Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc hoàn tất việc đặt phao chìm ở Thái Bình Dương. Trung Quốc cho hay nước này đã lắp đặt 17 bộ phao chìm ở “những khu vực biển quan trọng” tại Tây Thái Bình Dương. Hoạt động trên được tàu nghiên cứu Kexue thực hiện, “đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đặt một lượng phao chìm quy mô lớn như vậy.” Theo một học giả tại Viện Khoa học Trung Quốc, “Các phao sẽ cung cấp những số liệu thống kê khoa học quan trọng về dòng chảy và khí hậu đại dương.”

+ Việt Nam:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định: “Giữ nguyên hiện trạng Biển Đông. Trao đổi với các phóng viên bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay, “Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, hai bên thống nhất với nhau là tranh chấp phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình còn quân đội thì phải kiểm soát được tình hình trên biển, hết sức tránh việc sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực; tránh không để xảy ra xung đột và va chạm vũ trang trên biển. Chúng tôi có trao đổi là phải giữ nguyên hiện trạng. Trên Biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ DOC theo tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm. Nói chung là bên bạn ghi nhận ý kiến của Việt Nam.”

Việt Nam kiên quyết phản đối mọi thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 23/10, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc xây dựng sân bay trái phép tại bãi đá Chữ Thập, đang hoàn thành việc xây dựng và mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo lớn trên Quần đảo Trường Sa và việc Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Đài Loan triển khai tàu vũ trang thường trú, trên đảo Ba Bình, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời nhấn mạnh: “Một lần nữa chúng tôi khẳng định mạnh mẽ chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại những khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.”

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Không được mở rộng chiếm đóng Biển Đông.” Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội sáng 21/10 về việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay: “Một trong những điều quan trọng mà các bên liên quan, các nước quan tâm đến duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông luôn nhấn mạnh, đó là làm sao thực hiện nghiêm túc DOC. Vấn đề đặt ra hiện nay là cụ thể hóa, thực hiện Tuyên bố trên, trong đó quan trọng nhất là thực hiện nghiêm chỉnh điều 5. Các sáng kiến, vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện điều 5 chúng ta đều hoan nghênh. Đó là không được mở rộng các chiếm đóng, không được xây dựng thêm các căn cứ, các đảo mà không người trở thành có người. Bây giờ phải thực hiện nghiêm túc điều đó mới đảm bảo không gây căng thẳng trong khu vực.”

Trung Quốc sẽ không từ bỏ mưu độc chiếm Biển Đông. Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 21/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định: “Thời gian qua, Chính phủ đã có điều hành quyết liệt để đối phó với những biến động của tình hình Biển Đông tác động đến đời sống KT-XH, vì thế chúng ta đã xử lý tốt vấn đề Biển Đông bằng sự kết hợp hài hòa giữa quân và dân.” Về các đối sách trong thời gian tới, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng: “Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông là không thay đổi. Chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn. Điều này buộc chúng ta phải có những chuẩn bị trước về mọi mặt thật tốt, kể cả về pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế.”

+ Philippines:

Tổng thống Philippines khẳng định quyết tâm theo đuổi vụ kiện ở Biển Đông. Ngày 22/10, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho rằng tòa trọng tài quốc tế và Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ràng buộc về pháp lý là những phương tức duy nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp lâu nay tại khu vực. Phát biểu trước các phóng viên quốc tế tại một diễn đàn, Tổng thống Aquino cho biết Trung Quốc đã xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này, trong đó có việc triển khai 2 tàu nghiên cứu thủy văn từ tháng 6 tới gần một giếng dầu ngoài khơi của Philippines. Philippines đã khởi kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện. Theo ông Aquino: “Ngoài điều đó ra, tôi không biết liệu có thể làm được điều gì khác. Mục tiêu trọng tâm là đạt được một giải pháp thông qua các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.”

+ Lào:

Lào ủng hộ các biện pháp hòa bình tại Biển Đông. Trong cuộc tiếp Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Hòa giải Châu Á (Asian Peace and Reconciliation Council - APRC) Surakiet Sathienthai tại Viencine hôm 22/10, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cho biết, Lào không mong muốn xảy ra những mâu thuẫn tại khu vực Biển Đông và ủng hộ mọi biện pháp để có hòa bình tại khu vực biển Đông. Chủ tịch APRC cho biết, trong thời gian vừa qua đã có các cuộc gặp với lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc và việc tìm kiếm lối thoát cho vấn đề liên quan Biển Đông luôn được đề cập trong các cuộc gặp. APRC là một tổ chức phi chính phủ quốc tế độc lập với mục tiêu hoạt động là hỗ trợ các chính phủ giải quyết bằng hòa bình tranh chấp trong khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực Châu Á.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản thay đổi Hiến chương ODA để hỗ trợ quân đội nước ngoài. Ngày 23/10, Chính phủ Nhật Bản thông báo đã biên soạn một dự thảo hiến chương viện trợ nước ngoài mới, cho phép sử dụng Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này để hỗ trợ lực lượng quân sự nước ngoài trong các chiến dịch phi chiến đấu, bao gồm cứu trợ thiên tai và các hoạt động của lực lượng tuần duyên. Hiến chương mới sẽ được đổi tên thành “Hiến chương hợp tác phát triển.” Dự thảo sửa đổi kêu gọi Nhật Bản “đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng thông qua hợp tác phi quân sự” đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện “một xã hội hòa bình và an ninh” và “cùng chung các giá trị phổ biến.”

Quan hệ các nước

Philippines, Mỹ và Nhật Bản diễn tập chung trên Biển Đông. Cuộc diễn tập trong hai ngày 22-23/10, với sự tham gia của tàu BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, tàu Sazanami của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và tàu USS Antietam của Hải quân Mỹ, bao gồm các bài thao diễn đội hình, bắn đạn thật và diễn tập ban đêm, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng hành động chung. Đây là lần đầu tiên hải quân Philippines có chương trình diễn tập cùng với hải quân Nhật Bản và Mỹ.

ASEAN và Trung Quốc sắp thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23/10 cho biết, Cuộc họp các quan chức cấp cao lần thứ 8 về thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông sẽ diễn ra tại Thái Lan từ ngày 28-29/10 với sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và các nhà ngoại giao ASEAN. Trước đó, Trung Quốc và ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp của Nhóm Công tác chung lần thứ 12 về thực hiện DOC. Trong các cuộc họp liên quan, các bên sẽ thảo luận về việc thực thi toàn diện và hiệu quả DOC, xúc tiến hợp tác biển và thiết lập COC theo khuôn khổ thực thi DOC.

Việt-Trung tiến hành Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương. Phiên họp diễn ra hôm 27/10 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu hợp tác hai nước; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên thông qua các biện pháp hòa bình để cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và DOC. Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì bày tỏ, hai bên cần nắm chắc phương hướng phát triển quan hệ hai nước, xử lý thoả đáng và kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác song phương.

Hội thảo thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Ấn - Việt. Ngày 20/10, tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ ở thủ đô New Delhi đã diễn ra cuộc hội thảo bàn tròn, do Viện nghiên cứu Pahle India Foundation (PIF) tổ chức, với chủ đề “Hợp tác Ấn Độ-Việt Nam trong một Châu Á đang nổi.” Cuộc hội thảo được chia làm hai phần. Phần thứ nhất có chủ đề “Hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ”; Phần thứ hai có chủ đề “Ấn Độ-Việt Nam: Những làn sóng mới về can dự chiến lược.” Sau khi trình bày tham luận, các diễn giả đã trả lời chất vấn của một số đại biểu tham dự hội thảo về quan hệ Ấn-Việt, tiềm năng phát triển trên nhiều lĩnh vực trong tương lai, cũng như tình hình khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông.

ASEAN xúc tiến thiết lập “đường dây nóng” về quốc phòng. Ngày 21/10, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác nhằm thiết lập Tuyến Liên kết Trực tiếp (Direct Communications Link - DCL), theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hồi tháng 5/2013 tại Myanmar. Mục đích của chương trình này nhằm tạo điều kiện để Bộ trưởng Quốc phòng của bất kỳ hai nước thành viên ASEAN nào có thể liên lạc trực tiếp, cùng phối hợp ra quyết định trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng, tình huống khẩn cấp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh biển. Dự kiến, DCL sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2015 tại Malaysia.

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc và âm mưu đảo nhân tạo ở Biển Đông” Theo các học giả Trung Quốc, nước này đang biến Đá Chữ Thập - một đảo có tầm quan trọng chiến lược - trở thành đảo lớn nhất tại Biển Đông. Việc mở rộng Đá Chữ Thập sẽ biến đây trở thành một tiền đồn có giá trị sống còn đối với hoạt động quân sự và dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuần trước, người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan, ông Lee Hsiang-chou, công khai nói rằng, Bắc Kinh đang thực hiện 7 dự án xây dựng ở Biển Đông. GS Jin Canrong chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định, “việc mở rộng Đá Chữ Thập được đẩy nhanh hơn kế hoạch và có khả năng phát triển vượt Ba Bình - hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa.” Đảo Ba Bình là đảo duy nhất ở Trường Sa có nước ngọt với diện tích 0,5 km vuông. Theo ông Wang Hanling, chuyên gia về biển Đông ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Đá Chữ Thập hiện có diện tích 1 km2 và công việc cải tạo bãi đá này sẽ còn tiếp tục. Cả hai học giả đều nói vẫn chưa rõ Đá Chữ Thập cuối cùng sẽ có diện tích bao nhiêu, nhưng chắc chắn đây sẽ trở thành căn cứ hỗ trợ hoạt động dân sự và quân sự của Trung Quốc. Còn GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc thì nói rằng, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch biến Đá Chữ Thập thành căn cứ hải quân. Tuy nhiên, Đá Chữ Thập có thể trở thành một tiền đồn cung cấp đồ tiếp tế và chỗ ở cho những người tham gia các hoạt động thương mại ở Biển Đông, từ đó giúp tăng cường hiện diện dân sự của Trung Quốc ở khu vực này, “Nó có thể giúp cuộc sống của những người làm việc trên các giàn khoan dầu mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông trở nên dễ dàng hơn. Các tàu đánh cá có thể trú tạm ở đây để không phải quay về tận Hải Nam.”

“Tại sao các nước Đông Nam Á tăng cường lực lượng đổ bộ?” của Koh Swee Lean Collin. Sáu nước Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã tăng cường lực lượng đổ bộ tương tự như lính thủy đánh bộ Mỹ. Có hai giả thuyết giải thích nguyên do của xu hướng này. Thứ nhất đó là yếu tố Biển Đông. Trung Quốc đã tăng cường lực lượng đổ bộ trong khi cuối tháng 9 mới đây, quân đội Philippines thông báo kế hoạch điều chỉnh lính thủy đánh bộ theo hướng chuyển từ an ninh nội địa sang phòng thủ từ bên ngoài, chủ yếu ở Biển Đông. Dự kiến đến năm 2016-2017, Philippines sẽ có hạm đội tàu hỗ trợ chiến lược. Việt Nam hiện đang tăng cường năng lực tuần tra biển, tập trung hoạt động phản ứng nếu kẻ thù chiếm đóng Quần đảo Trường Sa và ưu tiên các tàu trọng tải nhỏ. Dù vẫn đang sử dụng các phương tiện chiến đấu đổ bộ thời Liên Xô cũ nhưng Việt Nam đã đầu tư vũ khí của Israel. Indonesia dù không phải là bên tranh chấp ở biển Đông nhưng lực lượng đổ bộ được xem là một phần của biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó khủng hoảng trên Biển Đông. Hồi tháng 3, quân đội thông báo kế hoạch tăng cường quốc phòng ở quần đảo Natuna và tuyên bố mọi sự cố trên Biển Đông đều có thể gây nguy hiểm cho Indonesia. Thứ hai là ảnh hưởng từ các cường quốc. Úc, Hàn Quốc, Nhật và đặc biệt là Trung Quốc đều tiến hành các chương trình phát triển lực lượng đổ bộ đầy tham vọng. Úc đã trình làng hai tàu trực thăng đổ bộ lớp Canberra và chuẩn bị lập nhóm sẵn sàng đổ bộ vào năm 2016. Năm 2013, Hàn Quốc đã lập kế hoạch trang bị tàu đổ bộ lớn hơn tàu đổ bộ Dokdo 19.000 tấn hiện tại. Tháng 9-2013, Hàn Quốc đã giới thiệu các tàu đổ bộ mới LST- II và chuẩn bị mua thêm ba tàu đổ bộ vào năm 2018. Nhật Bản hiện đang thành lập lực lượng đổ bộ để bảo vệ các đảo xa, chuẩn bị lập lực lượng theo mô hình lính thủy đánh bộ Mỹ vào năm 2015. Dự kiến đến tháng 3-2019 Nhật sẽ sở hữu tàu đổ bộ lớp Osumi 14.000 tấn. Ảnh hưởng lớn nhất có lẽ xuất phát từ Trung Quốc. Lực lượng đổ bộ Trung Quốc đã được hiện đại hóa. Tháng 8/2013, Trung Quốc bắt đầu xây dựng tàu trực thăng đổ bộ đầu tiên Type 081 theo kiểu tàu Mistral của Pháp. Bản chất của tàu đổ bộ nói riêng hay lực lượng đổ bộ nói chung đều là tài sản quân sự có chức năng kép bao gồm phòng thủ và tấn công. Trước thực tế trên, để tránh nguy cơ căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, các lực lượng đổ bộ trong khu vực cần tham gia tập trận đa quốc gia để xây dựng khả năng phối hợp cứu trợ thảm họa đồng thời củng cố niềm tin lẫn nhau.

“Đảo Phú Lâm: Bước đệm tiến tới ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông?” của Peter Wood. Việc mở rộng đường băng quân sự trên Đảo Phú Lâm và chuyến thăm cấp cao của tư lệnh hải quân Trung Quốc tới đảo này đã khiến Phú Lâm trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế. Hiện giờ trên Đảo Phú Lâm đang có một sân bay với chiều dài tương đương với Lingshui, một căn cứ không quân quan trọng của Trung Quốc tại Đảo Hải Nam. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ kéo dài đường băng trên đảo này thêm 400m để phục vụ các máy bay tiêm kích, có thể là máy bay J-11, và máy bay quân sự hạng nặng. Việc đường băng được mở rộng sẽ giúp Trung Quốc có thể đe dọa một cách rõ ràng hơn các hoạt động giám sát của Mỹ tại Biển Đông, và đóng vai trò là bước đệm cho việc thiết lập ADIZ trong tương lai. Đường băng trên còn giúp Đảo Phú Lâm có thể tiếp nhận các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom mang theo nhiều nhiên liệu và vũ khí, ví dụ như tên lửa chống tàu YJ-8. Ngoài việc tăng cường năng lực trên không, Trung Quốc cũng bổ sung thêm một đơn vị hải quân tới Đảo Phú Lâm. Bến tàu của Đảo Phú Lâm, được mở rộng trong những năm qua để đón các tàu cỡ lớn, sẽ là nơi neo đậu của một số lượng lớn tàu thuộc Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc làm nhiệm vụ tuần tra trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Bắc Kinh đã ngụy trang việc củng cố quân sự trên Đảo Phú Lâm bằng việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu dân sự nhằm 2 mục đích, khiến khu vực này có vẻ không phải là một tiền đồn quân sự, đồng thời tăng thêm tính chính danh cho yêu sách của Trung Quốc tại đây. Bằng cách này, Đảo Phú Lâm sẽ trở thành một căn cứ phòng thủ hiệu quả, khiến bất kỳ động thái nào nhắm vào hòn đảo này sẽ bị coi là xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Quyết định mở rộng đường băng, điều kiện tiên quyết để hỗ trợ các máy bay quân sự cỡ lớn, sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục tham vọng gây ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực và áp đặp một vùng ADIZ tại Biển Đông. Dù có thế nào đi chăng nữa, các máy bay và tàu tại Đảo Phú Lâm chắc chắn sẽ có mặt trong bất kỳ vụ đụng độ nào về lãnh thổ tại Biển Đông xảy ra trong tương lai.

“Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Mỹ?” Hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Mỹ đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ trong thời điểm hai nước cùng đối mặt với thách thức chung đó là Trung Quốc. Chính quyền Obama gần đây đã nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương và thông qua việc chuyển giao công nghệ điện hạt nhân vì mục đích dân sự cho Việt nam. Cả hai sáng kiến này cần phải được thực hiện hết sức cẩn trọng để đảm bảo sự ổn định của khu vực. Năng lực tuần tra của Việt Nam hiện đang rất hạn chế. Một số quan chức Mỹ muốn chuyển giao cho Việt Nam các máy bay do thám P-3; tuy nhiên, cách làm khôn ngoan hơn có lẽ là bắt đầu bằng việc cung cấp những khí tài đơn giản và không mang tính đe dọa như tàu tuần tra – không được trang bị vũ khí, nhưng có thể được lắp đặt thêm súng trong tương lai – cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Trong sáng kiến này, Mỹ cần phải đánh giá kỹ xem việc trang bị vũ trang cho Việt Nam liệu có khiến căng thẳng khu vực gia tăng hay không? Trung Quốc thường diễn giải việc Mỹ đẩy mạnh can dự là một mối đe dọa đối với họ. Thứ hai, thỏa thuận năng lượng hạt nhân phục vụ cho mục đích dân sự được ký vào tháng 5 sẽ cho phép các công ty của Mỹ có giấy phép xuất khẩu các công trình nghiên cứu và thiết bị hạt nhân cho Việt Nam, vốn đang có tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam đã có quy định về việc cấm phát phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, chính phủ Mỹ cũng nên lồng vào trong thỏa thuận quy định rằng Việt Nam cần cam kết không làm giàu và tái xử lý nguyên liệu hạt nhân, công đoạn cần thiết để sản xuất bom hạt nhân. Việt Nam đã và đang trở thành một nhân tố quan trọng trong kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng một đối trọng khu vực chống lại Trung Quốc. Dù giữa hai bên vẫn tồn tại một số vấn đề nhất định, trong thời gian tới, Mỹ nên tận dụng mọi cơ hội có thể để hợp tác với Việt Nam.

“Philippines và Trung Quốc: Cuộc chiến của chàng tí hon và người khổng lồ trên Biển Đông” của Richard Javad Heydarian. Philippines đã có một động thái ngây thơ về chiến lược khi (đầu tháng 10) quyết định tạm ngừng hoạt động sửa chữa và nâng cấp đường băng cũ trên đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pagasa), một trong những thực thể đất lớn nhất và giá trị nhất ở Biển Đông có thể được hưởng Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone - EEZ) rộng 200 hải lý. Đường băng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of Philippines - AFP) trong việc triển khai sức mạnh và bảo vệ yêu sách biển của nước này bên ngoài phạm vi lãnh hải. Manila cố gắng biện minh cho hành động gây tranh cãi đó bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng (tưởng là như vậy) của việc duy trì “nền tảng đạo đức cao” trong bối cảnh nước này đang tiến hành vụ kiện tại Tòa Trọng tài đặc biệt ở La-Hay chống lại yêu sách bành trướng trên biển của Trung Quốc, cũng như những hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong vùng EEZ 200 hải lý của Philippines. Tuy nhiên, liệu Philippines có thể trông đợi vào một phán quyết cuối cùng, nhanh chóng có lợi cho yêu sách của nước này ở Biển Đông hay không? Ngay cả khi Philippines có được một kết quả pháp lý thuận lợi, Trung Quốc hoàn toàn có thể phớt lờ điều đó. Xét cho cùng, tòa trọng tài không phải để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến chủ quyền, đồng thời cũng không có một cơ chế thực thi phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng các phán quyết của tòa. Trong khi đó, không giống Philippines, trước việc Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng tại Biển Đông, các bên tranh chấp khác, gồm cả Đài Loan, đang củng cố các vị trí mà mình chiếm đóng. Ví dụ, Đài Loan đang xây dựng một cầu cảng trị giá 100 triệu USD ở Đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình), trên đảo này hiện có một đường băng quân sự được duy trì khá tốt. Bên cạnh đó, hầu hết các bên yêu sách khác đều duy trì đối thoại cấp cao, sâu rộng với Bắc Kinh. Ví dụ như Việt Nam, để giải quyết cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu gần đây, đã triển khai một cuộc tấn công ngoại giao chủ động, mà đỉnh điểm là chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8 của Ủy viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh. Kể từ đó, căng thẳng giữa hai nước đã giảm đi, trong khi hai bên tìm cách củng cố các cơ chế quản lý khủng hoảng hiện có để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra trong tương lai. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có một cuộc đối thoại chính thức nào với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino, người sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Và cũng không có dấu hiệu cho thấy một sự kiện như vậy sẽ sớm xảy ra. Ngoài ra, để tăng cường khả năng răn đe tối thiểu của mình, Việt Nam gần đây đã mua tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến do Nga chế tạo. Tóm lại, một điều rõ ràng là những đối thủ của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương đã thực hiện chiến thuật “đặt cược nhiều cửa”, phát triển nhanh chóng năng lực trên biển đồng thời khôn khéo duy trì các kênh ngoại giao quan trọng với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Trong khi đó, Philippines dường như đã đặt hầu hết số trứng chiến lược mình có vào trong duy nhất chiếc giỏ pháp lý (không lấy gì làm chắc chắn).

“Tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông khiến Indonesia bắt đầu lo lắng?” của Felix K. Chang. Việc đường chín đoạn của Trung Quốc gộp cả quần đảo Natuna vào lãnh thổ nước này khiến Indonesia khá lo lắng. Từ năm 2010 trở đi, Indonesia chú trọng tăng cường năng lực Hải quân và Không quân của họ. Tuy Lục quân vẫn là chủ lực của nước này, nhưng Hải quân và Không quân cũng đã nhận được phân bổ nhiều nguồn tài chính hơn, có thể thông qua mua sắm quân sự, để trở thành một “lực lượng thiết yếu tối thiểu.” Hải quân sẽ bao gồm “Lực lượng Tấn công” (110 tàu chiến), “Lực lượng Tuần tra” (66 tàu chiến) và “Lực lượng Chi viện” (98 tàu chiến). Bên cạnh đó, Không quân sẽ bao gồm 10 phi đội máy bay chiến đấu, đến năm 2025 sẽ bao gồm tổng cộng 180 máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, hoạt động hiện đại hóa quân sự của Indonesia rõ ràng là không nhanh như Philippines và Việt Nam mà tương đối chậm chạp. Tuy Hải quân sẽ tiếp nhận 3 tàu ngầm mới, nhưng Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Marsetio cho biết, Hải quân ít nhất cần 12 tàu ngầm mới có thể bảo vệ có hiệu quả vùng biển của Indonesia. Ngoài ra, có thông tin cho hayviệc nâng cấp quân sự mà Indonesia tuyên bố hiện vẫn chưa được khởi động. Trên phương diện chính trị, trong hoạt động bầu cử năm 2014, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố ông sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 1,5% GDP, tăng gần 70% so với mức hiện nay. Tuy nhiên sau bầu cử, ông Joko Widodo tuyên bố, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là: Kinh tế, hạ tầng cơ sở và phúc lợi xã hội của Indonesia. Quốc phòng không hề nằm trong danh sách các vấn đề ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, rõ ràng Indonesia đã xem xét lại phương thức bảo vệ chủ quyền trên biển, tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Mỹ, thậm chí bắt đầu khôi phục quan hệ với Úc - mối xấu đi vì vấn đề tình báo. Indonesia có thể vẫn không sẵn sàng thừa nhận là “bên tranh chấp” Biển Đông, tuy nhiên nếu Trung Quốc vẫn trỗi dậy mạnh mẽ và quyết đoán như 5 năm qua, Indonesia có lẽ sẽ không thể tiếp tục đứng ngoài tranh chấp được nữa.