Biển Đông Tuần Qua (từ 14/8-20/8)
Tàu thuyền Trung Quốc hiện diện gần Thị Tứ; Việt Nam - Thái Lan nhấn mạnh tự do lưu thông trên biển; Philippines thúc đẩy khai thác dầu khí ở Biển Đông; Mỹ - Nhật phản đối hành động đơn phương cưỡng ép trên biển.
Tàu thuyền Trung Quốc hiện diện gần Thị Tứ; Việt Nam - Thái Lan nhấn mạnh tự do lưu thông trên biển; Philippines thúc đẩy khai thác dầu khí ở Biển Đông; Mỹ - Nhật phản đối hành động đơn phương cưỡng ép trên biển.
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Tướng Trung Quốc chỉ trích Mỹ 'sai lầm' ở Biển Đông. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Joseph Dunford ở Bắc Kinh sáng 17/8, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc cho hay cơ chế xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước tiếp tục cải thiện tuy nhiên, “những hành động sai lầm trong vấn đề Đài Loan, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, hoạt động của tàu chiến và máy bay Mỹ ở Biển Đông, và hoạt động do thám trên không và biển gần Trung Quốc gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ và sự tin cậy giữa quân đội hai bên”.
+ Việt Nam:
Xác minh tin Philippines-Trung Quốc có thể hợp tác dầu khí ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã nhiều lần nói rõ rằng có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo tinh thần đó, chúng tôi yêu cầu tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông được xác định trên cơ sở luật pháp Quốc tế, trong đó có UNCOLOS 1982.” Về thông tin Việt Nam vừa nhận lô tên lửa Brahmos của Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết “Cần nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ. Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước.”
+ Philippines:
Philippines nói Trung Quốc sẽ không chiếm thực thể mới ở Biển Đông. Phát biểu trước một phiên điều trần của quốc hội 14/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay Philippines và Trung Quốc đã đạt được một "tạm ước" ở Biển Đông nhằm ngăn chiếm giữ thêm các thực thể ở Biển Đông, “Trung Quốc đảm bảo không chiếm giữ các thực thể mới và không xây dựng ở bãi cạn Scarborough.” Ông Lorenzana không bình luận gì về thông tin của một nghị sĩ nước rằng 5 tàu Trung Quốc hôm 12/8 xuất hiện cách đảo Thị Tứ khoảng 5km.
Tàu thuyền Trung Quốc hiện diện gần Thị Tứ. Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 15/8, Nghị sĩ Hạ viện Gary Alejano (Đảng cánh hữu Magdalo) cho hay, “nguồn tin của ông này cho biết về sự xuất hiện đáng ngờ của các tàu Trung Quốc, gồm 2 tàu khu trục, 1 tàu hải cảnh và 2 tàu cá cỡ lớn, cùng lực lượng dân quân biển cách Thị Tứ 1-3 hải lý về phía bắc.” Theo ông Alejano, dựa trên một báo cáo trước đó 2 ngày, tàu cá của Trung Quốc cũng đã ngăn tàu của Cục ngư nghiệp của Philippines (BFAR) đi vào gần Thị Tứ, “Tôi kêu gọi quan chức chính phủ Philippines minh bạch về tình hình trên thực địa và Philippines đảm bảo quyền lợi trong đàm phán song phương với Trung Quốc”. Về việc này, Tư lệnh Quân đội Philippines Tướng Eduardo Año cho biết đang xác minh tính xác thực nội dung này với Bộ ngoại Philippines vì Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất được ra các tuyên bố về các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 16/8, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano cho hay, “Tôi không thể xác nhận hoặc bác bỏ (thông tin của Nghị sĩ Alejano) bởi đây là một phần của các trao đổi với trung tâm chỉ huy. Nhưng Tôi sẽ thông báo với các bạn nếu tình hình đáng báo động về ngoại giao hay quân sự. Theo Ngoại trưởng Cayetano, sự hiện diện của tàu Trung Quốc không nên coi lý do để báo động. Tàu Mỹ vẫn hiện diện trong khu vực nhưng Philippines không quan ngại bởi Mỹ là đồng minh. Nếu coi Trung Quốc là kẻ thù thì mọi động thái nước này sẽ đều gây quan ngại. Ông Cateyano trấn an tình hình rất ổn định và định Philippines vẫn giữ liên lạc với Trung Quốc thông qua Đại sứ và Bộ Ngoại giao.
Philippines thúc đẩy khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong buổi điều trần hạ viện hôm 15/8, Ngoại trưởng Philipines Peter Cayetano cho hay Philippines đang cân nhắc cách thức để khai thác tài nguyên dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên bất cứ hoạt động liên doanh nào cũng cần tuân thủ luật pháp Philippines và không làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ, “Nếu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn ở Malampaya tại các khu vực tranh chấp thì người dân làm sao có thể phản đối điều đó.” Giếng khí đốt nhất Philippines là Malampaya dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2024. Ngoại trưởng Philippines hôm 17/8 cho hay Tổng thống muốn khai thác chung với Trung Quốc ở cả khu vực tranh chấp và không tranh chấp ở Biển Đông. Các dự án và thăm dò có thể là dầu, khí đốt, sinh vật biển và các nguồn tài nguyên khác và Philippines sẽ đề ra một khung pháp lý, có thể thực hiện. Ngoại trưởng Cayetano cho biết thêm đã đề nghị sự giúp đỡ của Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi và các luật sự thảo ra khung pháp lý như vậy. Cũng hôm 17/8, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Ernesto Abella trả lời báo chí cho hay Tổng thống Duterte hoan nghênh hợp tác với quốc tế trong việc thăm dò và khai thác khoáng sản và khí đốt ở Biển Đông, không giới hạn với bất cứ một đối tác duy nhất nào. Bất cứ thỏa thuận liên doanh (venture) nào đều phải tuân theo Hiến pháp, nội luật của Philippines và có điều khoản bảo vệ lợi ích quốc gia và có lợi cho người dân Philippines.”
Quan hệ các nước
Thái Lan xác nhận mua tên lửa hành trình của Mỹ. Ngày 14/8, Hải quân Hoàng gia Thái Lan xác nhận nước này sẽ mua một số tên lửa hành trình RGM-84L Harpoon Block II từ Mỹ, đồng thời cho biết số tên lửa này sẽ được trang bị cho các tàu chiến mà nước này đã đặt mua của Hàn Quốc. Người phát ngôn Hải quân Jumpol Lumpikanon cho biết thỏa thuận mua tên lửa của Mỹ không phải là hợp đồng mới mà là một phần trong hợp đồng đóng tàu khu trục được ký với Hàn Quốc từ năm 2014. Chính phủ Thái Lan và hải quân nước này đã bị chỉ trích sau khi xuất hiện các thông tin báo chí từ Washington cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua hợp đồng bán các tên lửa RGM-84L Harpoon Block II cho Thái Lan chi phí ước tính 828 triệu baht, tương đương 24,9 triệu USD.
Việt Nam - Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông trên biển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Thái Lan từ 17-19/8 theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên thực thi toàn diện DOC, xây dựng lòng tin, tôn trọng các nguyên tắc tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ đối với việc ASEAN - Trung Quốc tiến tới COC ở Biển Đông.”
Không quân Thái Lan - Trung Quốc tổ chức diễn tập chung. Cuộc diễn tập mang tên “Eagle Strike 2017” diễn ra từ 17/8-3/9 tại căn cứ không quân Thái Lan với nội dung thử nghiệm vũ khí, chiến thuật chiến đấu và cải thiện khả năng chiến đấu trên thực tế. Trung Quốc cử 6 máy bay tham gia tập trận. Cuộc diễn tập đầu tiên giữa hai nước theo mô hình này bắt đầu vào tháng 11 năm 2015.
Mỹ - Nhật phản đối hành động đơn phương cưỡng ép trên biển. Ngày 17/8 tại Washington DC đã diễn ra cuộc Hội đàm 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Nhật. Về tranh chấp biển, Tuyên bố chung khẳng định: “Các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình trên Biển Đông và tái khẳng định quan điểm phản đối các hành động bắt nạt đơn phương của các nước yêu sách, bao gồm cải tạo đảo và quân sự hoá các thực thể tranh chấp, có thể dẫn tới việc thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng. Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp biển thông qua việc tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, bao gồm Toà trọng tài. Các Bộ trưởng nhắc tiếp tục đề cập về phán quyết của Toà Trọng tài và bày tỏ ủng hộ nỗ lực Trung Quốc - ASEAN tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả và ràng buộc pháp lý ở Biển Đông.
Phân tích và đánh giá
“Tuần tra Biển Đông: Liệu đội ngũ của Trump có hiểu hoạt động này không?” của Andrew Chubb
Ngày 10/8, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải xung quanh Đá Vành Khăn ở Biển Đông. Bằng cách ở lại 6 giờ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo khổng lồ đã được Trung Quốc xây dựng trên rạn đá này, tàu khu trục USS John McCain đã khẳng định nguyên tắc được quy định rõ ràng trong UNCLOS rằng không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực lãnh hải mới bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo.
Nguyên tắc trên là một “bệ đỡ” chống lại sự mở rộng đáng kể quyền lực hành chính-pháp lý của các nhà nước tại những khu vực đại dương vốn từng là “khu vực chung” kể từ giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên, không rõ Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có đánh giá cao mục đích đằng sau các hoạt động FONOP hay không, chưa nói đến việc tán thành mục tiêu đó
Dường như hiện tại FONOP được chính quyền Trump sử dụng như là một công cụ đàm phán trong các vấn đề khác chứ không phải mục đích ban đầu của các hoạt động này. Điều này vừa phi thực tế vừa phản tác dụng, cụ thể:
+ Xét trên thời điểm thực hiện FONOP (không hoạt động nào trong 4 tháng đầu tiên và 3 hoạt động liên tiếp trong 2 tháng tiếp theo), dường như Nhà Trắng đang sử dụng FONOPs làm công cụ đàm phán, yêu cầu nhượng bộ từ phía Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Điều này có thể đưa ra dấu hiệu sai cho các nước trong khu vực rằng Mỹ không thực sự cam kết tôn trọng các quy tắc luật pháp nếu không phù hợp với các tính toán khác của nước này.
+ Các hoạt động FONOP mang tính biểu tượng là chính, vì vậy giảm thiểu nguy cơ từ phía Trung Quốc nhưng đồng thời cũng hầu như không có khả năng thay đổi hành vi từ phía nước đối thủ. Trong khi đó, nó tạo cơ hội cho Trung Quốc có thể khắc họa Mỹ như kẻ gây rối trong khu vực thậm chí còn sử dụng để làm lý giải cho hoạt động quân sự hoá của mình.
+ Tuy nhiên, việc thực hiện FONOP theo kiểu gần đây của Mỹ cũng thể hiện một phép thử thú vị đối với Trung Quốc. Thông thường, Trung Quốc thường đưa ra tuyên bố một cách nhanh chóng, nổi bật và công khai trước mỗi FONOP của Mỹ kể từ khi các hoạt động này được khôi phục hồi cuối năm 2015. Song trong tất cả các trường hợp, Trung Quốc đều chỉ ra tuyên bố ngay sau khi các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin 1 hoạt động như thế đã diễn ra.
Nếu Bắc Kinh chọn cách công khai hóa các FONOP của Mỹ một cách tự nguyện, việc đó sẽ cho thấy các ban ngành liên quan - bao gồm cả những người phụ trách ngoại giao và tuyên truyền - thực sự nhận thức được các lợi ích khi đưa vấn đề này vào trong chương trình nghị sự công khai trong nước. Điều này về cơ bản sẽ xua tan bất kỳ ý kiến nào cho rằng các FONOP cung cấp một công cụ hữu hiệu để ép Bắc Kinh hướng tới hợp tác về các vấn đề khác. Mặt khác, nếu Bắc Kinh chọn cách kiềm chế không bình luận tiếp sau mỗi FONOP chưa được tiết lộ, điều này sẽ cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục ưu tiên giữ bí mật những vấn đề như vậy đối với công chúng.
“Không có Brexit từ Biển Đông” của Donald R. Rothwell
Những tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao Vương quốc Anh liên quan đến việc triển khai tàu chiến của nước này tới vùng Biển Đông trong thời gian tới tất nhiên đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Không giống như Mỹ, Anh không có chương trình tự do hàng hải.
Tháng 12/2016, khi tờ Thời báo châu Á tìm cách làm rõ vấn đề này từ Đại sứ quán Anh ở Washington, Đại sứ quán đã khẳng định rằng “Anh không tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, mặc dù nước này sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình đi qua các vùng biển và vùng trời quốc tế khi cần thiết”.
Việc Anh phủ nhận tiến hành các FONOP “tương thích” với những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Michael Falon, những người đã không trực tiếp nhắc đến FONOP. Khi đề cập về hai tàu sân bay mới của nước này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2023, ông Boris Johnson nói rằng “một trong những nhiệm vụ đầu tiên của hai tàu hàng không mẫu hạm khổng lồ mới của chúng tôi là sẽ đi qua eo biển Malacca”. Còn ông Michael Fallon cho biết: “Chúng tôi đã không vạch ra những triển khai ban đầu nhưng các bạn sẽ mong đợi nhìn thấy những chiếc tàu này hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Năm 2020 có lẽ là thời điểm sớm nhất để có thể nhìn thấy một trong những chiếc tàu sân bay mới của Anh hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung - và Biển Đông nói riêng - và đến lúc đó biết đâu một thỏa thuận lớn có thể xảy ra. Về vấn đề này, các mối quan hệ luật quốc tế giữa Trung Quốc và Mỹ hay giữa Trung Quốc và Anh, cần phải được làm rõ.
Cả Trung Quốc và Anh, cùng với 164 quốc gia khác, là các bên tham UNCLOS 1982. Đáng chú ý, Mỹ không phải là một bên tham gia UNCLOS và điều này ngay lập tức làm giảm khả năng của Washington khi tranh luận với Bắc Kinh về việc tuân thủ công ước và luật biển. Do đó, Anh và Trung Quốc sẽ được đặt ở vị trí tốt hơn để giải quyết vấn đề pháp lý về biển thông qua khuôn khổ UNCLOS.
UNCLOS có một loạt điều khoản công nhận quyền hàng hải của tất cả tàu thuyền - bao gồm tàu chiến - trong lãnh hải, các eo biển quốc tế, các tuyến đường biển quanh các quần đảo và trong vùng EEZ và vùng biển quốc tế. Và Biển Đông cũng phù hợp với các điều khoản này. Theo đó, bất kỳ sự chuyển động của tàu chiến nước ngoài thông qua những vùng biển này đều là việc thực hiện quyền tự do hàng hải.
Quyền đi lại vô hại phản ánh mối quan tâm này và theo UNCLOS, tất cả các tàu nước ngoài trong vùng lãnh hải không được tham gia vào các hoạt động đe dọa.
Tuy nhiên, Trung Quốc tìm cách áp đặt các điều kiện bổ sung đối với các tàu chiến nước ngoài trong phạm vi lãnh hải của nước này khi qua lại vô hại thì một chiếc thuyền nước ngoài phải được sự chấp thuận từ trước hoặc đưa ra thông báo trước cho các quốc gia ven biển về sự di chuyển của các tàu chiến của họ đi qua lãnh hải của quốc gia ven biển”. Anh đã bác bỏ lời tuyên bố này của Trung Quốc và một số nước khác và vào năm 1997.
Những quan điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Anh về UNCLOS liên quan đến thông báo trước và cho phép sự di chuyển của tàu chiến tạo điều kiện cho việc Anh điều động tàu hàng không mẫu hạm đi qua Biển Đông vào năm 2020 và xa hơn nữa.
“Sự thất bại trong kế sách ‘hai mặt’ của Philippines ?” của Richard Javad Heydarian
Các báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đang thắt chặt “sợi dây thòng lọng” quanh đảo Thị Tứ chiến lược mà Philippines tuyên bố chủ quyền bằng cách triển khai một số tàu hải quân và tàu tuần tra bờ biển một cách khiêu khích đến gần thực thể này.
Bất chấp hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra khá tốt đẹp tại Manila, nhiều người ở Manila đang tự hỏi một lần nữa rằng liệu thái độ “yếu đuối” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về vấn đề này có phải là chiến lược quốc gia có hiệu quả hay không.
Trong suốt hội nghị bộ trưởng ASEAN được tổ chức tại Manila hồi đầu tháng 8/2017, Philippines đã sử dụng đặc quyền của nước Chủ tịch luân phiên ASEAN để bảo vệ Bắc Kinh trước bất kỳ chỉ trích nào về hoạt động cải tạo đất đá và quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp.
Philippines và Trung Quốc đang xem xét các Thỏa thuận Khai thác chung (JDAs) tại các khu vực chồng lấn, bao gồm vùng biển giàu khí hydrocarbon ngoài khơi phía Tây đảo Palawan. Trong phiên điều trần tại Quốc hội, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano đã xác nhận khả năng tiến hành các dự án thăm dò và khai thác năng lượng chung Philippines-Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong đang tranh chấp. Ông Cayetano nói: “Nếu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tốt hơn thỏa thuận ở Malampaya tại khu vực tranh chấp, làm sao người dân Philippines có thể tranh cãi về việc này?”.
Thậm chí giới lãnh đạo quốc phòng Philippines dường như đang dần ủng hộ ý tưởng về một “tạm ước” với Trung Quốc dù còn nhiều nghi ngại. Trong phiên điều trần mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, người từng đưa ra cảnh báo về các ý định của Trung Quốc trên biển, khẳng định rằng Bắc Kinh đã cam kết “không chiếm đóng các thực thể mới nào trên Biển Đông” và ngừng “xây dựng các cấu trúc ở Bãi cạn Scarborough”.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Quốc hội khác vẫn hoài nghi về cam kết sắp tới của Trung Quốc. Nghị sĩ đối lập Gary Alejano, một cựu quan chức quân sự, cảnh báo về “nguy cơ Hải quân Trung Quốc và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển cũng như lực lượng dân quân nước này tập hợp ở phía Bắc đảo Thị Tứ”. Các máy bay Philippines chuyên chở các quan chức quân đội cấp cao, trong đó có ông Lorenzana, đã nhiều lần đối mặt với sự quấy rối từ Trung Quốc mỗi khi họ hạ cánh ở đảo Thị Tứ khi bay qua đá Subi.
Bất chấp nỗ lực cao nhất của ông Duterte nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục quân sự hóa và theo đuổi chủ nghĩa bành trướng trong khu vực. Tương lai quan hệ Philippines- Trung Quốc cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các diễn biến trên thực tế và việc giữ cam kết thay vì đưa ra những lời nói và cử chỉ ngoại giao giữa các nhà lãnh đạo chính trị thích “bợ đỡ”.
“Cảnh giác trước ‘tạm ước’ Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông” của Prashanth Parameswaran
Một điều quan trọng là chính quyền Duterte vẫn chưa thể hiện rằng các cơ hội từ các “thỏa thuận” với Bắc Kinh có lớn hơn các nguy cơ hay không. Dưới đây là một số lý do khiến chúng ta nên cảnh giác với thỏa thuận mới của Trung Quốc và Philippines.
Liệu thỏa thuận có kéo dài?
Nguy cơ đầu tiên đó là Trung Quốc sẽ không đơn giản tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận. Đó không phải là sự nghi ngờ vô lý nếu xét tới những gì tồi tệ mà Trung Quốc đã làm đến nay trong việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận trên Biển Đông.
Trong 1/4 thế kỷ qua, kể từ khi các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đàm phán trực tiếp về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã ngang nhiên coi thường các cam kết mà họ tuyên bố, như Tuyên bố DOC hay cam kết không quân sự hóa Trường Sa của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Những gì mà Trung Quốc đã làm với Philippines cũng không có gì khá hơn. Khi thỏa thuận Thăm dò Hợp tác Địa chấn Biển (JMSU) có hiệu lực năm 2005, và bắt đầu tan rã vài năm sau, Bắc Kinh đã nhanh chóng trở lại hành động khiêu khích đơn phương, gây sức ép về ngoại giao với Philippines và thậm chí cản trở các tàu thăm dò địa chấn để ngăn chặn Manila kêu gọi các công ty nước ngoài khác giúp họ thăm dò và khai thác tài nguyên.
Chính xác đây là loại thỏa thuận gì?
Nguy cơ thứ hai đó là Philippines - trong lúc theo đuổi thỏa thuận - có thể cuối cùng sẽ phải từ bỏ nhiều hơn những gì họ có được. Mặc dù một số lợi ích tạm thời đã được viện dẫn công khai, như quyền tiếp cận Bãi cạn Scarborough cho các ngư dân và cam kết của Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền tại đó, nhưng thực tế rằng chúng “chẳng là gì” so với các thỏa hiệp lớn mà Philippines thực hiện, như gạt sang một bên phán quyết của Tòa Trọng tài và làm suy yếu sự đồng thuận trong khu vực về vấn đề Biển Đông với tư cách Chủ tịch ASEAN.
Thỏa thuận của “ác quỷ”?
Nguy cơ cuối cùng đó là Chính quyền Duterte, trong việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc, có thể sẽ củng cố xu hướng mà ở đó các nước có yêu sách chủ quyền ở Đông Nam Á và các bên liên quan sẽ đầu tư hơn nữa vào cách tiếp cận “đơn thương độc mã” ở Biển Đông thay vì cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn.
Tổn hại trước mắt bởi sự thụ động của Manila đã khá rõ, như việc các nước Đông Nam Á khác có thái độ mềm mỏng hơn trong vấn đề Biển Đông kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền hay việc các nỗ lực toàn cầu để đối phó với hành vi khiêu khích của Bắc Kinh bị giảm sút.
Tuy nhiên, có lẽ hậu quả đáng lo ngại nhất là thông điệp của nó gửi tới Bắc Kinh. Việc Philippines thay đổi quan điểm ở Biển Đông đơn thuần xác nhận những gì các nhân vật diều hâu ở Trung Quốc từng hoài nghi: đó là dù hành vi khiêu khích của Bắc Kinh có thể khiến họ gặp phải tổn thất trong ngắn hạn, nhưng năng lực quân sự và kinh tế gia tăng của họ có thể bù đắp những tổn thất đó trong một thời gian và sau đó họ sẽ khôi phục các tổn thất bằng cách “quyến rũ” những nước mà Trung Quốc từng cưỡng ép. Các thỏa thuận như vậy sẽ củng cố “niềm tin” nguy hiểm này ở một số nhân vật tại Bắc Kinh, thay vì khiến họ “tỉnh ngộ”.
“Sự lừa bịp của kẻ bắt nạt Trung Quốc” của Brahma Chellaney
Khi sức mạnh càng gia tăng, Trung Quốc càng nỗ lực đạt mục tiêu chính sách đối ngoại bằng các hành động hăm dọa, bắt nạt. Nhưng những giới hạn về cách tiếp cận này ngày càng được bộc lộ.
Trong căng thẳng Doklam, hàng ngày Trung Quốc đều cảnh báo Ấn Độ rút lui hoặc sẽ phải đối diện với trả đũa quân sự. Bộ quốc phòng Trung Quốc đe dọa dạy cho Ấn Độ “bài học cay đắng” như năm 1962; Bộ ngoại giao Trung Quốc tuôn ra hàng loạt lời dọa dẫm. Đối phó lại, chính phủ Modi vẫn bình tĩnh và không hề phản ứng với bất kỳ lời đe dọa nào của Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc đang sử dụng chiến tranh tâm lý đối với Ấn Độ để đạt được các mục tiêu chiến lược, theo như lý thuyết của Tôn Tử là “chiến thắng mà không dùng chiến tranh”. Chiến tranh tâm lý của Trung Quốc chủ yếu thông qua chiến dịch bóp méo thông tin và hoạt động truyền thông nhằm khắc họa Ấn Độ là kẻ xâm lược và Trung Quốc là bên bị vi phạm.
Những ngày đầu căng thẳng, cuộc chiến tâm lý ồ ạt của Trung Quốc giúp nước này giành ưu thế. Tuy nhiên khi xem xét kỹ thì cách tiếp cận này đang dần phải rút lui. Dù về mặt tổng thể, sức mạnh quân sự Trung Quốc là vượt trội, nhưng Trung Quốc hầu như không thể đánh bại hoàn toàn Ấn Độ trong cuộc chiến Himalaya trong thế trận phòng thủ kiên cố của Ấn Độ dọc biên giới. Ngay cả tình trạng thù địch tại ngã ba biên giới cũng sẽ vượt quá khả năng kiểm soát của Trung Quốc do quân đối Ấn Độ kiểm soát địa hình cao hơn và có mật độ quân đội lớn hơn. Nếu xung đột quân sự xảy ra khiến Trung Quốc thiệt hại như năm 67, Tập sẽ gặp vấn đề nghiêm rọng tại Đại hội sắp tới. Thậm chí nếu không có xung đột xảy ra, Trung Quốc vẫn gặp rắc rối. Cách tiếp cận đối đầu của Trung Quốc có thể khiến Ấn Độ, các quốc gia “lưỡng lự” có vị trí địa chính trị quan trọng nhất châu Á ngả về Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng ngầm cảnh báo trả đũa kinh tế nếu Trung Quốc tiếp tục gây bất ổn vùng biên giới. Bế tắc càng kéo dài thì càng ảnh hưởng đến hình ảnh của Tập – Nhà lãnh đạo quyền lực cũng như hình ảnh bá quyền châu Á của Trung Quốc, làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với láng giềng.
Bế tắc Doklam là bài học quan trọng cho các quốc gia châu Á đang đối mặt với sự bắt nạt của Trung Quốc, đặc biệt là trong tranh chấp Biển Đông. Hiện Trung Quốc đang de dọa sẽ thực hiện các hoạt động quân sự đối với các cơ sở của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nhằm ép buộc Việt Nam ngưng khoan thăm dò trong vùng EEZ của mình nhưng nằm ở mép rìa ngoài yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông./.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.