Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc giám sát nhóm thanh niên Philippines trên đảo Thị Tứ. Một tàu và một máy bay trực thăng của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã tuần tra khu vực xung quanh đảo Thị Tứ, nơi 48 thanh niên Philippines cắm trại. Nhóm thanh niên trên cắm trại ở đảo Thị Tứ từ ngày 26/12/2015 đến ngày 1/1/2016 để phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc. Nhóm này cho biết hàng ngày, tàu hải cảnh số hiệu 46.708 và một máy bay trực thăng của Trung Quốc thực hiện tuần tra gần bờ biển Thị Tứ, thậm chí là trong khu vực 12 hải lý.

Trung Quốc tiếp tục bay thử nghiệm ở đường băng trên Đá Chữ Thập. Tân Hoa xã loan tin vào sáng ngày 6/1, hai máy bay của Trung Quốc Airbus 319 và Boeing 737 đã hạ cánh xuống sân bay Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo phía Trung Quốc, việc hai chuyến bay thử nghiệm thành công này chứng tỏ sân bay có khả năng đảm bảo cho máy bay dân sự cỡ lớn hoạt động an toàn.

Trung Quốc dự định triển khai tàu tuần tra khủng ra Biển Đông. Trung Quốc đã đóng xong tàu hải cảnh lớn thứ hai của nước này và có khả năng sẽ triển khai đến Biển Đông. Chiếc tàu tuần tra biển số hiệu CCG 3901 này có lượng choán nước đến 12.000 tấn  và tốc độ tối đa là 25 hải lý, được trang bị pháo 76 mm và 2 pháo phòng không và có bãi đáp cho trực thăng. Con tàu tuần tra trước đó có thiết kế tương tự chiếc CCG 2901 với lượng choán nước 10.000 tấn đang được sử dụng tuần tra ở biển Hoa Đông. Truyền thông Trung Quốc cho hay đây là 2 tàu tuần tra biển lớn nhất thế giới.

Trung Quốc lắp đặt thiết bị vệ tinh cho các tàu cá ở Biển Đông. Theo thông tin từ Hải Nam, tính đến cuối tháng 12, tỉnh Hải Nam đã hoàn thành nghiệm thu giai đoạn một dự án lắp đặt thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình từ vệ tinh cho 2.617 tàu cá nước này hoạt động ở Biển Đông. Từ đầu năm 2016, ngư dân Trung Quốc trên tàu lắp thiết bị thu tín hiệu có thể xem 58 kênh truyền hình vệ tinh và 45 kênh phát thanh khi đánh bắt cá ở Biển Đông. Các thiết bị còn cung cấp thông tin thời tiết biển, khu vực có nguy hiểm và những chính sách mới của Trung Quốc.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối việc máy bay Trung Quốc hạ cánh ở Trường Sa. Về việc ngày 6/1, hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố ngày 7/1: “Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Cũng trong ngày 7/1/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng vi phạm chủ quyền. Tối 8/1, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trong cùng ngày, cùng với thư thông báo đã được gửi đến Tổ chức vận tải hàng không quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam đồng thời gửi thư thông báo đến Nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không. Liên tiếp từ ngày 1-8/1, một số tàu bay Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bay vi phạm các quy định và quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay trong vùng trời có kiểm soát trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà ICAO giao cho Việt Nam quản lý.

Thủ tướng: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông”. Phát biểu trước các đoàn ngoại giao, các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong buổi tiệc chào mừng Cộng đồng ASEAN và năm Bính Thân 2016 vào tối 10/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Là quốc gia thành viên tích cực và trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn kiên trì chủ trương giải quyết những tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS năm 1982, phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phản đối việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương tại Biển Đông, làm thay đổi hiện trạng, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải hàng không, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng các nước trong khu vực đóng góp vào củng cố hòa bình, ổn định ở khu vực và trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và thảo luận thực chất, sớm thông qua Bộ quy tắc COC ở Biển Đông”. 

+ Philippines:

Philippines phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ở Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm 4/1 tuyên bố nước này phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động bay thử nghiệm trên đường băng Bắc Kinh xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo người phát ngôn Charles Jose, hoạt động bay thử nghiệm này “càng làm leo thang căng thẳng và bất ổn ở khu vực” và chính phủ Philippines đang xem xét phản đối hành động trên của Trung Quốc.

Máy bay Philippines bị Trung Quốc cảnh báo trên Biển Đông. Phát ngôn viên Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines (CAAP) ông Eric Apolonio hôm 18/1, cho hay hôm 7/1, khi ông và một nhân viên khác của CAAP đang bay đến đảo Pagasa thì nhận được hai thông điệp cảnh báo qua sóng radio từ những người nói mình là hải quân Trung Quốc. Họ thông báo rằng máy bay Philippines đang "đe dọa an ninh" các cơ sở của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiếc máy bay Cessna của Philippines vẫn tiếp tục hành trình của mình, phớt lờ những lời cảnh báo từ phía Trung Quốc.

Philippines kêu gọi ASEAN gây sức ép Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Phát biểu trước báo giới ngày 8/1, Tổng thống Philippines Benigno Aquino kêu gọi các nước láng giềng ASEAN gia tăng sức ép đối với Trung Quốc nhằm thống nhất về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc Biển Đông. Ông Aquino cho biết các đại diện của ASEAN dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng tới để xem xét các nội dung của bộ quy tắc ứng xử này. Về vụ kiện của Philippines, ông Aquino thúc giục Trung Quốc cần “thực tế” và công nhận rằng phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ đem lại lợi ích cho tất cả bởi nó sẽ làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên yêu sách ở Biển Đông.

+ Campuchia:

Campuchia quy căng thẳng Biển Đông là do can thiệp của siêu cường. Trong buổi nói chuyện với sinh viên một trường đại học ở Phnom Penh ngày 4/1, Ngoại trưởng Campuchia ông Hor Namhong tuyên bố: “Tình hình tại Biển Đông và các vấn đề liên quan đang trở nên tồi tệ hơn, căng thẳng như hiện nay, là do có sự can thiệp của một siêu cường”. Tuy không nêu rõ là quốc gia nào, nhưng người ta tin rằng Ngoại trưởng Campuchia muốn nói đến Mỹ. Washington đã triển khai một khu trục hạm và máy bay B-52 đến gần các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại Trường Sa.

+ Mỹ:

Thượng Nghị sĩ Mỹ chỉ trích việc Mỹ trì hoãn tuần tra Biển Đông. Trong một tuyên bố hôm 4/1, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain chỉ trích việc Mỹ thiếu hành động khiến Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng lãnh thổ trong khu vực, gần đây nhất là thử nghiệm máy bay trên một hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa hôm 2/1. Theo Thượng nghị sĩ McCain, trong năm 2015, Mỹ không tiến hành thêm lần tuần tra nào là đáng thất vọng nhưng không ngạc nhiên, vì chính quyền của Tổng thống Obama không thể xử lý được những phức tạp trong việc đưa ra quyết định an ninh quốc gia liên bộ hoặc đơn giản là không muốn mạo hiểm thực hiện những gì cần thiết để bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ quan ngại máy bay Trung Quốc hạ cánh trái phép ở Trường Sa. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc Phòng Mỹ hôm 7/1, Người phát ngôn Peter Cook tuyên bố, “Rõ ràng chúng tôi quan ngại về những chuyến bay này cũng như mọi hành động của Trung Quốc tại các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông. Bất kỳ động thái nào làm gia tăng căng thẳng liên quan đến những hòn đảo tranh chấp này, cũng như việc tìm cách quân sự hóa hay tiến hành những hoạt động bồi đắp, sẽ chỉ gây thêm bất ổn trên Biển Đông.” Theo ông Peter Cook, Mỹ kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Biển Đông, và những chuyến bay như vậy không thể tăng cường ổn định và lòng tin trong khu vực. Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ ông Paul Ryancho rằng tình hình biển Đông hiện nay cho thấy Washington cần duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh để răn đe Bắc Kinh, “Chúng ta cần lực lượng quân đội mạnh và lực lượng hải quân hùng hậu cùng một chính sách đối ngoại thực sự, điều mà hiện chúng ta không có.” Trước đó ngày 4/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố: “Việc Trung Quốc tiến hành chuyến bay thử nghiệm ở Đá Chữ Thập sẽ gia tăng căng thẳng và đe dọa sự ổn định trong khu vực. Mỹ kêu gọi các bên yêu sách dừng hoạt động cải tạo đất, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hóa những tiền đồn trên các đảo. Mỹ đã nhiều lần tuyên bố về điều này và sẽ tiếp tục làm như vậy.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản hết sức quan ngại việc Trung Quốc bay thử ở Trường Sa. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: “Nhật Bản vô cùng quan ngại về hành động này của Trung Quốc, đây là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng, và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến những hoạt động cải tạo đất quy mô lớn tại vùng biển tranh chấp thành sự đã rồi.” Ông Fumio Kishida nhấn mạnh “Nhật Bản không thể chấp nhận (hành động này) vốn đang làm leo thang căng thẳng (trong khu vực) và là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia hữu quan khác nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại trên những vùng biển này.”

+ Ấn Độ:

Ấn Độ thiết lập trạm vệ tinh để giám sát tình hình Biển Đông. Truyền thông Ấn Độ đưa tin New Delhi sẽ sớm đưa vào hoạt động trạm vệ tinh mặt đất ở Việt Nam nhằm theo dõi tình hình Biển Đông. New Delhi đã chi khoảng 23 triệu USD để thiết lập một trạm tiếp nhận, theo dõi dữ liệu và viễn trắc tại thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ sẽ sớm kích hoạt và liên kết trạm này với một trạm ở Indonesia. Ngoài ra, Ấn Độ hiện cũng có một trạm khác ở Brunei.

Quan hệ các nước

u hải quân Bangladesh thăm Malaysia. Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) cho biết ngày 5/1, hai tàu Hải quân của Bangladesh là BNS Shadhinota và BNS Prottoy đã đến Căn cứ Hải quân Pulau Indah ở Port Klang, bắt đầu chuyến thăm ba ngày Malaysia. Cả hai tàu đều thuộc lớp 056 Corvettes có tốc độ lên đến 25 hải lý. Tổng cộng có 23 sỹ quan và 137 quân nhân Hải quân Bangladesh đã tham gia chuyến thăm này.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Ngày 6/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhân dịp năm mới để trao đổi về quan hệ song phương và một số vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên đã trao đổi về một số vấn đề ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có tình hình Biển Đông; cho rằng quan hệ ASEAN - Mỹ đã có nhiều bước tiến rất quan trọng trong năm 2015, đặc biệt là việc thiết lập Đối tác chiến lược và thời gian tới các nước ASEAN và Mỹ cần tích cực hợp tác để phát triển hơn nữa mối quan hệ này.

Anh - Philippines ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario hôm 7/1 nhân chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố: Tự do hàng hải và hàng không là những vấn đề không thể đàm phán. Nếu bên nào có ý định áp đặt các quy định cho những vấn đề này, đó sẽ là nguy cơ đáng báo động. Lập trường của chúng tôi là như vậy, với tư cách một quốc gia thương mại biển được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi những quyền này.” Về phần mình, Ngoại trưởng Del Rosario cho biết ông lo ngại trước các chuyến bay thử của Trung Quốc ở đá Chữ Thập thời gian qua, Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề hiện nay, Trung Quốc sẽ có được vị thế để từ đó áp đặt ADIZ. Dù điều này được thực hiện dựa trên cơ sở thực tế hay qua thông báo chính thức của họ thì nó vẫn sẽ sẽ là điều không thể chấp nhận được với chúng ta.

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc không hề chùn bước ở Biển Đông - Thách thức đối với Mỹ?” của Preeti Nalwa

Những diễn biến gần đây ở Biển Đông cho thấy tư duy về chiến lược biển của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc tin vào khả năng có thể đạt được bá quyền tại khu vực. Thứ hai, chiến lược biển của Trung Quốc là cách tiếp cận hai gọng kìm: hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội nhằm cho phép hải quân phát huy sức mạnh, cùng với đó là tăng cường mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với ASEAN.

Việc tái cấu trúc quân đội được đồng bộ với sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” vì sáng kiến này đòi hỏi năng lực hải quân biển xanh để bảo vệ những lợi ích biển đang mở rộng của Trung Quốc, đồng thời chiếm ưu thế tại Biển Đông so với Mỹ. Ngoài ra, hoạt động xây dựng và cải tạo đảo nhân tạo cũng sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông.

Hướng thứ hai trong cách tiếp cận hai gọng kìm là Trung Quốc sẽ nỗ lực “ve vãn” trước những phản ứng bất lợi cho Trung Quốc của ASEAN. Chiến lược này dựa trên việc gắn chặt ASEAN với những mối quan hệ về lợi ích kinh tế và quốc phòng, khẳng định tranh chấp cần được giải quyết song phương.

Chiến lược này của Trung Quốc đã mang lại những kết quả nhất định, bằng chứng là hai lần ASEAN đã không đưa ra được tuyên bố đề cập đến hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông: đầu tiên là tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 do Campuchia làm chủ tịch và sau đó là Hội nghị ADMM+ tại Malaysia vào 2015. Hiện chiến lược của Trung Quốc dường như vẫn “miễn nhiễm” cho dù vấp phải dư luận phản đối gay gắt cũng  như thách thức của Mỹ. Nhiều người cho rằng, khi tuyên bố thực hiện “qua lại vô hại”, có thể Mỹ đã vô tình công nhận yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng phát triển năng lực biển của mình. Lực lượng Cảnh sát Biển của Trung Quốc là lực lượng bảo vệ biển xa bờ lớn nhất trên thế giới, lớn hơn cả lực lượng của Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại.  Vào ngày 25/11/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố việc tái cấu trúc PLA với mục đích hình thành hoạt động tác chiến chung và khắc phực những điểm yếu nghiêm trọng về năng lực nhằm đưa hoạt động của PLA giống như mô hình của quân đội Mỹ. Hải quân Trung Quốc sẽ là lực lược chiến lược, phát huy sức mạnh và chúng sẽ là công cụ để cưỡng ép tiến tới kiểm soát toàn bộ  Biển Đông. Chiến lược hai gọng kìm của Trung Quốc sẽ ngày càng gây khó khăn cho Mỹ trong việc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc.

Malaysia cần phải điều chỉnh lại chính sách về Biển Đông?” của Elina Noor

Trong vòng ngắn ngủi có một năm, giữa 2013 và quý 1 năm 2014, chính sách của Malaysia về Biển Đông thể hiện sự mập mờ và không rõ ràng. Sửng sốt bởi hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc quanh bãi James Shoal, một thực thể cách bờ biển của Malaysia chỉ 43 hải lý, chính quyền Malaysia đã phản ứng một cách thờ ơ khó hiểu.

Hiện Malaysia đang ngày càng nhận thức rõ về mối quan ngại của mình, ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra về ý định của Trung Quốc. Trong khi mối quan hệ cùng thắng giữa Malaysia và Trung Quốc vẫn là về phương diện kinh tế và chính trị, trong vấn đề Biển Đông lại tồn tại một thực tế rất khác biệt.

Gần đây, tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc (CCG) đã neo đậu gần bãi South Lunonia Shoal, cách bờ biển Malaysia 84 hải lý. Các cột phân giới của Malaysia đã biến mất và được thay thế bằng các cột mốc viết bằng “tiếng nước ngoài”. CCG thậm chí còn truy đuổi và đe dọa ngư dân Malaysia ra khỏi khu vực này.

Nếu như tình hình vẫn tiếp tục diễn ra, điều đó buộc chính quyền Malaysia phải suy nghĩ lại về cách thức phản ứng. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia lần đầu tiên nêu vấn đề về sự hiện diện của CCG tại bãi South Lunconia tại quốc hội vào tháng 3/2014. Tháng 6/2015 ông đã viết trên facebook khi nhấn mạnh hoạt động của Trung Quốc là sự “xâm phạm”.  Hành động này thực sự là điều bất thường trong bối cảnh ngoại giao kín đáo của Malaysia vẫn phổ biến trong giới lãnh đạo quân sự và chính trị, nhưng lại phản ánh sự thất vọng ngày một tăng về sự tráo trở của Trung Quốc.

Có thể CCG đã rời khu vực South Luconia Shoal trong thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN, nhưng  trước đó một tháng hội nghị ADMM+ tại Kula Lampur (Malaysia) lại không thể ra được bản tuyên bố chung nào do bất đồng trong việc dẫn chiếu về tranh chấp Biển Đông.

Mặc dù mối quan ngại ngày càng tăng cả về vấn đề đối nội và đối ngoại, Malaysia vẫn sẽ tiếp tục sử dụng ngoại giao và hạn chế chính sách trong vấn đề Biển Đông. Các quan chức Malaysia vẫn sẽ đánh giá cao các công cụ như DOC, COC, những đề xuất về Quy tắc Tránh Va chạm Bất ngờ trên Biển mở rộng (CUES) cũng như  một quy tắc tương tự đối với trên không cũng như việc sử dụng luật quốc tế như UNCLOS  để giải quyết vấn đề.

Tốt hơn là Malaysia cần điều chỉnh kỳ vọng của mình về mối quan hệ đặc biệt có đi có lại hay công nhận lợi ích của nhau với Trung Quốc. Nếu như cả hai bên đã từng thực sụ kỳ vọng vào mối quan hệ đó thì mối quan hệ này cần phải được thể hiển trong nhiều vấn đề rộng lớn hơn nữa, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Điều đó không có nghĩa là Malaysia nên hoặc sẽ bắt đầu việc chọn lựa giữa Trung Quốc hay một bên nào khác trong một hoàn cảnh tương lai cụ thể nào đó. Nhưng điều đó lại mang ý nghĩa rằng, trong việc đối diện với việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán và đang nhanh chóng thay đổi hiện trạng Biển Đông, Malaysia sẽ buộc phải điều chỉnh lại chính sách về Biển Đông của mình để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia.

 Đánh giá về việc Trung Quốc đáp máy bay dân sự trên đá Chữ Thập” của Carl Thayer

1. Động thái mới nhất của Trung Quốc là gì?

Trung Quốc sẽ dần dần đẩy mạnh hoạt động hàng không dân dụng cùng với việc cải tiến cơ sở hạ tầng. Chúng ta có thể chờ đợi việc xảy ra tương tự như vậy tại bãi đá Xu Bi và bãi đá Vành khăn.

2. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng sân bay có thể chứa hầu hết các máy bay quân sự của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ quân sự hóa những đảo nhân tạo này?

Để đảm bảo sự hiện diện thường trực, Trung Quốc cần xây dựng bãi đỗ máy bay, kho nhiên liệu, và các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa. Việc đỗ máy bay quân sự sẽ thực hiện sau khi Trung Quốc xét đoán thời điểm chín muồi, nhưng đây có khả năng là máy bay tuần tra hàng hải cơ bản.

3. Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc sẽ gửi một máy bay lớn hơn, giống như máy bay Airbus đến bãi Chữ thập. Việt Nam nên phản ứng thế nào?

Hiện nay Trung Quốc không đỗ máy bay Airbus thường xuyên tại một trong những hòn đảo nhân tạo vì cơ sở hạ tầng ở đó chưa đủ điều kiện. Nếu như Trung Quốc  sử dụng máy bay Airbus để làm vậy thì họ đã có thể thuyết phục thế giới công việc xây dựng các đảo nhân tạo là vì mục đích dân sự. Việt Nam có thể phản đối. Rõ ràng là ASEAN cũng như Mỹ sẽ không đối đầu với Trung Quốc trực tiếp và Trung Quốc sẽ lợi dụng điều này để tăng cường các hoạt động kiểm soát.

4. Liệu Washington sẽ phản ứng nếu Trung Quốc có hành động quyết đoán hơn ở Biển Đông, ví dụ, gửi máy bay lớn hơn đến các đường băng trên các đảo nhân tạo?

Mục đích hoạt động FONOP năm 2015 của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Mỹ chỉ tuyên bố là tiến hành tuần tra “qua lại vô hại”. Nếu các hoạt động FONOP chỉ đến gần mà không đi vào vùng 12 hải lý, thì coi như Mỹ tuân theo một khu vực hàng hải đến một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc không được hưởng chủ quyền. Để có hiệu lực, Mỹ cần phải đi tàu tuần tra đến gần hơn các đảo nhân tạo, gần hơn vùng 12 hải lý. Mỹ không có khả năng thách thức các hoạt động hạ cánh và cất cánh sân bay dân dụng trên các đảo nhân tạo vì đây là một vấn đề riêng không thuộc khu vực hàng hải bất hợp pháp.

5. Với tham vọng của Trung Quốc, những gì sẽ xảy ra tiếp theo tại Biển Đông?

Trung Quốc sẽ điều chỉnh hành động của mình và dần dần chiếm Biển Đông thông qua các hoạt động trên các đảo nhân tạo. Trong năm 2016, Trung Quốc sẽ cần chuẩn bị đối phó và bỏ qua bất kỳ quyết định nào gây bất lợi nào từ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động cho đến khi các hoạt động đó được coi là thường xuyên và bình thường đối với các nước trong khu vực. Trung Quốc cũng hy vọng rằng hoặc Tòa án Tối cao Philippines sẽ coi Hiệp định Tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ là không phù hợp với hiến pháp và/hoặc là Tổng thống tiếp theo của Philippines sẽ hợp tác hơn với Trung Quốc. Chúng ta có thể sẽ thấy sự hiện diện thường trực của tàu đánh cá, khai thác dầu và cảnh sát biển của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Quân đội Trung Quốc đã có mặt để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về thông tin liên lạc, radar tầm xa và thiết bị chiến tranh điện tử. Chúng ta sẽ thấy tàu khu trục hải quân Trung Quốc trên trạm cố định và cuối cùng là máy bay quân sự.

Tàu sân bay kế tiếp của Trung Quốc sẽ dựa trên thiết kế của Liên Xô” của James Goldrick

Có vẻ như Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã khởi động chương trình đóng tàu chiến quan trọng của mình, có lẽ ý định là nhằm xây dựng từ 4 đến 6 đội tàu chiến. Việc tái thiết kế lại tàu Liêu Ninh theo thiết kế của Nga là điểm khởi đầu cho nỗ lực này.

Nhưng để xây dựng và hoàn thiện cho đội tàu này, thách thức không phải ở việc đóng tàu mà là ở khâu thiết kế. Hạn chế lớn nhất trong việc phát triển hải quân trong thời đại công nghiệp không phải là vấn đề ngân sách hay việc giải trừ quân bị, mà đó chính là sự thiếu vắng việc phác thảo chuyên môn để chuyển thành những ý tưởng thiết kế của các nhà kiến trúc sư hải quân thành các bản thiết kế cụ thể giúp các nhà đóng tàu thực hiện nhiệm vụ của mình. Quy mô về nỗ lực thiết kế lại tàu Liêu Ninh được thể hiện qua hàng tấn tài liệu. Mặc dù PLAN đang thực hiện nhiều cách thức khác nhau trong việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, cả hợp pháp và bất hợp pháp, các nhà đóng tàu Trung Quốc vẫn phải tuyển mộ và đào tạo chuyên gia thiết kế với số lượng rất lớn vào đúng thời điểm PLAN nỗ lực đưa ra rất nhiều loại tàu mới khác nhau.

Vì lý do đó mà tàu Sân bay 17 (theo mô tả của truyền thông Trung Quốc) chắc chắn sẽ dựa trực tiếp vào thiết kế nguyên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh, một thiết kế của Liên Xô.

Chẳng hạn, nếu như PLAN muốn sở hữu một đội máy bay chiến đấu có năng lực tốt hơn, điều đó đòi hỏi phải trang bị các bệ phóng máy bay trên tàu. Có một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang quan tâm đến hệ thống điện từ (EMALS) tương tự như hệ thống mà hải quân Mỹ đang phát triển cho thế hệ tàu sân bay sắp tới, tàu USS Gerald Ford.  Năng lực trên thực tế mà những chiếc tàu sân bay có thể tạo ra phụ thuộc vào đội tác chiến trên không. Cho đến nay, chiếc máy bay cánh cố định duy nhất của PLAN có lại hạn chế về khả năng chiến đấu. Đáng chú ý là tất cả các video mà Trung Quốc công khai về hoạt động của tàu Liêu Ninh lại chỉ thể hiện chiếc máy bay duy nhất này, J-15.

Để có được năng lực chiến đấu thực sự độc lập với lực lượng không quân trên mặt đất, PLAN cần phải được trang bị máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống ngầm (ASW) cũng như máy bay tấn công cho chiến tranh điện tử. Ngoài ra, PLAN cũng cần phải giành sự quan tâm nhiều hơn nữa trong việc trang bị máy bay trực thăng vừa hỗ trợ  hoạt động ASW và chống tàu chiến trên biển, bên cạnh đó cũng phải hoạt động từ các tàu chiến trên biển khác với vai trò tương tự. Điều này đòi hỏi PLAN phải mất ít nhất một thập kỷ.

Cuối cùng, cần phải hiểu rằng, chương trình tàu sân bay của Trung Quốc khó có thể nhằm mục tiêu vào Mỹ, ít nhất là trong trung hạn. PLAN cần phải nhận thức một cách sâu sắc rằng, tàu Liêu Ninh và đội tác chiến trên không không chỉ yếu kém tương đối so với Mỹ, mà bên cạnh đó còn là những lỗ hổng đối với những đơn vị mới của Trung Quốc trong các cuộc chiến cường độ cao, quy mô lớn và mang tính phức tạp.

Mọi điều cần biết về hoạt động FONOP của tàu Lassen tại Biển Đông” của Ankit Panda

Trang thông tin USNI News của Học viện Hải quân Mỹ ngày 5/1 đã công bố toàn văn bức thư của BTQP Mỹ ngày 21/12/2015 trả lời thư chất vấn của Thượng nghị sĩ McCain ngày 9/11/2015 về nhiệm vụ của khu trục hạm USS Lassen tại Trường Sa là thực hiện hoạt động “tự do đi lại” hay “đi qua vô hại” bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi.

Về vấn đề này, BTQP Ashton Carter nói rõ:

“Ngày 27/10/2015, khu trục hạm USS Lassen (DDG-82) của hải quân Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bằng cách đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của năm thực thể địa lý tại vùng quần đảo Trường Sa, Đá Subi (Subi Reef), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Đá Nam (South Reef) và Đá Hoài Ân (Sandy Cay), đang do Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines cùng khẳng định chủ quyền. Mỹ không hề báo trước cho bất kỳ bên tranh chấp nào về hoạt động của tàu Lassen, vốn phù hợp với những gì (nước Mỹ) thường làm và đúng theo luật pháp quốc tế”.

Đoạn văn nói trên đã xóa bỏ mối lo ngại là khu trục USS Lassen đã vô tình củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng cách tuân theo thủ tục đi qua vô hại trong vùng 12 hải lý quanh Đá Subi. Việc Mỹ không báo trước cho Trung Quốc biết về hoạt động của tàu Lassen là rất có ý nghĩa.

Ngoài ra, bức thư của ông Carter lần đầu tiên đã xác nhận rằng chiếc Lassen còn di chuyển qua vùng biển gần 4 thực thể địa lý khác và không chỉ tập trung ở Đá Xu Bi như các tin tức trước đây từng loan tải. Sự kiện tàu Lassen đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Hoài Ân (Sandy Cay), chứng minh thêm cho lập luận của hai nhà nghiên cứu Bonnie Glaser và Peter Dutton trên tạp chí National Interest cho rằng một hoạt động đi qua vô hại nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải gần đá Xu Bi không hề giảm nhẹ lập trường phản đối yêu sách quá mức của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa mà Mỹ muốn thể hiện qua chiến dịch do tàu Lassen tiến hành.

Bức thư của ông Carter cũng đã xác nhận điều đó một cách rõ ràng khi ông giải thích lý do chọn Đá Subi để tuần tra:

“Chúng tôi tin rằng Đá Xu Bi, trước khi bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, vốn là một thực thể lúc nổi, lúc chìm và do đó không thể tự tạo ra 12 hải lý lãnh hải cho riêng mình. Tuy nhiên, nếu nó nằm trong phạm vi 12 hải lý của một thực thể có lãnh hải 12 hải lý như trường hợp của đá Hoài Ân (nằm trong 12 hải lý lãnh hải của đảo Thị Tứ), thì mực nước thấp nhất ở Đá Xu Bi có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải như trường hợp của Đá Hoài Ân”.

Bức thư của ông Ashton Carter đã giải tỏa được nhiều thắc mắc về quyết tâm của Mỹ trong chủ trương phản đối các yêu sách biển đảo quá mức của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhưng lẽ ra Lầu Năm Góc nên có thái độ minh bạch như vậy sớm hơn, chứ không nên đợi hai tháng sau khi sự kiện diễn ra rồi mới lên tiếng giải thích./.