Bản PDF tại đây

 

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc triển khai giàn khoan nước sâu thứ hai ở Biển Đông. Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc hôm 5/11 thông báo giàn khoan bán chìm Nam Hải 9 của nước này vừa hoàn tất việc khoan thăm dò giếng nước sâu đầu tiên trên Biển Đông. Giếng vừa thăm dò có tên Lăng Thủy 25-1-1 nằm ở bồn trũng Qiongdongnan với độ sâu 3.930 m. Giàn khoan Nam Hải 9 có chiều dài 99 m, rộng 88m và cao 116m, là giàn khoan nước sâu thứ hai của Trung Quốc đưa vào sử dụng sau Hải Dương 981.

Trung Quốc trình làng máy bay vận tải Y-20. Y-20 là máy bay vận tải quân sự cỡ lớn, tải trọng 200 tấn thuộc danh mục trang thiết bị trọng điểm của Không quân trong tương lai, đánh dấu việc Trung Quốc trở thành nước thứ tư có thể sản xuất máy bay vận tải quân sự cỡ lớn 200 tấn sau Mỹ, Nga và Ukraine. Theo kế hoạch, Triển lãm Hàng không Vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 10 sẽ diễn ra tại Chu Hải từ ngày 11-16/11 và đây là lần đầu tiên máy bay vận tải Y-20 ra mắt tại triển lãm này sau lần bay thử đầu tiên trong vòng chưa đầy 2 năm qua.

Trung - Đài tổ chức diễn đàn nghiên cứu về Biển Đông. Trung Quốc và Đài Loan đã tổ chức “Diễn đàn nghiên cứu vấn đề Biển Đông giữa hai bờ lần thứ 12” tại thành phố Hải Khẩu. Tổng cộng hơn 30 chuyên gia và học giả tham gia thảo luận trong 2 ngày từ 6-7/11. Diễn đàn thảo luận xung quanh 4 chủ đề liên quan đến biển Đông, gồm: (i) “Phân tích và đánh giá tình hình Biển Đông”; (ii) “Hợp tác hai bờ Eo biển và vụ kiện của Philippines lên Toà án Quốc tế về vấn đề Biển Đông ”, (iii) “Lịch sử Biển Đông và Quyền lợi biển, (iv) “Triển vọng hợp tác giữa hai bờ Eo biển tại Biển Đông”. Tại diễn đàn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Ngô Sỹ Tồn nói rằng Biển Đông liên quan đến an ninh lợi ích giữa hai bờ Eo biển, vì vậy hai bờ Eo biển tăng cường hợp tác.

Chủ tịch Trung Quốc đề xuất ‘Giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương’. Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc ở Bắc Kinh hôm 9/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, “Chúng ta có trách nhiệm xây dựng và hiện thực hóa giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương cho mọi người dân sống trong khu vực. Một giấc mơ như vậy bắt nguồn từ vận mệnh chung của các nước trong khu vực. Trung Quốc sẽ tập trung xử lý tốt các vấn đề của riêng mình trong khi vẫn tìm cách mang lại nhiều lợi ích hơn cho khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và thế giới.” Theo ông Tập, “Khi sức mạnh tổng thể tăng lên, Trung Quốc sẵn sàng đem tới những sáng kiến và tầm nhìn mới nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực. Trung Quốc muốn sống hòa hợp với tất cả các nước láng giềng.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối việc Đài Loan bắn đạn thật ở Trường Sa. Ngày 3/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan bắn đạn thật tại đảo Ba Bình từ ngày 3-4/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.” Trước việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập, ngày 6/11, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: “Hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại DOC cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; phá vỡ nguyên trạng, gây căng thẳng, phức tạp tình hình, không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực." Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 6/11, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với thông tin Đài Loan tiếp tục thị sát đảo Ba Bình, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Một lần nữa chúng tôi khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị và chúng tôi kiên quyết phản đối.”

+ Philippines:

Philippines kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Phát biểu trước các thành viên của Câu lạc bộ báo chí Nhật Bản tại dinh tổng thống hôm 4/11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố: “Cần phải đưa ra một thông điệp rõ ràng điều gì là đúng và sai. Chúng tôi hy vọng các bên sẽ tuân thủ pháp luật hơn, thực sự tôn trọng những tuyên bố chính thức về việc tuân thủ luật pháp quốc tế.” Nhà lãnh đạo Philippines cũng cho hay ông sẽ tái khẳng định quan điểm về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông thông qua Tòa Trọng tài, đồng thời kêu gọi sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông tại các hội nghị cấp cao trong khu vực.

+ Nga:

Chiến hạm Nga tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga hôm 5/11 cho hay, tàu tuần dương Moscow, rời Singapore sau một chuyến thăm cảng ngắn, đã tiến hành diễn tập phòng không với “tên lửa, pháo và ngư lôi” tại một khu vực chưa xác định thuộc Biển Đông. Tàu Moscow trọng tải 11.500 tấn thuộc hạm đội Biển Đen, được trang bị khoảng 16 tên lửa hành trình chống hạm P-500. Hoạt động này diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin để dự hội nghị cấp cao APEC 2014.

+ Pháp:

Pháp ủng hộ cách tiếp cận của Malaysia trong tranh chấp Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 4/11 tuyên bố nước này ủng hộ lập trường của Malaysia tham gia vào các đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Ông Le Drian cho hay Pháp hiểu quan điểm của các bên liên quan trong khu vực đang hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, “Chúng tôi đang theo dõi tình hình từ các căn cứ Thái Bình Dương ở New Caledonia và Polynesia. Malaysia là một trong những nước có xu hướng tăng cường năng lực răn đe để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình, đồng thời tăng cường an ninh biển.”

+ Mỹ:

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong bài phát biểu về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học John Hopskins ở Washington hôm 4/11, khi đề cập đến vấn đề tranh chấp biển ở Châu Á, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định: “Mỹ không phải bên tranh chấp nhưng chúng ta có quan điểm nhất quán về phương thức các bên theo đuổi yêu sách và cách thức giải quyết các tranh chấp. Mỹ hết sức quan ngại về tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông và chúng ta thúc giục các bên theo đuổi các yêu sách phù hợp với luật pháp quốc tế, hành động kiềm chế, đồng thời sớm tiến tới hoàn tất bộ quy tắc ứng xử giúp giảm các xung đột tiềm tàng trong tương lai. Mỹ sẽ hỗ trợ quá trình này, bởi việc đó sẽ đem lại sự ổn định và nhiều cơ hội hợp tác hơn trong khu vực.” Theo ông Kerry, chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương không nhằm kiềm chế Trung Quốc và yếu tố chính trong chiến lược này là tăng cường quan hệ Mỹ-Trung. Ông khẳng định quan hệ tốt đẹp của Mỹ-Trung không chỉ có lợi cho hai nước mà còn cho cả khu vực và thế giới.

Quan hệ các nước

Khai mạc Hội nghị quan chức cấp cao APEC tại Trung Quốc. Ngày 5/11, Hội nghị các quan chức cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại hội nghị, với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương: sáng tạo, kết nối, hội nhập, phồn vinh,” 21 nền kinh tế thành viên sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề gồm kết nối nội khối; hình thành khu thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương và các nội dung hợp tác kinh tế-thương mại mới. Dự kiến, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 sẽ thông qua 15 văn kiện, trong đó có Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo cấp cao và Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng.

Thái Lan - Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh. Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit đang có chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 3 ngày từ 6/11 theo lời mời của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Phó thủ tướng Prawit đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, dự kiến sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto về hợp tác quốc phòng song phương. Hai bên sẽ tập trung thảo luận việc tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước trong một số lĩnh vực như huấn luyện, đào tạo; hợp tác về các hoạt động cứu trợ nhân đạo và giảm bớt thiên tai; đồng thời thúc đẩy hợp tác về quốc phòng-an ninh trong khuôn khổ ASEAN.

Hải quân Mỹ hủy các chuyến thăm cảng Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Hose hôm 3/11 xác nhận chuyến thăm của ba tàu hải quân Mỹ tới cảng Subic trong tháng này đã bị hủy bỏ. Theo ông Hose, việc hủy các chuyến thăm cảng này không liên quan đến vụ binh sỹ Mỹ bị tình nghi sát hại một người Philippines. Trong khi đó, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Vịnh Subic ông Robert Garcia cho biết 9 chuyến thăm kiểu này dự kiến trong năm nay cũng bị hoãn. Thông thường, hai hoặc ba tàu của Hải quân Mỹ cập cảng Subic hàng tháng để nhận tiếp tế. Hiện Đại sứ quán Mỹ tại Philippines chưa đưa ra bình luận nào về thông tin nói trên.

Phân tích và đánh giá

“Biển Đông: Cần thế chân vạc Mỹ-Ấn-Nhật?” của Subhash Kapila. Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Mỹ - Ấn, Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn cầu Nhật - Ấn cùng Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật tồn tại hơn nửa thế kỷ qua là những công cụ mà 3 nước trên sử dụng để tái cân bằng quyền lực tại Châu Á. Sự hồi sinh trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản là phản ứng muộn màng trước những leo thang xung đột do Trung Quốc gây ra tại Biển Đông, đặc biệt sau khi nước này thực thi chính sách bên miệng hố chiến tranh với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Để quan hệ trên có thể trở thành một liên minh chiến lược vững chắc, vị thế siêu cường thế giới của Mỹ cần phải được kết hợp toàn diện và thực chất với sức mạnh của hai cường quốc đang nổi ở Châu Á là Ấn Độ và Nhật Bản. Quan hệ Mỹ-Ấn-Nhật phản ánh sự hội tụ chiến lược giữa những quốc gia có lợi ích chính đáng đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Những nét đáng chú ý về sự hồi sinh trong quan hệ này là việc nâng cấp các cuộc gặp chính thức và tiến hành tập trận chung. Đồng thời 3 nước cùng có nhận thức rằng không có sức mạnh bá quyền nào được phép đe dọa tới an toàn và an ninh trong khu vực. Đây sẽ là lý do để thúc đẩy 3 nước thiết lập ra những cơ chế chiến lược để ngăn cản những ý định như vậy. Bên cạnh đó, với chính sách bên miệng hố chiến tranh không bị ngăn chặn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, các nước khác sẽ có lý do để tích cực tham gia và mở rộng mối quan hệ 3 bên này - ở đây quan hệ Mỹ-Ấn-Nhật sẽ đóng vai trò trung tâm. Quan trọng là các quốc gia ASEAN phải hiểu được điều này và ASEAN cần phải đối phó với chiến lược gây rối của Trung Quốc ở Biển Đông nếu không sự tồn tại của ASEAN như một khối thống nhất sẽ bị đe dọa.

“Đánh giá lại 1 năm Myanmar giữ ghế Chủ tịch ASEAN” của Kyaw Lin Oo. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 15 sẽ được tổ chức ở Nay Pyi Taw từ ngày 12 đến 13/11/2014. Hội nghị lần này ngoài các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN còn có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Myanmar đã có nhiều tham vọng khi tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch ASEAN do Brunei chuyển giao. Chính phủ Myanmar tự tin nói rằng nước này sẽ làm cầu nối giữa Trung Quốc với 4 thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên các cuộc đàm phán về Biển Đông đã diễn ra không thật sự suôn sẻ sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 14 vào hồi tháng 5. Trung Quốc vẫn muốn bàn bạc và soạn thảo Bộ Quy tắc Ứng xử với riêng từng nước, trong khi 4 nước ASEAN có tranh chấp yêu cầu đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử duy nhất cho Biển Đông. Không có sự thỏa hiệp nào từ các bên và Myanmar đã phải đón nhận thất bại ngoại giao đầu tiên của mình trong các vấn đề chính trị của ASEAN. Tuy nhiên, có lẽ các quốc gia ASEAN cũng sẽ không chỉ trích sự thất bại của Myanmar trong xử lý vấn đề Biển Đông. Và khi Malaysia tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2015, nước này cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Nhìn chung Nay Pyi Taw đã hoàn thành trách nhiệm là nước Chủ tịch ASEAN mà không gặp phải bất kỳ vấn đề rắc rối nào lớn. Một số quốc gia trong khu vực không được may mắn như vậy. Ví dụ như Thái Lan đã từng phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn chính trị trong khi làm Chủ tịch ASEAN giai đoạn 2009 - 2010. Năm 2014, mọi việc vẫn không có gì thay đổi cho Myanmar và các quốc gia khác. Họ không đạt được gì, và cũng chẳng để mất gì.

“APEC: Cơ hội để Mỹ và Trung Quốc đối thoại thẳng thắn về Biển Đông?” của Vikram Singh Ely Ratner. Mỹ không phải bên yêu sách ở Biển Đông và cũng không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền của các đảo và vùng biển xung quanh. Do vậy, các quan chức của Mỹ thể hiện sự công bằng khi đưa ra những lợi ích của Mỹ dựa trên nền tảng những nguyên tắc chung là: duy trì hòa bình và ổn định, tự do hàng hải, các tuyến thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đây là công thức lý tưởng dành cho khu vực mà ở đó các nước đều lo sợ một cuộc xung đột lớn giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, công thức này cũng có thể tạo ra một suy nghĩ sai lệch đó là chừng nào mà tranh chấp tại đây có thể giải quyết mà không phải sử dụng đến chiến tranh, thì Mỹ không quan tâm tới những hệ lụy của tranh chấp lãnh thổ. Điều này rõ ràng không đúng. Do vậy, ngoài những lợi ích kể trên, ông Obama có thể cân nhắc thêm một vài vấn đề sau: Thứ nhất, việc một quốc gia có được vị thế thống trị tại Biển Đông sẽ đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Trong một khu vực với các yêu sách chồng chéo và lợi ích mâu thuẫn, chỉ có cùng nhau quản lý mới có thể mang lại sự ổn định trong dài hạn. Một quốc gia riêng lẻ thống trị sẽ luôn gặp phải sự phản kháng và điều này cũng không giúp khu vực cùng hợp tác hướng đến những mục tiêu chung như quản lý tài nguyên và bảo vệ các tuyến đường vận tải biển quốc tế. Thứ hai, tranh chấp được giải quyết như thế nào sẽ ảnh hưởng tới Washington và quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ nên tuyên bố rõ rằng các động thái đe dọa và gây áp lực – như Trung Quốc đã thực hiện với Nhật Bản và Philippines – có thể ảnh hưởng tới những vấn đề khác trong quan hệ Mỹ-Trung, trong đó gồm cả hoạt động thương mại và đầu tư. Thứ ba, đề xuất một cơ chế quản lý để tránh các sự cố trên biển hoặc trên không có thể gây ra khủng hoảng song phương. Những động thái đáng lo ngại mà Hải quân và Không quân của PLA thực hiện nhằm củng cố yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế đã gây ra một sự cố nghiêm trọng. Mỹ và Trung Quốc có thể có những cách diễn giải khác nhau về những hành động nào được luật pháp quốc tế cho phép, nhưng thực tế này không thể ngăn cản các bên thông qua một cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn và quản lý khủng hoảng. Cuối cùng, Mỹ nên theo đuổi hợp tác rộng hơn với Trung Quốc dựa vào hệ thống liên minh và đối tác của Mỹ tại Châu Á. Trung Quốc luôn nói rằng hệ thống liên minh của Mỹ đã lỗi thời và nhằm để kiềm chế Trung Quốc. Hiện nay, người dân và các lãnh đạo của Mỹ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề Nhà nước Hồi giáo, dịch bệnh Ebola, tham vọng hạt nhân của Iran, và các vấn đề an ninh quốc gia khác hơn là vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, với việc khoảng một nửa khối lượng hàng hóa thế giới đi qua khu vực biển đang có tranh chấp giữa 6 bên, thì các cuộc khủng hoảng và căng thẳng tại đây có thể tác động rất lớn tới kinh thế toàn cầu và gây ảnh hưởng nặng nề cho các cường quốc. Đây là vấn đề có liên quan mật thiết tới an ninh và thịnh vượng của người dân Mỹ, và đây sẽ là điều mà Tổng thống Obama có thể giải thích rõ ràng hơn cho ông Tập Cận Bình tại APEC lần này.

“Tranh chấp Biển Đông: Liều thuốc thử cho chính phủ mới của Indonesia” của Veeramalla Anjaiah. Cuối cùng, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo – người có tham vọng biến Indonesia trở thành một cường quốc biển – đã chỉ định bà Retno LP Marsudi làm người đứng đầu ngành ngoại giao. Thuốc thử trước mắt và lớn nhất cho cả ông Jokowi và bà Retno đó là vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại hội nghị APEC và hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới tại Bắc Kinh và Nya Pyi Taw. Chỉ trong khoảng thời gian vài tuần ngắn ngủi, hai nhà lãnh đạo này phải thể hiện cho thế giới, cũng như các nước bạn bè ASEAN, rằng Indonesia mới là lãnh đạo thật sự của ASEAN và nước này có đủ năng lực quản lý các tranh chấp tiềm tàng và đoàn kết ASEAN hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình khu vực. Tranh chấp Biển Đông không chỉ đe dọa tới chủ quyền của Indonesia mà còn tới cả an ninh và sự thống nhất của ASEAN. Indonesia muốn trở thành một nước trung gian đáng tin cậy nhưng Bắc Kinh không muốn bất kỳ bên thứ 3 nào tham gia vào việc giải quyết tranh chấp. Vậy Indonesia có thể làm gì dưới chính quyền mới của ông Jokowi? Với tư cách là quốc gia sáng lập và là lãnh đạo trên thực tế của ASEAN, Indonesia cần huy động cả 10 quốc gia thành viên cùng chung tay xây dựng một nhận thức mới về tranh chấp Biển Đông, và bước đầu tiên có thể là tập hợp 4 bên có tranh chấp tạo thành một khối. Nếu ASEAN không đoàn kết, các thế lực bên ngoài sẽ thống trị tại chính khu vực sân sau của họ. Tranh chấp Biển Đông có thể vẫn sẽ là đấu trường cạnh tranh trong nhiều thập kỷ tới. Indoneisa cần ngăn chặn xung đột và quản lý tình hình thông qua đối thoại giữa các bên có tranh chấp, đồng thời cần nỗ lực để thống nhất giữa các thành viên ASEAN và tiếp tục thuyết phục các bên ký vào một bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý ở Biển Đông.

“Để hiểu rõ hơn về chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc” của Eric Fish. Mặc dù trên mạng Internet của Trung Quốc vẫn tràn ngập những thông tin kích động hiếu chiến và hàng chục ngàn người trên khắp đất nước này tiếp tục chê bai “chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản”, nhưng một nghiên cứu mới được công bố trong tháng này của Trung tâm Mỹ - Châu Á, Đại học Tây Úc đưa ra bằng chứng cho thấy nhiều người trẻ Trung Quốc đã bắt đầu có những suy nghĩ khác. Cuộc khảo sát của Trung tâm Mỹ - Châu Á được tiến hành trong tháng 3/2013 đối với hơn 1.400 người tại 5 thành phố lớn ở Trung Quốc. Một trong những kết quả khảo sát không gây nhiều bất ngờ đó là hầu hết những người tham gia đều ủng hộ mạnh mẽ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm đường chín đoạn tại Biển Đông. Hơn 90% số người được hỏi tự tin vào quan điểm của Trung Quốc trong tất cả các cuộc xung đột. Tuy nhiên những kết quả đáng ngạc nhiên lại xuất hiện trong câu hỏi về lựa chọn các phương án giả định mà chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với láng giềng. Theo ông Andrew Chubb, nghiên cứu sinh về quan hệ quốc tế tại Đại học Tây Úc tham gia chương trình này cho biết, có 2 chính sách về vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà Bắc Kinh mà không được đa số ủng hộ, thứ nhất là chính sách ‘gác tranh chấp cùng khai thác’ và thứ hai là chính sách ‘cử quân đội, sẵn sàng cho chiến tranh’. Một trong những phương án được nhiều người lựa chọn là đẩy mạnh tuyên truyền, công khai lập trường của Trung Quốc trên trường quốc tế với tỉ lệ ủng hộ là 80%. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao như hủy bỏ các chuyến thăm chính thức hay giảm các dự án hợp tác cũng được đa số người Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát này ủng hộ. Tìm kiếm sự thỏa hiệp thông qua đàm phán hoặc đưa tranh chấp ra các cơ quan tài phán Liên Hợp Quốc cũng nhận được sự ủng hộ tới 57% cho vấn đề Biển Hoa Đông và 61% cho vấn đề Biển Đông. Trong khi đó số người được hỏi đồng ý với việc sử dụng vũ lực, chiến tranh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông lần lượt chiếm 41% và 45%. Theo ông Chubb, việc đa số những người dân Trung Quốc được hỏi cho rằng sử dụng vũ lực trong tranh chấp không phải là lợi ích quốc gia của Bắc Kinh dù đối phương có lập trường khiêu khích hay tìm cách khiến căng thẳng leo thang “dường như cho thấy rằng nếu như Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy họ cần phải giảm thiểu căng thẳng, thì nhiều người dân Trung Quốc cũng sẽ đồng tình bởi theo họ các cuộc chiến tranh sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ kinh tế, từ đó tác động không tốt tới lợi ích quốc gia.”  Do đó, không có bằng chứng nào cho thấy người dân Trung Quốc hối thúc các nhà lãnh đạo của họ theo đuổi một cuộc chiến tranh không mong muốn. Kết quả của cuộc khảo sát cũng khiến chúng ta phải xem xét lại một giả thiết đã được thừa nhận rộng rãi đó là thế hệ “sau những năm 90” – thế hệ những người lớn lên trong nền “Giáo dục Yêu nước” – có tinh thần chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn và họ khao khát trả thù Nhật Bản. Trong số những người được khảo sát thuộc thế hệ “sau những năm 90”, chỉ có 37% đồng ý với phương án dùng quân sự chống Nhật Bản ở Biển Hoa Đông trong khi 42% những người sinh trước năm 1990 ủng hộ phương án này. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nền “Giáo dục Yêu nước” ở Trung Quốc đã không phát huy hiệu quả đối với thanh thiếu niên thế hệ 9x. So với những thế hệ trước đó, thế hệ sinh sau những năm 90 không ủng hộ chiến tranh, tuy nhiên tỷ lệ những người thuộc thế hệ này coi tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là hệ quả của 1 thế kỷ chịu tủi nhục lại cao hơn. “Bạn có thể nói thế hệ trẻ có tinh thần chủ nghĩa dân tộc cao hơn nếu theo ý họ nhìn thế giới nhiều hơn qua lăng kính của quá khứ”, ông Chubb nói, “Tuy nhiên, nếu coi mong muốn đi đến chiến tranh là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc thì tinh thần chủ nghĩa dân tộc của họ không hề cao hơn các thế hệ trước”./.