Bản PDF tại đây

 


 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đưa tàu vận tải lớn ra Biển Đông. Trung Quốc đã chính thức biên chế tàu vận tải bán chìm Donghaidao vào Hạm đội Nam Hải. Con tàu này dài 175,5 mét, rộng 32,4 m có thể mang theo tàu đổ bộ tấn công đệm khí, máy bay trực thăng, tàu cao tốc và xe bọc thép. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, tàu vận tải Donghaidao là một loại “tàu mẹ”, bởi ngoài chức năng vận chuyển và chiến lược, nó cũng có thể trở thành một căn cứ nổi trên biển để Hải quân Trung Quốc tiến hành các chiến dịch tấn công đổ bộ quy mô lớn, cũng như một bến cảng lưu động để sửa chữa các con tàu bị hư hỏng.

Trung Quốc kêu gọi Philippines từ bỏ vụ kiện. Ngày 14/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc phản đối hành động đề xuất và thúc đẩy vụ kiện trọng tài của Philippines. Đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển, Trung Quốc quyết không chấp nhận bất cứ phương thức áp đặt hoặc dựa vào bên thứ ba để giải quyết tranh chấp. Philippines cần nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo đúng đắn, giải quyết các tranh chấp thông qua hiệp thương, đàm phán càng sớm càng tốt.” Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/7, bà Hoa yêu cầu Philippines phải kéo chiếc tàu chiến cũ của nước này ra khỏi khu vực Bãi Cỏ Mây, “Từ năm 1999, Philippines đã cố tình để lại chiếc tàu chiến cũ ở Bãi Cỏ Mây nhằm đòi hỏi chủ quyền đối với bãi đá này. Đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Philippines di dời chiếc tàu nói trên. Nếu không, Trung Quốc quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo.”

+ Việt Nam:

Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật quốc tế. Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 16/7, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay, “Trong thời gian qua, có một số thông tin về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Ngay khi có những thông tin này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực xác minh cụ thể các tình tiết để có cơ sở đấu tranh về đối ngoại. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi hành động ngăn cản ngư dân Việt Nam hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa của mình.” Về việc Trung Quốc kêu gọi Philippines từ bỏ nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông trước Tòa trọng tài, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Lập trường của Việt Nam đối với những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.”

+ Philippines:

Philippines điều trần lần hai tại Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc. Trưa 13/7, phái đoàn Philippines đã bắt đầu phiên điều trần thứ hai trước Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại La-Hay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết việc phái đoàn của Manila được điều trần lần thứ hai là “một tín hiệu tích cực. Điều đó có nghĩa rằng tòa đã đưa ra hết các câu hỏi có thể có và xóa tan nghi ngờ về thẩm quyền của tòa.” Kết thúc phiên điều trần lần hai này, PCA đã đưa ra thời hạn mới là ngày 23/7 để Philippines có thể hoàn thiện, bổ sung cho các câu trả lời đối với toàn bộ câu hỏi mà Tòa đặt ra trong suốt một tuần qua. Trong tuyên bố của PCA ngày 13/7 nêu rõ, “Tòa có nghĩa vụ đảm bảo mỗi bên có cơ hội được lắng nghe và trình bày quan điểm của mình,” đồng thời cho phép Trung Quốc đưa ra các phản hồi bằng văn bản trước ngày 17/8.

Philippines từ chối đề nghị đàm phán của Trung Quốc về Biển Đông. Người phát ngôn của tổng thống Philippines ông Herminio Coloma hôm 15/7 tuyên bố: “Sau khi  trình bày vụ kiện của mình trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), chúng tôi chắc chắn phải theo đuổi hành động này đến cùng. Philippines khẳng định cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và hướng tới các giải pháp giải quyết tranh dựa trên luật pháp.” Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Trung Quốc hối thúc Philippines trở lại hướng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn.

Philippines yêu cầu Google Maps xóa tên tiếng Trung của Bãi cạn Scarborough. Một chiến dịch do cư dân mạng Philippines khởi xướng đã yêu cầu tập đoàn Google xóa tên gọi tiếng Trung của Bãi cạn Scarborough ra khỏi dịch vụ Google Maps. Ban đầu, Google để cả tên tiếng Trung và tên quốc tế của Bãi cạn Scarbourough. Bản kiến nghị của chiến dịch đăng trên trang Change.org nêu rõ: “Yêu sách đường 9 đoạn bao trùm hầu khắp Biển Đông của Trung Quốc là phi pháp và gây căng thẳng với các nước trong khu vực. Việc bản đồ của Google thể hiện bãi cạn này là một phần của quần đảo Trung Sa của Trung Quốc có thể tạo ra chứng cứ hợp pháp cho việc chiếm bãi cạn này của Trung Quốc và sẽ khiến các nước yêu chuộng hòa bình buộc phải lên tiếng phản đối.” Ngày 13/7, hãng Google đã loại bỏ tên gọi tiếng Trung của Bãi cạn Scarborough ra khỏi dịch vụ Google Maps của mình. Văn phòng Google tại Manila tuyên bố: “Chúng tôi đã ý thức được vấn đề và cập nhật bản Google Maps.”

Philippines triển khai máy bay và tàu chiến ra Biển Đông. Hai tướng lĩnh quân đội của Philippines cho biết hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do tập đoàn Korea Aerospace Industries chế tạo, sẽ được đưa đến căn cứ Hải quân trên vịnh Subic vào đầu năm 2016 sau khi được bàn giao cho Philippines vào tháng 12 tới. Những chiếc FA-50 còn lại mà Philippines đặt hàng tập đoàn Korea Aerospace Industries cùng với phi đội Máy bay Chiến đấu số 5 cũng sẽ được điều đến vịnh Subic. Ngoài ra, hai tàu chiến của Philippines cũng sẽ đồn trú tại cảng Alava. Đây là lần đầu tiên sau 23 năm cơ sở từng được Mỹ sử dụng sẽ vận hành đúng với chức năng của một căn cứ quân sự. 

Philippines ca ngợi sự ủng hộ quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 19/7 cho hay, “Có thêm những tiếng nói ủng hộ chúng tôi trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi hoan nghênh mọi sự ủng hộ lập trường của chúng tôi.” Ông Coloma cũng nhắc tới sự ủng hộ của các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ như ông John McCain và kêu gọi Mỹ tiếp tục cam kết duy trì ổn định trong khu vực.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ chi mạnh tay mua sắm khí tài quân sự. Hội đồng Mua sắm Quốc phòng (DAC) của Ấn Độ ngày 14/7 đã thông qua các đề nghị mua sắm, nâng cấp trang thiết bị quốc phòng trị giá hơn 290 tỷ rupee (tương đương 4,5 tỷ USD). DAC thông qua đề nghị mua thêm 4 máy bay tuần thám biển Boeing P8I; thay thế pháo phòng không L70 và ZU 23 trang bị từ những năm 60 của thế kỷ 20; nâng cấp các hệ thống vũ khí, hệ thống cảm biến của 6 tàu chiến lớp Delhi và Talwar. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ vừa thông báo một kế hoạch đầy tham vọng về việc bổ sung thêm 200 tàu chiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2027. Bên cạnh đó, Hải quân Ấn Độ cũng khẳng định việc phiên chế thêm 6 tàu ngầm và 3 máy bay vận tải quân sự, bổ sung cho 3 trung tâm chỉ huy của hải quân nước này.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản để ngỏ khả năng tuần tra ở Biển Đông. Phát biểu tại CSIS hôm 16/7 trong chuyến thăm Mỹ, Tổng tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano cho hay nếu Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông thì có khả năng Nhật Bản sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra và giám sát ở vùng biển này, “Chúng tôi coi đó là một vấn đề trong tương lai cần cân nhắc dựa trên diễn biến tình hình.” Theo Đô đốc Kawano, Trung Quốc sẽ tiếp tục quyết đoán, tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng, “Nhận định của tôi là khuynh hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai và Trung Quốc vượt ra khỏi chuỗi đảo ở Thái Bình Dương. Do đó, tôi tin rằng tình hình sẽ xấu đi.”

+ Mỹ:

Tàu chiến Mỹ phối hợp tuần tra trên Biển Đông. Hải quân Mỹ hôm 14/7 thông báo tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth đã phối hợp với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tuần tra trên Biển Đông hôm 9/7. Phát biểu với báo giới, chỉ huy tàu Fort Worth ông Rich Jarrett nói: “Hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như khả năng hoạt động tự do trên biển của chúng tôi. Với chiến dịch tuần tra luân phiên kéo dài 16 tháng này, các tàu tác chiến ven biển như Fort Worth sẽ duy trì hiện diện thường xuyên để đóng góp cho sự ổn định trong khu vực.”

Thượng nghị sỹ Mỹ ủng hộ Philippines trong vụ kiện. Các thượng nghị sĩ John McCain, Jack Reed, Bob Corker, Ben Cardin hôm 16/7 đã ra thông cáo ủng hộ cách thức giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông của Philippines. Bốn thượng nghị sĩ trên hoan nghênh việc Philippines kiên trì theo đuổi phương thức hòa bình trong khi Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng như tăng cường các hành động hăm dọa để thúc đẩy yêu sách. Thông cáo kêu gọi Mỹ cần tiếp tục ủng hộ các đồng minh và đối tác nhằm chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc, đồng thời có các bước đi cần thiết để duy trì cán cân quyền lực nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tư lệnh Mỹ trực tiếp tham gia chuyến bay giám sát trên Biển Đông. Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, hôm 18/7 đã trực tiếp tham gia chuyến bay giám sát kéo dài bảy giờ trên chiếc P-8A Poiseidon. Trước đó, phát biểu với báo giới hôm 17/7 ở Manila, Đô đốc Scott Swift khẳng định hải quân Mỹ được trang bị tốt và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào trên Biển Đông. Ông Swift cho biết hải quân có thể triển khai thêm ít nhất 4 tàu tác chiến ven biển so với con số dự kiến ban đầudự định đưa tới khu vực, “Việc mọi người tiếp tục hỏi về cam kết và ý định lâu dài của Hạm đội Thái Bình Dương thực sự cho thấy bất ổn đang diễn ra trong khu vực.”

Quan hệ các nước

Hải quân Singapore, Mỹ tập trận chung trên biển. Ngày 13/7, lực lượng hải quân Singapore và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT) lần thứ 21 tại Căn cứ Hải quân Changi của Singapore. Cuộc tập trận năm nay tập trung vào việc nâng cao khả năng tác chiến trên biển như các chiến dịch tác chiến phòng không, đối hạm và chống ngầm, cũng như các hoạt động không quân của hải quân và phòng thủ tại căn cứ. Tổng cộng 1.400 binh sỹ của hai nước sẽ tham gia. Cuộc tập trận CARAT dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 24/7.

EU: ‘ASEAN nên giải quyết tranh chấp Biển Đông với tư cách một khối.’ Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Bernama hôm 13/7, Đặc phái viên Liên minh Châu Âu (EU) tại Malaysia ông Luc Vandebon cho rằng các nước tranh chấp trong ASEAN nên cân nhắc giải quyết vấn đề với tư cách một khối hơn là từng nước riêng lẻ. Theo ông Vandebon,  dựa trên quan niệm “mười tiếng nói mạnh hơn một,” các nước tranh chấp sẽ có lợi hơn nếu họ tiếp cận vấn đề theo cách này. Ông Vandebon nhấn mạnh, “khoảng 50% khối lượng hàng hóa bằng tàu biển đi qua Biển Đông và EU có nhiều hoạt động xuất-nhập khẩu với khối ASEAN, do đó EU mong muốn hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Chiều 16/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Trương Cao Lệ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc đang có chuyến thăm Việt Nam. Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, xử lý thỏa đáng các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng thời nhấn mạnh hai bên không mở rộng tranh chấp, không làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình; cùng nhau hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Phân tích và đánh giá

Phát triển hải quân có giúp đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông?” của Steven Stashwick

Các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia đang tăng cường năng lực hải quân thông qua các chương trình mua sắm tàu chiến hiện đại. Tuy nhiên, rất khó để nhận định quốc gia nào có ưu thế, đủ khả năng ngăn chặn những thiệt hại bắt nguồn từ cuộc xung đột với một đối thủ mạnh hơn. Đánh giá đầy đủ và có ý nghĩa về năng lực hải quân không chỉ dựa vào số lượng các loại tàu tăng thêm mà phụ thuộc rất nhiều vào phạm vi phân tích kỹ thuật, hậu cần, nhân sự và giới hạn hoạt động trong bối cảnh nhiệm vụ đặt ra, quan trọng nhất là sự hiểu biết về khả năng của đối thủ.

Số lượng tàu chiến của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc lớn hơn tổng số tàu của các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore gộp lại. Với quy mô tương tự, Hạm đội Đông hải đồn trú gần đó, có đủ thời gian để nhanh chóng tiếp ứng. Như vậy để đối phó bằng việc các nước khu vực tăng cường số lượng tàu, điều đó có thực sự mang lại kết quả?

Về cơ bản, việc đánh giá năng lực hải quân khu vực hàm ý về câu hỏi: liệu tàu chiến và đạn dược có giải quyết được vấn đề? Đánh giá tổng thể về tranh chấp ở Biển Đông có thể chia thành ba vấn đề chính: sự bế tắc về các sáng kiến ngoại giao, những đối đầu và va chạm giữa các tàu “vỏ trắng”, và cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Các quốc gia nhỏ trong khu vực đang hiện đại hóa và phát triển hải quân, quá trình này có thể đem lại kết quả trong chiến lược răn đe. Nhưng không thể chắc chắn đây là phương thức tốt nhất để gải quyết vấn đề. Trung Quốc là trường hợp điển hình nhất khi đạt được lợi ích ở Biển Đông mà không dựa vào năng lực hải quân, thay vào đó họ sử dụng các tàu bán quân sự, chấp pháp để khẳng định yêu sách của mình (các loại tàu được sơn vỏ trắng). Ưu điểm sử dụng tàu phi quân sự đã giảm thiểu khả năng leo thang xung đột, gây được áp lực và rủi ro về ngoại giao nếu như các đối thủ sử dụng tàu quân sự.

Thay vì đặt câu hỏi về sức mạnh của tàu chiến và đạn dược, các quốc gia Đông Nam Á trước hết phải đặt câu hỏi liệu cách thức này có giải quyết được vấn đề.

Mỹ cần áp dụng chiến lược nào ở Biển Đông?” của Dennis Blair và Jon Huntsman

Mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đang bước vào giai đoạn mới. Trong khi Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán, tự tin và vươn ra toàn cầu thì Mỹ cũng đang nỗ lực hết sức để bảo vệ lợi ích của mình, chống lại sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên những nỗ lực này không mang lại hiệu quả.

Trong một vài tuyên bố gần đây, Mỹ đã có những phát biểu mạnh mẽ hơn về lợi ích của mình, nhưng chưa đủ để trở thành chiến lược. Các mục tiêu của Mỹ tại Biển Đông cần phải là một phần trong tổng thể chiến lược đối với Trung Quốc, trong đó cần khuyến khích Trung Quốc phát huy vai trò lớn hơn về kinh tế và ngoại giao, đồng thời chỉ ra ranh giới rõ ràng đối với hành động bành trướng lãnh thổ bằng việc xâm lược hay cưỡng ép.

Kế hoạch triển khai chiến lược này gồm một số thành tố như sau: (i) Cần thiết lập một thoả thuận ngoại giao với sự tham gia của tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông, ngoại trừ Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các quốc gia khác. Bất kể Trung Quốc có tham gia hay không, bốn nước còn lại - Việt Nam, Philipines, Malaysia và Brunei cần tiến tới một thỏa thuận chung, trong đó xác định rõ lãnh thổ và tài nguyên của mình. Do sự phức tạp về mặt lịch sử và địa lý của khu vực, thỏa thuận như vậy buộc phải có các thỏa hiệp về lãnh thổ, chia sẻ nguồn tài nguyên và có thể cần quốc tế hóa một số thực thể; (ii) Thoả thuận cần bảo đảm các quy định về tự do hàng hải theo đúng tinh thần của Công ước Luật Biển; (iii) Đối với một thoả thuận như vậy, Mỹ cần triển khai một loạt các hoạt động pháp lý, dân sự và quân sự để hỗ trợ. Cụ thể, Mỹ không nên ngay lập tức sử dụng sức mạnh quân sự kiểu phô trương lực lượng hay tập trận. Mỹ có thể trợ giúp Việt Nam, Philippines, và các bên yêu sách khác phát triển năng lực biển, hỗ trợ hoạt động khai thác chung nguồn tài nguyên trong vùng, và thúc đẩy tự do hàng hải bên ngoài khu vực lãnh hải.

Nhìn chung, ở rất nhiều khu vực khác nhau, chính sách của Mỹ đều quá tập trung vào quân sự thay vì thực hiện chính sách khôn ngoan, chiến lược vững chắc và được hậu thuẫn bởi hoạt động quân sự được tính toán thận trọng. Để quan hệ Mỹ - Trung phát triển ổn định và giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông là vấn đề mà Mỹ phải xử lý thật thỏa đáng.

Trung Quốc nhìn nhận vụ kiện ở Biển Đông như thế nào?“ của Xue Li

Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc không chấp nhận và sẽ không tham gia vào vụ kiện. Việc công bố bản văn kiện lập trường của Trung Quốc ngay trước hạn nộp bản phản biện vào tháng 12 có hai tác dụng: vừa giải thích tại sao tòa không có thẩm quyền đối với vụ kiện vừa nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện

Vào tháng 8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu ra “cách tiếp cận kép”, gửi đến thông điệp rằng Trung Quốc đồng ý xử lý tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ đa phương. Cả khối ASEAN có thể đóng một vai trò thích hợp trong tranh chấp, nhưng Trung Quốc phản đối sự can dự của các nước khác ngoài khu vực. Trung Quốc chấp thuận cách tiếp cận “đa phương khi cần thiết” và “khu vực hóa khi thích hợp”.

Những điểm mạnh và điểm yếu của Tài liệu Lập trường mà Trung Quốc công bố ngày 7/12/2014

Về điểm mạnh: tài liệu đưa ra ba luận điểm: (i) vụ kiện không hợp pháp vì đã vi phạm “Tuyên bố Ứng xử các bên ở Biển Đông” ; (ii) cốt lõi của vụ kiện liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với một số đảo và đá ở Biển Đông và do đó nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước Luật Biển; (iii) Vụ kiện không hợp lý vì đã vi phạm một thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Philippines không đơn phương kiện đối phương ra tòa trọng tài trong khi vẫn còn những kênh giải quyết tranh chấp hiệu quả khác.

Về điểm yếu, tài liệu của Trung Quốc bộc lộ hai điểm yếu: (i) vụ kiện của Philippines chỉ yêu cầu toà trọng tài phân xử việc liệu Trung Quốc có khẳng định quyền trên biển phù hợp với UNCLOS hay không, một vấn đề mà Tòa hoàn toàn có thẩm quyền; (ii) tài liệu lập trường không làm rõ được ý nghĩa của “đường chín đoạn”.

Nhiều khả năng tòa sẽ quyết định có thẩm quyền đối với vụ kiện và vụ kiện của Philippines sẽ giành được sự ủng hộ. Trung Quốc nên chuẩn bị trước cho một vài kết quả có thể xảy ra của tòa sau đây: (i) phán quyết cho rằng “đường chín đoạn” không có giá trị pháp lý. Nếu trường hợp này xảy ra, các nước yêu sách ASEAN sẽ từ bỏ sự thận trọng và tiến hành khoan dầu quy mô lớn bên trong “đường chín đoạn”, có thể kêu gọi hợp tác với nhiều công ty dầu khí quốc tế và do đó sẽ liên quan đến rất nhiều quốc gia; (ii) tòa trọng tài có thể quyết định rằng quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là phù hợp với UNCLOS. Trung Quốc có thể từ chối chấp nhận phán quyết của tòa, lúc này Trung Quốc sẽ bị buộc tội là bá quyền và không tôn trọng luật quốc tế, đẩy các quốc gia ASEAN về phía Mỹ; (iii) tòa trọng tài có thể ra phán quyết rằng một vài hành động của ngư dân Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây - như việc đánh bắt các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng - vi phạm trách nhiệm của Trung Quốc đối với công ước bảo vệ môi trường biển quốc tế.

Sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc đưa ra sáng kiến và bắt đầu ngay từ bây giờ, hơn là chờ đợi cho đến khi buộc phải hành động theo phán quyết không có lợi cho mình.

Ấn Độ và sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc“ của Darshana M. Baruah

Những diễn biến gần đây ở Biển Đông có tác động rất lớn đối với vai trò và lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bấy lâu nay, Ấn Độ vẫn luôn duy trì khoảng cách an toàn, tránh đưa ra những bình luận trực tiếp về vấn đề Biển Đông, thay vào đó chỉ nhấn mạnh đến sự cần thiết của tự do hàng hải.

Tuy nhiên, dưới thời của thủ tướng Modi, khoảng cách này dường như đang thu hẹp. Ấn Độ đã chuyển từ “Chính sách Hướng Đông” sang “Chính sách Hành động hướng Đông.” Trước việc Trung Quốc trỗi dậy và tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ có lẽ đã nhận thức được sự cần thiết về việc liên minh với các chủ thể chính trong khu vực.

Mối quan hệ Trung-Ấn trong bối cảnh hiện tại đặt ra rất nhiều thách thức cho Ấn Độ. Ngoài những nguy cơ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương cũng là mối lo ngại lớn. Trung Quốc cũng cảnh báo Ấn Độ trong việc hợp tác với Việt Nam tìm kiếm, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Một trong những diễn biến rất quan trọng ảnh hưởng tới cấu trúc an ninh biển Ấn Độ Dương là việc tàu ngầm Trung Quốc cập cảng ở Pakistan sau khi đã neo đậu ở Sri Lanka hồi cuối năm 2014. Trung Quốc rõ ràng đang cảnh báo Ấn Độ về tham vọng biến Ấn Độ Dương thành sân sau của mình.

Những thách thức đó đã thúc đẩy Ấn Độ tập trung xây dựng và tăng cường các mối quan hệ song phương với các nhân tố khu vực như ASEAN, thảo luận về việc khôi phục lại Quad (một ý tưởng liên minh an ninh giữa Úc, Ấn, Nhật, Mỹ). Ấn Độ và Úc sẽ khởi động các cuộc tập trận hải quân đầu tiên vào tháng 10, bên cạnh đó New Delhi tỏ ra rất quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ hải quân mạnh mẽ hơn với Indonesia. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tổ chức cuộc gặp gỡ ba bên giữa các Ngoại trưởng Nhật, Úc, Ấn vào tháng 6 năm nay.

Chia sẻ trách nhiệm là cách tốt nhất ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và dường như Ấn Độ cũng mong muốn đóng một vai trò an ninh chủ động hơn trong nỗ lực quản lý các rủi ro ở khu vực này. Để thực hiện điều đó, Ấn Độ cần hành động thường xuyên và công khai hơn nữa. Và những hành động đó phải vừa mang tính biểu tượng lẫn thực chất.

Biển Đông có ý nghĩa như thế nào trong đại chiến lược của Hàn Quốc” của Van Jackson

Trong bài viết của mình, học giả Robert Kelly cho rằng, lý do Hàn Quốc im lặng trước vấn đề Biển Đông là để đổi lấy lợi ích có giá trị lớn hơn: tách Trung Quốc khỏi Triều Tiên, dẫn đến sự sụp đổ của quốc gia này. Tuy nhiên, tác giả cho rằng: (i) Trung Quốc luôn quan ngại về sự sụp đổ của Triều Tiên, vì điều đó sẽ dẫn đến dòng người tị nạn tràn sang Trung Quốc; (ii) theo nhận thức về sự tan rã và sáp nhập chính trị thì các quốc gia hạt nhân không thể sụp đổ. Và nếu Trung Quốc có từ bỏ Triều Tiên, quốc gia này sẽ ngả sang Nga; (iii) Trung Quốc cần con bài Triều Tiên để mặc cả với Mỹ; (iv) luôn tồn tại mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Trung Quốc về vấn đề phòng thủ tên lửa, tuyên bố vùng ADIZ của Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ. Điều quan trọng là, nguyên nhân lạnh nhạt trong quan hệ Trung- Triều bắt nguồn từ những va chạm dọc biên giới hai nước, sự thiếu tôn trọng của Kim Jong Un và thái độ coi thường lời khuyên của Trung Quốc hạn chế các hành động khiêu khích và quay lại vòng Đàm phán Sáu bên.

Hàn Quốc không nên đặt Triều Tiên vị trí trung tâm trong tư duy chiến lược của mình bởi những lý do sau: (i) trong bối cảnh trật tự an ninh châu Á vẫn tiếp diễn phức tạp, việc chỉ tập trung vào Triều Tiên sẽ khiến Hàn Quốc có nguy cơ mất đi tiếng nói ở khu vực; (ii) thúc đẩy các cường quốc gia tăng tầm ảnh hưởng với Triều Tiên. Do đó, thay vì tác động vào chính sách của Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc nên tận dụng vị thế đặc biệt của mình với Bắc Triều để gây ảnh hưởng đến các cường quốc khu vực.

Vì vậy, đại chiến lược của Hàn Quốc nên: (i) đặt vấn đề Triều Tiên ngang bằng với các mối quan tâm khác; (ii) cần có tiếng nói đúng mực về vấn đề Biển Đông bởi trước hết là mối quan hệ tương đối với Trung Quốc và  sau đó là ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc đang hỗ trợ đắc lực cho quân đội của các nước Đông Nam Á trong mục tiêu thúc đẩy an ninh biển.

Với một quốc gia tầm trung như Hàn Quốc, can dự vào Biển Đông là cơ hội cho phép nước này định hướng những xu thế thay đổi trong trật tự và cạnh tranh khu vực. Việc đóng vai trò tích cực và mang tính hợp tác đối với các vấn đề lớn của khu vực sẽ có tác động lớn đến lợi ích của chính Hàn Quốc. Không can dự vào vấn đề Biển Đông đồng nghĩa với việc tương lai của một khu vực quan trọng bậc nhất thế giới sẽ được quyết định  mà không có Hàn Quốc./.