Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Chủ tịch Trung Quốc đề xuất xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh trên biển. Phát biểu tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc ở Thanh Đảo ngày 23/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, “Hành tinh con người đang sinh sống không do đại dương phân chia thành các đảo, thay vào đó được các đại dương kết nối và hình thành một cộng đồng chung vận mệnh. Bởi vậy, môi trường hòa bình của đại dương hết sức quan trọng đối với an ninh và lợi ích của các quốc gia trên thế giới, và cần có nỗ lực chung của các bên. Các quốc gia cần giải quyết các thách thức, mối đe dọa và cần đối thoại khi các khác biệt, bất đồng nảy sinh, đồng thời tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.” Hải quân Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế, bảo đảm an ninh các tuyến hàng hải quốc tế, nỗ lực cung cấp nhiều dịch vụ công liên quan tới an ninh biển.
Đô đốc Trung Quốc ngầm chỉ trích hoạt động FONOP ở Biển Đông. Phát biểu tại một diễn đàn trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc ở Thanh Đảo, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long ngày 24/4 cho rằng “tất cả các bên cần tuân thủ các quy tắc, bảo vệ trật tự trên biển. Tự do hàng hải là nguyên tắc được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên không thể được sử dụng làm cái cớ để vi phạm các quyền hợp pháp và lợi ích của các quốc gia ven biển”. Ông Thẩm Kim Long cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán với ASEAN về COC, “Trung Quốc cam kết xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác.” Tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, Mỹ không gửi quan chức cấp cao mà chỉ cử một đoàn đại biểu cấp thấp do Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tới dự và cũng không có chiến hạm nào của Mỹ tham gia.
Trung Quốc sẵn sàng điều tra ngư dân Trung Quốc đánh bắt sò tai tượng ở Bãi Scarborough. Ngày 24/4, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Romana cho biết, “Vấn đề sò tai tượng là một thách thức. Trung Quốc cho hay họ phản đối việc đánh bắt sò tai tượng và nếu Philippines phát hiện vụ việc, báo ngay số hiệu tàu và thời gian.” Theo ông Romana, “Có vấn đề về trách nhiệm giải trình. Nếu điều đó xảy ra, thì xảy ra như thế nào. Đó là vấn đề chúng tôi tiếp tục thảo luận. Giữa lời nói và thực tế, bạn cần sự giải trình nào đó, và đó là lý do phải thông qua ngoại giao, đó là điều chúng tôi cố gắng đạt được”. Về vấn đề đảo Thị Tứ, Đại sứ Romana cho biết Trung Quốc khẳng định với Philippines nước này sẽ không chiếm mặc dù có thông tin cho thấy nhiều tàu dân quân của Trung Quốc hiện diện quanh thực thể này. Philippines “tin tưởng nhưng cần kiểm chứng. Đó là quan điểm của chúng ta.”
Trung Quốc khẳng định video trong lễ kỷ niệm hải quân không nhằm vào nước nào. Trả lời câu hỏi trong video kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân do mạng Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố có hình ảnh liên quan đến cuộc hải chiến Việt - Trung, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhậm Quốc Cường ngày 25/4 cho hay: “Video phản ánh tình hình phát triển và xây dựng Hải quân Trung Quốc, không nhằm vào bất cứ một quốc gia nào. Hiện nay, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt duy trì xu thế phát triển ổn định, lành mạnh, quân đội hai nước Trung - Việt duy trì trao đổi tốt đẹp và giao lưu mật thiết. Chúng tôi sẵn sàng cùng với phía Việt Nam cố gắng, theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt không ngừng bước lên một tầm cao mới”.
Trung Quốc lấy làm tiếc vấn đề Biển Đông làm tổn hại quan hệ với Anh. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đang ở thăm Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa hôm 25/4 cho hay, “thật đáng tiếc kể từ tháng 8 năm ngoái, quan hệ hai nước trải qua biến động do vấn đề Biển Đông, một số đối thoại giữa hai Chính phủ cũng như các dự án hợp tác bị ngưng trệ.” Về phần mình, Bộ trưởng Anh chia sẻ phát biểu của Phó Thủ tướng Trung Quốc rằng “có một số khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ tích cực các nhà lãnh đạo của hai bên đã đề ra. Tất nhiên, Anh không đưa ra lập trường về vấn đề Biển Đông.” Tháng 8/2018, một tàu chiến của Anh đã đi qua đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
+ Việt Nam:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Bên lề Diễn đàn cấp cao "Vành đai và Con đường" lần thứ hai tại Bắc Kinh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 25/4. Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục tuân thủ nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế; đạt tiến triển về phân định ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ vào năm 2020; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Ðông; tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng COC thực chất, có hiệu lực để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông.
+ Philippines:
Philippines nghiên cứu khoa học biển ở Trường Sa. Ngày 22/4, đoàn các nhà khoa học Philippines bắt đầu chuyến nghiên cứu sinh học và hải dương học kéo dài hai tuần ở Trường Sa trong dự án Bộ Môi trường và Tài nguyên tài trợ mang tên “Dự báo phản ứng giữa vận tải Đại dương và kết nối sinh thái của hệ sinh thái bị đe dọa ở Biển Đông” (PROTECT-WPS). Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Biển Đại học Philippines (UP MSI) và Cục Nghề cá và Nguồn tài nguyên Thủy sản (BFAR). PROTECT-WPS sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu và điều tra sinh học và hải dương ở một số khu vực san hô và các đảo ở Trường Sa nhằm thu thập thông tin cơ bản và tìm hiểu những thay đổi ở hệ sinh thái biển bị đe dọa.
Philippines xem xét tuyên bố Thị Tứ, khu vực phía Đông Trường Sa là khu vực được bảo vệ. Ngày 24/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperson Jr. ra cho hay: “Việc tuyên bố khu vực biển trên là các khu vực được bảo vệ sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển ở Biển Đông. Chính phủ tiếp tục kiểm soát sự hiện diện của các tàu nước ngoài ở khu vực này. Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở vùng biển của Philippines, cho dù vì mục đích quân sự, đánh bắt cá, hoặc mục đích khác, là bất hợp pháp và vi phạm rõ ràng quyền chủ quyền và quyền tài phán kinh tế được xác định trong UNCLOS. Philippines sẽ đưa ra các phản đối ngoại giao trước các hành động bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.”
+ Malaysia:
Malaysia không ủng hộ thảo luận song phương với Trung Quốc về Biển Đông. Phát biểu trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Mahathir Mohamad hôm 24/4, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah khẳng định nước này sẽ không thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông theo hình thức song phương, “Trung Quốc đang đề nghị Malaysia thảo luận vấn đề Biển Đông theo hình thức song phương, nhưng chúng tôi cho rằng nên thảo luận vấn đề dưới tư cách một khối thay vì phương thức giữa Trung Quốc – Malaysia”. Theo ông Saifuddin, Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN bởi các quốc gia Đông Nam Á đều là nước nhỏ. Đối với Trung Quốc hay bất kỳ siêu cường nào, cần có một quan điểm mang tính nguyên tắc.
+ Indonesia:
Indonesia bắt giữ hai tàu cá Việt Nam với cáo buộc xâm phạm vùng biển. Tàu tuần tra Baladewa 8002 Baharkam ngày 16/4 bắt giữ hai tàu cá Việt Nam là KG93689TS và KG93690TS tại Biển Bắc Natuna thuộc Quần đảo Riau. Trên hai tàu có 14 thuyền viên cùng một tấn cá và mực. Số cá và mực trên hiện đã bị tịch thu.
+ Sri Lanka:
Tàu Hải quân Sri Lanka lần đầu tiên thăm Philippines. Tàu Hải quân Sri Lanka P626 ngày 25/4 đã đến Maninla trong chuyến thăm thiện chí 3 ngày. Đây là lần đầu tiên tàu Hải quân Sri Lanka thăm Philippines kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ gần 60 năm trước. Đại tá Abeysinghe, Phó Tư lệnh Hải quân Sri Lanka, cho biết chuyến thăm này nhằm đáp lại chuyến thăm Sri Lanka của tàu Hải quân Philippines. Đại tá Florante Gagua, Tham mưu trưởng Hải quân Philippines, cho biết chuyến thăm này thúc đẩy quan hệ giữa Chính phủ và Hải quân hai nước, củng cố và duy trì thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải thông qua ngoại giao hải quân.
Hoạt động song phương, đa phương
Cảnh sát biển Việt - Trung kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ. Từ ngày 24-26/4, lực lượng Cảnh sát biển hai nước kiểm tra, giám sát Hiệp định hợp tác nghề cá tại chín điểm trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ. Đây là lần thứ 17 lực lượng Cảnh sát biển hai nước thực hiện tuần tra chung kể từ khi Hiệp định nghề cá vịnh Bắc Bộ có hiệu lực. Chuyến kiểm tra này sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát tàu cá của ngư dân hai nước hoạt động trong vùng đánh cá chung. Những hoạt động này góp phần thúc đẩy hợp tác sâu rộng của lực lượng thực thi pháp luật trên biển hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Philippines - Trung Quốc thúc đẩy hoạt động thăm do dầu khí ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 24/4, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc ông Jose Santiago Sta. Romana cho hay, “Hai bên trong giai đoạn hoàn tất các điều khoản tham chiếu về thực thi MOU. Khi đàm phán hoàn tất, và mọi thứ sẵn sàng, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo. Việc đàm phàn có khả năng hoàn tất trong năm nay”. Theo ông Romana, “Thỏa thuận về thăm dò dầu khí với Trung Quốc là một trong những chủ đề bàn thảo trong cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước”. Hai bên đã ký “Bản ghi nhờ về Hợp tác Khai thác dầu khí” trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm 2018.
Hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển cùng 6 quốc gia Đông Nam Á. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Phó Đô Đốc Thẩm Kim Long hôm 25/4 cho hay 13 tàu chiến và 4 máy bay trực thăng đã tham gia diễn tập ở Thanh Đảo bên lề lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc, “Cuộc diễn tập thể hiện thiện chí và sự chân thành của Trung Quốc trong hợp tác với các nước láng giềng, cũng như mong muốn của PLAN xây dựng cộng đồng biển chung vận mệnh bằng việc tăng cường hợp tác an ninh và sự tin cậy giữa các đối tác ở Đông Nam Á”. Tư lệnh Long cho hay Thái Lan, Philippines, Singpore và Việt Nam tham gia tuy nhiên không nêu tên hai nước còn lại./.