Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng Philippines bình luận về hoạt động cải tạo đất. Về bình luận của Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines tướng Gregorio Catapang rằng công việc cải tạo đất của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập “đã hoàn thành hơn 50%”, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 12/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên tuyên bố, “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Quần đảo Trường Sa và các vùng nước liên quan. Hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này đều thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.

Đài Loan hoãn việc mở rộng cầu cảng trên đảo Ba Bình. Trong cuộc điều trần trước Quốc hội hôm 12/1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Cao Thiên Trung đã xác nhận việc tạm hoãn công trình xây dựng cầu cảng trên đảo Ba Bình. Trong thời gian gần đây, nhiều dân biểu thuộc Đảng Dân Tiến đã đặt câu hỏi về quyết định của chính phủ thuê một chiếc tàu “có yếu tố Trung Quốc” để vận chuyển vật liệu xây dựng đến đảo. Như vậy, việc sử dụng chiếc tàu này trong đề án mở rộng bến cảng ở đảo Ba Bình rất đáng ngại cho an ninh quốc gia của Đài Loan. Dân biểu Lâm Úc Phương, thuộc Quốc Dân Đảng cầm quyền, thì cho rằng việc đình chỉ công trình là vô lý bởi chiếc tàu, dù được đóng bằng vốn của Trung Quốc, nhưng lại được đăng ký tại Libya, chứ không phải là tại Trung Quốc.

+ Việt Nam:

Phó Thủ tướng dự tiệc chiêu đãi 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Trung. Phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức tối 15/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và những thành tựu trong quan hệ hai nước những năm gần đây. Trong năm 2015, hai bên cần thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, triển khai tốt Chương trình triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, mong muốn cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện nhằm đạt được những tiến triển mới.

+ Philippines:

Philippines ra sách kỹ thuật số về tranh chấp trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines vừa ra mắt sách kỹ thuật số nhỏ bằng tiếng Philippines nhằm giúp người dân nước này hiểu về tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Cuốn sách có tựa đề “Ang West Philippine Sea: Isang Sipat” sẽ được phát cho tất cả cán bộ ngoại giao Philippines ở nước ngoài và các cơ quan lãnh sự của bộ ở trong nước. Bộ trên cũng có kế hoạch đưa cuốn sách này vào chương trình giảng dạy ở nhà trường như một phần nỗ lực của chính quyền Manila nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.

+ Indonesia:

Không quân Indonesia sẽ tăng hiện diện ở Biển Đông. Phát biểu tại lễ nhậm chức của phó tư lệnh không quân Indonesia ở Jakarta hôm 15/1, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia Tướng Moeldoko tuyên bố ông mong đợi không quân nước này đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động củng cố chủ quyền của đất nước, nhất là ở Biển Đông. Tướng Moeldoko nhấn mạnh sự cạnh tranh ở Biển Đông ngày càng gay gắt và không quân Indonesia lãnh nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh không phận Indonesia cũng như các tuyến thương mại trong khu vực.

Quan hệ các nước

Đối thoại quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ tại New Delhi. Ngày 16/1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Shri R. K. Mathur và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đồng chủ trì Đối thoại quốc phòng Việt-Ấn lần thứ 9 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Thứ trưởng Shri R. K. Mathur tuyên bố Ấn Độ luôn coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách “hành động hướng Đông”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tái khẳng định đánh giá của lãnh đạo cấp cao hai nước là hợp tác quốc phòng đã trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên tiếp tục khẳng định hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung của tất cả các quốc gia ngày nay, mọi tranh chấp, bất đồng cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Hai bên cũng đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và bắt tay vào tổ chức thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam để đóng tàu cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Ấn Độ và Nhật Bản tiến hành đối thoại chiến lược. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ (từ 16-18/1), ngày 17/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida người đồng cấp nước chủ nhà Sushma Swaraj đồng chủ trì cuộc Đối thoại chiến lược song phương lần thứ 8. Tại Đối thoại, hai bên thảo luận cụ thể kế hoạch hợp tác sản xuất thủy phi cơ US-2 của Nhật tại Ấn Độ, loại bỏ các trở ngại để hoàn tất thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự, tăng cường hợp tác an ninh biển và việc triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng lớn tại Ấn Độ. Hai bên cũng sẽ thảo luận về Tuyên bố Tokyo được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Nhật Bản hồi tháng 9/2014.

Trung - Mỹ diễn tập chung trên Biển Đông. Trung - Mỹ đã bắt đầu cuộc diễn tập về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Theo đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc diễn tập này và một hội nghị chuyên đề sẽ được tổ chức tại thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông và thủ phủ Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam từ ngày 12-19/1. Khoảng 150 kỹ thuật viên và nhân viên y tế của hai nước sẽ tham gia cuộc diễn tập và hội nghị chuyên đề nói trên. Cuộc diễn tập Trao đổi xử lý thiên 2015, do Quân đội Trung Quốc đứng ra tổ chức, gồm ba phần thảo luận lý thuyết chuyên môn, việc thành lập trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và một cuộc diễn tập trao đổi trên thực địa.

Phân tích và đánh giá

“Các chủ thể an ninh biển của Trung Quốc: Được điều phối và chỉ đạo từ trung ương” của Bonnie Glaser.

Các chủ thể an ninh biển của Trung Quốc ngày càng nhận được nhiều sự chỉ đạo và điều phối trực tiếp từ các nhà hoạch định chính sách cấp cao, một phần trong chiến lược lớn hơn để bảo về chủ quyền và các quyền trên biển của nước này. Những dấu hiệu ban đầu của việc Trung Quốc tăng cường giám sát và điều phối được nhận thấy vào khoảng giữa năm 2012, khi các tàu biển và tàu đánh cá Trung Quốc - với các tàu của lực lượng Hải quân PLA hiện diện ở đằng xa - chiếm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough sau một cuộc đối đầu kéo dài 10 tuần với Philippines. Tiếp sau đó là một loạt các vụ việc như vụ khủng hoảng giàn khoan giữa Việt Nam và Trung Quốc, vụ Trung Quốc chặn tàu tiếp tế của Philippines tới Bãi Cỏ Mây.

Các chỉ đạo trực tiếp từ “Tiểu ban Lãnh đạo về các quyền trên biển” (Central Maritime Rights Leading Small Group) đã được chuyển tới các tàu chiến và tàu chấp pháp. Tiểu ban này do ông Tập Cận Bình đứng đầu kể từ khi thành lập hồi tháng 9/2012. Nhóm này bao gồm nhiều đại diện cấp cao từ Cục Hải dương Quốc gia và Bộ Tổng Tham mưu PLA, cùng quan chức phụ trách đối ngoại cấp cao nhất, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì. Theo tờ Asahi, các thành viên trong tiểu ban này “đưa ra hướng dẫn cho các tàu chiến và tàu chấp pháp hoạt động tại các vùng biển tranh chấp bằng radio hoặc điện thoại trực tuyến”. Một cơ quan hoạch định chính sách quan trọng khác là “Văn phòng Ứng phó với Khủng hoảng Điếu Ngư (Senkaku)”, cũng do ông Tập đứng đầu.

Đúng là các chủ thể trên biển của Trung Quốc đã nhiều lần hoạt động một cách độc lập với chính phủ trung ương và theo đuổi các lợi ích của riêng họ. Tuy nhiên trong những trường hợp mà hành vi trên biển của Trung Quốc tỏ ra hung hăng và gây bất ổn nhất, hành động của những cơ quan phụ trách vấn đề trên biển khác nhau của Trung Quốc rõ ràng được phối hợp và hướng tới một mục đích rõ ràng. Khi cần thiết, Bắc Kinh có thể chỉ thị cho quân đội và các cơ quan chấp pháp trên biển cùng hành động để hỗ trợ cho mục tiêu chiến lược chung của Trung Quốc. Mục tiêu này đó là thúc đẩy quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với các vùng biển gần. Sự kiểm soát rõ ràng hơn là điều cần thiết để bảo vệ chủ quyền và các quyền trên biển của Trung Quốc.

Nếu muốn đưa ra được một cách đối phó hiệu quả, Mỹ cần phải đánh giá một cách chính xác những gì đứng đằng sau cho hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Chính quyền Obama đã có nhiều bước đi, trong đó có tăng cường nhận thức về các vấn đề trên biển cho Nhật Bản và các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á, tăng cường kiến trúc an ninh khu vực, hối thúc Trung Quốc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin với Nhật Bản và thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử với ASEAN, và coi hành vi của Trung Quốc trên các vùng biển tại khu vực là ưu tiên trong các cuộc bàn thảo song phương Mỹ - Trung. Những nỗ lực này cần phải được duy trì và tăng cường trong năm 2015.

“Vai trò lãnh đạo ASEAN liệu có được duy trì dưới thời Tổng thống Jokowi?” của Emirza Adi Syailendra.

Vai trò trung tâm của ASEAN luôn là một chủ đề lớn trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Đối với chính quyền Tổng thống Jokowi, chính sách đối ngoại được đánh giá là thực dụng hơn và mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc, tập trung vào thắt chặt quan hệ song phương với các nước lớn trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với ưu tiên phục vụ kinh tế trong nước. Sự thay đổi chính sách này dẫn đến lập luận cho rằng các ưu tiên chính sách đối ngoại của Indonesia đang chuyển hướng ra ngoài ASEAN.

Học thuyết biển mới của Tổng thống Jokowi đưa ra khái niệm “trục biển toàn cầu” cho thấy rõ ý định “nhìn về phía Tây” của Indonesia theo nghĩa nước này sẽ tăng cường quan hệ với các nước lớn ở Ấn Độ Dương như Ấn Độ hay Nam Phi. Tăng cường quan hệ song phương với các cường quốc Thái Bình Dương cũng đang trở thành một chương trình nghị sự chính.

Tuy vậy, sẽ không công bằng khi cho rằng cách tiếp cận theo hướng chủ nghĩa dân tộc là một khẳng định cho việc Indonesia đang rời xa ASEAN. Các cam kết đối với ASEAN và quá trình xây dựng cộng đồng đã được Đại sứ Indonesia tại ASEAN, Rahmat Pramono, tái khẳng định vào tháng 12/2014. Suy cho cùng, việc duy trì vị trí lãnh đạo trong ASEAN là một yếu tố quan trọng góp phần vào xây dựng hình ảnh quốc tế của Indonesia. Với các nước bên ngoài, ASEAN vẫn quan trọng bởi đây là một địa điểm toàn diện nhất cho sự tương tác trong khu vực với sự tham gia của nhiều nước lớn. Trên thực tế, vị trí chiến lược của Indonesia trong ASEAN đã dẫn đến sự gia tăng chưa có tiền lệ trong quan hệ đối tác với các nước chủ chốt, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và EU.

Do đó, dù có các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, vai trò của Indonesia trong ASEAN vẫn sẽ được duy trì dưới chính quyền Jokowi. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng sẽ là đặc tính xác định cách thức Indonesia thực hiện vai trò này, và mối quan tâm của Indonesia sẽ là mở rộng phạm vi của ASEAN thành một diễn đàn bao quát hơn và dễ tiếp cận hơn đối với các nước lớn trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhằm đạt mục tiêu đưa ASEAN trở thành trung tâm của Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, một yếu tố quan trọng trong chiến lược “trục biển toàn cầu”.

“Trung Quốc đang tiến gần hơn tới ADIZ tại Biển Đông?” của Prashanth Parameswaran.

Vào ngày 8/1, trang mạng Rappler của Philippines trích lời một quan chức quốc phòng nói rằng Trung Quốc có khả năng sẽ hoàn tất công việc xây dựng đường băng thứ 2 tại Biển Đông vào cuối năm 2015. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Gregorio Catapang Jr., cũng tiết lộ rằng Bắc Kinh đã hoàn thành khoảng 50% hoạt động cải tạo đảo tại Đá Chữ Thập, nơi mà đường băng dự kiến sẽ được xây dựng.

Chúng ta không nên xem những hành động này của Trung Quốc là những hành động đơn lẻ, mà nên nhìn chúng như là một phần trong chiến lược lớn hơn đó là “gia tăng quyết đoán” để thay đổi hiện trạng trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc, tại những vị trí thích hợp cho việc thúc đẩy yêu sách của họ. Cùng với những dự án cải tạo đảo khác, bao gồm Đá Châu Viên, Đá Gaven, Đá Cô Lin, các động thái của Bắc Kinh nhằm mở rộng quy mô của từng thực thể đơn lẻ giống như những gì mà họ đang làm tại Đá Chữ Thập - sẽ giúp cải thiện cơ sở pháp lý cho yêu sách chủ quyền bành trướng của nước này. Đáng chú ý, trong khi Manila đã quyết định ngừng công việc xây dựng tại Biển Đông bởi các tác động của nó tới quá trình phân xử vụ kiện giữa họ và Bắc Kinh, thì Bắc Kinh lại vẫn tiếp tục các hành động của mình bởi Trung Quốc hiểu rằng họ cần phải thay đổi hiện trạng trong thời điểm vụ kiện đang được xem xét.

Bên cạnh những lợi thế về vị trí do hoạt động cải tạo đảo mang lại, việc có một đường băng tại Đá Chữ Thập sẽ đóng góp đáng kể vào khả năng triển khai sức mạnh của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, với một đường băng tại Trường Sa, các máy bay của Bắc Kinh có thể tiếp cận đến khu vực cực nam của Biển Đông một cách dễ dàng, nhanh chóng và thường xuyên mà không gặp phải vấn đề về khoảng cách cũng như tiếp liệu. Năng lực này sẽ giúp Trung Quốc thực hiện các cuộc tuần tra trên không tại các vùng lãnh thổ mà họ yêu sách và giúp nước này bảo vệ tốt hơn các tàu của mình tại khu vực.

Như một vài chuyên gia đã chỉ ra, việc có thêm một sân bay sẽ là một bước hướng tới kế hoạch đó là thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trong tương lai, giống như cái mà họ đã tuyên bố tại Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013. Từ khi Trung Quốc tuyên bố ADIZtại Biển Hoa Đông, nhiều người đã tự hỏi là khi nào Bắc Kinh sẽ tuyên bố một khu vực tương tự tại Biển Đông. Với chính sách “quyết đoán tăng dần” đang từng bước cải thiện khả năng quân sự của họ tại Biển Đông, Bắc Kinh có thể đang dần tiến đến một thực tế mà ở đó họ có đủ khả năng để thực thi một vùng ADIZ, ngay cả khi Trung Quốc không thực sự tuyên bố một khu vực như vậy.

“Tranh chấp biển sẽ dẫn đến chiến tranh tại Châu Á? của Joshua Kurlantzick.

Mặc dù tình hình tại Biển Đông đang ngày càng căng thăng thẳng và nguy cơ xảy ra chiến tranh đang tăng dần, nhưng một số doanh nhân và chính trị gia tại Châu Á vẫn nghĩ rằng hoạt động thương mại và tốc độ tăng trưởng của Châu Á sẽ ngăn căng thẳng leo thang. Các nền kinh tế tại Châu Á đang ngày càng hội nhập với nhau.

Tuy nhiên những sợi dây ràng buộc kinh tế này sẽ khó có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong tương lai. Trên nhiều khía cạnh, tình hình tại Đông Á ngày nay giống với tình hình tại Châu Âu trước Thế chiến Thứ nhất. Tại thời điểm đó, các quốc gia trỗi dậy tại Châu Âu muốn thách thức vị thế của các cường quốc đã thiết lập trước đó, chủ nghĩa quân sự tràn lan và các quốc gia cũng có những ràng buộc về kinh tế. Tuy nhiên ngay cả trong khoảng thời gian họ buôn bán với nhau, các quốc tại Châu Âu trong những năm 1900 và 1910 vẫn phát động những cuộc chạy đua vũ trang, và quan hệ thương mại cuối cùng đã không thể đảm bảo được sự hòa bình. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thừa nhận sự so sánh này là có cơ sở, ông nói rằng trong năm ngoái, bất chấp sự gia tăng trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật, cả hai quốc gia đang ở trong “một tình huống tương tự” như Anh và Đức ngay trước thời điểm Thế chiến Thứ nhất nổ ra, khi mà hai cường quốc của Châu Âu bị cuốn vào một cuộc chạy đua hải quân trong khi vẫn là những đối tác thương mại lớn của nhau.

Châu Á hiện đang ở giữa một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cơ quan theo dõi tình hình chi tiêu quân sự của các quốc gia, cho biết khoản tiền dành cho mua sắm vũ khí tại Đông Á đã tăng hơn 100% kể từ năm 2005. Các cuộc đụng độ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông – giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam, tàu Trung Quốc và Philippines, tàu Trung Quốc và Nhật, và các nước khác – giờ đây gần như ngày nào cũng xảy ra. Trong một vài vụ việc mới đây, như cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Hà Nội tháng 5 vừa rồi, chiến tranh gần như đã nổ ra.

Nếu chiến tranh nổ ra tại Đông Á, cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ kéo theo sự tham gia của Mỹ. Mặc dù chính quyền của ông Obama không nói rõ rằng nước này sẽ phản ứng thế nào khi xảy ra xung đột tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhưng Mỹ là đồng minh của Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc, và họ sẽ bảo vệ các quốc gia này trước các cuộc tấn công. Mỹ cũng đang có mối quan hệ quân sự ngày càng gần gũi với Việt Nam, Singapore, Indonesia và các quốc gia Châu Á khác. Nếu Trung Quốc chiếm đóng các đảo có tranh chấp tại Biển Đông, “đương nhiên” Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines đáp trả, như những gì mà người đứng đầu lực lượng hải quân Mỹ đã phát biểu hồi tháng 2.

Trong một chuyến công du Châu Á tháng 7/2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã khẳng định Biển Đông là một “lợi ích quốc gia” quan trọng của Mỹ, đây là lần đầu tiên quan chức Mỹ đưa ra một tuyên bố kiểu như vậy. Bà Clinton, nhiều khả năng sẽ là người đại diện cho Đảng Dân chủ chạy đua vào chiếc ghế tổng thống trong năm 2016, sẽ không nhượng bộ. Bà đã nhiều lần bóng gió rằng chính sách ngoại giao của ông Obama là quá yếu ớt, và rằng, với vai trò tổng thống, bà sẽ cứng rắn hơn trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng ngay cả bà Clinton cũng không mạo hiểm gây ra cuộc chiến giữa các cường quốc. Dĩ nhiên, nhiều người cũng đã nói những điều tương tự về các lãnh đạo của Đức và Anh trước khi Thế chiến Thứ nhất nổ ra.

“Trung Quốc có còn giấu mình chờ thời?” của Andrew Browne.

Nửa cuối năm 2014 chứng kiến những thay đổi đáng kể trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Sự hung hăng, những lời đe dọa dần biến mất, nhường chỗ cho các đề nghị hợp tác, đầu tư đầy hứa hẹn, trị giá nhiều tỷ USD. Căng thẳng trên biển với Việt Nam lắng dịu, mối quan hệ với Nhật Bản có chiều hướng ấm lên lên.

Phó Thủ tướng Uông Dương đã khẳng định đường lối mở rộng ngoại giao của Trung Quốc không bao hàm việc cố gắng làm thay đổi trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt. Ông cũng phủ nhận những thông tin cho rằng Bắc Kinh đang thị uy sức mạnh trong khu vực. Tại một cuộc họp diễn ra ở Chicago hồi giữa tháng 12, ông nói Mỹ vẫn lãnh đạo thế giới.

Những động thái này cho thấy một thái độ bề ngoài có vẻ hòa nhã hơn nhưng liệu nó sẽ kéo dài trong bao lâu?

Trung Quốc không hề có ý định thỏa hiệp trong yêu sách chủ quyền của mình. Những gì tưởng như là một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh chủ yếu chỉ là chiến thuật và nhằm khoa trương, ông David Shambaugh, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington, nhận định: “Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ quay trở lại với những chiến thuật cứng rắn hơn đối với các nước láng giềng và Mỹ trong năm 2015.”

Trung Quốc tuyên bố dành nhiều khoản đầu tư lớn xây dựng cảng biển, khu công nghiệp, đường sắt, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác trong khu vực, đồng thời đưa ra khái niệm kết nối toàn diện để miêu tả những nỗ lực này.

Liệu những lời hứa về các khoản đầu tư có trở thành hiện thực hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng mục tiêu thật sự của Bắc Kinh thì đã rõ ràng: Xây dựng một châu Á được kết nối chặt chẽ với Trung Quốc nằm ở trung tâm. Ông Tập Cận Bình còn mong muốn làm chủ một khu vực tự do thương mại khổng lồ mà từ đó sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường của Trung Quốc tại nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới.

Để đạt được những tham vọng này, Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường đang bắt đầu một cuộc tấn công ngoại giao mạnh mẽ, dồn dập. Trong hai năm trở lại đây, họ thực hiện hàng chục chuyến thăm tới hơn 50 quốc gia tại 5 châu lục, tham dự khoảng 500 cuộc họp lớn nhỏ với các lãnh đạo quốc tế.

Ngoại trưởng Vương Nghị từng nói ông Tập và ông Lý đang tạo ra một cơn lốc Trung Quốc trên toàn thế giới. Những lời này ông Vương đã làm bật lên những gì có thể được coi là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại trong năm 2014: Bắc Kinh đã từ bỏ hoàn toàn câu châm ngôn "ẩn mình chờ thời" của cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình./.