Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tiếp tục tập trận ở Biển Đông. Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 26/10 thông báo Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận vào ngày 27/10, tại một vị trí không được tiết lộ ở Biển Đông. Thông báo yêu cầu các tàu dân sự không đi vào khu vực biển ở phía nam đảo Hải Nam và tây bắc các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Hoạt động quân sự này của Trung Quốc diễn ra chưa đầy một tuần sau khi tàu khu trục Mỹ USS Decatur thực hiện hoạt động tuần tra ‘tự do hàng hải’ ở Hoàng Sa.

+ Việt Nam:

Việt Nam lên tiếng về việc tàu khu trục Mỹ tiếp cận Hoàng Sa. Về hoạt động của tàu khu trục Mỹ USS Decatur ngày 21/10 tại khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 24/10 nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Là quốc gia ven Biển Đông và quốc gia thành viên UNCLOS năm 1982, Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại Biển Đông phù hợp với quy định của Công ước, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.”

+ Philippines:

Thẩm phán Philippines: ‘Tổng thống Duterte phát biểu sai về vấn đề Biển Đông’. Thẩm phán tòa án tối cao Philippines ông Antonio Carpio cho biết bài báo có nhan đề "Philippines’ Duterte Praises China on Beijing Visit đăng trên Channel News Asia ngày 19/10 đã dẫn một phát biểu của Tổng thống Philippines Duterte rằng: "Trung Quốc chưa bao giờ xâm chiếm một tấc đất nào của Philippines". Theo thẩm phán Carpio, câu nói này của ông Duterte là không đúng và cần phải sửa ngay để tránh những tổn hại nghiêm trọng đối với Philippines, “Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm đóng và thực sự xâm chiếm bãi cạn Scarborough, vốn là phần lãnh thổ của Philippines được quy định tại Đạo luật Cộng hòa số 9522. Đạo luật này khẳng định Philippines có chủ quyền và quyền tài phán đối với Bãi cạn Scarborough". Thẩm phán Carpio cho biết, theo luật quốc tế, tuyên bố đơn phương của nguyên thủ quốc gia mang tính ràng buộc với quốc gia đó và có thể được đưa ra để chống lại nước đó khi có kiện tụng giữa hai nước.

Philippines tăng cường sức mạnh hải quân. Ngày 25/10, Philippines đã ký hợp đồng trị giá 337 triệu USD với một tập đoàn đóng tàu của Hàn Quốc để mua 2 tàu khu trục. Theo người phát ngôn Hải quân Philippines, Đại tá Lued Lincuna, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã ký thỏa thuận trên với các đại diện của tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai của Hàn Quốc. Việc mua 2 tàu khu trục hiện đại trên là một bước đi lớn đối với Hải quân Philippines nhằm hướng tới xây dựng lực lượng được trang bị tốt với năng lực đáng tin cậy vào năm 2020.

Tổng thống Philippines không muốn binh sỹ nước ngoài hiện diện ở nước này. Phát biểu trước chuyến thăm Nhật Bản hôm 25/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bóng gió Mỹ nên quên Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) giữa hai nước nếu ông còn tại nhiệm lâu hơn. Tổng thống Duterte tuyên bố ông phản đối sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào ở Philippines, “Tôi mong đợi đến thời điểm tôi không còn nhìn thấy bất kỳ binh sĩ hay quân đội nước ngoài ở đất nước tôi, ngoại trừ binh sỹ Philippines”. Trước đó hôm 24/10, trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản, Tổng thống Duterte khẳng định rằng ông chưa có kế hoạch thiết lập quan hệ đồng minh quân sự với một quốc gia nào khác ngoại trừ Mỹ, "Mối quan hệ đồng minh đang tồn tại. Không cần phải lo ngại về việc thay đổi quan hệ đồng minh. Tôi không cần phải thiết lập quan hệ đồng minh với các quốc gia khác."  Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Tokyo ngày 26/10, Tổng thống Duterte cho hay, “Tôi muốn, có thể là trong 2 năm tới, không có sự hiện diện của binh sỹ nước ngoài trên đất nước tôi. Tôi muốn họ ra khỏi (Philippines). Nếu phải sửa đổi hoặc bãi bỏ các thỏa thuận trước đây, thì tôi sẽ làm.”

Philippines tuyên bố tàu Trung Quốc đã rời khỏi Bãi cạn Scarborough. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 28/10 tuyên bố các tàu Trung Quốc không còn ở bãi cạn Scarborough và ngư dân nước này lần đầu tiên có thể tiếp cận mà không bị ngăn cản, "Cách đây ba ngày, không còn tàu tuần duyên hay hải quân Trung Quốc trong khu vực Scarborough. Nếu tàu Trung Quốc rời đi, nghĩa là ngư dân của chúng tôi có thể nối lại việc đánh cá trong khu vực". Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana hôm 30/10 cho hay máy bay do thám của Philippines đã ghi nhận tàu cảnh sát biển của Trung Quốc vẫn giám sát bãi cạn nhưng ngư dân của Philippines đã không bị quấy nhiễu lần đầu tiên trong nhiều năm qua. Theo ông Lorenzana, đây là "diễn biến đáng hoan nghênh".

+ Indonesia:

Indonesia đề xuất tuần tra chung với Australia ở Biển Đông. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu ngày 29/10 cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra đề xuất với Australia về khả năng tổ chức tuần tra chung ở vùng biển phía Đông của Biển Đông. Chúng tôi chắc chắn sẽ sớm lên kế hoạch về quá trình triển khai hoạt động này. Phía Australia hiện chưa đưa ra câu trả lời cho đề xuất của chúng tôi". Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cũng từng đề cập tới khả năng tổ chức tuần tra chung ở Biển Đông với một số quốc gia trong khu vực ASEAN.

+ Mỹ:

Quan chức Mỹ tới Philippines tái khẳng định quan hệ đồng minh. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr ngày 24/10, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương ông Daniel Russel cho biết: “Tôi đã nói với Ngoại trưởng Yasay rằng những tuyên bố, bình luận gây tranh cãi (của Tổng thống Duterte) và tình trạng không chắc chắn về những ý định của Philippines khiến nhiều nước sửng sốt chứ không chỉ có Mỹ. Đây không phải là xu hướng tích cực”. Tuy nhiên ông Russel bày tỏ hy vọng quan hệ lâu năm giữa Mỹ và Philippines sẽ ổn định trong dài hạn, “Mỹ vẫn không thay đổi. Và chúng tôi hy vọng có một đối tác đáng tin, một đồng minh mạnh. Chúng tôi sẵn sàng tôn trọng những cam kết giữa chúng ta. Chúng tôi đứng về phía luật pháp quốc tế, đứng về phía Philippines”. Cũng theo ông Russel, Mỹ hoan nghênh Philippines và Trung Quốc cải thiện quan hệ và suy nghĩ cho rằng Mỹ sẽ bị tổn hại khi quan hệ Philippines - Trung Quốc cải thiện là điều sai lầm.

Mỹ thận trọng trước thông tin tàu Trung Quốc rời Bãi cạn Scarborough. Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Washington hôm 28/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết nước này đang đánh giá thông tin về việc tàu Trung Quốc rời bãi cạn Scarborough ở và ngư dân Philippines có thể quay trở lại khu vực này để đánh bắt, "Chúng tôi hy vọng rằng đây không phải là biện pháp tạm thời. Chúng tôi mong muốn đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Philippines đang tiến tới thỏa thuận về quyền tiếp cận khu vực đánh bắt xung quanh bãi Scarborough, theo đó sẽ phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài hồi tháng 7." 

Quan hệ các nước

Nhật Bản - Philippines nhấn mạnh giải quyết tranh chấp biển theo luật pháp. Trong chuyến thăm ba ngày tới Nhật Bản, Tổng thống Philippines Duterte ngày 26/10 đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Về tranh chấp biển, Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định: “Duy trì vùng biển mở và ổn định là điều quan trọng đối với khu vực. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không. Về phán quyết của Tòa Trọng tài, hai nhà lãnh đạo thừa nhận tầm quan trọng của cách thức dựa giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên luật pháp, mà không sử dụng bạo lực, tuân thủ UNCLOS, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các công ước quốc tế liên quan. Hai bên cũng thúc giục các bên kiềm chế và không quân sự hóa khu vực.”

Tăng cường giao lưu hải quân Việt Nam - Trung Quốc. Biên đội ba tàu gồm Xiang Tan, Zhou Shan và Chao Hu của Hải quân Trung Quốc đã có chuyến thăm Cảng quốc tế Cam Ranh từ ngày 22-26/10. Trong thời gian thăm Việt Nam, gần 750 sỹ quan và thủy thủ đoàn của Biên đội Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đến thăm Học viện Hải quân đóng trên địa bàn thành phố Nha Trang, thăm và tặng quà Trường tiểu học Cam Thành Nam thuộc thành phố Cam Ranh; giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 Hải quân. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu Hải quân Trung Quốc đến Cảng quốc tế Cam Ranh.

Việt Nam - Singapore thống nhất quan điểm về Biển Đông. Ngày 26/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đang có chuyến thăm Việt Nam. Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng đánh giá cao quan điểm nhất quán của Singapore trong vấn đề Biển Đông, cũng như vai trò và đóng góp thiết thực trên cương vị Điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2015-2018. Hai bên cũng khẳng định lập trường chung của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông; cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, ủng hộ triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC ở Biển Đông.

Việt Nam – Myanmar kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Nhận lời mời của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26-28/10/2016. Tuyên bố chung sau chuyến thăm cho hay, “Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được COC.”

Việt - Mỹ tăng cường hợp tác thúc đẩy hòa bình khu vực. Trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 24-30/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đinh Thế Huynh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry. Ông Đinh Thế Huynh tỏ Việt Nam hoan nghênh Mỹ tăng cường quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, và phát triển; khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động quân sự hóa và đơn phương làm phức tạp tình hình. Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry khẳng định Mỹ sau bầu cử ngày 8/11 vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, coi trọng quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam. Ngoại trưởng John Kerry nhất trí cơ bản với các ý kiến của ông Đinh Thế Huynh, bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phân tích và đánh giá

 

ASEAN với bài toán khó về Biển Đôngcủa Victor R. Savage

Những tranh cãi về Biển Đông đã đẩy ASEAN vào thế đối mặt trực tiếp về ngoại giao với Trung Quốc. Nhưng thay vì đoàn kết lại và nói tiếng nói chung, ASEAN lại bộc lộ những phản ứng trái ngược, thể hiện ở bốn vấn đề.

Thứ nhất, dường như các nước ASEAN đang dần bị thuyết phục bởi lập luận của Trung Quốc rằng Biển Đông chỉ là công việc giữa nước này với 4 nước có yêu sách chủ quyền, còn các nước khác không cần can thiệp vào. Nếu rơi vào bẫy ngoại giao này, ASEAN sẽ phân rã và mất đi sức mạnh chính trị. Về mặt địa chính trị, tất cả các nước ASEAN đều có lợi ích trong vấn đề Biển Đông bởi vùng biển này là một phần không tách rời của Đông Nam Á.

Thứ hai, rõ ràng trong ASEAN đang thiếu một vai trò lãnh đạo. Dưới thời Tổng thống Suharto, Indonesia thường đứng ra tập hợp các nước ASEAN để có tiếng nói chung trên trường khu vực và quốc tế. Hiện tại, việc thiếu một cơ sở chính trị trong nước vững chắc đã ít nhiều ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo khu vực của chính quyền Tổng thống Jokowi.

Thứ ba, nhiều nước ASEAN đang đối mặt với những bất ổn chính trị và thách thức kinh tế và điều này đã ngăn trở chính phủ các nước theo đuổi quan điểm độc lập về vấn đề Biển Đông. Lãnh đạo ở Myanmar và Philippines mới lên nắm quyền và chưa phải trải qua nhiều thử thách, trong khi chính quyền quân sự ở Thái Lan vẫn đang vật lộn để khẳng định tính hợp pháp. Cục diện chính trị tại Lào và Campuchia đang rất mong manh, nội bộ Malaysia ngày càng bị chia rẽ, còn Brunei chuẩn bị bước vào quá trình chuyển tiếp cho một vị quốc vương mới.

Thứ tư, tình trạng chính trị yếu kém và sự phụ thuộc về kinh tế đã đẩy chính quyền một số nước ASEAN vào thế chịu ơn Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành người giật dây điều khiển chính quyền ở một số nước ASEAN.

Với Trung Quốc, quan hệ với ASEAN đã trở thành trò chơi có người thắng kẻ bại vì Biển Đông và khu vực đã trở thành những vấn đề địa chính trị không thể thương lượng. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng tỏ thái độ khó chịu công khai khi có nước không ủng hộ hoặc chọn thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông.

Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước láng giềng cảnh giác, buộc các nước này phải tăng cường tiềm lực quốc phòng và củng cố những quan hệ đồng minh quân sự. Vốn liếng “quyền lực mềm” của Trung Quốc đang dần tiêu tán. Do đó, cần phải xem yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là một thất bại trong chính sách đối ngoại bởi lẽ với một khu vực đã từng chịu cảnh đô hộ dưới ách thực dân, việc mở rộng và lấn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông không khác gì biểu hiện của chủ nghĩa thực dân mới. Giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc đang gắng sức thể hiện vị thế siêu cường đang lên, bất chấp trước đây Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo cũng như chống lại việc vươn lên vị thế siêu cường mà không có được nền tảng phát triển kinh tế ổn định và bền vững.

Trò mạo hiểm ở Biển Đông- xã luận của Financial Times

Tổng thống Duterte đã dành cả tuần qua tại Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một hướng đi mới để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và ngả vào vòng tay của Trung Quốc, quốc gia ngoài ASEAN đầu tiên mà ông đặt chân tới kể từ sau khi lên nắm quyền hồi tháng 6. Nhà lãnh đạo nổi tiếng “bạo miệng” này đã tuyên bố giờ là lúc để nói lời “tạm biệt” với Mỹ và khẳng định “chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp” Philippines. Nếu điều này trở thành hiện thực, các tuyên bố của ông Duterte sẽ đánh dấu sự sắp xếp lại đáng chú ý nhất trong quan hệ địa chính trị khu vực kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng thực tế Tổng thống Duterte sẽ tìm cách tận dụng mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc thay vì đảo ngược mọi quan điểm chiến lược căn bản của mình. Tuy nhiên, ông cần hiểu được rằng đây là hành động “đùa với lửa”, nguy hiểm không chỉ đối với chính ông mà còn cho toàn bộ khu vực.

Tổng thống Duterte chỉ trích Washington để lấy lòng Bắc Kinh, song điều đó có nguy cơ khiến Philippines bị cả hai cường quốc thế giới này xa lánh. Manila có thể đang đánh cược vào mối quan hệ của mình với Mỹ và hy vọng rằng đồng minh khu vực thân thiết nhất này sẽ không từ bỏ họ chỉ vì sự xúc phạm của ông Duterte đối với Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, trong tương lai, Washington có thể sẽ không còn hào hứng với việc hợp tác với Philippines, nhất là khi nhìn lại những tuyên bố đầy đe dọa của ông Duterte trong thời gian qua.

Tổng thống Duterte thậm chí còn đang mạo hiểm hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc. Nếu Manila hy vọng sẽ có được những “phần thưởng” về đầu tư và thương mại của Trung Quốc vì thái độ ủng hộ quan điểm chiến lược mà Bắc Kinh đưa ra trong vấn đề Biển Đông, thì rất có thể Philippines sẽ phải trả những cái giá rất đắt. Đối với Bắc Kinh, điều đó có thể là không đủ, và Manila sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành “con mồi” ngoại giao của Bắc Kinh khi nước này tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình để đổi lấy các cam kết đầu tư và thương mại. Hệ quả này sẽ nhanh chóng hủy hoại uy tín của ông Duterte ở trong nước, nơi ông đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn. Hơn thế nữa, bất kỳ nhượng bộ nào về mặt chủ quyền lãnh thổ cũng sẽ đều đi ngược lại phán quyết mà Tòa Trọng tài, hủy hoại các nguyên tắc luật pháp trong khu vực và càng khiến Bắc Kinh hung hăng hơn nữa.

Tuy nhiên, không phải chỉ có Duterte mới cần có cách hành xử thận trọng. Washington cũng cần phải hiểu được rằng họ có một phần trách nhiệm trong việc để Manila ngả về phía Trung Quốc. Chính sách tái cân bằng mà Tổng thống Obama khởi xướng chỉ được thực hiện một cách nửa vời và Mỹ đã quá chủ quan khi coi sự trung thành của các nước đồng minh như Philippines là điều hiển nhiên.

Đối với ông Duterte, vẫn chưa phải quá muộn để chấm dứt cuộc mạo hiểm chính trị này. Điều mà ông cần làm là thể hiện rõ cho người Mỹ thấy Phillippines không hề có ý định từ bỏ mối liên minh với Washington. Đẩy Mỹ và Trung Quốc vào thế đối đầu trong một vấn đề nhạy cảm như Biển Đông là điều rất dại dột, và ông Duterte cần hiểu được điều này trước khi mọi chuyện đã quá muộn.

Ông Duterte đang đánh cược với nền kinh tế Philippinescủa Anthony Fensom

Việc Philippines xoay trục từ Mỹ sang Trung Quốc có ý nghĩa gì về mặt kinh tế?

Các nhà đầu tư nước ngoài đã phản ứng một cách tiêu cực đối với các phát ngôn bất thường của tân tổng thống Philippines Duterte. Liệu nền kinh tế đứng thứ 36 thế giới, một quốc gia đang lớn mạnh của Đông Nam Á có tồn tại được sau hệ lụy của những phát ngôn này?

Trong chuyến thăm Trung Quốc, vị lãnh đạo Philippines đầy khiêu khích thông báo rằng Philippines sẽ “chia tách khỏi Mỹ” và khẳng định ông có thể sẽ đi thăm Nga. Trục Manila-Bắc Kinh-Moscow sẽ tạo nên giá trị GDP lên đến gần 13.000 tỷ USD, trong khi đó GDP của Mỹ vượt trên mức 18.500 tỷ USD, theo IMF.

Việc chuyển hướng sang Trung Quốc của Duterte mang về 9 tỷ USD tín dụng, trong đó có 6 tỷ USD là khoản vay ưu đãi. Các công ty Trung Quốc cũng cam kết đầu tư vào quốc gia quần đảo Đông Nam Á này một dự án nhà máy thép không gỉ 700 triệu USD

Quan hệ thương mại

Sau 50 năm kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, quan hệ kinh tế Mỹ - Philippines vẫn tiếp tục mở rộng. Thương mại hàng hóa song phương đạt đỉnh 18 tỷ USD năm 2015 với mức đầu tư của Mỹ là hơn 4,7 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Philippines chiếm 28%.

Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Nhật Bản, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3.

“Vì thế không hề có một áp lực kinh tế đặc biệt nào khiến Philippines phải ngả từ Mỹ sang Trung Quốc”, ông Max Boot, chuyên gia kỳ cựu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế tại New York.

Sự tháo chạy của các nhà đầu tư

Lượng FDI vào Philippines giảm 41% so với tháng 6 năm ngoái. Tháng trước, tỉ giá peso-USD chạm đáy trong 8 tháng qua, khiến nó trở thành đồng tiền châu Á rớt giá thảm hại nhất sau Nhân dân tệ trong năm 2016.

Sự can thiệp mạnh tay của Duterte vào các ngành công nghiệp chủ chốt như khai khoáng, đánh bạc đã làm các nhà đầu tư lo ngại. ANZ cũng cảnh báo rằng “Việc kiểm tra môi trường đối với ngành công nghiệp mỏ có thể cắt giảm đáng kể sản lượng và doanh thu xuất khẩu”, từ đó có thể dẫn đến sự suy thoái hơn nữa trong thâm hụt thương mại, gây ra sự thu hẹp mức thặng dư hiện tại”.

Một nghiên cứu do Standard Chartered tiến hành cho biết 40% các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc muốn chọn Việt Nam nếu họ bị ép chuyển địa điểm, sau đó là Campuchia với 25% trong khi đó Philippines chỉ có 3% nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn là điểm đến đầu tư dự phòng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Xã hội Philippines Ernesto Pernia đã đưa ra những phương án mới để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cắt giảm thuế doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được thuê đất lâu dài, và tăng hạn mức sở hữu từ 40% lên 70%.

Tuy nhiên, với những gì mà Duterte đang hùng hồn tuyên bố và thực hiện để khẳng định mình là một nhà lãnh đạo cứng rắn, các nhà đầu tư nước ngoài có muôn vàn lý do để ngó nghiêng những nơi khác thay vì yên tâm đầu tư tại Philippines.

Mỹ cần làm gì để vượt qua "cơn bão" Duterte?” - xã luận của AFP

Dù chỉ còn vài tháng tại vị, song trước nguy cơ đánh mất đồng minh chủ chốt ở châu Á là Philippines, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ còn nhiều việc phải làm. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thời gian qua đã có nhiều phát biểu gây sốc, và mới đây nhất là việc tuyên bố quan hệ Mỹ-Philippines đã chấm hết. Bề ngoài, việc ông Duterte đột nhiên coi nhẹ mối liên minh quân sự đã có từ 65 năm qua và nhiệt tình chuyển hướng sang Trung Quốc là cú tát vào vị thế của Mỹ và chiến lược “xoay trục sang châu Á” của ông Obama. Mỹ đang có nguy cơ đánh mất sự hiện diện và khả năng tiếp cận tới các cảng biển và căn cứ ở trung tâm Đông Nam Á- một điểm nóng địa chính trị đang bị tranh chấp. Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, ông đã hoãn các cuộc tuần tra chung Mỹ - Philippnes và đe dọa chấm dứt tiến hành các cuộc tập trận chung.

Một sự chia tay sẽ gây ra sự phân tách trong khu vực ASEAN vốn có nhiều chia rẽ đang được Washington chú trọng bồi đắp làm đối trọng trước những mưu đồ thống trị của Bắc Kinh. Chuyên gia Lyle Morris thuộc Tổng Công ty Rand nhận định: “Khu vực này bằng nhiều cách đang đi tới nhận thức rằng Trung Quốc không phải là đối tác lâu dài đáng tin cậy”. Song Bắc Kinh đang lựa chọn các thành viên eo hẹp về tiền bạc trong ASEAN như Campuchia và lôi kéo họ vào quỹ đạo của mình bằng những khoản tiền đầu tư hạ tầng khủng. Chuyên gia Murray Hiebert của CSIS nhận xét: “Động lực chính khiến Tổng thống Philippines tìm cách giải quyết bất đồng với Trung Quốc là kinh tế”.

Nhà Trắng đã có những phản ứng thận trọng, bởi ông Duterte là người có tính khí nóng nảy. Chuyên gia Moris nói: “Ông ta rất nhạy cảm trước những lời chỉ trích. Nên cứ mỗi khi chúng ta chỉ trích – như về việc giết người không qua xét xử - là ông ta lại thấy thực sự khó chịu và điều đó khiến ông ta có những quyết định có thể không phải vì lợi ích cao nhất cho Philippines”.

Những ầm ĩ mà ông Duterte gây ra vẫn chưa chấm dứt. Ngay cả một số quan chức Philippines cũng thừa nhận họ bị bất ngờ trước những ý định của ông Duterte cũng như quan chức ở Washington. Nhiều người cho rằng khả năng thực hiện việc “chia tay” của ông Duterte có thể bị hạn chế bởi chính các hoạt động và quan điểm chính trị của ông. Ông sẽ phải giành được sự ủng hộ của quốc hội để rút khỏi hiệp ước bảo vệ lẫn nhau đang là nền tảng cho quan hệ hai bên. Có ít dấu hiệu ông sẽ được ủng hộ ở đây. Mặc dù từng là thuộc địa của Mỹ, song người dân Philippines rất ủng hộ Mỹ. Ngoài cuộc chiến chống ma túy và sự bội ước với Mỹ, chủ đề nói chuyện ưa thích của ông Duterte là kinh tế. Và trong vấn đề này, Mỹ có một số ưu thế. Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, sau quần đảo Virgin thuộc Anh – một thiên đường thuế.

Rốt cuộc, lịch sử quan hệ kinh tế gần 220 năm và ảnh hưởng thương mại của Mỹ có thể là bến cảng cho ông Obama – và cả người kế nhiệm ông –trú ngụ để vượt qua cơn bão này.

Jakarta, Manila và Biển Đôngcủa Arizka Warganegara

Có ít nhất ba khía cạnh quan trọng thể hiện trong vấn đề tranh chấp Biển Đông: an ninh, chính trị nội bộ và chính sách chống Mỹ. Khía cạnh cuối cùng thể hiện cụ thể trong chính phủ Trung Quốc.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích khác nhau về kinh tế, an ninh và chính trị ở Biển Đông. Các quốc gia Đông Nam Á, như Indonesia và Philippines đều có những lợi ích chính trị, kinh tế và xã hội ở Biển Đông. Và trên khía cạnh kinh tế, thế giới hiện đang chia thành hai khối là Mỹ và Trung Quốc. Do đó, không hề ngạc nhiên khi tổng thống Philippines Duterte đang nỗ lực thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc.

Như vây, những câu hỏi đặt ra là: quan điểm về tranh chấp Biển Đông và xung đột “thầm lặng” về lợi ích của Indonesia giữa Mỹ và Trung Quốc là gì? Chính phủ Indonesia nên thể hiện qua điểm như thế nào về tranh chấp Biển Đông? Indonesia cần điều tiết lợi ích từ hai cường quốc này như thế nào để đảm bảo không tổn hại đến lợi ích quốc gia?

Vị thế của Indonesia

Trong mục tiêu chính sách đối ngoại, Indonesia đã nêu rõ rằng nước này đi theo nền tảng đối ngoại năng động và tự do, vì vậy cân bằng lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc là điều cần thiết và không được ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền. Điều đó thể hiện bằng sức mạnh mềm thông qua việc thực hiện cách tiếp cận văn hóa cũng như kỹ thuật để duy trì lợi ích của Indonesia ở Biển Đông.

Đầu tiên, chúng ta đều biết tổng thống Jokowi ủng hộ ngoại giao, với nền tảng là một doanh nhân, ông đã thể hiện một phong cách lãnh đạo năng động. Đây là một lợi thế cho chính sách đối ngoại của Indonesia, đặc biệt là khi phải cân bằng giữa các lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, phong cách lãnh đạo của ông sẽ khiến cho vị thế của Indonesia trở nên cực kỳ quan trọng về mặt kỹ thuật và chính trị trong việc tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.

Thứ hai, chính sách biển hiện nay của Indonesia cần ưu tiên sử dụng không gian và địa điểm trong quần đảo. Cần đảm bảo rằng mọi khu vực, đặc biệt là các đảo ở bên ngoài, cần phải có cư dân cư ngụ. Tuy nhiên, dù đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, chính sách biển cần phải được tích hợp để đảm bảo hài hòa các khía cạnh an ninh và kinh tế.

Ngày nay, trong thế giới khu vực hóa và toàn cầu hóa, cách tiếp cận kỹ thuật nhằm tối đa hóa chính sách về không gian và địa điểm là điều cần thiết để duy trì chủ quyền quốc gia, đặc biệt là đối với một quốc gia quần đảo như Indonesia.

Cuối cùng, dù giải quyết xung đột đang ngày càng gia tăng là một nhiệm vụ khó khăn, Indonesia cần tiên phong làm quốc gia đi đầu để xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn.