Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/7, Người phát ngôn Lục Khảng cho hay, “Tàu khu trục tên lửa USS Stethem đã xâm phạm lãnh hải của Hoàng Sa. Trung Quốc triển khai tàu chiến và chiến đầu cơ đ cảnh báo tàu Mỹ. Dưới danh nghĩatự do hàng hải”, hành động của Mỹ vi phạm nội luật Trung Quốc và luật quốc tế, xâm phạm chủ quyền Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng ngay lập tức các hành động khiêu khích như vậy. Trung Quốc sẽ triển khai mọi biện pháp cần thiết đ bảo vệ chủ quyền và an ninh.”

+ Philippines:

Hải quân Philippines và Mỹ tuần tra chung trên biển Sulu. Ngày 1/7, tàu khu trục BRP Ramon Alcaraz của Philippines và tàu tuần duyên USS Coronado của Mỹ diễn tập chống cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia trên biển Sulu. Nội dung diễn tập gồm lên tàu, khám sét và bắt giữ; và chia sẻ thông tin giữa lực lượng trên hai tàun. Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết “hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh Philippines và duy trì lợi ích của Mỹ trong việc thúc đẩy ổn định và thịnh vượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.”

Ngoại trưởng Philippines thăm chính thức Trung Quốc. Từ ngày 28/6-1/7, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano lần đầu tiên thăm Trung Quốc và hội kiến với các lãnh đạo của Trung Quốc. Trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc Vụ viện Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Cayetano cho hay Philippines đánh giá cao vai trò tích cực của Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển khu vực. Philippines sẽ chung tay xây dựng “Con đường Tơ lụa” để thúc đẩy hợp tác song phương. Về phần mình, ông Dương cho hay hai nước cần tăng cường tin cậy chính trị, kết nối các chiến lược phát triển, đẩy mạnh hợp tác toàn diện và duy trì trao đổi về biển, từ đó thúc đẩy quan hệ song phương bền vững và phát triển. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 29/6, ông Cayetano nhấn mạnh Philippines vui mừng trước quan hệ hai nước đã cải thiện. Philippines cam kết giải quyết các vấn đề biển thông qua đối thoại và tham vấn với Trung Quốc. Về phần mình, Ngoại trưởng Vương cho hay quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển theo đúng quỹ đạo quan hệ láng giềng và bạn bè hữu hảo. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Vương tuyên bố hai bên nhất trí tiếp tục tham vấn song phương, sử dụng triệt để cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông và cơ chế hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển. Hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin, chung tay kiểm soát tranh chấp và duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 30/6, Ngoại trưởng Cayetano nhấn mạnh Philippines đánh giá cao sự hỗ trợ, ủng hộ của Trung Quốc, sẵn sàng tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực. Về phần mình, ông Lý khẳng định hai nước là láng giềng cách rời nhưng có nhiều lợi ích chung hơn là bất đồng. Việc quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo phát triển rõ ràng phục vụ mục đích cơ bản của hai nước. Trên cơ sở DOC và khung COC, Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên liên quan thúc đẩy đối thoại và tham vấn, tiến hành hợp tác đôi bên cùng có lợi, qua đó chung tay bảo vệ hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực.

+ Mỹ:

Tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Một quan chức quốc phòng của Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa USS Stethem, đóng tại căn cứ Yokosuka ở tỉnh Kanagawa, đã tiến vào khu vực phạm vi 12 hải l‎ý của đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa hôm 2/7. Theo quan chức giấu tên này, “Hoạt động FONOP này nhằm thách thức các yêu sách biển quá mức.” Đây là hoạt động FONOP lần thứ 2 được thực hiện dưới chính quyền Tổng thống Trump.

Đô đốc Mỹ chỉ trích hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Harry Harris hôm 28/6 cáo buộc Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh và củng cố vị thế nhằm thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông, “Người thật không nên tin vào các đảo giả. Trung Quốc đang dùng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.” Đô đốc Harris tuyên bố Mỹ không cho phép “những vùng biển chung của thế giới bị đơn phương ngăn chặn và Mỹ kiên quyết phản đối việc cưỡng ép và hăm dọa để thúc đẩy yêu sách.”

Mỹ tuyên bố tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc phản đối. Ngày 2/7, một đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin Sputnik rằng: “Lực lượng Mỹ hoạt động khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở hằng ngày. Tất cả các hoạt động này được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế và Mỹ sẽ thực hiện lưu thông hàng không, hàng hải và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp cho phép.” Bên cạnh đó, đại diện này cho hay Mỹ có một chương trình FONOP toàn diện đ thách thức các yêu sách biển thái quá.

Quan hệ các nước

Philippines - Indonesia phối hợp tuần tra trên biển. Người phát ngôn quân đội Philippines thiếu tá Ezra Balagtey ngày 2/7 cho biết hoạt động trên nhằm mục đích tăng cường an ninh biên giới và nâng cao khả năng phối hợp giữa lực lượng hai nước trên Vịnh Davao và ranh giới chung trên Biển Celebes. Tàu chiến hai nước sẽ neo đậu tại thành phố Davao của Philippines tuần tới.

Việt Nam - Belarus kêu gọi không sử dụng vũ lực trong tranh chấp biển. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 26 đến ngày 28/6/2017. Tuyên bố chung sau chuyến thăm cho hay, “Hai Bên ủng hộ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và hoan nghênh các nỗ lực nhằm soạn thảo và sớm thông qua COC ở Biển Đông.”

Việt - Nga kêu gọi cần giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang  đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga V.Putin. Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định, Nga luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trao đổi về những diễn biến trên Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo đều nhất trí cho rằng các tranh chấp biên giới, lãnh thổ trong đó có các tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và sớm xây dựng COC.

Phân tích và đánh giá

“Lựa chọn sai lầm về chiến tranh hay dàn xếp ở Biển Đông” của Ely Ratner

Hugh White đã bình luận lại bài viết của tôi trên Foreign Affairs, khi tôi đề xuất Mỹ nên ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông.

Hai chúng tôi đồng ý rằng Mỹ chưa nghiêm túc xem xét mức độ nghiêm trọng thách thức từ Trung Quốc; những tranh luận nội bộ về lợi ích thực chất; và xu hướng hiện nay, bao gồm sự thiếu hụt trong chính sách của Mỹ, báo hiệu một khu vực Trung Quốc sẽ thống trị.

Nhưng chúng tôi khác biệt đáng kể với câu hỏi liệu Mỹ có thể và nên làm bất cứ điều gì để chặn đứng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á. Hugh đưa ra ba lý do tại sao chính sách mạnh mẽ hơn ở Biển Đông của Mỹ ít có cơ hội thành công và có khả năng gây ra chiến tranh.

Thứ nhất, Hugh cho rằng "ít khả năng các bên yêu sách Đông Nam Á chấp nhận sự giúp đỡ của Mỹ để củng cố các đảo, hoặc đồng minh khu vực khác như Úc hay Nhật Bản sẵn sàng đóng vai trò của mình". Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh không phải là bước “đầu tiên” và “thứ hai” trong khuyến nghị của tôi. Tôi thừa nhận mối quan ngại khu vực về trả đũa kinh tế nếu chống lại chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc là trở ngại lớn cho Mỹ; vì thế cần có các biện pháp phi quân sự bổ sung, bao gồm TPP hoặc các sáng kiến ​​thương mại và đầu tư cho các quốc gia khu vực lựa chọn thay thế cho sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tôi cũng đề nghị một chiến dịch thông tin làm rõ hơn hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hơn nữa, đây là một chiến lược ngăn chặn. Mỹ chỉ nên chủ động ủng hộ các quốc gia khu vực chỉ khi Trung Quốc cải tạo Scarborough hoặc triển khai thiết bị quân sự tiên tiến tại các căn cứ mới ở Trường Sa. Các hành động này đủ để thay đổi động lực chính trị ở Đông Nam Á, gia tăng quan ngại và mở ra cơ hội hợp tác mới. Chiến lược tôi đề xuất sẽ xảy ra trong môi trường thuận lợi hơn để thu hút sự hỗ trợ từ khu vực so với hiện nay.

Thứ hai, Hugh phê phán luận điểm rằng lựa chọn của Mỹ chỉ là dàn xếp hoặc chiến tranh, và Washington không muốn chiến tranh. Tôi không đồng ý rằng: "Thực tế hiện nay không có cách nào đẩy lùi Trung Quốc hiệu quả ở Biển Đông mà không có nguy cơ chiến tranh cao." Quan điểm này bỏ qua sự kiềm hãm chính trị, ngoại giao và thể chế quan trọng đối với xung đột vũ trang giữa hai nước. Thực tế là không có điều gì chạm tới bờ vực chiến tranh ngay cả khi mặt cạnh tranh tăng lên đáng kể trong mối quan hệ. Con đường dễ dàng đối với Trung Quốc để đạt tới bá quyền ở Đông Nam Á hiện nay đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Sự thống trị của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ (và Úc) ở châu Á.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không ưa rủi ro và ủng hộ hầu như mọi trường hợp mà Mỹ kiên định lợi ích và nguyên tắc. Chủ tịch Tập Cận Bình nhận thức chiến tranh với Mỹ tổn hại nghiêm trọng sự phát triển kinh tế và khát vọng thống nhất đất nước. Kinh nghiệm gần đây cho thấy Trung Quốc có thể bị buộc phải áp dụng một cách tiếp cận hòa dịu hơn ở Biển Đông, nếu Mỹ và các đối tác mong muốn thực hiện điều đó.

Cuối cùng, Hugh cho rằng chính sách mạnh mẽ hơn của Mỹ không hiệu quả vì Bắc Kinh hiện nghi ngờ quyết tâm của Washington. Đây đúng là vấn đề nghiêm trọng, nhưng có thể được giải quyết nếu các nhà lãnh đạo Mỹ trở nên rõ ràng về cường độ thách thức của Trung Quốc và tầm quan trọng tương xứng của cam kết lâu dài của Mỹ với châu Á.

“Điều gì đằng sau việc Việt Nam – Philippines nối lại hoạt động ở Biển Đông?” của Prashanth Parameswaran

Ngày 22/6, Việt Nam và Philippines tiến hành lần thứ ba liên tiếp giao lưu hải quân hai nước trên đảo Song Tử Tây, tiếp tục một hoạt động xây dựng lòng tin nội khối ASEAN trong bối cảnh có nhiều thay đổi gần đây ở Biển Đông.

Trước khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền, Việt Nam và Philippines đã tăng cường đáng kể hợp tác biển và quan hệ song phương vì nhiều lý do, bao gồm sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai bên đã đưa ra các cơ chế từ đường dây nóng tới nhóm công tác để tạo thuận lợi cho việc xây dựng lòng tin, và mối quan hệ này đã được nâng lên thành mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2015.

Năm 2012, nghị định về giao lưu hải quân song phương trên Song Tử Tây (Việt Nam chiếm đóng) và Song Tử Đông (Philippines chiếm đóng), hai thực thể cách nhau chỉ vài dặm, được kí kết, là ví dụ về xây dựng lòng tin nội khối ASEAN vào thời điểm căng thẳng gia tăng.

Ý tưởng này đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng các bên yêu sách ASEAN có thể thu hẹp khác biệt và hành xử phù hợp với các biện pháp xây dựng lòng tin khu vực như DOC, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục vi phạm DOC và làm chậm tiến trình kí kết COC.

Cuộc trao đổi đầu tiên được tiến hành tại Song Tử Tây tháng 6/2014, ngay sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lần thứ hai diễn ra vào cuối tháng 5/2015 tại Song Tử Đông. Nhưng không có hoạt động nào được tổ chức năm 2016. Nếu có thì thời điểm tổ chức trùng với giai đoạn chuyển giao từ cựu Tổng thống Aquino sang ông Duterte.

Vào ngày 22/6 năm nay, cả hai bên đã khôi phục lại hoạt động này một cách hiệu quả. Trong các tuyên bố chính thức, hai bên nhấn mạnh sự tiếp nối tương tác trong bối cảnh hợp tác rộng lớn hơn. Nhưng thời điểm nối lại hoạt động năm nay sẽ được đặt trong bối cảnh các sự kiện khác ở Biển Đông và mối quan hệ của hai nước với Trung Quốc. Căng thẳng Trung-Việt ở Biển Đông có thể nổ ra, và Hà Nội vẫn thận trọng trước sự quyết đoán của Bắc Kinh. Và mặc dù Trung Quốc và Philippines nhấn mạnh các bước đi mang tính xây dựng mà hai nước đã thực hiện, bao gồm bắt đầu tham vấn song phương vào tháng 5, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, cả hai bên đều không có nhiều tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề gai góc. Các quan chức quốc phòng nói Manila đang lặng lẽ tiếp tục nhiều nỗ lực trước đây để bảo vệ các yêu sách của mình ở Biển Đông.

Chắc chắn là không nên cường điệu về tầm quan trọng của một tương tác đơn lẻ, kể cả trong quan hệ song phương Việt Nam - Philippines hay các động lực chiến lược lớn hơn ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc nối lại giao lưu hải quân Việt Nam - Philippines chắc chắn là một diễn biến thú vị cần được theo dõi cẩn thận, ngay cả khi nó không thu hút được nhiều sự chú ý giống như thường lệ chu kỳ xuất hiện xung đột tại các điểm nóng.

Sự cân bằng tinh tế của Nhật Bản ở Biển Đông của Benoit Hardy-Chartrand và J. Berkshire Miller

Quan hệ Trung - Nhật ngày càng căng thẳng vì sự hiện diện ngày càng tăng của Nhật ở Biển Đông.

Ở Đối thoại Shangri-La gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản gián tiếp chỉ trích Trung Quốc đảo lộn trật tự dựa trên luật và thay đổi nguyên trạng dựa trên các khẳng định trái với các thông lệ quốc tế hiện hành. Hôm sau, Bắc Kinh đưa ra lời bác bỏ thể hiện sự không hài lòng và phản đối mạnh mẽ với tuyên bố của Nhật mà nước này coi là những nhận xét vô trách nhiệm.

JS Izumo, tàu chiến lớn nhất của Hải quân Nhật Bản, hiện đang đi qua Biển Đông trong ba tháng, qua cảng Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka để chuẩn bị tập trận ở Ấn Độ Dương cùng Ấn Độ và Mỹ vào tháng 7. Chuyến đi này được đưa ra sau thông báo của Tokyo về Tầm nhìn Viên Chăn tháng 11/2016 về kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng của Nhật với các thành viên ASEAN.

Dù sự hiện diện liên tục của hải quân là một điều tương đối mới, Nhật Bản từ lâu đã quan tâm đến an toàn hàng hải và giao thương đường biển ở Biển Đông vì 90% lượng dầu của Nhật đi qua Biển Đông. Nhật Bản đã thành lập hoặc tạo đà cho các tổ chức hoặc hiệp định tăng cường an ninh hàng hải, như Hội đồng Eo biển Malacca 1968 và ReCAAP 2001. Nhật Bản luôn đề cao vấn đề an ninh biển trong các thiết chế đa phương như ARF, EAS và ADMM+

Gần đây, động lực chính để Nhật can dự vào Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự quyết đoán trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc. Năm 2013, Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nhận định tình hình Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tình hình Biển Hoa Đông. Từ đó, chính quyền Abe đã nhất quán ưu tiên vấn đề Biển Đông và dành nhiều vốn đầu tư và chính trị để tăng cường cam kết của mình với các quốc gia duyên hải ASEAN.

Nhật Bản tập trung xây dựng lực lượng quân sự và hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á có yêu sách. Kể từ cuộc bầu cử thủ tướng năm 2012, chính phủ Nhật thắt chặt thêm quan hệ quốc phòng với Việt Nam và Philippines. Ngoài huấn luyện quân đội và tập trận chung, Nhật còn chuyển giao tàu tuần tra và máy bay giám sát cho hai nước này.

Tokyo vẫn thận trọng về phạm vi tham gia của mình trong vùng biển đang tranh chấp. Trong khi Inada ủng hộ FONOPS ở Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La, bà không bình luận trực tiếp về khả năng Tokyo tham gia các hoạt động như vậy với Mỹ trong tương lai.

Một trong những lý do giải thích vì sao Nhật vẫn lưỡng lự tham gia FONOPS ở Biển Đông là vấn đề năng lực. Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đang dàn mỏng ở cả Biển Nhật Bản và Okinawa, cùng với đó Nhật phải triển khai 2 tàu khu trục có trang bị Aegis để ngăn chặn đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. JMSDF còn làm nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát ở Biển Hoa Đông. Tuy nhiên chính phủ Nhật vẫn đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của JMSDF trên Biển Đông.

Điều quan trọng cần lưu ý là Tokyo phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình trong khu vực thật tinh tế để đảm bảo sự cân bằng hợp lý về lợi ích an ninh khu vực của mình cùng với các yêu cầu về an ninh quốc gia.

Không thể tránh cuộc chiến tranh Trung – Mỹ?của David Ignatius

Các chuyên gia phân tích Trung Quốc từ thời Chủ Tịch Tập Cận Bình cho rằng không thể có trường hợp tương tự “Bẫy Thucydides” trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tập Cận Bình đã từng tuyên bố sẽ áp dụng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”, tránh nổ ra chiến tranh với các nước bằng việc công nhận mỗi nước lớn Châu Á đều có lợi ích chính đáng riêng. Gần đây, Chủ tịch Tập còn cho rằng “Trung Quốc và Mỹ phải làm mọi thứ để tránh rơi vào Bẫy Thucydides.”

 

Đứng từ phía Trung Quốc, có thể nhận thấy một số điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, sức mạnh kinh tế và văn hóa không thể thay thế cho sức mạnh quân sự. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và tri thức, nhưng quân sự Trung Quốc lại thiếu sự hỗ trợ của công nghệ. Do đó, chiến tranh sẽ là một sai lầm.

Thứ hai, yếu kém sinh coi thường. Các nước phương Tây đã thể hiện sự cam kết trung thành đối với các nhà cầm quyền Trung Quốc, nhưng họ đều có những ý định riêng. Trung Quốc đã bị mục nát trước ảnh hưởng của phương Tây. Sai lầm. Allison đã trích dẫn châm ngôn của Thucydides: Kẻ yếu (mở rộng hơn đó là kẻ gục ngã) phải làm những điều họ buộc phải làm. Loại bỏ (hay ít nhất là kiểm soát) tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc.

Thứ ba, phương Tây áp dụng “mở cửa, tự do” như một cách để Trung Quốc và các nước Chây Á tiếp thu công nghệ và phương thức phương Tây. Nhưng đồng thời, họ cũng lợi dụng điều này để tạo ra sự phụ thuộc. Thậm chí Nhật Bản, quốc gia đã có nền tảng sản xuất vững chãi, vẫn bị phụ thuộc về nguyên liệu thô và nguồn cung năng lượng từ các nước phương Tây. Sai lầm. Một cuộc chiến tranh tàn khốc đã xảy ra.

Thứ tư, mở rộng mạng lưới những sự hỗ trợ và viện trợ là một cách tốt để mở rộng ảnh hưởng và năng lực quân sự. Kế hoạch Marshall đã từng dựa vào chiêu bài hỗ trợ nhân đạo để mở rộng ảnh hưởng của Mỹ và hạ bệ Liên Xô. Trung Quốc cũng đang tiếp cận theo cách tương tự thông qua Ngân hàng AIIB và dự án OBOR. Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn các nước khác tham gia các sáng kiến của Trung Quốc. Sai lầm. Sự phát triển của Châu Á chính là sự củng cố đối với sức mạnh của Trung Quốc.

Thứ năm, Mỹ cho rằng minh bạch và một trật tự dựa trên các quy tắc và luật pháp quốc tế là sự đảm bảo tốt nhất về an ninh cho tất cả các bên. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng nước Mỹ tạo ra luật và các nước khác phải tuân thủ theo trật tự đó. Việc tuân thủ các quy tắc sẽ kiểm soát được sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu như phán quyết của Tòa trọng tài hồi năm ngoái đã được thực thi, thì nó sẽ ngăn chặn được sự mở rộng sức mạnh của Trung Quốc thông qua việc cải tạo và và xây dựng căn cứ quân sự trên đảo. Sai lầm. Những bài học từ lịch sử đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố rằng, mục đích các hành động của mình là có giới hạn và phi quân sự, ngay cả khi sức mạnh của Trung Quốc cũng như việc xây dựng các căn cứ quân sự đe dọa sức mạnh của hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Thành lập một Ủy ban đặc biệt về Biển Đông để giải quyết tranh chấpcủa Donald R. Rothwell

Với những đình trệ trong các hoạt động ngoại giao, giải pháp về tranh chấp lãnh thổ và biển đảo ở Biển Đông có thể rơi vào thế bế tắc. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Philippines có thể mở rộng một số hoạt động ngoại giao sáng tạo để giải quyết bế tắc. Chẳng hạn như trong Sách Trắng 2016 của Trung Quốc khi phản đối phán quyết đã nêu “thiết lập và thúc đẩy các cơ chế và quy định kiểm soát tranh chấp”, trong đó “thúc đẩy phát triển chung trong khi vẫn giữ nguyên những khác biết”. Quan điểm thúc đẩy phát triển chung trong khu vực có thể tạo cơ hội đàm phán về các vấn đề khai thác cá và nguồn khí hydrocarbon trong khu vực. Ủy ban đặc biệt về Biển Đông là một giải pháp?

Ủy ban gồm 15 thành viên với nhiệm vụ xúc tiến hòa giải và là trọng tài cho các tranh chấp sẽ mang đến một cơ chế ba bên chính thức và không chính thức, cho phép giải quyết tranh chấp ở mức độ song phương và khu vực. Trong thể chế này, mỗi bên trong số sáu bên tranh chấp ở Biển Đông sẽ chỉ định một thành viên của Ủy ban, cùng với chín thành viên đã được chỉ định ở ngoài khu vực.

Phạm vi hoạt động của Ủy ban này sẽ bao gồm cả các tranh chấp các cấu trúc và tranh chấp trên biển, bao gồm các đảo, đá và các thực thể biển nhỏ khác. Nhiệm vụ của Ủy ban này cũng có thể bao gồm việc xác định các quyền và ranh giới biển theo UNCLOS. Các thành viên của Ủy ban sẽ là những nhà ngoại giao và các chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm trong các tranh chấp lãnh thổ và biển, với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia bao gồm các nhà địa lý, sử học, thủy văn và khoa học biển.

Ủy ban này sẽ được thiết lập dưới cơ chế hiệp định đàm phán, với sự đồng thuận của tất cả các bên. Một ban thư ký sẽ được thiết lập trong khu vực, và hoạt động thông qua sự đóng góp ngân sách của tất cả các thành viên.

Ủy ban này là hoàn toàn phù hợp với Điều 33 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, khuyến khích các giải pháp của khu vực cho các tranh chấp, đồng thời làm đa dạng thêm các phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Tuy rằng hệ thống tòa án có khả năng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhưng không có nhiều liên quan đến các bên tranh chấp. Ví dụ, các nước như Brunei, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam chưa từng liên quan trong một vụ việc nào trước Tòa án Quốc tế hay Tòa quốc tế về Luật biển. Ngược lại, Ủy ban Biển Đông sẽ được đặt ở ngay trong lòng Châu Á, các thành viên Ủy ban đều các là nước trong khu vực. Những nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Singapore sẽ là một bên trung lập trong Ủy ban này.

Ủy ban về Biển Đông sẽ đưa ra các giải pháp pháp lý thông qua sự linh hoạt của phương thức hòa giải, hoặc giải pháp cuối cùng có thể là trọng tài ràng buộc về mặt pháp lý. Cách tiếp cận này có thể là một giải pháp pháp lý của khu vực cho một vấn đề mang tính khu vực như tranh chấp trên Biển Đông./.