Động thái của các quốc gia

+ Việt Nam:

Việt Nam lên tiếng về việc Mỹ-Anh tập trận chung ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 24/1, về cuộc tập trận chung giữa Hải quân Anh và Hải quân Mỹ gần đây trên Biển Đông, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Mọi hoạt động ở Biển Đông của các nước cần phải tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS năm 1982 và đóng góp vào mục tiêu chung này”.

+ Philippines:

Cựu Tổng thống Philippines phản đối khai thác chung ở Biển Đông. Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hôm 22/1 chỉ trích việc chính phủ nước này và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông hồi tháng 11.2018. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Duterte cho hay có thể hợp tác với tỷ lệ chia lợi nhuận là 60/40. Theo ông Aquino, “Chúng tôi thường đùa rằng Trung Quốc hay nói: ‘Những gì của chúng tôi thuộc chúng tôi, những gì của bạn, chúng ta cùng chia sẻ’. Khi nhìn thấy đề xuất về khai thác chung và khai thác tài nguyên trên cơ sở 60/40, 60 thuộc về Trung Quốc, tôi tự hỏi liệu câu chuyện đùa đó đã thành sự thật”. Trong khi đó, chính phủ của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte không nêu cụ thể về kế hoạch hợp tác nhưng khẳng định “không trái hiến pháp hay làm tổn hại lợi ích quốc gia”.

BTQP Philippines hài lòng về tình hình Biển Đông hiện nay. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình GMA, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana cho biết căng thẳng ở Biển Đông sẽ ở mức thấp hơn ở nửa cuối nhiệm kỳ Tổng thống Duterte và ông hài lòng với tình hình ở Biển Đông hiện nay bởi vì Trung Quốc đã không yêu sách lãnh thổ mới trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte. Ông Lorenzana mong muốn hoàn tất xây dựng một đoạn dốc ở đảo Thị Tứ vào Quý I năm 2019. Đoạn dốc này sẽ cho phép quân đội vận chuyển vật liệu để sửa chữa đường băng đã bị hỏng ở đảo này. Trong buổi điều trần ở Hạ viện tuần trước, ông Lorenzana thừa nhận rằng sự hiện diện của các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã thay đổi cán cân an ninh quân sự của Philippines bởi vì với trang thiết bị ở các đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể chặn được tần số liên lạc qua vô tuyến của quân đội Philipines và đưa máy bay tới Manila chỉ trong vài phút.

+ Malaysia:

Malaysia hủy dự án đường sắt với Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Malaysia ông Azmin Ali hôm 26/1 xác nhận dự án đường sắt ven biển do Trung Quốc đầu tư trị giá 20 tỷ USD đã bị hủy vì lý do kinh phí quá cao. Dự án xây hệ thống đường sắt dài 688 km nối vùng duyên hải phía Đông với phía Tây của bán đảo Malaysia là dự án vay vốn của Bắc Kinh và do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Theo ông Azmin Ali, chi phí dự án này là quá lớn, nếu tiếp tục làm thì sau khi hoàn thành mỗi năm Malaysia sẽ phải trả lãi hàng trăm triệu USD.

+ Indonesia:

Indonesia thúc đẩy khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” trong ASEAN. Sau Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Thái Lan ngày 18/1, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết Indonesia đang tiếp tục thúc đẩy hoàn thành khái niệm của ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc và phạm vi hợp tác được Indonesia đề xuất; cuộc họp đã đạt được nhiều tiến triển và Indonesia mong muốn khái niệm này sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới. Trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay, khái niệm hợp tác Ấn Độ - Thái Bình Dương của ASEAN sẽ góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì ổn định và thịnh vượng của khu vực một cách bền vững. Indonesia đang thúc đẩy để nội dung này được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tháng 11/2019.

+ Úc:

Úc muốn cùng Nhật tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Tại Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á từ ngày 22-28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne đã đối thoại với người đồng cấp và có chuyến thăm tàu sân bay trực thăng Izumo. Ông Pyne cho hay chính phủ Úc ủng hộ Nhật Bản “tăng cường năng lực quân sự từ khía cạnh phòng vệ lẫn khía cạnh đảm bảo năng lực triển khai quân sự”. Nhật – Úc dự kiến nối lại đàm phán về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng để tăng cường hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Christopher Pyne bày tỏ mong muốn hai nước tiến hành thêm nhiều hoạt động ở Biển Đông.

Quan hệ các nước

Ngoại trưởng EU-ASEAN nhấn mạnh thượng tôn pháp luật trên biển. Ngày 22/1, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 22 đã diễn ra tại Brussels, Bỉ. Các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực các bên cùng quan tâm, chia sẻ về những biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và chính trị thế giới. Về tình hình Biển Đông, Tuyên bố chung sau Hội nghị khẳng định, “Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của tôn trọng luật pháp, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, an ninh biển, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, cũng như không quân sự hóa và hành động kiềm chế.”

Tàu hải quân Singapore thăm cảng Việt Nam. Sáng 23/1, tàu đổ bộ của Hải quân Singapore RSS ENDEAVOUR gồm 90 sĩ quan và thuỷ thủ do Thượng tá Joseph Neo làm Trưởng đoàn đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm từ ngày 23 đến ngày 27/1. Chuyến thăm lần này của tàu Hải quân Singapore nhằm mục đích tăng cường quan hệ hợp tác Hải quân Việt - Sing, từ đó thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Việt Nam - Thái Lan họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương lần 3. Từ ngày 24-25/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm Thái Lan và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan tại Bangkok. Tại Kỳ họp, hai bên đã tập trung thảo luận tình hình hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đồng thời đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước. Là hai nước Chủ tịch ASEAN 2019 và 2020, hai bên nhất trí phối hợp cùng các nước thành viên khác đẩy mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với các vấn đề chung của khu vực, trong đó có Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Phân tích và đánh giá

Quan hệ Úc-Ấn Độ: Sự hội tụ chiến lược?” của Giáo sư Ian Hall, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Griffith (Úc). Chuyến thăm Úc lần đầu tiên của Tổng thống Ấn Độ Shri Ram Nath Kovind trong 3 ngày (21-23/11/2018) là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước cuối cùng cũng có những tiến triển. 20 năm trước, mối quan hệ giữa Úc và Ấn Độ gặp nhiều sóng gió, nhất là sau việc Ấn Độ tiến hành thử hạt nhân vào năm 1998. Khi đó, Úc với cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách đình chỉ tất cả các chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ, đồng thời trục xuất tùy viên quân sự Ấn Độ tại Úc về nước.

Tác động của sự kiện 11/9 tại Mỹ

New Delhi về phần mình không mấy quan tâm tới phản ứng của Canbera. Các quan chức và học giả Ấn Độ cho rằng Úc thiếu hiểu biết về tình hình chiến lược của đất nước, đạo đức giả và hưởng lợi từ sự răn đe hạt nhân dưới sự bảo trợ của Mỹ. Phải mất thời gian để hai bên hàn gắn quan hệ. Năm 2000, Thủ tướng Úc John Howard đã có chuyến thăm tới New Delhi nhưng phải đến giữa những năm 2000, động lực khôi phục quan hệ giữa hai nước mới thật sự bắt đầu. Chất xúc tác chính là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, trong đó Úc tham gia cùng các đồng minh tại Afghanistan và giúp làm ấm mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ.

Trong bầu không khí đó, năm 2003, Úc và Ấn Độ đã ký kết bản ghi nhớ về chống chủ nghĩa khủng bố và chia sẻ thông tin tình báo. Tiếp đến năm 2006, hai bên ký thỏa thuận về hợp tác quốc phòng. Với việc mối quan hệ 2 nước được cải thiện, chính phủ của Thủ tướng Howard thời điểm đó muốn dỡ bỏ lệnh cấm bán urani cho Ấn Độ. Quan hệ thương mại hai nước cũng bắt đầu khởi sắc. Và năm 2007, hai nước đã tham gia vào khái niệm Nhóm Bộ tứ (Quad) lần thứ nhất cùng với việc Úc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao tại Ấn Độ.

An ninh trước tiên...

Tuy nhiên, tiến trình phát triển quan hệ giữa hai bên đã gặp phải lực cản lớn khi cuộc bầu cử tại Úc diễn ra và chiến thắng thuộc về Công đảng đối lập của Kevin Rudd. New Delhi lo sợ rằng một thủ tướng Úc có thể nói được tiếng Quan Thoại và tự nhận là một chuyên gia về Trung Quốc sẽ có mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. Khi Thủ tướng Rudd quyết định rút Úc khỏi Nhóm Bộ tứ và Ngoại trưởng Stephen Smith thông báo với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì về quyết định này thì lo ngại của Ấn Độ là có cơ sở. Sau đó, Thủ tướng Kevin Rudd tiếp tục thực hiện lệnh cấm bán urani cho Ấn Độ. New Delhi phản ứng bằng cách tỏ ra thận trọng trong quan hệ với Canberra và từ chối lời mời của Úc tham gia tập trận hải quân Malabar cùng với Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi chính phủ của Thủ tướng Rudd làm lung lay niềm tin của New Delhi vào Canberra thì sự quyết đoán của Trung Quốc trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã kéo hai nước lại gần nhau hơn. Năm 2009, Úc và Ấn Độ đã ra tuyên bố chung về hợp tác an ninh, nâng mối quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược. Hai năm sau đó, lệnh cấm bán urani chính thức được Thủ tướng Julia Gillard - người kế nhiệm của ông Rudd - dỡ bỏ.

Thời gian sau đó, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Tony Abbott tháng 9/2014, hai nước đã công bố thỏa thuận hạt nhân dân sự song phương. Tiếp đó, trong chuyến thăm lịch sử của thủ tướng Ấn Độ Narendi Modi tới Úc vào tháng 11/2014, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ sau hơn 1/4  thế kỷ, hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác an ninh. Các thỏa thuận đó hứa hẹn mang đến cho hai nước các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên, chuyển giao công nghệ quốc phòng và nhiều hợp tác hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm buôn người, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình.

Vào giữa năm 2015, một cuộc đối thoại ba bên gồm Úc-Ấn Độ-Nhật Bản đã được tổ chức và một phiên bản mới của Nhóm Bộ tứ xuất hiện vào năm 2017. Cùng năm đó, hai nước đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng song phương. Hai nước cũng gia tăng các cuộc tập trận, bắt đầu với cuộc tập trận trên biển AUSINDEX năm 2015 và năm 2018, Không quân Ấn Độ tham gia tập trận đa phương do Úc tổ chức. Hai nước sẽ còn tổ chức các cuộc tập trận quân sự song phương khác trong tương lai.

 ...và thương mại sau cùng

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi cũng làm dấy lên hy vọng về việc hai nước có thể thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư. Trong hơn một thập kỷ, thương mại song phương bị đình trệ và dao động trong khoảng 14,5 tỷ USD/năm với thăng dự thương mại nghiêng về phía Úc. Đầu tư tuy có khởi sắc hơn nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Việc thiếu sự bổ sung cho nhau là một phần nguyên nhân. Tuy nhiên, những vấn đề đối với việc thâm nhập thị trường Ấn Độ của hàng hóa Úc và việc các cơ sở sản xuất kém phát triển của Ấn Độ mới là nguyên nhân chính.

Trong chuyến thăm Úc năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã cam kết chính phủ nước này sẽ cố gắng hoàn tất đàm phán thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện song phương (CECA) vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ với việc cả hai bên chưa đạt được nhất trí về các nội dung trong thỏa thuận.

Để cố gắng giành lại thế chủ động, năm 2017, Canberra đã yêu cầu cựu Cao ủy nước này tại Ấn Độ là Peter Varghese tìm cách thúc đẩy mối quan hệ kinh tế. Cuốn sách "Chiến lược kinh tế Ấn Độ đến năm 2035" dài 500 trang của ông được xuất bản vào tháng 7/2018 đã tạo cơ sở cho phần lớn cuộc thảo luận giữa hai bên trong chuyến thăm Úc của Tổng thống Ấn Độ Kovind.

Về phía Ấn Độ, những khuyến nghị, gợi ý của ông Varghese đã được hoan nghênh với những nhận xét tích cực từ Cao ủy của Ấn Độ tại Canberra. Về phía Úc, các cám kết đã được thực hiện để thực thi các khuyến nghị quan trọng của Varghese, bao gồm thiết lập cơ chế đối thoại kinh tế chiến lược, ủng hộ việc đưa Ấn Độ vào APEC, hỗ trợ tốt hơn cho các nhà cung cấp giáo dục ở thị trường Ấn Độ, tăng cường hợp tác nghiên cứu, khuyến khích nhiều chuyến bay trực tiếp và mở rộng các cơ quan ngoại giao.

Cam kết và hội tụ

Liệu những cam kết này sẽ được đáp ứng hay không thì chưa thể biết chắc. Tuy nhiên, điều quan trọng là Công đảng đối lập của Úc - có khả năng sẽ lên nắm quyền vào giữa năm 2019 - đã đưa ra báo cáo của Varghese để tìm kiếm sự ủng hộ của lưỡng đảng. Bất chấp còn nhiều thách thức, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu của Úc, tiếp đó là mối quan hệ quốc phòng và an ninh. Hai bên đều nhận thức sâu sắc rằng họ sẽ không được hưởng lợi từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Trung Quốc thống trị, trong đó quyền tự do hàng hải bị đe dọa, các điều khoản thương mại và đầu tư bị siết chặt, quyền tự chủ và ổn định của các quốc gia trong khu vực bị xâm phạm, và những người không đồng ý bị ép buộc phải tuân theo.

Úc và Ấn Độ cũng có nhiều lợi ích từ việc chia sẻ các đánh giá chiến lược và thông tin tình báo về hành vi của Bắc Kinh, phát triển khả năng tương tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chiến tranh chống tàu ngầm và hợp tác để cạnh tranh tốt hơn với các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Khi Thủ tướng Abe đáp trả Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Nếu có một nhân vật nào đóng vai trò lớn nhất trong việc đem lại thời đại “châu Á-Thái Bình Dương” thì người đó chắc chắn là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Kể từ khi quay trở lại quyền lực năm 2012, ông đã dồn sức lực và tâm trí cho việc thay đổi không chỉ chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới II mà còn cả trật tự thế giới đang nổi sau khi vai trò của Mỹ suy giảm.

Mới đây, Chính quyền Abe đã thông qua mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục, đồng thời muốn nâng cấp 2 chiến hạm chở trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay để triển khai tiêm kích tàng hình F-35B, và triển khai các phương tiện bọc thép đầu tiên của mình trong các cuộc tập trận quân sự ngoài lãnh thổ.

Hy vọng đưa Nhật Bản trở lại thời kỳ huy hoàng của mình đang là động lực thúc đẩy chương trình nghị sự của Abe. Bên cạnh niềm hy vọng cũng là nỗi lo sợ, đặt biệt là Trung Quốc. “Bẫy Thucydides”, tức nguy cơ xảy ra rạn nứt quan hệ giữa một cường quốc đang trỗi dậy nhanh chóng và một cường quốc nguyên trạng đang bị đe dọa, đang ngày càng hiện hữu ở châu Á. Mặc dù tăng trưởng kinh tế và chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn đứng đầu so với Trung Quốc, nhưng sự đảo ngược vai trò ngoạn mục giữa Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra ở khu vực Đông Á khiến Nhật Bản không khỏi bàng hoàng sửng sốt. Theo đánh giá của Tokyo, Bắc Kinh không còn là nền kinh tế thứ hai thế giới nữa, mà cũng đã “soán ngôi” bá quyền kinh tế của Nhật Bản ở châu Á. Tái cân bằng kinh tế cũng diễn ra song hành với sự thay đổi nhanh chóng về cán cân quyền lực quân sự. Sự đảo ngược cán cân quyền lực quân sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh chẳng hề úp mở những thách thức của họ đối với tranh chấp quần đảo Điếu Ngư với Nhật Bản mà Tokyo gọi là Senkaku ở Biển Hoa Đông.

Giữa những năm 2000, Abe coi sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Nhật Bản cũng như với trật tự khu vực rộng lớn hơn. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nhận định đúng đắn về sự thay đổi trong cán cân quyền lực khu vực và rộng hơn là cán cân quyền lực thế giới theo chiều hướng cấp thiết. Ông đã tìm đến giải pháp là hình thành liên minh bộ Tứ gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Tuy nhiên, do những trúc trắc trong việc hình thành một liên minh không chính thức nhằm kiềm chế Trung Quốc, như sự im lặng của Úc hay sự lưỡng lự của Ấn Độ, sự từ chức của Abe cuối năm 2007 đã làm chìm bộ Tứ 1.0 này. Khi trở lại quyền lực, Abe đã không lãng phí thời gian để thúc đẩy chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Chiến lược này được theo đuổi thông qua sự hợp tác an ninh hàng hải lớn hơn, phối hợp ngoại giao, và các dự án phát triển chung với các nền dân chủ lớn trên thế giới, gồm Pháp và Anh, những nước cũng có phần lãnh thổ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Abe cũng giám sát việc nâng cấp quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật nêu trong Đường hướng Quốc phòng song phương sửa đổi 2015, tạo điều kiện lớn hơn về mặt pháp lý và khả năng phối hợp trong các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản cũng đáp trả sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc thông qua việc thiết lập Sáng kiến Kết nối trị giá 110 tỷ USD. Sáng kiến này của Tokyo nhằm đối phó với các chính sách biển theo chủ nghĩa xét lại, các hoạt động xâm nhập gây ảnh hưởng đối với các nền dân chủ khu vực và chính sách kinh tế trục lợi của Bắc Kinh.

Việc chính quyền Mỹ kêu gọi một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã mở đường cho việc hình thành nhóm Bộ Tứ 2.0, với sự ý thức to lớn hơn về mục tiêu, sự gắn kết nội bộ, và tính cấp thiết, khi Trung Quốc bắt đầu vẽ lại trung tâm hàng hải của châu Á. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu những người kế nhiệm sẽ tiếp tục triển khai những gì ông để lại khi kết thúc nhiệm kỳ hay không. Và một câu hỏi khác là liệu Tokyo có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ tầm nhìn của Abe hay không.

Trung Quốc và hành lang quan trọng trên Biển Đông”. Trung Quốc đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc trước tốc độ và quy mô xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng quân sự tại Biển Đông. Hoạt động nạo vét, tôn tạo và bồi đắp đảo đầu tiên của Trung Quốc diễn ra vào tháng 12/2013. Chỉ 5 năm sau, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo và đang tăng cường củng cố các cơ sở quân sự tại Biển Đông.

Thậm chí sau khi tòa trọng tài quốc tế bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong một phán quyết được đưa ra năm 2016, Trung Quốc vẫn tiếp tục điên cuồng mở rộng đường biên giới của mình trên biển. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường kiểm soát tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược tại Biển Đông - nơi dòng thương mại toàn cầu trị giá tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm đều phải đi qua đây. Bắc Kinh đã dựng lên một mạng lưới ra đa, các cụm tên lửa và sân bay tại khu vực này.

Trung Quốc gần như đã biến các đảo nhân tạo thành các “tàu sân bay” vĩnh viễn tại khu vực này, giúp Trung Quốc có thể vươn xa tới Ấn Độ dương và Tây Thái Bình Dương. Trên thực tế, Biển Đông đã cho thấy chiến lược mở rộng biên giới ưa thích của Bắc Kinh là “lát cắt salami”. Theo chiến lược này, như đã được chứng kiến tại dãy Himalaya kể từ những năm 1950, Bắc Kinh sẽ đều đặn tiến hành các hoạt động nhỏ, mà trong đó không hoạt động nào có thể là nguyên nhân khai mào chiến tranh, tuy nhiên theo thời gian, những hoạt động này sẽ tích tụ dần và dẫn tới một sự biến đổi chiến lược có lợi cho Trung Quốc. Và bằng các cuộc tấn công được “ngụy trang” là để phòng vệ, Trung Quốc đẩy quốc gia bị nước này nhắm làm mục tiêu vào lựa chọn: chấp nhận mất lãnh thổ hay phải đối mặt với một cuộc chiến tốn kém và nguy hiểm với một cường quốc.

Các quốc gia châu Á khác, gồm cả Ấn Độ (tranh chấp với Trung Quốc ở Himalaya) và Nhật Bản (tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông), nhận ra rằng vấn đề nghiêm trọng ở đây là việc Bắc Kinh thiếu tôn trọng các đường biên giới hiện có. Trung Quốc rõ ràng có động thái mạnh mẽ khi Mỹ không phản ứng chống lại chủ nghĩa mở rộng lãnh thổ của nước này. Mỹ chỉ đang tập trung vào việc đảm bảo tự do hàng hải an toàn ở Biển Đông, chứ không gia tăng áp lực đối với Trung Quốc để buộc nước này chấm dứt các hoạt động nhằm vẽ lại các đường biên giới.

Trên thực tế, Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Mỹ cũng giữ thái độ trung lập trong các tranh chấp khác giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Himalaya. Ví dụ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không đưa ra tuyên bố nào lên tiếng ủng hộ Ấn Độ, và đứng trung lập trong suốt cuộc đối đầu kéo dài 73 ngày giữa các lực lượng của Ấn Độ và Trung Quốc tại cao nguyên Doklam - một khu vực hẻo lánh thuộc dãy Himalaya - hồi giữa năm 2017.

Đúng là Mỹ đang tăng cường cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong khi Mỹ chưa tạo ra một lực đẩy quan trọng cho chiến lược được quảng cáo rầm rộ nhằm đảm bảo cho sự “tự do và rộng mở” tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì Trung Quốc đang theo đuổi những sáng kiến lớn, ví dụ như hai dự án Con đường Tơ lụa, với mục tiêu nhằm thay đổi bản đồ địa chính trị của khu vực.

Những rạn nứt trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng khiến Bắc Kinh ngày càng hành động quyết đoán hơn. Biển Đông đã trở thành “gót chân Achilles” của ASEAN. Việc ASEAN không thể đưa ra một lập trường chung có thể đã khiến Bắc Kinh vui mừng. ASEAN đã để lộ ra điểm yếu, và điều đó đã cho phép Trung Quốc tự làm theo ý của mình.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông là hợp pháp hóa quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với hành lang biển quan trọng này. Thông qua một loạt các hoạt động, Trung Quốc đang thể hiện sự hiện diện của nước này tại các khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Ví dụ, để tạo ra một cơ sở hành chính, bao gồm việc dựng lên một chính quyền dân sự địa phương ở Biển Đông, Bắc Kinh đã cho xây dựng “Thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm. Đảo Phú Lâm gần đây cũng thu hút sự chú ý của dư luận khi Trung Quốc điều máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân H-6K tới đảo này. Đây là lần đầu tiên một máy bay như vậy của Trung Quốc được đưa tới Biển Đông.

Khả năng lớn là, giống như đã từng làm tại quần đảo Hoàng Sa năm 1996, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố “các đường cơ sở thẳng” tại quần đảo Trường Sa. Những đường cơ sở như vậy, kết nối các điểm cực của chuỗi đảo này, sẽ tìm cách biến vùng biển tại đây - bao gồm cả những thực thể nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia khác - trở thành “vùng nội thủy” của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Biển Đông đang nổi lên trở thành biểu tượng của các tranh chấp hàng hải quốc tế trong thế kỷ 21. Những diễn biến tại Biển Đông có khả năng sẽ khuấy động trật tự thế giới tự do hiện nay bằng cách cho phép một sức mạnh tàn bạo nằm quyền cai trị.

Đối với Ấn Độ, Biển Đông - nơi kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - đóng vai trò rất quan trọng. Khoảng 60% thương mại đường biển của Ấn Độ đi quan eo biển Malacca, con đường nối Ấn Độ Dương với Biển Đông. Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông trực tiếp ảnh hưởng tới những lợi ích quan trọng của Ấn Độ.

Trên thực tế, các hoạt động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã tiếp thêm sức mạnh để Bắc Kinh thiết lập một căn cứ hải quân tại Djibouti - căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở nước ngoài - và tăng cường sự hiện diện của các tàu ngâm ở Ấn Độ Dương.

Với vai trò quan trọng của Biển Đông, các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng định hình sự phát triển tại đây, bao gồm việc đảm rằng chủ nghĩa quyết đoán đơn phương sẽ phải trả giá. Nếu không làm được điều này, sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trật tự thế giới sẽ bị đe dọa.

Những nhân tố khiến Nhật Bản tăng cường sức mạnh quốc phòng”. Ngày 18/12, Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ - bản cương lĩnh định hướng chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 10 năm tới và Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn trong vòng 5 năm (2019-2023). Theo chương trình quốc phòng trung hạn, Tokyo sẽ chi 27 nghìn tỷ yen (khoảng 240 tỷ USD) để tăng cường năng lực không gian, không gian mạng và

Một điểm đáng chú ý trong các chính sách quốc phòng này là việc nâng cấp 2 chiến hạm chở trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay để triển khai tiêm kích tàng hình F-35B. Trong khuôn khổ an ninh Mỹ-Nhật, Izumo có nhiệm vụ hỗ trợ các tàu sân bay của Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phòng vệ chống ngầm. Ngoài ra, đội chiến đấu cơ F-15 gồm 99 chiếc hiện nay sẽ được nâng cấp thành F-35A và F-35B.

Đã có cuộc thảo luận về liệu việc nâng cấp Izumo có đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ sở hữu một tàu sân bay tấn công hay không, và liệu điều đó sẽ vi phạm hiến pháp Nhật Bản vốn quy định một chính sách quốc phòng riêng biệt hay không. Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại rằng chương trình quốc phòng mới của Nhật Bản cho thấy Tokyo đang đẩy mạnh tốc độ quân sự hóa.

Sau nhiều cuộc thảo luận liên tiếp giữa Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và liên minh Komeito, một thỏa thuận nhằm nâng cấp Izumo đã đạt được dựa trên giải trình rằng Izumo sẽ hoạt động trong phạm vi cho phép của chính sách quốc phòng riêng. Sau đó, trong suốt phiên họp thường kỳ của Hạ viện hồi tháng 2/2018, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định rằng việc sở hữu các vũ khí tấn công, kể cả tàu sân bay tấn công, là không được phép. Ngay cả trước khi nội các đưa ra quyết định, ông Abe vẫn khẳng định sẽ vẫn duy trì “chức năng đa nhiệm (của Izumo)”.

Mặc dù Izumo dài 248m và có thể mang theo tối đa 14 trực thăng, song tàu này chưa thể “sánh” được với tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (dài 333m và mang theo 99 chiến đấu cơ) hoặc vẫn thua xa tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (dài 305m và mang theo 67 chiếm hạm). Ngay cả khi Izumo mang theo F-35B thì tàu này vẫn chưa thể “trở thành tàu sân bay”.

Mặc dù vậy, có những lý do giải thích vì sao Nhật Bản lại xúc tiến việc nâng cấp Izumo. Thứ nhất, Tokyo muốn duy trì cán cân quyền lực quân sự quanh Nhật Bản. Nếu Tokyo xao nhãng các năng lực quốc phòng của mình, thì các nước xung quanh sẽ thừa dịp củng cố sức mạnh của họ để rồi Tokyo chịu kết cục là sự hủy hoại cân bằng khu vực. Các năng lực quốc phòng cơ bản vẫn cần được duy trì. Nói cách khác, một nước cần giữ năng lực quốc phòng của mình ở mức mà không “mời” nước khác tấn công mình do sự yếu kém trong phạm vi các năng lực quốc phòng của chính quốc gia đó. Theo lý do thứ nhất nói trên, Nhật Bản phải “đáp” lại những thay đổi đang diễn ra quanh môi trường địa chính trị của họ. Lý do quan trọng thứ hai là mối quan ngại liên quan Trung Quốc và Mỹ và lý do thứ ba là quan ngại về mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Về lý do thứ hai, Nhật Bản cần thể hiện khả năng răn đe đối với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang từng bước đẩy mạnh năng lực quân sự của họ như mở rộng tiềm lực hải quân và các hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương gần Nhật Bản. Các thông tin nhiều năm qua cho thấy quân đội Trung Quốc, không và hải quân, đang tham gia nhiều cuộc tập trận hơn ở trong và ngoài nước. Trong khi đó, Mỹ, dù là đồng minh của Nhật, song Tokyo vẫn cảm thấy bất an trước chính sách châu Á không rõ ràng của Tổng thống Donald Trump. Đã có những lo ngại rằng cách hành xử của Trump với NATO và các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc cũng sẽ xảy ra với Nhật Bản. Nếu căng thẳng khu vực gia tăng, thì Nhật Bản lại lo sợ không biết liệu Mỹ sẽ thực sự tôn trọng Điều 5 trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật “để hành động đáp trả trước mối đe dọa chung” hay không.

Về lý do thứ ba, nếu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vào năm 2019, Mỹ cho rằng mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên không ảnh hưởng đến Mỹ và theo đó sẽ bỏ qua hoặc cho phép Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, thì khi ấy mối lo ngại của Tokyo sẽ chuyển sang nỗi lo sợ thực sự rằng Nhật Bản sẽ nằm trong tầm ngắm của các tên lửa của Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng do tình hình thay đổi sau thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta cần nhận định rằng Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật sẽ không thực hiện được đúng chức năng của nó. Cho dù Quốc hội Mỹ có cho phép sử dụng quân sự để giúp Nhật Bản trong những trường hợp khẩn cấp hay không lại phụ thuộc phần lớn vào tình hình chính trị nội bộ Mỹ và điều này không phải là sự đảm bảo hoàn toàn.

Nhật Bản là một quốc đảo, nên sức mạnh không quân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, theo dõi và giám sát khu vực biên giới  thuộc các quần đảo xa xôi của mình. Nếu sức mạnh không quân đó chỉ hoạt động trên phạm vi mặt đất thì xuất hiện mối nguy cơ ngày càng cao rằng Nhật Bản sẽ không thể đối phó với những tình huống vốn đã xảy ra trong những năm gần đây. Nếu Nhật Bản có thể triển khai chiến đấu cơ F-35B từ chiến hạm Izumo, thậm chí theo phương thức hạn hẹp, thì nước này có thể khỏa lấp được sự yếu kém (về năng lực không quân) và có thể huy động được biện pháp răn đe đối với các mối đe dọa trong khu vực.

Cho dù các chương trình quốc phòng mới của Nhật Bản đã lường trước về những mối đe dọa và lo sợ trong khu vực, nhưng Tokyo cần tránh việc thiết lập khả năng răn đe dựa trên vũ lực. Công tác thu thập và phân tích thông tin chi tiết, cách đáp trả và phối hợp bình tĩnh và có mục tiêu cũng như công tác chuẩn bị sẽ vẫn là những yếu tố quan trọng đối với công tác quốc phòng trong tương lai của Nhật Bản.

Trung Quốc không đủ khả năng kiểm soát Biển Đông” của Peter Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ. Quan điểm nhận định Trung Quốc có khả năng kiểm soát Biển Đông trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Mỹ là thiếu căn cứ và không thỏa đáng.

Xét về diện tích, Biển Đông rộng 1,351 triệu dặm vuông (khoảng 3,5 triệu km2), chưa kể Vịnh Thái Lan, tức là gấp 1,4 lần diện tích Địa Trung Hải. Để tuần tra khu vực rộng lớn này, Trung Quốc hiện triển khai hạm đội tuần duyên tải trọng 1.000 tấn và 84 tàu đánh cá tích hợp quân-dân sự ngoài khơi cái gọi là thành phố Tam Sa (gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi Macclesfield và Bãi cạn Scarbourgh cùng các vùng phụ cận).

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, mỗi tàu sẽ chịu trách nhiệm tuần tra trung bình 6.464 dặm vuông (hơn 16.500km2). Nếu tính đến số lượng vài trăm tàu đánh cá cũng được trang bị khả năng hỗ trợ các chiến dịch tuần tra trên biển, ước tính vào khoảng 500 chiếc, thì số diện tích trung bình mỗi tàu phải đảm nhiệm cũng chỉ giảm xuống còn 2.702 dặm vuông (gần 7.000 km2). Ngay cả với hệ thống kiểm soát thông tin và không phận tân tiến, việc nắm toàn bộ vùng biển này trong tầm tay cũng là điều không đơn giản.

Các chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc không dễ giúp quốc gia này thiết lập quyền kiểm soát ngay cả chỉ ở trong một khu vực có giới hạn do phản ứng quyết liệt của các quốc gia khác. Giới hành pháp Trung Quốc chỉ ra rằng việc tấn công dễ hơn phòng thủ. Để đối phó với các quốc gia khác, Trung Quốc nhận ra rằng họ cần ít nhất từ 3 đến 4 tàu chiến để đối phó với 1 tàu đối phương. Điều này có thể thấy được sau những mâu thuẫn diễn ra liên quan đến việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 tại quần đảo Hoàng Sa, sự kiện vấp phải phản ứng gay gắt của một số quốc gia.

Bên cạnh đó, một số nước tuyên bố chủ quyền trong khu vực đang cân nhắc việc mua tàu ngầm lớp kilo. Nếu Trung Quốc thực sự muốn kiểm soát tại Biển Đông, các quốc gia này chắc chắn sẽ tìm cách có được các công nghệ khiến tham vọng của Trung Quốc khó trở thành hiện thực hơn. Các cường quốc bên ngoài sẽ không ngần ngại ủng hộ các nỗ lực này. Thực tế là Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Úc đã tỏ ra rất tích cực với việc xúc tiến các hợp đồng mua bán vũ khí hoặc các cuộc đàm phán về đề tài này.

Một câu hỏi khác là liệu Trung Quốc có thể kiểm soát vùng biển này nếu gây chiến với một quốc gia khu vực hay không? Trong trường hợp này, đối thủ “tiềm năng nhất” có thể là Việt Nam, quốc gia đối mặt với nhiều nguy cơ và thiệt hại nhất, song lại là quốc gia có khả năng lớn nhất để đối phó Trung Quốc, có lịch sử lâu đời với các cuộc kháng chiến chống lại các cường quốc và quyết tâm mạnh mẽ khi cần thiết. Nếu Trung Quốc kích động chiến tranh với Việt Nam hoặc một quốc gia khu vực khác, họ có thể giành được quần đảo Trường Sa, song sau đó thì sao?

Trung Quốc sẽ bị đẩy vào tình thế “mèo vờn chuột” hoặc phải đánh đổi một cái giá rất lớn để bảo vệ các khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, với việc kích động chiến tranh nhằm vào một nước khu vực, Trung Quốc sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ trả đũa hoặc trừng phạt của các quốc gia khác. Mỹ có thể là một trong số đó và Washington nhiều khả năng sẽ tận dụng cơ hội này để làm suy yếu năng lực hải quân của Trung Quốc. Và không chỉ có Mỹ, Bắc Kinh còn phải tính đến cả phản ứng của Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia hay Úc trong trường hợp một nước khu vực như Việt Nam bị tấn công. Các quốc gia này muốn tận dụng lợi ích từ mối quan hệ thương mại với Trung Quốc song chắc chắn sẽ không muốn bị Trung Quốc thâu tóm và kiểm soát.

Bắc Kinh cũng cần tính đến những thiệt hại phi quân sự nếu xung đột khu vực bùng phát. Họ đã có quá đủ các thách thức về kinh tế. Trung Quốc đang nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đặt cược tương lai vào sáng kiến “Vành đai và Con đường”, sáng kiến mà họ khẳng định là phụ thuộc mạnh mẽ vào hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc giờ đây ở vị thế khác so với thời điểm năm 1962 và 1979 khi chìm trong những cuộc chiến với nhiều hệ lụy. Trung Quốc ngày nay hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn và vì vậy cũng lệ thuộc nhiều hơn vào các mối quan hệ thương mại với bên ngoài.

Sự hiện diện của hải quân Mỹ tại Biển Đông cũng quan trọng như sự hiện diện của lực lượng vũ trang Mỹ tại Tây Âu thời Chiến tranh Lạnh, yếu tố ngăn Liên Xô có những bước tiến nhằm bành trướng ảnh hưởng tại Đức. Sự hiện diện trên diện rộng của hải quân Mỹ tại Biển Đông cũng vì mục đích tương tự. Một khu vực không bị ai chi phối hay thao túng chỉ có thể tồn tại nếu các cường quốc cân bằng lực lượng và ảnh hưởng.

Trên thực tế, Biển Đông và Đông Nam Á có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Mỹ. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và các nước duyên hải Biển Đông trong năm 2017 đạt 246,9 tỷ USD, nhiều hơn kim ngạch thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Hong Kong. Kim ngạch thương mại Mỹ-Trung cùng kỳ là 635 tỷ USD song Washington đã tỏ ý sẵn sàng hy sinh lợi ích thương mại với Trung Quốc để bảo vệ và đạt được các mục tiêu chiến lược.

Nếu Trung Quốc tin rằng họ có thể hoặc nên tìm cách giành quyền kiểm soát Biển Đông thông qua xung đột với một hoặc nhiều quốc gia khu vực, họ cần tính đến những thực tế đáng chú ý trong lịch sử của Mỹ vốn chứng minh rằng quyền tự do và thông suốt về thương mại luôn được xem là lợi ích quan trọng đáng để bảo vệ, dù phải dùng đến vũ lực./.

Thực hiện: Đinh Anh