Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Tàu sân bay Trung Quốc tham gia diễn tập bắn đạn thật trên biển. Truyền thông Trung Quốc cho hay hải quân nước này vừa tiến hành cuộc diễn tập, với sự tham gia của nhiều tàu hải quân và máy bay, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh, trên biển Bột Hải. Tàu Liêu Ninh đã thực hiện huấn luyện trinh sát cũng như nhiều nội dung diễn tập liên quan tới các hệ thống cảnh báo sớm, đánh chặn trên không, tấn công trên biển, phòng không và chống tên lửa. Khi diễn tập bắn đạn thật, một số phi đội J-15 trên tàu sân bay đã thực hành tấn công.

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tuần tra Biển Đông và Biển Hoa Đông. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc ông Shen Jinke hôm 15/12 cho hay, “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động huấn luyện và tuần tra tại Biển Đông và Biển Hoa Đông như thường lệ. Những hoạt động quân sự như vậy thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của không quân Trung Quốc trong khu vực, đồng thời để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.” Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có những thông tin về việc máy bay ném bom hạt nhân H-6 của Trung Quốc bay gần Đài Loan và Eo biển Miyako của Nhật Bản.

Trung Quốc bao biện việc quân sự hóa Biển Đông. Về hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang lắp đặt hệ thống vũ khí trên bảy thực thể ở Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 15/12 cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng những thực thể ở Biển Đông là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.Việc Trung Quốc xây dựng công trình và triển khai thiết bị phòng vệ là điều hết sức bình thường của một quốc gia có chủ quyền. Điều này không thể coi là hành động quân sự hóa.” Về bình luận của Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ gần đây, ông Cảnh cho hay, “Tình hình ở Biển Đông hiện nay ổn định, nhờ nỗ lực của Trung Quốc và những nước khác trong khu vực. Chúng tôi hy vọng Mỹ giữ lời hứa của mình và không đứng về bên nào tranh chấp, tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực và cùng nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định Biển Đông.”

+ Việt Nam:

Phản đối Trung Quốc tổ chức cái gọi là "70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa". Ngày 12/12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố: “Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoạt động nói trên của Trung Quốc không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây phức tạp tình hình”. Về thông tin Trung Quốc dường như đã triển khai hệ thống vũ khí tại bảy thực thể ở Biển Đông, Người Phát ngôn Hải Bình ngày 16/12 nêu rõ: “Chúng tôi phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.”

+ Philippines:

Tổng thống Duterte yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Philippines. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16/12 sau chuyến công du Campuchia và Singapore, Tổng thống Duterte tuyên bố Mỹ hãy chuẩn bị cho việc hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (VFA). Văn kiện hợp tác quốc phòng được hai nước ký năm 1998 cho phép quân đội Mỹ triển khai luân phiên binh sỹ và trang thiết bị quân sự tại Philippines để phục vụ các cuộc tập trận chung và các hoạt động cứu trợ thảm họa. Ông Duterte cũng khẳng định Philippines có thể tồn tại "mà không cần tiền của Mỹ" sau khi một cơ quan viện trợ Mỹ hoãn quyết định cung cấp tài chính cho Philippines. Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ công bố quyết định cuối cùng vào “một ngày không xa” sau khi đánh giá lại Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Mỹ.

Philippines đề nghị Chính phủ Mỹ viện trợ vô điều kiện. Phát biểu với các phóng viên tại Singapore ngày 16/12, Ngoại trưởng Perfecto Yasay đề nghị Mỹ xem xét lại quyết định tạm ngừng cung cấp viện trợ nhân đạo cho nước này. Ông Yasay bày tỏ hy vọng Mỹ xem xét viện trợ mà không kèm điều kiện, đồng thời hành xử trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng. Nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines cũng cho rằng nếu Washington rốt cuộc quyết định ngừng viện trợ vì quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Philippines, điều này cũng sẽ không có "tác động lớn" tới tình hình kinh tế của Manila.

Tổng thống Philippines tuyên bố gác phán quyết Biển Đông sang một bên. Tại cuộc họp báo hôm 17/12, về việc một cơ quan nghiên cứu của Mỹ gần đây đánh giá việc Trung Quốc lắp đặt vũ khí phòng không và chống tên lửa trên các đảo nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của ông Duterte đối với Bắc Kinh, Tổng thống Duterte cho hay, “Trong bối cảnh chính trị hiện tại, tôi sẽ gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài. Tôi sẽ không áp đặt bất kỳ điều gì đối với Trung Quốc”. Trước đó hôm 15/2, Ngoại trưởng Philippines Yasay cho biết nước này đang tạm gác tranh chấp ở Biển Đông để tập trung cải thiện quan hệ với Trung Quốc về thương mại và chính trị, "Chỉ có một cách duy nhất để tiến về phía trước là đẩy mạnh các khía cạnh trong quan hệ hai nước, đảm bảo rằng xây dựng lòng tin trước khi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình". Ngoại trưởng Yasay nhận xét, “Chúng ta sẽ làm gì? Đẩy mình vào chiến tranh với Trung Quốc để rồi không bên nào có thể giành chiến thắng? Chẳng ai muốn chiến tranh cả”. Ông Yasay nhấn mạnh việc tìm ra giải pháp thực sự cho tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc phải dựa trên cơ sở song phương.

+ Mỹ:

Đô đốc Mỹ: ‘Mỹ sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh tại Biển Đông’. Trong bài phát biểu ở Sydney ngày 14/12, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Đô đốc Harris cho biết Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài, "Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục những hành động quyết đoán. Chúng tôi sẽ không cho phép vùng biển chung bị phong tỏa bởi những hành động đơn phương, cho dù họ có xây bao nhiêu căn cứ hay thực thể nhân tạo. Mỹ sẽ hợp tác khi cần thiết, nhưng cũng sẵn sàng đối đầu nếu buộc phải làm vậy". Đô đốc Harris khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động tự do hàng hải, "Cuộc chiến đầu tiên sau độc lập của Mỹ sẽ là bảo đảm tự do hàng hải. Đây là một nguyên tắc lâu dài và là một trong những lý do mà quân đội Mỹ sẵn sàng bảo vệ".

Mỹ yêu cầu Trung Quốc trả lại thiết bị lặn không người lái Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook hôm 16/12 tuyên bố: “Trung Quốc hôm 15/12 đã thu giữ bất hợp pháp tàu lặn không người lái (UUV) khi nó đang nổi lên để trở về tàu khảo sát đại dương của hải quân Mỹ. Vụ việc xảy ra khi tàu khảo sát USNS Bowditch (T-AGS 62) và UUV đang tiến hành hoạt động bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế khu vực cách Vịnh Subic khoảng 50 hải lý về phía tây bắc, thì tàu hải quân của Trung Quốc cho tàura thu giữ UUV. Chúng tôi đề nghị phía Trung Quốc trao trả thiết bị này và hành động theo các nghĩa vụ của luật pháp quốc tế.” Đến hôm 19/12, ông Peter Cook cho hay, “tàu hải quân Trung Quốc đã trả lại thiết bị UUV cho Mỹ gần khu vực mà Trung Quốc bắt giữa trái phép thiết bị này. Vụ việc trên trái với luật pháp quốc tế và các chuẩn mực hành xử chuyên nghiệp của hải quân trên biển. Mỹ tiếp tục bảo vệ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế cùng tự do hàng hải, hàng không. Mỹ sẽ hoạt động trên Biển Đông và bất cứ nơi nào luật pháp cho phép.”

+ Úc:

Úc chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Trong một tuyên bố gửi Fairfax Media hôm 15/12, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nhấn mạnh, “Việc xây dựng các đảo nhân tạo và khả năng quân sự hóa trên các đảo này đang tạo ra một môi trường căng thẳng và ngờ vực giữa các bên tranh chấp cũng như các nước khác trong khu vực. Úc thúc giục các nước tranh chấp kiềm chế hành động cưỡng ép và đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng.” Bà Bishop lưu ý rằng điều này không có lợi cho bất cứ nước nào và sẽ tổn hại đến chính các bên hành xử như vậy.

Quan hệ các nước

Đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung. Trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lưu Chấn Dân. Về các vấn đề trên biển, hai bên khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt - Trung,” xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, không làm phức tạp tình hình, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy hợp tác phù hợp. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy vững chắc tiến trình đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển của các nhóm công tác về các vấn đề trên biển.

Campuchia - Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự. Ngày 15/12, tại Học viện Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia, Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã khai mạc cuộc huấn luyện quân sự mang tên “Rồng Vàng 2016.” Phát biểu tại buổi lễ, đại diện hai bên tuyên bố mục đích cuộc huấn luyện này nhằm trao đổi kinh nghiệm về cứu trợ thiên tai, hoạt động nhân đạo và chống khủng bố, qua đó củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước. Cuộc huấn luyện sẽ diễn ra trong trong 8 ngày, từ ngày 15-23/12.

Cảnh sát biển Philippines - Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác. Hai lực lượng đã tiến hành cuộc họp đầu tiên, diễn ra trong 2 ngày từ 15-16/12 tại Manila, để thảo luận về việc thành lập Ủy ban Bảo vệ Bờ biển chung (JCGC). Hai bên nhấn mạnh về những lĩnh vực có thể hợp tác như chống buôn lậu ma túy và những tội phạm trên biển khác, cũng như bảo vệ môi trường và hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Dự kiến, cuộc họp thứ hai của lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước và cuộc họp đầu tiên của JCGC sẽ diễn ra vào tháng 2/2017 tại Philippines.

Hải quân Ấn - Mỹ - Nhật tập trận chung về chống tàu ngầm. Trả lời báo chí hôm 16/12, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Phó Đô đốc Joseph P. Aucoin cho biết cuộc tập trận hải quân ba bên sắp tới mang tên “Malabar” với khoa mục chính là chống tàu ngầm. Ông cho biết cuộc tập trận sẽ được tổ chức trong năm tới ở Ấn Độ Dương nhưng địa điểm và thời gian vẫn chưa được quyết định. Malabar là cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Mỹ nhưng giờ đâycó Nhật Bản tham gia với tư cách là đối tác thường trực.

Phân tích và đánh giá

Bình luận về việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ

Theo Stratfor, việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ đang tạo ra bước leo thang căng thẳng mới trong mối quan hệ. Vụ việc xảy ra đúng vào lúc cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Trung Quốc và chính quyền sắp tới của Mỹ. Động thái của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm leo thang thẳng căng thẳng với Mỹ. Vụ việc lần này rõ ràng nhằm phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc sẵn sàng gây áp lực lên Mỹ nếu như Mỹ xem xét lại việc công nhận vị thế của Đài Loan. Cũng có thể Bắc Kinh muốn thể hiện rằng họ không có ý định thay đổi chiến thuật quyết đoán tại Biển Đông.

Bằng cách bắt giữ thiết bị của Mỹ, có thể Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền của mình tại các vùng biển tranh chấp bất luận phán quyết của Tòa Trọng tài phủ nhận các tuyên bố của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc tất nhiên còn muốn giải quyết những quan ngại an ninh trực tiếp hơn vì Bowditch có thể cải thiện khả năng nhằm mục tiêu của các tàu tuần tra và theo dõi tàu ngầm của Mỹ.

Còn tại Mỹ, vụ việc chắc chắn sẽ thổi bùng cuộc tranh cãi về việc đâu là cách thức tốt nhất để xử lý mối quan hệ của Washington và Bắc Kinh trong những năm tới, nhất là khi ông Trump đang chuẩn bị lên cầm quyền. Trong khi đó, đối với các quốc gia Đông Nam Á vốn đang phải vật lộn để bảo vệ những lợi ích biển của mình, vị thế của họ tại các vùng biển tranh chấp càng trở nên bấp bênh hơn nữa. Hải quân Mỹ có thể sẽ buộc phải đáp trả bằng cách tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông và bổ sung các tàu do thám có vũ trang để hộ tống. Đổi lại, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh những chiến dịch trả đũa Washington.

Tờ The Wall Street Journal cũng cho rằng vụ Trung Quốc bắt giữ thiết bị của Mỹ đánh dấu nấc leo thang mới trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các hoạt động do thám hải quân của Mỹ và có thể phản ánh những quan ngại ngày càng tăng của Trung Quốc trước việc Mỹ theo dõi tàu ngầm của Bắc Kinh.

Địa điểm thu giữ cho thấy Trung Quốc muốn trực tiếp cản trở Mỹ tiến hành các hoạt động do thám tại các vùng biển nằm trong bản đồ “Đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Theo các chuyên gia, vụ việc có thể nhằm thử thách quyết tâm của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Bắc Kinh cũng có thể đang tìm cách khai thác trạng thái trì trệ tại Washington trong những ngày cuối cùng của Chính quyền Obama.

Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy ở Sydney, cho rằng mục đích của vụ việc trên là reo rắc sự bất đồng hơn nữa giữa Mỹ và Tổng thống Philippines. Duterte đã lảng tránh Washington trong khi xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Thời gian qua, các quan chức Philippines bớt chỉ trích những hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông, mặc dù tuần qua một số người đã bày tỏ qua ngại sau khi một cơ quan tư vấn của Mỹ cho biết các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã triển khai máy bay và một số vũ khí khác trên các hòn đảo nhân tạo của họ. Phủ Tổng thống Philippines chưa phản hồi trước đề nghị bình luận về vụ thu giữ thiết bị lặn nêu trên.

Mỹ đang mất Đông Á vào tay Trung Quốc?của Bob Savic

Cú sốc chính trị lớn đầu tiên phải kể đến việc Tổng thống Philippines công khai tuyên bố xoay trục khỏi Mỹ. Bên cạnh các vấn đề trong nước, ưu tiên hàng đầu trong sự xoay trục của Duterte nhiều khả năng chính là do nhu cầu chuyển dịch mối quan hệ đồng minh địa chính trị và lợi ích kinh tế.

Không lâu sau tuyên bố Trung Quốc và Philippines có quan hệ gắn bó hơn, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng theo đó gây ra sóng gió trên chính trường quốc tế bằng việc tái khẳng định quan hệ an ninh gắn bó hơn với Trung Quốc. Ở một chừng mực nhất định, sự chuyển dịch địa chính trị của Malaysia không hoàn toàn là điều bất ngờ.

Quan hệ đan xen của ASEAN với Mỹ và Trung Quốc

Trên thực tế, ASEAN không yêu cầu các thành viên của mình có chung một chính sách đối ngoại thống nhất. Trên thực tế, nguyên tắc độc lập chủ quyền luôn được bảo vệ.

Lào công khai tuyên bố quan hệ gần gũi với Trung Quốc đầu năm 2016. Campuchia cũng bị cuốn hút vào những lời đề nghị cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và những khoản vay ưu đãi. Thủ tướng Hun Sen, khi nói về Trung Quốc, ông cho rằng Trung Quốc là “người bạn thân thiết nhất” của Campuchia. Hơn nữa, sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Campuchia đã kiềm chế quan hệ của Campuchia với Mỹ và châu Âu.

Các quốc gia ASEAN khác vẫn thực thi chính sách đối ngoại nhằm hướng tới sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc toàn cầu. Việt Nam là quốc gia chủ yếu rất quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực này, đặc biệt là đối với những va chạm gần đây xung quanh những thực thể nằm trong vùng chồng lấn ở Biển Đông.

Kể từ khi chính quyền quân sự Thái Lan lên nắm quyền, quan hệ kinh tế-chính trị với Mỹ và châu Âu ngày càng lộ rõ bất cập. Chính phủ quân đội Thái Lan đã thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Trung Quốc gần đây đã vượt qua Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan.

Bắc Kinh mong muốn duy trì ảnh hưởng trong quan hệ với Myanmar bằng cách tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như tăng cường quan hệ chính trị với chính phủ của bà Suu Kyi.

Singapore và Indonesia vẫn giữ quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ suốt những năm qua. Cùng lúc đó, cả 2 cũng tăng cường liên hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế, đồng thời cũng tái khẳng định quan hệ chính trị gần gũi hơn trong quan hệ đang tiến triển với Washington.

Sự bất định của chính sách đối ngoại Hàn Quốc

Bê bối chính trị của Tổng thống Hàn Quốc vỡ lở. Bà Park Geun-hye bị Quốc hội luận tội ngày 9/12. Bà Park bị tước quyền Tổng thống để chờ chấp thuận bản luận tội của Toà Hiến pháp.

Từ khi Trung Quốc (và Nga) tăng cường phản đối việc triển khai THAAD, và cùng với bê bối chính trị của bà Park, sự phản đối ngày càng lớn. Hơn nữa, chiến thắng của đảng đối lập trong cuộc bầu cử Quốc hội năm nay, dẫn tới thất bại đầu tiên của đảng của bà Park trong việc chiếm đa số trong Quốc hội 16 năm qua, càng thể hiện khả năng chính đảng này sẽ chuyển hướng khỏi việc hợp tác gần gũi truyền của Seoul với Mỹ về chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng.

Kết luận

Đường hướng đối ngoại xoay trục khỏi Mỹ, hướng Trung Quốc và Nga, hiện nay đang ăn sâu bám rễ ở một vài nước Đông Á, có thể được mô tả như sự sụp đổ của các quân bài domino ở các nước Đông Nam Á. Vị thế của Mỹ tại Đông Á có vẻ lung hay hơn bao giờ hết, và Tổng thống Trump thậm chí vẫn còn chưa nhậm chức.

Nhu cầu năng lượng định hình hành vi Trung Quốc trên Biển Đông của Sagatom Saha và Quinn Marschik

Hiện là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ cần nhiều năng lượng hơn nữa trong các năm sắp tới để duy trì hoạt động đô thị hóa và công nghiệp hóa.

Trung Quốc đang hướng đến việc tiếp cận Biển Đông một cách không bị hạn chế để đáp ứng tất cả các nhu cầu này. Hiện nay, 86% lượng dầu mỏ nhập khẩu, cũng như hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc, được trung chuyển qua Biển Đông. Hơn nữa, Biển Đông được cho là có tiềm năng cung cấp đến 11 triệu thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt, tương đương sản lượng của Algeria.

Việc đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong nước có ý nghĩa quan trọng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hơn nhiều người nghĩ. Đối với Bắc Kinh, các tuyến hàng hải trên Biển Đông cần phải được đảm bảo - cho dù có tổn hại đến hình ảnh của họ trong khu vực và thế giới - nhằm duy trì sự tín nhiệm trong nước.

Chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp tới sẽ có một số lựa chọn để xây dựng chính sách năng lượng kiên quyết hơn ở châu Á-Thái Bình Dương. Đầu tiên, các quan chức Mỹ nên khuyến khích các đối tác châu Á tham gia vào các dự án năng lượng bởi điều này mang lại lợi ích cho tất cả các bên và không ảnh hưởng đến các lợi ích quốc gia của riêng họ. Chính quyền Mỹ sắp tới không cần phản đối sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.  

Để làm được điều đó, Mỹ cũng nên thúc đẩy xuất khẩu nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Á-Thái Bình Dương, hiện chỉ ở mức chưa đầy 4% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ. Một cam kết chắc chắn hơn từ phía Mỹ có thể làm giảm sức ép cho khu vực.

Thứ hai, để đưa ra một giải pháp lâu dài cho nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và cuộc đối đầu ở Biển Đông, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ sắp tới nên theo đuổi hợp tác mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong lĩnh vực đổi mới và an ninh năng lượng. Chính quyền Mỹ sắp tới nên ủng hộ việc kết nạp Trung Quốc vào Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA). Bên cạnh đó, Mỹ cũng nên khuyến khích Trung Quốc tăng cường đổi mới trong lĩnh vực năng lượng.

Cuối cùng, Mỹ nên sử dụng vị trí của họ trong Liên hợp quốc (LHQ) để cố gắng điều chỉnh lại các vùng đặc quyền kinh tế. Rõ ràng rằng phạm vi 200 hải lý với các tuyên bố chủ quyền chồng lấn đang kích động lập trường thù địch của Trung Quốc trên Biển Đông. Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ sắp tới, nên thúc đẩy các biện pháp để hạn chế đặc quyền ở những khu vực chồng lấn, cũng như các cơ chế để cùng khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu và khí đốt. Nhiệm vụ này sẽ trở nên rất phức tạp bởi Mỹ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS, dù Mỹ là động lực chính đằng sau việc đàm phán, phê chuẩn và hành động theo các điều khoản của UNCLOS trên thực tế.

Washington không nên thúc đẩy các sự lựa chọn quân sự có nguy cơ leo thang căng thẳng với Trung Quốc chừng nào các sự lựa chọn khác còn được tính đến. Việc đề ra một chiến lược dựa trên vấn đề năng lượng giúp Mỹ có cơ hội tốt hơn để đảm bảo một Biển Đông hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các nước.

Mỹ cần đương đầu với mối đe dọa mang tên Trung Quốc của Peter Morici

Tổng thống  đắc cử của Mỹ sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trước mắt: cuộc chiến chống tổ chức IS, cải tổ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare và thúc đẩy tăng trưởng vốn đang trì trệ. Tuy nhiên, những thách thức về kinh tế và địa chính trị bắt nguồn từ một Trung Quốc ngày càng hung hăng mới là điều đáng lo ngại nhất, đe dọa vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu và vị thế nền kinh tế số 1 thế giới của Washington.

Tiền lương tăng khiến hoạt động sản xuất tại các trung tâm chế tạo vùng duyên hải Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn, gây ra nhiều lệch lạc trong cơ cấu xã hội tại các khu vực này. Lấy ví dụ, tại Quảng Đông, một trung tâm chế tạo lớn gần Hong Kong, dân số đã giảm từ 12 triệu người xuống 7 triệu người trong một thập kỷ qua. 

Để bù đắp tổn thất về việc làm và hạn chế bất ổn chính trị, Bắc Kinh đang triển khai một chiến lược gồm hai hướng: Một mặt, áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với đầu tư nước ngoài, khiến giá đồng nhân dân tệ càng xuống thấp, tăng trợ cấp cho các ngành chế tạo cơ bản, thắt chặt quản lý đối với ngành nhập khẩu và củng cố các doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao khả năng độc quyền của họ. Mặt khác, Chính quyền Bắc Kinh khuyến khích nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ làm giảm tính cạnh tranh của Mỹ và châu Âu thông qua việc trợ cấp và hỗ trợ đáng kể cho các dự án khởi nghiệp, mua lại các doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu, thắt chặt quy định đối với các công ty công nghệ Mỹ và nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc.

Trên thực tế, tiền kiếm được từ thặng dư thương mại khổng lồ đang được Trung Quốc sử dụng để thúc đẩy mạnh mẽ năng lực hải quân và không quân, cũng như các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, cho phép họ có thể vươn tầm với trên khắp khu vực châu Á, tới tận châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Trung Quốc cũng đã thành lập Ngân hàng AIIB và rót hàng tỷ USD vào các nền kinh tế tại châu Á và châu Phi thông qua các dự án vận tải và đầu tư trực tiếp.

Tổng thống Obama vẫn không nghe theo lời khuyên của giới chức quốc phòng trong việc mạnh mẽ phản đối và có các biện pháp nhằm thách thức hoạt động xây đảo nhân tạo, củng cố cơ sở hạ tầng và quân sự hóa vùng Biển Đông của Trung Quốc. Sức mạnh quân sự ngày càng tăng cùng các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc đang dần lôi kéo Philippines, một đồng minh lâu năm của Mỹ, ngả vào quỹ đạo của họ. Điều này về cơ bản sẽ làm suy yếu chiến lược của Mỹ trong việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và bảo vệ các tuyến đường biển trước tham vọng thao túng của Trung Quốc, dựa trên nền tảng luật pháp, nhất là phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như thông qua hợp tác quân sự và ngoại giao với các đồng minh trong khu vực. 

Tổng thống mới của Mỹ phải sẵn sàng cho nguy cơ đối đầu ngoại giao và thậm chí là quân sự tại Thái Bình Dương, đối phó với Trung Quốc trên mặt trận thương mại thiếu công bằng vốn đang “giúp ích” cho các tham vọng bành trướng của quốc gia này. Sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ phụ thuộc vào cách mà Tổng thống đắc cử và chính quyền mới giải quyết các thách thức ấy. 

Đằng sau phản ứng thận trọng của Trung Quốc đối với Tổng thống đắc cử Mỹ của Katsuji Nakajawa

Phản ứng của Trung Quốc trước sự việc ông Donal Trump có cuộc điện đàm lịch sử với nhà lãnh đạo Đài Loan, so với các động thái từ trước tới nay, là khá “yếu ớt”. Trả lời câu hỏi của báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết “cuộc điện đàm là chiêu trò từ phía Đài Loan, và điều nay hoàn toàn không thể làm thay đổi chủ trương một Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế xây dựng”. Ông Vương Nghị chỉ phê phán phía bà Thái Văn Anh và nhắc đến chủ trương của Trung Quốc, mà không đề cập tới ông Trump. 

Có một người Mỹ nắm giữ chìa khóa giải đáp câu đố này. Đó chính là cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người vừa có chuyến thăm Bắc Kinh gần đây. Trước đó, ngày 17/11, Kissinger đã có một cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đau đầu tìm đối sách với chính quyền sắp tới của Mỹ, và ông Tập đã chân thành lắng nghe sự tư vấn của vị chiến lược gia 93 tuổi này.

Theo lời mời của Hiệp hội Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc - một tổ chức nhằm thu hút những người có tư tưởng thân Trung Quốc tại các quốc gia, ông Kissinger đã tới thăm Trung Quốc, và có cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn - tư lệnh chống tham nhũng của Trung Quốc. Cuộc gặp với Vương Kỳ Sơn được đánh giá là bất thường vì nhân vật này hiện tại không liên quan nhiều đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Tuy nhiên, Vương Kỳ Sơn là người từng phụ trách quan hệ với Mỹ khi còn là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, tài chính cho đến năm 2013. Cuộc gặp lại với Kissinger có thể nói “hai bên đã hiểu về nhau”. Ông Tập Cận Bình tin tưởng Vương Kỳ Sơn là người quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Kissinger. 

Chủ đề bao trùm trong buổi hội đàm giữa Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn và Kissinger có lẽ là đối sách với chính quyền Donald Trump sắp tới. Ông Kissinger đã tư vấn về quan hệ Trung-Mỹ nên được xây dựng trên tinh thần hợp tác và Trung Quốc với vị thế hiện tại không nên vội vã tạo quan hệ với ông Donald Trump. 

Trước phản ứng của Chính phủ Trung Quốc về cuộc điện đàm, ông Trump đã có những phản ứng lại. Trên Twitter ngày 4/12 ông Trump viết: “Trung Quốc xây dựng một tổ hợp quân sự ở giữa Biển Đông có yêu cầu sự cho phép của chúng ta? Tôi không nghĩ như vậy”. Ông Trump còn tạo áp lực kinh tế với Trung Quốc khi cho biết Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ; và chỉ trích Trung Quốc đánh thuế cao đối với hàng hóa Mỹ.

Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đối với phát ngôn và hành động của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là cực kỳ thận trọng và không có nội dung suy đoán. Bên trong phản ứng này chắc chắn có sự tham vấn của Kissinger.

Sau khi trở về Mỹ, ngày 5/12, Kissinger đã mở hội nghị các nhà tài trợ cho ủy ban quốc gia quan hệ Trung-Mỹ. Trong sự kiện này, Kissinger đã đánh giá cao phản ứng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Văn Anh. Ông Kissinger cũng xác nhận đã tư vấn cho Tập Cận Bình về phản ứng đối với phát ngôn và hành động của ông Trump. /.