(Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây - Trường Sa)

I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc triển khai giàn khoan Ocean Oil 981 ở Biển Đông. Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ triển khai giàn khoan nước sâu đầu tiên ở phần phía đông của Biển Đông ngày 9/5. Giàn khoan khổng lồ này sẽ được sử dụng để khoan tại giếng Liwan 6-1-1, có độ sâu 1.500mm với thiết kế độ sâu của giếng là 2.371m. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược khai thác dầu khí nước sâu của Trung Quốc.

Trung Quốc hy vọng Philippines “lời nói đi đôi với hành động” không làm leo thang căng thẳng. Trong buổi họp báo thường kỳ hôm 30/4, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, Trung Quốc coi trọng thái độ của Philippines không làm cho vụ việc leo thang. Mong Philippines lời nói đi đôi với hành động, thiết thực áp dụng biện pháp, ngăn chặn cách làm gây rắc rối tại hiện trường, nhằm khôi phục hoà bình và an ninh của vùng biển đảo Hoàng Nham. Trung Quốc không thay đổi lập trường kiên trì giải quyết hoà bình vụ việc qua con đường ngoại giao. Philippines cần trở lại quỹ đạo đúng đắn giải quyết ngoại giao.

Trung Quốc hạn chế nhập chuối của Philippines như một biện pháp ‘trả đũa.’ Philippines đang phải đối mặt với nguy cơ tổn thất lớn tại thị trường Trung Quốc vì những biện pháp hạn chế nhập khẩu hà khắc mà Bắc Kinh áp dụng sau những căng thẳng leo thang giữa hai bên xung quanh bãi đá Scarborough. Stephen Antig, Chủ tịch hiệp hội xuất khẩu chuối Philippines hôm 3/5 cho biết một tàu chuối của Philippines đã bị Trung Quốc gửi trả vì lý do chất lượng kiểm dịch không đảm bảo, "mặc dù chúng tôi rất cẩn thận, đầu tư rất nhiều cho công nghệ chế biến, bảo quản chuối xuất sang Trung Quốc. Tôi tin chuối Philippines xuất sang Trung Quốc không có vấn đề gì."

Đài Loan bác tin hai bờ hợp tác trong vấn đề chủ quyền Biển Đông. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục, Viện Hành chính Đài Loan Lưu Đức Huân khẳng định rằng không có khả năng hợp tác với Trung Quốc Đại lục trong vấn đề bảo vệ chủ quyền Biển Đông và chính quyền Đài Loan chủ trương cùng khai thác tài nguyên Biển Đông theo phương thức hòa bình cùng có lợi[1].

Đài Loan thành lập đơn vị không quân đặc biệt cho Trường Sa. Bộ quốc phòng Đài Loan ngày 2/5 loan báo đã thành lập một đơn vị không quân đặc biệt có khả năng bay ra quần đảo Trường Sa chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Giới chức Đài Loan cho biết đơn vị này được thành lập dưới kế hoạch mang tên ‘đáp ứng hàng không nhanh chóng và hỗ trợ hàng hải’ được tiết lộ lần đầu tiên trong phúc trình của Bộ quốc phòng Đài Loan trình lên quốc hội.

Dân biểu Đài Loan đi thăm đảo ở Trường Sa. Ba dân biểu và nhiều sĩ quan quân đội cao cấp của Đài Loan đi bằng máy bay vận tải C-130 đã đáp xuống đảo Itu Aba (Ba Bình theo cách gọi của Việt Nam) hôm 30/4. Động thái này diễn ra vào lúc căng thẳng tại Biển Đông đang tăng cao, với bế tắc trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Scarborough.

Báo Trung Quốc: Hoa Kỳ nên tránh gửi thông điệp sai ở Biển Đông. Vòng bốn Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung đã diễn ra tại Bắc Kinh hôm 3/5. Trung Quốc tuyên bố nước này luôn chào đón vai trò tích cực của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương đồng thời nhấn mạnh Thái Bình Dương thì đủ lớn cho cả hai quốc gia. Nhưng cũng cho rằng Mỹ nên tôn trọng lợi ích của Trung Quốc và tránh gửi thông điệp sai tới một số nước hay ủng hộ những nước này khiêu khích chống lại Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

“Giải quyết tranh chấp Nam Hải, cần đánh thì phải đánh” của Chu Nhị Quyền, Phó Giáo sư Học viện Chỉ huy không quân Trung Quốc. Đối với hành vi của Philippines gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, vượt quá giới hạn cuối cùng trong việc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, Trung Quốc không còn lý do gì để nhượng bộ, cần phải đánh. Việc sử dụng vũ lực với Philippines sẽ gây ra ảnh hưởng gì? những hiểm họa này dường như đã tồn tại khách quan, nhưng nếu phân tích kỹ thì không phải như vậy. Thứ nhất, Mỹ sẽ không muốn bị cuốn vào cuộc tranh chấp vũ lực, từ việc Mỹ bày tỏ mong muốn “thông qua đối thoại giải quyết tranh chấp.” Thứ hai, hình ảnh “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” cũng không bị ảnh hưởng. Bất kỳ nước nào trên thế giới muốn phát triển, trước hết phải bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình. Thứ ba, quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN cũng không cần lo ngại. Những năm gần đây, ngoài Philippines, các nước ASEAN đều hiểu rõ việc duy trì quan hệ mật thiết với Trung Quốc là cơ hội phát triển[2].

“Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn trong tranh chấp Bãi cạn Scarborough?” Một số chuyên gia lo ngại rằng quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông có thể ảnh hưởng tới sự trỗi dậy hòa bình và phá hoại nền hòa bình tại vùng biển này. Tuy nhiên, câu hỏi duy nhất là: chúng ta muốn loại hòa bình nào? Nếu các nước láng giềng không chơi theo luật hoặc không tỏ đủ sự tôn trọng cần thiết đối với quyền chủ quyền của Trung Quốc thì hòa bình đạt được chỉ là sự hy sinh lợi ích đơn phương của Trung Quốc và hòa bình không công bằng như vậy sẽ không tồn tại lâu. Ngạn ngữ cổ có câu “Hàng rào tốt tạo láng giềng tốt”. Chỉ bằng các biện pháp cứng rắn sẽ dạy cho những kẻ xâm chiếm, xâm phạm quyền chủ quyền Trung Quốc chơi theo luật và khiến Biển Đông thực sự thành vùng biển hòa bình.

+ Việt Nam:

Chủ tịch nước: Cần luật khẳng định chủ quyền biển. Ngày 2/5, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1-TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định nhu cầu tất yếu về bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có vùng biển, đảo chủ quyền, dựa trên cơ sở luật pháp, đặc biệt luật pháp quốc tế. Do đó, theo Chủ tịch nước, vấn đề không chỉ nhận thức mà phải hành động. Việc ban hành soạn thảo luật biển là "đi đúng đường."

Dựng tượng đài Trần Hưng Đạo ở Trường Sa. Sáng 6/5 , tượng đài Trần Hưng Đạo đã được khánh thành tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Tượng tạc bằng đá, cao sừng sững 11m, dựng ở sườn phía đông đảo, hướng nhìn ra biển phía đông nam.

+ Phi-líp-pin:

Philippines đổi tên bãi cạn Scarborough thành bãi Panatag. Ngày 5/5, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Edwin Lacierda cho biết chính phủ nước này quyết định đổi tên bãi Scarborough thành Panatag cho ‘dễ gọi’. Trước đó Philippines vẫn sử dụng đồng thời 2 tên gọi khác nhau đối với bãi đá này, đó là Scarborough thông dụng trên các phương tiện truyền thông quốc tế hoặc Bajo de Masinloc.

Philippines cáo buộc Trung Quốc điều thêm tàu tới bãi đá ngầm Scarborough. Người phát ngôn quân đội Philippines Loel Egos cho biết bốn tàu hải giám và 10 tàu cá Trung Quốc neo đậu ngoài khơi bãi đá ngầm Scarborough. Các ngư dân trên tàu này ngang nhiên đánh bắt sò và san hô vốn được bảo vệ theo luật pháp Philippines. Theo Thiếu tá Egos, đây là lần có số lượng tàu Trung Quốc nhiều nhất neo đậu gần bãi đá này kể từ khi hai nước rơi vào trạng thái đối đầu về chủ quyền từ ngày 8/4 đến nay. 

Các động thái của Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough sẽ được Philippines dẫn chứng trước tòa. Tổng thống Philippines Aquino cho biết chính phủ nước này đang theo dõi và thu thập các hành động của tàu Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough, nhằm chuẩn bị cho việc đưa ra bằng chứng về việc xâm phạm của Trung Quốc lên tòa án quốc tế.

Philippines cho phép công ty nước ngoài khai thác dầu khí tại Biển Đông. Theo nguồn tin từ giới chức ngành năng lượng của Manila, trong tổng cố 16 công ty tham gia đấu thầu, có 9 công ty hội đủ điều kiện thăm dò và khai thác tại 5 lô mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Khu vực này bao gồm cả bãi cạn Scarborough. Manila cũng sẽ chọn một nhà thầu vào tháng 7/2012 để tiến hành thăm dò 3 lô khác tại khu vực ngoài khơi bở biển Tây Nam nước này. Đã có đề xuất để Philippines và Trung Quốc cùng khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp nhưng Chính phủ Philippines nói họ không nhất trí với giải pháp đó.

Philippines đề nghị Mỹ trang bị vũ khí hạng nặng. Philippines ngày 2/5 cho biết đã đề nghị Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang nước này các tàu tuần tiễu, máy bay và các hệ thống rađa trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc leo thang. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario chỉ rõ các vũ khí này sẽ giúp nước ông đạt được "khả năng phòng thủ tin cậy tối thiểu", "Chúng tôi cần ngăn cản mọi cuộc xâm nhập tiếp theo vào các vùng biển mà chúng tôi có quyền chủ quyền.”

Philippines phớt lờ bình luận đầy hiếu chiến của tướng Trung Quốc. Không nhằm vào Tướng La Viện của Quân đội Giải phóng Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines  Peter Galvez hôm 30/4 nói rằng mọi người nên ‘thận trọng hơn’ trong những bình luận của mình đối với các vấn đề, đồng thời nhấn mạnh Philippines muốn một giải pháp hòa bình cho tranh chấp.

Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh liên minh Mỹ-Phi ‘không nhằm đối đầu hay kiềm chế bất kỳ nước nào.’ Phát biểu tại Heritage Foundation hôm 2/5 về những thách thức chung cùng diễn biến mới trong quan hệ đồng minh Mỹ-Phi, Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario cho rằng liên minh này sẽ không đe dọa bất kỳ nước nào. Ông Rosario cũng nhấn mạnh một giải pháp pháp lý cho vấn đề Biển Đông sẽ mang tính lâu bền, đồng thời cũng đặt câu hỏi “tại sao Trung Quốc kịch liệt phản đối ý tưởng hợp pháp hóa các yêu sách của nước này theo luật pháp quốc tế.”

Philippines sẽ đơn phương đưa tranh chấp Bãi cạn Scarborough ra tòa án quốc tế. Trong một văn bản phát đi  từ Washington D.C., ông Del Rosario cho biết Bộ Ngoại giao Philippines đang thực hiện các công việc chuẩn bị cần thiết để trình bày trước tòa tại Hamburg, Đức. Tòa án này được thành lập ngày 10-12-1982 theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

+ Mỹ:

Mỹ hỗ trợ Philippines bằng vệ tinh giám sát hàng hải. Trong cuộc gặp với đoàn Philippines tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Hoa Kỳ Panetta đã đồng ý tăng cường hợp tác Philippines - Mỹ trong lĩnh vực chia sẻ thông tin. Theo đó, Mỹ - một trong những quốc gia hiện đại nhất về thu thập thông tin thông qua các vệ tinh giám sát - sẽ gửi cho Philippines những thông tin "thời gian thực" về các vụ xâm nhập lãnh thổ để giúp quốc gia Đông Nam Á giải quyết và ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra ở Biển Đông.

Mỹ tăng gấp ba viện trợ quân sự cho Philippines. Washington đã nhất trí cung cấp 30 triệu USD trong viện trợ quân sự nước ngoài (FMF) năm nay, tăng từ dự kiến ban đầu là 15 triệu USD và con số 11,9 triệu USD năm ngoái. Tuy nhiên, phía Philippines cũng bày tỏ quan ngại về sự sụt giảm mạnh trong FMF của Mỹ cho dù Manila có vai trò trung tâm trong chiến lược “trục xoay” mà Mỹ hướng về châu Á.

Mỹ cam kết đối với an ninh Philippines và bày tỏ quan điểm trung lập trong vấn đề Biển Đông. Sau cuộc gặp “2+2” đầu tiên giữa Mỹ và Philippines tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Clinton tuyên bố: “Trong bối cảnh này, quan điểm của Mỹ là rõ ràng và nhất quán: trong khi chúng tôi không đứng về phía nào trong cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông, thì như một cường quốc Thái Bình Dương, chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở đi qua các tuyến đường biển của chúng ta.” Bà Clinton cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào nhằm có lợi cho tuyên bố chủ quyền của họ và chúng tôi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với đồng minh Philippines.”

+ Ấn Độ:

Hoạt động của công ty ONGC Videsh ở Biển Đông chỉ mang tính chất thương mại. Khẳng định trên do Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shri Ahamed đưa ra trong một văn bản hồi đáp chính thức ngày 4/5 tại Rajya Sabha (Thượng viện Ấn Độ). Theo đó, Công ty dầu khí ONGC Videsh cùng các công ty Việt Nam đã tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông từ năm 1988 tới nay. Chính phủ Ấn Độ đồng thời nhấn mạnh các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông phải được giải quyết ôn hòa giữa các nước có liên quan.

Chiến hạm Ấn Độ sẽ đi qua Biển Đông. Dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng hải quân P Ajithkumar, bốn tàu chiến thuộc Tư lệnh hải quân phương Đông sẽ rời cảng Ấn Độ vào thứ hai tuần sau bắt đầu chuyến đi kéo dài 2 tháng đến vùng Viễn Đông tới tận Nhật Bản. Nhóm tàu chiến, bao gồm 1 tàu khu trục loại Rajput, một tàu tuần dương loại Shivalik, một tàu hộ tống tên lửa loại Kora và một tàu chở nhiên liệu, của Ấn Độ sẽ ghé qua Thượng Hải, Trung Quốc.

II. Quan hệ các nước

Mỹ và Philippines tiến hành đối thoại an ninh cấp cao “2+2”tại Washington. Ngày 30/4, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước đồng minh đã tiến hành phiên họp an ninh cấp cao lần đầu tiên giữa hai nước tại Washington. Mỹ khẳng định sẽ giúp Philippines xây dựng khả năng tuần tra biển nhưng sẽ không đứng về bên nào trong cuộc đối đầu giữa nước này với Trung Quốc ở bãi đá ngầm Scarborough. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và đối với quyền tự do đi lại cũng như an ninh trong khu vực.

Mỹ-Trung đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ tư tại Bắc Kinh. Đối thoại Trung-Mỹ diễn ra trong hai ngày 3-4/5 tại Bắc Kinh, do Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đồng chủ trì.

Mỹ-Nhật hội đàm thượng đỉnh. Trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 30/4 tại Nhà Trắng, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí tăng cường liên minh giữa hai nước, cam kết tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định ở châu Á. Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm gọi liên minh giữa hai nước là "hòn đá tảng của hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương."

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến thăm Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ngày 4/5 đã đến San Francisco, bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Mỹ. Ông Lương Quang Liệt nhấn mạnh mối quan hệ Trung-Mỹ đang phát triển sau khi trải qua những thăng trầm trong 40 năm qua. Lịch sử đã chứng minh rằng Trung Quốc và Mỹ là những đối tác song phương cùng có lợi hơn là các đối thủ cạnh tranh.

III. Phân tích và đánh giá

Nga 'không đứng về phe nào' ở Biển Đông. Theo tiến sĩ Victor Sumsky, giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow, đứng về bất kỳ phe nào trong một cuộc xung đột quân sự vì Biển Đông hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi quốc gia của Nga. Câu hỏi thực sự đặt ra là Nga có thể làm gì thực tiễn để giúp tránh xung đột. Nhìn theo hướng này, không nên đánh giá thấp quan hệ đặc biệt của Moscow với cả Bắc Kinh và Hà Nội. Về khả năng một cuộc đụng độ lớn giữa Nga và Trung Quốc, một khi công ty Gazprom bắt đầu thực hiện dự án, ông Victor Sumsky cho rằng: “Mặc dù một số sự khó chịu đã xuất hiện, nhưng "đụng độ lớn" không thể xảy ra. Cả hai phía trân trọng quan hệ song phương hiện nay và không thể để nó xấu đi chỉ vì vụ việc này.”

Đối thoại, chứ không phải liên minh, là chìa khóa cho sự ổn định ở Biển Đông của Simon Tay. Tập trận giữa các quốc gia đồng minh có hiệp ước thông thường không gây ngạc nhiên cũng như đem đến sự dè chừng. Nhưng cuộc tập trận vừa kết thúc giữa Mỹ và Philippines được nhìn nhận một cách khác biệt và không phải không có một số biện giải. Với sự tham gia của 7,000 quân nhân, cuộc tập trận song phương diễn ra quanh Palawan ở Biển Đông, nơi có những đảo nhỏ mà Philippines và Trung Quốc đều tranh chấp chủ quyền. Hơn nữa, cuộc tập trận diễn ra sau cuộc đối đầu rất gây chú ý giữa tuần duyên Philippines và tàu cá của Trung Quốc tại Bãi cạn Scarborough. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần phải củng cố cơ chế đối thoại đa phương về Biển Đông và các vấn đề khác. Diễn đàn Khu vực ASEAN sẽ là một nơi trao đổi, trong khi còn những diễn đàn khác giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN và 8 người đồng nhiệm, bao gồm cả bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể hơn là một bộ quy tắc ứng xử đối với những tranh chấp ở Biển Đông đã hứa hẹn và cần được bổ sung, đồng thuận đối với những điều khoản thực tế. Hầu như các bên đều đồng ý rằng sự hiện diện của người Mỹ ở châu Á có thể là một điều tích cực. Nhưng, khu vực cũng cần hiểu rằng đối xử vởi Bắc Kinh như một người ngoài cuộc và cho rằng đây là một kẻ hiếu chiến thì sẽ là một tiên đoán đầy nguy hiểm và có khả năng tự trở thành hiện thực.

Đụng độ Philippines-Trung Quốc có vượt tầm kiểm soát? Nguy cơ trong cuộc tranh cãi mới nhất về một bãi đá ngầm lớn hơn nhiều so với diện tích của chính nó. Bãi đá ngầm Scarborough nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Manila được Công ước LHQ về Luật Biển công nhận. Nhưng Trung Quốc nói Phillippines đã hiểu sai Luật Biển. Quan điểm của Bắc Kinh dựa trên các bản đồ cổ xưa cho dù chưa rõ những tấm bản đồ ấy có sức nặng thế nào trong hiện tại. Bản đồ mà Trung Quốc đệ trình lên LHQ năm 2009 đã tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng Bắc Kinh không làm rõ được mức độ chính xác trong tuyên bố của mình. Họ cũng từ chối đề nghị của Philippines mang tranh chấp ra phân xử tại một toà án quốc tế. Các tàu vũ trang của Philippines và người hàng xóm hùng mạnh hơn là Trung Quốc đã đối đầu nhau trong suốt hai tuần lễ ở bãi đá ngầm hình móng ngựa. Hai bên có thể tính toán sai lầm, và hậu quả xảy ra có thể khiến cả khu vực phải gánh chịu, cũng như kéo cả Mỹ can dự.

Mối quan hệ kình địch Trung - Ấn của Robert D. Kaplan. Khi thế giới bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, một mối quan hệ cạnh tranh quyền lực mới đang được định hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai gã khổng lồ của châu Á về lãnh thổ, dân số. Việc Ấn Độ gần đây phóng thành công một tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng với tới Bắc Kinh và Thượng Hải, là dấu hiệu mới nhất cho thấy diễn biến mối quan hệ này. Nhìn vào toàn bộ bản đồ châu Á, các nhà hoạch định quốc phòng tại New Delhi và Bắc Kinh ngày càng thấy rõ rằng hai quốc gia với dân số đông nhất thế giới này (và đều đang trong quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng) đang xâm lấn tầm ảnh hưởng của nhau - điều vốn chưa từng tồn tại giữa họ trước thời đại công nghệ hiện nay. Ấn Độ và Trung Quốc đang chơi một trò chơi lớn hơn, cạnh tranh về tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự tại Nepal, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka. Các nơi này nhìn chung nằm trong tiểu lục địa Ấn Độ Lớn hơn, vì vậy Trung Quốc đang tấn công vào sân sau của Ấn Độ.

Tranh chấp Biển Đông: Philippines đang ‘đơn độc’? của Carlyle A. Thayer. Tình trạng đối đầu hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc đang làm dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của các giải pháp đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc Trung Quốc cố tình kéo dài xung đột là một điềm báo xấu cho ASEAN khi định dùng COC để kiềm chế Trung Quốc. Cuộc chạm trán tại bãi cạn Scarborough cho thấy Trung Quốc tiếp tục khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” tại Biển Đông dựa theo cơ sở lịch sử, không tạo nền tảng để giải quyết tranh chấp dựa theo luật quốc tế. Trong khi đó, việc ASEAN chỉ chú trọng vào thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác như đề cập trong DOC lại không giải quyết các đe dọa an ninh gây ra do sự hiếu chiến của Trung Quốc. Một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) không xác định rõ khu vực đang tranh chấp và không có cơ chế thực thi sẽ không thể nào kìm chân Trung Quốc khỏi hành động đơn phương. Nhưng cả DOC và COC đều dựa trên giả định tình hình sẽ giữ nguyên hiện trạng cho đến lúc tranh chấp chủ quyền được giải quyết. Nhưng đây là một giả định sai chỉ cần Trung Quốc tiếp tục đáp trả đơn phương bất kì hoạt động nào mà nước này phản đối bên trong đường yêu sách 9 đoạn của nước này ở Biển Đông. Và dù Philippines có kỳ vọng như thế nào, Hiệp ước quốc phòng song phương của nước này với Hoa Kỳ không phải là công cụ thích hợp hợp để đáp trả lại chiến thuật dùng tàu bán quân sự và đe dọa thực thi chủ quyền của Trung Quốc.

Điều gì đang làm Biển Đông dậy sóng” của Bhaskar Roy. Gần như cả tháng 4 này chúng ta này có thể thấy căng thẳng trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines leo thang đến mức chưa từng có. Philippines tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough và nước này đã xây một ngọn hải đăng ở đó nhưng Trung Quốc cũng yêu sách bãi cạn này mặc dù nó nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nguyên nhân xung đột rõ ràng nhất có thể thấy là năng lượng. Một quốc gia thèm khát năng lượng như Trung Quốc với lượng nhập khẩu dầu và khí đốt đang tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi các nước liên quan khác cũng có nhu cầu tương tự. Ngoài ra, một điểm cần lưu ý ở đây là lập trường hiếu chiến đi đầu bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tiếp theo là giới truyền thông chính trị. Cùng với việc công bố một tấm bản đồ mới về biển để củng cố hơn nữa những yêu sách chủ quyền khi bản đồ với đường chín đoạn hiện nay không có sức thuyết phục ngay cả với các chuyên gia Trung Quốc, quân đội Trung Quốc dường như lựa chọn một cuộc chiến tranh chóng gây tiêu hao nhằm vào Philippines. Sau khi nghiên cứu cuộc chiến Falkland, cuộc không kích của Israel lên cơ sở hạt nhân Osirak của Iraq và cuộc tấn công đầu tiên vào Iraq, các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc dường như đã kết luận rằng một cuộc chiến tranh chóng vánh quyết định có thể tránh được sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.

Bản PDF tại đây

 


[1] Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan ngày 3/5

[2] Theo “Tuần báo Kinh tế TQ” (Phụ san của Nhân dân nhật báo)