I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc xác nhận tàu sân bay “đang chạy thử”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun ngày 28/12 khẳng định tàu sân bay của nước này đang tiến hành hoạt động thử nghiệm khoa học. Ông Yang cho biết việc nghiên cứu, thử nghiệm sẽ là quá trình lâu dài và việc thử nghiệm khoa học, chạy thử trên biển sẽ còn được tiến hành trong tương lai.

Một số ý kiến của chuyên gia, học giả Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Dương Thư (Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Á, Đại học Lam Châu): Đối với vấn đề Biển Đông, người Trung Quốc thường coi quy thuộc lịch sử là quy thuộc pháp lý. Trung Quốc là nước lớn lục địa, ý thức đối với lãnh thổ biển còn thiếu. Khiếm khuyết trong tư tưởng truyền thống đã tạo ra cục diện bị động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hiện nay. Vương Nghĩa Quỳ (Viện trưởng Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Đồng Tế): Từ xưa đến nay Trung Quốc luôn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng nông dân, nhưng đối với vấn đề Biển Đông cần phải xử lý theo tư duy văn minh. Trương Đà Sinh (Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc) Cho dù thế nào cũng phải kiên trì 5 nguyên tắc sau: (i) Trung Quốc có quyền lãnh thổ không thể tranh cãi đối với Biển Đông; (ii) đối thoại hòa bình, không sử dụng vũ lực giải quyết các vấn đề cụ thể do tranh chấp Biển Đông gây ra; (iii) trong quá trình lâu dài giải quyết vấn đề, phải luôn giữ kiềm chế, ngăn ngừa tình hình diễn biến phức tạp thêm; (iv) thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai thác”; (v) kiên quyết phản đối thế lực bên ngoài can thiệp, phản đối quốc tế hóa, đa phương hóa, mở rộng tranh chấp Biển Đông. Tiết Lực (Phó Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược quốc tế, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc): Trung Quốc thiếu một chiến lược rõ ràng về vấn đề Biển Đông dẫn đến việc thường bị động về tổng thể trong vấn đề Biển Đông. Sức mạnh của Trung Quốc hiện nay và ngoại lực đều không cho phép tiếp tục lấy cớ “vấn đề Biển Đông vẫn chưa đến lúc giải quyết” để không ra tay. Vương Dật Châu (Phó Viện trưởng Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh): Nguyên tắc Trung Quốc cần phải giữ khi xử lý vấn đề Biển Đông là: phải giữ được giới hạn cuối cùng, thực hiện “gác tranh chấp cùng khai thác” và cần phá vỡ lối tư duy theo quán tính như hiện nay. Chỉ cần Trung Quốc coi khu vực Biển Đông là đối tượng cần phải tranh thủ thì Trung Quốc nhất định sẽ vững bước trở thành cường quốc biển, có lợi cho việc duy trì trật tự, an ninh trên biển ở Đông Á. (Mạng Nhân dân -Trung Quốc ngày 23/12)

Trung Quốc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. CNOOC đang chuẩn bị khoan mỏ dầu đầu tiên của công ty từ trước đến nay ở phía bắc Biển Đông khoảng đầu năm 2012 bằng dàn khoan Ocean Oil 981, dàn khoan nước sâu bán nổi đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất có trị giá 980 trịêu USD. Cho đến nay, Trung Quốc đã khoan chưa đến 15 giếng thám sát nước sâu và tất cả đều do các đối tác nước ngoài của CNOOC thực hiện. CNOOC đang đặt mục tiêu xây dựng năng lực khai thác tương đương 1 triệu thùng/1 ngày ở những vùng biển nước sâu vào năm 2020, dự án này có tên gọi “Đại Khánh ngoài khơi”.

+ Việt Nam:

Biển Đông: Hướng tới một Khu vực Hòa bình, An ninh và Hợp tác. Sách (do Nhà Xuất bản Thế giới ấn hành, chủ biên: Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao) tập hợp các bài viết cập nhật sau Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 về Biển Đông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung cuốn sách tập trung vào các chủ đề chính sau: (i) Tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi, (ii) Những diễn biến ở  Biển Đông gần đây và hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, (iii) Các vấn đề pháp lý quốc tế trong các tranh chấp ở Biển Đông, (iv) Quá trình giải quyết tranh chấp, xây dựng lòng tin và phương thức thúc đẩy hợp tác khu vực.

Nga giao thêm cho Việt Nam 4 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi SU-30. Các chiến đấu cơ này được giao dựa trên một hợp đồng bán cho Việt Nam tổng cộng 12 chiếc SU-30 cùng với những loại vũ khí, thiết bị và linh kiện trị giá 1 tỉ đôla. SU-30 MK2 là chiến đấu cơ đa chức năng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên đất liền và trên biển.

+ Philíppin:

Philippines đưa tàu chiến lớn nhất ra Biển Đông. Philíppin đã điều tàu chiến lớn nhất của mình BRP Gregorio del Pilar ra Biển Đông, hướng về phía dự án khai thác khí đốt Malampaya. Đây là con tàu mà Philíppin mua từ phía Mỹ để tăng cường năng lực phòng vệ lãnh hải. Người phát ngôn của hải quân Philíppin, Trung tá Omar Tonsay cho biết các tàu chiến khác của hải quân nước này cũng được triển khai ở “Biển Tây Philíppin và các khu vực khác xung quanh đảo Palawan”.

II. Quan hệ các nước

“Cởi mở là chìa khóa mở đối với quan hệ Việt - Trung”. Trong lúc vấn đề Biển Đông đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Việt - Trung thì chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình là vô cùng quan trọng bởi nó tạo cơ hội cho quan hệ song phương hai nước. Việt Nam cần hiểu rõ rằng Trung Quốc đã kiềm chế trong ứng xử vấn đề Biển Đông, bởi Trung Quốc đánh giá cao môi trường hòa bình xung quanh Trung Quốc chứ không phải Trung Quốc buộc phải làm điều đó vì Việt Nam. Nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa với Việt Nam hoàn toàn không có lô-gíc bởi ngay cả khi Trung Quốc không phải là cường quốc thì sức mạnh quốc gia của Trung Quốc cũng vẫn vượt trội Việt Nam. Do đó, Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục duy trì tình hữu nghị. Khi vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục rất nhạy cảm, cần xem xét kỹ ý kiến công luận bởi đôi khi ý kiến đó có thể khiến mất nhiều hơn được. Trung Quốc và Việt Nam cần cam kết giải quyết các vấn đề giữa hai nước hòa bình. Trung Quốc cần khoan dung hơn nữa còn Việt Nam cần sáng suốt, tỉnh táo hơn.

Nhật - Ấn hướng tới hợp tác an ninh. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, lãnh đạo hai nước ngày 28/12 đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong tuyên bố chung công bố sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cho biết Lực lượng tự vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc diễn tập chung trong năm 2012 và tăng cường hợp tác nhằm hướng tới đảm bảo an ninh hàng hải khu vực.

“Ấn Độ cần khẳng định mình trước một Trung Quốc kiêu ngạo” của G Parthasarathy.  Năm 2012, một thế hệ mới của Trung Quốc, do Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình đứng đầu, được biết đến như là “phe thái tử”, sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc. Sức mạnh quân sự đã được phô trương và các tuyên bố đòi chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng từ Nhật Bản, Việt Nam đến Philíppin và Ấn Độ, đã thể hiện một cách cứng rắn. Câu hỏi đặt ra là: Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc có đi theo đường lối này không? Hay thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tìm cách đáp ứng các khát vọng dân chủ bằng một cơ chế chính trị minh bạch và cởi mở hơn? Các câu hỏi này đang được giới lãnh đạo các nước trên thế giới quan tâm. Trong khi Trung Quốc khăng khăng nói sẽ giải quyết những bất đồng hàng hải với các nước như Việt Nam, Philíppin, Brunây và Malaixia trên cơ sở song phương, Ấn Độ đã tuyên bố tại EAS (Inđônêxia) rằng các vấn đề liên quan đến lãnh hải và tự do hàng hải phải được giải quyết trong khuôn khổ Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982. Ấn Độ không phải là một nước lệ thuộc, sẽ không chịu khuất phục và làm theo mệnh lệnh của một nước Trung Quốc “hiếu chiến”. Trung Quốc phải nhận thức được điều này và chấp nhận sự thật đó.

“Nếu Trung-Mỹ xảy ra chiến tranh, Trung Quốc cần thực hiện đánh đòn phủ đầu giành quyền kiểm soát eo biển Malacca” của Zheng Renyuan, nghiên cứu viên trung tâm nghiên cứu quốc tế Đại học Washington. Việc Trung Quốc 10 năm tới sẽ trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới dường như không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn trở thành nước lớn hàng đầu thế giới thì cần phải sớm giải quyết vấn đề Biển Đông, phá vỡ sự bao vây quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bảo vệ an ninh tuyến đường vận chuyển năng lượng và thương mại của Trung Quốc. Mặc dù hiện nay khả năng Mỹ - Trung xảy ra chiến tranh là rất thấp. Nhưng một khi hai bên xảy ra xung đột thì với sức mạnh quân sự của Mỹ ở Châu Á, Mỹ sẽ dễ dàng phong tỏa eo biển Malacca. Yết hầu cung cấp năng lượng cho Trung Quốc sẽ bị đóng chặt. Sự bảo đảm an ninh ổn thỏa nhất đối với Trung Quốc là giành lại chủ quyền ở Biển Đông. Như vậy không những Trung Quốc có thể mở rộng một cách có hiệu quả sự tồn tại quân sự ở Đông Nam Á mà còn làm suy yếu ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. (Mạng Hoàn Cầu ngày 22/12/2011)

III. Phân tích và đánh giá

“Hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và ASEAN không bị ảnh hưởng bởi vấn đề Biển Đông” của Ngô Chính Long, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương Trung Quốc. Do tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề, nên tranh chấp Biển Đông không dễ dàng giải quyết ngay được, nhưng qua những xung đột vừa qua có thể đưa ra một số kết luận sau: (i) Vấn đề “Biển Đông” về tổng thể vẫn nằm trong tầm kiểm soát. (ii) Hợp tác thiết thực, cùng thắng, cùng có lợi giữa Trung Quốc và ASEAN không bị ảnh hưởng bởi vấn đề “Biển Đông”, ngược lại hợp tác này đã không ngừng được phát triển và sâu sắc trên các lĩnh vực và các tầng nấc, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân các nước. (iii) Đấu tranh về vấn đề Biển Đông là cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn, nhưng sẽ không trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN phát triển sẽ có lợi cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. (iv) Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng “thực lực mềm”, không ngừng thay đổi trò mới nhằm gây đối lập và nghi kỵ giữa Trung Quốc và ASEAN. Đối với việc này, Trung Quốc nhất định phải tỉnh táo nhận rõ và chuẩn bị tốt.

“Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Một nỗ lực để hòa giải?” của Amruta Karambelkar. Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 20 đến 22 tháng 12 năm 2011. Ông đã gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức cao cấp khác của Việt Nam. Liệu Trung Quốc và Việt Nam trông đợi gì từ chuyến thăm cấp cao này? Trung Quốc đang cố gắng sửa đổi cách thức ứng xử với Việt Nam? Nếu như vậy, liệu Việt Nam sẽ đáp lại một cách tích cực? Chuyến thăm có nhiều ý nghĩa căn cứ vào thời điểm diễn ra. Mối quan hệ Việt – Trung đã trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây vì tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc hiện nay đang vươn ra các quốc gia láng giềng nhằm “tăng cường hợp tác và thay đổi tình hình quốc tế’. Trung Quốc thực hiện điều này với sự trợ giúp của củ cà rốt kinh tế và có thể đang xem xét lại chính sách cây gậy với những quốc gia láng giềng của mình. Việt Nam được biết đến đang cân bằng các mối quan hệ của mình. Tiếp theo tranh chấp Biển Đông trong thời gian gần đây, một mặt tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ và Ấn Độ để tăng cường sức mạnh quân sự của minh; cùng lúc đó Việt Nam muốn duy trì mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Cách hành xử của Việt Nam đối với Trung Quốc (và những nước khác như Mỹ và Nhật) sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc sử dụng biện pháp nào, củ cà rốt hay cây gậy.

“Đảo Thái Bình (Ba Bình) nhưng không thái bình” của tác giả Vương Tiến, Đổng Vĩ thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Từ đầu thế kỷ đến giữa thế kỷ 20, đảo “Thái Bình” đã 7 lần thay chủ, lần lượt bị Nhật Bản, Pháp và Philíppin chiếm đóng. Từ đó có thể thấy, lịch sử của đảo “Thái Bình” không thái bình như cái tên của nó, nguyên nhân là do đảo này có vị trí địa lý đặc biệt và giá trị về quân sự không thể thay thế. Mặc dù chính quyền Đài Loan tháng 4/2011 đã đưa lính hải tuần được hải quân lục chiến huấn luyện đến đóng ở đảo “Thái Bình” nhằm tăng cường phòng thủ cho đảo, nhưng sự uy hiếp nghiêm trọng đối với đảo “Thái Bình” đã trở thành sự thực không thể tranh cãi. Một số báo chí Đài Loan cũng kêu gọi hai bờ hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Thiếu tướng Giải phóng quân Trung Quốc La Viện năm ngoái đã kiến nghị, quân đội hai bờ cần bắt tay nhau bảo vệ biên cương của dân tộc Trung Hoa, như cùng phòng thủ Biển Đông, một khi có việc, quân ĐL đóng trên đảo “Thái Bình” có thể tạo điều kiện tiếp tế hậu cần cho quân đội Đại lục.

Mỹ nỗ lực giữ vị thế tại châu Á-Thái Bình Dương. “Hãy đi thẳng vào vấn đề chính trị. Chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tại châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang cố gắng theo sát chúng ta và ngấm ngầm cạnh tranh với chúng ta. Quả đúng vậy. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc đảo Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng và tác động trở lại toàn cầu." Có thể coi những nhận xét thẳng thắn tới mức bất thường trên của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hồi đầu tháng Ba năm nay, là lời khẳng định sâu sắc nhất cho mục tiêu đẩy mạnh can dự của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba năm nay, Thủ tướng Australia Julia Gillard đã nói: “Không có lý do gì mà sự thịnh vượng của Trung Quốc lại làm bớt đi sự thịnh vượng ở Australia, Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới." Rõ ràng, đây là lời thừa nhận của chính sách các bên đều có lợi. Có lẽ, chính bản thân các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cần phải đặt ra hướng đi cho mình và giúp nhau cùng tiến. Đó là cách nói khác của chiến lược “giữ thế” theo cách nhìn của Mỹ.

Những vận động trong nội khối ASEAN và tranh chấp biển Đông: tác động tới tiến trình DOC/COC và Đề xuất ZoPFFC của TS. Ian Storey. Ngoài sự không khoan nhượng từ phía Trung Quốc, việc quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông đang bị chính những vấn đề trong nội khối ASEAN cản trở, và đặc biệt là vấn đề đồng thuận. Do Biển Đông đóng vai trò sống còn đối với sự thịnh vượng kinh tế và an ninh lương thực với Đông Nam Á, các quốc gia thành viên ASEAN cũng có lợi ích không thể chối cãi đối với vấn đề ổn định và giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình. Nhưng ASEAN không ủng hộ các yêu sách của bốn quốc gia thành viên của mình cũng như không đưa ra một lập trường nào về tính hợp lý của yêu sách do Trung Quốc đưa ra. Trong khi Việt Nam và Philíppin đang ủng hộ một Bộ Quy tắc ứng xử cho Biển Đông, thì Trung Quốc tỏ ra miễn cưỡng với việc theo đuổi một Bộ Quy tắc như vậy. Đây chính là trở ngại lớn. Đề xuất của Philíppin về việc đưa  trở thành một khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFFC) cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi do sự phản đối từ Bắc Kinh, và cùng bởi đề xuất đó đòi hỏi ASEAN phải tỏ rõ thái độ đối với yêu sách bành trướng của Trung Quốc. Tóm lại, dù ASEAN không đưa ra lập trường về các yêu sách khác nhau, tổ chức này vẫn cam kết hướng đến sự ổn định tại Biển Đông và muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình – điều này tạo cơ sở cho sự đồng thuận của ASEAN. 

“Trật tự khu vực mới ở Châu Á phản ứng với bá quyền Trung Quốc” của Jaswant Singh.Ấn độ và Mỹ đã tăng cường mối quan hệ chiến lược của mình với Nhật Bản, không chỉ về phương diện song phương, mà còn theo một cách thức ba bên đặc biệt, điều mà thứ trưởng ngoại giao Mỹ William Burns cho rằng có thể “định hình lại hệ thống quốc tế”. Cho đến giờ, quan hệ an ninh của Ấn Độ với Nhật Bản và Hàn Quốc có phần khiêm tốn. Nhưng điều đó đang thay đổi. Trong chuyến thăm Tokyo gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony, đã đạt được thỏa thuận rằng Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tiến hành tập trận hải quân và không quân chung lần đầu tiên vào năm 2012. Diễn biến này sẽ, chắc chắn, gây lo ngại cho Trung Quốc, nước đang có những bước đi gay gắt hơn trong việc hướng tới vị trí bá chủ khu vực. Sự quyết đoán của Trung Quốc, đa phần trong đó hiện nay tập trung vào yêu sách của nước này đối với Biển Đông, như một lời cảnh tỉnh về kiểu trật từ khu vực mà Trung Quốc sẽ thiết lập nếu nước này có được quyền lực. Mối quan ngại đã đẩy lên đến mức 15 trong số 18 quốc gia tham dự hội nghị Hợp tác Đông Á gần đây ở Bali đã coi cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông như một mối đe dọa Động lực hiện nay đằng sau ngoại giao An ninh châu Á sẽ không thay đổi trừ khi Trung Quốc cân nhắc lại thái độ của nước này đối với các nước láng giềng.

Biển Đông: Căng thẳng lan rộng. Những căng thẳng và viễn cảnh của các hành động quân sự ở Biển Đông có khả năng sẽ gia tăng trong năm 2012. Tuyến đường biển bận rộn nhất trên thế giới với sự đi qua của ít nhất là hai phần ba lượng dầu tới Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tranh chấp lãnh thổ mang tính lịch sử này đã leo thang với việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự ở đây cùng những lời lẽ khoa trương với gần như tất cả các quốc gia liền kề tuyến đường biển này. Washington đã cảnh báo rằng cần phải duy trì sự tự do, không bị giới hạn đối với tuyến đường biển này và đang tăng cường sự hiện diện ở khu vực với việc đóng 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ ở phía Bắc của Úc.

Bản PDF tại đây