Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tuyên truyền khôi phục rạn san hô ở Trường Sa. Bộ Tài nguyên Trung Quốc hôm 1/1 cho hay Trung Quốc đã lắp đặt các thiết bị nhằm khôi phục rạn san hô bị phá hủy do hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của nước này tại Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Bộ này cho hay, “rạn san hô có tầm quan trọng rất lớn đối an ninh hệ sinh thái ở Trường Sa và toàn bộ Biển Đông.” Trung Quốc cũng thiết lập các trạm giám sát biển tại các thực thể này, từ đó cung cấp dịch vụ thông tin thường xuyên như dự báo tình hình biển và cảnh báo thảm họa cho tàu thuyền qua lại.

Trung Quốc ngang nhiên khởi động chuyến du thuyền đầu tiên năm 2019 đến cái gọi là “Tam Sa”. Chương trình “Đến với Tam Sa tươi đẹp” do Ban Tuyên truyền “Thành ủy Tam Sa”, Đài Truyền hình “Tam Sa” và Công ty du thuyền “Giấc mơ Nam Hải” đồng tổ chức hôm 3/1. 68 khán giả truyền hình may mắn đã được lựa chọn tham gia chuyến hành trình miễn phí 4 ngày 3 đêm trên du thuyền đến “Tam Sa”. Du khách sẽ tham dự lễ chào cờ trên cái gọi là “thành phố cực nam của Trung Quốc”, trải nghiệm cuộc sống của ngư dân và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí trên biển. Sau chuyến du thuyền đầu tiên được thực hiện vào tháng 4/2013, hiện tuyến du thuyền đến “Tam Sa” được Trung Quốc ngang nhiên vận hành thường xuyên, trong năm 2017 đã có 76 chuyến với tổng số lượt du khách là 19.000 người.

Trung Quốc thành lập trung tâm nghiên cứu đảo, đá ở Trường Sa. Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (The Chinese Academy of Sciences - CAS) đã thành lập trung tâm nghiên cứu liên hợp trên Đá Vành Khăn, Trường Sa. Trung tâm này đóng vai trò là nơi kiểm định tại chỗ, nghiên cứu về sinh thái, địa chất, môi trường, vật chất và năng lượng đại dương của vùng biển nhiệt đới.

Trung Quốc bao biện việc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/1, trả lời câu hỏi về việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần đâm va tàu cá Việt Nam hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Người phát ngôn Lục Khảng cho hay, “tàu công vụ Trung Quốc tuần tra chấp pháp bình thường trên vùng biển Trung Quốc quản lý. Một số biện pháp đã được áp dụng cho tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt là điều bình thường, cũng là phương thức chấp pháp ở mức thấp nhất. Những gì phóng viên đề cập là trường hợp cá biệt. Việc một số quốc gia láng giềng xảy ra tranh chấp nghề cá cũng là bình thường.”

Ông Tập nhấn mạnh quân đội Trung Quốc phải sẵn sàng cho chiến tranh. Phát biểu trong một cuộc họp với các giới chức quân sự hàng đầu Trung Quốc hôm 5/1, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trước những rủi ro và thách thức ngày càng gia tăng, các lực lượng vũ trang phải đưa ra các chiến lược cho kỷ nguyên mới và có trách nhiệm chuẩn bị cho chiến tranh, “Thế giới đang đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỉ qua và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn quan trọng của cơ hội chiến lược để phát triển.” Ông Tập khẳng định, các lực lượng vũ trang cần có khả năng phản ứng nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp, nâng cao khả năng phối hợp chung và xây dựng các lực lượng chiến đấu mới.

Tướng Trung Quốc dọa đánh chìm hai tàu sân bay Mỹ. Phát biểu tại một hội nghị về công nghiệp quân sự ở Thâm Quyến hôm 20/12, phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc chuẩn đô đốc La Viện tuyên bố, “Điều Mỹ sợ nhất là thương vong. Mỗi siêu tàu sân bay bị đánh chìm sẽ mất 5.000 binh sĩ, đánh chìm hai siêu tàu thì thương vong sẽ tăng gấp đôi. Chúng ta sẽ thấy nước Mỹ sợ hãi ra sao." Theo ông La Viện, Trung Quốc có thể gây sức ép với Mỹ trên 5 mũi, gồm quân sự, tiền tệ, trí lực, hệ thống bầu cử và mối quan ngại về đối thủ, "Khi đối đầu với Mỹ, Trung Quốc phải tấn công vào vị trí sơ hở của đối thủ và phát triển thế mạnh ở lĩnh vực đối thủ yếu thế."

+ Mỹ:

Tổng thống Mỹ ký ban hành “Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á 2018”. Tổng thống Donald Trump hôm 31/12/2018 đã ban hành Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (Reassurance Initiative Act – ARIA), nhằm tăng cường sự hợp tác toàn diện của Mỹ với các nước châu Á. Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ hoạt động thường xuyên nhằm duy trì tự do hàng hải ở các khu vực như Biển Đông. Đạo Luật mới cho phép cung cấp 1,5 tỷ đô la hỗ trợ quân sự và kinh tế cho châu Á trong hơn nửa thập kỷ, đặc biệt để cải thiện an ninh biển và huấn luyện quân sự giữa các nước Đông Nam Á. Đạo luật này bày tỏ ủng hộ đối với nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc nhằm tránh xung đột tại Biển Đông.

+ Anh:

Anh dự định thiết lập một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á. Kế hoạch xây dựng căn cứ ở Đông Nam Á được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với The Sunday Telegraph vào đầu tuần. Theo Bộ trưởng Williamson, Anh sẽ mở 2 căn cứ quân sự ở nước ngoài trong vài năm tới, gồm một căn cứ ở Caribbe và một căn cứ có thể ở Singapore hoặc Brunei, “Đây là thời cơ lớn đối với Anh kể từ khi Thế chiến II kết thúc, khi chúng tôi có thể tự phục hồi theo cách khác. Chúng tôi thực sự có thể đóng vai trò trên toàn thế giới mà quốc tế mong đợi.” Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách quân sự, kể từ khi Anh rút khỏi các căn cứ ở Đông Nam Á và Vịnh Ba Tư vào những năm 1960.

+ Nga:

Tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thăm Philippines. Hải quân Philippines và Đại sứ quán Nga tại Manila cho biết 3 tàu chiến của Nga ngày 6/1 có chuyến thăm Philippines kéo dài 6 ngày. Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Varyag, tàu chống ngầm cỡ lớn Admiral Panteleev và tàu chở dầu cỡ lớn Bris Butoma là những tàu chiến nước ngoài đầu tiên thăm Philippines trong năm 2019. Người phát ngôn của Hải quân Philippines, Thiếu tá Jonathan Zata cho biết chuyến thăm này sẽ "tăng cường và duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên biển của hai nước, thông qua hoạt động ngoại giao hải quân và tình hữu nghị". Chuyến thăm của tàu chiến Nga trong năm nay là chuyến thăm lần thứ 7 kể từ năm 2012.

Phân tích và đánh giá

Tương lai của ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải hiểu rằng tương lai của khối, cả về kinh tế lẫn quân sự, tùy thuộc vào sự ổn định của cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trải dài từ Nhật Bản ở phía Bắc, tới Úc ở phía Nam, và bao gồm cả các quần đảo trong vùng Tây Thái Bình Dương về hướng Đông, cho tới Ấn Độ ở hướng Tây.

Các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn còn những bất đồng và khác biệt cách nhau “cả đại dương”, trong khi đó, Trung Quốc về cơ bản rất tránh dùng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do cho rằng đây là thuật ngữ mang đậm "màu sắc Mỹ”. Tuy nhiên, dự án Con đường Tơ lụa Thế kỷ 21 của Trung Quốc, một phần trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, lại trải dài từ các hòn đảo ở Tây Thái Bình Dương, đi qua vùng biển Đông Nam Á và Ấn Độ Dương để tới tận Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Vì vậy, “Vành đai và Con đường” ít nhất cũng nằm trong phạm vi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không chỉ làm thay đổi bối cảnh địa kinh tế khu vực, “Thế kỷ châu Á” còn đang làm thay đổi quan hệ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy của Trung Quốc - không thực sự hòa bình như họ tuyên bố - cùng những phản ứng của Mỹ đang tạo ra căng thẳng, và các quốc gia kẹt ở giữa buộc phải tìm cách xoay xở. Xoay xở ra sao và bằng cách nào là vấn đề khó khăn đối các nước ở khu vực này ngày nay, nhất là trong bối cảnh địa chính trị liên tục biến động. Hầu hết các nước tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều xem Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, song lại trông chờ vào Mỹ trên khía cạnh an ninh - một số thông qua các quan hệ đồng minh, và số khác là qua các lợi ích chiến lược.

Indonesia cũng không là ngoại lệ. Cùng với các cường quốc hạng trung tại châu Á như Ấn Độ, Indonesia có thể đóng một vai trò ngoại giao chủ động hơn để ngăn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành mặt trận mới, kể cả trong các xung đột “nóng” và “lạnh” giữa hai cường quốc. Những đề xuất của Indonesia về cơ chế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một cơ chế cởi mở, minh bạch và toàn diện hơn (bao gồm cả Trung Quốc), đang được thúc đẩy với các quốc gia khác trong ASEAN, và điều này có thể giúp thu hẹp bất đồng cũng như xóa nhòa nghi ngờ giữa các nước khu vực.

“Kế hoạch quốc phòng mới của Nhật Bản có đáng lo?” của Daljit Singh, nhà nghiên cứu tại Chương trình Nghiên cứu chính trị và chiến lược khu vực, thuộc ISEAS – Viện Yusof Ishak. Nhật Bản đã công bố kế hoạch quốc phòng mới, trong đó ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới sẽ tiếp tục tăng lên đến 47 tỷ đô la cho tài khóa 2019, bắt đầu từ tháng 4. Mức tăng kỷ lục lần thứ năm liên tiếp này đã được Văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe thông qua ngày 21/12/2018. Theo đó, nhiều loại vũ khí mới sẽ được mua từ Mỹ và nhiều khoản tiền được dành đầu tư cho các lĩnh vực chiến tranh mới. Theo một số quan chức Nhật Bản, ngân sách này được dùng để mua hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis, 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35A, tất cả đều do Mỹ sản xuất, và một phần ngân sách được dành cho việc nâng cấp hai tàu chở máy bay trực thăng thành hàng không mẫu hạm. Đây sẽ là hai tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trung Quốc và hai miền Triều Tiên đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích việc tăng chi tiêu quốc phòng này của Nhật Bản. Lập luận được đưa ra là việc làm này của Nhật Bản đi ngược lại Hiến pháp hòa bình của nước này và gây ra mối quan ngại đối với các nước láng giềng tại châu Á và cộng đồng quốc tế. Việc Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng bởi hai lý do: Thứ nhất, nước này cần phải tăng ngân sách để tự bảo vệ bởi những thách thức an ninh đang ngày càng tăng do chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh đó là chi tiêu quân sự của Trung Quốc trên thực tế lớn gấp 4 lần chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản. Lý do thứ hai, việc tăng chi tiêu này cũng là nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng minh Mỹ về việc chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng đã bị tụt hậu so với Trung Quốc trên các lĩnh vực chiến tranh mới và muốn khắc phục nhược điểm này.

Mỗi quốc gia cần cung cấp đầy đủ các phương tiện cho quốc phòng và Nhật Bản, một nền dân chủ có sự kiểm soát dân sự đối với quân đội đang dần dần đạt được mô hình quốc phòng đầy đủ từ những điều kiện tương đối thấp so với Trung Quốc và Mỹ. Chủ nghĩa hòa bình không có nghĩa là ngăn cản một quốc gia có đầy đủ sức mạnh quốc phòng để tự phòng thủ. Thật không may, việc mở rộng quân sự tại Đông Bắc Á dù là của Trung Quốc hay Nhật Bản đều gặp phải phản ứng kích động của các nước, một bi kịch của chính trị quyền lực nước lớn.

Không giống như hai miền Triều Tiên và Trung Quốc, các nước Đông Nam Á lại tỏ ra bình tĩnh hơn trước quyết định tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản. Các nước này không tỏ ra ngạc nhiên vì đều kỳ vọng chung rằng Nhật Bản sẽ tăng cường sức mạnh quân sự trong những năm tới bởi những thay đổi về môi trường an ninh thời gian qua. Các khảo sát cho thấy Nhật Bản hiện có hình ảnh rất tốt tại Đông Nam Á và giới cầm quyền các nước này sẽ không phản đối vai trò an ninh của Nhật Bản cùng với đồng minh Mỹ. Ký ức về sự chiếm đóng thời chiến tranh của Nhật Bản ở Đông Nam Á cách đây gần một thế kỷ khi Nhật Bản rất khác biệt và thế giới xung quanh cũng vì thế đã phai mờ.

“Căng thẳng Mỹ-Trung tại Biển Đông năm 2019 sẽ nghiêm trọng hơn?” Tháng 9/2017, ngoài khơi quần đảo Trường Sa, tàu chiến Lan Châu của Trung Quốc đã cố tình cắt ngang mũi tàu khu trục USS Decatur của Mỹ, buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm. Đó là một trong số 18 cuộc chạm trán kể từ năm 2016 giữa Hải quân Mỹ và quân đội Trung Quốc mà Washington cho là "không an toàn hoặc không chuyên nghiệp", và đây cũng chỉ là một trong số một loạt điểm nóng ở Biển Đông trong năm 2018. Tình hình này được dự đoán không có khả năng cải thiện vào năm 2019. Có rất ít dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ hạ nhiệt, thậm chí một số nhà phân tích dự đoán rằng căng thẳng có thể sẽ còn trầm trọng hơn.

Malcom Davis, nhà phân tích cấp cao về chiến lược và năng lực quốc phòng tại Viện Chính sách chiến lược Australia ở Canberra, nói: "Trung Quốc sẽ không giảm bớt những nỗ lực nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Về cơ bản, điều Trung Quốc muốn là biến Biển Đông thành ao nhà của họ".

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không để Trung Quốc “tùy tiện hành động" tại một trong những tuyến đường thủy có giá trị nhất trên thế giới này. Washington cho biết việc Trung Quốc xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông đặt hàng nghìn tỉ USD từ thương mại, du lịch và thông tin liên lạc dưới sự khống chế của Bắc Kinh. Ông Davis nhận định: "Chính quyền Tổng thống Trump sẽ không lùi bước trước sức ép của Trung Quốc. Nếu lùi bước sẽ làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của (Mỹ) và khuyến khích người Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn".

Ông Davis dự đoán các tàu chiến của Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động "tự do hàng hải" gần các đảo đang tranh chấp - điều mà Mỹ đã làm khoảng 8 tuần/lần trong năm 2018. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Úc, Anh, Canada và Pháp cũng đã cử hoặc lên kế hoạch đưa tàu chiến đi qua Biển Đông, mặc dù không đến gần các đảo Trung Quốc như Hải quân Mỹ đã làm.

Hồi tháng 5, Trung Quốc đã đưa máy bay ném bom tầm xa H-6K ra đảo Phú Lâm, căn cứ lớn nhất của nước này tại Quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên máy bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được đưa tới Biển Đông. Tuy nhiên, nếu H-K6 xuất hiện trên các đường băng tương tự ở đảo Vành khăn hoặc Chữ thập tại Quần đảo Trường Sa thì lãnh thổ của Úc hoặc đảo Guam thuộc Mỹ sẽ nằm trong tầm ngắm của họ. Trung Quốc cũng có thể sẽ triển khai thêm tên lửa đất đối không hoặc tên lửa chống hạm hiện đại hơn ở Quần đảo Trường Sa, cho phép nước này tấn công bất kể đối tượng nào di chuyển bên trong hoặc đi qua Biển Đông.

Timothy Heath, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu RAND của Mỹ, nói: “Chiến lược bên miệng hố chiến tranh có thể mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi ích chiến lược nếu thực hiện thành công, tuy nhiên rủi ro là rất lớn và hậu quả có lẽ rất thảm khốc”. Hành động thù địch cũng có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ của Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á (ASEAN) và khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên về quản lý các tranh chấp hàng hải.

Ông Isaac Kardon, trường Đại học chiến tranh hải quân Mỹ cho hay bất kể tranh chấp nào của Trung Quốc đều có thể bùng phát thành một cuộc xung đột lớn. Những vụ đụng độ như vậy ban đầu có thể chỉ ở quy mô nhỏ, song có thể leo thang và lôi kéo thêm những cường quốc khác. Nhà nhiên cứu này đánh giá: “Mỹ có thể sẽ không liên quan tới những vụ việc như vậy, tuy nhiên phụ thuộc vào thực tế và mức độ leo thang căng thẳng, hải quân Mỹ có thể sẽ bị lôi kéo vào một tình thế không lấy gì làm dễ chịu với hải quân Trung Quốc”. Tuy nhiên, ngay cả khi không xảy ra những vụ đụng độ như vậy, thì những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung dường như còn lâu mới hạ nhiệt.

“Trung Quốc thực lòng nỗ lực khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông?”. Bộ Tài nguyên Trung Quốc ngày 1/1 cho biết các hạ tầng phục vụ việc bảo vệ và khôi phục rạn san hô đã được xây dựng tại Đá Chữ thập, Đá Subi và Đá Vành khăn, ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa. Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn tuyên bố của Bộ Tài nguyên có đoạn: “Mục đích của các cơ sở này là củng cố hoạt động bảo vệ hệ sinh thái tại Biển Đông cũng như đảm bảo nghĩa vụ bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái khu vực”. Các cuộc khảo sát sẽ được tiến hành để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục với phương pháp “khôi phục tự nhiên”, song song cùng các biện pháp nhân tạo, và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa.

Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết cho rằng việc cải tạo bồi đắp đất và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây nên tác hại nghiêm trọng cho môi trường và các rạn san hô trong khu vực. Theo tòa, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái mong manh và môi trường sống của các loài sinh vật đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, và gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển.

Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển thuộc trường Đại học Philippines, tỏ ý hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc và việc các rạn san hô quy mô lớn vẫn còn khả năng hồi phục. Ông nói: “Những rạn san hô mà họ (Trung Quốc) đề cập, ba hòn đảo nhân tạo, rõ ràng không còn có thể hồi phục bởi chúng đã bị chôn vùi dưới những hạ tầng kiên cố”. Các khu vực lân cận, bị hủy hoại bởi hoạt động xây cất, cũng khó có thể khôi phục bởi tại đó diễn ra “rất nhiều hoạt động cản trở việc hồi phục của san hô”.

Ông Batongbacal cho rằng tuyên bố của Trung Quốc không thực sự là vì mục đích cải thiện hệ sinh thái tự nhiên tại ba rạn san hô này mà chỉ là cách để họ thể hiện quyền kiểm soát Biển Đông, thông qua các hoạt động dân sự thay vì quân sự. Kế hoạch mà Trung Quốc vừa công bố chỉ được xem là để “cải thiện hình ảnh” của các hòn đảo nhân tạo, vốn thực chất là được sử dụng cho các mục đích quân sự. Giáo sư Batongbacal nói tiếp: “Họ tập trung vào việc nhấn mạnh các hoạt động dân sự và những ích lợi công cộng mà các hòn đảo này đem lại. Họ tìm cách để khu vực dễ dàng chấp nhận mọi chuyện hơn. Tuy nhiên người ta không nên quên rằng tất cả chỉ là một bước tiến khác trong tiến trình chậm mà chắc để khẳng định quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông”.

Bên cạnh các tác động trực tiếp đến môi trường biển, hoạt động xây đảo của Trung Quốc cũng góp phần làm suy giảm nguồn cá ở Biển Đông. Theo ông Batongbacal, “Sản lượng cá rõ ràng liên hệ trực tiếp đến môi trường sinh sống. Việc các rạn san hô bị phá hủy ở Trường Sa đã góp phần vào sự sụt giảm nguồn cá ở đây.”

“Xung quanh việc Indonesia mở căn cứ quân sự gần Biển Đông.” Căn cứ quân sự mới khai trương ngày 18/12 được đặt tại Selat Lampa trên đảo Natuna Besar, thuộc quần đảo Natuna, một trong những vùng lãnh thổ xa xôi nhất của Indonesia. Indonesia không phải là một trong các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng giữa Jakarta và Bắc Kinh đã xảy ra một vài vụ đối đầu tại vùng biển giàu tài nguyên này.

Người phát ngôn quân đội, Đại tá Sus Taibur Rahman dẫn lời Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) là Đại tướng Hadi Tjahjanto phát biểu trong buổi lễ khánh thành căn cứ quân sự mới rằng tiền đồn này được thiết kế để ngăn chặn mọi mối đe dọa tiềm tàng về an ninh, đặc biệt là ở khu vực biên giới.

Theo nhà phân tích Collin Koh Swee Lean, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, kế hoạch xây dựng một tiền đồn quân sự tại quần đảo Natuna đã được Indonesia lên kế hoạch trong nhiều năm. Ông nói: “Chính vụ đụng độ hồi tháng 3/2016 với Trung Quốc đã tạo động lực cho kế hoạch này”.  Đại tướng Hadi không nói rõ số lượng binh sỹ được triển khai trong khu vực quần đảo Natuna song cho biết căn cứ mới sẽ có sự hiện diện của một tiểu đoàn, một trung đội lính thủy đánh bộ và công binh, cùng lực lượng pháo binh. Một tiểu đoàn quân sự Indonesia thường có khoảng từ 825-1.000 binh sỹ, trong khi một trung đội thường có khoảng 100 người.

Căn cứ mới còn có nhà chứa máy bay để phục vụ phi đội máy bay không người lái và Đại tướng Hadi cho biết hạ tầng sẽ được nâng cấp tùy thuộc mức độ đe dọa. Các binh sỹ tại căn cứ này sẽ được chuẩn bị để liên tục trong tình trạng sẵn sàng triển khai. Các bức ảnh chụp được đăng trên trang Twitter của TNI còn cho thấy tại căn cứ này đã diễn ra lễ khánh thành một bệnh viện quân y.

Theo nhận định một báo cáo của Viện Lowy, Indonesia gần đây liên tục có các hành động củng cố lợi ích tại quần đảo Natuna song điều đó không đồng nghĩa với việc Jakarta muốn gây chiến hay đối đầu với Trung Quốc, nhất là bởi một trong những mục tiêu của Tổng thống Joko Widodo là thu hút các khoản đầu tư từ Trung Quốc đối với nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong nước. Ngày 19/12, Tổng thống Indonesia khẳng định rõ quần đảo Natuna, với dân số 169.000 người, là lãnh thổ thuộc chủ quyền Indonesia, “Nếu họ muốn đối đầu, được thôi, chúng tôi cũng sẽ chiến đấu”. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Aaron Connely, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, phát biểu cứng rắn của ông Jokowi “rõ ràng là một tuyên bố mang đậm màu sắc vận động tranh cử”./.

Thực hiện: Đinh Anh