Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc thành lập trung tâm cứu hộ tại Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Tờ Tân Hoa xã đưa tin Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ngày 29/1 chính thức thành lập Trung tâm Cứu hộ trên biển tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa “nhằm bảo đảm an toàn vận tải và hàng hải ở Biển Đông”. Tờ báo này cũng cho biết từ cuối tháng 7/2018, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã cử 2 tàu cứu hộ luân phiên trực tại đá Xu Bi.

+ Philippines:

Nội bộ Philippines có quan điểm khác nhau về trung tâm cứu hộ của Trung Quốc. Ngoại trưởng Teodoro Locsincho biết ông ủng hộ quan điểm của Thẩm phán Tối cao Antonio Carpio rằng Philippines phải phản đối Trung Quốc thành lập trung tâm cứu hộ trên Đá Chữ Thập. Ông Locsin viết trên Twitter, "Chúng ta sẽ phản đối nếu tin tức trên chính xác. Tuy nhiên, tôi nghiêng về phương án đối thoại công khai với họ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc". Cũng theo bộ trưởng ngoại giao Philippines, họ đang chờ đánh giá của cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon vì chính phủ không thể xử lý vấn đề dựa vào thông tin trên báo chí. Tuyên bố của ông Locsin đưa ra sau khi phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte ông Salvador Panelo hôm 31/1 tuyên bố Philippines thấy "biết ơn" Trung Quốc vì trung tâm cứu hộ có thể giúp đỡ nhiều bên.

Tổng thống Duterte tuyên bố không liên minh quân sự với Trung Quốc và Nga. Phát biểu trong chuyến thăm Jolo, Sulu hôm 28/1, Tổng thống Duterte cho hay hai nước này chưa từng đòi hỏi từ Philippines để đổi lấy sự hỗ trợ quốc phòng. Trung Quốc và Nga không yêu cầu đặt căn cứ quân sự ở Philippines. Các tàu của Trung Quốc và Nga chỉ đến thăm Philippines và rời đi. Đây là các chuyến thăm thiện chí. Tổng thống Duterte nói: “Tôi sẽ không cho phép liên minh. Tôi không muốn Philippines liên minh với bất cứ ai, thậm chí là Mỹ. Nếu Philippines liên minh, các nước này sẽ yêu cầu Philppines làm điều họ muốn”.

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ - Trung đối thoại để giảm thiểu rủi ro trên biển. Phát biểu tại Viện Brookings ngày 28/1, Đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson cho biết Hải quân Mỹ và Trung Quốc đang “đối thoại liên tục” để giảm bớt nguy cơ xảy ra các sai lầm quân sự ở Biển Đông. Theo Đô đốc Richardson, có tín hiệu tích cực hai bên sẽ tiến tới một kế hoạch để giảm bớt căng thẳng trên biển, tuy nhiên cũng tồn tại “các bất đồng” về “quy tắc ứng xử” khi các tàu tuần tra đi qua Biển Đông.

Nghị sĩ Mỹ: ‘Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông như chuẩn bị cho Thế Chiến 3’. Phát biểu trong phiên điều trần hôm 29/1 về những thách thức do việc Nga và Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ James Inhofe cho hay Trung Quốc yêu sách các đảo, đá ở Biển Đông trước khi biến thành công sự với trang thiết bị và vũ khí. Việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông “giống như đang chuẩn bị cho Thế chiến III. Họ đang buộc các đồng minh của chúng ta ở khu vực chọn phe". Ông Inhofe nhấn mạnh người dân Mỹ không đánh giá đúng mức mối đe dọa Trung Quốc đối với Mỹ và trật tự thế giới ngày nay, "Tôi quan ngại rằng thông điệp của chúng tôi sẽ không được hiểu hết".

Tình báo Mỹ: ‘Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông’. Trong báo cáo dài 42 trang trình bày trước Thượng viện Mỹ ngày 29/1, Người đứng đầu Cơ quan tình báo Mỹ Dan Coats đánh giá Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông và tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự ở Trường Sa để tăng cường khả năng kiểm soát và triển khai sức mạnh. Báo cáo nhận định Trung Quốc hướng tới kiểm soát hiệu quả các vùng biển bằng một chiến lược quốc gia toàn diện, buộc các bên yêu sách Đông Nam Á phải chấp nhận và nâng cao vị thế của Bắc Kinh ở khu vực mà Mỹ đang giảm sự hiện diện.

+ Úc:

BTQP Úc hối thúc Trung Quốc tuân thủ luật pháp ở Biển Đông. Phát biểu tại diễn đàn an ninh Fullerton ở Singapore ngày 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne kêu gọi Trung Quốc suy nghĩ về cách tiếp cận ở Biển Đông, “Giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp giúp tạo dựng niềm tin vào ý định của Trung Quốc trong việc ủng hộ và bảo vệ văn hóa chiến lược là tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia. Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm ở Biển Đông”. Ông Pyne khẳng định Úc ủng hộ các hoạt động đa phương ở Biển Đông, nếu được yêu cầu, để nhắc Trung Quốc đây là vùng biển quốc tế. Đồng thời, Úc sẽ ủng hộ nếu Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông.

+ Myanmar:

Myanmar dự kiến thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển. Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar U Thant Sin Maung hôm 26/1 cho biết, Myanmar đang có kế hoạch thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển đặt dưới sự kiểm soát của Chính phủ dân sự chứ không phải quân đội. Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar đã tổ chức họp hồi tháng 12 để bàn về việc thành lập lực lượng nói trên, với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, chống buôn lậu ma túy, vũ khí và chống nạn buôn bán người. Hải quân Myanmar có đủ nhân lực và thiết bị cần thiết để thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển, tuy nhiên, việc xử lí một số nhiệm vụ cụ thể đối với lực lượng này không hề dễ dàng, ví như việc điều tra các tàu thương mại.

Phân tích và đánh giá

Tham vọng Atlantis của Trung Quốc ở Biển Đôngcủa Richard Javad Heydarian. Thế giới vừa bước sang năm 2019 và nguy cơ về cạnh tranh giành quyền kiểm soát Biển Đông ngày càng lớn. Cuộc đối đầu chiến lược này có thể kéo theo nhiều hệ lụy nếu Trung Quốc thiết lập một căn cứ tàu ngầm biển sâu mới, tương tự như tàu Atlantis nổi tiếng của Mỹ, trong khu vực hàng hải nhạy cảm này như những gì báo chí nhắc đến gần đây.

Căn cứ mới này, về lý thuyết có thể vận hành 24/7 nhờ trí thông minh nhân tạo, sẽ giúp Trung Quốc dễ chiếm ưu thế trong các cuộc cạnh tranh chưa từng có dưới lòng biển tại một trong những tuyến hàng hải trọng yếu nhất của thế giới. Nếu được triển khai như dự tính, căn cứ hải quân ngầm tương lai này có thể giúp cường quốc châu Á thâu tóm vùng biển, vùng trời và các dải đá ngầm tại Biển Đông, khu vực hàng hải nơi chứng kiến khối lượng hàng hóa trị giá hàng nghìn tỷ USD được trung chuyển mỗi năm.

Một địa điểm được cho là có khả năng sẽ trở thành nơi triển khai căn cứ mới là Rãnh Manila, với độ sâu khoảng 5.400m, nổi tiếng với việc tràn ngập các dị thường trọng lực âm. Đây cũng là khu vực thường xuyên xảy ra động đất và là một mảng hút chìm do nằm trong vành đai núi lửa của đảo Luzon.

Theo truyền thông, dự án đầy tham vọng này được Học viện Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh khởi động vào đầu tháng 12/2018. Thông báo về dự án được đưa ra ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới viện nghiên cứu biển sâu tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, nơi hiện được xem là căn cứ tàu ngầm ở cực Nam của Trung Quốc. Trong chuyến công du công khai này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các học giả quyết tâm và liên tục phá vỡ các giới hạn khoa học và địa công nghệ, vươn xa hơn thành tựu của bất kỳ quốc gia nào. Ông nói: “Dưới biển sâu không có bất kỳ con đường nào, chúng ta không cần đuổi theo (các quốc gia khác), tự chúng ta tạo ra những con đường”.

Nói một cách khác, căn cứ này có thể sẽ được đặt tại khu vực sâu nhất của đáy biển, nơi có hình chữ V với độ sâu ước tính từ 6.000-11.000m. Các nhà phân tích cho rằng Rãnh Manila là khu vực đáp ứng đủ yêu cầu về địa lý này trong khi độ sâu trung bình của Biển Đông chỉ là 1.500m.

Chi phí ban đầu của căn cứ ước tính chỉ vào khoảng 160 triệu USD, khoảng một nửa số tiền mà Trung Quốc chi cho việc phát triển kính thiên văn lớn nhất thế giới FAST được đặt tại tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự phức tạp và thực tế là chưa từng có tiền lệ, chi phí xây dựng căn cứ ngầm này được dự đoán là sẽ còn cao hơn vài lần.

Một nhà khoa học có liên quan tới dự án vừa được triển khai nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “Đó là một thách thức trong việc xây dựng căn cứ tại một khu vực hoàn toàn mới lạ với sự vận hành của các rôbốt và trí thông minh nhân tạo”. Theo ông, kế hoạch này đòi hỏi loại công nghệ “có thể thay đổi cả thế giới”. Một nhà khoa học khác thì cho rằng dự án “khó hơn rất nhiều so với việc xây dựng một trạm không gian. Chưa từng có quốc gia nào làm điều này”.

Trung Quốc không ngừng tìm cách miêu tả dự án này như một nỗ lực khoa học vô hại, với mục tiêu chủ yếu là cung cấp các thông tin và lợi ích cho cộng đồng. Chiến lược này cũng được Bắc Kinh áp dụng với các cấu trúc khác như trạm quan trắc khí tượng học, các trạm giám sát chất lượng không khí và môi trường, các trung tâm giám sát hàng hải, mà họ đã xây dựng tại các thực thể tranh chấp tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Giới chức Trung Quốc nói rằng với việc triển khai các tàu ngầm tự hành sử dụng trí thông minh nhân tạo, Trung Quốc sẽ có khả năng thăm dò, nghiên cứu và ghi chép các biến động của vùng đáy biển, tạo dựng nền tảng cho việc khai thác các nguồn tài nguyên quý giá và chưa từng được biết đến trước đây, những nguồn tài nguyên có thể hữu ích trong y khoa và công nghệ. Năng lượng vận hành căn cứ tàu ngầm này sẽ được cung cấp qua các dây cáp nối với tàu hoặc một trạm điện gần đó.

Tuy nhiên, có nhiều hoài nghi về ý đồ thật sự của Trung Quốc. Không ít người lo ngại về việc các cơ sở này sẽ được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, nhất là khi hạ tầng này sau khi hoàn thiện sẽ cho phép Trung Quốc có khả năng đánh bật hoặc bao vây các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Theo một số nhận định, việc Trung Quốc hướng đến việc triển khai các tàu ngầm tự hành dùng trí thông minh nhân tạo thậm chí có thể còn được dùng trong các cuộc tấn công tự sát nhằm vào kẻ thù từ năm 2020.

Các nhà phân tích chiến lược cho rằng việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại vùng biển tranh chấp sẽ đánh dấu bước tiến mới trong tham vọng thâu tóm vùng biển khu vực của Trung Quốc. Thực tế đã có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát Biển Đông đang dần chuyển hướng sang “chiến trường” biển sâu, nơi nguy cơ nảy sinh những tính toán sai lầm, kể cả với tàu hải quân Mỹ, chắc chắn sẽ gia tăng. Ngoài ngoại lệ duy nhất là Việt Nam, vừa tiếp nhận một số tàu ngầm lớp kilo của Nga, không một quốc gia tuyên bố chủ quyền nào trong khu vực có khả năng theo dấu hoặc ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Với việc triển khai các tàu ngầm “kiểu boomer” – tàu ngầm mang tên lửa hành trình – vào năm 2014, các vũ khí hiện đang hoạt động trên khắp khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ cùng các cường quốc như Mỹ và Nga, những quốc gia sở hữu năng lực phóng tên lửa hạt nhân từ trên không, trên biển, và từ tàu ngầm. Một số nhà phân tích dự đoán các tàu ngầm kiểu boomer của Trung Quốc có thể được đồn trú tại căn cứ tàu ngầm kể trên, giúp quốc gia này có khả năng dần dần đánh bật và đe dọa Mỹ cùng các đồng minh.

Thách thức lớn đối với Thái Lan trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2019”. Thái Lan chính thức tiếp nhận vai trò chủ tịch ASEAN 2019 ngày 1/1/2019 với nhiều thách thức ở phía trước. Các chuyên gia cảnh báo rằng Thái Lan nói riêng và ASEAN nói chung phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đồng thời cần nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do. Piti Srisangnam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc trường Đại học Chulalongkorn, dự báo rằng năm 2019 sẽ là một năm khó khăn đối với ASEAN. Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới cùng với khả năng Mỹ triệu hồi ngành sản xuất đe dọa phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu trong ASEAN. Để ngăn chặn hiệu ứng lan truyền của cuộc chiến thương mại nói trên, ASEAN cần phải tăng tốc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ASEAN+6 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Thái Lan, với tư cách Chủ tịch ASEAN, sẽ phải hỗ trợ các nước ASEAN đứng vững và đảm bảo rằng Hiệp hội này sẽ ủng hộ thương tự do, rộng mở.

Ở một xu hướng khác, quá trình giảm nhiệt trong quan hệ Nhật-Trung cũng có thể thúc đẩy 2 nước này bắt tay hợp tác đầu tư với các nước trong khu vực, trong đó có các nước ASEAN, tạo ra tình thế cùng thắng cho tất cả các bên.

Ông Piti cũng nhận định rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với nhiều hoạt động diễn ra ở eo biển Malacca và khu vực Đông Nam Á và đóng vai trò “mắt xích” nối hai đại dương, gần như chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các nước thành viên. Toàn bộ khu vực ASEAN, trong đó có Thái Lan, sẽ cần các hiệp định thương mại tự do hơn bao giờ hết, trong đó có RCEP, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của nước này đang bị thu hẹp và nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái. Thái Lan đang tham gia triển khai kế hoạch “Thái Lan +1”, tập trung vào các nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Tuy nhiên, các nền kinh tế này cũng đang chậm lại, do đó Thái Lan cần đẩy mạnh hoạt động thương mại tự do với các đối tác bên ngoài.

Kaewkamol Pitakdumrongkit, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa phương thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, cũng lo ngại rằng hiệu ứng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng tỷ lệ lãi suất sẽ là mối đe dọa lớn đối với ASEAN trong năm 2019. Vị giáo sư này đánh giá thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày sẽ không làm chấm dứt căng thẳng và xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới bởi vì Trung Quốc có thể dễ dàng nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại song phương, nhưng việc nước này triển khai các chính sách giải quyết bất bình đẳng thương mại đến mức làm hài lòng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là gần như không thể. Cũng theo bà Kaewkamol, việc FED tăng lãi suất sẽ gây ra tình trạng bất ổn về tài chính ở một số nền kinh tế, giống như đã từng diễn ra đối với Indonesia và Philippines. Những đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể châm ngòi cho hiện tượng thoái vốn khỏi các nền kinh tế khu vực và kích hoạt tình trạng bất ổn, thậm chí là khủng hoảng tài chính.

Mặt khác, bà Kaewkamol cũng cho biết với vai trò là chủ tịch ASEAN, Thái Lan có thể toả sáng trên lĩnh vực an ninh. Với lợi thế không phải là chủ thể yêu sách trong tranh chấp lãnh thổ, trong đó có Biển Đông, nước này có thể đóng vai trò là trung gian hoà giải độc lập. Thái Lan sẽ đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong việc tiếp tục đàm phán xây dựng, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bà nhận định RCEP sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn vào nửa cuối năm 2019 do các nước Ấn Độ, Indonesia, Úc, Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử vào đầu năm và dành ưu tiên cho các vấn đề nội trị. Đồng thời, RCEP cũng sẽ vấp phải những thách thức lớn như thiếu vai trò dẫn dắt rõ ràng và những khác biệt giữa các nước tham gia đàm phán trong một số vấn đề nhất định. Theo đó, các thành viên tham gia RCEP chưa chắc đã kết thúc được đàm phán vào năm 2019.

Ông Piti đánh giá các quan chức và bộ ngoại giao, quốc phòng Thái Lan sẵn sàng và có khả năng để đối phó với những thách thức phía trước, nhưng họ cần phối hợp với nhau tốt hơn.

Trung Quốc dùng ‘Vành đai và Con đường’ cho mục đích quân sự?”. Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc từ lâu đã được xem như một nền tảng để đưa sức mạnh của Trung Quốc ra toàn cầu, bất chấp việc giới chức nước này khẳng định điều ngược lại. Những phát hiện mới của tờ Thời báo New York củng cố nhận định trên, góp phần khẳng định quan điểm cho rằng kế hoạch đầu tư đó không hoàn toàn chỉ là các dự án kinh tế như Bắc Kinh tuyên bố.

Tuần trước, tờ New York Times cho biết đã được tiếp cận một kế hoạch bí mật về các dự án quân sự của Trung Quốc ở Pakistan dưới danh nghĩa "Vành đai và Con đường". Theo đề xuất đó, một đặc khu kinh tế nằm trong Vành đai kinh tế Trung Quốc-Pakistan thuộc BRI sẽ được xây dựng để sản xuất máy bay chiến đấu, trong khi hệ thống dẫn đường và các vũ khí quân sự khác sẽ được sản xuất tại các nhà máy ở Pakistan. Điều này cho thấy "lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã công khai kết nối sáng kiến Vành đai và Con đường với các tham vọng quân sự của họ". Phó Đại sứ Trung Quốc tại Islamabad Lijian Zhao đã sử dụng trang cá nhân Twitter để phản bác những nhận định trên của báo chí. Ông gọi bài viết của tờ New York Times là "kế hoạch tuyên truyền của phương Tây" và nhấn mạnh rằng vành đai kinh tế song phương đơn thuần là phục vụ vấn đề kinh tế. Đối với các nhà quan sát chính trị, câu chuyện của tờ New York Times đã góp phần củng cố những nghi ngờ rằng BRI là một công cụ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)

Michael Fuchs - nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, đồng thời là cựu Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương giai đoạn 2013-2016 - nói: "Điều đó hoàn toàn có thể và không có gì là ngạc nhiên". Bài viết của tờ New York Times góp phần củng cố quan điểm cho rằng sáng kiến BRI của Trung Quốc là nhằm phục vụ mục đích quân sự. Ông nói thêm rằng điều này không hoàn toàn có nghĩa là quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng toàn bộ BRI, nhưng chắc chắn sẽ tận dụng một phần của dự án này cho mục đích quân sự. Các kế hoạch hạ tầng của BRI ở các quốc gia thành viên như Pakistan, Sri Lanka, Djibouti "tất cả đều nhằm phục vụ cho quân đội Trung Quốc". Năm 2017, Bắc kinh đã chính thức đưa vào hoạt động căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, đặt tại Djibouti. Cảng Hambantota của Sri Lanka, đang thuộc sở hữu của Merchants Port Holdings Trung Quốc, và cảng nước sâu Gwadar của Pakistan cũng đang được đồn đoán sẽ sớm trở thành một căn cứ của lực lượng hải quân Trung Quốc.

James Chin, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á thuộc trường Đại học Tasmania, nói: "Hầu hết những người làm việc trong lĩnh vực quân sự đều biết rõ rằng BRI có liên quan đến vấn đề quân sự ở một mức độ nhất định, và bài viết trên tờ New York Times chỉ là một sự chứng thực". Ông nhấn mạnh thêm rằng rất khó để một quốc gia tách biệt sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế khi đang nỗ lực trở nên vĩ đại hơn.

Cynthia Watson của trường National War College nói từ lâu bà đã có quan điểm cho rằng "BRI là công cụ để làm thay đổi mối quan hệ của Trung Quốc với một loạt nước". Bà nhấn mạnh: "Dường như không thể hoàn toàn loại bỏ yếu tố quân sự trong dài hạn, bất chấp đã có những tuyên bố chính sách trong quá khứ". Mối quan hệ quân sự ngày càng phát triển Trung Quốc-Pakistan dường như đang khiến Ấn Độ lo ngại bởi bản thân New Delhi từ lâu đã đề phòng mạng lưới quốc phòng và các cơ sở thương mại của Trung Quốc nằm ở các nước dọc Ấn Độ Dương. Michael Fuchs cho rằng "vấn đề này có thể trở thành giai đoạn đối đầu tiếp theo giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Theo quan điểm của Ấn Độ, người Trung Quốc đang cố gắng bao vây họ, vì vậy New Delhi giờ đây phải tăng cường các hoạt động quân sự của mình". Những thông tin về sự liên quan của quân đội Trung Quốc có thể làm tổn hại đến danh tiếng của BRI, nhất là vào thời điểm sự phản đối của dư luận về dự án này đang dâng cao. James Chin cảnh báo rằng "để tiếp tục, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cần phải thể hiện BRI là thương mại và sự thịnh vượng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người nghi ngờ và họ sẽ vận động dư luận phản đối BRI. Rốt cuộc, BRI cũng có thể chỉ còn là một tuyến đường vận tải đơn thuần để bán các loại hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, không hơn không kém".

Washington đứng sau kế hoạch của London lập căn cứ hải quân ở Đông Nam Á?”. Các nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo việc Anh có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á có thể sẽ làm phức tạp thêm bối cảnh chiến lược ở một khu vực vốn đầy tranh chấp hàng hải và cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của nhật báo The Sunday Telegraph, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã tiết lộ kế hoạch trên, theo đó các địa điểm có thể được chọn bao gồm Singapore và Brunei.

Theo các chuyên gia, nếu được xúc tiến, động thái này có thể phủ bóng đen lên mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á và sẽ có nguy cơ gây căng thẳng hơn nữa giữa Bắc Kinh và London sau khi một tàu chiến Anh đi qua vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Xu Liping, Giáo sư Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định: "Đây rõ ràng là một cử chỉ ‘giương oai' nhắm vào Trung Quốc và cho thấy sự can dự rõ ràng hơn của các cường quốc bên ngoài vào các vụ tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Williamson cho biết "trong vài năm tới" Anh sẽ mở 2 căn cứ quân sự mới, trong đó có một căn cứ ở vùng Caribbean, nhằm đưa nước Anh trở lại như một "đối tác toàn cầu thực sự" hậu Brexit.

Báo Anh dẫn lời ông Williamson nêu rõ: "Đây là thời điểm quan trọng nhất của chúng ta với tư cách là một quốc gia kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, khi chúng ta có thể tự phân vai theo một cách khác, chúng ta thực sự có thể đóng vai trò mà thế giới mong muốn chúng ta giữ trên trường quốc tế".

Động thái này đánh dấu sự thay đổi chính sách kể từ sau khi Anh rút khỏi các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và Vùng Vịnh hồi thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cũng cho rằng kế hoạch này là bằng chứng rõ ràng hơn về việc Anh và các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ ngày càng đi theo cách tiếp cận đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Đây là một bước bổ sung cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington và Washington sẽ rất hài lòng", chuyên gia Ni nói, ám chỉ kế hoạch của Trump về tăng cường an ninh và cam kết kinh tế với khu vực vào thời điểm quan hệ giữa hai nước ở mức thấp trong lịch sử.

Bắc Kinh từ lâu đã coi hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Washington ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp là mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực cũng như bày tỏ lo ngại về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn được coi là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng trở thành siêu cường toàn cầu của Trung Quốc.

Giáo sư Xu cho rằng Washington, vốn ít quan tâm đến việc đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu theo chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump, đứng sau kế hoạch của London về việc thiết lập một căn cứ quân sự trong khu vực, "Đặc biệt, Anh đã gia tăng hoạt động tích cực ở Biển Đông) vào thời điểm Mỹ có thể quan ngại về việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong khu vực.

Quan hệ Trung-Anh, được mô tả là đang ở "thời kỳ hoàng kim" cách đây vài năm, đã nguội lạnh khi Anh bắt đầu thách thức các yêu sách của Trung như Mỹ đã làm. Bắc Kinh cáo buộc Anh đã tham gia "khiêu khích" sau khi một tàu chiến của Anh đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong một chiến dịch tự do hàng hải hồi cuối tháng 8.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch lập căn cứ quân sự của Anh có thể là tin tốt đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, vốn đang lo ngại về việc Washington không sẵn lòng giữ vai trò lãnh đạo (ở khu vực) nhằm thách thức sự quyết đoán của Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Đông, như Nhật Bản, Úc và Việt Nam.

Chuyên gia Ni cảnh báo nhưng đối với Trung Quốc, việc này có thể báo hiệu những thách thức nghiêm trọng ở phía trước trong việc đối phó với sự cân bằng an ninh mong manh trong khu vực, với nguy cơ gia tăng căng thẳng và thậm chí là đối đầu một phần. Giáo sư Xu cũng nói rằng mặc dù kế hoạch của Anh vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng nó sẽ thử thách mối quan hệ của Trung Quốc với Singapore và Brunei, cả hai đều là thuộc địa cũ của Anh.

Bắc Kinh đã cố gắng hết sức để tranh thủ Brunei, quốc gia cũng có yêu sách trong các tranh chấp ở Biển Đông, thông qua hợp tác kinh tế qua "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm Brunei hồi tháng 11 vừa qua để củng cố mối quan hệ, với kim ngạch thương mại song phương tăng vọt trong những tháng qua.

Trong khi đó, quan hệ của Trung Quốc với Singapore, vốn không phải là một bên tranh chấp, đã được thử thách cách đây 2 năm khi Bắc Kinh cáo buộc đảo quốc Sư tử đứng về phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch lập căn cứ hải quân (của Anh). Chuyên gia Ni cho rằng mặc dù có tham vọng khôi phục hào quang trong quá khứ với tư cách là một quốc gia toàn cầu, vẫn cần phải xem xét liệu Anh có đủ khả năng cho các kế hoạch như vậy, thiết lập các căn cứ ở nước ngoài trong khi họ phải vật lộn với thâm hụt ngân sách trong nhiều năm để duy trì sức mạnh răn đe quân sự. Trong năm 2018, chi tiêu quốc phòng của Anh tăng khiêm tốn, nhưng nhìn chung đã giảm khoảng một nửa kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Động thái này cũng vấp phải sự chỉ trích ở Anh, trong đó có cả nghị sĩ Công đảng Luke Pollard, người đã thách thức kế hoạch của Williamson trên mạng xã hội Twitter. Nghị sĩ này đặt câu hỏi: "Ngân sách dành cho kế hoạch này lấy từ đâu? Tại sao chiến lược quân sự quốc gia của chúng ta lại bị thách thức khi chúng ta phát triển? Ngân sách nào sẽ được cắt giảm để chi trả cho việc mở rộng này?".

ASEAN - Nga: cùng chia sẻ tương lai chiến lượccủa ông Alexander Ivanov, Đại sứ Liên bang Nga tại ASEAN. Quyết định lịch sử nâng cấp quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Nga thành Đối tác Chiến lược ASEAN – Nga một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng, ổn định của các mối quan hệ ASEAN - Nga trong thời kỳ bất ổn chính trị, kinh tế và biến động toàn cầu, cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương gia tăng, chủ nghĩa khủng bố ngày càng lan rộng cũng như các mối đe dọa và thách thức xuyên biên giới khác.

Sự tham gia của Tổng thống Putin trong các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga và Cấp cao Đông Á tại Singapore được các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao và được coi là một tín hiệu rõ ràng về vai trò không thể thiếu của Nga tại khu vực.

Nga tin rằng khái niệm của ASEAN về cấu trúc khu vực hiện đang định hình cần công khai, minh bạch và mang tính bao trùm, là sự thay thế duy nhất cho cấu trúc khu vực hỗn loạn, chủ yếu dựa trên các liên minh quân sự và nguyên tắc dùng vũ lực. Cũng như nhiều nước ASEAN, Nga lo ngại trước những ý định áp đặt những chiến lược từ bên ngoài vào khu vực dựa trên thuyết “ngăn chặn” và nhằm thúc đẩy các khái niệm tư lợi.

Nga ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN, cũng như các nỗ lực xây dựng cộng đồng và tin rằng hệ thống lấy ASEAN làm trung tâm sẽ là nền tảng cho sự tương tác trong khu vực. Nga đã đề xuất các cuộc thảo luận đa phương trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đông Á về cấu ​​trúc an ninh khu vực. Với việc củng cố và tăng cường hiệu quả của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt hiện có, Nga đang cố gắng xây dựng một hệ thống khu vực dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và tôn trọng một cách đầy đủ lợi ích chính đáng của các quốc gia; an ninh của quốc gia này không thể được đảm bảo bằng việc hy sinh an ninh của quốc gia khác.

Cả ASEAN và Nga đều hiểu rằng khu vực này đang ở ngã ba đường. Cần lựa chọn hoặc là chia làn, phân chia các đối tác trong khu vực theo các danh mục như đồng minh, đối tác đặc quyền, đối thủ cạnh tranh, thế lực phá hoại, những nước bị bỏ rơi. Hoặc cần cố gắng hết sức thúc đẩy niềm tin chiến lược chung dựa trên sự bình đẳng, Hiến chương Liên hợp quốc, các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, chứ không phải dựa trên một số nguyên tắc mơ hồ của một hoặc một số nước định áp đặt lên nước khác.

Con đường hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nga không phải dễ dàng mà đã bị tác động bởi một số nước phương Tây muốn làm mất uy tín của Nga, gọi Moscow là “thế lực phá hoại” mà không có bằng chứng. Tuy nhiên, ASEAN không để tin tức giả đánh lừa. Vừa qua, ASEAN đã thông qua một số văn kiện về giảm thiểu tác hại của tin giả.

Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Nga chắc chắn sẽ tạo động lực lớn cho hợp tác và mở ra những lĩnh vực mới cho hỗ trợ và đối thoại lẫn nhau, bao gồm cả sự tin cậy nhau hơn trong các vấn đề nhạy cảm như chống lại khủng bố. Ngoài ra hai bên cũng có cơ hội thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, (trong đó có khả năng sớm nghiên cứu khả thi về FTA giữa ASEAN và Liên minh Á - Âu), khoa học công nghệ cao như vũ trụ, hàng không, năng lượng bao gồm hạt nhân và công nghiệp quân sự, hỗ trợ ASEAN kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác xây dựng Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp

Nhìn chung, ASEAN và Nga có nhiều tiềm năng để hợp tác. Nga chắc chắn rằng Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Nga sẽ giúp hợp tác hai bên có thêm động lực, đảm bảo tương lai chiến lược chung./.

Thực hiện: Đinh Anh