Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc cao giọng với Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Trong cuộc điện đàm hôm 20/12 với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay, “Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức và cần sự phối hợp của các bên. Khi hướng tới hợp tác với Trung Quốc, Mỹ nên tôn trọng những lợi ích cốt lõi và những mối quan ngại của Trung Quốc. Mỹ cần chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan và ngừng triển khai máy bay, tàu chiến đến vùng biển xung quanh các thực thể ở Quần đảo Trường Sa để phô trương sức mạnh.”

Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Ngày 21/12, tại một khu vực không xác định ở Biển Đông, tàu đổ bộ Cảnh Cương Sơn số hiệu 999 và tàu tiếp tế hậu cần số hiệu 963 của Hạm đội Nam Hải đã diễn tập tiếp tế trên biển. Hoạt động này nhằm mục đích huấn luyện khả năng tiếp tế với thời gian ngắn nhất, nâng cao năng lực tác chiến xa bờ cho tàu đổ bộ. Trước đó hôm 14/12, hải quân Trung Quốc cũng tập trận ở Biển Đông với nhiều tình huống mô phỏng sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm và máy bay cảnh báo sớm và chiến đấu cơ.

Trung Quốc tiếp tục bác bỏ vụ kiện của Philippines. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/12, Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc không chấp nhận và cũng không tham gia phiên tòa mà Philippines đơn phương khởi xướng. Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc phải do toàn dân Trung Quốc  quyết định, chứ không do một cá nhân hoặc một tổ chức nào phán quyết. Về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phân định biển, Trung Quốc không chấp nhận cách thức giải quyết dựa vào bên thứ ba. Trung Quốc thúc giục Philippines ngừng ảo tưởng, thay đổi cách làm và quay trở lại con đường đàm phán và tham vấn để giải quyết tranh chấp.”

Trung Quốc khởi công xây dựng trạm xăng dầu ở Biển Đông. Kho xăng dầu trên được xây dựng tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng một kho dự trữ xăng dầu chuyên dụng với thể tích 2.000m3. Hiện nay, nguồn dầu cung cấp cho cái gọi là “Thành phố Tam Sa” đang được vận chuyển từ Hải Khẩu (Hải Nam) đến.  

Trung Quốc đưa vào sử dụng trường học ở Hoàng Sa. Đây là trường học đầu tiên của cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên thành lập cách đây 3 năm. Trường học trái phép này được quy hoạch thành 3 khu, gồm: khu dạy học 4 tầng với tổng diện tích xây dựng là 4.650 m2, có cấp mẫu giáo, tiểu học và dạy nghề; khu thư viện-văn phòng; trung tâm khảo cổ dưới nước. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 36 triệu nhân dân tệ (gần 6 triệu USD).

Trung Quốc tăng cường ba tàu chiến mới ra Biển Đông. Lễ bàn giao diễn ra tại một quân cảng của hạm đội Nam Hải hôm 26/12. Các tàu trên gồm tàu tiếp tế Type 904B Lô Cô Hồ 962, tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh 852, tàu đo đạc xa bờ Tiền Học Sâm 873. Các tàu đều do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Tàu tiếp tế Lô Cô Hồ 962 có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp tế và vận chuyển binh lính. Tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh 852 sẽ được sử dụng để trinh sát các mục tiêu khác nhau trên Biển Đông. Tàu đo đạc Tiền Học Sâm 873 chủ yếu thực hiện nhiệm vụ khảo sát, bố trí các phao khí tượng và quan trắc khí tượng biển.

+ Philippines:

Philippines quyết tâm tăng cường sức mạnh quốc phòng. Phát biểu ngày 21/12 tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập các lực lượng vũ trang Philippines, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cam kết sẽ xây dựng một lực lượng vũ trang hùng mạnh và có đủ năng lực để đối phó với các thách thức trên biển ở Biển Đông khi ông rời nhiệm sở vào năm tới: “Chúng tôi đang có kế hoạch mua các tàu khu trục mới, tàu hải vận chiến lược, tàu tuần tra tầm xa, máy bay hỗ trợ trên không và các trang thiết bị khác.” Tổng thống Aquino đã cam kết chi khoảng gần 84 tỷ peso (gần 2 tỷ USD) trong giai đoạn 5 năm, tới năm 2017, nhằm củng cố sức mạnh quân đội.

Nhóm thanh niên Philippines ra cắm trại ở Biển Đông. Hôm 26/12, 47 thanh niên thuộc một nhóm mang tên “Kalayaan Atin Ito” đã ra cắm trại trên đảo Thị Tứ mà Manila hiện đang kiểm soát đảo. Sáng kiến cắm trại trên đảo Thị Tứ là do một cựu sĩ quan hải quân Philippines đề ra nhưng chính phủ Manila không tán đồng. Phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino ông Herminio Coloma cho hay ông hiểu rằng chính tinh thần yêu nước đã thúc đẩy nhóm thanh niên nói trên hành động như vậy.

Quan hệ các nước

Việt – Trung nhất trí kiểm soát, quản lý tốt tình hình trên biển. Trong chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc từ 23-27/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh...Liên quan đến Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trao đổi một cách thẳng thắn với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhất trí với quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hai bên còn tồn tại những bất đồng không thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Điều quan trọng là hai bên cần kiểm soát, quản lý tốt tình hình; cần nhìn nhận lợi ích chung của hai bên to lớn hơn nhiều so với bất đồng vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và mong muốn cơ bản của hai Đảng, hai Nhà nước.

Ấn Độ - Nga sắp ký các thỏa thuận quốc phòng trị giá 10 tỷ USD. Theo các nguồn tin chính thức, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ ký một thỏa thuận mua 4 khinh hạm tàng hình lớp Krivak hoặc Talwar đã được cải tiến. Thỏa thuận này ước tính có giá trị lên tới 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, New Delhi dự kiến sẽ ký thỏa thuận mua máy bay trực thăng và hệ thống phòng không S-400 Triumph. Với những thỏa thuận này, Nga sẽ nổi lên là nhà cung cấp vũ khí quân sự hàng đầu cho Ấn Độ, vị trí do Mỹ nắm giữ trong vài năm qua.

Hàn Quốc sẽ thành lập trung tâm huấn luyện hàng hải tại Myanmar. Kế hoạch này của Hàn Quốc nhằm giúp cải thiện năng lực của các thủy thủ nước sở tại. Việc mở trung tâm huấn luyện đạt đẳng cấp quốc tế này được đề cập đến trong cuộc thảo luận mới đây giữa hai nước về hợp tác song phương trong lĩnh vực đào tạo ngành hàng hải. Hiện tại, Myanmar có khoảng 3.000 viên chức ngành hàng hải và 60% số này từng làm việc cho nhiều tập đoàn vận tải biển quốc tế, trong đó có một số công ty của Hàn Quốc.

Phân tích và đánh giá

Cần phải tạo đối trọng với Trung Quốc dù có phải trả giácủa Tim Huxley

Các hoạt động thiết lập chủ quyền trên phần lớn các đảo tại biển Đông của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp sự phản đối, lên án của Úc và các nước trong khu vực. Rõ ràng Trung Quốc hiện đang muốn nắm vai trò thống trị tuyến giao thông hàng hải quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, tăng khả năng ép buộc các nước láng giềng nhỏ hơn phải chấp nhận yêu sách lãnh thổ của mình, hành động này của chính quyền Bắc Kinh cũng làm xói mòn lòng tin của Mỹ. Hầu hết các nước trong khu vực cũng bác bỏ khái niệm về một trật tự an ninh chi phối bởi “quy tắc con đường” của Trung Quốc. Tuy nhiên, những lời nói suông không đủ để ngăn chặn sự bành trướng trên biển của chính quyền Bắc Kinh.

Mặt khác, Trung Quốc dường như không lường hết những áp lực bên ngoài. Quốc gia này hầu như không có khả năng đối chọi một cuộc khủng hoảng lớn với Mỹ và các nước trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và một loạt các vấn đề trong nước. Bắc Kinh cũng dè chừng đối với khối ASEAN, Indonesia và một số quốc gia Đông Nam Á. Hơn nữa, nếu các quốc gia trong khu vực liên kết với các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực, sự quan ngại về việc bị bao vây, cô lập của Trung Quốc trong khu vực sẽ thành hiện thực.

Các nhà hoạch định chính sách Úc cần phải đối diện với câu hỏi liệu có thể chấp nhận vai trò bá quyền của Trung Quốc tại khu vực hay không. Nếu không, thì đây là thời điểm cần chuẩn bị kế hoạch về chiến lược và nguồn chi phí để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Mục đích của chiến lược này là để chứng minh với Bắc Kinh rằng sự bành trướng của họ sẽ tự cô lập họ với các quốc gia khác trong khu vực và đẩy các quốc gia này về một liên minh chống lại Trung Quốc. Chính quyền Canberra nên chuẩn bị để đóng một vai trò tích cực trong chiến lược này. Úc cũng đã lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Canberra còn cho thấy họ có thể tiến hành Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) để chứng minh Úc không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo tại Biển Đông.

Úc cần hỗ trợ Mỹ bằng cách tiến hành FONOPS của mình một cách thường xuyên hơn như là dấu hiệu không thừa nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Canberra cũng nên hỗ trợ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế, khuyến khích ASEAN có tiếng nói thống nhất chống lại Trung Quốc, tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Nhật. Điều cuối cùng là chính quyền Thủ tướng Turnball cần phải tính toán đó là đến những thiệt hại về mặt kinh tế, phải giải thích cho người dân hiểu rõ vì sao việc duy trì trật tự trong khu vực theo luật pháp quốc tế lại quan trọng hơn những giá trị kinh tế, thương mại trong giao thương với Trung Quốc.

Những cái giá và lợi ích mà các FONOP ở Biển Đông mang lạicủa Ankit Panda

Cuối tuần trước, một máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã tiến gần khu vực 2 hải lý xung quanh bãi đá Châu Viên, một trong những thực thể mà Trung Quốc đã bồi đắp nhân tạo. Máy bay ném bom này khi đó đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường nhật ở Biển Đông, song việc bay đến gần khu vực đá Châu Viên là không cố ý và Lầu Năm Góc giải thích là do thời tiết xấu đã làm máy bay bị trệch hướng.

Phản ứng của Trung Quốc trước không quá bất ngờ. Bắc Kinh đã mô tả động thái này của Mỹ là một hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Hành động của phía Mỹ đã gây ra một sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng và khiến cho tình hình ở Biển Đông trở nên phức tạp hơn, thậm chí có thể bị quân sự hóa thêm”. Theo Tân Hoa Xã, các nhân viên quân sự Trung Quốc đã đặt hòn đảo ở trạng thái “cảnh báo cao độ và yêu cầu máy bay này phải rời đi”. Cách ứng xử này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã có phản ứng tương tự trước các động thái quân sự mới đây của Mỹ xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Sự cố bất ngờ này có thể làm phức tạp hóa nhận thức của Mỹ về quyền tự do qua lại ở Biển Đông. Đặc biệt, việc Lầu Năm Góc nhanh chóng phản ứng để giải thích nguyên nhân xảy ra sự việc này với Trung Quốc có thể làm suy yếu lập trường của Mỹ rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là thái quá. Điều quan trọng hơn, chuyến bay này thực hiện gần bãi đá Châu Viên, một thực thể không giống với bãi đá Xu Bi hay bãi đá Vành Khăn, bởi theo trạng thái trước khi được cải tạo, thực thể này có thể có một vùng lãnh hải.

Về khía cạnh nào đó, để tuân thủ đúng chính sách không đưa ra bất cứ quan điểm nào về chủ quyền lãnh thổ của những thực thể ở Biển Đông, chính phủ Mỹ đã phải nêu rõ rằng hoạt động của máy bay B-52 này là không có chủ ý và không nhằm mục đích làm mất hiệu lực các tuyên bố chủ quyền lãnh hãi trong khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Châu Viên. Sự cố này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Các chuyên gia đã cho rằng nếu các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nảy sinh từ các đảo nhân tạo này được chính thức công nhận, thì “các đại dương và không phận sẽ trở nên giống một miếng phô-mai Thụy Sĩ, và sẽ gây trở ngại cho tự do hàng hải và hàng không”.

Đó là lý do tại sao việc Mỹ theo dõi cách giải quyết của Trung Quốc đối với những vấn đề phát sinh từ bãi đá Châu Viên (và cả các bãi đá khác mà Trung Quốc đang bồi đắp) lại có thể mang lại một lợi ích không chủ đích. Chiến dịch FONOP đầu tiên của Mỹ đã chứng kiến sự đáp trả có phần không rõ ràng từ phía Trung Quốc, trong khi hoạt động của máy bay B-52 hồi cuối tuần trước đã phần nào giảm bớt sự mập mờ trong cách mà Bắc Kinh phản ứng với cái gọi là “những động thái khiêu khích quân sự nghiêm trọng” trong khu vực 12 hải lý của các thực thể khác.

Một Trung Quốc vô trách nhiệm?” của Brahma Chellaney

Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã tích cực triển khai một loạt hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa tại Biển Đông, và nếu Trung Quốc thành công thì sẽ có khả năng kiểm soát hành lang giao thông trên vùng biển chiến lược ở khu vực này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông lại không bị trả giá trên trường quốc tế, và nếu Trung Quốc cảm thấy được rảnh tay hành động mà không phải chịu hậu quả thì nước này sẽ hành động đến cùng. Việc này sẽ khiến căng thẳng ở khu vực gia tăng, thậm chí dẫn tới xung đột với các quốc gia láng giềng.

Trọng tâm chính trong chiến lược của Trung Quốc hiện nay là biến các bãi đá chìm thành các đảo nhỏ. Theo quan điểm của Trung Quốc, việc các bãi này ở xa đất liền chính là lý do phải xây dựng các “cơ sở quân sự”. Bằng việc quân sự hóa khu vực Biển Đông, Trung Quốc muốn thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên thực tế. Trung Quốc biết là theo luật quốc tế, việc Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” để tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông giàu khoáng sản là yếu về lập luận. Đây cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc cố gắng giành được “quyền kiểm soát thực tế” để từ đó theo luật quốc tế sẽ giúp Trung Quốc củng cố mạnh mẽ tính “hợp pháp” của các tuyên bố chủ quyền.

Hơn nữa, cần thấy tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở Biển Đông, mà là tạo dựng một Châu Á với Trung Quốc là trung tâm. Vì vậy, Trung Quốc đã thiết lập căn cứ ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, thường xuyên đưa tàu ngầm tới Ấn Độ Dương, triển khai mạnh mẽ chiến lược “Một vành đai, Một con đường”. Điều đáng nói là chính quyền Obama lại đang ngần ngại không có các hành động thực tế để kiểm soát Trung Quốc. Mãi cho tới gần đây Mỹ mới đưa tàu vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc, tuy nhiên, cũng chưa hề trực tiếp thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Giới chức Mỹ nhấn mạnh không nên để các vấn đề Biển Đông tác động lên quan hệ Trung – Mỹ. Điều này khiến các nước nhỏ hơn trong khu vực hết sức lo ngại do nếu hai cường quốc thỏa hiệp với nhau thì các nước nhỏ sẽ chính là đối tượng chịu thiệt.

Nếu Trung Quốc có thể tiếp tục làm những gì mình muốn, hành vi của nước này tại Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương sẽ ngày càng trở nên hung hăng. Quan trọng nhất là nếu Trung Quốc thấy có thể bỏ qua luật pháp và thông lệ quốc tế thì sẽ tạo thành tiền lệ hết sức nguy hiểm.

Chiến thuật Lát cắt Salami của Mỹ ở Đông Á của Harry H. Sa Evan Resnick

Hoạt đng cải tạo đảo của Trung Quốc ở Trường Sa đã kích động các nhà phê bình chỉ trích chính quyền Obama vì đã rơi vào bẫy chiến thuật “lát cắt salami” của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phê bình lại không nhận ra rằng, chính quyền Obama thực sự đã giành được những thành công với một chiến thuật tương tự.

Những thành công thầm lặng của chính sách tái cân bằng

Ngay cả khi các nhà phê bình đang tán dương chiến thuật lát cắt salami của Trung Quốc thì họ lại không nhận thấy rằng Mỹ đã và đang khéo léo sử dụng những chiến thuật tương tự, dưới vỏ bọc tái cân bằng, để củng cố vị thế địa chính trị ở Đông Á.

Ngay từ khi tái cân bằng được đưa ra vào cuối năm 2011, Mỹ đã tìm cách cân bằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc thông qua một loạt danh sách các sáng kiến quy mô nhỏ để tăng cường năng lực quân sự của mình ở khu vực. Được thực hiện một cách tinh tế với cường độ thấp, những sáng kiến này có tác dụng ngăn chặn Trung Quốc lấy cớ thực hiện chính sách bên miệng hố chiến tranh hay đáp trả mà không tự khắc họa mình là một kẻ hung hăng. Những sáng kiến đó cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc trấn an các quốc gia nhỏ và tầm trung hay dao động trong khu vực đang mất bình tĩnh vì mối đe dọa Trung Quốc.

Hoạt động tự do hàng hải

Trong số ít trường hợp đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, thì Mỹ cũng làm nó theo một cách thức ít gây hấn nhất. Điều này được thể hiện rõ trong hoạt động tự do hàng hải của tàu Lassen trong phạm vi 12 hải lý của đá Xu Bi, thực thể nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp, để phủ nhận yêu sách biển của Trung Quốc.

Mỹ cũng tránh thiết lập (hoặc tái thiết lập) các căn cứ quân sự thường trực tại các quốc gia đồng minh. Điểm dễ nhận thấy nhất cho vấn đề này đó chính là Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường với Philippines về việc luân chuyển lực lượng Mỹ trong và bên ngoài các đơn vị quân sự của Philippines. Cách tiếp cận này mở đường cho sự hiện diện quân sự trong tương lai của Mỹ ở các quốc gia phi đồng minh, là những quốc gia không có ý định thiết lập một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ trên đất nước mình. Bên cạnh đó, Mỹ cũng âm thầm gây dựng tầm ảnh hưởng thông qua việc chuyển giao vũ khí, một hoạt động tăng cường mối quan hệ hợp tác cấp độ chiến lược chưa từng có tiền lệ giữa Mỹ và Ấn Độ.

Chậm và chắc để giành chiến thắng

Trái với nhận định của các nhà phê bình, chiến thuật lát cắt salami của Mỹ lại giành được những thành công về địa chính trị lớn hơn so với Trung Quốc. Nỗ lực khôn khéo của chính quyền Obama để củng cố vị thế quân sự của mình trong khu vực ngày càng tăng cường và củng cố được mối quan hệ hợp tác an ninh với các đồng minh hiệp ước chính thức cũng như các đối tác chiến lược phi đồng minh quan trọng như Ấn Độ, Singapore, Malaysia, và Việt Nam.

Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn hay lo lắng hơn ở Biển Đông?của  David A. Welch

Những nước phản đối các động thái và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đang đồng thuận với nhau rằng hành động của Bắc Kinh đã trở nên quá quắt và cần phải có các biện pháp chống lại.

Để tranh luận, giả sử rằng mọi thứ mà chúng ta cho là bằng chứng về chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa ngoại lệ và sự hung hăng của Trung Quốc thực ra là bằng chứng cho thấy sự bất ổn, bất an và lo lắng. Cần lưu ý rằng tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đem lại những giá trị vật chất và phi vật chất cho người dân Trung Quốc, đó là cơ hội kinh tế và điều kiện sống tốt hơn. Những yếu tố này đang bị đe dọa bởi tốc độ tăng trưởng giảm và những thách thức về môi trường, cùng nhiều thứ khác nữa. Còn các giá trị phi vật chất là lòng tự tôn dân tộc và uy tín quốc tế. Biển Đông gắn với cả hai giá trị đó. Bởi vậy các lãnh đạo ở Bắc Kinh không thể làm điều gì thể hiện chút yếu đuối hay do dự trước sức ép của quốc tế.

Các lãnh đạo Trung Quốc đang ở thế kẹt giữa một bên là lòng tự tôn dân tộc và bên kia là tiếng nói quốc tế. Và họ biết tình huống này rất nhạy cảm. Những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông đều đúng theo hai cách hiểu là hung hăng và bất an. Nếu nhìn theo cách là hung hăng, chương trình cải tạo đảo cấp tốc của Trung Quốc đúng là một nỗ lực tạo ra những cơ sở trên thực tế và đặt Trung Quốc vào thế khẳng định sự lấn át của mình. Đây là cách mà người ngoài suy nghĩ. Nếu nhìn theo cách là bất an, cách này nhằm thẳng vào những cử tọa trong nước mong muốn Bắc Kinh phải dũng cảm đương đầu với vấn đề mà họ coi là chủ quyền của Trung Quốc. Đây là cách mà chỉ ít người ở phương Tây và nhiều người trong giới lãnh đạo ở Trung Quốc nhìn nhận.

Những gì Trung Quốc chưa làm chỉ phù hợp theo cách hiểu là bất an. Mặc dù Trung Quốc đã chỉ trích chống lại “những kích động”, nước này không vạch ra giới hạn gì mà thay vào đó kêu gọi bình tĩnh, cảnh báo khả năng có thể xảy ra xung đột và tích cực can dự với Mỹ và các nước khác để đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt nguy cơ. Trung Quốc giành sự căm tức đặc biệt đối với Philippines. Vụ kiện đe dọa sẽ bóc mẽ những nhập nhằng có tính toán của Bắc Kinh, làm đảo lộn hành động tinh vi muốn giữ cân bằng giữa các áp lực trong và ngoài nước. Một Trung Quốc tự chủ, hung hăng sẽ chẳng thèm quan tâm tới điều đó, còn một Trung Quốc bất an, lo lắng thì phải quan tâm.

Các quan chức cấp cao có thể bắt đầu nói nhiều hơn về lợi ích hợp tác và tầm quan trọng của sự ổn định, bớt nói về việc phải chống lại sự hung hăng của Trung Quốc. Chọn hướng đi tích cực trong vấn đề Biển Đông có một lợi thế: nó ngăn Trung Quốc xòe móng vuốt và khuyến khích xòe bàn tay mềm mại. Thật nguy hiểm nếu khiến những người đang bất an cảm thấy tuyệt vọng và muốn giao chiến./.