Bản PDF tại đây
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Philippines về vụ việc ở Bãi Scarborough. Trước chỉ trích của Philippines hôm 4/2 rằng một tàu chấp pháp Trung Quốc đã đâm 3 tàu cá của Philippines ở gần Bãi cạn Scarborough, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 5/2 tuyên bố: “Bãi cạn Scarborough là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Sau khi xem xét thông tin, chúng tôi thấy rằng vào ngày 29/1, nhiều tàu cá Philippines đã xâm phạm bất hợp pháp các vùng nước ngoài khơi Bãi cạn Scarborough và phớt lờ chỉ dẫn từ phía Trung Quốc. Cảnh sát biển Trung Quốc đã triển khai một tàu để xua đuổi tàu cá Philippines và chỉ tông nhẹ vào một trong số ba tàu cá này. Trung Quốc thúc giục Philippine tăng cường giám sát và giáo dục ngư dân của mình, ngăn chặn tái diễn sự cố tương tự.”
+ Việt Nam:
Cảnh sát biển Việt Nam tiếp nhận tàu do Nhật Bản viện trợ. Tại Đà Nẵng, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 vừa tổ chức lễ tiếp nhận tàu CSB 6001 (Syokaku) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ . Đây là chiếc tàu đầu tiên trong số 3 tàu đã qua sử dụng mà Chính phủ Nhật Bản tuyên bố viện trợ không hoàn lại phi dự án cho Việt Nam. Tàu có chiều dài 56,7m; chiều rộng 8,8m; lượng dãn nước đầy tải 725 tấn; tốc độ 12,5 hải lý/giờ. Sau khi tàu được hoán cải, bảo dưỡng, và nâng cấp trang thiết bị sẽ phù hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát,giữ gìn an ninh an toàn hàng hải và cứu hộ cứu nạn.
+ Philippines:
Philippines chi 16,5 triệu USD mua 3 tàu đổ bộ của Úc. Ông Arsenio Andolong, quan chức phụ trách các vấn đề công thuộc Bộ Quốc phòng Philippines, ngày 2/2 cho biết nước này sẽ mua 3 tàu đổ bộ do Úc sản xuất với chi phí khoảng 726 triệu peso (16,5 triệu USD). Theo ông Andolong, “Theo các tiêu chuẩn thị trường, 3 tàu trên được bán với giá gần như cho không. Những con tàu này sẽ được sử dụng trong công tác cứu hộ nhân đạo và thảm họa.”
Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc đâm ba tàu cá nước này. Trong thông cáo đưa ra hôm 4/2, Bộ Ngoại giao Philippines đã chỉ trích hành động gần đây của tàu Trung Quốc tại vùng biển gần Bãi cạn Scarborough. Trong vụ việc thứ nhất, hôm 29/01/2015, một chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc mang ký hiệu 3412 đã cố ý đâm vào ba chiếc tàu cá mang cờ Philippines (F/V OG Barbie, F/V Ocean Glory 2, và F/V Ana Marie) gây thiệt hại vật chất và đe dọa sinh mạng của ngư dân Philippines trên tàu. Trong vụ việc thứ hai, theo báo cáo của Lực lượng Tuần duyên Philippines, vào ngày 22/01/2015, ít nhất 24 chiếc tàu tiện dụng của Trung Quốc đã tiến hành thu gom loại trai khổng lồ bên trong đầm phá của Bãi Scarborough. Bộ Ngoại giao Philippines đã chính thức gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào ngày 4/2.
Philippines yêu cầu Trung Quốc ngừng hành động nguy hiểm ở Biển Đông. Sau khi Philippines cáo buộc Trung Quốc đâm 3 tàu cá của nước này ở gần Bãi cạn Scarborough, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 5/2 cho biết: “Philippines tiếp tục hối thúc Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với Bãi cạn Scarborough.” Theo ông Rosario, Trung Quốc phải “ngừng những hoạt động, không chỉ gây nguy hiểm tới mạng sống, sự an toàn và sinh kế của ngư dân Philippines mà còn tổn hại môi trường biển mong manh ở khu vực này.”
Philippines: ‘Trung Quốc có thể bắt đầu nạo vét ở Đá Vành Khăn’. Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh Bộ tư lệnh Miền Tây, hôm 5/2 cho hay một tàu nạo vét Trung Quốc đã được phát hiện tại Đá Vành Khăn, cách đảo Palawan 135 km về phía đông nam, “Chúng tôi không biết họ dự định làm những gì ở Đá Vành Khăn. Từ lâu họ đã tiến hành hoạt động cải tạo đất, người ta chú ý nhiều đến Đá Chữ Thập, bởi hoạt động cải tạo đất ở đây diễn ra trên quy mô lớn hơn”. Tuy nhiên, ông Lopez không nói khi nào Trung Quốc bắt đầu nạo vét hoặc cung cấp bất kỳ chi tiết nào về mức độ cải tạo đất ở khu vực này.
+ Singapore:
Thủ tướng Singapore bàn về tranh chấp biển khu vực. Trả lời phỏng vấn nhật báo Süddeutsche Zeitung (Đức) hôm 3/2, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay, “Giữa các quốc gia, hoàn toàn không có chuyện tất cả cùng có lợi, tuy nhiên về tổng thể, nếu lấy quan hệ hợp tác làm đại cục thì các nước sẽ được hưởng lợi từ một Trung Quốc thịnh vượng hơn là một Trung Quốc gây rối. Chúng tôi đang trong quá trình hướng đến Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc và hiệu quả hơn. Tôi nghĩ sẽ mất một thời gian, bởi không quốc gia nào muốn mình bị bó buộc.” Theo ông Lý, “Nếu có thể đạt được một bộ quy tắc ứng xử, đây sẽ là một diễn biến tích cực. Nó không có nghĩa là đã giải quyết được vấn đề, song ít nhất có thể hạn chế tối đa khả năng xung đột.”
+ Nhật Bản:
Nhật Bản xem xét khả năng tuần tra ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới ngày 3/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Nakatani cho hay, “Chúng tôi hiện chưa có kế hoạch tuần tra ở Biển Đông hoặc có kế hoạch làm như vậy, song chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác với Mỹ và tình hình biển Đông có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng tôi. Nhật Bản sẽ cân nhắc phản ứng trước diễn biến tình hình.” Bình luận của ông Nakatani đưa ra sau khi chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ Robert Thomas cho hay Mỹ hoan nghênh việc Nhật mở rộng tuần tra ở Biển Đông.
+ Mỹ:
Mỹ quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại buổi họp báo hôm 4/2 về những ưu tiên chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2015, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương ông Daniel Russel cho hay, “Mỹ thực sự quan ngại về một số hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng ở khu vực vốn có nhiều căng thẳng này. Chúng tôi đã tuyên bố rõ về điều này với Trung Quốc trên tinh thần xây dựng. Mỹ cũng quan ngại về những tác động không lường trước của các hành vi đó đối với quan hệ của Trung Quốc và các nước láng giềng. Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đã tuyên bố rõ rằng, Mỹ có lợi khi Trung Quốc duy trì mối quan hệ tốt đẹp và ổn định với các nước láng giềng, trong đó có các nước quan trọng như Việt Nam, Philippines, Malaysia…Xuất phát từ lý do đó, Mỹ ủng hộ việc các bên yêu sách có hành động kiềm chế, đặc biệt trong các hoạt động cải tạo quy mô lớn nhằm biến các thực thể đất trở thành những cứ địa có thể dễ dàng phục vụ mục đích quân sự.” Theo ông Russel, 2015 sẽ là một năm có ý nghĩa lớn, và rất quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ các nước
Trung-Mỹ tham vấn về kiểm soát vũ khí và an ninh chiến lược. Ngày 2/2, Trung-Mỹ đã tiến hành hội nghị tham vấn lần thứ 7 về kiểm soát vũ khí đa phương và an ninh chiến lược tại Bắc Kinh dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller. Hai thứ trưởng nhất trí tăng cường đối thoại, hợp tác và lòng tin chiến lược trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung-Mỹ và cùng gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực cũng như thế giới.
Indonesia, Nhật Bản thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng. Đại sứ Indonesia tại Nhật Bản Yusron ông Ihza Mahendra hôm 3/2 cho biết Indonesia và Nhật Bản sẽ nhất trí thiết lập các quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là chuyển giao thiết bị quốc phòng do Tokyo sản xuất cho Jakarta. Theo Đại sứ Yusron, “Bản ghi nhớ về lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước sẽ được ký kết. Quan hệ hợp tác quốc phòng sẽ mang lại những tác động tích cực cho nhiều lĩnh vực khác nhau của Indonesia, trong đó có lĩnh vực kinh tế.” Ông Yusron tiết lộ việc ký Bản ghi nhớ sẽ diễn ra nhân chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Joko Widodo vào khoảng tháng 3.
Malaysia và Indonesia tìm kiếm cơ chế giải quyết tranh chấp biển. Sau cuộc hội đàm hôm 6/2 tại Putrajaya, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cam kết tiếp tục các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài về ranh giới biển giữa hai nước. Ông Najib cho hay: “Chúng tôi cam kết thiết lập một cơ chế bổ sung nhằm giải quyết các vấn đề về lãnh thổ)còn tồn đọng. Nỗ lực này là cần thiết bởi nhiều năm đàm phán đã không đạt được tiến triển đáng kể nào.” Về phần mình, ông Widodo cho rằng các tranh chấp trên biển đã “tồn tại quá lâu.” Căng thẳng giữa hai nước chủ yếu bắt nguồn từ những yêu sách chủ quyền đối lập ở khu vực đáy biển có tiềm năng năng lượng ở Biển Celebes, nằm phía đông của đảo Borneo.
Phân tích và đánh giá
“Trung Quốc lặng lẽ tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông?” của Carl Thayer
“Có thể thấy rõ Trung Quốc đã điều chỉnh lại chiến thuật của mình tại Biển Đông. Nước này đã bị tổn hại về uy tín, đồng thời đã nhận thấy các quốc gia trong khu vực gia tăng lo ngại đối với các hành động của mình”, Giáo sư Carl Thayer cho hay, “Trung Quốc giờ đang lẳng lặng củng cố sự hiện diện ở Biển Đông thông qua hoạt động xây đảo nhân tạo, tăng số lượng tàu đánh cá, tàu tuần duyên cỡ lớn, cùng số lần tập trận quân sự của hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”.
Theo ông Carl Thayer, song song với chiến thuật kể trên, Bắc Kinh hiện cũng đang thúc đẩy một mưu đồ lớn hơn thông qua đề xuất về “Con đường Tơ lụa”. Trung Quốc sẽ phải “vô hiệu hóa” ASEAN, ngăn không cho khối này bắt tay với Mỹ, Nhật Bản. Trung Quốc có quan hệ tốt với Malaysia, quốc gia đảm đương Chủ tịch ASEAN trong năm 2015. Trong khi đó, Malaysia muốn giữ cho các tranh chấp Biển Đông im ắng. Điều này dường như tạo thuận lợi cho Trung Quốc.
“Bắc Kinh sẽ phản ứng nếu thấy quyền lợi của mình bị đe dọa. Cho đến giờ thì Philippines vẫn sử dụng cách thức không gây ồn ào trong tranh chấp với Trung Quốc để tránh gây ảnh hưởng đến vụ kiện ở tòa án quốc tế. Điều này cũng tạo thuận lợi cho Trung Quốc” chuyên gia phân tích Đông Nam Á kết luận, “những động thái này khiến tôi tin rằng mọi chuyện sẽ yên ắng ở Biển Đông trong năm nay.”
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines: Một sản phẩm “Made in China”
Việt Nam và Philippines, hai nước vốn có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đang tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Lo lắng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, cụ thể là những hành động ngày càng hung hăng của nước này nhằm thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, Hà Nội và Manila đã quyết định đoàn kết với nhau.
Hai nước đang chuyển dần từ các hoạt động biểu trưng thể hiện tình đoàn kết – như thi đấu thể thao trên các đảo tranh chấp – sang các hoạt động hợp tác thực chất hơn – như diễn tập và tuần tra hải quân chung và các sáng kiến thương mại mới. Viễn cảnh Việt Nam và Philippines thiết lập đối tác chiến lược sẽ khá đau đầu đối với Trung Quốc. Nếu hai nước thực hiện các cam kết đối tác chiến lược và tiến hành hợp tác an ninh thực chất bất kể các yêu sách lãnh thổ chồng lấn, điều này cho thấy tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines đã được xem là vấn đề thứ yếu.
Điều đó tác động đến Trung Quốc như thế nào? Thứ nhất, nó cho thấy rằng nếu không phải bởi sự hung hăng của Trung Quốc, các bên yêu sách ở Biển Đông sẽ khó lòng đạt được một thỏa thuận như vậy. Nếu Việt Nam và Philippines, hai nước có các vấn đề tranh chấp biển khá lớn với nhau, vẫn có thể tiến hành tuần tra hải quân chung, vậy thì tranh chấp không phải là lý do để lực lượng trên biển của các bên gây hấn với nhau. Nó càng làm sáng tỏ rằng Bắc Kinh đã lựa chọn dọa nạt thay vì hợp tác, gây khó khăn cho quan hệ của Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Thứ hai, sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines có thể phần nào hạn chế khả năng tự do hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bước tiếp theo của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Philippines là bắt đầu chia sẻ thông tin tình báo và giám sát trên biển, giúp hai bên ứng phó tốt hơn với các hành động khiêu khích của Trung Quốc, và đôi lúc sẽ ngăn chặn được những hành động như vậy bởi đã làm vô hiệu hóa yếu tố bất ngờ trong chiến lược của Bắc Kinh.
Ngoài ra, quan hệ đối tác chiến lược mới cũng sẽ mở đường cho các nỗ lực hợp tác đa phương khác nhằm cân bằng với Trung Quốc. Trong tương lai không xa, Mỹ - vốn đã là đồng minh của Philippines và hiện đang tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam – sẽ cùng tham gia tập trận hải quân ba bên với hai nước này. Nhật, đồng minh của Mỹ, cũng đang tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam và Philippines. Cả Mỹ và Nhật đầu đang bồi đắp quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, nước đang giúp huấn luyện đội thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam và đang hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu khí ở vùng nước tranh chấp trên Biển Đông.
Tóm lại, Biển Đông hiện nay là nơi tụ hội của một mạng lưới quan hệ an ninh ngày càng phát triển, chủ yếu được thúc đẩy bởi các mối quan ngại về ý định và hành xử của Trung Quốc. Trừ khi Trung Quốc có sự điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại của mình, các mối nối của mạng lưới này sẽ sớm được thắt chặt. Từ lâu Bắc Kinh đã áp dụng chiến thuật “chia để trị” với các nước láng giềng. Chiến thuật này đôi lúc đã mang lại hiệu quả. Nhưng chẳng mấy chốc, Trung Quốc sẽ nhận ra chiến lược “đoàn kết để trị” kiểu này sẽ không hiệu quả chút nào.
“Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao khéo léo của mình?”
Việt Nam gần đây đã tiếp tục thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường quan hệ với các cường quốc bằng việc ký kết các thỏa thuận đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Triết lý ngoại giao ở đây là thiết lập mối quan hệ phụ thuộc với các cường quốc nhiều nhất có thể, cùng với đó là tránh việc chọn bên. Việt Nam sẽ không thay đổi chính sách này trong thời gian tới bởi một vài lý do sau.
Lý do thứ nhất, đó là sự chuyển giao cấu trúc quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt với cả Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên, dù cho sự chuyển giao quyền lực này vẫn đang chưa rõ ràng, chắc chắn việc lựa chọn đứng về một bên nào đó sẽ là không khôn ngoan. Thực tế là Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc toàn cầu, nhưng không ai dám chắc là sự trỗi dậy của họ có hòa bình hay không hay họ có trở thành một cường quốc toàn cầu theo đúng nghĩa của nó hay không.
Thứ hai, một loạt các vấn đề quốc tế phức tạp - đặc biệt là các vấn đề an ninh - khiến cho chiến lược dựa vào chỉ một cường quốc trở nên đầy rủi ro. Với việc tham gia vào chính sách ngoại giao với nhiều cường quốc, Việt Nam tránh được việc bị ép buộc phải tham gia vào một vài cam kết nào đó với các đối tác của họ trong các vấn đề quốc tế. Việt Nam sẽ tránh được việc phải nhượng bộ, đánh đổi quan hệ của nước này với nước khác. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn có cách chứng minh mình là một quốc gia có trách nhiệm, ví dụ như tham gia vào các nỗ lực chung của quốc tế do Liên Hợp Quốc khởi xướng.
Bất chấp sự chuyển giao cấu trúc quyền lực đang diễn ra tại Châu Á - Thái Bình Dương, các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Indonesia đã bắt đầu nổi lên như là những quốc gia quan trọng trong hệ thống chính trị quốc tế. Với việc các quốc gia này đang xác định lại và mở rộng các lợi ích toàn cầu, sự tương tác nảy sinh có thể sẽ khiến xảy ra xung đột giữa họ và các quốc gia khác. Nếu Hà Nội chọn đứng về phía một cường quốc nào đó, Việt Nam có thể sẽ ở vào một tình thế nguy hiểm khi mà xung đột xảy ra.
Với tất cả những lý do trên – và những bài học đau thương rút ra từ quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc trong thế kỷ qua – “điệu nhảy” của Hà Nội với các cường quốc vẫn sẽ còn tiếp tục.
“Chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Anh” của Ridzwan Rahmat
Nước Anh sẵn sàng triển khai lực lượng quân sự đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nếu căng thẳng trong khu vực làm tình hình an ninh xấu đi, đây là tuyên bố hôm 30/1 của Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tại Singapore. Theo ông Hammond, mặc dù Anh không có lập trường về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhưng nước này phản đối một trật tự dựa trên sức mạnh ở châu Á và các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế.
Nước Anh có lợi ích quan trọng đối với an ninh Châu Á bởi giá trị thương mại trị giá 4.520 tỉ USD đi qua Biển Đông mỗi năm. Do vậy, Anh vẫn duy trì cam kết với hiệp ước an ninh đa phương được biết với tên gọi Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (Five Powers Defence Arrangements - FPDA) cùng Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore. “Sự cam kết đó có ý nghĩa rằng chúng tôi sẵn sàng và có khả năng huy động lực lượng để hỗ trợ các đồng minh, bạn bè và đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương”, ông Hammond nói.
FPDA được hình thành với mục đích gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng bất kì hành động tấn công nào lên Malaysia và Singapore sẽ dẫn đến sự tham gia của Úc, New Zealand, và Mỹ. Cam kết này được ra đời trong bối cảnh cuộc đối đầu quân sự ở mức độ thấp diễn ra trong những năm 60 giữa Singapore với một Indonesia đầy tham vọng của Tổng thống Sukarno.
Mặc dù nguy cơ xung đột quân sự giữa các quốc gia Đông Nam Á phần lớn đã được xua tan, FPDA vẫn tồn tại như một cấu trúc an ninh và được phát triển để đảm nhận vai trò rộng lớn hơn như là hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và chống cướp biển. Trong bài phát biểu tại Singapore, ông Hammond đã nhắc lại việc hải quân Anh tham gia cứu trợ thảm họa bão Hải Yến ở Philippines và tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH-370 của Hãng Malaysia Airlines như là các ví dụ cho sự sẵn sàng triển khai lực lượng đến khu vực.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Hammond ở Singapore có lẽ là lần đầu tiên FPDA được lồng ghép với tranh chấp Biển Đông. Phát biểu của ông rằng Anh sẵn sàng triển khai các khí tài quân sự theo khuôn khổ FPDA nếu lợi ích trong khu vực bị đe dọa là sự tiếp nối với những thông điệp trong Báo cáo về an ninh biển và chiến lược quốc gia của Anh xuất bản hồi tháng 5/2014, vốn nhấn mạnh “lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng của Anh ở châu Á - Thái Bình Dương” và sự quan ngại đặc biệt về vấn đề an ninh ở biển Đông.
Lập trường của Anh cho thấy mục tiêu của FPDA có thể được nâng tầm với việc các bên ký kết nhắc lại cam kết với FPDA trong bối cảnh những nguy cơ an ninh mới, đặc biệt là khi mà Malaysia, một trong 5 nước ký kết FPDA, là một bên trong tranh chấp Biển Đông.
“Nhật Bản tuần tra Biển Đông khiến Trung Quốc đẩy nhanh việc thiết lập ADIZ?” của Nathan Beauchamp-Mustafaga
Việc mới đây Mỹ gợi ý rằng Nhật Bản nên tuần tra tại Biển Đông đã khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và các phương tiện truyền thông của nước này đã có một vài bài viết đề cập tới Khu nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông như là một biện pháp đáp trả. Một ngày sau khi Mỹ đưa ra đề nghị này, một bài xã luận với ngôn từ gay gắt trên tờ Thời báo Hoàn cầu - tờ báo thuộc sự quản lý Nhân dân Nhật báo có hơi hướng chủ nghĩa dân tộc cao - nói rằng Trung Quốc có thể đáp trả tuyên bố công khai của Mỹ bằng việc tuyên bố ADIZ tại Biển Đông, nhanh chóng hoặc mở rộng hoạt động cải tạo đảo tại Biển Đông hay cải thiện hợp tác quân sự với Nga tại Đông Bắc Á. Một bài viết khác trên Tân Hoa Xã cho hay hoạt động tuần tra của Nhật Bản sẽ gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và rằng Nhật vừa phiên chế một máy bay giám sát mới, chiếc P-1, với phạm vi hoạt động là 8000km, cho phép nước này có năng lực quân sự cần thiết để thực hiện tuần tra tại Biển Đông.
Ông Shen Dingli, giáo sư tại Đại học Phúc Đán, viết trên tờ Nhân dân Nhật báo Hải ngoại rằng việc Mỹ kêu gọi Nhật Bản thực hiện tuần tra “cho thấy Lầu Năm Góc đã khiến Biển Đông trở nên hỗn loạn với việc có thêm nhiều quốc gia can dự vào tranh chấp. Mỹ đang hy vọng giết nhiều con chim với chỉ một hòn đá: tăng cường sức ép quốc tế lên Trung Quốc, tăng cường mức độ đe dọa lên Trung Quốc và báo hiệu với các quốc gia khác rằng họ có thể dựa vào Mỹ mà không cần phải thương thảo với Trung Quốc.”
Việc tờ Thời báo Hoàn cầu đe dọa thiết lập ADIZ để trả đũa cho hoạt động tuần tra của Nhật có vẻ giống với quan điểm của các nhà phân tích Trung Quốc, nhưng về phần chính phủ Trung Quốc, họ lại liên tục chối bỏ các đồn đoán rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập ADIZ thứ hai sau AIDZ tại Biển Hoa Đông. Gần đây nhất vào tháng 11/2014, Bộ Ngoại giao nói rằng “việc có thiết lập vùng nhận diện phòng không hay không là vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia, trong đó phải tính tới tất cả các nhân tố. Hiện tại, hòa bình và ổn định tại Biển Đông đang được đảm bảo”, điều này ngụ ý rằng Trung Quốc chưa cần phải thiết lập ADIZ tại Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng nước này có thể thiết lập ADIZ nếu cần thiết. “Nếu cần thiết” ở đây có thể bao gồm cả hành động đáp trả việc Mỹ và Nhật Bản tăng cường tuần tra tại Biển Đông, điều có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu có vẻ như cũng đi theo dòng tư duy này.
Dùng các mối đe dọa an ninh để biện minh cho ADIZ tại Biển Đông cũng giống với những câu chuyện của Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Hoa Đông năm 2013, tuy nhiên mục tiêu cụ thể nhằm vào Nhật Bản lại không giống với tuyên bố năm 2013 rằng “ADIZ không nhắm trực tiếp vào một quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào”. Mặc dù lời đe dọa của Thời báo Hoàn cầu có thể là dấu hiệu bán-chính-thức rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không chấp nhận hoạt động tuần tra của Nhật tại Biển Đông, nhưng việc tờ Nhân dân Nhật báo không có phản ứng gì và bài viết của ông Shen trên tờ Nhân dân Nhật báo Hải ngoại không đề cập gì tới ADIZ cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn chưa quyết định công bố ADIZ để đáp trả lại hoạt động tuần tra trên Biển Đông của Nhật Bản. Đúng hơn, điều đó cho thấy Trung Quốc luôn dành sự quan tâm cho việc thiết lập ADIZ tại Biển Đông và bất kỳ động thái được coi là khiêu khích tương tự cũng sẽ là cái cớ dùng để biện minh khi nước này nhận thấythời điểm thích hợp cho việc công bố ADIZ đã đến./.