Động thái quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối tàu chiến Mỹ áp sát Bãi cạn Scarborough. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 20/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, “Sáng ngày 20/5, tàu USS Preble đi vào vùng biển Hoàng Nham Đảo mà không được chính phủ Trung Quốc cho phép. Tôi xin nhấn mạnh hành động này xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông các nước có quyền hưởng theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm an ninh và chủ quyền dưới mác tự do hàng hải và hàng không. Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng các hành động khiêu khích bởi đe dọa tới quan hệ song phương và môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.”  Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc, Thượng tá Lý Mẫn Hoa hôm 21/5 tuyên bố: “Quân đội Trung Quốc đã cử máy bay và tàu chiến ra nhận dạng tàu Mỹ và yêu cầu con tàu rời đi. Quân đội Trung Quốc sẽ cảnh giác cao độ và tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ toàn vẹn an ninh và chủ quyền của Trung Quốc.”

Trung Quốc phản ứng Nhóm Nghị sĩ Mỹ trình dự luật trừng phạt về Biển Đông và Hoa Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 23/5 tuyên bố: “Quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông và Hoa Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ ở Biển Đông hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Hành động của nhóm Nghị sĩ Mỹ đi ngược lại luật pháp quốc tế và các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ quốc tế. Trung Quốc kiên quyết phản đối. Chúng tôi thúc giục Mỹ không xem xét dự luật này tránh gây phức tạp song phương.”

Tàu Trung Quốc tiếp tục khai thác sò tai tượng đang bị đe dọa ở Biển Đông. Theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á (AMTI), các tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc, gồm nhiều tàu nhỏ và một tàu mẹ, hoạt động thường xuyên hơn ở Biển Đông trong 6 tháng qua. Ở Bãi Scarborough, hình ảnh từ tháng 12/2018 cho biết một số lượng lớn các tàu khai thác sò tai tượng đã trở lại hoạt động. Ở Hoàng Sa, các tàu khai thác sò tai tượng hoạt động thường xuyên ở đá Bông Bay từ cuối 2018. Từ năm 2012 đến năm 2015, các hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã phá hủy ít nhất 28 rạn san hô trong khu vực. Phương pháp đánh bắt của tàu Trung Quốc là sử dụng các máy cào lớn để phá lớp san hô bên trên, cho phép nhấc những con sò nằm dưới biển lên thuyền dễ dàng hơn.

Đài Loan diễn tập cứu hộ trên đảo Ba Bình, Trường Sa. Ngày 21/5, Cục Hải tuần, Ủy ban hải dương Đài Loan đã phối hợp cùng các cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng, Giao thông, Y tế và Phúc lợi và Trung tâm cứu hộ tiến hành cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển mang tên “Nam Viện 04” tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuộc diễn tập có sự tham gia của hai máy bay, bốn thuyền và 4 thiết bị bay không người lái nhằm kiểm nghiệm khả năng cứu hộ, cứu nạn trên biển của lực lượng hải tuần Đài Loan, đồng thời quán triệt tuyên bố của người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn năm 2016 về việc Đài Loan muốn xây dựng đảo Ba Bình trở thành trung tâm cứu hộ cứu nạn quốc tế.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc tổ chức cuộc đua thuyền cúp Ty Nam ở Hoàng Sa. Ngày 23/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay, “Việc Trung Quốc tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này; trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần DOC ở Biển Đông; gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không tái diễn hoạt động nói trên, không có hoạt động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực.”  

+ Philippines:

Philippines phản ứng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 22/5, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống ông Salvador Panelo khẳng định, “Chính sách của Chính phủ luôn nhất quán là khẳng định chủ quyền đối với những khu vực thuộc Philippines.” Về câu hỏi liệu lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có xâm phạm chủ quyền Philippines, ông Panelo không trả lời cụ thể, “Liệu một quốc gia có chủ quyền sẽ đáng trách khi tài sản hoặc các đảo bị tấn công hoặc xâm phạm? Nếu câu trả lời của bạn là có thì câu trả lời của chúng tôi cũng như vậy. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tedoro Locsin sẽ có tuyên bố trực tiếp về vấn đề này.”

+ Singapore:

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore bác ý kiến Trung Quốc thống trị Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal trong một sự kiện ở Tokyo hôm 21/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho hay, “Tôi không đồng tình với quan điểm Trung Quốc thống trị Biển Đông với học thuyết Monroe riêng. Chúng ta khó so sánh với Học thuyết Monroe của Mỹ vào cuối thế kỷ 18. Đó là lý do tại sao, các nước hưởng tự do hàng hải, tự do hàng không ở khu vực Trung Quốc khẳng định yêu sách. Các bạn có thể không biết, nhưng có những điều khá đáng lo ngại hơn ví dụ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hai nước đã tuyên bố vùng ADIZ và mỗi năm Nhật Bản triển khai hơn 1.000 máy bay để đáp trả hành động xâm phạm của Trung Quốc. Những điều này không đưa lên báo, những lo ngại của chúng ta đôi khi được định hình bởi nhận thức”. Ông Ng Eng Hen cũng đánh giá khả năng Mỹ rút khỏi khu vực ít xảy ra, ít nhất trong vài thập kỷ tới.

+ Mỹ:

Nhóm Nghị sĩ Mỹ trình dự luật trừng phạt hành động trên biển của Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio (R-FL) và Ben Cardin (D-MD) ngày 23/5 trình dự luật với tên gọi “Đạo luật trừng phạt Hành động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, hướng tới áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh nhằm  khẳng định yêu sách biển và lãnh thổ quá mức. Ngoài hai ông Rubio và Cardin, 13 thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cũng tham gia trong bản đệ trình này. Đây là lần thứ hai dự luật được đưa ra quốc hội sau lần đầu tiên vào năm 2017. Thượng nghị sĩ Cardin nhấn mạnh, “Trung Quốc đã bắt nạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, xâm lấn và đe dọa các nước láng giềng. Không thể để các hành vi quyết đoán như vậy ngoài vòng kiểm soát”.

Mỹ khẳng định cam kết duy trì sự hiện diện ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới tại một sự kiện ở Thành phố Quezon hôm 23/5, Đại sứ Mỹ tại Philippines ông Sung Kim khẳng định, “Biển Đông là khu vực rất quan trọng với chúng tôi. Mặc dù không phải bên yêu sách nhưng chúng tôi hết sức quan tâm tới những gì xảy ra ở Biển Đông, và đó là lý do tại sao Mỹ nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương. Do đó Mỹ có nghĩa vụ theo Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ đối với diễn biến Biển Đông.” Theo ông Kim, cảnh sát biển Philippines và Mỹ dự kiến tiến hành thêm các hoạt động phối hợp sau cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn giữa hai bên hôm 14/5.

+ Đức:

Ngoại trưởng Đức khẳng định mong muốn ASEAN-EU đẩy mạnh hợp tác. Phát biểu tại diễn đàn về ASEAN của các Đại sứ khu vực ở Thái Lan hôm 22/5, Ngoại trưởng Đức Andreas Michaelis cho hay, “EU và ASEAN bao gồm các quốc gia tầm trung và nhỏ, có thể tạo dựng ảnh hưởng quốc tế bằng việc kết hợp lại. Khi ASEAN và EU chung tay ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp, chúng ta đại diện cho cộng đồng có dân số lớn thứ 7 thế giới và GDP khoảng 20 nghìn tỷ €. Lợi ích của chúng ta không nằm ở một thế giới hai cực, điều khiến chúng ta cuối cùng sẽ có rất ít lựa chọn thực tế. Chúng tôi ý thức rõ về việc tăng cường hiện diện trong chính sách an ninh và quốc phòng. Tôi muốn nhấn mạnh sự tin tưởng vào tự do lưu thông như một nguyên tắc cốt lõi của trật tự quốc tế và luật biển.” Ngoại trưởng Michaelis bày tỏ lo ngại về môi trường an ninh ở khu vực, “Trong những năm gần đây, Trung Quốc củng cố vị thế ở Biển Đông và mở rộng sự hiện diện quân sự. Một cuộc chạy đua vũ trang đã diễn ra giữa các cường quốc. Khi nói đến vai trò của Mỹ ở châu Á, không may mong muốn của họ về giải pháp dựa trên luật pháp tương đối hạn chế. Chúng ta có thấy sự xoay trục sang châu Á? Rõ ràng không.”  

Hoạt động song phương, đa phương

Hải quân Myanmar - Ấn Độ phối hợp tuần tra chung ở Biển Andaman. Ngày 20/5, hai tàu hải quân Myanmar là UMS King TabinShweHtee (773) và UMS Inlay (OPV-54) đã cập cảng Blair, tham dự lễ hoạt động phối hợp tuần tra (IMCOR) lần thứ 8. Sáng kiến tuần tra này bắt đầu từ năm 2013, nhằm đối phó với vấn đề khủng bố, buôn lậu thuốc phiện, buôn lậu người, các hoạt động bất hợp pháp khác. Trong thời gian từ 20-28/5, các tàu sẽ tuần tra dọc Đường Ranh giới Biển Quốc tế giữa 2 nước xấp xỉ 725 km và sau đó diễn tập chung trên biển.

Quân đội Philippines – Úc đồng thời diễn tập chung trên biển, đất liền. Ngày 20/5, cuộc tập trận chung giữa Lục quân Philippines - Úc 2019 đã chính thức khai mạc tại trại Sang-an ở Labangan. Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ Binh số 1 của Philippines Chuẩn tướng Roberto Ancan cho biết cuộc diễn tập nhằm tăng cường kỹ năng và khả năng tác chiến, chống khủng bố giữa Lục quân Philippines và Lực lượng Quốc phòng Úc. Cuộc diễn tập trong 27 có sự tham gia của 540 binh sĩ, trong đó có 540 lính của Sư đoàn Bộ Binh số 1 và 47 quân nhân Úc. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Miền Tây Mindanao cho hay tàu hải quân hoàng gia Úc HMAS Childers hôm 20/5 đã tới cảng thành phố Zamboanga, bắt đầu hoạt động huấn luyện biển lần thứ 7 giữa Hải quân hai nước trong hai tuần ở vùng biển ngoài khơi Basilan và Sulu.

Mỹ - Hàn - Nhật - Úc lần đầu diễn tập chung ở Tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận mang tên “Pacific Vanguard” giữa 4 nước bắt đầu hôm 22/5 gần đảo Guam. Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương cho hay: “Cuộc tập trận Pacific Vanguard với sự tham gia của hải quân của bốn quốc gia có cùng quan điểm bảo vệ an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên các lợi ích và giá trị chung.” Tham gia cuộc tập trận kéo dài 6 ngày có khoảng 3.000 thủy thủ, 2 khu trục hạm Nhật Bản, 2 tàu hộ vệ Úc và một khu trục hạm Hàn Quốc. Phía Mỹ triển khai 5 tàu hải quân, trong đó có tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge, tàu tuần dương USS Antietam và tàu khu trục USS Curtis Wilbur, cùng một số chiến đấu cơ và máy bay tuần tra. Trong cuộc tập trận, các lực lượng sẽ tiến hành bắn đạn thật, diễn tập tác chiến chống tàu ngầm, tiếp nhiên liệu trên biển và một số hoạt động khác.

Việt Nam – Na Uy nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy ngày 24/5, tại thủ đô Oslo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg. Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng đã trao đổi về tầm quan trọng và sự cần thiết phải đảm bảo hòa bình, ổn định, duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS năm 1982 và các thoả thuận liên quan của khu vực./.