Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Chủ tịch Trung Quốc: ‘Không bao giờ sử dụng vũ lực để đạt mục đích’. Phát biểu trước Quốc hội Úc ngày 17/11, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc kiên định trong mục tiêu phát triển hòa bình. Sự bất ổn và chiến tranh không phục vụ lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Lịch sử cho thấy, các nước nỗ lực theo đuổi con đường phát triển bằng vũ lực không tránh khỏi thất bại. Hòa bình là rất quý giá và cần phải được bảo vệ.” Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định: “Trung Quốc đã giải quyết tranh chấp biên giới trên bộ với 12 trong tổng số 14 nước láng giềng thông qua cơ chế tham vấn hữu nghị và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng này. Quan điểm xuyên suốt của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp một cách hòa bình với các nước có liên quan thông qua đối thoại và tham vấn. Chính phủ Trung Quốc luôn sẵn sàng tăng cường đối thoại và hợp tác với các nước có liên quan để duy trì tự do hàng hải và an ninh trên biển.”

Trung Quốc đưa thủy phi cơ ra tuần tra ở Biển Đông. Trung Quốc ngày 19/11 đã bắt đầu đợt tuần tra trên Biển Đông với sự tham gia của tàu Hải Tuần 1103 và một thủy phi cơ. Đợt tuần tra này do Cục Hải sự Tam Á tiến hành chủ yếu ở khu vực biển phía Nam của Đảo Hải Nam.

Trung Quốc sẽ tăng cường khai thác dầu khí trên biển. Ngày 19/11, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng (2014-2020)”, theo đó Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến lược thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông, Biển Hoa Đông, biển Bột Hải. Nước này cũng tiếp tục củng cố giếng dầu cũ, khai thác giếng dầu mới, đặc biệt là giếng dầu ngoài khơi, xây dựng 9 giếng dầu mới có trữ lượng hàng chục triệu tấn như mỏ Đại Khánh, Liêu Hà, Tân Cương, Tháp Lý Mộc, Thắng Lợi, Trường Khánh, Bột Hải, Nam Hải (Biển Đông), Diên Trường. Nhằm đẩy mạnh khai thác dầu khí ngoài khơi, chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp tự khai thác và hợp tác với nước ngoài.

Trung Quốc cải tạo đất ở Trường Sa 'để làm căn cứ radar'. Tại Diễn đàn Xiangshan bàn về các vấn đề an ninh hôm 22/11, sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Chỉ huy Không quân Trung Quốc Jin Zhirui bất ngờ tiết lộ lý do Trung Quốc tiến hành cải tạo đất ở Trường Sa, “Chúng tôi cần thiết lập cơ sở hạ tầng để hỗ trợ hệ thống radar và hoạt động thu thập thông tin tình báo.” Ông Jin hiện đang là giảng viên tại Trường Sĩ quan Không quân Trung Quốc, đơn vị được cho là đã xây dựng kế hoạch cơ bản để thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên Biển Hoa Đông, đồng thời là thành viên của cơ quan tác chiến thuộc Bộ Chỉ huy Không quân Trung Quốc.

+ Việt Nam:

Thủ tướng: ‘Vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc.’ Chiều 19/11, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã được quy định trong Hiến pháp. Đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Trong quan hệ với Trung Quốc cũng như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam thực hiện phương châm 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” vì hòa bình, ổn định, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng phát triển; đồng thời hợp tác, đấu tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của đất nước.”

+ Philippines:

Philippines chi 2 tỉ USD mua sắm vũ khí. Tổng thống Benigno Aquino III hôm 17/11 tuyên bố, Philippines có kế hoạch chi khoảng 91 tỉ peso (2 tỉ USD) từ nay đến năm 2017 để mua sắm các trang thiết bị, vũ khí và khí tài quân sự. Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 75 của Bộ Quốc phòng, ông Aquino tái khẳng định cam kết hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines. Theo Tổng thống Aquino, sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2010, chi phí dành cho quốc phòng của Philippines liên tục tăng, bao gồm 46 chương trình mua sắm lên tới 41,4 tỉ peso.

Tổng thống Philippines hy vọng một giải pháp phù hợp cho tranh chấp Biển Đông. Trả lời báo giới hôm 18/11 trong sự kiện “The World 2015” do tạp chí The Economist tổ chức, Tổng thống Philipines Benigno Aquino đã đánh giá cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc bên lề thượng đỉnh APEC là tích cực, “Việc chúng tôi tiếp xúc trở lại là một thay đổi quan trọng. Trước đó, hai bên đã đưa ra rất nhiều tuyên bố bác bỏ quan điểm của bên kia. Cuộc gặp này mở ra hy vọng hướng tới một thỏa hiệp và giải pháp thích hợp cho vấn đề.” Theo ông Aquino, ông Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc có lợi ích trong việc tìm kiếm “các giải pháp xây dựng”, đồng thời ghi nhận mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua.

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia ra lệnh đánh đắm các tàu nước ngoài đánh bắt trái phép. Phát biểu ngày 18/11 tại dinh tổng thống, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố: “Cứ đánh đắm. Hãy đánh đắm tới 100 tàu đánh cá trái phép để các tàu khác sẽ phải chùn bước.” Tuy nhiên, phải sơ tán toàn bộ các thủy thủ đoàn và những người trên tàu trước khi đánh đắm. Chính sách này nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển của Indonesia trước hoạt động khai thác trái phép các tàu nước ngoài.

Indonesia khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ở Biển Đông. Trả lời phóng vấn giới truyền thông bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây tại Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết Indonesia hy vọng tất cả các bên liên quan ở Biển Đông cần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo bà Retno Marsudi, hòa bình và ổn định là điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu tăng cuờng kết nối-hội nhập khu vực và thế giới của Indonesia trong chiến lược “Trục biển” của Tổng thống Joko Widodo. Bà Retno Marsudi cũng nêu rõ Indonesia là một trong những nước đi đầu và đang tích cực thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đảm bảo lợi ích và không làm tổn hại đến bất kỳ bên nào trong khu vực.

+ Mỹ:

Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20/11 đã thông qua một loạt nghị quyết, trong đó có nghị quyết số H.Res-714 do Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega đệ trình, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ đối với các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết H.Res-714 cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt cải tạo đất ở Quần đảo Trường Sa. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung Tá Jeffrey Poole ngày 21/11 cho hay Trung Quốc đang xây dựng một đảo nhân tạo lớn cùng đường băng ở Đá Chữ Thập, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một bến cảng cũng đã được xây dựng ở phía đông bãi đá, đủ lớn để đón các tàu dầu và tàu chiến. Trung tá Jeffrey Poole khẳng định, “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dừng hoạt động cải tạo đất, tham gia những sáng kiến ngoại giao để ngăn chặn các bên không tiến hành những hoạt động kiểu như vậy.”

Quan hệ các nước

Nhật-Philippines nhất trí về tầm quan trọng của pháp quyền trên biển. Các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng nước này ông Fumio Kishida và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario ngày 17/11 đã nhất trí về tầm quan trọng của việc áp dụng luật pháp trên Biển Đông. Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng diễn ra trong bối cảnh ông Rosario đang ở Nhật Bản để tham dự hội nghị chuyên đề về chương trình hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản. Hai ngoại trưởng cũng thống nhất tăng cường hợp tác song phương nhằm duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực.

Brunei và Malaysia tiến hành tập trận hải quân chung. Bộ Quốc phòng Brunei cho biết ngày 18/11, Hải quân Hoàng gia nước này và Hải quân Hoàng gia Malaysia đã tiến hành cuộc tập trận Hornbill Exercises 2014. Cuộc tập trận bao gồm một loạt các buổi diễn tập trên không và trên biển. Hải quân Hoàng gia Brunei đã điều tàu Darulehsan và IJHTIHAD tham gia cuộc tập trận, trong khi Hải quân Hoàng gia Malaysia điều tàu Selangor và tàu Ganas. Dự kiến, cuộc tập trận sẽ kết thúc vào ngày 23/11.

Nhật Bản và ASEAN tăng cường hợp tác quốc phòng. Ngày 19/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto đã gặp những người đồng cấp của ASEAN tại thành phố Bagan, Myanmar. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Eto nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Nhật Bản-ASEAN trong lĩnh vực an ninh khu vực, khẳng định “không nước nào có thể đơn phương duy trì hòa bình”, đồng thời bày tỏ ý định của Tokyo về việc cung cấp thiết bị và công nghệ về an ninh liên quan đến các chương trình nâng cao năng lực cho các nước ASEAN.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tại Đà Nẵng. Hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã tham gia Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng hôm 22/11. Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực.” Hội thảo lần này là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm giới học giả và tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề Biển Đông nằm trong chuỗi Hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông được tổ chức từ 2009.

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc và kế hoạch xây dựng đường băng tại Đá Chữ Thập” của James Hardy, London Sean O'Connor. Ảnh chụp từ vệ tinh từ ngày 8/8 đến 14/11 cho thấy trong 3 tháng qua, Trung Quốc đã dùng tàu nạo vét để xây đảo nhân tạo dài khoảng 1,7 km, rộng từ 200 – 300 m ở Đá Chữ Thập. Đảo nhân tạo này đủ lớn để xây dựng trên đó một đường băng và sân đỗ. Các tàu nạo vét cũng đang xây một bến cảng mới tại phía đông của Đá Chữ Thập, có vẻ như bến cảng này đủ lớn để đón các tàu chở dầu và các tàu chiến cỡ lớn. Công trình được xây dựng trước đó ở phía tây nam của Đá Chữ Thập là nơi đồn trú của Hải quân PLA, bao gồm một bến tàu, các súng phòng không, hệ thống phòng thủ chống người nhái, thiết bị liên lạc, và một nhà kính. Công trình kiên cố này hiện thời chưa được kết nối với đảo nhân tạo mới, tuy nhiên nếu nhìn vào các dự án cải tạo đất trước đây của Trung Quốc tại Trường Sa, không sớm thì muộn, các công trình này sẽ liên thông với nhau. Hoạt động cải tạo đất tại Đá Chữ Thập là dự án thứ 4 mà Trung Quốc thực hiện tại Quần đảo Trường Sa trong khoảng thời gian 12-18 tháng qua và cho đến nay là dự án lớn nhất. Như IHS Jane đã đề cập, cho đến gần đây, có vẻ Đá Chữ Thập là một “trạm nghỉ” trong dự án cải tạo đất của Trung Quốc. Đá Chữ Thập là cơ sở lớn nhất của Hải quân PLA tại Trường Sa nên việc Trung Quốc không tiến hành cải tạo đất tại đây là một điều bất thường, và bức hình ngày 14/11 đã giải đáp những thắc mắc của chúng ta. Trung Quốc có bất lợi đáng kể so với các bên tranh chấp khác tại Trường Sa bởi là bên yêu sách duy nhất không sở hữu một đảo có sân bay. Đài Loan có Đảo Ba Bình, Philippines có Đảo Thị Tứ, Malaysia có Đá Hoa Lau (tại đây Malaysia đã cải tạo đất và xây dựng một sân bay), và Việt Nam có Đảo Song Tử Tây. Do đó, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất tại Đá Chữ Thập là điều dễ hiểu, tuy nhiên hành động này cũng gây ra những lo ngại cho các bên yêu sách khác. Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng dốc toàn lực để khẳng định yêu sách lãnh thổ tại khu vực. Với ưu thế quân sự vượt trội của mình so với các quốc gia khác, hành động xây dựng của Trung Quốc nhằm mục tiêu ép buộc các bên khác từ bỏ yêu sách và quyền sở hữu, hay ít nhất cũng giúp Trung Quốc có lợi thế hơn trên bàn đàm phán, nếu có, cho cuộc tranh chấp này.

“ASEAN cần trở thành một mặt trận thống nhất” Tranh chấp Biển Đông là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị ASEAN vừa diễn ra tại Naypyidaw, Myanmar. Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị kêu gọi đẩy nhanh quá trình đàm phán COC, nhưng câu từ trong tuyên bố này là chưa đủ mạnh so với tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN đầu năm nay. Dư luận đang tự hỏi liệu các nhà lãnh đạo ASEAN có thể tạo ra một mặt trận thống nhất để buộc Trung Quốc thay đổi thái độ hay không, khi mà từ trước đến nay nước này chưa bao giờ thật sự muốn kết thúc sớm quá trình đàm phán COC. Trong tuyên bố chung lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong các cuộc “tham vấn về thực hiện DOC”. Hội nghị cũng thống nhất tăng cường “tham vấn” với Trung Quốc để sớm kết thúc COC ở Biển Đông. Tuy nhiên trong hội nghị lần này, ASEAN đã không bày tỏ quan ngại trước một loạt hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực ví dụ như Bắc Kinh đã hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và hiện đang cải tạo một số bãi đá trong Quần đảo Trường Sa. Lập trường tương đối yếu của các nhà lãnh đạo ASEAN đối với Trung Quốc phần nào chứng tỏ rằng chiến lược của Bắc Kinh đã đạt được những kết quả nhất định. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ động “kêu gọi cải thiện quan hệ” với Việt Nam và Philippines trước và trong hội nghị APEC. Còn ông Lý Khắc Cường khi tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc đã cam kết cho vay 20 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, cố gắng mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Đông Nam Á. Ông Lý cũng bày tỏ mong muốn sớm ký kết COC. Tuy nhiên ASEAN vẫn có lý do để nghi ngờ sự chân thành của Trung Quốc bởi các cuộc đàm phán về COC, bắt đầu từ tháng 9/2013, vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào.  Trung Quốc nên dừng các động thái củng cố sự kiểm soát trên thực tế của nước này ở Biển Đông và nhanh chóng kết thúc quá trình đàm phán COC. Về phần mình, các nước ASEAN cần gạt sang một bên những khác biệt trong chính sách của từng nước với Trung Quốc -  bởi mức độ phụ thuộc của họ vào sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh là khác nhau - và cùng nhau đưa ra một lập trường mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh trong vấn đề an ninh biển khu vực.

“Chặng đường ngoại giao khó khăn dành cho Trung Quốc” của Ben Blanchard. Từ thỏa thuận về các nguyên tắc quân sự với Washington cho tới khoản cho vay trị giá 20 tỉ USD dành cho Đông Nam Á, Bắc Kinh đã thể hiện một bộ mặt hòa hoãn hơn đối với thế giới. Tuy nhiên, câu trả lời rằng liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thật sự mong muốn thu hẹp những bất đồng – vấn đề nổi bật trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của ông – sẽ phụ thuộc vào cách thức Trung Quốc quản lý các tranh chấp trong thời gian tới. Ông Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin Bắc Kinh, cũng là cố vấn cho chính phủ về các vấn đề ngoại giao, cho hay, “Chúng ta vẫn còn phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong 6 tháng tới 12 tháng tới, hoặc lâu hơn nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu cho một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.” Ông Shi cũng nói thêm rằng tài chính đã thay thế quân sự để trở thành công cụ định hướng ngoại giao Trung Quốc, với dẫn chứng là khoản tiền 40 tỉ USD dành cho Con đường Tơ lụa mới và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á với số vốn 50 tỉ USD được hình thành trước thời điểm diễn ra APEC. Hơn 120 tỉ USD cũng được Trung Quốc hứa hẹn từ tháng 5 dành cho khu vực Châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á. “Thông điệp ở đây là Trung Quốc thật sự hy vọng họ có thể đóng vai trò như một cường quốc có trách nhiệm”, tờ Nhân dân Nhật báo viết trong một bài xã luận hôm 17/11. Tuy nhiên, những căn nguyên vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Obama gần đây, Tân Hoa Xã có bài bình luận rằng “bất chấp không khí thân thiện, vẫn còn nhiều việc phải làm để biến những lời hứa thành hiện thực”. Điều này nhưt thể nhắc nhở Mỹ về sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Ngay trước thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Obama, quân đội Trung Quốc đã giới thiệu một máy bay tàng hình mới rất hiện đại ở một triễn lãm hàng không của nước này. Ông Jia Qingguo, Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Vẫn còn nhiều bất đồng tồn tại và sẽ có nhiều bất ổn trong thời gian tới.” Trong cuộc gặp với các lãnh đạo Châu Á tại Myanmar gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một hiệp ước thân thiện, tuy nhiên vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán song phương với các bên liên quan.

“Bốn kịch bản cho vấn đề Biển Đông”. Các chuyên gia của công ty tư vấn địa chính trị Wikistrat (Mỹ) đã phân tích những yếu tố gây căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời dự đoán bốn kịch bản có thể xảy ra tại hai vùng biển này: i) Bắc Kinh nắm thế chủ động – Trung Quốc quyết đoán/Mỹ có vai trò hạn chế. Trong kịch bản xấu nhất này, khu vực sẽ trở nên bất ổn và đầy rẫy xung đột với việc Mỹ từ bỏ trách nhiệm quản lý tình hình tại đây, và chỉ dựa vào liên minh giữa các quốc gia trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Điều này giúp Trung Quốc tương đối thoải mái trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua công cụ chính trị/ngoại giao. Tuy nhiên, nó cũng buộc các quốc gia khu vực phải đối diện một cách nghiêm túc với sự bành trướng của Trung Quốc mà không có sự trợ giúp của Mỹ. ii) Các cường quốc nhượng bộ - Trung Quốc trỗi dậy hòa bình/Mỹ có vai trò hạn chế. Trong trường hợp này, cả Mỹ và Trung Quốc đều lùi bước, các vấn đề khu vực diễn biến mà không chịu sự chi phối hay can thiệp của các cường quốc. Điều này không giúp khu vực trở nên yên bình hơn, tuy nhiên sẽ làm giảm nguy cơ đáng lo ngại nhất đó là xung đột giữa hai cường quốc. Ngoài ra, điều này cũng cho phép các quốc gia (ví dụ như Indoneisa) vốn từ trước đến nay luôn ở bên ngoài các tranh chấp sẽ có một vai trò nhất định tại hai vùng biển của Châu Á. iii) Cuộc chiến giữa Đại bàng và Rồng – Trung Quốc quyết đoán/Mỹ có vai trò toàn diện. Kịch bản này sát với thực tế nhất, cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm cách áp đặp ý chí của mình đối với khu vực. Điều này khiến đây là kịch bản có khả năng cao nhất dẫn đến xung đột giữa hai cường quốc. iv) Trật tự tự do quốc tế của Mỹ được duy trì – Trung Quốc trỗi dậy hòa bình/Mỹ có vai trò toàn diện. Trong kịch bản lạc quan nhất này, Trung Quốc sẽ có nhượng bộ trong chính sách cứng rắn gần đây của mình và đồng ý duy trì trật tự khu vực do Mỹ xây dựng. Có rất nhiều lý do để Bắc Kinh nhượng bộ, đó có thể là họ sẽ phải tập trung xử lý các vấn đề trong nước (trong đó có các vấn đề tại biên giới Trung Á), hoặc sẽ chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế. Suy cho cùng, Washington và Bắc Kinh vẫn sẽ là các quốc gia áp đặt luật chơi tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các chính phủ khu vực có thể tạo ảnh hưởng và gây ra một số trở ngại cho hai cường quốc trên, tuy nhiên chỉ Trung Quốc và Mỹ mới có thể quyết định tương lai của tranh chấp, cũng như quyền sở hữu tài nguyên và kiểm soát lãnh thổ. Vấn đề là lợi ích và cách xử lý của Mỹ và Trung Quốc như thế nào, để từ đó có thể hướng tranh chấp đến những kết quả mà hai bên mong muốn.

“Trung Quốc quân sự hóa Lực lượng Cảnh sát Biển?” của Ryan D. Martinson. Đầu tháng 11 vừa qua, trang web tuyển dụng của Cảnh sát Biển Trung Quốc đã đi vào hoạt động và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tổ chức của Lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc trong tương lai. Theo trang web này, Cảnh sát Biển Trung Quốc dự định tuyển dụng 700 nhân viên, trong đó tuyển cả nam và nữ, từ các lớp tốt nghiệp năm 2015 (hầu hết là sinh viên), bắt đầu làm việc vào tháng 8. Các nhân viên Cảnh sát biển tương lai này phải thỏa mãn một số tiêu chí nhất định. Họ phải có đủ thể chất cũng như trình độ học vấn xuất sắc, phải là Đảng viên hoặc Đoàn viên, có vốn kiến thức đặc thù phù hợp với công việc: bằng cấp trong các ngành như kỹ thuật biển, y tế, luật, tâm lý học và ngoại ngữ (Anh, Nhật, Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc). Họ cũng phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt về độ tuổi, đồng thời chưa từng học ở nước ngoài hay không theo bất kỳ một tôn giáo nào. Nếu họ đáp ứng tất cả những yêu cầu trên và nếu có thể hoàn thành khóa đào tạo kéo dài 1 năm, họ sẽ được giao nhiệm vụ là nhân viên cảnh sát vũ trang (wujing xianyi jingguan) trong Lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc – trung úy, thiếu úy, hoặc, với các sinh viên đã tốt nghiệp là cấp bậc thượng úy. Do đó, suy cho cùng trong tương lai Lực lượng Cảnh sát Biển của Trung Quốc sẽ là một tổ chức quân sự, quân số của họ được tăng cường với lực lượng (hầu hết) là nam quân nhân có thái độ kỷ luật, cách ứng xử và được đào tạo giống với Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc. Theo trang web, những nhân viên trẻ này sẽ thực hiện đầy đủ chức năng của cảnh sát biển tại tất cả các khu vực thuộc phạm vi vùng biển 3 triệu km2 mà Trung Quốc yêu sách quyền tài phán. Trong thời gian cam kết làm việc kéo dài 5 năm, họ có thể làm việc tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển trực thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA); hay một trong 11 trung đội (zongdui) của Cảnh sát Biển Trung Quốc được đặt tại các tỉnh duyên hải, các khu tự trị, và các thành phố trực thuộc trung ương (Thiên Tân và Thượng Hải). Họ sẽ thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn buôn lậu, kiểm soát các tranh chấp dân sự có yếu tố bạo lực, duy trì lệnh cấm đánh bắt cá tạm thời. Hiện tại, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên triển khai các cảnh sát có vũ trang để tạo thành những bức tường vững chắc trên biển. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề mấu chốt. Việc quân sự hóa cơ quan chấp pháp trên biển của Trung Quốc cần phải được xem như là một phần trong kế hoạch thay đổi chiến lược quốc gia, trong đó chú trọng việc tăng cường “bảo vệ các quyền” mà có thể tổn hại đến quan hệ hữu nghị với các quốc gia láng giềng. Đầu năm 2014, có lẽ là trước khi quyết định này được thông qua, nguyên Phó Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc  – hiện là Phó Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc – Sun Shuxian cảnh báo rằng việc định hình Lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc trở thành một tổ chức quân sự là một hành động thiếu khôn ngoan, nó sẽ là cái cớ tuyệt vời của những người chỉ trích Trung Quốc hay những người theo “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”. Nếu ý kiến của ông Sun là đúng, thì 700 quân nhân mới của Cảnh sát Biển Trung Quốc không khiến Trung Quốc khác so với những quốc gia còn lại, mà nó chỉ khiến Trung Quốc khác đi so với chính họ trước đây.