Động thái quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 1/5 - 16/8 trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc trở lên. Từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông với lý do để bảo vệ nguồn cá. Việt Nam đã nhiều lần phản đối lệnh cấm đánh bắt cá này của Trung Quốc, bởi đi ngược lại tinh thần của DOC ở Biển Đông và trái với thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Quốc phản ứng Mỹ công bố Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc. Tại họp báo thường kỳ ngày 6/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, giống các Báo cáo trước đây, Báo cáo này có nhiều đánh giá không đúng sự thực về chính sách quốc phòng của Trung Quốc, bóp méo ý đồ chiến lược của Trung Quốc và tuyên truyền về mối đe dọa Trung Quốc, Trung Quốc kiên quyết phản đối. Trung Quốc thúc giục Mỹ từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh và quan niệm trò chơi tổng không đã lỗi thời, nhìn nhận một cách khách quan tính toán chiến lược và xây dựng quốc phòng của Trung Quốc, dừng việc hàng năm công bố các báo cáo thiếu trách nhiệm.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Indonesia bắt giữ tàu cá số hiệu BĐ 97916 TS. Ngày 1/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mời đại diện Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam lên làm việc và trao công hàm (tiếp theo công hàm ngày 28/4/2019) bày tỏ quan ngại của Việt Nam trước việc tàu Hải quân Indonesia thời gian gần đây liên tục khống chế, bắt giữ ngư dân, lai dắt tàu cá Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, phía Bắc của Đường phân định Thềm lục địa năm 2003. Trong công hàm ngày 1/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa nhắc lại đề nghị Chính phủ Indonesia tuân thủ nghiêm túc các quy định của UNCLOS năm 1982 , chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển của Indonesia chấm dứt và không lặp lại các hành động không phù hợp như vụ việc ngày 27/4, đối xử nhân đạo và thả tự do ngay cho 12 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam.

Việt Nam bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông. Về việc Trung Quốc áp dụng cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5-16/8 ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 4/5 khẳng định: “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của DOC ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”.

+ Philippines:

Philippines duy trì cách tiếp cận song phương với Trung Quốc về Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 29/4, Người Phát ngôn Tổng thống Philippines ông Salvador Panelo khẳng định đối thoại song phương là cách thức “hiệu quả nhất” để giải quyết tranh chấp biển, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục có hành động quyết đoán, “Không còn lựa chọn nào ngoài đàm phán bởi vì chúng tôi không muốn chiến tranh, chiến tranh xảy ra dù nhỏ hoặc lớn đều gây tổn thất cho hai bên, đặc biệt là đối với Philippines”. Theo ông Panelo, trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường” ở Trung Quốc hôm 27/4, Tổng thống Duterte đã nêu vấn đề Biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hai bên nhất trí cơ chế đàm phán song phương sẽ được tiến hành để giải quyết xung đột.

Tòa tối cao Philippines yêu cầu chính phủ bảo vệ môi trường Biển Đông. Tòa tối cao Philippines hôm 3/5 yêu cầu người đứng đầu những bộ chủ chốt, lực lượng tuần duyên, hải quân bảo vệ, bảo tồn và phục hồi môi trường biển tại một số thực thể có tranh chấp ở Biển Đông. Lệnh của Tòa Philippines áp dụng với ba thực thể, gồm bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, Tòa Philippines không đưa ra khung thời gian và không nói rõ cách thức các cơ quan Philippines thực thi yêu cầu.

+ Indonesia:

Indonesia đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp. Hôm 4/5, Indonesia bắt đầu đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài, trong đó có 38 tàu cá Việt Nam, tại một số địa điểm khác nhau. Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti tuyên bố: “Không có cách nào khác. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất cho chúng ta. Giải pháp này sẽ mang tính răn đe đối với các hành động đánh bắt trộm.” Trước đó hôm 1/5, qua tài khoản Twitter, bà Susi Pudjiastuti đề nghị Tổng chưởng lý và Chánh án Tòa án tối cao cho phép tiêu hủy thay vì cho bán đấu giá tàu cá bất hợp pháp. Bởi do chính sách bán đấu giá tàu trong năm vừa qua, hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của các tàu cá nước ngoài tại Natuna ngày càng gia tăng.

+ Malaysia:

Malaysia bắt giữ nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam sau chiến dịch 'Op Naga'. Bộ Nội vụ Malaysia hôm 18/5 cho hay, trong chiến dịch tuần tra Op Naga từ 2/5-16/5, cơ quan chức năng Malaysia đã bắt giữ 25 tàu cá và 123 ngư dân Việt Nam. Chiến dịch Op Naga do Cơ quan Chấp pháp Biển Malaysia tiến hành ở khu vực Pahang, Terengganu và Kelantan. Các vụ vi phạm sẽ điều tra theo Mục 15 (a) của Luật Ngư Nghiệp 1985 và Luật Nhập cư 1959/1963 của Malaysia.

+ Campuchia:

Trung Quốc viện trợ quốc phòng 90 triệu USD cho Campuchia. Trên Facebook hôm 29/4, Thủ tướng Campuchia Hunsen viết, “Trung Quốc luôn giúp đỡ Campuchia trở thành một quốc gia phát triển như hiện nay. Tôi muốn cảm ơn những người bạn Trung Quốc đã viện trợ 600 triệu NDT (tương đương 90 triệu USD) cho Campuchia để nâng cao năng lực quốc phòng.” Thủ tướng Hunsen vừa kết thúc chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, ông Hunsen đã hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Vương Hỗ Ninh.

+ Mỹ:

Mỹ cảnh báo hành xử cứng rắn với lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc. Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson hôm 28/4 cho biết ông đã nói với Phó Đô đốc Shen Jilong hồi tháng 1 rằng Mỹ sẽ đối xử với lực lượng tuần duyên hoặc dân quân biển của Trung Quốc theo đúng cách Washington đối xử với lực lượng hải quân bởi lực lượng này được sử dụng để thúc đẩy tham vọng quân sự của Bắc Kinh, “Tôi đã nói rất rõ rằng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thường kỳ và hợp pháp trên toàn thế giới, để bảo vệ các quyền, sự tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển và không phận dành cho tất cả các nước”. Lực lượng dân quân biển Trung Quốc bắt đầu tăng cường từ năm 2015 và được huấn luyện cùng với lực lượng hải quân và hải cảnh Trung Quốc.

Hoạt động song phương, đa phương

Trung Quốc - Lào cam kết xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh. Sau cuộc hội đàm ngày 30/4 tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachit đã ký Kế hoạch tổng thể về xây dựng đối tác cùng chung vận mệnh Lào - Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh năm 2019 là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Trung Quốc - Lào và quan hệ song phương hiện nay đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachit cho biết chính sách nhất quán của Lào là phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc. Việc ký Kế hoạch hành động sẽ thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh về khía cạnh nhân văn.

Tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn của Hải quân Việt Nam thăm Indonesia. Ngày 1/5, tàu buồm 286 Lê Quý Đôn đã cập cảng Tanjung Priok, Jakarta, bắt đầu chuyến thăm và giao lưu với Hải quân Indonesia. Chuẩn Đô đốc Tư lệnh căn cứ số 3, Hạm đội 1, Hải quân Indonesia, Denih Hendrata đã chào mừng đoàn và khẳng định sự hợp tác hải quân giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Dự kiến trong thời gian lưu lại Indonesia đến ngày 4/5, đoàn cán bộ, thủy thủ, học viên Hải quân Việt Nam sẽ có một số hoạt động thăm và giao lưu với Đại sứ quán Việt Nam và các đơn vị của Hải quân Indonesia.

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines diễn tập chung ở Biển Đông. Cuộc diễn tập từ ngày 2/5-8/5 có sự tham gia của tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence, tàu khu trục thăng Nhật JS Izumo, tàu khu trục Ấn Độ INS Kolkata, tàu tiếp nhiên liệu INS Shakti cùng tàu tuần tra Philippines BRP Andres Bonifacio. Các tàu tham gia diễn tập đội hình, thông tin liên lạc và tổ chức trao đổi cấp chỉ huy trên tàu JS Izumo. Chuẩn đô đốc Nhật Hiroshi Egawa cho biết bên cạnh xây dựng lòng tin và sự hiểu biết, cuộc diễn tập nhằm tăng cường hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.