Động thái quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc cảnh báo Mỹ không can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Philippines hôm 29/10, Ngoại trưởng Vương Nghị thúc giục Philippines và các nước ASEAN thận trọng trước sự can thiệp và cản trở từ bên ngoài, “Khi Trung Quốc và Philippines, cùng các nước ven biển ở Biển Đông đang hợp tác nhằm duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông, một số quốc gia ngoài khu vực đang làm những điều trái với nỗ lực của chúng ta.” Theo ông Vương, “Những nước ngoài khu vực đang phô trương sức mạnh ở các vùng biển khu vực. Chúng ta sẽ không cho họ bất kỳ cơ hội để khai thác.”

Tàu Trung Quốc hăm dọa tàu chiến Mỹ ở Biển Đông. Theo tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Anh hôm 29/10, tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C không chỉ áp sát sát mà còn đe dọa tàu USS Decatur trong vụ việc suýt va chạm ở Biển Đông hôm 30/9. Trong video chưa từng công bố, một thủy thủ Mỹ nói rằng chiến hạm Trung Quốc đang áp sát mạn trái USS Decatur ở khoảng cách 41 m và tìm cách buộc tàu Mỹ chuyển hướng. Trước đó, tàu Lan Châu cũng phát đi thông điệp cứng rắn, "Các bạn đang đi theo lộ trình nguy hiểm. Nếu không đổi hướng, các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả."

Tàu Trung - Nhật hành xử thân thiện trên Biển Đông. “Chào buổi sáng, rất vui được gặp các bạn", chỉ huy tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc gửi thông điệp vô tuyến tới tàu sân bay trực thăng JS Kaga khi con tàu này chạm mặt chiến hạm Nhật Bản trên Biển Đông cuối tháng 10. Việc tàu chiến hai nước liên tục gặp nhau trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ hành động của Tokyo trong khu vực. Các tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc từng bám đuôi biên đội tàu sân bay JS Kaga khi nó đi qua Biển Đông hồi cuối tháng 9.

Trung Quốc ngang nhiên vận hành trạm khí tượng ở Trường Sa. Ngày 31/10, Cục Khí tượng Trung Quốc tuyên bố chính thức đưa vào hoạt động các trạm khí tượng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, việc vận hành các trạm quan trắc trên là bước hoàn thiện quan trọng phục vụ công tác khí tượng hải dương ở khu vực Biển Đông, giúp giám sát thời gian thực và cảnh báo sớm cho các hoạt động đi biển, tìm kiếm cứu nạn. Trước những nghi ngại về mục đích quân sự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 1/11 khẳng định các cơ sở này chủ yếu sử dụng để đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đông, “Các thiết bị này cho phép Trung Quốc cung cấp hiệu quả hơn dịch vụ công cho các quốc gia ở Biển Đông”.

+ Philippines:

Philippines hy vọng đạt một thỏa thuận năng lượng với Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hôm 30/10 ở Singapore, Bộ trưởng năng lượng Philippines ông Alfonso Cusi lạc quan về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông sẽ được ký kết nhân chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11. Philippines đang cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò ở vùng biển tranh chấp mà Cựu Tổng thống Aquino áp đặt, điều đã ngăn cản việc hợp tác giữa tập đoàn PXP Energy và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, “Chúng tôi đang thảo luận và hy vọng sẽ giải quyết điều này trong chuyến thăm của chủ tịch Tập. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được các điều khoản và các hoạt động thực tiễn.” Trước đó hôm 29/10, theo Người Phát ngôn Tổng thống Salvador Panelo cho hay, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và Tổng thống Duterte, hai bên đã thảo luận về việc thăm dò chung và có khả năng ký 3 thỏa thuận về thăm dò chung tại Biển Đông.

.........

Bản PDF tại đây