I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc xây căn cứ không quân Thủy Môn. Trung Quốc sắp hoàn tất việc xây dựng một căn cứ không quân trên một quả đồi ở khu vực phía bắc tỉnh duyên hải miền đông Phúc Kiến. Chiến đấu cơ J-10, Su-30, máy bay tấn công không người lái và tên lửa S-300 được triển khai tại đây. Theo các quan chức tình báo Đài Loan, sự bố trí đó có thể chỉ nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc trong trường hợp xung đột nổ ra ở khu vực Biển Đông. Động thái cũng có thể nhắm mục đích kiềm giữ chiến hạm và chiến đấu cơ Nhật Bản và Hoa Kỳ ở vùng biển Hoa Đông.

Trung Quốc rút bớt tàu ở bãi cạn Scarborough. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 28/5 cho số lượng tàu Trung Quốc triển khai tại bãi cạn Scarborough đã giảm xuống còn 35 chiếc. Trong đó, có 6 tàu của chính phủ Trung Quốc, 12 tàu đánh cá và 17 thuyền tiện ích. Manila hiện đang duy trì 2 tàu của chính phủ trong khu vực bãi cạn Scarborough – 1 tàu của Cảnh sát biển Philippines và 1 của Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản (BFAR).

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không tham dự Shangri-La lần thứ 11. Trong cuộc họp báo hôm 31-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, thượng tá Dương Ngọc Quân, cho biết Bắc Kinh cử trung tướng Nhiệm Hải Tuyền, Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc làm trưởng đoàn đi dự đối thoại Shangri-La năm 2012.

“Từ tầm chiến lược ứng phó với thách thức trên biển” của Trần Hướng Dương, viện phó viện chính trị thế giới, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Đương đại Trung Quốc. Hiện nay tình hình an ninh biển xung quanh Trung Quốc nổi cộm, tranh chấp biển liên tục nổi lên. Một là Mỹ điều chỉnh chiến lược Châu Á-TBD, liên tục tổ chức diễn tập quân sự với các nước xung quanh Trung Quốc. Hai là hiện nay ba vùng biển lớn của Trung Quốc đều không yên bình. Ứng phó với thách thức trên biển cần 6 phương châm chiến lược: Một là lấp chỗ trống chiến lược. Hai là đối xử khác nhau với ba loại lực lượng biển. Ba là phân biệt mâu thuẫn biển giữa Trung-Mỹ và Trung Quốc với các nước láng giềng. Bốn là phân loại xử lý tranh chấp biển. Năm là điều chỉnh phương châm 12 chữ “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” để phù hợp xu thế thời đại. Có thể nhấn mạnh “chủ quyền đương nhiên thuộc về ta, duy trì tranh chấp mang tính giai đoạn, gấp rút tự khai thác.” Sáu là kiện toàn cơ chế thể chế chiến lược kinh tế biển. [1]

“Cần có một phiên bản Shangri-la của Trung Quốc” của Tương Lai Hân, Giáo sư Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Geneva Thụy Sĩ. Diễn đàn Shangri-la sắp tới là diễn đàn an ninh quốc phòng quan trọng nhấp ở khu vực châu Á-TBD. Về lâu dài, Trung Quốc cần xây dựng một diễn đàn an ninh biển đa phương tại khu vực, diễn đàn này không chỉ giới hạn trong vấn đề Biển Đông mà bao gồm cả đảo Điếu Ngư, 4 đảo phía Bắc Trung Quốc. Quan trọng hơn là diễn đàn này không chỉ thể hiện ý chí của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề mà còn tác dụng kiềm chế một số nước muốn gây chuyện với Trung Quốc. Xét về quân sự thì đây là thượng sách không đánh mà khiến người khác khuất phục, chí ít cũng là kế hoãn binh hiệu quả. [2]

Tàu chiến mới của Trung Quốc sẽ thay đổi “cuộc chơi”? Tàu tấn công đổ bộ đa chức năng (LHD) có độ choán nước 22.000 tấn đang được Trung Quốc phát triển. Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) lần đầu tiên tiết lộ thiết kế của chiếc tàu chiến “khủng” mới nhất của họ tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2012 diễn ra ở Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng 3. Tàu tấn công đổ bộ Type 081 có chiều dài 211m, có thể mang theo 8 trực thăng trên boong, 4 trực thăng và tàu đệm không khí trong nhà chứa máy bay cùng với 1.068 lính thủy đánh bộ.

+ Việt Nam:

Việt Nam diễn tập thực binh bắn đạn thật trên biển. Sáng 31-5, Trung đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5) tổ chức diễn tập bắn đạn thật “Mục tiêu vận động trên biển” khu vực huyện Phù Mỹ (Bình Định). Đợt diễn tập nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện và khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu, trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của đội ngũ cán bộ các cấp. Đặc biệt, kiểm nghiệm khả năng tăng cường phòng thủ biển đảo của Tổ quốc.

Việt Nam góp phần vào thành công chung của ADMM-6. Ngày 29/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) đã kết thúc tốt đẹp tại Campuchia. Tại hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh...Trong quá trình đàm phán hòa bình, quan điểm của Việt Nam là những tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết. Còn những tranh chấp đa phương, giữa nhiều nước, nhiều bên, phải giải quyết đa phương, nỗ lực tìm kiếm giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được.”

+ Phi-líp-pin:

Philippines chính thức có Đại sứ ở Trung Quốc. Hôm 30/5, Ủy ban Bổ nhiệm Thượng viện Philippines phê chuẩn bà Sonia Brady lần thứ hai nắm chức Đại sứ tại Trung Quốc. Bà Sonia Brady từng là đại sứ ở Bắc Kinh từ năm 2006 đến 2010.

Philippines kêu gọi Trung Quốc thực hiện ‘sự kiềm chế.’ Phát ngôn viên tổng thống Philippines Edwin Lacierda hôm 2/6 đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc thực hiện những gì đã thỏa thuận, cụ thể là việc kiềm chế, "Chúng tôi đã kiềm chế và thận trọng trong các tuyên bố của mình. Sẽ tốt nếu phía Trung Quốc cũng giúp báo chí của nước mình... nhằm tránh gieo mầm mống căng thẳng không cần thiết giữa hai quốc gia." Tuyên bố này được đưa ra sau khi một tờ báo Trung Quốc đăng xã luận chỉ trích việc Manila tuyên bố chủ quyền với các đảo mà họ cho là thuộc Trung Quốc.

+ Mỹ:

Mỹ ‘quan ngại’ về cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên lề một phiên họp trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á diễn ra ở thủ đô Bangkok-Thái Lan, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Susan M. Collins nói Washington đang ngày càng quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Bà Collins gọi những động thái gần đây của Trung Quốc là ‘phiêu lưu liều lĩnh’, “Đòi hỏi chủ quyền của họ (Trung Quốc), vốn không được xác định rõ ràng ở nhiều chỗ, làm cho việc giải quyết vấn đề trở nên rất khó khăn.” Trao đổi với các diễn giả khác trong phiên thảo luận, Thượng nghị sỹ Collins cũng đổ lỗi cho Trung Quốc ‘đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực’.

'Mỹ không ủng hộ đàm phán song phương Biển Đông' Hai thượng nghị sĩ (TNS) John McCain và Joseph Lieberman cho biết, chính phủ Mỹ không ủng hộ giải pháp đa phương của Trung Quốc nhằm giải quyết các mâu thuẫn đang gia tăng ở Biển Đông. Hai TNS, đang ở Malaysia trong khuôn khổ chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương, kêu gọi các cuộc thương thảo đa phương giữa các nước có liên quan ở Biển Đông theo như đề xuất của ASEAN. Theo TNS Lieberman, Mỹ không tìm cách đối đầu hay kiềm chế Trung Quốc, nhưng sẽ không đơn giản chấp thuận bất cứ điều gì Trung Quốc khẳng định, "Đó là một nguyên tắc nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ nhằm bảo vệ tự do và an ninh hàng hải trên biển. Chúng tôi không nhất trí với khẳng định rằng, Trung Quốc có chủ quyền với hầu hết Biển Đông.”

Châu Á - TBD là trọng tâm chính của Hải quân Mỹ. Ngày 29/5, phát biểu trước các quân nhân vừa tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định xây dựng lực lượng Hải quân Mỹ hùng mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm chính mà các sỹ quan hải quân Mỹ thế hệ mới cần phải hướng đến. Ông Panetta nhấn mạnh nhiệm vụ của họ là tập trung củng cố và tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, đổi mới và phát triển mối quan hệ vững mạnh với các đồng minh truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như xây dựng quan hệ đối tác mới với các nước trong khu vực.

Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự ở Châu Á. Trước khi lên đường tới Singapore trong chuyến công du tới châu Á, ông Panetta hôm 31/5 cho biết, Kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á và xa hơn sẽ được thực hiện cùng với sự hợp tác của các đồng minh và đối tác Mỹ mà không cần xây dựng thêm các căn cứ thường trực mới. "Chúng tôi đang thực thi một chiến lược rất mới trong khu vực này. Chúng tôi đang rời bỏ chiến lược Chiến tranh Lạnh vốn dựa trên việc xây dựng các cơ sở thường trực và về cơ bản chỉ áp đặt quyền lực của mình lên khu vực". Với cách làm này, chi phí cho hoạt động quân sự sẽ thấp hơn nhiều so với việc thiết lập các căn cứ thường trực, đồng thời gây ít quan ngại chính trị tại các quốc gia đối tác.


Mỹ công bố chi tiết chiến lược quân sự tại châu Á. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11 tại Singapore ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, Mỹ sẽ tái bố trí hạm đội hải quân với mục tiêu đến năm 2020, có 60% tàu chiến Mỹ hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương. Sáu trong số 11 tàu sân bay của Mỹ cùng phần lớn các tàu tuần dương, các tàu khu trục, tàu chiến tuần duyên và tàu ngầm sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định việc tăng số lượng cũng như quy mô các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương tại khu vực. Ông Panetta bác bỏ những nhận định cho rằng việc chuyển hướng trọng tâm quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm kiềm chế vai trò của Trung Quốc tại khu vực.

+ Ma-lai-xi-a:

Malaysia ủng hộ giải pháp hòa bình của Philippines. Theo người phát ngôn của Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay, trong cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Philippines ngày 29/5, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Malaysia ủng hộ phương thức giải quyết hòa bình của Philippines dựa trên luật pháp quốc tế đối với tranh chấp bãi cạn Scarborough.

+ In-đô-nê-xi-a:

Tổng thống Indonesia ‘Biển Đông là vấn đề chú ý đặc biệt’ Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11 ở Singapore, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói rằng: “Không cần phải chờ đợi các giải pháp đối với tranh chấp lãnh thổ, chúng ta vẫn có thể tìm kiếm các phương thức nhằm biến đổi các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông thành những hoạt động hợp tác tiềm năng. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ. Mất tới 10 năm để hoàn thành Tuyên bố Ứng xử ở Biển Đông. Không nên mất thêm 10 năm nữa để Nhóm công tác ASEAN-Trung Quốc hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử; chúng ta hy vọng họ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc này.”

II. Quan hệ các nước

Khai mạc Đối thoại quốc phòng Shangri-La lần thứ 11. Tối 1/6, Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11 đã khai mạc tại Singapore với sự tham gia của nhiều vị bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng cấp cao và học giả tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị năm nay có sự tham gia của đại diện 28 nước châu Á-Thái Bình Dương cùng các quan chức Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Chủ đề thảo luận của hội nghị kéo dài 3 ngày này gồm các chương trình hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó thảm họa thiên nhiên.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Campuchia. Sáng 29/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 đã khai mạc tại Cung Hòa Bình với sự tham dự của 10 nước thành viên, dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN đương nhiệm. Đoàn Việt Nam dự hội nghị do Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu.

Việt Nam-Trung Quốc trao đổi về hợp tác trên biển. Hai nước đã tổ chức đàm phán Vòng I Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển từ ngày 29-30/5/2012 tại Bắc Kinh. Hai bên đã trao đổi ý kiến về việc triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; tìm kiếm cứu nạn trên biển; phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức vòng đàm phán lần thứ II tại Việt Nam vào nửa cuối năm nay.

Hải quân Mỹ, Indonesia tập trận hải quân chung. Cuộc diễn tập 9 ngày mang tên “Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng Trên biển 2012” (CARAT 2012) diễn ra một số khu vực ở Đông Java. Hải quân Mỹ triển khai 830 lính thủy đánh bộ cùng ba tàu hải quân là USS Germantown (LSD-42), USS Vandegrift (FFG-48) và USCG Waesche trong khi phía Indonesia điều động ba tàu chiến, máy bay giám sát hải quân cùng với sự tham gia của khoảng 1.244 binh sĩ. Cuộc tập trận này nhằm mục đích cải thiện các mối quan hệ và khả năng tác chiến quân sự giữa hải quân hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm 3/6 bắt đầu chuyến thăm Việt Nam nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Theo kế hoạch, ông Panetta sẽ ghé thăm USNS Richard E. Byrd, tàu vận tải đang được sửa chữa tại xưởng đóng tàu Cam Ranh. Sau lễ đón chính thức vào sáng 4.6, ông sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chuyến thăm Việt Nam của ông Panetta kéo dài tới hôm 5/6.

Philippines và Trung Quốc nhất trí kiềm chế tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã gặp gỡ người đồng nhiệm phía Philippines, ông Voltaire Gazmin, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Campuchia hôm 28/5. Đây cũng là cuộc gặp gỡ ở cấp cao nhất giữa giới chức hai chính phủ nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương kể từ khi nổ ra vụ việc bãi cạn Scarborough cách đây gần 2 tháng. Ông Gazmin hôm 29/5 cho biết, hai bên đã thống nhất cần tránh những hành động và tuyên bố khiêu khích, đồng thời đảm bảo duy trì các kênh thông tin.

Trung Quốc hỗ trợ Campuchia củng cố quốc phòng. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, ngày 28/5 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, đã ký Nghị định thư về hợp tác song phương, theo đó Trung Quốc sẽ giúp Campuchia 19 triệu USD để củng cố quốc phòng. Sau cuộc hội đàm và lễ ký, ông Tea Banh cho biết, “Sự trợ giúp của Trung Quốc góp phần rất lớn vào việc xây dựng năng lực phòng thủ quốc gia của quân đội Campuchia, hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Camphuchia đã thực sự được nâng cao.”

III. Phân tích và đánh giá

“Lối thoát nào cho bế tắc ở Scarborough?” của Mark Valencia. Cuộc đụng độ Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough có vẻ giống như một câu cách ngôn “cơn bão trong tách trà”. Cuộc đối đầu ấy trở thành một phép thử cho sự đoàn kết đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với kết cấu của liên minh Mỹ - Philippines và với sức mạnh chính trị của Mỹ trong khu vực. Tới thời điểm này, Mỹ tỏ ra rất thận trọng và Philippines thì cảm thấy thất vọng - kiểu như một số người nói là "mồ côi" chính trị và giới lãnh đạo Manila khá lúng tung vì thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cũng như ASEAN. Philippines đã nhận thức muộn màng rằng, cả Mỹ và ASEAN có những lợi ích riêng liên quan tới Trung Quốc - cả về chính trị và kinh tế - và đó mới là ưu tiên. Dĩ nhiên, tranh chấp có thể phai mờ dần mà không có một giải pháp. Nhưng kể cả khi như vậy, nó cũng đã tiết lộ phần nào mục đích của Trung Quốc, cách giải quyết của Mỹ, sự cố kết ASEAN và vai trò cũng như quy định của luật pháp quốc tế trong những vấn đề như vậy. Có lẽ, cuối cùng, hợp tác là cách thoát khỏi bế tắc. Nếu không, khu vực cần chuẩn bị cho những cuộc xung đột nhiều hơn, tồi tệ hơn sẽ xảy ra.

“Biển Đông: Sân khấu phô diễn sức mạnh của hai cường quốc” của Mark Mackinnon. Một số người nói rằng, Biển Đông là phiên bản hàng hải của Trung Á trong “Cuộc chơi Lớn” thế kỷ 19 khi các đế chế sử dụng những đội quân ủy nhiệm mà không bao giờ đi vào xung đột trực tiếp. Ở Trung Á thời cũ là cuộc so tài giữa Anh và Nga. Còn ở Biển Đông ngày nay, đó là vũ đài của những siêu cường - Trung Quốc và Mỹ - cạnh tranh tại một vùng biển sản xuất khoảng 1/10 sản lượng cá thế giới, chiếm 1/3 giao thương đường biển thế giới. Cuộc đối đầu tại bãi cạn Scarborough cho thấy vấn đề trước mắt là chuyện tàu thuyền bên nào được phép đánh bắt cá. Nhưng đằng sau những lý lẽ ấy là hàng loạt lợi ích phức tạp khác. Một bên là Trung Quốc trỗi dậy đang cố gắng giành được yêu sách chủ quyền với toàn bộ 3,5 triệu km vuông Biển Đông và một bên là những đối thủ nhỏ hơn trông chờ sự hỗ trợ hay bảo vệ từ nước Mỹ.

“Cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng ở châu Á” của Conn Hallinan. Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực làm gia tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Đài Loan đang mua bốn tàu khu trục có tên lửa dẫn đường loại Perry do Mỹ sản xuất, Nhật Bản đã chuyển phần lớn lực lượng quân sự của họ từ các hòn đảo phía bắc sang phía nam, đối diện với Trung Quốc. Philippines bỏ ra gần 1 tỉ đô la để mua máy bay và radar mới trong khi Úc cũng đang tái định hướng quốc phòng về phía đối mặt với Trung Quốc. Lập trường mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã gây căng thẳng với Việt Nam, Philippines, Brunei, và Malaysia. Sự căng thẳng ở châu Á là có thật, nếu không phải nói là gay gắt và sâu xa như các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả. Câu hỏi thực sự là, liệu châu Á có thể lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà không làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng và với kết quả là sự bất ổn chính trị có khả năng theo sau?

“Trung Quốc đang hiếu chiến hơn ở Biển Đông?” của Jane Perlez. Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trong tranh chấp Biển Đông vẫn là một câu hỏi được để ngỏ. Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang dâng cao trong vấn đề Biển Đông và bản thân chính phủ nước này dường như cũng đang bị chia rẽ, ít nhất là ở khía cạnh chiến thuật. Các nhà ngoại giao phương Tây nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong khi tỏ ra cứng rắn thì vẫn muốn tìm kiếm một giải pháp cho cuộc tranh cãi với Phi-líp-pin, có thể liên quan đến hoạt động hợp tác chung giữa các công ty khai thác của hai quốc gia. Theo nhận định của Shi Yinchong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin Bắc Kinh, “Nếu các lãnh đạo Trung Quốc ngả theo quan điểm người dân nước này, thì chính sách về Biển Đông và về Đông Nam Á của Trung Quốc sẽ trở nên rất hiếu chiến.”

“Nhật Bản cần xây dựng năng lực an ninh cho ASEANcủa TS. Ken Jimbo. Nhật Bản mong muốn duy trì một cán cân quyền lực có lợi cho nước này tại Biển Đông, không chỉ vì đây có các tuyến đường biển quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản mà còn vì tranh chấp hàng hải và thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN được sử dụng như hình mẫu trong việc giải quyết tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Biển Hoa Đông. Trước tiên, Nhật Bản đang tích cực tham gia vào các cuộc tập trận và hoạt động huấn luyện chung tại khu vực Đông Nam Á. Thứ hai, Nhật Bản tăng cường hỗ trợ năng lực an ninh cho ASEAN bằng việc tăng cường viện trợ ODA cho khối này. Cuối cùng, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng cường xuất khẩu trực tiếp vũ khí nhằm hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng quốc phòng của các nước ASEAN. Tuy nhiên, Nhật Bản cần có chiến lược rõ ràng hơn nhằm thúc đẩy việc xây dựng năng lực cho các nước ASEAN. Giúp xây dựng năng lực quốc phòng của ASEAN nhưng cũng cần tránh những rắc rối an ninh không cần thiết với Trung Quốc đòi hỏi Nhật Bản cần có một hành động cân bằng khôn khéo.

“Canada và bài toán Biển Đông” của James Manicom. Khi chính phủ Canada dịch chuyển trọng tâm về Châu Á, tranh chấp Biển Đông chính là một thách thức mà nước này phải đối mặt. Chính phủ của ông Harper đã đưa ra quyết định rõ ràng khi hợp tác cùng các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, bởi Canada đang cố gắng tận dụng nửa thứ hai của “kỷ nguyên châu Á.” Ottawa không giấu giếm việc tập trung can dự trong các vấn đề kinh tế, như một phần của chiến lược đa dạng hóa thị trường ngoài thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Ottawa tỏ ra khiên cưỡng trong các vấn đề an ninh, đặc biệt là trong các câu hỏi an ninh xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đang ngày càng hòa nhập cùng với các quy chuẩn quốc tế, nhưng cũng giống như các nước khác, nước này sẽ đi chệch hướng khi mà các lợi ích của họ bị ảnh hưởng, đặc biệt khi các lợi ích cốt lõi bị đe dọa. Do đó, những ủng hộ ngoại giao của Canada về vấn đề Biển Đông, trong thực tế, sẽ ít có tác dụng trong điều chỉnh cách hành xử của Trung Quốc. Một tuyên bố công khai từ phía Canada nhằm ủng hộ lập trường của Mỹ-Nhật trong vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông, có thể làm tăng thêm lập luận dân tộc chủ nghĩa đang phổ biến tại Trung Quốc, cho rằng các nước phương Tây cố áp đặt ý chí của họ lên Trung Quốc. Vì vậy, tiếp tục tỏ ra mơ hồ về vấn đề Biển Đông, tuy có thách thức, nhưng có thể là cách tốt nhất cho Canada.


“Bộ trưởng QP Mỹ và chiến lược xoay trục với châu Á” của David Alexander. Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương bất ổn bởi những căng thẳng nổi lên quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, ông Panetta đã bay tới Hawaii gặp gỡ người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ trước khi đáp đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La. Ông Panetta sẽ phải cẩn trọng với ngôn ngữ của mình khi ở Singapore và Việt Nam để tránh làm tăng thêm mối lo ngại của Bắc Kinh về việc chiến lược mới tập trung vào châu Á của Mỹ là để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc." Tiếp đó, chuyến đi tới New Delhi của ông chủ Lầu Năm Góc là nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ - một quốc gia Mỹ muốn có quan hệ đối tác quốc phòng. Theo nhận định của Karl Inderfurth, nhà phân tích Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đề cập tới Ấn Độ trong chỉ dẫn chiến lược là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn New Delhi giúp xây dựng sự ổn định trong khu vực.

“Lợi ích cốt lõi Trung Quốc sẽ mở rộng tới đâu?” của Yuriko Koike. Thực tế là, sự mở rộng quá mức trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ngày nay khiến rất nhiều người châu Á lo lắng rằng, điều gì có thể đáp ứng nổi mong muốn của Trung Quốc để đảm bảo "các lợi ích cốt lõi" của họ. Nó sẽ là không có giới hạn, hay Trung Quốc ngày nay đang tự coi mình như một đại quốc phục hưng, khiến cả thế giới phải quỵ lụy? Cho đến thời điểm này, Trung Quốc chính thức tuyên bố Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là "những lợi ích cốt lõi."Giờ đây, Trung Quốc lại đang nỗ lực áp dụng cụm từ tương tự cho quần đảo Senkaku tại khu vực tranh chấp với Nhật Bản và dường như với cả toàn bộ Biển Đông. Lợi ích cốt lõi thực sự của Trung Quốc không nằm ở chuyện mở rộng lãnh thổ hay áp đặt bá quyền với các nước láng giềng. Nó nằm ở nỗ lực nâng cao nhân quyền và cải thiện phúc lợi cho chính người dân của họ, đây cũng là lợi ích cốt lõi của thế giới ở Trung Quốc. Nhưng chỉ khi Trung Quốc chấp nhận rằng, tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông cần phải được thảo luận đa phương, và các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á sẽ không cảm thấy bị đe dọa, nếu không "các lợi ích cốt lõi" mà Trung Quốc đang không ngừng mở rộng sẽ là gốc rễ của sự bất ổn ở Đông Á.

“Mỹ và bài toán chiến lược hóc búa tại châu Á” Làm thế nào để bảo vệ các đồng minh ở châu Á trong khi vẫn cắt giảm quy mô quân đội theo chiến lược quân sự được công bố hồi đầu năm, đó là bài toán không dễ tìm ra lời giải của nước Mỹ vào lúc này. Bài toán ấy càng được chú ý hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta có chuyến công du 9 ngày tới khu vực châu Á - Thái Bình dương. Những cắt giảm quân sự vào tháng 1/2013 có thể cũng sớm lấy đi từ ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ 50 tỷ USD mỗi năm trong cả thập kỷ tới. Trừ phi Quốc hội Mỹ tìm ra một vài phương cách mới để tạo nên nguồn tiền cho quân sự, khoản cắt giảm kể trên sẽ bồi thêm cú đấm mạnh vào ngân sách quốc phòng. Thách thức của Panetta sẽ là việc thuyết phục các nước ở khu vực này rằng Mỹ có một cam kết chắc chắn với các đồng minh, bất chấp tài chính và các nguồn lực khác dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ đang eo hẹp dần. Chuyển dịch trọng tâm sang châu Á - Thái Bình dương là chiến lược quân sự mới mà Mỹ xác định cho tương lai. Giờ là lúc người ta chờ xem Mỹ sẽ giải các bài toán cụ thể mà chiến lược này đặt ra như thế nào.

"Ba câu hỏi cho Bộ trưởng QP Mỹ Leon Panetta khi đến châu Á” của Michael Green. Một là, Tâm điểm có phải là Châu Á? Điều mà mọi người muốn biết là liệu chính Phủ Mỹ đã chuẩn bị tiếp nguồn lực cho chiến lược của mình. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng chắc chắn sẽ dẫn đến việc cắt giảm các hàng không mẫu hạm và Châu Á sẽ nhận thấy được điều này. Hai là, Chính phủ Mỹ sẽ làm gì để đối phó với sức ép của Trung Quốc đối với các chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai? Thuyết “gần biển” của Trung Quốc cho thấy đôi chút mập mờ về ý định của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc trong việc không chỉ thiết lập khả năng chống can thiệp tại chuỗi đảo thứ nhất (nối đảo Okinawa (Nhật Bản) qua Phillipines đến Biển Đông), mà còn với cả chuỗi đảo thứ hai (kéo dài xuống phía Nam từ Nhật Bản qua đảo Guam). Ba  là tầm nhìn chiến lược đối với Ấn Độ. Lợi ích chiến lược của Mỹ và Ấn Độ có thể nói là đồng đều ở Châu Á, tuy nhiên, quốc phòng hai nước lại có vẻ như đang xung đột với nhau. Điều này sẽ khiến các quan chức cấp cao như Bộ trưởng Panetta phải thiết lập một tầm nhìn rõ ràng trong tương lai cho mối quan hệ quốc phòng quan trọng mà đôi khi cũng gây bực dọc giữa hai nước.

“Phải chăng Trung Quốc đang cố chia rẽ ASEAN?” của Trefor Moss. Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ngăn không cho vấn đề Biển Đông thành vấn đề giữa Trung Quốc và khối ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng một vài quốc gia Đông Nam Á ngăn chặn việc đưa ra một chương trình nghị sự chung hoặc 1 chiến lược chung của các nước ASEAN. Ví dụ như Campuchia và Thái Lan, 2 quốc gia chịu đòn bẩy kinh tế từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc can thiệp vào ASEAN đã cản trở sự thống nhất trong ASEAN, nhưng công bằng mà nói nó cũng đang khiến Trung Quốc bị bó buộc: chỉ khi hành xử một cách mềm mỏng, Bắc Kinh mới có thể giải quyết những tranh chấp chủ quyền một cách song phương như họ muốn. Vì thế, cho dù tình hình căng thẳng tại bãi đá Scaborough có thể ít nhiều giáng một đòn lên ASEAN, nhưng nó cũng khẳng định rằng việc sử dụng vũ lực trong khu vực Đông Nam Á không nằm trong tính toán của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có thể chia rẽ và chế ngự ASEAN trên lĩnh vực chính trị, chứ không phải trên lĩnh vực quân sự.

“Mỹ dựa vào đâu để bảo vệ Philippines trên Biển Đông?” của Steve Herman. Vụ đối đầu căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đã khiến nhiều người chú ý tới một hiệp ước mà Washington và Manila đã ký kết cách đây hơn 60 năm. Điều đáng nói là Hiệp ước giữa Manila và Washington không đề cập một cách cụ thể tới Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Philippines đang lưu các văn bản mà họ nhận được từ giới chức Mỹ năm 1979 và 1999 như những bằng chứng cho thấy hiệp ước này bao gồm những khu vực ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố có chủ quyền. Những khu vực này bao gồm bãi cạn Scarborough và một số đảo nhỏ ở Trường Sa. Theo Ông John Bolton, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục “dọa dẫm và thúc đẩy” những đòi hỏi về chủ quyền biển đảo cho tới khi họ gặp phải một sự kháng cự quyết liệt, “Tôi e rằng họ sẽ tìm cách làm như vậy và sẽ lợi dụng tình hình hiện nay là Mỹ phải chú tâm vào cuộc bầu cử sắp tới. Đó chính là lý do khiến tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn, các nước ASEAN cần phải ra sức đoàn kết với nhau trong vấn đề này.”

Bản PDF tại đây



[1] Theo Tạp chí Liêu Vọng ngày 28/5

[2] Theo Thời báo hoàn cầu ngày 29/5