Động thái các quốc gia

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái. Trước việc Trung Quốc tiến hành bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa 2 "thành phố Tam Sa" cũng như tiến hành tuần tra ở khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 3/10 nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên".

+ Philippin:

Philippines thông báo hoãn kế hoạch tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 7/10 cho biết ông đã thông báo với quân đội Mỹ rằng các kế hoạch tuần tra và tập trận hải quân chung với Mỹ ở Biển Đông đã bị hoãn theo ý của Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo Bộ trưởng Lorenzana, Tổng thống Duterte muốn ngừng 28 cuộc tập trận chung thường niên giữa Philippines với Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lorenzana còn cho biết 107 binh sỹ Mỹ đang tham gia hoạt động điều khiển các máy bay không người lái do thám lực lượng phiến quân Hồi giáo sẽ được yêu cầu rời khỏi khu vực miền Nam Philippines khi Manila có khả năng thu thập thông tin tình báo này trong tương lai gần.

+ Indonesia:

Indonesia tập trận lớn nhất ở Biển Đông. Ngày 6/10, Không quân Indonesia đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn quanh quần đảo Natunas với sự tham gia của hàng nghìn binh sỹ cùng máy bay F-16, Sukhoi và Hercules. Người phát ngôn quân đội Tatang Sulaiman cho biết cuộc tập trận nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các mối đe dọa tiềm tàng và thách thức trong khu vực. Tổng thống Indonesia Widodo đã đến quần đảo Natunas để thị sát cuộc tập trận và kiểm tra hệ thống vũ khí của quân đội. Đây là chuyến đi thứ hai của ông Widodo đến Natunas kể từ tháng 6 vừa qua.

Indonesia tuyên bố không tập trận chung với nước khác ở Biển Đông. Phát biểu trong một buổi lễ ở căn cứ quân đội ở Jakarta ngày 6/10,Tổng tư lệnh Quân đội Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo cho biết, "Indonesia đã làm hết sức để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và kêu gọi tất cả các bên không tham gia vào các hoạt động có thể làm gia tăng bất ổn. Do đó, Quân đội Indonesia sẽ không tập trận chung với bất kỳ quốc gia khác trong vùng Biển Đông nhằm tăng cường tính trung lập."  Theo Tướng Gatot, tuy không tập trận chung ở Biển Đông, nhưng những cuộc tập trận chung với Mỹ và Ấn Độ ở các vùng biển khác của Indonesia vẫn sẽ tiếp tục.

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ diễn tập trên Biển Đông. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho hay tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, USS Spruance và USS Decatur đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận tăng cường khả năng tương tác trên Biển Đông trong hai ngày 3-4/10. Cuộc tập trận bao gồm các bài diễn tập với các nội dung phòng không, chống tàu ngầm, bắn đạn thật. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ thực hiện các cuộc tập trận tương tự trong thời gian tới với sự tham gia của máy bay chiến đấu F-35B Lightning II, loại máy bay có khả năng cất cánh và hạ cánh ở thế thẳng đứng của dòng chiến đấu cơ F-35.

+ Anh:

Anh ủng hộ phán quyết của PCA về tranh chấp trên Biển Đông. Chiều 3/10 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Eleanor Laing, Phó Chủ tịch Hạ viện Anh đang có chuyến thăm Việt Nam. Liên quan đến Biển Đông, nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hạ viện Eleanor Laing cho biết, Vương quốc Anh đã thể hiện quan điểm rõ ràng trong việc ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Quan hệ các nước

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Ấn Độ. Ngày 3/10 tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ ở thủ đô New Delhi đã diễn ra cuộc hội thảo về “Tình trạng phức tạp ở Biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý và chính trị” do Hội nghiên cứu Ấn Độ Dương tổ chức. Cuộc hội thảo tập trung vào hai chủ đề thảo luận là “Phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay, ý nghĩa đối với cuộc tranh chấp ở Biển Đông” và “Điều gì tiếp theo sau phán quyết - Một số giải pháp có thể kiềm chế tình hình.” Tham dự cuộc hội thảo có nhiều học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị chiến lược nổi tiếng và giới truyền thông Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cũng tham dự cuộc hội thảo trên.

Mỹ giảm nhẹ việc Philippines tuyên bố xem xét lại hiệp ước quốc phòng. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2/10 tuyên bố ông sẽ chỉ thị xem xét lại Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) mà Washington và Manila ký kết hồi năm 2014 bởi "EDCA là một văn bản chính thức, nhưng chỉ được ký bởi một Bộ trưởng Quốc phòng mà không có chữ ký của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno Aquino." Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis ngày 3/10 cho hay quân đội Mỹ biết về phát biểu của Tổng thống Philippines song hiện Manila chưa có hành động cụ thể nào ảnh hưởng tới hoạt động của quân đội Mỹ theo các cam kết trong hiệp ước. Ông Davis khẳng định quan hệ đồng minh giữa hai nước vẫn vững chắc, ổn định và đi đúng hướng.

Philippines - Mỹ tập trận chung trên biển. Cuộc tập trận PHIBLEX lần thứ 33 sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 12/10 tại đảo Luzon, Palawan của Philippines. Giới chức Philippines cho biết có ít nhất 500 binh sĩ Philippines và 1.400 lính Mỹ, đóng quân tại Okinawa sẽ tham gia tập trận. Cuộc tập trận, bao gồm nội dung đổ bộ, bắn đạn thật và hỗ trợ nhân đạo, giúp binh sĩ hai nước củng cố kỹ năng và tăng cường khả năng tương tác.

Phân tích và Đánh giá

Thư hùng ở Biển Đông” Mỹ và khu vực cần làm gì?của James Holmes

Phán quyết của Tòa Trọng tài trên thực tế lại không tạo ra nhiều thay đổi. Do đó, nếu luật pháp không đủ sức nặng để ngăn chặn Trung Quốc thì các quốc gia bị nước này chèn ép, hay có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn, và đối địch với Trung Quốc, có thể tìm kiếm những biện pháp cụ thể, phối hợp cả về mặt ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Nhận thức

Trong bối cảnh hiện nay, trước hết, các quốc gia cần điều chỉnh thái độ và quan điểm đối với vấn đề cạnh tranh khu vực. Kiềm chế và cân bằng nên là khẩu hiệu mà các quốc gia này cần nêu cao nếu muốn bảo vệ sự tự do trên biển. 

Thứ hai, các nước cần nhận thức được rằng khu vực đang đứng trước nhiều nguy cơ rất lớn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu tình hữu nghị láng giềng có phải là điều mà các nước liên quan sẵn sàng ưu tiên thúc đẩy, và linh hoạt hơn trong các tranh cãi hiện nay hay không. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã dâng cao làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, bởi vậy Trung Quốc khó có thể lùi bước. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích và tự tôn để thúc đẩy hòa bình và hợp tác trong khu vực hay không.

Thứ ba, những nguy cơ xung đột nghiêm trọng và rất khó hòa giải đang đe dọa làm bùng phát cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện trong khu vực. Không một quốc gia nào sẵn sàng đầu hàng một cách đơn giản. Với những gì đang diễn ra, rất có thể Biển Đông sẽ rơi vào một sự bế tắc kéo dài về mặt chiến lược.

Thứ tư, các quốc gia ngoài khu vực nên hiểu rằng nếu xung đột bùng phát, Trung Quốc có thể vẫn sẽ giành phần thắng. Mâu thuẫn ngay tại chính địa bàn của mình, với một kẻ thù ở xa, là lợi thế lớn cho Trung Quốc.

Giải pháp

Tốt hơn hết là Mỹ không nên tiếp tục khăng khăng nói rằng chiến lược xoay trục về châu Á hoàn toàn không liên quan gì đến Trung Quốc, bởi Bắc Kinh và người dân nước này đều hiểu rõ sự thật. Việc không thừa nhận thực tế càng khiến giới lãnh đạo Mỹ trở nên kỳ cục, và điều này hoàn toàn không có lợi khi Mỹ đang tìm cách răn đe kẻ thù hoặc trấn an các đồng minh. Chính quyền Mỹ cần đẩy mạnh hơn nữa chiến lược xoay trục về châu Á, nhất là trong lĩnh vực hải quân.

Để tăng khả năng răn đe của mình, Mỹ cần củng cố và tân trang Hạm đội Thái Bình Dương cũng như tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, cân nhắc lại nhận thức và cách thức đối phó với rủi ro. Điều mà Mỹ cần làm không phải là phản ứng tiêu cực hay dè dặt do lo ngại kích động Trung Quốc, mà là phải nhấn mạnh cho quốc gia này thấy được rằng nếu không tôn trọng luật pháp quốc tế và các thông lệ nhằm tránh xung đột trên biển, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những nguy cơ vô cùng to lớn.

Các quốc gia bị Trung Quốc chèn ép hoặc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc có thể học tập những gì mà Philippines đã làm, tìm kiếm những cách thức khác để kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh. Các quốc gia cần mạnh dạn chỉ trích Trung Quốc nếu họ vi phạm hay coi thường luật pháp quốc tế. 

Trung Quốc và Biển Đôngcủa Graeme Dobell 

Từ ngày 29 - 30/9, Học viện Quốc phòng Úc (ADFA) cùng với Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Canbera, Úc.

Thảo luận về phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết này, Tiến sĩ Jian Zhang, Giám đốc ADFA, cho biết: “Bắc Kinh thực hiện một cuộc chiến tranh truyền thông lớn, đã thuyết phục thành công dân Trung Quốc rằng phán quyết Tòa án là bất hợp pháp và nó đã được đưa ra bởi Mỹ và Trung Quốc đã quyết định đúng khi không tham gia”. Ông Zhang nói rằng Bắc Kinh chưa bao giờ tuyên bố tuyên bố Biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi, tầm quan trọng của Biển Đông không phải vì nguồn nguyên liệu mà vì sự can thiệp của Mỹ.

Richard Bitzinger từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam cho rằng Bắc Kinh đã tạo ra một chuẩn mực chủ quyền: “Biển Đông quan trọng bởi vì Trung Quốc đã làm cho nó quan trọng. Nếu không có dầu hoặc khí đáng để tranh đấu, nếu tất cả cá chết và các nước tìm thấy các tuyến đường vận chuyển thay thế, Trung Quốc thậm chí sẽ vẫn muốn Biển Đông do nó đã trở thành một vấn đề chính trị”. Trong khi đó, Washington vẫn còn gặp khó khăn khi đưa ra phản ứng. Zack Cooper từ CSIS cho rằng chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc không phải là thất bại mà là vì Mỹ không có một chiến lược.

Cooper mô tả bốn trường phái chính sách Trung Quốc của Mỹ:

(i) Tính ưu việt: sử dụng quân đội Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Những người ủng hộ chính sách ưu việt nhìn sự việc bi quan, tin “một Trung Quốc đang lên là mối đe dọa không thể tránh khỏi đối với lợi ích của Mỹ và có khả năng gây ra một cuộc xung đột lớn”.

(ii) Tính cân bằng:  sử dụng các liên minh để xây dựng các liên minh chống lại Trung Quốc. Cooper tin rằng Mỹ phải chia sẻ quyền lực với các quốc gia cùng chí hướng ở Châu Á. “Sự khác biệt giữa những người theo trường phái cân bằng và người theo trường phái ưu việt là trong đánh giá của họ về khả năng Mỹ đối phó với thách thức Trung Quốc. Những người theo trường phái cân bằng có xu hướng đồng ý với Hội đồng Tình báo quốc gia, mà năm 2012 đã công bố kết thúc thời kỳ đơn cực của Mỹ.

(iii) Tính hài hòa: sử dụng ngoại giao để thích ứng với Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa hài hòa cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đồng ý chia sẻ quyền lực và bảo đảm chiến lược. G2 phù hợp với kêu gọi của Chủ tịch Tập cho một “mô hình mới của quan hệ quyền lực vĩ đại”.

(iv) Tính hội nhập: sử dụng các tổ chức để đồng hóa Trung Quốc. Ý tưởng là Trung Quốc được hưởng lợi từ hệ thống quốc tế hiện hành; tốt nhất là đưa Trung Quốc vào trật tự hiện tại do Mỹ tạo ra hơn là cố gắng thương lượng một trật tự mới với Bắc Kinh.

Cho dù các nhà lãnh đạo Mỹ muốn sử dụng chính sách ưu việt, cân bằng, hài hòa hay hội nhập, Cooper kết luận: “Phần lớn phụ thuộc vào quan điểm của họ về ý định của Trung Quốc và quỹ đạo quyền lực.” Điều đó đưa chúng ta trở lại với chiến lược phòng thí nghiệm của khu vực Đông Nam Á và Biển Đông là nơi thể hiện các mục tiêu và hành động của Bắc Kinh.

Philippines – Mắt xích gây ảnh hưởng đến hệ thống liên minh của Washington tại Đông Á ? của Andrew Browne

Hệ thống liên minh của Mỹ tại Đông Á đã góp phần duy trì hòa bình cho khu vực này suốt hơn nửa thế kỷ qua.  Giờ đây, hệ thống này đang bị trục trặc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến dư luận “choáng váng” khi không chỉ dừng lại ở việc xúc phạm cá nhân tổng thống Mỹ mà còn “đi xa hơn” với việc liên tục có những phát ngôn thù địch nhằm vào Washington. Thái độ này đang đe dọa một trong những liên minh quan trọng của Mỹ ở châu Á và làm thụt lùi chiến lược xoay trục sang khu vực này của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. 

Một tháng trước, sau phát ngôn xúc phạm ông Obama, ông Duterte đã đề nghị giải tán các cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi khu vực Mindanao đang rối loạn ở miền Nam Philippines và tuyên bố Manila sẽ hướng sang Trung Quốc và Nga để mua sắm những trang thiết bị quân sự mà Mỹ đã có sẵn. Ông này cũng tuyên bố sẽ chấm đứt các hoạt động tập trận hải quân chung Mỹ-Philippines nhằm tránh chọc giận Trung Quốc.

Ông Duterte đưa ra những phát ngôn thù địch đúng vào lúc dư luận đang ngày càng hoài nghi về vai trò của nước Mỹ trên thế giới. Giờ đây, ông Duterte còn đi xa hơn khi đặt câu hỏi về thỏa thuận cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines.

Mặc dù ông Duterte tuyên bố rằng sẽ thực thi một chính sách ngoại giao độc lập hơn với Washington, song cá nhân ông vẫn ủng hộ liên minh với Mỹ. Tuy nhiên, những phát biểu hùng hồn có tính kích động mới đây đã cho thấy ông này đang tìm cách phá vỡ tình bạn giữa hai nước. Tuần trước, ông Duterte thậm chí còn có một phát biểu kỳ quặc khi viện dẫn Adolf Hitler và thảm họa Holocaust để bảo vệ cho chiến dịch chống ma túy của mình. Đối với Trung Quốc, ông Duterte đã giúp Bắc Kinh “gột rửa” được nỗi nhục nhã sau khi bị Tòa Trọng tài bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết Biển Đông. Các nhà ngoại giao Trung Quốc từng coi Manila là đối tượng cứng đầu nhất mà họ khó có thể “thu phục” ở châu Á. Tuy nhiên, mức độ ủng hộ liên minh với Mỹ vẫn cao trong cả người dân lẫn các lực lượng vũ trang Philippines bởi việc từ bỏ Mỹ để quay sang Trung Quốc sẽ gây mạo hiểm về chính trị cho ông Duterte. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nói với các thủy thủ rằng liên minh với Philippines “được bọc bằng sắt”. 

Trong khi đó, Trung Quốc đã tìm thấy một mục tiêu mới để “hăm dọa”: Đó là Singapore. Mặc dù không phải là đồng minh của Mỹ song Singapore đang tiếp đón nhiều tàu chiến và máy bay do thám của Mỹ. Tờ “Thời báo Hoàn cầu”, một ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây đã cáo buộc đảo quốc này “tìm cách gài những ngôn từ cứng rắn về vấn đề Biển Đông vào một tuyên bố chung kết thúc hội nghị cấp cao của các quốc gia không liên kết”. Đáp lại, Đại sứ Singapore tại Trung Quốc đã có một động thái hiếm hoi khi công khai chỉ trích tờ báo này đã đăng tải “một bài viết thiếu trách nhiệm và dựa trên những thông tin hư cấu”.

Đã đến lúc đình chỉ mối quan hệ đồng minh với Philippinescủa Ted Galen Carpenter

Những bình luận của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với Mỹ ngày càng tệ. Và giới chức Mỹ đang tỏ ra “câm điếc” đối với những lời bình luận của vị Tổng thống này. Thậm chí khi ông Duterte chỉ trích Mỹ, tuyên bố dừng tuần tra với Mỹ ở Biển Đông, tuyên bố ngừng tập trận với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vẫn cố khẳng định rằng liên minh Washington - Philippines vững chắc như “pháo đài thép”.

Lập trường mà Mỹ đang chọn về Philippines rất không khôn ngoan vì nhiều lý do. Đầu tiên, không thể gọi là sáng suốt khi một cường quốc như Mỹ đảm bảo an ninh một cách bừa bãi bởi việc đó có thể khiến Mỹ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự không đáng có. Mỹ đã vi phạm quy tắc đó khi thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh theo các hiệp ước với hàng chục quốc gia và cam kết ngầm với nhiều quốc gia khác.

Hiệp ước phòng thủ song phương với Philippines cũng nằm trong số đó. Đây là hiệp ước lâu đời, được kí kết từ năm 1951.

Lý do thứ hai cho việc một cường quốc như Mỹ nên tránh các liên minh kiểu như mối quan hệ với Manila là chương trình nghị sự của nước đối tác có thể tạo ra khó khăn, thậm chí nguy hiểm lớn cho nước Mỹ, hay ít nhất cũng khiến nước Mỹ “đau đầu”.

Thứ ba, một mối quan hệ an ninh kiểu như với Philippines sẽ khiến nước Mỹ bị mang tiếng nếu như nước đối tác đang có chính sách đối nội không hợp lý. Trường hợp của Philippines là chính sách chống ma túy đang gây nhiều tranh cãi.

Cuối cùng, nước Mỹ có thực sự cần những mối quan hệ như vậy để đảm bảo an ninh quốc gia. Câu trả lời trong hầu hết các trường hợp là không.

Vì những lý do trên, Mỹ cần có lập trường cứng rắn hơn trong trường hợp của Philippines. Thật vô lý khi nước Mỹ phải bảo vệ một quốc gia đang được cai trị bởi một cá nhân có chính sách đối ngoại không đáng tin cậy và có những chính sách đối nội gây tranh cãi.

Washington cần đình chỉ liên minh với Manila vô thời hạn. Điều này đã từng xảy ra. Trong những năm 1980, Mỹ đã đình chỉ cam kết quốc phòng với New Zealand thông qua hiệp ước ANZUS vì nước này không cho phép các tàu hạt nhân của Mỹ hoạt động trong vùng biển của họ. Hành động của Duterte đối với Mỹ còn tồi tệ hơn vậy, do đó, ít nhất cũng cần phải nhận một phản ứng tương tự.

Tại sao ASEAN chia rẽ trong vấn đề Biển Đôngcủa Nicholas Khoo

Từng được xem là tổ chức đa phương hình mẫu và là tác nhân thay đổi mang tính tích cực, giờ đây ASEAN lại đang trong tình trạng bị chia rẽ. Phán quyết của Tòa Trọng tài 7/2016 được xem là chiến thắng giành cho Philippines và các quốc gia ASEAN. Nhưng tại các cuộc họp từ 21 đến 26/7 tại Lào với cá đối tác ngoài ASEAN, sự chia rẽ trong vấn đề Biển Đông được thể hiện rất rõ nét.

Đâu là lý do? Đơn giản đó chính là lợi ích của Trung Quốc. Từ thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc nổi lên là quốc gia có ảnh hưởng bao trùm lên khu vực Đông Dương, đặc biệt là đối với Campuchia. Khi làm chủ tịch Luân phiên ASEAN, Campuchia đã từ chối đưa ra bất cứ điều gì liên quan đến Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong bản tuyên bố chung. Nếu không thể đưa ra tiếng nói mạnh mẽ trong vấn đề này giữa Trung Quốc với một số quốc gia tranh chấp ASEAN, thì đến lúc nào ASEAN mới có thể làm điều đó?

Mọi thứ gần đây còn làm xói mòn thêm tình trạng chia rẽ của ASEAN. Tổng thống mới đắc cử Philippines Duterte đã quyết định chủ động đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Trong khi đó, Singapore, quốc gia điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN trong suốt 3 năm qua, lại đang bị các quan chức ngoại giao Trung Quốc chỉ trích vì gài những bình luận liên quan đến Biển Đông.

Dù điều gì có xảy ra, chúng ta cũng không nên kỳ vọng Trung Quốc sẽ thay đổi cách tiếp cạnh này. Cuối những năm 1990, ASEAN đã mở rộng kết nạp Việt Nam, Myanamar, Lào và Campuchia. Điều trớ trêu là thời điểm đó có lập luận cho rằng mở rộng là điều cần thiết để tránh các quốc gia này rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc, gây chia rẽ Đông Nam Á. Thực tế đã kiểm nghiệm điều đó là sai. Kể từ khi mở rộng, có rất nhiều vấn đề đã làm trì hoãn sự đồng thuận tại các cuộc họp của ASEAN. Trong các cuộc thảo luận nội khối về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc,  mọi ngôn từ đều được một số quốc gia thông báo lại cho Bắc Kinh về lập trường của các quốc gia khác. Không khó khăn khi nhận định đó là Campuchia, Lào và Myanmar. Với các quốc gia này, hợp tác với Bắc Kinh còn quan trọng hơn so với nhũng ý tưởng hợp tác còn mơ hồ của ASEAN.

Một điều rất bất thường với một cường quốc như Trung Quốc lại có thể tiên phong tôn trọng các thỏa thuận có thể kiềm chế nước này, chẳng hạn như DOC. Hiếm khi các cường quốc trỗi dậy hòa bình, hay ít nhất là đối với một quốc gia từng là một đế chế, với lịch sử là các cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ, Nga và Việt Nam.

Mỹ và các đối tác khu vực không thể bình thản mà chứng kiến sự thành công của Trung Quốc trong việc chia rẽ ASEAN. Chính sách của Trung Quốc  có tác động lan tỏa đối với các quốc gia khác và đối với chính Trung Quốc. Với một ASEAN bị chia rẽ, tính ổn định của khu vực bị lung lay. Nếu ứng cử viên tổng thổng Mỹ sắp tới không có chính sách đối phó cân bằng với Trung Quốc, ASEAN sẽ lại tiệp tục là nạn nhân trong  chính sách thực dụng của Trung Quốc./.