I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc hứa sẽ làm cho biển Đông an toàn. Trong một hội nghị quốc tế về việc thực thi Tuyên bố Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC) và duy trì tự do hàng hải và ninh trên biển được tổ chức từ 14 đến 15 tháng 12 tại Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã phát biểu rằng “là một tuyến đường quan trọng đối với việc chuyên chở năng lượng và các hoạt động ngoại thương của Trung Quốc, tự do hàng hải và sự an toàn ở Biển Đông là tối quan trọng. Trung Quốc tiếp tục khẳng định rằng tự do hàng hải và hàng không của mỗi quốc gia ở khu vực Biển Đông theo như luật pháp quốc tế sẽ được đảm bảo hoàn toàn.” [1]

Thế giới đang xem xét ý đồ quân sự của Trung Quốc”. Ngày 6/12, phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước lực lượng Hải quân Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của phương tiện truyền thống nước ngoài, tập trung vào hai luồng quan điểm cụ thể: (1) “Trung Quốc phải đẩy nhanh cải cách lực lượng hải quân” và (2) “Tăng cường sẵn sàng chuẩn bị cho chiến đấu quân sự”. Những chỉ đạo của chủ tịch Hồ Cẩm Đào đối với lực lượng hải quân Trung Quốc không khác mấy so với những gì mà lãnh đạo hoặc tổng tham mưu trưởng của bất kỳ quốc gia nào chỉ đạo đối với quân đội nước mình. Điều này cũng là yêu cầu thường kỳ trong bất cứ lực lượng vũ trang nào đặc biệt là lực lượng vũ trang của nước đang phát triển. Các nước cần nhìn nhận vấn đề này ở khía cạnh bình thường bởi họ có thể phiên dịch quá mức về động thái quân sự của Trung Quốc[2].

“Giải quyết tranh chấp với các nước xung quanh, Trung Quốc phải dám đánh thì mới có thể nói hòa” của Thiếu tướng quân đội Trung Quốc La Viện. Thực tế, Trung Quốc không có lý do gì để phải e ngại việc mượn sức mạnh quân sự, bởi không có quốc gia nào giải quyết tranh chấp mà không dựa vào hậu thuẫn của quân sự? Nếu từ bỏ biện pháp đấu tranh quân sự thì sẽ chỉ còn là con hổ giấy. Để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng, Trung Quốc cần phải nắm chắc cả hai tay, vừa có ân vừa có uy, vừa cương lại vừa nhu. Phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong hoàn cảnh không mong muốn nhất. Chỉ có phòng bị tốt thì mới không lo lắng, chỉ có dám chiến tranh thì mới có thể nói tới hòa bình[3].

+ Việt Nam:

Bài học ngoại giao hàng đầu là lợi ích quốc gia. Vấn đề độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một chủ đề nổi bật của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 khai mạc tại Hà Nội sáng 12.12. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, ngành ngoại giao có trách nhiệm chủ yếu trong việc triển khai đàm phán để tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp trong khuôn khổ song phương trên vấn đề liên quan chỉ tới hai nước và đa phương trên những vấn đề liên quan tới nhiều nước, nhiều bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), đồng thời cùng các nước hữu quan sớm soạn thảo Bản quy tắc ứng xử (COC)[4].

Hợp tác dầu khí Việt- Ấn sẽ được tăng cường. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá quan hệ giữa hai nước hiện nay đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, đặc biệt sau chuyến thăm mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Những thỏa thuận giữa hai bên đang được triển khai tốt, trong đó có hợp tác về dầu khí. "Tôi tin rằng hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng cường, phát triển, bởi Việt Nam là địa bàn hợp tác truyền thống của Ấn Độ", ông Tân bình luận[5].

+ Philíppin:

Tổng thống Philippines yêu cầu Mỹ trang bị chiến đấu cơ. Phát biểu tại căn cứ không quân Villamor hôm thứ bảy, 10/12/2011, tổng thống Benigno Aquino cho biết Manila sẽ yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ trợ giúp quân sự cho Philíppin, đặc biệt là trang bị chiến đấu cơ cho không quân nước này. Tổng thống Philíppin dự trù công du Hoa Kỳ vào tháng Tư 2012, theo lời mời của tổng thống Mỹ Barack Obama[6].

Philippines giao nhiệm vụ tuần tra cho chiến hạm mới. Vào hôm 14/12/2011, Tổng thống Benigno Aqunio đã chứng kiến lễ trao nhiệm vụ cho chiếc khu trục hạm BRP Gregorio del Pilar. Với trọng tải 3.390 tấn, đây là chiến hạm thuộc loại tối tân và mạnh nhất của Philippines. Hải quân Philippines cho biết chiến hạm mới này sẽ được triển khai ở vùng biển phía tây đảo Palawan, đặc biệt là xung quanh một khu vực tên là Malampaya, nơi có mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất của nước này[7].

Philíppin tăng cường phòng thủ lãnh hải. Ngày 12/12, tại lễ nhậm chức, tân Tham mưu trưởng quân đội Philíppin, Tướng Jessie Dellosa, lên tiếng nói rõ sẽ tập trung tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước trong tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay. Ông cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường quân lực không quân và hải quân vùng biển Bắc Philíppin đồng thời nêu 4 mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ của mình là: bảo vệ lãnh thổ, giữ vững hòa bình trong nước, đối phó với thảm họa và thay đổi bộ máy. Quân đội Philíppin với quân số 125.000 người được xem là một trong những lực lượng vũ trang yếu nhất châu Á[8].

+ Mỹ:

Mỹ sẽ đưa tàu chiến tới đồn trú ở Singapore. Tư lệnh phụ trách các hoạt động của Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Hải quân Mỹ sẽ tăng cường hiện diện chiến lược ở các tuyến hàng hải chiến lược ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo lời quan chức này, Hải quân Mỹ dự kiến triển khai một vài tàu chiến mới nhất của nước này ở căn cứ hải quân của Singapore sau khi triển khai lính thủy đánh bộ đến đảo Darwin của Australia vào năm tới[9].

Oasinhtơn tìm cách giải tỏa quan ngại của Bắc Kinh về quan hệ Mỹ-Ôxtrâylia. Cuộc đối thoại quốc phòng thường niên Mỹ-Trung, với sự tham dự của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên, vẫn được xúc tiến bất chấp những căng thẳng gần đây giữa hai nước. Trong cuộc họp tại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, bà Flournoy nói: "Chúng tôi đã khẳng định với Tướng Mã Hiểu Thiên và phái đoàn của ông ta rằng Mỹ không có ý định kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi không coi Trung Quốc là đối thủ. Kế hoạch này của Mỹ là nhằm tăng cường quan hệ với một "đồng minh trung thành và đáng tin cậy. Vì vậy, nó thực sự không liên quan gì đến Trung Quốc"  [10].

Đọc toàn bộ Bản tin tại đây


[1] http://news.xinhuanet.com/english/china/2011-12/15/c_131309020.htm

[2] World over-thinking China's military intentions, http://www.globaltimes.cn/NEWS/tabid/99/ID/687812/World-over-thinking-Chinas-military-intentions.aspx

[3] Mạng Bộ Quốc phòng Trung Quốc (9/12)

[4] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111213/loi-ich-quoc-gia-dan-toc-la-uu-tien-cao-nhat.aspx

[5] http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/12/hop-tac-dau-khi-viet-an-se-duoc-tang-cuong/

[6] http://globalnation.inquirer.net/20645/president-aquino-bares-wish-fighter-jets-from-us-just-like-indonesia

[7] http://www.washingtonpost.com/world/asia-pacific/philippines-launches-its-biggest-warship-amid-south-china-sea-territorial-dispute/2011/12/14/gIQAN1rKtO_story.html

[8] http://www.asianjournal.com/dateline-philippines/headlines/14128-aquino-orders-new-military-chief-to-defend-spratly-claims.html

[9] http://timesofindia.indiatimes.com/world/us/US-Navy-may-station-ships-in-Singapore-Philippines/articleshow/11131257.cms

[10]http://af.reuters.com/article/worldNews/idAFTRE7B70HK20111208?pageNumber=1&virtualBrandChannel=0&sp=true