Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc huấn luyện 3 ngày ở Biển Đông. Tờ “People” hôm 26/2 đưa tin tàu khu trục mang tên lửa dẫn hướng Changsha số hiệu 173 và tàu Lanzhou số hiệu 170 cùng hải quân thuộc Tư lệnh miền Nam PLA diễn tập ở Biển Đông vào cuối tháng 2. Một trong số khoa mục diễn tập là bắn đạt thật các mục tiêu giả định trên không. Tuy nhiên, tờ báo không nêu cụ thể địa điểm của cuộc diễn tập.

Trung Quốc phản đối Mỹ tiếp tục FONOP ở Biển Đông. Tại họp báo thường kỳ ngày 28/2, về phản ứng của Trung Quốc trước việc quan chức Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục FONOP ở Biển Đông, người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường cho hay, “Trung Quốc phản đối các quốc gia lấy cơ tự do hàng hải để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp và khiêu khích, phương hại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển, đe dọa tới hòa bình và ổn định khu vực. Theo ông Nhiệm, “tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định nhờ nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc cũng như nguyện vọng chung của các nước khu vực về hòa bình ổn định, tránh gây phức tạp tình hình”. Về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công vũ trang ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 2/3 khẳng định, “Nếu có một nước bên ngoài khu vực Biển Đông, ví dụ như Mỹ, thực sự quan tâm tới hòa bình, ổn định và quyền lợi của người dân khu vực, thì không nên gây thêm rắc rối”.

+ Indonesia:

Indonesia ngang nhiên bắt giữ 4 tàu cá Việt Nam. Vụ việc xảy ra vào sáng 24/2 và 2 tàu kiểm ngư Việt Nam số hiệu 214214 và 214263 cố gắng giải cứu 4 tàu đánh cá bị hải quân Indonesia bắt giữ. Thuyền trưởng tàu Indonesia KRI Tom-357 đã phải bắn một phát đạn pháo 76mm để buộc hai tàu kiểm ngư Việt Nam rời đi. Cuối cùng Hải quân Indonesia bắt giữ 4 tàu đánh cá treo cờ Việt Nam mang số hiệu BV525 TS, BV9487TS, BV4923TS và BVS525TS. Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp và các vấn đề Hàng hải Indonesia Susi Pudjiasturi hôm 25/2 cho hay đây không phải là lần đầu tiên sự việc này xảy ra trong vài tuần qua. Tuần trước, 2 tàu kiểm ngư Việt Nam cũng cố gắng ngăn cản tàu KP Hiu Macan 01 của Bộ Ngư nghiệp và Hàng hải Indonesia khi tàu này đang bắt giữ 4 tàu đánh cá Việt Nam. Việt Nam và Indonesia có vùng biển chồng lấn và hiện đang tích cực đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước.

+ Mỹ:

Mỹ cam kết bảo vệ nếu Philippines bị tấn công trên Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Philipines Locsin hôm 1/3 nhân chuyến thăm Philippine, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, “hoạt động xây dựng đảo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và đời sống kinh tế của các bạn, cũng như của Mỹ. Do Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào lực lượng Philippines, máy bay hoặc tàu công vụ Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ bảo vệ được quy định trong Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ chung”. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, “Biển Đông là một khu vực biển quan trọng cho hoạt động tự do hàng hải. Chính quyền Trump đã có cam kết rõ ràng trong việc đảm bảo các vùng biển này luôn rộng mở. Chúng tôi cam kết hỗ trợ không chỉ cho Philippines mà còn tất cả các nước trong khu vực để bảo đảm tuyến đường thương mại huyết mạch luôn rộng mở và Trung Quốc không gây ra mối đe dọa phong tỏa tuyến đường biển này”.

Động thái đa phương

Cuộc họp lần thứ 27 Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về COC. Từ ngày 27 - 28/2 tại Myanmar, Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức Hội nghị nhóm công tác chung về thực hiện DOC lần thứ 27. Đây là hội nghị đầu tiên trong năm nay về thực hiện cơ chế DOC. Hai bên đã thảo luận về Bản Dự thảo Đàm phán COC, trao đổi các diễn biến ở Biển Đông, đánh giá tiến trình thực thi DOC và đàm phán COC. Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Cuộc họp lần thứ 28 dự kiến sẽ tổ chức song song với SOM-DOC ở Trung Quốc vào tháng 5 năm 2019.

Việt – Mỹ trao đổi về tình hình Biển Đông. Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân chuyến thăm Việt Nam dự Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên lần thứ 2 từ ngày 27-28/2/2019. Hai bên điểm lại và hài lòng về những tiến triển ngày càng thực chất trong quan hệ hai nước thời gian qua trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực cùng quan tâm, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC tại Biển Đông và sớm ký kết COC.   

Phân tích và đánh giá

“Tại sao Biển Đông khiến Mỹ-Trung thêm căng thẳng?” Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã đảm bảo quyền tự do hàng hải trong các vùng biển ở châu Á, thực hiện hoạt động tuần tra các vùng biển này với quan điểm là nhằm duy trì nguyên tắc rằng không có quốc gia có chủ quyền nào bị nước khác can thiệp. Sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, cùng với sự quyết đoán của nước này trong các yêu sách chủ quyền, đang thử thách Mỹ và có khả năng trở thành vấn đề gây xung đột giữa hai cường quốc.

Biển Đông ở đâu?

Kéo dài từ Trung Quốc ở phía Bắc tới Indonesia ở phía Nam, vùng biển này có diện tích 3,6 triệu km2, lớn hơn cả biển Địa Trung Hải. Vùng biển này tiếp giáp cả Việt Nam, Malaysia và Singapore ở phía Tây, Philippines và Brunei ở phía Đông. Đây là khu vực có trữ lượng thủy hải sản lớn - chiếm khoảng 10% sản lượng đánh bắt cá của cả thế giới, và có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt rất hứa hẹn. Điều đáng chú ý hơn là một khối lượng lớn hàng hóa thương mại được vận chuyển qua đường biển này. Năm 2016, con số này là 3.000 tỷ USD, trong đó có hơn 30% lượng dầu thô của toàn thế giới được vận chuyển qua Biển Đông. Tầm quan trọng về kinh tế của Biển Đông đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý, trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.

Tại sao Biển Đông là vấn đề gây tranh cãi?

Hiện nay có những tuyên bố chủ quyền xung đột nhau giữa các nước đối với các vùng biển, bãi đá, đá ngầm và các đảo ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, và củng cố những tuyên bố này bằng một bản đồ công bố năm 1947, trong đó có những đường đứt đoạn - gọi là "đường 9 đoạn" - kéo dài xuống điểm cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 1.800 km về phía Nam. Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan là bên yêu sách khác ở Biển Đông. Chính phủ Bắc Kinh yêu cầu rằng các nước khác cần phải có sự đồng ý của Trung Quốc trước khi có tàu thuyền hay máy bay quân sự tiến lại gần các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng, bao gồm cả những thực thể mà nước này tạo ra bằng cách bồi đắp cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo.

Trung Quốc xây dựng ở những khu vực?

Trung Quốc đã cải tạo khoảng 1.290 ha trên 7 bãi đá và bãi ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trên các khu vực được cải tạo này, Trung Quốc đã xây dựng các cảng biển, ngọn hải đăng, đường băng, và lắp đặt các cụm pháo tên lửa cùng nhiều thiết bị quân sự khác. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các thực thể này. Bất kể khi nào Trung Quốc triển khai một loại thiết bị mới tại Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều nói rằng chỉ nhằm mục đích phòng vệ.

Mỹ nói gì?

Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền của các quốc gia châu Á tại Biển Đông. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện "chiến dịch tự do hàng hải", gọi là FONOP, bằng cách cử các tàu chiến và máy bay chiến đấu tới gần các khu vực tranh chấp nhằm thể hiện quyền được đi lại tự do trong các khu vực mà Mỹ cho là vùng biển và không phận quốc tế. Tính đến giữa tháng 2/2019, Mỹ đã công khai thực hiện 11 chiến dịch FONOP kể từ khi Donald Trump trở thành tổng thống nước này đầu năm 2017. Theo Ian Storey, nhà nghiên cứu làm việc tại viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, trong suốt 8 năm cầm quyền của Obama, chính quyền Mỹ chỉ thực hiện tổng cộng 4 FONOP.

Cộng đồng quốc tế phản ứng như thế nào?

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đã bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. PCA đưa ra phán quyết rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên ở các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn". PCA cũng cho rằng, theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển, các đảo nhân tạo - ví dụ như các đảo do Trung Quốc xây dựng - không tạo ra các quyền hàng hải hay các vùng chủ quyền. Philippines là nước đã đưa vụ kiện này lên PCA. Tuy nhiên Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, nói rằng PCA không có quyền phán quyết.

Tại sao phải lo ngại?

Trong bối cảnh hai lực lượng quân sự hùng mạnh của Trung Quốc và Mỹ thường xuyên xảy ra va chạm, nhiều người lo ngại rằng hai nước sẽ tính toán sai hoặc mắc sai lầm, dẫn tới nguy cơ làm kích động một cuộc đối đầu nghiêm trọng hơn. Năm 2018, một tàu chiến của Trung Quốc gần như đã va vào tàu USS Decatur của Mỹ khi nỗ lực xua đuổi tàu này ra khỏi vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trước đó 8 tháng, một vụ việc tương tự đã xảy ra. Tháng 2/2018, Trung Quốc cáo buộc Mỹ "gian lận" khi hai tàu chiến của Mỹ nỗ lực khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Mỹ và Trung Quốc nói gì về những vụ việc này?

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, khi đề cập tới vụ việc của tàu USS Decatur, đã nói rằng bất chấp những "sự quấy rối liều lĩnh", Hải quân Mỹ sẽ "tiếp tục bay qua, đi qua và hoạt động ở bất kể khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của Mỹ yêu cầu". Trước khi từ chức hồi tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với "những hậu quả lớn hơn" trong dài hạn vì quân sự hóa vùng Biển Đông. Phản ứng lại các hoạt động FONOP của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố rằng Mỹ đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Chiến dịch Tự do hàng hải ở Đông Á liệu có đủ của James Holmes. Có một câu hỏi lâu nay luôn ám ảnh những nhà nghiên cứu chiến lược biển ở châu Á, Liệu chiến dịch “tự do hàng hải” có là đủ? Các hoạt động thường xuyên qua lại những vùng nước nơi một nước ven biển tuyên bố quyền và các đặc quyền bên ngoài những điều lệ đã được thiết lập theo các thỏa thuận có đủ để bảo đảm tự do hàng hải hay không? Câu trả lời: Hoạt động tự do hàng hải là cần thiết nhưng không phải là sự đảm bảo đầy đủ cho “tự do trên biển”, sự tự do gần như là vô hạn trong sử dụng biển cho các mục đích quân sự và mậu dịch, và hệ thống giao thương và thương mại đường biển tự do mà nó bảo vệ.

Các hoạt động tự do hàng hải là cần thiết với các lý lẽ pháp lý. Như Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh Chris Parry từng nói: Tự do hàng hải là điều gì đó giống như “quyền đi đường” trong thông luật của nước Anh. Chúng sẽ tồn tại đến chừng nào những người đi biển vẫn sử dụng chúng. Quyền đi đường cho phép người dân đi lại xung quanh các bất động sản riêng bằng một số đường mòn dành cho những người thực sự sử dụng nó. Nếu không ai thực hiện quyền này, lâu dần nó có thể mất hiệu lực. Quyền sở hữu lại quay trở về hoàn toàn với chủ nhân của bất động sản này như trạng thái ban đầu. Vậy có nghĩa là phải sử dụng nó nếu không muốn đánh mất nó!

Tương tự, nếu một nhà nước ven biển như Trung Quốc hay Nga đòi hỏi những quyền vượt ra ngoài quyền tài phán với các vùng biển hải ngoại và không ai thách thức các đòi hỏi đó, thì lâu dần những tuyên bố đó – dù là bất hợp pháp – cũng có thể trở thành thông lệ quốc tế.

Luật pháp quốc tế là một hệ thống các luật lệ được viết trong các hiệp ước và thỏa thuận nhưng cũng là một hệ thống luật theo thông lệ. Nếu như hải quân và các tàu thuyền thương mại không sử dụng quyền của mình theo luật biển, sự đồng thuận với những đòi hỏi của các nhà nước ven biển có thể sẽ dần giống với sự cho phép các đòi hỏi này. Sự chấp nhận có thể trở thành thông lệ thống trị, và như vậy tự do hàng hải sẽ bị hạn chế tại các vùng biển này.

Vì lý do đó, sự cần thiết của việc bác bỏ những tuyên bố ngoài pháp lý đã sớm xuất hiện và thường xuyên hơn. Các hoạt động qua lại tự do hàng hải là không đủ đối với các mục đích quân sự và ngoại giao. Đây chỉ là những hoạt động đến và đi trong khi phần lớn thế giới những người đi biển nên đến thẳng những vùng nước tranh chấp và ở lại đó để ra một tuyên bố mạnh mẽ về tự do hàng hải.

Vậy một tàu chiến của Mỹ đã làm được gì khi nó đi qua một đá nổi của Trung Quốc ở Biển Đông – tòa án quốc tế năm 2016 tuyên bố rằng không có thực thể nào thuộc các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được gọi là một đảo theo đúng ý nghĩa pháp lý – và sau đó lại rời đi luôn? Con tàu này đã thực hiện quyền đi lại theo đúng luật biển, và đó là điều tốt!

Tuy nhiên, rất có thể một tàu chiến của Trung Quốc đã bám sát và chỉ thị cho nó phải rời đi, và cũng có thể đã rất lo lắng trong khi nó qua lại nơi này. Thực tế là các tàu Hải quân Mỹ đã đến và đi khiến người ta có lý do tin là Bắc Kinh đã ra một tuyên bố ngoại giao. Câu chuyện mà người ta lan truyền có thể là người Mỹ đã xâm phạm vào vùng lãnh hải của chúng tôi và chúng tôi đã đuổi họ đi. Những người phát ngôn Trung Quốc đã cố gắng sử dụng thuật giả kim ngoại giao. Họ nỗ lực biến hành động nhân danh tự do hàng hải thành hành động xâm phạm và bỏ chạy. Vậy làm thế nào để làm giảm giá trị những lời tuyên bố của Trung Quốc? Thay vì chỉ thỉnh thoảng xuất hiện một cách chóng vánh, những người ủng hộ tự do hàng hải cần thường xuyên đến các vùng biển tranh chấp như Biển Đông, và nên ở lại đó. Sự kiên trì này cần trở thành khẩu hiệu của họ.

May thay, Washington và các chính phủ có chung tư tưởng dường như nhìn ra được chiến lược này. Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc Phillip Davidson mới đây đã nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng các đồng minh của Mỹ sẽ cùng tham gia các hoạt động triển khai tự do hàng hải trong tương lai. Càng có thêm nhiều lá cờ tung bay trên các vùng tranh chấp thì càng tốt.

Tokyo đã điều một trong các “tàu sân bay trực thăng” – niềm tự hào của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản – để tham gia hoạt động bên cạnh các đội Hải quân của Mỹ ở Biển Đông. Động thái này thay cho lời tuyên bố của chính quyền Nhật Bản rằng họ sẽ không khuất phục áp lực của Trung Quốc ở bất cứ đâu xung quanh vành đai châu Á.

Trong khi đó, châu Âu cũng đã vào cuộc. London hồi mùa Thu năm ngoái đã điều một tàu lưỡng cư của Hải quân Hoàng gia đến khu vực và xuất hiện gần các đá nổi của Trung Quốc, và mới tháng trước một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Hoàng gia cũng đã tham gia các hoạt động phối hợp trong vài ngày với đội tàu Hải quân Mỹ. Anh thậm chí còn có ý định mở một căn cứ quân sự ở Biển Đông – nơi tàu của Anh và các đồng minh có thể neo đậu, tạo điều kiện cho các lực lượng hải quân đến và đồn trú tại đó.

Paris cũng vừa thông báo rằng tàu sân bay có sức mạnh hạt nhân Charles de Gaulle mới được đại tu của họ cũng sẽ có chuyến hành trình tới Biển Đông trong năm nay, trong khi tàu khu trục đầu tiên của Anh là Nữ hoàng Elizabeth sẽ tiếp bước ngay sau đó hoặc trong năm tới. London còn đánh tiếng về ý tưởng thành lập một lực lượng tàu sân bay Anh-Pháp nhằm hỗ trợ sự duy trì mạnh mẽ và trường kỳ của châu Âu tại các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Và điều gì sẽ xảy ra nếu các đồng minh của Mỹ liên tục thực hiện chuỗi hoạt động hiện diện hàng hải này trong một thời gian dài? Bắc Kinh sẽ ngày càng khó khăn trong nỗ lực thuyết phục dư luận tin rằng họ đã đuổi được các tàu đó khi mà chúng chẳng bao giờ rời đi. Câu chuyện ngụ ngôn của Trung Quốc về sự yếu kém của các đồng minh Mỹ sẽ chỉ còn là trò cười.

Nói tóm lại về chiến lược này, theo Đô đốc Wylie, nếu các lực lượng hải quân gia tăng sự hiện diện thường trực thì không chỉ Mỹ mà kể cả các lá cờ châu Á và châu Âu đều có thể chứng tỏ những nỗ lực áp đặt kiểm soát và tự lăng xê bản thân của Trung Quốc là sai. Sự xâm phạm tự do hàng hải một cách từ từ của Trung Quốc sẽ bị kìm hãm nếu cộng đồng những người đi biển đoàn kết chống lại nó. Tuy một sự thành công không phải là chắc chắn, xong nếu được duy trì thì sự thể hiện sức mạnh và quyết tâm đa quốc gia có thể kìm hãm được sự thách thức của Trung Quốc.

“Kế hoạch chuỗi đảo: Tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc”. Một bài phân tích gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) về sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn mở rộng quyền lực vượt xa lãnh thổ nước mình. Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc đã đi sâu vào những chi tiết liên quan đến khả năng và ý định của Bắc Kinh. Một phát ngôn viên của DIA chia sẻ trước báo giới sau khi báo cáo được công bố: “Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng một lực lượng có sức mạnh với khả năng trải rộng khắp các phạm vi mặt đất, trên không, trên biển, không gian và thông tin, vốn được thiết kế để áp đặt ý chí của họ đối với khu vực và hơn thế nữa”.

Bắc Kinh đang tìm cách “tự giải phóng” mình khỏi những gì họ coi là xiềng xích của sự thống trị về văn hóa, quân sự và kinh tế từ phương Tây. Để thực hiện điều này, họ đã tập trung vào 5 “chuỗi đảo” mà ở đó, họ sẽ tìm cách phát huy lợi ích quốc gia của mình. Bất kỳ chuỗi đảo nào trong số đó đều có thể "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Củng cố các chuỗi đảo

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh là một dự án mở rộng nhằm kết nối nền kinh tế rộng lớn của Trung Quốc với phần còn lại của châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn vướng phải những “điểm nghẹt”, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, những vấn đề ở Pakistan, Afghanistan, Singapore, Eo biển Malacca và Đài Loan.

Trung Quốc đã chế ngự cái được gọi là “Chuỗi đảo đầu tiên”: Khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông theo yêu sách “Đường 9 đoạn” trải dài từ phía Bắc Nhật Bản, qua Đài Loan và Philippines, rồi xuống Singapore và Malaysia. Họ đã đạt được điều này thông qua việc thiết lập nhanh chóng hệ thống máy bay tấn công tầm xa và lực lượng hải quân hùng hậu, cùng việc xây dựng các pháo đài nhân tạo trên các rạn san hô, là những nơi nhiều quốc gia láng giềng cũng yêu sách chủ quyền. Những hoạt động đó đã phải hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Giờ đây, khi chiến thắng có lẽ đã nằm trong tay Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang thiết lập mục tiêu tiếp theo: Thống trị “Chuỗi đảo thứ hai”.

Đồng thời, Trung Quốc cũng bắt đầu xác định ranh giới ảnh hưởng tiếp theo mà họ mong muốn… một “Chuỗi đảo thứ ba” (bao quanh Alaska, Hawaii và New Zealand), một “Chuỗi đảo thứ tư” (liên kết Pakistan, Sri Lanka, quần đảo Maldives và cơ sở quân sự của Anh/Mỹ tại Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương), và cuối cùng là “Chuỗi đảo thứ năm” (kéo dài từ Djibouti thuộc Sừng châu Phi, vượt qua Madigascar đến Nam Phi).

Những ý tưởng nguy hiểm

Mỗi chuỗi đảo đại diện cho một phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỗi chuỗi đảo có ít nhất một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Mỗi chuỗi đảo là một “điểm nóng” tiềm tàng có thể làm bùng phát những căng thẳng quốc tế.

Những quốc gia lo sợ nhất về sự thay đổi quyền lực khu vực một cách mạnh mẽ từ Washington sang Bắc Kinh chính là Singapore và Nhật Bản. Cả hai nước đều nhanh chóng nhận ra mình đang bị bao vây trong những vùng biển do lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc kiểm soát. Úc và New Zealand sẽ sớm phải hứng chịu điều đó và những hòn đảo này cũng chính là những nơi có nguy cơ xảy ra xung đột cao nhất.

Mỹ từ lâu đã xây dựng một chiến lược sử dụng các căn cứ trên đảo để mở rộng quyền lực ở khu vực. Tàu chiến và máy bay chiến đấu có thể được bố trí ở đó. Tuy nhiên, quan trọng nhất, chúng có thể được sử dụng để làm bệ phóng cho các lực lượng trên mặt đất (như pháo binh và xe tăng). Bắc Kinh cũng hiểu rõ và theo đuổi tính toán này.

Hàng loạt tên lửa, súng và radar quân sự đang được thiết lập trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Sân bay và cảng cũng được xây dựng ở cấp quân sự. Họ có những pháo đài mạnh. Tất cả những gì còn thiếu- vào thời điểm này- chỉ là việc bố trí lâu dài các máy bay chiến đấu và tàu chiến ở đây.

Trung Quốc nhận thức rõ về tầm quan trọng của yếu tố địa chiến lược trên các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương. Đó là lý do giả thích tại sao ở đây đang diễn ra một cuộc “thôn tính đất” bằng phương pháp ngoại giao. Úc và Mỹ đang hướng sang việc ngăn chặn những lợi ích của Bắc Kinh ở đảo Manus của Papua New Guinea bằng việc kí kết một thỏa thuận vào phút cuối nhằm khôi phục căn cứ hải quân cũ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai để làm một căn cứ vận hành tiên tiến. Sự thay đổi chính quyền gần đây ở Micronesia đã làm đảo lộn những tham vọng của Bắc Kinh tại đó, và dẫn đến kết quả là một lệnh cấm vận về kinh tế. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở quần đảo Maldives.

Cuộc khủng hoảng tiếp theo?

Sách Trắng quân sự 2015 của Trung Quốc đưa ra tuyên bố sứ mệnh: “Giấc mơ Trung Hoa nhằm đạt được cuộc phục hưng vĩ đại trên khắp đất nước. Giấc mơ Trung Hoa khiến đất nước trở nên mạnh mẽ…”. Họ đã thực hiện sứ mệnh này thông qua việc xây dựng các pháo đài nhân tạo rộng lớn trên Biển Đông, cũng như thiết lập các địa điểm quân sự nước ngoài đầu tiên tại các vị trí bao gồm Djibouti và Pakistan.

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự lo ngại việc mở rộng này được thiết lập để gia tăng ảnh hưởng. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang gặp trục trặc và phân tâm bởi việc Anh rời khối, cũng như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mơ “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Bắc Kinh đã nhận thấy một cơ hội.

Điều này khiến các nhà tư tưởng chiến lược của Úc, Singapore và Nhật Bản lo lắng: Liệu có thể dựa vào các hiệp ước và mối quan hệ với Mỹ, Anh và châu Âu trước tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc hay không?

Cuộc thử nghiệm thực sự tiếp theo sẽ là “Chuỗi đảo thứ hai”, bắt đầu ở giữa Nhật Bản, len lỏi qua các đảo của Micronesia (bao gồm cả căn cứ quân sự lớn của Mỹ là đảo Guam), và chạy xuống khu vực Tây New Guinea thuộc Indonesia. Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân và tên lửa được thiết kế để mở rộng sức mạnh ở phạm vi này. Họ cũng đang đẩy mạnh mở rộng ảnh hưởng ngoại giao vào khu vực.

“FONOP của Mỹ và đồng minh đẩy Đông Nam Á vào thế kẹt”. Các nguồn tin ngoại giao và các nhà quan sát cho rằng các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải khu vực mà Mỹ và các đồng minh tiến hành ở Biển Đông đã đẩy các nước Đông Nam Á vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh.

Nhiều người nhìn nhận việc Mỹ và các đồng minh tăng cường số lượng và mật độ các cuộc tuần tra kể trên tại vùng biển có tranh chấp có thể giúp củng cố các nguyên tắc quốc tế trước tham vọng và chương trình xây dựng quân sự mà Trung Quốc tiến hành trong khu vực. Tuy nhiên, các chiến dịch này chưa đủ để răn đe lối hành xử của Trung Quốc và nhiều nước nhỏ bé e ngại rằng họ có thể sẽ phải trả giá cho các hành động của Mỹ. Collin Koh, nhà nghiên cứu làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, bình luận: “Những nước yêu sách khác lo ngại về hành động của Trung Quốc trong khu vực. Lo ngại này khiến họ khích lệ và ủng hộ sự hiện diện một cách thân thiện và liên tục của các cường quốc mà họ kỳ vọng là có thể thách thức các hoạt động của Trung Quốc, hoặc ít nhất là nếu không thể đẩy lùi thì cũng khiến Trung Quốc e ngại không leo thang tình hình nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông”.

Một nhà ngoại giao châu Á đề nghị giấu tên nói rằng cạnh tranh gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ khiến một quốc gia thứ ba trong khu vực gặp khó khăn hơn trong việc duy trì sự trung lập, “Chúng tôi không thể chống lại Trung Quốc. Chúng tôi không muốn bị kẹt giữa hai người khổng lồ”.

Mỹ vẫn là quốc gia có sự hiện diện về mặt quân sự mạnh mẽ nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương song các hoạt động của cường quốc này ở Biển Đông chủ yếu đi theo hướng mà họ cho là các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, cụ thể là đưa tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo hoặc các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền để thể hiện rằng đây vẫn là vùng biển quốc tế.

Phó Giáo sư Jay Batongbacal, trường luật của Đại học Philippines, bình luận rằng việc Mỹ và các đồng minh, như Úc, Anh và Pháp, tăng cường mật độ các chiến dịch có thể “trung hòa” phần nào những hoạt động cương quyết của Bắc Kinh, song khó có thể răn đe quốc gia này. Ông nói: “Đối thoại giữa ASEAN và Mỹ về Bộ quy tắc ứng xử (COC) có thể giúp xác định và làm rõ những lợi ích chung hoặc có liên quan của các bên ở Biển Đông, vì vậy, trong các cuộc đàm phán sau đó với Trung Quốc, ASEAN có thể có cái nhìn rõ nét hơn về những gì là lợi ích khu vực và các vùng lân cận để cân bằng lộ trình của COC. Điều này cũng có thể đem đến cơ hội cho ASEAN và Mỹ làm rõ vai trò của mình cũng như hướng đi trong việc đối phó với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Koh cho rằng điều này đồng nghĩa với việc các nước ASEAN cần tìm cách cân bằng các mối quan hệ một cách khéo léo hơn. Theo ông, có ý kiến cho rằng các nước ASEAN ít nhất cũng có những cường quốc bên ngoài để dựa vào và không cần thiết phải nhượng bộ trước các yêu cầu của Bắc Kinh đối với COC. Ông nói: “Điều đó có nghĩa các nước ASEAN không chỉ cần cân nhắc các cam kết của nước ngoài đối với khu vực, mà còn cần cân nhắc mối quan hệ dài hạn với Trung Quốc, một nước láng giềng kề cận và là đối tác thương mại có ảnh hưởng kinh tế khá đáng kể”.

Bắc Kinh xem các chiến dịch hải quân của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã lên tiếng cảnh báo rằng quân đội nước này sẽ “có những bước đi cương quyết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”. Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc – diễn ra dưới nhiều hình thức – từ chiến tranh thương mại cho đến cuộc chạy đua trong lĩnh vực công nghệ - càng khiến các nước Đông Nam Á lo ngại về nguy cơ bị kẹt ở giữa.

Theo Phó Giáo sư Batongbacal, điều đáng nói ở đây là không phải quốc gia châu Á nào cũng thực sự tin tưởng vào khả năng họ có thể dựa vào một cường quốc bên ngoài, nhất là Mỹ, để đối phó với Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Đông Nam Á lệ thuộc khá nhiều vào các hoạt động thương mại với Trung Quốc, và “nhất là nếu Mỹ không thể đưa ra những lựa chọn thay thế hiệu quả cho các thị trường Trung Quốc và đề xuất những hỗ trợ hay có thể lợi ích lớn hơn” cho kinh tế khu vực,

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do viện nghiên cứu chính sách ISEAS-Yusof Ishak, có trụ sở tại Singapore, tiến hành hồi tháng 1 vừa qua cho thấy gần 70% số người được hỏi (1.008 người) tại Đông Nam Á tin rằng Mỹ đang giảm dần những cam kết đối với khu vực, trong khi 1/3 số người tham gia nói rằng họ gần như không tin tưởng hoặc có rất ít niềm tin vào khả năng Mỹ là đối tác chiến lược và nhân tố củng cố an ninh khu vực. Trái lại, 73% số người được hỏi cho rằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc mới là thứ đáng để tâm và là yếu tố giúp họ duy trì vị thế hàng đầu khu vực.

“Động thái chiếm đảo mới của Trung Quốc trên Biển Đông”. Bản danh sách các điểm nóng trên Biển Đông ngày một dài thêm giờ đây xuất hiện cái tên mới: đảo Thị Tứ. Mặc dù diện tích không thể so sánh với Đá Chữ Thập hay Đá Vành Khăn, nhưng hòn đảo này và các bãi cát chìm ngoài khơi Phillippines cũng có tầm quan trọng tương tự.

Đây là một ngư trường phong phú. Và đây cũng là một vị trí chiến lược khác trên tuyến đường biển quốc tế đang bị cạnh tranh gay gắt. Giờ đây, Trung Quốc đã áp đặt yêu sách với các bãi cát xung quanh hòn đảo này. Ngư dân Phillipines nói rằng họ đang bị xua đuổi khỏi các ngư trường truyền thống của họ bởi các tàu Trung Quốc.

Ranh giới trên cát

Vùng biển giữa Đảo Thị Tứ và Đá Xu Bi, cả hai đều gần phía Tây Bắc Philippines, từ lâu được nước này coi là một phần lãnh hải của họ. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, Trung Quốc đã tiếp quản Đá Xu Bi và lợi dụng việc cải tạo đất đá để biến nơi đây thành pháo đài hải quân và không quân khổng lồ.

Bắc Kinh gần đây đã áp đặt chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, cho dù khu vực này kéo dài ra xa phía Nam và phía Đông của đại lục Trung Quốc. Khu vực này còn bao gồm cả các vùng biển do Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Giờ đây, “lực lượng dân quân” giả trang tàu cá của Trung Quốc đang mở rộng các vùng ranh giới của họ.

Thị trưởng Roberto del Mundo của đô thị Kalayaan thuộc tỉnh Palawan, quản lý đảo Thị Tứ, tiết lộ với Inquirer.net rằng các ngư dân của Philippines đang bị xua đuổi khỏi các ngư trường.

Đảo Thị Tứ là nơi Philippines đặt bờ trượt để hạ thủy tàu, cầu tàu, đường dẫn và nơi thả neo. Tuy nhiên, các ngư dân muốn đánh bắt ở khu vực này đang buộc phải quay đầu lại ngay khi họ tiếp cận bãi cát gần nhất chỉ cách bờ biển của hòn đảo này 3km. Ông Del Mundo nói: “Điều đó có nghĩa là Trung Quốc cho rằng họ sở hữu bởi họ từ chối rời đi. Nếu họ chỉ đơn thuần đánh bắt cá, họ có thể rời sang Đá Xu Bi và sau đó trở lại, nhưng họ không rời đi nữa. Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc đang ảnh hưởng tới các hoạt động đánh bắt của chúng tôi. Thực tế này chưa tồn tại trước đây. Khi các ngư dân của chúng tôi tới gần Bãi cát số 3, nơi thực sự là ngư trường của chúng tôi, tàu hải giám Trung Quốc sẽ ngay lập tức tiến tới để ngăn chặn bởi vậy chúng tôi không thể tiếp cận gần hơn”.

Ông Del Mundo đang lo ngại về tương lai của Đảo Thị Tứ. Phát biểu với tờ Inquirer, ông Del Mundo nói: “Vào lúc 7h tối 22/1, tôi đã chứng kiến một chiếc trực thăng bay qua hòn đảo này. Nó không chiếu đèn pha... Hành động đó diễn ra rất nhanh; Chiếc trực thăng bay lượn vài vòng và sau đó rời đi. Chúng tôi đã rất lo sợ bởi nó có thể kích động một điều gì đó. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhìn theo cho đến khi nó rời đi. Chiếc trực thăng bay sang hướng Đá Xu Bi (vốn là căn cứ của Trung Quốc)”.

Trò chơi với các đảo

Năm 2017, Trung Quốc phản đối việc Philippines phá bỏ thỏa thuận không chiếm đóng các bãi cát để xây dựng nhà trú tạm cho ngư dân. Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho quân đội phá hủy ngôi nhà này theo như một phần trong chính sách nhân nhượng với Bắc Kinh.

Điều này diễn ra bất chấp việc Philippines đã chiến thắng trước Trung Quốc tại Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) trong vụ kiện do Tổng thống tiền nhiệm của ông Duterte khởi xướng. Tòa phán quyết rằng Bắc Kinh không có quyền lịch sử với các đảo và đá trên Biển Đông. Như vậy, Philippines có quyền chủ quyền với các nguồn tài nguyên trên biển Tây Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte không hành động để khẳng định các quyền của Philippines theo như phán quyết. Ông chỉ công khai tuyên bố rằng ông không muốn làm mất lòng nước láng giềng khổng lồ với việc phản đối sự chiếm đóng của họ ở vùng lãnh thổ Philippines. Tuy nhiên, giờ đây khi hạm đội tàu cá và lực lượng bảo vệ bờ biển do quân đội kiểm soát của Trung Quốc bắt đầu tập trung quanh Đảo Thị Tứ, nhiều người dân Philippines đang trở nên lo lắng.

Bắc Kinh vừa tuyên bố gia tăng chi tiêu quốc phòng. Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Zhang Yesui nói rằng mục tiêu ở đây là “bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ đất nước và đây không phải mối đe dọa với các quốc gia khác”. Vấn đề ở đây là các quốc gia khác cũng coi các khu vực trên Biển Đông là then chốt với chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ./.

Thực hiện: Đinh Anh