Động thái của các quốc gia

 + Trung Quốc:

Trung Quốc tập trận rầm rộ ở Biển Đông. Website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo nước này tiến hành cuộc diễn tập quân sự từ 7 giờ ngày 29/8 đến 7 giờ ngày 4/9 tại Vịnh Bắc Bộ. Ít nhất một phần khu vực mà Trung Quốc diễn tập quân sự có diện tích tương đương 11.000 km2 này nằm hoàn toàn trong vùng biển VN, cụ thể là vùng đặc quyền kinh tế của VN. Thông báo của MSA còn ngang nhiên cấm tàu bè đi vào khu vực rộng lớn nói trên trong thời gian diễn ra cuộc diễn tập phi pháp.

Trung Quốc phiên chế tàu tiếp tế được trang bị công nghệ tiên tiến. Tân Hoa Xã hôm 1/9 đưa tin một chiếc tàu tiếp tế tối tân đã gia nhập Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tại thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Theo các nguồn tin quân sự, Hồ Hô Luân 965 là chiếc tàu đầu tiên thuộc loại tàu tiếp tế toàn diện loại mới được Trung Quốc phát triển độc lập.  Tàu này có khả năng tiếp tế cho một nhóm tàu sân bay hay hạm đội hải quân thông thường trên biển.

Trung Quốc thăm dò băng cháy tại Biển Đông. Reuters dẫn nguồn tin Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) đưa trên website của hãng này hôm 29/8 rằng Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, CNPC cùng tỉnh Quảng Đông của nước này đã đồng ý cùng nhau triển khai một dự án thử nghiệm về “băng cháy” ở Biển Đông. Việc thăm dò nguồn khí ở sâu dưới biển, còn gọi là “băng cháy”, sẽ được tiến hành ở vùng gọi là Thâm Hỗ trên Biển Đông, sau các cuộc thử nghiệm ban đầu hồi tháng 5. Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ về thời điểm cũng như khoản đầu tư tài chính để phát triển dự án này.

+ Việt Nam:

Đề nghị Trung Quốc chấm dứt các hành động làm phức tạp Biển Đông. Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:  “Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông.

+ Malaysia:

Malaysia bắt giữ 21 ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trái phép. Theo một thông báo mới đây của Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA), 2 tàu đánh cá cùng với 21 ngư dân Việt Nam đã bị cơ quan này bắt giữ do đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Malaysia. Theo ông Rahim, các ngư dân này đều không có giấy tờ hợp lệ và các thuyền cũng không có giấy phép đánh cá ở vùng biển Malaysia. 11.000 lít dầu diesel, 3 tấn cá và các dụng cụ, thiết bị đánh cá của 2 tàu cùng bị tịch thu.

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ lên lịch tuần tra trên Biển Đông. Tờ Wall Street Journal hôm 1/9 dẫn lời Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương cho biết Mỹ đã lên trước kế hoạch thực hiện 2-3 Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) trong một vài tháng tới, song không tiết lộ thời gian cũng như địa điểm cụ thể mà những hoạt động này sẽ diễn ra. Kế hoạch này đánh dấu bước phát triển mới của chính quyền Trump bởi dưới thời Obama, giới chức Mỹ thường tranh cãi gay gắt về thời gian, địa điểm, cũng như cách thức tiến hành FONOP. Những hoạt động FONOP dưới thời Obama thường bị huỷ hoặc bị trì hoãn vì những tranh cãi chính trị gay gắt trong nội bộ Mỹ. Ngoài ra, trong thời gian tới, ngoài các tàu quân sự, các máy bay quân sự cũng có thể tham gia vào FONOP.

Đô đốc Mỹ chỉ trích Trung Quốc xem nhẹ lợi ích các nước khác. Phát biểu tại bên lề một sự kiện ở Singapore hôm 28/9, Chuẩn Đô đốc Mỹ Don Gabrielson, Tư lệnh Lực lượng Tiếp vận Tây Thái Bình Dương, chỉ trích Trung Quốc đang hành động vì lợi ích riêng mà xem nhẹ các quốc gia khác, “Điều quan trọng là tất cả các bên có lợi ích trong khu vực hiểu rằng nếu thế giới không chung tay bảo vệ lợi ích của mình thì Trung Quốc sẽ làm mọi thứ để bảo vệ những gì mà nước này coi là lợi ích bất chấp điều này có thể tổn hại các nước khác. Trung Quốc chỉ quan tâm tới giá trị của Trung Quốc, và điều này đối với nước Mỹ là một vấn đề.” Theo ông Gabrielson, “Mỹ khuyến khích các quốc gia suy xét kỹ lưỡng về định hướng quan hệ tương lai bởi hệ thống hiện có được xây dựng thông qua tiến trình đàm phán lâu dài và không nên bị phá vỡ một cách đơn phương hay song phương”.

Quan hệ các nước

ASEAN và Trung Quốc họp Nhóm Công tác chung về triển khai DOC. Tại buổi họp báo ngày 29/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 22 Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về triển khai “Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) vào ngày 30/8 tại Manila, Philippines. Tại cuộc họp, các bên liên quan sẽ đi sâu trao đổi quan điểm về công tác triển khai DOC, thúc đẩy hợp tác thực chất trên biển và tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

 Hàn Quốc giành hợp đồng nâng cấp tàu ngầm Indonesia. Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin tập đoàn đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. của Hàn Quốc ngày 31/8 thông báo, tập đoàn này đã giành được hợp đồng trị giá 30 tỷ won (26.7 triệu USD) của Hải quân Indonesia để bảo dưỡng và nâng cấp một tàu ngầm. Theo hợp đồng trên, Daewoo sẽ hợp tác với hãng đóng tàu lớn nhất của Indonesia là PT.PAL để bảo dưỡng một tàu ngầm của Hải quân Indonesia tới năm 2020. Đầu tháng này, Daewoo đã bàn giao một tàu ngầm trọng tải 1.400 tấn chạy bằng điện - diesel cho Hải quân Indonessia, trở thành hãng đầu tiên của Hàn Quốc xuất khẩu tàu ngầm.  Đây là chiếc đầu tiên trong số 3 tàu ngầm mà Indonesia đặt mua theo một hợp đồng năm 2011 trị giá 1,1 tỷ USD.

Phân tích và đánh giá

Mỹ vẫn chưa để mất Biển Đông" của Tuan N. Pham

Thực tế là trong vài năm trở lại đây, sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã phai nhạt ít nhiều, nhất là trong quan hệ với một số đồng minh, đối tác và nhiều tổ chức. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả ấy, song chủ yếu đều liên quan tới cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc để giành lấy vị thế bá chủ khu vực, với Biển Đông là “chiến trường” thể hiện rõ nhất cuộc đối đầu này.

Washington phản ứng trước sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông với một chiến lược chú trọng đến sự kiềm chế và có phần mập mờ. Ban đầu, chính sách của Mỹ hướng đến việc thúc đẩy một mối quan hệ mang tính hợp tác với Trung Quốc, song sau đó lại chuyển sang chính sách nhằm kiềm chế quốc gia này do thái độ ngày càng tiêu cực và các mục tiêu vì lợi ích dân tộc của Bắc Kinh.

Nhiều nước Đông Nam Á đã đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc bằng cách theo đuổi một chiến lược an ninh nhằm tránh khỏi ảnh hưởng từ những bất ổn và biến động mà sự thù địch Mỹ-Trung có thể gây ra. Điều này vô hình trung tạo ra một bối cảnh địa chính trị nơi nhiều nước khu vực không sẵn lòng chọn lựa giữa Mỹ hay Trung Quốc và phản đối mọi sáng kiến được xem là có thể dẫn tới việc hình thành một liên minh đối trọng Bắc Kinh. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ thay đổi nếu Trung Quốc đi quá xa và gây quá nhiều sức ép.

Ảnh hưởng trong khu vực phai nhạt dần không phải là chuyện diễn ra trong một sớm một chiều mà là hệ quả của hàng loạt sự kiện trong suốt những năm gần đây. Nhiều người cho rằng việc Trung Quốc giành được quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough vào năm 2012 chính là khởi đầu cho cú trượt dốc về lòng tin của khu vực dành cho vai trò truyền thống của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh lại xem những phản ứng hời hợt của Mỹ trước các hành vi khiêu khích mà họ gây ra là cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu chiến lược tại Biển Đông.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, dù có những tụt lùi nhất định song Mỹ vẫn chưa hoàn toàn để mất Biển Đông. Biển Đông là một môi trường dễ biến động và những bước ngoặt chiến lược theo hướng có lợi cho Trung Quốc - như thay đổi trong chính sách đối ngoại của Philippines, thất bại của Manila và Washington trong việc vận dụng phán quyết của Tòa Trọng tài, quan hệ nồng ấm hơn giữa Bắc Kinh và Bangkok, sự gần gũi ngày càng lớn giữa Trung Quốc với Lào và Campuchia, việc Mỹ rút khỏi TPP… - không phải là vĩnh viễn. Các diễn biến địa chính trị và kinh tế sẽ tác động đáng kể tới quan điểm của các quốc gia khu vực. Tất cả những dấu hiệu như bất đồng nhen nhóm trong mối quan hệ Bắc Kinh-Manila, mâu thuẫn gia tăng giữa Việt Nam với Trung Quốc, thái độ tích cực hơn của Hà Nội với cựu thù Mỹ, sự cứng rắn của Jakarta trong vấn đề Biển Đông, liên minh Mỹ-Nhật Bản-Úc ngày càng phát triển,… hay sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và các thách thức về nhân khẩu học và nợ công mà nước này phải đối mặt, đều có thể là cơ hội để Mỹ tìm cách giành lại vị thế tiên phong chiến lược và giữ lại tầm ảnh hưởng khu vực vốn đang thu hẹp dần.

Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ ngày càng đậm chất diều hâucủa Simon Palamar

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn đang mơ hồ không biết Mỹ có thể giành chiến thắng tại chiến trường Afghanistan bằng cách nào thì ông lại gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng tới Trung Quốc, đó là: Mỹ sẽ bảo vệ các lợi ích của mình tại châu Á, và Trung Quốc đừng nên hy vọng sẽ được (Mỹ) đối xử đặc biệt hay hòa nhã.

Ngày 21/8 vừa qua, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu nêu rõ chiến lược của ông nhằm tiếp tục, và cuối cùng là "giành chiến thắng", trong cuộc chiến tại Afghanistan. Dù các phát biểu của ông Trump hôm 21/8 không thẳng thừng đề cập đến Trung Quốc như khi ông tranh cử tổng thống năm 2016, song ông đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ “đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới và là đối tác kinh tế, an ninh quan trọng của Mỹ”. Tổng thống Trump cũng nói rõ rằng quan hệ đối tác mới (của Mỹ) với Ấn Độ sẽ không chỉ đơn thuần nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan, mà còn nhằm theo đuổi “các mục tiêu chung về hòa bình, an ninh tại Nam Á và rộng hơn là tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Dù Ấn Độ còn thua kém Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao và quân sự, nhưng trong tương lai, nếu có nước nào có khả năng thách thức sự thống trị địa chính trị của Trung Quốc ở châu Á thì đó chỉ có thể là Ấn Độ. Ấn Độ và Trung Quốc về cơ bản là những đối thủ thầm lặng của nhau, song cũng có lúc xung đột giữa hai nước bùng phát mạnh mẽ. Hiện nay, Ấn Độ rất lo lắng về chính sách “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc, vốn hướng tới thiết lập Con đường Tơ lụa hiện đại nhằm kết nối vùng trung tâm của Trung Quốc với các thị trường thuộc châu Âu. Lịch sử quan hệ Trung-Ấn dù không đẫm máu và khốc liệt như quan hệ Trung-Nhật, nhưng xét từ một số phương diện, nguy cơ tiềm ẩn có thể cao hơn rất nhiều. Hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân này có tổng cộng hơn 2,5 tỷ dân và chiếm khoảng 18% nền kinh tế toàn cầu. Và thật khó để một trong 2 bên nhường vị trí thống trị chính trị ở châu Á (và theo đó là lợi ích kinh tế như tiếp cận thị trường) cho đối thủ còn lại.

Thời gian qua, Mỹ và Ấn Độ đã ngày càng xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trong khi Ấn Độ đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc thì việc tuyên bố rằng an ninh của Mỹ dựa một phần vào các quyết định được New Delhi đưa ra sẽ chẳng khác gì việc coi liên kết chính trị với Ấn Độ là chính sách chính thức của Mỹ. Cả Ấn Độ và Mỹ đều mong muốn Trung Quốc dừng tiến hành một số hành động nhất định - đây là logic cơ bản cho mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn dù mối quan hệ này có thể khó kiểm soát.

Đặt trong bối cảnh tuần trước Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của nước này với Triều Tiên, cam kết của Tổng thống Trump với Ấn Độ thật sự là một tín hiệu mạnh mẽ rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ ngày càng đậm chất “diều hâu” hơn.

Mục đích của sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ đối với ASEAN" của Dmitry Bokarev

“Con đường tơ lụa mới” (sáng kiến “Vành đai và Con đường”) của Trung Quốc hàm chứa việc tạo ra một mạng lưới giao thông rộng lớn và dày đặc bao trùm toàn bộ lục địa Á-Âu. Tuy nhiên, một trong những khu vực quan trọng nhất trong sự phát triển của sáng kiến này đối với Trung Quốc chính là 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Để kết nối Trung Quốc với ASEAN, thì cần thiết phải xây dựng tuyến đường sắt Côn Minh - Singapore, sẽ bao trùm toàn bộ Bán đảo Đông Dương. Mạng lưới đường sắt Côn Minh-Singapore chắc sẽ kết nối Trung Quốc với các quốc gia thành viên ASEAN nằm trên Bán đảo Đông Dương. Tuyến đường này sẽ đi qua Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và tất nhiên đi đến Singapore. Tuyến đường này sẽ trở thành hệ thống vận tải trên bộ quan trọng nhất tại châu Á.

Vào tháng 12/2016, việc xây dựng đoạn tiếp theo của tuyến đường Côn Minh - Singapore đi qua Lào đã được tiến hành từ trạm kiểm soát Mohan đến Vientiane của Lào. Đối với Lào, thì đây là một dự án đầu tư lớn nhất và điều này sẽ góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế và xã hội của nước này.

Thái Lan cũng đang hợp tác với Trung Quốc. Tháng 12/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai. Trong một loạt các vấn đề hợp tác song phương, 2 Bộ trưởng đã thảo luận về dự án đường sắt Trung Quốc - Thái Lan. Sau cuộc họp, Vương Nghị và Don Pramudwinai đã thông báo với báo giới rằng cả hai nước coi dự án này là một phần quan trọng của sự hợp tác Trung Quốc - Thái Lan.

Indonesia cũng nằm trong mối quan tâm của công ty đường sắt Trung Quốc. Vào tháng 1/2016, tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng 140 km đường sắt cao tốc từ thủ đô Jakarta tới thành phố Bandung, một trong những thành phố lớn nhất của Indonesia. Vì Indonesia là một trong những nước phát triển nhất của ASEAN, nên việc hợp tác với Trung Quốc là một bước đi quan trọng đối với Trung Quốc trong thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Cùng lúc đó, Trung Quốc đang phát triển hệ thống đường sắt trong lãnh thổ của mình. Vào cuối tháng 7 năm 2017, đoàn tàu chở khách mang tên "Con đường cổ đại từ Đế chế Tang (Tây Tạng) tới Ấn Độ" bắt tay vào cuộc hành trình đầu tiên từ Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng đến thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, Shigatse. Việc đưa Tây Tạng vào trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” không chỉ vì mục tiêu phát triển khu vực hẻo lãnh này mà còn đảm bảo sự hội nhập mạnh mẽ hơn của Tây Tạng vào Trung Quốc.

Tác động tương tự cũng được kỳ vọng từ việc phát triển hệ thống đường sắt ở khu tự trị Tân Cương. Nhờ có sáng kiến “Vành đai và Con đường”, việc kêu gọi ly khai này có thể sẽ sớm kết thúc. Với sự phát triển của dự án này, khu tự trị Tân Cương có thể chờ đợi một sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có.

Các tuyến đường sắt mới ở các nước ASEAN sẽ dẫn tới sự tăng trưởng đáng kể thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Đồng thời, hệ thống cơ sở hạ tầng mới và nền kinh tế của các nước này sẽ liên quan chặt chẽ với Trung Quốc và sáng kiến “Vành đai và Con đường", điều này sẽ biến Trung Quốc trở thành đối tác chính và có ảnh hưởng nhất của các nước ASEAN.

Kế hoạch giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Biển Đông của Trung Quốc" của James Holmes

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vũ Toàn tuyên bố rằng Trung Quốc cần phải sẵn sàng đương đầu với một “cuộc chiến dân sự trên biển”. Mục đích của chiến dịch này là nhằm “đảm bảo chủ quyền” sau phán quyết không có lợi cho Bắc Kinh của Tòa Trọng tài ở La Haye. Nói cách khác, là một cường quốc duyên hải, Trung Quốc không đơn giản chấp nhận để những nước láng giềng nhỏ bé hơn nắm quyền kiểm soát những vùng biển trọng yếu, và điều mà họ muốn là hoàn toàn thâu tóm những khu vực này.

Thực tế là Trung Quốc không dùng luật pháp để củng cố cho các hành động của mình. Trung Quốc có thể xâm chiếm, dùng vũ lực hoặc dùng sự hiện diện về mặt quân sự để đạt được các mục tiêu của mình. Các nước Đông Nam Á và đồng minh bên ngoài cần đặc biệt lưu tâm tới tuyên bố của Bộ trưởng Thường Vũ Toàn, cân nhắc mọi khả năng và nguy cơ, thậm chí là xung đột ở Biển Đông.

Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên truyền với dư luận tại quốc gia này rằng họ sẽ dùng sức mạnh để sửa chữa những sai lầm của lịch sử và giành lại những gì mà họ đã để mất. Những phát biểu của giới chức không chỉ kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mà còn khiến họ tự “mua dây buộc mình”. Chính họ đã tự tạo ra cho dư luận quá nhiều kỳ vọng sai lầm. Việc thay đổi những kỳ vọng này gần như là không thể. Nếu Bắc Kinh giảm bớt các tuyên bố chủ quyền trên biển vào thời điểm này, dư luận Trung Quốc sẽ ngay lập tức đánh giá giới lãnh đạo là những kẻ yếu kém, đầu hàng và hy sinh lãnh thổ, thất bại trong việc trả thù cho một thế kỷ bị sỉ nhục. Không một nhà lãnh đạo nào muốn ở trong tình thế đó. Và đó thực sự là một điều rất nguy hiểm.

Nhìn vào những phát biểu của Bộ trưởng Thường Vũ Toàn, chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” này thực sự đã có hiệu quả. Trung Quốc triển khai Lực lượng Tuần duyên và tàu đánh cá dân sự có vũ trang tới các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền. Điều này không chỉ là cách để thể hiện chủ quyền của họ ở Biển Đông mà còn đe dọa và cảnh cáo các đối thủ. Có thể nói, với cách làm này, dù không phải thực sự viện đến vũ lực, Trung Quốc vẫn có thể dần dần từng bước khẳng định chủ quyền của mình. Một khi đã trở thành một sự bình thường mới, Trung Quốc thậm chí còn có thể hợp pháp hóa các tuyên bố của mình và lấn át các quốc gia khác trong khu vực.

Chiến tranh nhân dân có thể xem là cách để chiến thắng một đối thủ mạnh mẽ hơn. Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc có thể chiến thắng ngay cả nếu họ yếu thế hơn Mỹ và liên minh mà cường quốc này xây dựng.

Thực tế là “phòng thủ chủ động”, khái niệm mà Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông dùng để nói về cuộc chiến tranh nhân dân, chính là cốt lõi trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh phải tìm hiểu truyền thống và cách thức Trung Quốc vận hành lực lượng quân sự, tự đặt mình vào vị thế của Trung Quốc để dự đoán những bước đi tiếp theo của cường quốc đang trỗi dậy này.

Hiểm ý mới của Trung Quốc ở Biển Đông của Steve Mollman

 

Năm 2012, Trung Quốc giành quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough từ Philippines, nhanh chóng đẩy quan hệ hai nước tới chỗ vô cùng căng thẳng. Hồi chuông báo động lại một lần nữa gióng lên hồi đầu tháng này Trung Quốc đưa tàu tới bãi cát Sandy Cay (Đá Tri Lễ), gần đảo Thị Tứ (Pag-asa) mà Philippines đang kiểm soát ở Trường Sa.

Thực tế chính phủ hai nước Trung Quốc và Philippines khá kín tiếng về vụ việc nói trên. Sự thận trọng của giới ngoại giao Philippines cũng tương đồng với thái độ của Tổng thống Rodrigo Duterte khi ông trấn an dư luận vài ngày trước đó. Tuy nhiên, các phát biểu không làm yên lòng hoàn toàn dư luận Philippines. Nhà lập pháp Gary Alejano, người từng công bố các bức ảnh chụp tàu Trung Quốc trong một phiên điều trần tại Quốc hội, cho biết các tàu này thậm chí còn chặn cả một tàu của Cục Ngư nghiệp và Tài nguyên Biển Philippines.

Antonio Carpio, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines từng phát biểu hôm 19/8: “Sandy Cay là một vùng lãnh thổ của Philippines đang bị xâm chiếm, hoặc thẳng thắn hơn là đang bị Trung Quốc xâm lược. Nếu Trung Quốc có thể xác lập chủ quyền tại Sandy Cay, họ sẽ coi Đá Subi là thuộc vùng lãnh hải của Sandy Cay, qua đó hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền với Đá Subi”. Theo nhà nghiên cứu Conor Cronin của AMTI, Đá Subi vốn là một thực thể nổi khi triều xuống, và bãi cát Sandy Cay nằm trong phạm vi 12 hải lý của cấu trúc này. Theo phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague, Đá Subi có thể coi là điểm cơ sở để xác định lãnh hải của bãi cát Sandy Cay.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Trung Quốc hiện chưa quá quan tâm tới việc chiếm bãi cát Sandy Cay vào thời điểm này, song họ có thể sẽ tìm cách để sở hữu nó trong tương lai. Giáo sư ngành luật Julian Ku, hiện đang làm việc tại Đại học Hofstra ở New York, bình luận: “Tôi cho rằng trong tương lai nếu Trung Quốc và Philippines có thể tiến tới thỏa thuận chia sẻ chủ quyền một số hòn đảo và đá, Trung Quốc sẽ rất muốn có được Sandy Cay nếu không thể chiếm đảo Thị Tứ”. Ông cũng cho rằng Trung Quốc sẽ dùng việc bao vây Sandy Cay, hoặc đơn giản là triển khai một đội tàu nhỏ gần đó để giám sát tình hình khu vực và các hành động của Philippines, hoặc xa hơn là của Mỹ. Ông nói: “Xét về mặt pháp lý, Philippines tuyên bố chủ quyền tại Sandy Cay, và nếu họ cho phép Trung Quốc chiếm đóng khu vực này… thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy Philippines cũng sẽ không phản đối việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng khu vực”.

Một trong những giả thuyết được nhiều chuyên gia nhắc đến là Trung Quốc đang tìm cách đe dọa Philippines vì nước này chuẩn bị triển khai việc xây dựng tại Sandy Cay và củng cố sự hiện diện tại đảo Thị Tứ.

Cho dù ý đồ thực sự của Trung Quốc là gì đi chăng nữa thì rõ ràng họ cũng đang châm ngòi cho một điểm nóng mới trong khu vực vốn đã hiếm khi sóng yên biển lặng này./.