Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng việc Anh dự định thực hiện FONOP tại Biển Đông. Trước tuyên bố của Ngoại trưởng Anh về khả năng thực hiện FONOP ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 28/7 cho hay, “Hiện nay các nước khu vực đang cùng hợp tác bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông trong khi một số nước ngoài khu vực cố ý khuấy động tình hình. Bất kỳ nước nào và với lý do gì, việc can dự chỉ đem lại bất ổn và thảm họa nhân đạo. Vì vậy, các quốc gia và người dân khu vực cần phải cảnh giác cao độ.” Về quan hệ Trung Quốc – ASEAN, Người Phát ngôn Cảnh Sảng hôm 3/8 cho hay, “Quan hệ hai bên là mối quan hệ năng động và thực chất nhất trong các quan hệ của ASEAN với các đối tác đối thoại. Hai bên đã đạt được tiến triển trong hợp tác biển. Việc thông qua bộ khung COC đã chứng minh khát vọng chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác hai bên. Trung Quốc sẵn sàng của ASEAN bảo vệ ổn định Biển Đông, thúc đẩy tham vấn COC.”

Trung Quốc đưa ra điều kiện về đàm phán COC. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Manila hôm 6/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay việc khởi động đàm phán về COC có thể được các lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN thông báo tại hội nghị thường niên ở Philippines vào tháng 11 nếu các điều kiện của Bắc Kinh được đáp ứng. Điều kiện tiên quyết đó là không có sự can thiệp của các nước ngoài khu vực. Theo ông Vương, “Tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định. ASEAN và Trung Quốc chung tay duy trì hòa bình và ổn định khu vực, từ đó mở ra tương lai tươi sáng trong quan hệ song phương.”

+ Việt Nam:

Phản đối Trung Quốc xây dựng trái phép rạp chiếu phim ở Hoàng Sa. Ngày 1/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Hoạt động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế và không thể làm thay đổi được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.” Người phát ngôn Thu Hằng hôm 3/8 cho hay, “Liên quan đến việc hai tàu cá Bình Định 96101TS và tàu Khánh Hòa 95858TS bị tàu nước ngoài đâm va, hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang làm rõ những thông tin liên quan. Việt Nam phản đối mạnh mẽ các hành vi vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam”. Người phát ngôn Thu Hằng cũng khẳng định: “Hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha là hoạt động kinh tế bình thường. Lộ trình, tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hoà bình và hợp tác ở Biển Đông."

Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50. AMM 50 đã chính thức khai mạc sáng 5/8 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thủ đô Manila với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên. Đề cập tới vấn đề Biển Đông tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; các nước cần tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột.

+ Philippines:

Ngoại trưởng Philippines xoa dịu lo ngại về hoạt động xây dựng của Trung Quốc. Trước báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) rằng Trung Quốc đã xây dựng các công trình quân sự mới trên ba thực thể ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter cho rằng báo cáo này không phản ánh được “toàn bộ bức tranh” hiện trạng Biển Đông. Bởi nếu phản ánh đầy đủ sự thật, các bên sẽ phản đối lẫn nhau chứ không phản đối chỉ riêng Trung Quốc. Mặc dù đánh giá cao CSIS, Ngoại trưởng Cayetano cho rằng báo cáo của CSIS cần điều chỉnh, tránh thiên vị và đây là một viện nghiên cứu của Mỹ, phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana đã dẫn báo cáo của CSIS, thúc giục chính phủ phản đối các động thái mới của Trung Quốc.

+ Indonesia:

Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi duy trì luật pháp khu vực. Phát biểu tại phiên họp toàn thể của các Ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho hay, “Trong hơn 50 năm qua, ASEAN đã thành công trong việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tuy nhiên, đ duy trì các thành công đạt được, ASEAN cần giải quyết thành công các thách thức cũ và mới. Trong số đó là cạnh tranh địa chính trị, ví dụ như tranh chấp Biển Đông. ASEAN cần quản lý tình hình bằng việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản và luật pháp quốc tế, đồng thời duy trì quan hệ tốt với các bên.”

+ Mỹ:

Mỹ kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương bà Susan Thornton hôm 6/8 nhấn mạnh các quốc gia khu vực nên ngừng các công việc cải tạo đảo, mở rộng, quân sự hóa các tiền đồn để tạo cơ hội cho một giải pháp ngoại giao đối với các tranh chấp Biển Đông. Bà Thornton cho hay Mỹ sẽ tiếp tục đề cập tới phán quyết của Tòa và thúc đẩy tự do hàng hải cùng sự thượng tôn của luật pháp quốc tế.

Quan hệ các nước

ASEAN - Trung Quốc thông qua Khung Quy tắc Ứng xử Biển Đông. Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho hay các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc hôm 6/8 đã thông qua khung COC tại hội nghị AMM lần thứ 50. Hai bên trông đợi trong Tuyên bố Chủ tích AMM vào 8/8 có đoạn đ cập đến nội dung này. Theo ông Bolivar, ASEAN và Trung Quốc cũng thống nhất tổ chức một cuộc gặp vào cuối tháng 8 đ thảo luận về phương thức đàm phán COC trên cơ sở khung COC đã đạt được.

Các Ngoại trưởng ASEAN kêu gọi không quân sự hóa tranh chấp biển. Tuyên bố chung hôm 6/8 của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 tại Philippines khẳng định: “Các Bộ trưởng thảo luận sâu rộng về vấn đ Biển Đông và ghi nhận mối quan ngại của một số Ngoại trưởng về hoạt động cải tạo đất và các hoạt động khác gây căng thẳng, tổn hại tới hòa bình, hợp tác trong khu vực. Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin, không quân sự hóa và kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Các Bộ trưởng hoan nghênh các tiến bộ đạt được giữa ASEANTrung Quốc trong việc thông qua khung COC, đây là tiền đ tốt thúc đẩy hai bên tiến tới một COC hiệu quả theo một khung thời gian chung.”

Indonesia và Thái Lan khởi động đàm phán phân định EEZ Biển Andaman. Indonesia cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai nước về phân định ranh giới EEZ chỉ mới bước vào giai đoạn đầu tiên. Hai bên đang thăm dò quan điểm của nhau và thống nhất những nguyên tắc chính trong đàm phán, trước khi chuyển sang giai đoạn về kỹ thuật. Trong bản đồ mới công bố của Indonesia hôm 14/7, EEZ chồng lấn giữa hai nước nằm ở phía bắc của tỉnh cực tây Aceh của Indonesia được vẽ bằng những đường nét đứt đoạn màu tím nhằm đánh dấu tuyên bố chủ quyền của Indonesia, bên cạnh đường thẳng màu xanh chỉ thềm lục địa của Indonesia.

Phân tích và đánh giá

ASEAN không nên rơi vào cái bẫy của Trung Quốc trên Biển Đông của Veeramalla Anjaiah

Các cuộc họp trong tuần này tại Manila (từ ngày 2-8/8)  sẽ là vô cùng quan trọng bởi hai lý do. Thứ nhất, ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập vào ngày 8/8 và các bộ trưởng ASEAN sẽ vạch ra đường hướng trong tương lai của tổ chức khu vực này. Lý do thứ hai là khả năng ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ ký kết hoặc phê chuẩn thỏa thuận khung COC tại hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng.

Trước tiên, mọi người cần nhận ra rằng không hề có sự thay đổi nào trên thực tế hay trong các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Thỏa thuận khung chỉ là “bộ khung” của COC. Không ai có thể biết được liệu Trung Quốc có đồng ý với một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý hay không.

Tuy nhiên, nhiều học giả - ở trong và ngoài Trung Quốc - đang rất bi quan bởi một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý sẽ không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Họ sẽ không thể tự do tiến hành hoạt động ở những nơi mà họ đang can dự ở Trường Sa.
Hiện có hai kịch bản: Thứ nhất đó là Trung Quốc có thể trì hoãn hoặc gia hạn việc ký kết COC cho đến khi mọi mục tiêu của họ trên Biển Đông được hoàn tất. Kịch bản thứ hai đó là Trung Quốc có thể sẽ thay đổi nội dung của COC cuối cùng để không còn một cơ chế ràng buộc pháp lý trong đó. Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng cách tiếp cận hiện nay đó là thu phục các nước như Philippines, Malaysia và Brunei thông qua đầu tư, thương mại và du lịch.

Chỉ có Việt Nam, nước tranh chấp lớn thứ hai trên Biển Đông sau Trung Quốc, sẽ vẫn là “kẻ khó chơi” đối với Bắc Kinh. Indonesia, một quốc gia không có tranh chấp và là nền kinh tế lớn nhất với dân số đông nhất Đông Nam Á, sẽ không bao giờ thỏa hiệp về các quyền trên Biển Đông.

Bởi vậy, câu hỏi ở đây là ASEAN nên làm gì để đạt được COC mang tính ràng buộc pháp lý, toàn diện và có hiệu quả khi thực thi? Bộ trưởng các nước ASEAN không nên rơi vào bẫy của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và COC. Trung Quốc có thể “dụ dỗ” họ bằng các ưu đãi kinh tế để thương lượng về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các nước thành viên ASEAN phải duy trì quan điểm của họ về một COC mang tính ràng buộc pháp lý dựa trên các nguyên tắc của luật biển quốc tế.

Họ phải làm việc tích cực ở Manila để duy trì đồng thuận, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong tranh chấp trên Biển Đông và các vấn đề khu vực và quốc tế khác trong các cuộc họp lần này. Sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN là chìa khóa cho tương lai của tổ chức này. Nếu sự đoàn kết và vai trò trung tâm này không còn nữa, ASEAN sẽ mất đi tính kết nối. Đó là lý do tại sao ASEAN phải cùng nhau yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài và nỗ lực làm việc để sớm hoàn tất COC. COC không nên bị “làm biến chất” hay trì hoãn hơn nữa. Sau cùng, COC là lợi ích của tất cả các bên. Không một quốc gia nào muốn chiến tranh. Chúng ta cần một cơ chế để ngăn chặn xung đột và giảm thiểu căng thẳng.

ASEAN có khả năng đối phó với sự thay đổi trật tự thế giới? của Amitav Acharya

Ngày nay, những nhà đạo diễn chính không chỉ là những cường quốc, hoặc các quốc gia bình thường mà còn là các thể chế quốc tế và khu vực, các tập đoàn, các tổ chức phi chính phủ, các phong trào xã hội, các nhóm tội phạm và khủng bố xuyên quốc gia. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã trở nên phong phú và đa chiều, bao gồm thương mại, tài chính, các mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Biện pháp tiếp cận chiến lược đối với chủ nghĩa đa phương phải bắt đầu bằng cách nhận dạng những hạn chế của cấu trúc hiện tại do ASEAN lãnh đạo.

Bên ngoài, những thách thức chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi của các cường quốc. Một thế giới đa tầng không cho phép quyền bá chủ toàn cầu bởi bất cứ quyền lực đơn lẻ nào. Nhưng quyền bá chủ khu vực là gì? Có người cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đa cực toàn cầu và đơn cực trong khu vực. Song, nỗ lực của Trung Quốc để phát triển phạm vi ảnh hưởng giống như trong Học thuyết Monroe khó có khả năng thành công vì những hạn chế sức mạnh vật chất của nước này cũng như sự phản đối từ các cường quốc khác trong khu vực.

Một thách thức bên ngoài đối với cấu trúc do ASEAN lãnh đạo là thái độ và chính sách của Mỹ dưới sự điều hành của ông Trump. Chính quyền Trump khó có khả năng thể hiện sự quan tâm và ủng hộ ASEAN như dưới thời Tổng thống Obama. Nếu cách tiếp cận của Mỹ làm suy yếu quan hệ đồng minh của nước này trong khu vực, đặc biệt là đồng minh Mỹ-Nhật, ASEAN có thể mất đi một vùng đệm địa chính trị lớn đối với chính sách ngoại giao đa phương của họ.

Cấu trúc do ASEAN lãnh đạo cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong nội bộ. Không thể có vai trò trung tâm ASEAN mà không có sự đoàn kết nội khối. Campuchia sẽ không quan tâm nhiều đến các ý tưởng và chuẩn mực của ASEAN. Việc ASEAN mở rộng là quá tải, quá sức và thiếu nhân lực cả về số lượng lẫn tính chuyên nghiệp trong Ban thư ký ASEAN. Do những lý do khác nhau, chính trị nội bộ ở các nước Philippines, Indonesia và Malaysia đã làm giảm các cam kết của họ đối với ASEAN. Nếu ASEAN và các nước thành viên phải thích ứng với chiến lược ngoại giao trong bối cảnh của một thế giới đa tầng, họ cần phải nắm lấy một cách tiếp cận chiến lược và có chọn lọc hơn đối với chủ nghĩa đa phương.

ASEAN cần phát triển các liên minh không chính thức mới trong số các thành viên của mình, bao gồm phương pháp tiếp cận “ASEAN Trừ X”. Tổ chức này cần có được các nguồn lực và phát triển năng lực của mình bằng cách thúc đẩy các quan hệ đối tác với các cơ quan quốc tế khác, trong đó có các tổ chức khu vực như EU và AIIB nhằm đối phó với những thách thức xuyên quốc gia.

Cuối cùng, trong khi ASEAN hoàn toàn không thể tránh khỏi cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, họ cần phải xem xét lại vai trò của mình trong một khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng hơn, đặc biệt là chính sách can dự ASEAN của tất cả các cường quốc. ASEAN cũng có thể tăng cường quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và EU để tạo ra một số không gian chiến lược giữa ASEAN với Bắc Kinh và Washington.

Do đó, đã đến lúc ASEAN cần phải thay đổi quan điểm của mình trong một trật tự thế giới đầy phức tạp, nếu không sẽ mất đi vai trò chính trị và kinh tế quan trọng trong khu vực.

Đằng sau việc Indonesia đổi tên biển của Evan Laksmana

Việc Indonesia công bố bản đồ chính thức mới của mình ngày 14/7 và đổi tên vùng biển đông bắc quần đảo Natuna giáp Biển Đông là “Biển Bắc Natuna” chủ yếu mang ý nghĩa chính trị nội bộ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án quyết định này và cho rằng cái gọi là đổi tên không có ý nghĩa gì và không có lợi cho nỗ lực tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên địa điểm. Thời báo Hoàn cầu đăng bình luận của một chuyên gia Trung Quốc rằng Indonesia chỉ đơn thuần là tìm kiếm một con bài thương lượng trước khi tham gia các cuộc đàm phán song phương “phân định ranh giới trên biển” trong tương lai. Giới phân tích khu vực suy đoán liệu việc làm này có thể hiện thái độ cứng rắn hơn của nước này với Trung Quốc ở Biển Đông hay không.

Tuy nhiên, tấm bản đồ mới không phải là tất cả. Indonesia không công nhận bất kỳ tranh chấp lãnh hải nào với Trung Quốc. Việc đổi tên các vùng biển chỉ áp dụng cho EEZ và thềm lục địa của Indonesia ở phía nam biên giới Indonesia-Việt Nam. Biển Bắc Natuna không phải là đặc điểm duy nhất của bản đồ mới. Cuộc họp báo công bố cũng cập nhật bản đồ liên quan đến biên giới biển giữa Indonesia và Singapore, Malaysia, Philippines và Palau.

Bên cạnh các yếu tố ngoại giao-pháp lý, việc đổi tên vùng biển Natuna cũng được coi là một động thái kinh tế để sắp xếp các khu vực khai thác dầu. Trên thực tế, các lô khí đốt tự nhiên ở Đông Natuna được cho là một trong những nơi có trữ lượng khí đốt chưa khai thác lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác tương lai còn chưa rõ vì ExxonMobil gần đây đã tuyên bố rút khỏi các kế hoạch thăm dò ở khu vực này.

Mặc dù bản đồ mới này cho thấy một số khu vực cần có các cuộc đàm phán phân định biển rõ hơn nữa, song ông Oegroseno cũng lưu ý tầm quan trọng của tấm bản đồ trong việc hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải ở Indonesia tuần tra vùng biển. Khi chưa có một bộ quy tắc ứng xử cụ thể giữa các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của khu vực trong bối cảnh các sự cố trên biển liên quan tới hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo ngày một thường xuyên hơn, thì việc phân định rõ các khu vực biển chắc chắn tạo sự thuận lợi.

Việc đưa ra tấm bản đồ mới này có thể mang lại lợi ích chính trị trong nước cho giới cầm quyền Indonesia khi nhấn mạnh lập trường có vẻ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong bối cảnh ở trong nước ông Jokowi đang phải “chiến đấu” đồng thời trên nhiều mặt trận. Đặc biệt, Jokowi bị chỉ trích vì “quá thân” Trung Quốc.

PLA và chiến lược gia tăng tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc của Jagannath Panda

Gần đây, Trung Quốc đã có những hành động gây hấn rõ ràng với Ấn Độ liên quan đến biên giới chung ở cao nguyên Doklam thuộc khu vực ngã ba Trung Quốc - Ấn Độ - Bhutan.

Mâu thuẫn trong vấn đề Doklam bùng phát do hoạt động xây dựng đường bộ của PLA trong khu vực. Hiện tại PLA đang biến căng thẳng ở khu vực biên giới Doklam thành vấn đề “danh dự quốc gia”, vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA, bằng cách gắn nó với chủ quyền của Trung Quốc.

Việc PLA tuyên bố “chủ quyền” với Ấn Độ nhằm cải thiện hình ảnh quân đội Trung Quốc trong mắt công chúng trong nước trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ XIX, đồng thời cũng thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của PLA vào quá trình ra quyết định của Trung Quốc. “Bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc” đã trở thành một khẩu hiệu của giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc trong thời gian gần đây. Minh chứng cho điều này được thể hiện trong tuyên bố mới đây của Tập Cận Bình tại Hong Kong nhân kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được chuyển giao cho Trung Quốc. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ rằng “thách thức chủ quyền của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc vượt qua lằn ranh đỏ”. Những cải cách và tái cơ cấu năm 2016đã nhấn mạnh hơn nữa vai trò của PLA dưới thời Tập Cận Bình, theo đó trao quyền cho cơ quan này trong quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vụ căng thẳng ở biên giới Doklam mới đây đã thể hiện quyền lực đang gia tăng của PLA.

Tuyên bố của PLA về vấn đề chủ quyền trong vụ căng thẳng biên giới với Ấn Độ ở khu vực Doklam không phải là một sự kiện hoàn toàn riêng rẽ. Qua đây, Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp lớn hơn đến các nước như Nhật Bản về những tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và cả các nước Đông Nam Á về những tranh chấp ở Biển Đông. Việc PLA ra tuyên bố khẳng định chủ quyền lãnh thổ gắn liền với chiến lược lớn của Trung Quốc là thay đổi từng bước nguyên trạng, một chiến lược “kinh điển” của Trung Quốc.

Tranh chấp biên giới trên đất liền với Ấn Độ cho thấy cách mà Trung Quốc biến bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ thành “lãnh thổ tranh chấp” một cách có hệ thống, bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với bang này và thực hiện chiến dịch tuyên truyền của họ một cách mạnh mẽ. Arunachal Pradesh được chính quyền Bắc Kinh đánh giá là một “chương sử phức tạp” trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn, và dư luận Trung Quốc hiện nay quan tâm đến việc giành một vị trí vững chắc ở vùng đất này. Đặc điểm tương tự được nhận thấy trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà PLA đã gia tăng các yêu sách chủ quyền thông qua nỗ lực bồi đắp đất và quân sự hóa. Tương tự, với việc phớt lờ quyền sở hữu hợp pháp của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, Bắc Kinh đã mở rộng yêu sách của mình và gây áp lực lên Nhật Bản khi biến nó thành tranh chấp chủ quyền trên biển.

Năm trụ cột cho chiến lược của Trump ở Biển Đôngcủa Joseph Liow Chin Yong

Nhiều nhà phân tích đã than phiền cách tiếp cận thiếu tầm nhìn của chính quyền Trump đối với Biển Đông. Một chiến lược như vậy có thể được vạch ra theo năm trụ cột: ngăn chặn,  khuyến khích, ngoại giao, cam kết và giữ ASEAN làm trọng tâm.

Dựa trên luật pháp quốc tế

Thứ nhất, chính quyền Trump cần thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên luật quốc tế. Luật quốc tế tạo thuận lợi cho hoạt động FONOP trong mọi trường hợp quốc gia nào đó tuyên bố ADIZ và quyền bay qua. Các tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng về quyền tiếp cận không bị cản trở đối với các lợi ích chung toàn cầu cần phải lặp lại nhiều lần, và khi cần thiết cần có hành động hỗ trợ.

Đồng thời, Washington nên lưu ý về hồ sơ luật quốc tế của mình. Hiện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS, không tham gia Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế. Mỹ cũng chưa bao giờ tự mình sẵn sàng đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế mặc dù đã có một số cơ hội. Trung Quốc chắc chắn không bỏ qua cơ hội để nhắn nhủ Mỹ về điều này.

Các biện pháp ngăn chặn và phi quân sự

Nếu luật quốc tế là vũ khí đầu tiên trong chiến lược toàn diện, ngăn chặn sẽ là vũ khí tiếp theo.

Ngăn chặn không chỉ giới hạn trong hoạt động FONOP hay đơn thuần chỉ là các biện pháp quân sự. Các biện pháp phi quân sự cũng có giá trị tương đương. Do đó, điều quan trọng là sự hiện diện hải quân cần đồng bộ với các biện pháp ngoại giao và kinh tế, điều này là nhằm tránh cảm giác mỹ quân sự hóa Biển Đông. Đi vào cụ thể thì công cụ kinh tế còn chưa được nghiên cứu tổng thể chứ chưa nói đến tận dụng. Chẳng hạn sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Công của chính quyền Obama được đưa ra nhằm thúc đẩy tiềm năng khu vực này, được khởi đầu rùm beng nhưng kể từ đó không còn được thúc đẩy và ở tình trạng “lay lắt”.

Dù đang nói về ngăn chặn quân sự hay phi quân sự, Mỹ phải làm rõ về cái giá phải trả cho những hành động của các bên ở Biển Đông, thể hiện quyết tâm xóa mọi nghi ngờ.

Khuyến khích kiềm chế

Ngăn chặn có thể hoạt động song hành với hợp tác, vì vậy trong khi cần thiết áp đặt cái giá phải trả để ngăn chặn có hiệu quả, cần thiết phải có những hành động khuyến khích kiềm chế.  Cách hữu ích là xem xét các vấn đề liên quan như Biển Đông với các nỗ lực rộng lớn hơn mà hai bên đang thực hiện để đánh giá lại mối quan hệ thương mại và kinh tế song phương. Cách thức này được thực hiện theo khía cạnh chiến lược chứ không nhằm mục đích sử dụng Biển Đông để mặc cả như các bên lo sợ.

Cam kết ngoại giao

Mặc dù nội các chính quyền Trump đã có những tuyên bố công khai nhằm trấn an, trao đổi ở cấp quan chức cấp cao với các đồng nghiệp ASEAN vẫn cần được thúc đẩy. Cam kết ngoại giao sẽ tăng cường sức nặng cho các thông điệp trấn an bằng các thảo luận quan trọng về chính sách thực tế.

Giữ vai trò trung tâm của ASEAN

Mỹ cần lưu ý là mọi cách tiếp cận Biển Đông không nên “vượt mặt” ASEAN. Điều đó nghĩa là việc phác thảo chính sách về Biển Đông cần tham vấn với các quốc gia ASEAN. Theo đó, Washington gửi đi thông điệp là cường quốc ngoài khu vực có lợi ích và tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực, sẵn sàng lắng nghe và tính đến quan điểm của Đông Nam Á./.