Bản PDFtại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc diễn tập tác chiến chống ngầm ở Biển Đông. Một biên đội tàu của Hạm đội Nam Hải đã tới khu vực không được tiết lộ Biển Đông để diễn tập tác chiến chống ngầm quy mô lớn vào ngày 11/9. Biên đội tàu này đã lần lượt diễn tập nhiều hạng mục như hiệp đồng chống tàu ngầm, đột kích phòng không, di chuyển sở chỉ huy, nhằm nâng cao năng lực phối hợp tác chiến chống ngầm cho Hạm đội Nam Hải.

Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng ở Trường Sa. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc đang xây dựng đường băng trên Đá Vành Khăn, Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố: “Hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên một số đảo, đá ở Trường Sa là hợp pháp và phù hợp. Là quốc gia ven biển lớn nhất và có trách nhiệm ở Biển Đông, Trung Quốc có năng lực, nhu cầu và nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về phòng vệ quân sự bằng việc xây dựng một số cơ sở cần thiết ở Biển Đông.” Trong cuộc họp báo tiếp theo hôm 18/9, về việc Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Mỹ cần triển khai tàu tuần tra tới gần đảo nhân tạo của Trung Quốc, ông Hồng tuyên bố: “Chúng tôi hết sức quan ngại về bình luận trên. Trung Quốc thúc giục các bên liên quan thận trọng trong hành động và lời nói, tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, không có các hành động khiêu khích.”

Trung Quốc xây trái phép đường băng thứ ba trên Biển Đông. Giám đốc của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển châu Á (AMTI) ông Greg Poling hôm 14/9 cho biết các hình ảnh chụp từ vệ tinh cuối tuần trước cho thấy dường như Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một đường băng thứ ba trên Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh cho thấy xuất hiện một khu vực hình chữ nhật cùng một bức tường chắn, dài 3.000m ở Đá Vành Khăn, tương tự như điều Trung Quốc từng làm tại Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập.

Trung Quốc bao biện hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Phát biểu tại một diễn đàn tổ chức tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/9, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố: “Các hoạt động xây dựng cần thiết của Trung Quốc ở Biển Đông không nhằm vào bất kỳ bên nào và phục vụ mục đích cải thiện khả năng hậu cần, tăng cường năng lực phòng thủ và tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Trung Quốc cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn dựa trên luật pháp quốc tế. Trung Quốc cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không của tất cả các nước phù hợp với luật pháp. Lập trường này của Trung Quốc sẽ không thay đổi.”

+ Việt Nam:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản. Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15-18/9. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Nhà vua Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Nội các Shinzo Abe, gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế, xã hội Nhật Bản. Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong chuyến thăm nêu rõ, “Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp đảo và xây dựng công sự quy mô lớn, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và sự tin cậy, đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; thúc giục các bên liên quan không có hành động đơn phương làm phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, nghiêm túc thực hiện DOC và sớm tiến tới thiết lập COC ở Biển Đông.

Việt Nam lên án việc tàu Thái Lan truy đuổi, tấn công tàu cá của Việt Nam. Ngày 17/9, về việc ngày 11/9/2015, tàu Thái Lan truy đuổi một số tàu cá Việt Nam và sử dụng vũ khí tấn công khiến một ngư dân Việt Nam thiệt mạng và hai ngư dân khác bị thương, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh rõ những thông tin liên quan. Ngày 17/9/2015, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc và yêu cầu phía Thái Lan điều tra vụ việc. Trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu phía Thái Lan khẩn trương điều tra, xác minh rõ vụ việc, không để xảy ra những vụ việc tương tự.

+ Philippines:

Philippines hoan nghênh Nhật Bản ban hành luật an ninh mới. Ngay sau khi Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật về an ninh - quốc phòng hôm 19/9, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong một thông cáo đã tuyên bố: “Philippines hoan nghênh Nghị viện Nhật Bản thông qua luật về an ninh quốc gia. Chúng tôi hướng tới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, cũng như góp phần củng cố hơn nữa mục tiêu chung về xây dựng hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trong cộng đồng quốc tế.” Nhật Bản là đối tác chiến lược của Philippines, chỉ sau Mỹ, nước hiện có hiệp ước phòng thủ với Philippines.

+ Indonesia:

Hải quân Indonesia tăng cường sức mạnh trên không. Người phát ngôn Hải quân Indonesia Chuẩn Đô đốc M Zainuddin cho hay lực lượng này đã đặt mua 11 máy bay trực thăng Panther để tái khởi động Phi đội chống ngầm 100 đã ngừng hoạt động từ cuối những năm 1980, “Những máy bay trực thăng này sẽ từng bước được bàn giao, trong đó Indonesia sẽ tiếp nhận 4 chiếc trước cuối năm 2017.” Ông Zainuddin cho biết thêm Hải quân Indonesia cũng dự kiến sẽ tiếp nhận sáu tàu ngầm, gồm ba chiếc lớp Chang Bogo và ba chiếc lớp Kilo. Ba tàu đầu tiên sẽ được bàn giao trong năm 2017.

+ Mỹ:

Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng gây bất ổn ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban hôm 14/9 đề nghị Trung Quốc cần ngừng hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông để giảm căng thẳng trong khu vực và tạo điều kiện cho những giải pháp ngoại giao, “Mỹ chia sẻ mối quan tâm chung của khu vực trong việc duy trì hòa bình ổn định, và bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp hiện nay. Chúng tôi quan tâm tới việc Trung Quốc tuyên bố ngừng hoạt động cải tạo đất vào tháng 8. Chúng tôi chưa rõ là họ đã ngừng hay chưa và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về vấn đề này.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu tại một hội nghị của Không quân Mỹ hôm 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: “Với những gì đang làm trên Biển Đông, Trung Quốc đã đi ngược lại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế giúp duy trì cấu trúc an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như sự đồng thuận trong khu vực về việc sử dụng các biện pháp ngoại giao, phản đối hành động cưỡng ép.” Theo ông Carter, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các thực thể trong vùng biển tranh chấp Biển Đông sẽ tác động lớn tới mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, “Nước Mỹ đang tiến hành các bước đi thận trọng để chuẩn bị cho tình huống đối đầu căng thẳng hơn.” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Chắc chắn rằng máy bay và tàu thuyền của Mỹ sẽ lưu thông, bay qua, và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, giống như những gì quân đội Mỹ đang làm trên toàn thế giới. Việc biến một bãi đá ngầm thành sân bay không thể tạo ra chủ quyền hay quyền áp đặt các giới hạn về tự do hàng hải và hàng không.”

Mỹ điều trần về hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 17/9, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Đô đốc Harry Harris bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng trái phép ít nhất ba đường băng trên các đảo nhân tạo của nước này ở Biển Đông. Theo Đô đốc Harris, Trung Quốc có khả năng triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tới đây, trong đó có các bãi phóng tên lửa và các máy bay chiến đấu mới, Trung Quốc đang thiết lập một cơ chế để có thể kiểm soát hiệu quả Biển Đông trong bất kỳ kịch bản chiến tranh nào.” Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ủng hộ việc đưa tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc, “Tôi tin rằng chúng ta nên thực hiện và được phép thực hiện, tự do hàng hải và hàng không ở những hòn đảo mà thực chất không phải đảo đó.” Cũng tham gia buổi điều trần này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear thừa nhận “gần đây chúng ta vẫn chưa tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh những khu vực bồi đắp” và lần gần nhất là vào năm 2012. Theo ông Shear, “Hiện phía Trung Quốc vẫn chưa đưa vũ khí hiện đại tới các thực thể này và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo họ không làm việc đó. Đây sẽ là một nỗ lực dài hạn. Cũng trong buổi điều trần này, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ Thượng nghị sỹ John McCain đã chỉ trích việc chính phủ Mỹ không cho phép Hạm đội Thái Bình Dương điều tàu và máy bay đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, “Đây là một sai lầm nguy hiểm bởi giống như công nhận một cách không chính thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo.

Quan hệ các nước

Việt - Trung nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Trong chuyến thăm Trung Quốc, chiều 15/9 Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tại Bắc Kinh. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề liên quan tới chủ quyền, lợi ích quốc gia là hết sức thiêng liêng. Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình và phát triển của khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Trung Quốc - Malaysia tập trận chung trên biển. Ngày 18/9, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Malaysia đã tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “Hòa bình và Hữu nghị 2015.” Dự kiến, cuộc tập trận này sẽ được tiến hành ở Eo biển Malacca và các vùng biển phụ cận với các khoa mục như phối hợp hộ tống, tìm kiếm - cứu hộ chung, giải cứu tàu thuyền bị cướp biển tấn công, thực hành sử dụng vũ khí, cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai. Đây là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa Trung Quốc với một thành viên của ASEAN. Phía Trung Quốc huy động hơn một nghìn lính, một tàu khu trục và một tàu hộ vệ tên lửa, một tàu bệnh viện, bốn máy bay vận tải và ba chiếc trực thăng.

Trung Quốc cam kết xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ. Phát biểu trong buổi tiếp đoàn đại biểu lãnh đạo doanh nghiệp và cựu quan chức Mỹ ngày 17/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng nếu có thể đạt được mục tiêu trên, thì đó sẽ là điều tốt đẹp cho nhân dân hai nước, cũng như đối với nền hòa bình và sự phát triển của thế giới. Trong khi cho rằng hai nước chia sẻ những lợi ích chung to lớn, Chủ tịch Trung Quốc thừa nhận vẫn còn tồn tại một số bất đồng giữa hai bên. Ông Tập cho rằng hai bên cần tôn trọng và cân nhắc tới các lợi ích cốt lõi của nhau, tránh phạm phải những toan tính sai lầm về chiến lược, đồng thời giải quyết và kiểm soát ổn thỏa những bất đồng.

Phân tích và đánh giá

Ảnh hưởng của Nhóm vận động hành lang hải quân lên chính sách biển Trung Quốc” của Christopher D. Yung

Nhóm vận động hành lang hải quân chủ trương tăng cường ngân sách hải quân và vận động theo đuổi chính sách đề cao tầm quan trọng của lợi ích biển và năng lực hải quân Trung Quốc.

Có ba sự kiện thể hiện tầm ảnh hưởng của nhóm vận động hành lang trên:

Sự kiện 1988 - hành động vũ lực đối với Việt Nam.

Năm 1988, Lưu Hoa Thanh, Đô đốc Hải quân và là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) đã nói rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam là vấn đề rất quan trọng và Trung Quốc phải sử dụng biện pháp quân sự. Thủ tướng Triệu Tử Dương đã lưu tâm đến nhận định này của ông Lưu và cuối cùng đã quyết định sử dụng vũ lực. Nhóm vận động hành lang đã nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện và các phương tiện cần thiết để thực hiện. Cuối cùng Hải quân có được mọi thứ yêu cầu và trực tiếp thực hiện.

Nhu cầu sở hữu tàu sân bay.

Trong những năm 1990, Trung Quốc đã có những tranh luận chính sách về việc Trung Quốc có cần thiết sở hữu tàu sân bay hay không. Trong hồi ký của Đô đốc Lưu thể hiện rất rõ điều mà Hải quân muốn: một chiếc tàu sân bay để hỗ trợ thực hiện sứ mệnh Đài Loan và Biển Đông, ngoại giao quân sự và răn đe. Nhóm vận động hành lang đã thực hiện một số cuộc họp, bao gồm các thành phần lãnh đạo ban ngành của quân đội và đẩy vấn đề tại các hội nghị: Nhu cầu và Công nghệ Hải quân; Tổng cục quân đội, sau đó có lẽ đẩy lên Quân uỷ Trung ương. Dưới thời Giang Trạch Dân, nhóm đã không thành công bởi Giang chủ trương “trỗi dậy hòa bình”, sự phụ thuộc về năng lượng nhập khẩu và thương mại không quá cấp thiết để tăng cường sức mạnh. Tuy nhiên, dưới thời Hồ Cẩm Đào, khi lợi ích kinh tế ngày càng tăng, và với “Sứ mệnh Lịch sử Mới” của Hồ Cẩm Đào được đưa ra năm 2004 đã tạo lý do thích hợp cho hoạt động “biển xa” và đòi hỏi sở hữu tàu sân bay. Cuối cùng, mục tiêu của Hải quân được đáp ứng.

Ảnh hưởng của Hải quân về các chính sách “Chấp pháp chủ quyền biển” năm 2013

Trước năm 2013, Trung Quốc có sáu cơ quan liên quan đến vấn đề chấp pháp biển. Bắt đầu từ năm 2010, nhóm vận động hành lang bắt đầu kêu gọi cách tiếp cận tập trung hóa hơn. Chuẩn Đô đốc Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, quá nhiều cơ quan chấp pháp biển là một sự lãng phí, không có sự chia sẻ thông tin và khó khăn trong việc điều phối hợp tác. Từ đó ông đề xuất thành lập Nhóm Lãnh đạo trên cấp bộ để hoạch định chính sách, điều phối hoạt động đối với cả các cơ quan dân sự và quân sự, tập trung hóa hoạt động chấp pháp dưới sự quản lý của Hải quân. Tuy nhiên, nhóm vận động hành lang đã không đạt được mục đích khi năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định tập trung hóa hoạt động chấp pháp nằm dưới sự quản lý của Cục Hải dương Quốc gia, một cơ quan dân sự.

Như vậy, có thể thấy ảnh hưởng của nhóm vận động hành lang lên quyết định chính sách của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chỉ ở mức độ nhất định. Điều đó cho thấy rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền lực tuyệt đối về hoạch đnh chính sách chiến lược, ngân sách và xem xét có lựa chọn hay không các chính sách quân sự cùng với tác động ngoại giao và chiến lược ở mức độ tổng thể.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung: Vai trò trung tâm của ASEAN đang bị thách thức” của Kavi Chongkittavorn

Có ba lý do mà các nhà lãnh đạo ASEAN phải nghiêm túc lưu tâm đến kết quả chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trước hết, điều mà nhiều nước ASEAN quan tâm là khi nào hai quốc gia này sẽ sử dụng vấn đề Biển Đông để tái khẳng định vị thế của mình. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang thách thức vị thế của Mỹ ở khu vực. Điều này buộc Mỹ phải tìm kiếm phương thức đối phó với Trung Quốc: tái cân bằng, thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, quân sự với đồng minh, bạn bè và thậm chí là kẻ thù cũ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên kết quả lại hạn chế bởi Mỹ luôn bị mắc kẹt vào các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Thứ hai, Mỹ dùng vấn đề Biển Đông làm phương thức can dự và đối phó với Trung Quốc. Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định rằng Mỹ không phải là bên tranh chấp và hy vọng Mỹ “sẽ không can dự như đã tuyên bố”. Ông cũng khẳng định cả hai bên đang “giữ liên hệ chặt chẽ” bất chấp những bất đồng.

Về mặt ngoại giao, cả Mỹ và Trung Quốc đều ủng hộ quan điểm giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, ủng hộ COC. Nhưng về khía cạnh chiến lược, Mỹ lại chỉ trích hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, gây căng thẳng và bất ổn khu vực. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tập trung vào cách tiếp cận “hai kênh” với ASEAN, tiếp tục khẳng định không đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Thứ ba, Trung Quốc hy vọng chuyến đi của ông Tập sẽ thiết lập được niềm tin chiến lược, giúp xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông khi ASEAN và Trung Quốc đang hợp tác để đạt được COC với sự điều phối của Singapore. Trung Quốc cũng mong muốn mở rộng hợp tác với Mỹ về các vấn đề quốc tế đang nổi lên, tuy nhiên liệu hai quốc gia có đạt được kết quả ở Biển Đông hay không còn phụ thuộc vào việc hai bên có thể cân bằng lợi ích của nhau đến đâu.

Như vậy, ASEAN phải giải quyết những vấn đề nội khối để đảm bảo ASEAN vẫn kiểm soát và nắm bắt được vấn đề Biển Đông - phương thức duy nhất tăng cường vai trò trung tâm của khối. Philippines là bên nhiệt tình chào đón sự can dự của Mỹ trong khi các bên khác có phần kín đáo hơn: Malaysia theo đuổi cách tiếp cận “ngoại giao thầm lặng; Hà Nội ủng hộ vai trò lớn hơn nữa của ASEAN; Brunei lại có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

ASEAN phải nhận thức được mối liên quan về sự can dự chiến lược và lợi ích cốt lõi của cả Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông đều nằm trong lợi của cả hai nước, điều đó cho phép ASEAN quan sát cách thức hai quốc gia toan tính đến lợi ích của họ. Do đó, ASEAN có thể tìm hiểu và biết chính xác thời điểm Mỹ - Trung hòa dịu và xích lại gần nhau. Cần phải kiên quyết phản đối mọi hành vi nhằm thao túng khu vực hay lợi dụng xung đột cho âm mưu bá quyền.

Hãy cảnh giác lực lượng “áo xanh dương” ở Biển Đông của Trung Quốc“ của Andrew S. Erickson, Conor M. Kenedy

Trong khi Nga bí mật sử dụng “lực lượng áo xanh lục” trong khủng hoảng Crimea thì Trung Quốc sử dụng lực lượng “áo xanh dương” để hỗ trợ cho các yêu sách biển của mình. Khi quân đội Mỹ hoạt động gần các thực thể nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc, họ có thể phải đối mặt với sự quấy rối và giám sát từ các lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ, đồng minh và các đối tác cần phải hiểu cách thức các lực lượng không chính quy này nhận lệnh và được kiểm soát như thế nào.

Cơ cấu tổ chức

Lực lượng dân quân biển Trung Quốc có hai thành phần chính: lực lượng dự bị “thông thường”, là những nam thanh niên đã đăng ký nghĩa vụ quân sự tương tự như những người đăng ký gia nhập quân đội Mỹ và lực lượng “chính” sẵn sàng được huy động để phản ứng trong các tình huống khác nhau. Trong lực lượng “chính”, một số lượng nhỏ nhưng ưu tú có thể được triển khai để thực hiện các nhiệm vụ tương đối phức tạp như giám sát, biểu lộ sự hiện diện trực diện hoặc đối phó với các nhân tố nước ngoài. Các hoạt động này một phần là nhằm hỗ trợ các đơn vị hải quân và cảnh sát biển.

Hệ thống chỉ huy

Theo các quy định trong “Những quy định hoạt động của lực lượng dân quân”, cơ quan chỉ huy, điều hành cấp cao nhất đối với lực lượng dân quân biển là cơ quan chỉ huy quân sự cấp tỉnh (MD), tiếp theo đó là các cấp thấp hơn.

Có hàng nghìn lực lượng vũ trang nhân dân cấp tỉnh và cấp cơ sở (PAFD) của Trung Quốc tại các tỉnh, thành phố, quân huyện, thị trấn, làng mạc và các doanh nghiệp biển khác nhau như công ty đánh cá, nhà máy đóng tàu,trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tổ chức và huấn luyện lực lượng dân quân biển.

Nhiệm vụ theo mệnh lệnh cấp trên

Mặc dù lượng dân quân biển được xây dựng theo cơ cấu cơ quan quân sự địa phương ven biển chỉ huy trực tiếp, lực lượng này cũng phục vụ hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển (MLE). Các lượng dân quân biển vẫn được chỉ huy bởi các cơ quan quân sự địa phương trên đất liền nhưng đồng thời cũng đáp ứng vai trò hỗ trợ cho lực lượng hải quân và cảnh sát biển (CCG) Trung Quốc. Chẳng hạn, khi được triệu tập để hỗ trợ cho hoạt động chấp pháp trên biển, đội dân quân tự vệ sẽ được chỉ huy bởi cảnh sát biển cùng với cơ quan chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Tương tự, phân đội dân quân biển hỗ trợ cho hải quân sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của Hải quân cùng với cơ quan chỉ huy quân sự cấp tỉnhcủa phân đội.

Có nhiều cách để bổ sung lực lượng

Tổ chức và chỉ huy của lực lượng dân quân biển có thể thay đổi tùy theo địa phương. Điều này xuất phát chủ yếu từ ngành công nghiệp biển địa phương và ảnh hưởng của nó trên cấu trúc dân quân, đòi hỏi các nhà lãnh đạo địa phương phải hoạch định kế hoạch từ những gì có sẵn. Việc giảm 300.000 quân có thể sẽ dẫn đến việc bổ sung nhân lực vào lực lượng dân quân biển, và thậm chí có thể thay đổi thêm mô hình chỉ huy và kiểm soát. Và có một lý do quan trọng hơn nữa, điều vô cùng cấp bách là tìm hiểu lực lượng “áo xanh dương” nhận lệnh ra khơi bằng cách nào, và những lệnh đó là gì.

Cơ sở pháp lý để đi vào vùng 12 hải lý của James Kraska

Trong khi Trung Quốc thực hiện hành động đi qua vô hại quanh các hòn đảo (tự nhiên) của Mỹ ở Alaska thì Mỹ lại không thể làm tương tự đối với các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc tàu chiến Trung Quốc đi qua vô hại vùng lãnh hải đảo Attu đã bổ sung thêm những gợi ý cho chính sách của Mỹ ở Biển Đông.

Tàu chiến và thương mại của tất cả các quốc gia đều được quyền qua lại vô hại trong vùng lãnh hải của đá hoặc đảo của quốc gia ven biển, mặc dù máy bay lại không có quyền này. Điều trớ trêu là Nhà Trắng lại bác bỏ kế hoạch cử tàu chiến đi vào vùng lãnh hải đối với các đảo nhân tạo của Trung Quốc - những thực thể có thể không được hưởng vùng lãnh hải. Theo các quan chức quân sự Mỹ thì quyết định đó rõ ràng cho thấy Mỹ đã chấp nhận yêu sách của Trung Quốc kiểm soát hoạt động qua lại của tàu thuyền đối với các thực thể này. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain còn coi đó là “sai lầm nguy hại”.

Theo luật biển quốc tế, đảo nhân tạo và các công trình xây dựng trên biển không được hưởng bất kỳ vùng biển chủ quyền hay quyền chủ quyền, cho dù quốc gia sở hữu có thể duy trì vùng kiểm soát qua lại 500m để đảm bảo an toàn.

Đối với các thực thể chiếm đóng của Trung Quốc, dù tình trạng địa lý tự nhiên của chúng có như thế nào thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền pháp lý rõ ràng đối với chúng. Quốc gia chứ không phải là vùng đất mới chủ quyền. Đây là lý do giải thích vì sao Nam Cực không có vùng lãnh hải vì không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào cho dù nó là một lục địa. Vì vậy khi Mỹ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể, Mỹ không có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu về vùng lãnh hải tồn tại trên lý thuyết. Lãnh hải là chức năng của một quốc gia chủ quyền đối với đá hay đảo chứ không phải là chức năng của một thực thể địa lý. Nếu Mỹ không công nhận chủ quyền của một quốc gia với một thực thể, Mỹ không có nghĩa vụ tuân thủ đối với vùng lãnh hải tồn tại trên lý thuyết và có thể coi đó là vùng đất vô chủ. Không chỉ tàu chiến Mỹ có quyền quá cảnh trong vùng 12 hải lý đối với các thực thể của Trung Quốc, mà còn có quyền thực hiện các hoạt động tập trận trong vùng biển quốc tế theo Điều 87 Công ước Luật biển Quốc tế. Ngoài ra, quyền qua lại vô hại không áp dụng đối với hoạt động bay qua nhưng lại được áp dụng trong vùng biển quốc tế, do đó máy bay hải quân Mỹ có thể được quyền bay qua các thc thể đó.

Ngay bây giờ, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần phải hành động duy trì các quy định ở cả trên bề mặt, đáy biển và vùng trời ở Biển Đông, phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong khu vực đảo nhân tạo của Trung Quốc. Chỉ khi bình thường hóa sự hiện diện vào lúc này thì chúng ta mới đảm bảo được một tương lai ổn định và nằm trong tầm kiểm soát.

Chín điều trớ trêu trong mớ hỗn độn ở Biển Đông“ của James Kraska

Kể từ khi Trung Quốc yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu hành bản đồ đường chín đoạn tới cộng đồng quốc tế vào năm 2009, thế giới bắt đầu hoang mang trước những hành vi của nước này. Chính sách của Trung Quốc đã tạo ra hàng loạt nguy hiểm ở Biển Đông và những điều trớ trêu:

Thứ nhất, trong suốt quá trình đàm phán về Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS), các quốc gia đang phát triển đã nhượng bộ về quyền tự do hàng hải tại các eo biển và EEZ của mình để đổi lại những đặc quyền về nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, việc Trung Quốc chiếm đoạt EEZ của các quốc gia láng giềng đã “chà đạp” sự nhượng bộ đó.

Thứ hai, Mỹ - quốc gia đầu tiên phản đối việc thiết lập EEZ và không phải là thành viên UNCLOS lại thúc đẩy và tôn trọng EEZ của các quốc gia khác, trong khi Trung Quốc, nước ủng hộ EEZ, là thành viên Công ước lại không tôn trọng EEZ của các quốc gia láng giềng.

Thứ ba, tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng không thực sự xuất phát từ nhu cầu của Trung Quốc về nguồn tài nguyên mà thực chất là ý định củng cố sức mạnh và chiến lược bá quyền của Trung Quốc ở Đông Á. Trong khi nguồn tài nguyên ở Biển Đông không quá quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc nhưng lại vô cùng quan trọng với các nền kinh tế nhỏ hơn như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia và Brunei.

Thứ tư, Trung Quốc dường như rất hiểu luật biển và lợi ích từ luật biển nhưng lại không muốn áp dụng điều đó ở Biển Đông.

Thứ năm, Trung Quốc tận dụng các quyền lợi từ UNCLOS nhưng lại né tránh trách nhiệm của mình: không cho phép các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong lãnh hải và EEZ của Trung Quốc, cụ thể là quyền qua lại vô hại trong lãnh hải và tự do hàng hải trong vùng EEZ.

Thứ sáu, yêu sách đường chín đoạn chỉ đơn giản là nét vẽ thể hiện yêu sách đối với các thực thể; Trung Quốc không làm rõ nội dung cũng như đưa ra được bằng chứng để chứng minh cho yêu sách dựa trên cơ sở lập luận khám phá lịch sử của mình.

Thứ bảy, giả định rằng Trung Quốc có danh nghĩa hợp pháp với các thực thể ở Biển Đông thì theo luật, Trung Quốc chỉ được hưởng một vùng biển nhỏ xung quanh chúng. Thực tế, các bãi cạn nửa nổi nửa chìm này không có vùng lãnh hải và nếu như chúng nằm trong EEZ của quốc gia khác thì chúng có rất ít quyền lợi về vùng biển xung quanh.

Thứ tám, nỗ lực xây dựng và chiếm đóng các đảo nhân tạo mới ở Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị, không thể mở rộng quyền hay tạo ra quyền lợi mới ngoài những gì bản chất tự nhiên cho phép.

Thứ chín, các quốc gia ven biển được hưởng lợi từ các quy định của pháp luật lại không đánh giá đầy đủ những điều trớ trêu trên và cho đến nay đã không thể hình thành một cách tiếp cận thống nhất để bảo vệ quyền lợi của mình. Sự đoàn kết giữa các nước là cách tốt nhất khơi dậy nhận thức hành động từ ASEAN, các nước thành viên của Liên minh Châu Âu, NATO, và thậm chí cả Nga./.