Động thái quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phủ nhận tàu cá chiếu tia lazer vào trực thăng Úc. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin trực thăng Úc hoạt động tại Biển Đông bị tàu cá Trung Quốc chiếu lazer, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm khẳng định tin này không đúng sự thật, phía Úc cần tự nhìn nhận trước khi chỉ trích người khác.

Trung Quốc tập trận phi pháp gần quần đảo Hoàng Sa. Ngày 31/5, Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo hàng hải số 0059 cho biết từ 6h30 đến 18h30 ngày 2/6 và từ 6h30 đến 12h30 ngày 4/6 theo giờ Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận quân sự tại Biển Đông và cấm tàu thuyền đi vào vùng biển này trong thời gian trên. Đây là khu vực gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tập trận diễn ra vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “không chấp nhận để chủ quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm”.

Tàu Trung Quốc đeo bám tàu chiến Úc ở Biển Đông. Hãng tin ABC hôm 27/5 dẫn lời Chỉ huy không quân Úc Richard Owen cho biết Trung Quốc theo dõi các tàu của Hải quân Úc khi những tàu này đi qua khu vực Biển Đông trong sứ mệnh “Indo-Pacific Endeavour 2019” kéo dài 3 tháng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Owen cho biết: “Chúng tôi đã đi qua khu vực phía Bắc và Nam Biển Đông ở vùng biển quốc tế và như thường lệ có tương tác trên biển với hải quân các nước khác. Tàu Trung Quốc muốn biết chúng tôi đến từ đâu, định đi đâu và mục đích của chúng tôi. Họ khá thân thiện và chuyên nghiệp”. Biên đội tàu Hải quân Úc bị bám  đuôi trên đường đến Việt Nam và rời cảng Cam Ranh. Hãng ABC ngày 29/5 dẫn nguồn tin quốc phòng cho hay, các phi công hải quân Úc đã bị chiếu tia lazer trong các chuyến bay đêm ở Biển Đông, buộc phi công phải qua trở lại tàu để kiểm tra y tế.  Các quan chức quốc phòng Úc tin rằng việc tấn công đèn lazer xuất phát từ các tàu đánh cá, nhưng vẫn chưa xác nhận các tàu này có phải tàu Trung Quốc hay không. Bộ Quốc phòng Úc chưa đưa bình luận chính thức nhưng các vụ việc tương tự liên quan đến quân đội Trung Quốc và đèn lazer như ở Djibouti, nơi Mỹ và Trung Quốc đều có căn cứ.

Trung Quốc ca ngợi quan hệ với Malaysia sau tuyên bố về Huawei của Thủ tướng Mahathir. Trong một bức thư dài 7 trang đăng trên trang facebook chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia hôm 31/5, Đại sứ Trung Quốc Bai Tian nhấn mạnh, “Trong 45 năm qua, quan hệ Trung Quốc-Malaysia đã trải qua nhiều thăng trầm, phát triển từ mối quan hệ khiêm tốn thành một quan hệ vững chắc đem lại nhiều lợi ích cho người dân hai nước”. Theo ông Bai, “Hai nước sẽ là bạn bè mãi mãi, giúp đỡ nhau hướng tới mục tiêu phát triển chung. Trong mọi tình huống, lòng tin chính trị ngày càng thắt chặt giữa hai bên sẽ đảm bảo quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ.” Trong cuốn sách kỷ niệm 45 năm quan hệ hữu nghị Malaysia - Trung Quốc mới phát hành, Thủ tướng Mahathir cho biết Malaysia cam kết tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc một cách gần gũi và có ý nghĩa hơn. Sự hợp tác của hai nước đã phát triển ở nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau. Sự tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm gần đây là rất lớn và xu hướng này sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội hơn trong các lĩnh vực hợp tác.  

+ Việt Nam:

Tàu cá bị Trung Quốc đâm ở Hoàng Sa được đưa trưng bày. Tàu cá ĐNa 90152TS do ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa hiến tặng đã được thành phố Đà Nẵng được đặt tại khuôn viên Nhà trưng bày Hoàng Sa, hướng mũi ra biển Đông. Bên mạn trái của tàu, những thớ gỗ hằn nguyên dấu tích vết đâm do tàu sắt Trung Quốc gây ra. Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) cho hay, "Bây giờ con tàu đã là hiện vật ở bảo tàng Hoàng Sa, nhắc nhớ thế hệ trẻ về quần đảo Hoàng Sa bị cưỡng chiếm trái phép."

Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của một trật tự dựa trên luật lệ. Phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 tại Tokyo hôm 30/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, “một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả cần được xây dựng và hoạt động trên cơ sở luật pháp, với Liên Hợp Quốc là trung tâm. Tất cả các quốc gia, dù lớn dù nhỏ đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các luật lệ và chuẩn mực quốc tế; nước lớn không được dùng sức mạnh để chèn ép nước yếu hơn; tạo điều kiện để các nước vừa và nhỏ giữ được chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa các tập hợp lực lượng nước lớn. Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán COC ở Biển Đông mang tính thực chất, hiệu quả. Lợi ích chung của tất cả các nước, trong cũng như ngoài khu vực là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.”

Việt Nam sẽ kiên trì giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, “Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực.”

+ Philippines:

Tàu Philippines mất tín hiệu liên lạc khi gần thực thể Trung Quốc kiểm soát. Một quan chức cảnh sát biển Philippines giấu tên cho hay, “Chúng tôi không thể liên lạc với bằng điện thoại vệ tinh khi tuần tra ở một số khu vực ở Trường Sa. Tín hiệu dường như bị nghẽn.” Tàu tuần tra BRP Cabra (MRRV-4409) tuần trước hoạt động ở gần Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây. Theo quan chức trên, điều này không phải diễn ra lần đầu. Tàu cảnh sát biển Philippines gặp tình huống tương tự khi tuần tra gần Bãi cạn Scarborough.

Philippines khẳng định yêu sách đối với Sandy Cay ở Trường Sa. Trên Twitter ngày 25/5, Ngoại trưởng Philippines cho hay, “Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana tuyên bố Sandy Cay thuộc về chúng ta. Các tài liệu chuyên sâu tôi đọc không hoàn toàn nói một cách chính xác như vậy. Tôi thích sự khẳng định rõ ràng Sandy Cay thuộc về chúng ta. Khi chúng ta bảo vệ quyền sở hữu của chúng ta đối với những thực thể này chúng ta phải chặt chẽ, chính xác. Chúng ta có quyền nhưng chưa có sức mạnh thực thi ở Biển Đông. Nhưng chúng ta sẽ sớm làm điều đó”. Tháng 4/2019, Chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio kêu gọi Philippines cần phản đối ngoại giao việc Trung Quốc tìm cách kiểm soát Sandy Cay và hai cồn cát chỉ cách đảo Thị Tứ 2 hải lý.  

Philippines khẳng định ngư dân tiếp tục đánh cá bất kể lệnh cấm của Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của kênh tin tức hôm 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ông Delfin Lorenzana cho hay, “Tôi không cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có hiệu lực bởi Philippines cũng có yêu sách ở Biển Đông. Ngư dân của Philippines có thể tiếp tục đánh bắt. Trung Quốc cấm ngư dân để khôi phục nguồn cá và tài nguyên biển bởi họ đánh bắt nhiều cá ở khu vực này. Căn cứ số lượng tàu cá của Trung Quốc, những khu vực này đang cạn kiệt nguồn cá.”

Philippines thúc giục Trung Quốc sớm hoàn tất COC trên Biển Đông. Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai châu Á ở Tokyo hôm 31/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố: "Tôi yêu mến Trung Quốc, nhưng chúng ta cần đặt ra câu hỏi liệu một nước yêu sách toàn bộ đại dương có đúng đắn không? Tôi thấy buồn và bối rối, nhưng không tức giận, vì tôi chẳng thể làm gì cả. Tôi chỉ hy vọng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông". Đề cập đến việc Mỹ cùng các đồng minh Anh, Pháp đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông, Tổng thống Philippines cho rằng việc COC càng bị trì hoãn lâu, Biển Đông càng có nguy cơ trở thành một "điểm nóng phức tạp." Ông Duterte cũng bày tỏ lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi có thể đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

+  Singapore:

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: ‘Trung Quốc không muốn xung đột với Mỹ ở Biển Đông’. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở Singapore hôm 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho hay, “Chúng tôi đã trao đổi sâu rộng về hàng loạt vấn đề, bao gồm Biển Đông. Ngài Ngụy khẳng định cam kết của Trung Quốc với COC ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc mong muốn hòa bình ở khu vực, cũng như không có xung đột với Mỹ.” Theo ông Ng, sự xuất hiện của ông Ngụy tại Đối thoại Shangri-La 2019 mang tính “trấn an” trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi được hỏi về khả năng Singapore buộc phải chọn bên giữa Mỹ hay Trung Quốc, Bộ trưởng Ng cho hay, “Không nước nào phải chọn bên vì đây sẽ là quyết định khôn ngoan, đồng thời nó phản ánh thực tế bạn không sống trong một thế giới đơn cực hoặc đa cực. Các bên có mối quan hệ đan xen, phụ thuộc lẫn nhau.”

+ Malaysia:

Thủ tướng Malaysia thúc  giục Mỹ đối thoại và chấp nhận năng lực công nghệ của Trung Quốc. Phát biểu tại Hội nghị về Tương lai của Châu Á lần thứ 25 ở Tokyo hôm 30/5, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi, “Điều quan trọng là các bên cùng ngồi lại và dừng tình trạng đối đầu. Chúng tôi muốn các quốc gia có trách nhiệm cùng thảo luận về vấn đề. Xung đột Mỹ - Trung chỉ dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn.” Về công nghệ của Trung Quốc, ông Mahathir khẳng định, “Malaysia sẽ sử dụng nhiều nhất có thể. Chúng ta phải chấp nhận rằng Mỹ không thể giữ mãi vị thế công nghệ tốt nhất trên thế giới. Huawei vượt trội hơn nhiều so với công nghệ Mỹ.”  Ông Mahathir cho rằng trật tự thế giới hiện nay dường như thất bại bởi các quốc gia có xu hướng muốn sử dụng bạo lực và đe dọa các bên khác khi không giải quyết được các bất đồng. Thế giới cần một trật tự mới dựa trên nền tảng luật pháp, các quốc gia sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và phân xử trọng tài.

+ Mỹ:

Mỹ cáo buộc Trung Quốc không giữ đúng cam kết về Biển Đông. Phát biểu trong buổi đối thoại về an ninh và quốc phòng Mỹ tại Viện Brooking hôm 29/5, Tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho hay, “Mùa thu 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Vậy đến nay chúng ta chứng kiến những đường băng dài tới 3.050m, các cơ sở chứa vũ khí, việc triển khai năng lực phòng thủ tên lửa, năng lực không quân và nhiều thứ khác. Rõ ràng Trung Quốc đã không giữ đúng cam kết đó. Theo Tướng Dunford, "Khi chúng ta phớt lờ những hành động không tuân thủ luật pháp, các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, chúng ta đã đặt ra một tiêu chuẩn mới. Ở đây, tôi không đề xuất dùng phản ứng quân sự. Những gì cần là phản ứng chung nhất quán với những ai vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Họ cần có phải chịu trách nhiệm theo một cách thức giúp ngăn chặn hành động vi phạm tương tự trong tương lai."

Hoạt động song phương, đa phương

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam. Sau lễ đón chiều 27/5, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thượng Tướng Ngụy Phượng Hòa. Hai bên thống nhất xác định 2019 là năm bản lề mang tính đột phá trong quan hệ hai quân đội, hướng tới chào mừng 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020. Về vấn đề tồn tại giữa hai nước, hai bên nhất trí cần kiên trì giải quyết vướng mắc bằng biện pháp hòa bình, tạo sự tin cậy vững chắc; quyết tâm cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình trên Biển Đông. Sau hội đàm, hai bộ trưởng đã chứng kiến cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng hai nước ký các văn bản hợp tác cũng như, trong đó có lễ bàn giao trang bị vật tư y tế, tìm kiếm cứu nạn do Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Tàu hộ tống phòng không Forbin của Hải quân Pháp thăm Việt Nam. Sáng 28/5, Tàu Forbin đã cập cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.  Chỉ huy Tàu hộ tống phòng không Forbin Đại tá Thomas Frioli cho biết: “Chuyến thăm này nhằm thực hiện kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp năm 2019, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương nói riêng, củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Pháp nói chung.” Trong chuyến thăm đến hết ngày 3/6, hải quân hai bên sẽ có một số hoạt động giao lưu, trao đổi. Tàu Forbin D620 thuộc lớp tàu Horizon, lớp tàu mặt nước mạnh nhất của Hải quân Pháp, có nhiệm vụ chủ yếu nhằm hộ tống và bảo vệ cho các tàu bay.

Singapore, Trung Quốc thỏa thuận điều chỉnh Hiệp ước Quốc phòng. Ngày 29/5, tại hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, hai bên nhất trí điều chỉnh Hiệp ước Quốc phòng. Thông cáo Bộ Quốc phòng Singapore, “Hai Bộ trưởng cũng nhất trí xem lại Thỏa thuận về Hợp tác An ninh và Trao đổi Quốc phòng giữa Singapore và Trung Quốc được ký lần đầu năm 2008” và “Các hoạt động trao đổi được đề xuất tăng cường bao gồm tổ chức đối thoại cấp cao thường xuyên, hợp tác giữa các ngành dịch vụ với nhau, trao đổi học thuật và nghiên cứu, đồng thời mở rộng quy mô các chương trình diễn tập song phương hiện có”. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về an ninh khu vực và các cách thức cụ thể để Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng “ASEAN +” có thể xây dựng lòng tin giữa các quân đội và ngăn ngừa xung đột.

Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với Singapore, Indonesia. Trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã tới thăm 2 nước Đông Nam Á. Sau cuộc gặp với người đồng cấp phía Indonesia hôm 30/5, ông Patrick Shanahan khẳng định Mỹ hướng tới bình thường hóa quan hệ với lực lượng đặc biệt Kopassus của Indonesia và hai bên dự kiến diễn tập chung vào năm 2020. Quan hệ quốc phòng hai nước bị giới hạn do những cáo buộc về vi phạm nhân quyền của lực lượng Kopassus ở Đông Timor vào những năm 1990. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm 31/5, hai bên nhất trí sẽ cập nhật thỏa thuận quốc phòng vào năm 2020. Thỏa thuận này được ký kết giữa ông Lý Quang Diệu và Phó Tổng thống Mỹ Dan Quayle vào năm 1990, cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân  ở Singapore. Theo thỏa thuận này, Mỹ có thể luân phiên triển khai chiến đấu cơ diễn tập, tiếp liệu bảo trì, triển khai tàu chiến ven biển và máy bay P-8 Poseidon tới Singapore.

Thủ tướng Malaysia - Nhật Bản bàn thảo tăng cường hợp tác. Bên lề Hội thảo quốc tế lần thứ 25 về Tương lai Châu Á (Nikkei Conference) ở Tokyo, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 31/5 có cuộc cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác trong các lĩnh vực, như thương mại, giáo dục, quốc phòng. Thủ tướng Mahathir bày tỏ Malaysia đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản và hy vọng quan hệ hai bên tiếp tục tốt đẹp. Về phần mình, Thủ tướng Abe khẳng định tiếp tục ủng hộ Malaysia và mong đợi quan hệ hai bên tiến tới thời kỳ mới. Đây là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ 4 của ông Mahathir sau khi trở thành Thủ tướng vào tháng 5 năm 2018.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 chính thức khai mạc tại Singapore. Diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực diễn ra tối 31/5 thu hút số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay, gồm các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 30 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng. Diễn đàn có 6 phiên họp với các chủ đề liên quan đến an ninh biển, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng.  Dưới đây là một số phát biểu đáng chú ý của Bộ trưởng Quốc phòng các nước.  Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La tối 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ, “Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Trung Quốc nên thông qua ngoại giao và thỏa hiệp thay vì ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền lợi cốt lõi của các quốc gia khác. Như vậy theo thời gian, Trung Quốc sẽ xây dựng được hình ảnh là một cường quốc có trách nhiệm và hào hiệp. Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy giúp củng cố hòa bình và ổn định của khu vực". Theo ông Lý, thế giới cần phải điều chỉnh trước Trung Quốc có vai trò lớn hơn. Các nước cần chấp nhận Trung Quốc tiếp tục phát triển và mạnh mẽ, không có khả năng hoặc khôn ngoan nếu ngăn cản điều này. Phát biểu tại Phiên 1, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M Shanahan nhấn mạnh, “Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là quy tắc định hướng hiệu quả đối với khu vực bởi dựa trên các nguyên tắc cơ bản của hợp tác quốc tế: Tôn trọng chủ quyền và độc lập của các quốc gia, dù lớn hay nhỏ; Giải quyết hòa bình các tranh chấp; Tự do, công bằng, đôi bên cùng có lợi trong thương mại và đầu tư; Tuân thủ các quy tắc và luật lệ quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không. Mỹ muốn một tương lai hứa hẹn hơn khi mà tất cả quốc gia nhỏ không phải e sợ các láng giềng lớn hơn.” Phát biểu tại Phiên 3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Haji Mohamad Sabu tuyên bố: “Rõ ràng khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức trên biển từ thách thức truyền thống tới phi truyền thống. Cạnh tranh nước lớn làm phức tạp thêm căng thẳng Biển Đông bởi nguy cơ tàu chiến máy bay va chạm làm bùng phát xung đột, cuốn các nước ASEAN vào vòng xoáy. Biển Đông cần trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng thay vì khu vực của đối đầu và xung đột.” Cũng phát biểu tại Phiên 3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Pháp Florence Parly bày tỏ, “Pháp, cùng các đối tác, sẽ bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến hải lộ mở và tự do. Chúng tôi tiếp tục lưu thông nhiều hơn hai lần một năm. Sẽ có hành động phản đối nhưng chúng tôi không chùn bước để chấp nhận bất kỳ sự đã rồi nào. Pháp sẽ kêu gọi các nước có chung quan điểm cùng phối hợp hành động. Thực tế, máy bay trực thăng của Anh đã hiện diện trên tàu Pháp khi chúng tôi lưu thông trên Biển Đông.” Phát biểu tại Phiên 4, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho hay, “Tình hình Biển Đông đang ngày càng ổn định nhờ nỗ lực các nước khu vực. Tuy nhiên, một số bên tìm cách trục lợi từ việc làm phức tạp vấn đề. Một số nước ngoài khu vực gần đây đã tới Biển Đông phô trương sức mạnh, nhân danh tự do lưu thông. Việc phô diễn sức mạnh ở quy mô lớn và hoạt động mang tính tấn công ở khu vực là nhân tố gây bốn ổn nghiêm trọng nhất ở Biển Đông. Phát biểu tại Phiên 5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định, “Điều tất cả chúng ta nên đồng ý là quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trong các tuyến hàng hải quốc tế là một bộ phận không thể tách rời đối với hoà bình và ổn định của khu vực. Theo quan điểm của Philippines, một quốc gia không thể đơn phương kiểm tuyến hải lộ quan trọng như biển Đông. Chúng ta cùng chung tay bảo vệ khu vực quốc tế này.” Phát biểu tại Phiên 6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu bày tỏ, “Indonesia hy vọng các nước trong khu vực đoàn kết có chung tầm nhìn, từ đó có thể tạo môi trường cố kết và ổn định. Đối với tình hình Biển Đông, Indonesia đã đề xuất khái niệm hòa bình bằng việc xây dựng hợp tác và sự tin cậy. Có một số gợi ý về việc tuần tra chung ở Shangri-la 2015. Hoạt động này đã được triển khai giữa ASEAN-Trung Quốc và dự kiến hoạt động tuần tra chung giữa Mỹ và ASEAN sẽ thực hiện vào tháng 9.”

Mỹ - Nhật – Úc khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Các lãnh đạo quốc phòng của ba nước hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-la 18 ở Singapore hôm 1/6. Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định, “Các Bộ trưởng hết sức lo ngại về các hành động, bao gồm quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, gây bất ổn hoặc nguy hiểm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp theo UNCLOS; và phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc ép buộc để thay đổi hiện trạng; kêu gọi tất cả các nước trong khu vực giảm bớt căng thẳng và tạo dựng niềm tin. Các Bộ trưởng kêu gọi Bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành; không phương hại đến lợi ích của bên thứ ba hoặc quyền của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế; các bên cần tăng cường cam kết chấm dứt các hành động có thể làm phức tạp hóa hoặc leo thang tranh chấp.”