dắt của Ấn Độ không chỉ giúp cơ chế này đổi mới phù hợp với tình hình thế giới đang thay đổi, mà còn giúp đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và có lẽ đó sẽ là một chiến thắng giành cho Ấn Độ./.