Động thái đơn phương

+ Trung Quốc:

Trung Quốc mời các nước cuộc thao diễn hải quân vào tháng 4. Quân đội Trung Quốc đã mời các nước gửi chiến hạm đến tham gia cuộc thao diễn Hải quân dự kiến vào tháng 4/2019. Sự kiện này, cùng với lễ duyệt binh vào tháng 10, là hai sự kiện hoành tráng nhất quân đội Trung Quốc tổ chức nhân dịp lễ quốc khánh thứ 70 năm nay. Cuộc thao diễn diễn ra trên Hoàng Hải, ngoài khơi Thanh Đảo. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết đã mời Hải quân hơn 10 nước tham gia. Theo nhật báo SCMP, “có khả năng” Pháp phái tàu sân bay Charles-de-Gaulle đến tham gia trong khi Nga cũng xem xét gửi chiếc hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov. Một nguồn tin thân cận với Hải quân cho biết là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cử tàu chiến tham gia.

Trung Quốc cáo buộc các nước ngoài khu vực gây bất ổn Biển Đông. Về bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm 12/3 rằng Trung Quốc ngăn cản các quốc gia ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 13/3 tuyên bố: “Trung Quốc đang có tranh chấp về đảo và phân định biển với các quốc gia liên quan ở Biển Đông. Trung Quốc nhất quán chủ trương các bên liên quan sẽ giải quyết tranh chấp công bằng và hợp lý thông qua hiệp thương hữu nghị trên cơ sở luật pháp quốc tế, và các bên liên quan có thể gác lại tranh chấp, tìm kiếm khai thác chung trước khi tranh chấp được giải quyết. Trên thực tế, Trung Quốc đã duy trì cơ chế trao đổi ngoại giao và các kênh liên lạc nội bộ với các bên liên quan. Một số quốc gia ngoài khu vực liên tục gây căng thửng và cố gắng phá hoại cục diện như vậy. Hành động đó là vô trách nhiệm với các quốc gia trong khu vực”.

Trung Quốc dự kiến đẩy khai thác mạnh dầu khí ở Biển Đông. Tuyên bố của Ủy ban quản lý giám sát tài sản Nhà nước của Quốc Vụ viện hôm 14/3 cho hay, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ tích cực tham gia xây dựng Khu Vịnh lớn Ma Cao - Hồng Công - Quảng Đông. Theo đó, CNOOC khai thác mạnh tiềm năng dầu khí ở Biển Đông thông qua việc xây dựng các giếng dầu quy mô lớn, hoàn thiện hệ thống đường ống dẫn khí trên biển, tối ưu hóa kết cấu cung ứng năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực Vịnh lớn. CNOOC đã định vị Biển Đông trở thành khu vực chính để thăm dò, khai thác dầu khí và đã xây dựng chiến lược khai thác biển sâu ở Biển Đông. Đến nay, CNOOC đã xây dựng thành công hai khu sản xuất dầu khí với sản lượng chục triệu tấn mỗi năm ở vùng biển phía Tây và phía Nam Biển Đông, từ năm 2014 đến nay đã phát hiện thành công một số giếng dầu quy mô lớn, trong đó có Lăng Thủy 17-2.

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu các bên kiềm chế trong vấn đề Biển Đông. Trước các diễn biến gần đây ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 14/3 cho hay, “Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC ở Biển Đông, các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ DOC tại Biển Đông, đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những câu trúc chưa có người ở tại Biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực”.

+ Philippines:

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thăm chính thức Việt Nam. Ngay sau lễ đón Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Philippines ngày 11/3, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã tiến hành hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana. Hai bên nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai Bộ Quốc phòng, nhất là thường xuyên duy trì gặp gỡ, trao đổi, tham vấn, ủng hộ sáng kiến của nhau tại các diễn đàn đa phương; thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực như giao lưu sĩ quan trẻ, công nghiệp quốc phòng, an ninh phi truyền thống, không quân, quân y. Phát biểu sau chuyến thăm Việt Nam ba ngày, Bộ trưởng Lorenzana hôm 14/3 cho hay đã cùng người đồng cấp Việt Nam thảo luận về vấn đề Biển Đông. Hai bên nhất trí việc theo đuổi COC là cần thiết và cần sớm hoàn tất bộ quy tắc.

+ Mỹ:

Cố vấn an ninh Mỹ tuyên bố “không để Trung Quốc biến Biển Đông thành tỉnh mới”. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox News hôm 10/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố, “Trái ngược với mọi cam kết của Trung Quốc trước đây là đàm phán hòa bình yêu sách lãnh thổ, Trung Quốc đang chiếm hữu các bãi đá, rạn san hô và đảo (ở Biển Đông) và xây dựng các căn cứ quân sự trên đó. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải và tìm cách thức ngăn Trung Quốc biến vùng biển này thành một tỉnh mới”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định “cách thức ứng xử với Trung Quốc là vấn đề an ninh sống còn đối với Mỹ trong thế kỷ 21”.

Tân Đại sứ Mỹ tại Úc cáo buộc Trung Quốc sử dụng “ngoại giao cho vay nặng lãi”. Phát biểu trước báo giới sau khi trình Quốc thư hôm 13/3, Tân Đại sứ của Mỹ tại Úc ông Arthur Culvahouse cho biết Trung Quốc sử dụng chính sách này để phát huy ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence năm ngoái từng cáo buộc Trung Quốc "gài bẫy nợ các quốc đảo nhỏ bé dưới dạng viện trợ nước ngoài". Tuy nhiên, ông Culvahouse cho rằng lời chỉ trích này chưa đủ mạnh mẽ, "Tôi sẽ sử dụng cụm từ "ngoại giao cho vay nặng lãi. Số tiền trước mắt trông hấp dẫn và dễ lấy nhưng tốt hơn là bạn nên đọc kỹ thỏa thuận". Ông Culvahouse trở thành tân đại sứ Mỹ đầu tiên tại Úc trong hơn 2 năm qua.

Mỹ lại triển khai máy bay ném bom hạt nhân B-52 tới Biển Đông. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ hôm 15/3 cho hay: "Hai máy bay ném bom Stratofortress B-52H đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen, Guam, và tiến hành đợt huấn luyện thường kỳ tại khu vực lân cận Biển Đông trong ngày 13/3, trước khi quay trở lại căn cứ. Máy bay Mỹ thường xuyên hoạt động ở Biển Đông nhằm hỗ trợ các đồng minh, đối tác cũng như ủng hộ chiến dịch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Đây là lần thứ hai trong vòng chưa tới 10 ngày Mỹ điều B-52 tới Biển Đông.

Động thái đa phương

Tàu chiến Mỹ USS Blue Ridge thăm Philippines. Phát biểu với các nhà báo trên tàu USS Blue Ridge đang neo trong Vịnh Manila hôm 14/3, Đại Tá hải quân Eric Anduze, Hạm trưởng của USS Blue Ridge cho hay, “Hai nước chúng ta có một lịch sử lâu dài…Chúng tôi có mặt ở đây để khẳng định với các bạn rằng quan hệ đối tác của chúng ta vẫn vững mạnh hơn bao giờ hết.” Theo ông Anduze, tàu chỉ huy của hạm đội 7 vừa đi qua Biển Đông và Washington sẽ tiếp tục “điều tàu và máy bay qua lại trên Biển Đông, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Trả lời câu hỏi của nhà báo, liệu tàu của ông có gặp tàu hải quân Trung Quốc trong khu vực hay không, Đại tá Anduze cho hay “tất cả những sự tương tác giữa hai bên đều an toàn và có tính chuyên nghiệp”.

Campuchia - Trung Quốc chính thức khai mạc tập trận Rồng Văng năm 2019. Cuộc tập trận kéo dài 15 ngày (13/3 - 27/3) tại trường bắn đạn thật thuộc Trường Huấn luyện Techo Chumkiri, tỉnh Kampot. Tướng Chhum Socheat, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia cho hay, “cuộc diễn tập năm nay tập trung vào các khoa mục chống khủng bố, giải cứu con tin, ứng phó thảm họa. Một số thiết bị quân sự như xe tải bọc thép, xe tăng, pháo và trực thăng sẽ được sử dụng”. Tham gia tập trận lần này, phía Quân đội Trung Quốc cử 252 binh sĩ trong khi Quân đội Campuhia có 2.542 binh sĩ. Đây là cuộc tập trận thường niên lớn nhất của hai bên được bắt đầu từ năm 2016.

Phân tích và đánh giá

 

“MDT với Mỹ có thể cuốn Philippines vào cuộc xung đột ở Biển Đông?” Phát biểu hôm 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho rằng Hiệp ước phòng thủ tương trợ (MDT) mà Philippines và Mỹ ký năm 1951 là mơ hồ, không rõ ràng và có nguy cơ gây ra "tình trạng lộn xộn và hỗn loạn trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng". CNN Philippines dẫn lời ông Lorenzana nói: "Philippines không xung đột với bất kỳ ai và cũng sẽ không gây chiến với bất kỳ ai trong tương lai. Nhưng Mỹ, với sự hiện diện ngày càng gia tăng và thường xuyên của các tàu hải quân nước này ở Biển Đông, có nhiều khả năng sẽ rơi vào một cuộc xung đột vũ trang. Trong trường hợp đó, dựa trên MDT, Philippines cũng sẽ tự động bị cuốn vào cuộc xung đột đó".

MDT giữa Mỹ và Philippines đã được ký năm 1951, trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước quy định cả hai quốc gia sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một "cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ của một trong hai nước, hoặc vào các đảo thuộc quyền tài phán ở Thái Bình Dương hoặc nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay của một trong hai nước ở Thái Bình Dương".

Tháng 12 năm ngoái, Lorenzana đã ra lệnh xem xét lại liệu hiệp ước này "vẫn còn hiệu lực hay có thích đáng trong thời điểm hiện nay" hay không. "Hiệp ước này đã tồn tại 67 năm. Nó liệu vẫn còn phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta hay không? Đó là những gì chúng ta nên xem xét. Chúng ta hãy xem xét một cách vô tư, mà không tính đến các mối quan hệ trong quá khứ, hay về các mối quan hệ trong tương lai". Ông Lorenzana nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng là "để duy trì, củng cố, hoặc hủy bỏ hiệp ước".

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, hiệp ước này từ lâu đã gây ra tranh cãi ở Philippines vì sự mơ hồ về khái niệm bao trùm các vùng lãnh thổ tranh chấp, như các đảo ở Biển Đông mà cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Trong một báo cáo năm 2016, CFR cho biết: "Sự khác biệt trong cách giải thích phát sinh từ việc Mỹ không tuyên bố rõ ràng liệu lãnh thổ tranh chấp do Philippines tuyên bố chủ quyền có thuộc các điều khoản trong Hiệp ước phòng thủ tương trợ hay không.... Một số trong những yêu sách lãnh thổ này đã được đưa ra hồi những năm 70 của thế kỷ trước, tức nhiều thập kỷ sau khi hiệp ước trên được phê chuẩn".

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức cấp cao khác, tại đó ông đã tìm cách trấn an Manila về cam kết của Washington với MDT, "Vì Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng, máy bay hay tàu thuyền của Philippines ở vùng biển này sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ tương trợ giữa hai nước".

Đáp lại, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết hai chính phủ "đã chia sẻ quan điểm rằng liên minh phải có khả năng đảm bảo hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau có thể tin cậy được giữa hai nước". Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana hôm 4/3 đã chỉ rõ những gì ông nói là thất bại trước đó của Mỹ trong việc duy trì một phần của hiệp ước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Theo ông Lorenzana, sau khi đóng cửa căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Subic ở phía Tây Manila hồi năm 1992, "Trung Quốc đã bắt đầu những hành động gây hấn ở Rạn san hô Mischief - không hẳn là một cuộc tấn công vũ trang - nhưng đó tương tự như hành động xâm lược. Mỹ đã không làm gì để ngăn cản điều đó".

Manila đã ở trong một tình thế khó xử giữa Bắc Kinh và Washington trong nhiều năm. Dưới thời chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino, Manila đã thắng trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt chống lại Trung Quốc tại Tòa trọng tài quốc tế, nơi đã ra phán quyết rằng các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp. Tuy nhiên, dưới thời (Tổng thống) Duterte, Manila đã xích lại gần hơn với Bắc Kinh, ngay cả khi ông tiếp tục lên tiếng về những lo ngại trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Tháng 11/2018, hai nước đã đồng ý hợp tác khai thác dầu khí trên vùng biển, mà Duterte cho rằng Bắc Kinh "đã sở hữu".

Những lo ngại tương tự dường như xuất hiện trong tâm trí ông Lorenzana, khi ông tuyên bố "không phải là sự thiếu trấn an (từ phía Mỹ) khiến tôi lo lắng. Mà đó là việc bị cuốn vào một cuộc chiến mà chúng ta không tìm kiếm và không mong muốn".

“Thương vụ F-35 của Singapore và thông điệp gửi Trung Quốc”. Máy bay tiêm kích tàng hình F-25 của Mỹ được tích hợp công nghệ tối tân nhất thế giới và có khả năng kết nối liên tục phi công trong các sứ mệnh hiệp đồng tác chiến. Và giờ đây, Singapore muốn trở thành nước thứ 4 bắt kịp công nghệ chiến đấu cơ này ở khu vực Biển Đông, một động thái có thể được chào đón xen lẫn cảm giác bối rối ở Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã công bố một kế hoạch mua đến 12 chiến đấu cơ F-35 từ Mỹ. Nếu thương vụ này suôn sẻ, Singapore sẽ trở thành đồng minh thứ 4 của Mỹ ở Thái Bình Dương sở hữu loại khí tài này. Thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ thông qua, song Bộ trưởng Ng nói rằng cả Chính quyền Trump và Lầu Năm Góc đều ủng hộ. Trong hàng chục loại khí tài mà Singapore có kế hoạch mua sắm để bổ sung cho kho vũ khí của mình từ nay cho đến 2030 trong nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng, máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ là khí tài hàng đầu. Lầu Năm Góc coi F-35 là loại vũ khí tối tân nhất thế giới.

Ổn định khu vực

Singapore có chung quan điểm với phương Tây về vấn đề Biển Đông. Giới phân tích cho rằng quyết định của nước này mua sắm F-35 là chỉ dấu cho thấy mối quan ngại ngày càng gia tăng ở khu vực châu Á về tham vọng khu vực của Trung Quốc.

“Singapore có thể không tin tưởng những đảm bảo của Trung Quốc nói rằng các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của họ là vô hại và rằng sẽ không gây ra căng thẳng quân sự và sẽ không dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát vận tải thương mại bằng đường biển và đường không”, Carl Schuster, cựu Giám đốc các hoạt động của Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.

Khi sở hữu F-35, Singapore sẽ cùng các đồng minh của Mỹ là Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong các hoạt động vận hành loại chiến đấu cơ này ở Thái Bình Dương. Ngay cả Anh trước đó tuyên bố sẽ điều động một tàu sân bay cùng với phi đội F-35 cho các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực trong năm 2020.

Giới chức Mỹ trước đó bác bỏ quan điểm cho rằng nước này đang theo đuổi Chiến tranh Lạnh hoặc chính sách kiềm chế đối với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quyết định của Singapore khi tham gia “câu lạc bộ” các nước sở hữu F-35 lại có nguy cơ làm gia tăng sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại cơ quan nghiên cứu RAND, bình luận: “Bắc Kinh sẽ coi diễn biến này là bằng chứng cho thấy vẫn tồn tại nhu cầu mạnh mẽ về sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Theo chuyên gia này, một mạng lưới các lực lượng không quân sử dụng F-35 làm gia tăng khả năng về việc các lực lượng quân sự này có thể tập hợp thành một liên minh nếu cần thiết. Động thái này có thể là một thông điệp mang tính răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc liên quan hành xử của nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hiệp đồng tác chiến

Tổ hợp tác chiến điện tử hiện đại của F-35 có thể cho phép sự phối hợp liền mạch giữa các đồng minh cùng triển khai khí tài này và điều này có thể gây quan ngại đối với Bắc Kinh.

Peter Layton, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Griffith ở Úc, cho rằng năng lực tác chiến điện tử và khả năng tàng hình của F-35 khiến loại chiến đấu cơ này trở thành một “cấp số nhân sức mạnh”. F-35 có thể lọt qua được các loại hệ thống phòng không trước đây và gửi thông tin chi tiết về mục tiêu cho các chiến đấu cơ theo sau mang theo tên lửa tầm xa hoặc cho các hệ thống tên lửa chống hạm đặt trên mặt đất, ông Layton nói.

“Việc mua sắm này có thể kích động Trung Quốc tìm cách nâng cấp hệ thống quốc phòng của mình ở Biển Đông và trên các tàu chiến để phát hiện và nhắm trúng chiến đấu cơ tàng hình như F-35 của Singapore”, Layton nhận định.

Mặc dù kế hoạch mua sắm F-35 phát đi tín hiệu mạnh mẽ đối với Trung Quốc nhưng giới phân tích cho rằng Singapore đang phát đi tín hiệu này một cách thận trọng. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Ng đã không đề cập gì đến Trung Quốc khi tiết lộ kế hoạch mua sắm này. Thay vào đó, ông chỉ nói rằng các chiến đấu cơ này “sẽ đóng góp đáng kể vào năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh của Singapore”.

Hành động “kín tiếng”

F-35 sẽ dần hợp nhất với phi đội F-15 do Mỹ sản xuất của Singapore khi chúng thay thế F-16 đã lỗi thời trong 10 năm qua. Khi Singapore trở thành đồng minh lâu đời của Mỹ, nước này thường không quá “ồn ào” về vấn đề quân sự. “Bất chấp mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, Singapore nhìn chung vẫn tỏ ra do dự khi đóng vai trò đầu tầu trong việc thách thức sức mạnh của Trung Quốc do là một nước nhỏ và mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Bắc Kinh”, Heath nhận định.

Trong khi đó, Schuster tiếp tục bình luận: “Singapore không muốn chọc giận Trung Quốc… Singapore có xu hướng hành động âm thầm và tế nhị”. Theo Schuster, Singapore coi vai trò của mình là nước thúc đẩy ổn định và an ninh khu vực, không phải là một thành viên trong bất kỳ liên minh nào nhắm đến bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng cách tiếp cận tinh tế của Singapore không nên bị hiểu nhầm là sự yếu kém về quân sự. Năm 2018, Viện nghiên cứu Lowy của Australia đã xếp sức mạnh quân sự của Singapore đứng thứ 10 trong số 25 quốc gia châu Á, chỉ sau Úc và trước các nước như Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

“Quan điểm của Malaysia về yêu sách đối với Trường Sa”. Có nhiều thứ đang bị đe dọa, từ đời sống sinh thái biển, những đàn chim di cư và trữ lượng hydrocarbon (dầu và khí) cho đến tiềm năng du lịch còn chưa được khai thác và hoạt động thương mại với lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD được lưu chuyển qua Biển Đông mỗi năm. Malaysia được cho là nước có trữ lượng dầu ước tính lớn nhất, 5 tỷ thùng, và trữ lượng khí đốt lên đến 80 nghìn tỷ feet khối (trên 2.265 tỷ m3) ở Biển Đông. Thiếu tướng K. “Bob” Thanabalasingam, chỉ huy người bản địa đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Malaysia nói: “Những yêu sách của chúng ta là không thể bác bỏ, ngoại trừ ở những khu vực các nước láng giềng của chúng có tuyên bố chồng lấn”. Ông Thanabalasingam khẳng định các yêu sách của Malaysia được xác định theo UNCLOS liên quan đến khu đặc quyền kinh tế (EEZ). Ông nhấn mạnh yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi pháp vì không có quy định nào về quyền lịch sử. Ông nói: “Trên thực tế, các yêu sách của Trung Quốc rất nực cười bởi kéo dài qua cả khu vực EEZ của chúng ta, gần với vùng lãnh hải của chúng ta ngoài khơi bang Sabah và Sarawak. Thậm chí, nếu quay ngược trở lại 100 năm hay 1.000 năm, họ (Trung Quốc) cũng chưa từng thực thi những yêu sách này, vốn có phạm vi vượt quá xa khu vực EEZ của họ, cho đến tận thời gian gần đây. Tòa trọng tài Liên hợp quốc xét xử vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc cũng kết luận rằng yêu sách của Bắc Kinh là bất hợp pháp".

Theo ông Thanabalasingam, sự nghiêm túc của Malaysia trong vấn đề Trường Sa được ông Mahathir Mohamad đưa ra trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình. Ông Thanabalasingam là người hỗ trợ chính phủ liên bang tại Tòa án Công lý quốc tế (IJC) ở La Hay trong cuộc tranh chấp giữa Malaysia với Singapore về đảo Pedra Branca (Malaysia gọi là Pulau Batu Puteh), Middle Rocks và South Ledge, ở phía Đông Eo biển Singapore. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Mahathir đã quyết định thành lập các tiền đồn có nhân viên điều hành tại một số địa điểm trên Biển Đông Malaysia có yêu sách.

Một nhà phân tích cao cấp về công nghiệp quốc phòng cho rằng từ khi quay lại nắm quyền thủ tướng từ tháng 5/2018, ông Mahathir luôn cân nhắc việc không làm tổn hại quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với Malaysia. Nhà phân tích đề nghị giấu tên này nói: “Ông Mahathir đang áp dụng chính sách ngoại giao thông qua sáng kiến ASEAN để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc, quốc gia đưa ra yêu sách đối với vùng biển trong phạm vi 'đường 9 đoạn'. Ông Mahathir ủng hộ tự do hàng hải ở khu vực Trường Sa, ủng hộ tuần tra hải quân để chống cướp biển và các loại tội phạm khác. Tuy nhiên, ông phản đối việc triển khai những tàu chiến cỡ lớn, vốn có thể kích động các cuộc đối đầu và căng thẳng giữa các bên”.

Ngày 21/2, trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Mahathir nói rằng vị trí chiến lược của Malaysia đã khiến quốc gia này phải đối mặt với vô số đe dọa từ các siêu cường - những siêu cường có thể cuốn Malaysia vào các cuộc xung đột của các nước lớn. Ông Mahathir nhấn mạnh: “Đây là nơi chúng ta cần thực hiện chính sách ngoại giao phù hợp, không được thỏa hiệp chủ quyền của chúng ta. Chúng ta không những thực hiện chính sách không liên minh, không chỉ với các siêu cường, mà còn phải thân thiện với các quốc gia lớn và nhỏ khác vì lợi ích chung”. Ông Martin A. Sebastian, làm việc tại Trung tâm An ninh và Ngoại giao hàng hải trực thuộc Viện Hàng hải Malaysia, ủng hộ các sáng kiến của ông Mahathir khi nói: “Khi Malaysia bắt đầu xây dựng các tiền đồn quân sự ở ngoài khơi vào những năm 1980 và 1990, điều đó khẳng định yêu sách của chúng ta đối với các vùng hải lãnh cực Bắc của đất nước”. Theo ông Sebastian, Malaysia có 5 tiền đồn tại khu vực quần đảo Trường Sa. Ông cũng cho biết thêm Swallow Reef (Đá Hoa Lau, Malaysia gọi là Pulau Layang-Layang), nằm cách Kota Kinabalu (bang Sabah) 300km, đã được chuyển thành đảo nhân tạo với một khu nghỉ dưỡng nằm dọc tiền đồn Lima của Hải quân Hoàng gia Malaysia. Cụm bãi cạn Luconia (cả phía Bắc và Nam) cách Miri (bang Sarawak) 100 km được chuyển thành công viên biển. Các thực thể lúc chìm lúc nổi được các lực lượng vũ trang và Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia tuần tra và bảo vệ nhằm chống lại sự xâm nhập và xâm lấn. Ông Sebastian cho rằng Malaysia cần bảo vệ nguồn lợi hải sản của mình ở Biển Đông bởi Cục Thủy sản nước này cho hay mỗi năm Malaysia thất thoái đến 6 tỷ ringgit (1,47 tỷ USD) do nạn đánh bắt cá trái phép.

“Hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã hết uy?”. Zack Cooper, Gregory Poling. Hôm 7/1, tàu USS McCampbell của Mỹ tiến hành một hoạt động tự do hàng hải gần 3 thực thể đảo Cây, đảo Lin Côn và đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ 9 Chính quyền Mỹ Donald Trump thực hiện hoạt động tự do hàng hải công khai như vậy tại khu vực Biển Đông bất chấp những thách thức đầy rủi ro của Trung Quốc. Hoạt động này diễn ra sau khi Phó Tổng thống Mike Pence hồi tháng 11/2018 khẳng định rằng “Mỹ sẽ có hành động quyết đoán nhằm bảo vệ những lợi ích của Mỹ và thúc đẩy thành công cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến công bố gần đây cho thấy 2/3 số người được hỏi ở ASEAN cho rằng sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á đã giảm sút. Trong khi đó, 1/3 số còn lại không còn tin Mỹ là một đối tác chiến lược cũng như “người” bảo vệ an ninh khu vực. Tóm lại, vì các cuộc đàm phán cứng rắn với Trung Quốc (về thương mại) và hoạt động gia tăng ở Biển Đông, mức độ tin cậy của Chính quyền Trump ở Đông Nam Á đang bị xói mòn.

Tình hình ở Biển Đông đôi khi được miêu tả là rơi vào thế bế tắc, song sự thật là các nước láng giềng của Trung Quốc và các nước bên ngoài, gồm Mỹ, đang bị mất đi lợi thế vốn có trước kia. Các hoạt động tự do hàng hải tỏ ra không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng áp lực vùng xám để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở không phận và vùng biển trong phạm vi cái gọi là “Đường 9 đoạn” và ngăn chặn các nước láng giềng tiếp cận nguồn tài nguyên (dầu khí và hải sản) trong chính vùng biển của họ. Trung Quốc muốn tìm cách hạn chế hoạt động tự do hàng hải ở phạm vi rộng lớn vi phạm luật quốc tế, dù các hoạt động này chỉ khẳng định quyền lợi của các khí tài quân sự nước ngoài. Điều này là cần thiết song không có ý nghĩa đáng kể. Nó không đem lại được lợi ích gì cho các nước Đông Nam Á vốn đang dần mất đi quyền lợi kinh tế và các quyền lợi khác. Chính quyền Trump có thể đã đặt lợi ích của Mỹ trước tiên, song đã bỏ lại đằng sau các đồng minh và đối tác thuộc khu vực Biển Đông.

Sự thất bại trong việc ngăn chặn thành công việc Trung Quốc mở rộng lãnh thổ ở Biển Đông không chỉ hủy hoại những lợi ích các bạn bè của Mỹ mà còn đe dọa 3 lợi ích chiến lược lâu dài khác của Mỹ ở khu vực: Đó là các quy tắc, các mối quan hệ và tài nguyên.

Các quy tắc và luật biển có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách của Mỹ trên toàn thế giới. Washington có lợi ích trong việc duy trì quyền lợi của tất cả các nước thực thi tự do hàng hải. Ý tưởng về những quy tắc hàng hải chung mà theo đó tất cả các nước được tự do đi lại, đánh bắt cá và tham gia vào hoạt động thương mại đã trở thành cơ sở nền tảng cho chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ thời cựu Tổng thống Thomas Jefferson điều các lực lượng quân sự Mỹ đến khu vực Bắc Phi để đối phó với hải tặc. Chính điều này đã thúc đẩy Mỹ can dự ở châu Á và khẳng định mình là một cường quốc Thái Bình Dương ngay từ đầu. Đó cũng là lý do vì sao Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán UNCLOS và cũng là lý do vì sao 5 thời chính quyền Mỹ gần đây đều coi công ước này là tài liệu thuộc tập quán pháp, dù không được Thượng viện thông qua UNCLOS.

Nếu Biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc trong đó tàu Hải quân Mỹ có thể tự do đi lại song tàu thuyền của các nước nhỏ hơn lại không thể thực hiện quyền này theo luật quốc tế, thì điều đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào luật quốc tế và các lợi ích của Washington. Bắc Kinh sẽ giành được quyền lợi biển lớn gấp 5 lần so với những gì được phép theo UNCLOS và tập quán pháp, tạo ra một tầm ảnh hưởng không hợp pháp. Các tác động ngầm đối với các vùng biển khác, từ Vịnh Persia đến vùng Bắc Cực, có thể rất nghiêm trọng nếu các nước ven biển khác như Iran và Nga, quyết định gây áp lực cho luật biển bằng những cách diễn giải mang tính chất của chủ nghĩa xét lại.

Trong khi đó, các mối quan hệ của Mỹ với các nước khác đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ đã củng cố cho sự ổn định ở châu Á. Mạng lưới này là một tài sản to lớn giúp bảo vệ các lợi ích ngoại giao, kinh tế và an ninh của Mỹ, ngăn chặn đối thủ gia tăng tầm ảnh hưởng, và đóng vai trò là một nhân tố gia tăng sức mạnh cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, sự thất bại trong việc “ngáng chân” Trung Quốc, nhất là không thể cản trở Bắc Kinh chiếm Bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012 và xây dựng các căn cứ hải không quân quy mô lớn trên quần đảo Trường Sa, đã gióng lên hồi chuông báo động cho các đồng minh và đối tác của Washington.

Tuy nhiên, Mỹ không xây dựng một hệ thống đồng minh ở châu Á theo chủ nghĩa vị tha. Mỹ làm như vậy để đối phó với những mối đe dọa trong tương lai bằng cách đạt được sự hiện diện quân sự đứng đầu và một mạng lưới mạnh mẽ bao gồm các đồng minh. Việc Bắc Kinh đạt được những lợi ích của họ ở Biển Đông lại càng làm gia tăng nghi ngờ về năng lực của Mỹ trong việc duy trì các lợi ích của Washington cũng như của các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và điều này cũng khiến các nước bạn bè của Mỹ lo lắng một cách chính đáng. Ví dụ, nếu xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Philippines thì Bắc Kinh sẽ có các căn cứ hải không quân chỉ cách các căn cứ của Manila vài dặm dù ở quần đảo Trường Sa, Palawan hay ở đâu trên Biển Đông. Trong khi đó, các lực lượng của Mỹ đóng trên đất liền gần Philippines nhất lại cách đó hơn 1.000 dặm. Nếu xảy ra xung đột Mỹ-Trung ở quy mô rộng lớn hơn thì Washington sẽ phải huy động nguồn lực đáng kể để làm vô hiệu quá các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông, làm phức tạp thêm kế hoạch đối phó với các tình huống bất ngờ của Mỹ. Việc điều động luân phiên khí tài Mỹ trên các căn cứ của Philippines theo Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Mở rộng (EDCA) 2014 sẽ giúp giải quyết phần nào những thách thức này. Tuy nhiên, những kế hoạch luân chuyển lực lượng như vậy lại không được Chính quyền Duterte ngó ngàng và cũng không rõ khi nào hoặc liệu các lực lượng của Mỹ sẽ có thể tiếp cận các căn cứ quân sự thuộc hiệp ước trên hay không.

“Trung Quốc - Mối đe dọa lớn nhất đối với ngành đánh bắt hải sản ở Tây Phi”. Báo cáo mới được công bố gần đây của Tổ chức Công lý vì môi trường (EJF) đã dẫn chứng cụ thể về sự liên quan của Trung Quốc trong các hoạt động đánh bắt cá công nghiệp sử dụng lưới vét, làm cạn kiệt nguồn cá của châu Phi. Báo cáo của EJF cho thấy Trung Quốc có “mối quan tâm lớn” đối với nguồn cá của Ghana.

Chỉ riêng năm 2015, khoảng 90% số tàu được Ghana cấp phép là do Trung Quốc sản xuất. Các chủ tàu có được giấy phép đánh cá bằng cách nhập số tàu xuất xứ từ Trung Quốc này vào đội tàu đã đăng ký của Ghana.

Sự tham gia của Trung Quốc không chỉ gây hại cho nguồn cá của khu vực Tây Phi mà còn tước đoạt kế sinh nhai chính của cộng đồng ngư dân tại Ghana. Bolei Liu, nhà vận động vì đại dương tại Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á đánh giá các tàu bất hợp pháp là mối đe dọa đối với mục tiêu quản trị đại dương minh bạch ở Tây Phi. Bolei Liu nói : “Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp gây khó khăn không chỉ đối với xã hội dân sự mà cả cho các quan chức ngành thủy sản trong việc xác định các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trên biển”.

Theo báo cáo của EJF, các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp khiến các nguồn cá của Ghana chịu áp lực lớn. Do đó, nghề đánh bắt hải sản ở Tây Phi có thể sụp đổ trong vòng từ 3 đến 7 năm tới. Ngoài ra, tàu đánh cá lưới vét Trung Quốc bắt cả cá nhỏ và cá chưa trưởng thành ở Tây Phi. Hình thức đánh bắt cá tận thu đó, còn được gọi là “đánh cá kiểu Saiko”, không mang tính bền vững và bị phạt tới 2 triệu USD. “Đánh cá kiểu Saiko” thường mang lại doanh thu lớn nhưng gây ảnh hưởng xấu đến ngành đánh bắt hải sản thủ công của địa phương. Hơn nữa, hình thức đánh bắt cá này khiến doanh thu nhà nước cũng bị thất thoát bởi không thu được thuế và lệ phí cấp giấy phép đánh bắt cá.

Để bảo vệ các nguồn cá của Ghana và các quốc gia Tây Phi khác, chính phủ các nước khu vực cũng như các cơ quan chức năng Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ để nhận diện chính xác chủ tàu. Thực tế cho thấy các cơ quan chức năng của Trung Quốc có trách nhiệm chủ yếu trong điều tra các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển châu Phi. Thậm chí Trung Quốc cần sửa đổi luật trong nước để răn đe những kẻ đánh bắt cá bất hợp pháp tại Tây Phi.

EJF khuyến nghị Ghana, chính phủ các nước ven biển Tây Phi khác và chính phủ các nước có liên quan đến hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển này cần phối hợp xây dựng “các khuôn khổ hợp tác nghề cá liên chính phủ và công bố một cách rộng rãi các văn bản pháp lý này.”

Theo đại diện của Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á, các khuôn khổ hợp tác trên sẽ đóng vai trò định hướng bảo vệ các nguồn cá ở Tây Phi. Đồng thời, các nước Tây Phi cần phối hợp để đồng bộ hóa các quy định quản lý nghề cá từng nước, loại bỏ các lỗ hổng pháp lý vốn thường bị các công ty đánh cá thiếu trách nhiệm lợi dụng khai thác. Ngoài ra, Ghana và các quốc gia Tây Phi khác nên thắt chặt luật pháp xung quanh quyền sở hữu các tàu đánh cá sử dụng lưới vét công nghiệp hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của các nước khu vực. Các cơ quan thực thi pháp luật cần đảm bảo chủ sở hữu tàu cá tuân thủ luật pháp liên quan. Để duy trì tính minh bạch, kết quả giám sát các hoạt động vi phạm phải được công bố công khai.

Hoạt động đánh bắt cá mang tính tận thu ở Tây Phi là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với toàn thế giới. Đầu năm 2019, phóng viên người Anh gốc Afghanistan Nelufar Hedayat cùng với các nhà hoạt động môi trường khác đã thâm nhập ngư trường để điều tra hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở Tây Phi. Phóng sự "Zwarte Vis" “Cá đen” đánh giá nhiều tàu thuyền của Trung Quốc đang đánh bắt cá ở Tây Phi nhưng không có giấy phép hợp pháp hoặc đang đánh bắt quá hạn ngạch cho phép. Sự kém hiệu quả trong việc thực thi pháp luật và sự thờ ơ của các nhà chức trách địa phương đang gây ra tình trạng nguy hiểm đối với nghề đánh bắt thủy sản và an ninh lương thực của khu vực. Nếu chính quyền các nước Tây Phi không hành động sớm, các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp này sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế, xã hội và môi trường trong nhiều thập kỷ tới./.

Thực hiện: Đinh Anh